TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 139
Vô tránh phân biệt
(Aranavibhanga Sutta)
The Exposition of Non-Conflict.
The Buddha gives a detailed discourse on things that lead to conflict and things that lead away from conflict.
Trình bày về không tranh cãi.
Phật giảng chi tiết về những điều đưa đến tranh cãi và những điều làm lắng dịu tranh chấp.
Phật dạy không nên theo dục lạc thấp kém, cũng không nên tự hành xác bằng khổ hạnh, cả hai cực đoan này đều thuộc tà đạo. Con đường trung đạo được Ngài thân chứng đã tác thành trí tuệ, giác ngộ, niết bàn, đấy là đạo bát chánh: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tiến, chánh niệm, chánh định. Nên biết khen chê nhưng không nên khen chê mà chỉ nói pháp.
Ví dụ nói Ai đam mê dục lạc là theo tà đạo, sẽ đau khổ, là có chỉ trích một số người; hoặc nói ai không đam mê dục lạc thì không đau khổ, thuộc thánh đạo, thì có tán thán một số người.
Nếu chỉ nói: Theo đuổi dục lạc hay khổ hạnh, không từ bỏ hữu kết sử là khổ, thuộc tà đạo, không xứng đáng bậc thánh, (nhưng không đề cập con người), ấy là chỉ thuyết pháp. Biết phân biệt lạc nhưng chỉ chú tâm nội lạc, có nghĩa năm dục thuộc về sắc thanh hương vị xúc gọi là dục lạc, đáng sợ hãi.
Hỷ lạc trong bốn thiền là ly dục lạc, không đáng sợ. Không nói lời bí mật, lời mếch lòng khi nó không thực, không ích lợi, không đúng thời. Nên nói từ từ, vì nói nhanh thì không rõ ràng, khó nghe; thân tâm và cổ họng bị tổn hại. Không bám vào địa phương ngữ xa với ngôn ngữ thường dùng, vì mỗi địa phương dùng một tiếng khác nhau, không nên chấp đây đúng kia sai.
Tóm lại, dục lạc thuộc tà đạo là pháp hữu tránh (có tranh chấp); lạc nào không dẫn đến đau khổ nhiệt não là pháp vô tránh; khổ hạnh là hữu tránh, trung đạo là vô tránh; khen chê là hữu tránh, chỉ nói Pháp là vô tránh; dục lạc là hữu tránh, ly dục lạc là vô tránh…
Sau khi biết như vậy, tỷ kheo nên hành trì pháp vô tránh.
III. CHÚ GIẢI
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
Phật dạy các tỷ kheo:
Chớ đam mê dục lạc
Cũng chớ tự hành xác
Cả hai đều thuộc tà.
Trung đạo Ngài thân chứng
Ðã tác thành trí tuệ
Giác ngộ và niết bàn
Tức là đạo bát chánh.
Biết tán thán chỉ trích
Nhưng không tán thán ai
Cũng không chỉ trích ai
Mà chỉ nên nói pháp.
Nên biết phân biệt lạc
Nhưng chỉ chuyên nội lạc.
Nói: Ai mê dục lạc
Là tà đạo, sẽ khổ,
Là chỉ trích một số;
Nói: Ai không tham dục
Là chánh đạo, không khổ,
Tức có khen một số.
Nếu chỉ nói như sau:
Dục lạc hay khổ hạnh,
Không bỏ hữu kết sử
Ðều khổ, thuộc tà đạo
Không xứng với bậc thánh,
Ấy là chỉ thuyết pháp.
Nên biết phân biệt lạc
Nhưng chỉ chuyên nội lạc:
Năm dục về sắc thanh
Hương vị xúc đáng sợ
Ðược gọi là dục lạc.
Hỷ lạc ở bốn thiền
Ly dục, không đáng sợ.
Không nói lời bí mật,
Hoặc những lời mếch lòng
Khi nó không chân thực,
Vô ích, không đúng thời.
Nói thì nên từ từ,
Rõ ràng và dễ nghe
Cũng khỏi làm tổn thương
Thân tâm và cổ họng.
Không bám địa phương ngữ
Trái ngôn ngữ thường dùng,
Vì mỗi vùng một khác,
Không nên chấp đúng sai.
Cái gì không xứng thánh
Không liên hệ mục đích
Có đau khổ phiền lao
Ðều thuộc về tà đạo
Gọi là pháp hữu tránh
(có đưa đến tranh chấp).
Dục lạc và khổ hạnh;
Tán thán và chỉ trích
Nhưng không có nói pháp;
Lời bí mật, mếch lòng,
Chấp trước địa phương ngữ…
Thuộc tà đạo, hữu tránh
Thiền lạc và trung đạo
Nói pháp, không khen chê
Không nói lời vô ích
Không chấp địa phương ngữ
Là chánh đạo vô tranh
Sau khi biết như vậy
Vô tránh nên hành trì.
-ooOoo-
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 20