Toát yếu Trung bộ 152 : Tu tập căn

Toát yếu Trung bộ 152 : Tu tập căn

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 152

Tu tập căn
(Indriyabhavana Sutta)

  1. TOÁT YẾU

The Development of the Faculties.

The Buddha explains the supreme development of the control over the sense faculties and the arahants’ mastery over his perceptions.

Sự tu tập các giác quan.

Phật giải thích cách tu tập tối thượng là kiểm soát các giác quan và làm chủ các tưởng (nhận thức) nơi vị A la hán.

  1. TÓM TẮT

Thanh niên Uttara đệ tử của bà la môn Pàsàriya đi đến hầu thăm Phật. Phật hỏi thầy anh dạy đệ tử tu tập căn như thế nào. Thanh niên đáp, mắt đừng thấy sắc, tai đừng nghe tiếng… Bà la môn thuyết giảng về tu tập căn như vậy. Phật dạy nếu thế thì hóa ra mù và điếc là những người tu tập căn cả sao. Thanh niên cúi đầu hổ thẹn vì không trả lời được.

Khi ấy Phật gọi tôn giả A Nan mà dạy rằng, trong giới luật của các bậc thánh, vô thượng căn tu tập không phải như vậy. Tôn giả xin Phật thuyết giảng.

Phật dạy vô thượng căn tu tập là khi mắt thấy sắc, ý khởi lên hoặc vui, khổ, hoặc khổ, hoặc dửng dưng vị ấy đều biết rõ nhưng cũng biết thêm rằng, cái gì có khởi lên vì là hữu vi nên thô. Chỉ có cái này là thực, thù diệu, đó là xả. Cho nên dù khởi lên bất cứ cảm thọ nào trong ba loại ấy, tất cả đều đoạn diệt chỉ tồn tại xả. Khi tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc, ý nhận thức cũng đều như vậy, tất cả cảm thọ đều đoạn diệt nơi vị ấy, chỉ còn lại xả, như nước không đọng trên lá sen chúc xuống.

Ðạo lộ của bậc hữu học là, mỗi khi các căn xúc tiếp với trần cảnh tự thấy mình còn khởi một trong ba loại cảm thọ ấy mà không xả bỏ, thì lấy làm hổ thẹn. Còn bậc thánh thì, khi muốn an trú tưởng yểm ly (đối với vật khả ái) hoặc tưởng không yểm ly (như khởi tâm từ trước sự vật đáng chán ghét) hoặc tưởng xả, đều có thể làm được như ý muốn. Ðây là sự tu tập căn đối với bậc thánh.

Vậy, này A Nan, Ta đã giảng thế nào là vô thượng căn tu tập trong giới luật bậc thánh, thế nào là đạo lộ bậc hữu học, thế nào là các căn đã được tu tập nơi bậc thánh. Ðây là những gốc cây, chỗ trống, các người hãy thiền tư chớ phóng dật mà phải hối hận về sau.

III. CHÚ GIẢI

Kinh này phân biệt giữa lối tu tập còn chấp tướng và lối tu vô tướng. Chấp tướng là lối tu nhắm mắt bưng tai, không dám tiếp xúc với đời vì sợ nổi tham, sân… vì quan niệm nhiễm ô là do ngoại cảnh. Phật dạy kinh này cốt cho thấy cách ấy sai. Vì ô nhiễm là ở tâm, không phải ở nơi con mắt hay sắc đẹp. Cho nên Phật nhấn mạnh lối tu có trí tuệ, là khi mắt thấy sắc, phải ý thức sự ưa, ghét, hay dửng dưng đang khởi lên, lại rõ biết ba loại cảm thọ ấy vô thường vì sẽ thay đổi, chấm dứt. Như vậy thì không đến nỗi yêu mê man tàn tật hay ghét cay ghét đắng. Thái độ quá khích này là do vô ý thức. Khi có ý thức thì chỉ chứng kiến tất cả nhưng cái tôi không can dự. Ấy gọi là giải thoát nhờ tuệ, không cần tránh né sắc thanh, không cần trốn đời để vào trong núi. Ðấy là tu tập giác quan cách cao nhất. Bất cứ gì cũng không thể khuấy động người ấy, như nước không đọng lại trên lá sen lá môn.

Tu tập theo kiểu ấy khi chưa thành tựu (có khi cũng còn nổi ưa ghét) thì gọi là hữu học, vì còn phải tự chế, tự tri. Khi đã thành tựu, hoàn toàn làm chủ yêu ghét thì gọi là tự tại, thái độ của một bậc A la hán vô học. Khi cần yêu, vị ấy yêu. Như gặp ai làm hại mình, đánh giết mình, vị ấy có thể khởi lên niềm thương yêu lai láng, như thái độ của chúa Giê su khi bị đóng đinh. Khi cần chán ghét, vị ấy chán ghét. Ấy là khi sắc đẹp tiếng hay muốn đến dẫn dụ mình, thì khởi chán ghét để dù thấy nghe cũng như không.

  1. PHÁP SỐ
    V. KỆ TỤNG

Phật hỏi Uttara
Ðệ tử bà la môn
Thầy anh dạy những gì
Về các căn tu tập.
Thanh niên đáp lời rằng
Con mắt chớ thấy sắc,
Tai đừng nghe âm thanh…
Tu tập căn là vậy.
Phật dạy nếu thế thì
Hóa ra mù và điếc
Lại chính là những người
Tu tập căn tối thượng?
Thanh niên không đáp được
Phật bèn gọi A Nan
Dạy cách tu tập căn
Trong giới luật bậc thánh:
Khi con mắt thấy sắc,
Ý có thể khởi lên
Vui, khổ, hoặc dửng dưng
Vị ấy đều biết rõ.
Nhưng cũng biết thêm rằng,
Cái gì có khởi lên
Vì hữu vi nên thô.
Chỉ là xả thù diệu.
Cho nên dù khởi lên
Bất cứ cảm thọ nào
Tất cả đều đoạn diệt
Chỉ tồn tại tâm xả.
Khi tai nghe, mũi ngửi,
Lưỡi nếm, thân xúc giác,
Ý nhận thức các pháp
Cũng đều như vậy cả
Ðoạn diệt mọi cảm thọ
Chỉ còn duy nhất xả,
Như nước không đọng lại
Trên lá sen chúc xuống.
Một vị hữu học đạo
Mỗi khi căn xúc cảnh
Tự thấy mình còn khởi
Một trong ba cảm thọ
Mà không xả bỏ liền,
Thì lấy làm hổ thẹn.
Còn đối với bậc thánh
Thì có thể tùy nghi:
Hoặc trú tưởng yểm ly
(đối với vật khả ái)
Hoặc tưởng không yểm ly
(như là khởi tâm từ
trước sự vật đáng chán)
Hoặc ý tưởng xả bỏ,
Không gì không thể làm.
Ðây là tu tập căn
Ở nơi một bậc thánh.
Vậy, này hỡi A Nan,
Vô thượng căn tu tập
Trong giới luật bậc thánh,
Ðã được Ta giảng dạy
Đạo lộ tu tập căn
Hữu học và vô học,
Ta cũng đã nói xong.
Hãy đến nơi gốc cây,
Hoặc chỗ nào vắng vẻ,
Mà tư duy tu tập
Chớ phóng dật buông lung
Ðể về sau hối hận.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 78

Post Views: 355