TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 75
Magandiya
Magandiya Sutta – To Magandiya
The Buddha meets the hedonist philosopher Magandiya and points out to him the dangers in sensual pleasures, the benefits of renunciation, and the meaning of Nibbàna.
Giảng cho Magandiya.
Phật gặp người theo thuyết hưởng lạc tên Magandiya và chỉ cho ông ta thấy những nguy hiểm trong năm dục, lợi ích của xuất ly và ý nghĩa của Niết Bàn.
Phật đến nghỉ trong nhà lửa của một Bà la môn, và buổi sáng đắp y cầm bát đi khất thực. Du sĩ Magandiya đến nhà Bà la môn trông thấy thảm cỏ dành cho Phật, bảo Bà la môn rằng thật là môt sự bất hạnh khi ông thấy thảm cỏ của Gotama một vị phá hoại sự sống (1). Bà la môn bảo du sĩ hãy thận trọng trong lời nói, vì tôn giả Gotama được nhiều trí tôn trọng, là người đã tu theo thánh đạo. Magandiya bảo dù có mặt tôn giả Gotama bây giờ, ông cũng sẽ nói vậy, vì thánh điển của ông đã truyền lại như thế.
Phật đang ngồi trong rừng, với thiên nhĩ thanh tịnh, nghe được câu chuyện ấy bèn trở về nhà lửa của Bà la môn, Ngài hỏi có phải du sĩ Magandiya đã nói về thảm cỏ này không. Bà la môn hoảng kinh bạch Phật đó là điều ông sắp nói, không ngờ Phật đã biết. Khi ấy Magandiya xuất hiện.
Phật hỏi Magandiya có phải vì Ngài chủ trương hộ trì năm giác quan nên ông cho là Ngài phá hoại sự sống. Du sĩ xác nhận, và đưa thánh điển của mình ra làm chứng.
Phật hỏi ông, nếu một người sau khi thụ hưởng chán chê năm dục lạc, thấy rỏ sự nguy hiểm trong đó, và xuất ly các sắc, thanh, hương, vị, xúc, sống với nội tâm an tịnh, với khát ái được đoạn trừ. Về một người như vậy ông có ý kiến gì không? Du sĩ nói không. Phật dạy khi còn tại gia Ngài hưởng thụ đầy đủ năm dục (2), nhưng sau một thời gian thấy rõ vị ngọt, sự nguy hiểm của chúng, Ngài đã đoạn tận dục ái, trừ diệt sự nóng bức của dục, an trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Khi thấy các chúng sanh khác chưa xả ly năm dục, đang bị dục thiêu đốt, Ngài không ao ước được như họ. Vì Ngài đã nếm được hỉ lạc của thiền định ly dục, ly bất thiện pháp, siêu quá hỉ lạc cỏi trời (3) nên Ngài không còn ao ước cái gì thấp kém.
Phật đưa ra hai ví dụ về dục lạc so với thiền lạc.
Ví dụ 1: Một người sinh lên cỏi trời 33, được chúng thiên nữ hầu hạ, thọ hưởng các thiên dục một cách sung mãn. Khi trông thấy người đời thọ hưởng năm dục, vị trời kia có khao khát trở lui về các dục của loài người không? Du sĩ nói không, vì dục cỏi trời vô cùng vi diệu hơn cỏi người. Phật dạy cũng vậy khi còn tại gia Ngài đã hưởng thụ năm dục một cách sung mãn; nhưng về sau khi đã chứng trú hỉ lạc thiền định, Ngài không còn ham thích dục lạc thấp kém.
Ví dụ 2: Người bệnh cùi với thân thể lở lói dùng ngón tay cào rách miệng các vết thương cho chảy máu và đốt mình trên hố than hừng; trong lúc ấy người cùi cảm thấy khoái trá (4) vì dịu cơn ngứa. Nhưng một người lành mạnh hay một người cùi đã hết bệnh, khi nhìn thấy cảnh tượng máu me và lửa nóng ấy, có ao ước được như người cùi kia không? Du sĩ đáp không, người khỏi bệnh hay người không bệnh sẽ xem cảnh ấy là đáng sợ. Phật dạy người đã ly dục, ly bất thiện pháp, trú trong hỉ lạc thiền định nhìn năm dục cũng vậy, xem nó là khổ não nóng bức. Chỉ vì chúng sanh chưa đoạn trừ tham ái, bị ái dục thiêu đốt, nên có ảo tưởng lạc thọ trong năm dục.
Một người còn hưởng thụ đầy đủ năm dục, chưa trừ diệt sự nóng bức của dục vọng thì không thể an trú với khác ái đã được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Khi ấy Phật thốt lên bài kệ đã phổ biến trong quần chúng (5):
Không bệnh, lợi tối thắng
Niết bàn, lạc tối thắng
Bát chánh là độc đạo
An ổn là bất tử.
Du sĩ xác nhận ông cũng đã được nghe các tôn sư của ông truyền lại bài kệ ấy. Phật hỏi ông thế nào là không bệnh, thế nào là Niết bàn. Du sĩ trả lời rằng tôi nay không có bệnh tật gì, được an lạc (6). Phật dạy ví như người mù bị gạt về màu sắc, du sĩ cũng bị gạt về vô bệnh và Niết bàn. Vì thân này chính là bệnh, là cục bướu, là mũi tên, là điều bất hạnh. Khi đã biết gì là không bệnh, ông có thể thấy Niết bàn. Khi pháp nhãn khởi lên, lòng tham đối với năm thủ uẩn được đoạn trừ, ông có thể thấy trong một thời gian dài đã bị tâm này lừa gạt, khiến ông chấp thủ vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức (7). Do chấp thủ nên có hữu, do có hữu sinh, do sinh có già chết. Đó là tập khởi của toàn bộ khổ uẩn.
Khi ấy du sĩ xin Phật thuyết pháp cho ông để hết mù. Phật dạy ông hãy thân cận các vị chân nhân để được nghe diệu pháp. Nhờ nghe pháp ông sẽ sống đúng với chánh pháp. Nhờ sống đúng chánh pháp ông sẽ tự chứng biết thân này là bệnh, cục bướu, mũi tên, sẽ biết những pháp này (8) được trừ diệt không có dư tàn. Do chấp thủ được trừ diệt nên già chết diệt. Như vậy là đoạn diệt toàn bộ khổ uẩn.
Du sĩ Magandiya tán thán Phật, xin quy y và xuất gia thọ đại giới. Phật dạy ai trước kia là ngoại đạo muốn xuất gia phải qua bốn tháng biệt trú. Du sĩ tình nguyện biệt trú bốn năm. Sau khi thọ đại giới không bao lâu, ông chứng được mục đích tối cao mà con cháu các lương gia khi từ bỏ gia đình sống không gia đình hướng đến: Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này không còn đời nào khác.
III. CHÚ GIẢI
(1) Bhùnahuno, kẻ phá hoại sự sống. Luận giải thích du sĩ có quan điểm rằng sự “trưởng thành” cần phải được thực hiện qua 6 giác quan, bằng cách kinh nghiệm bất cứ cảnh vật nào ta chưa từng kinh nghiệm trước kia, không bám vào các đối tượng đã quen thuộc. Quan điểm này có vẻ gần với thái độ người ta hiện nay, cho rằng hạnh phúc tối thượng chính là nồng độ và sự đa dạng của kinh nghiệm, bởi thế cần theo đuổi kinh nghiệm không hạn chế.
(2) Phụ thân của Ngài, Đức Vua đã cung cấp cho Ngài 3 cung điện và nhiều phụ nữ vây quanh với hy vọng giữ Ngài lại trong đời sống thế tục, làm cho Ngài lãng quên ý tưởng xuất gia.
(3) Theo Luận, điều này được nói để ám chỉ sự đắc quả A la hán căn cứ trên tứ thiền.
(4) Từ ngữ này ám chỉ “điên đảo tưởng” thấy khổ cho là vui. Luận nói dục lạc là đau khổ vì chúng gợi lên những ô nhiễm và vì chúng đem lại quả khổ trong tương lai.
(5) Toàn bài kệ đã được Chư Phật quá khứ tụng đọc giữa bốn hội chúng. Quần chúng học thuộc xem như một bài kệ liên hệ đến điềm lành. Sau khi Đức Phật cuối cùng qua đời, bài kệ này lan truyền trong các du sĩ, nhưng họ chỉ có thể nhớ được hai câu đầu.
(6) Magandiya rõ ràng đã hiểu câu này phù hợp với tà kiến thứ 58 trong Kinh Phạm Võng: “Khi tự ngã này được cung cấp 5 dục trưởng dưởng, hoan lạc trong đó, vào lúc ấy tự ngã đạt đến Niết bàn tối thượng trong hiện tại, ngay ở đây”. (Trường Bộ kinh I).
(7) Từ ngữ này ngụ ý vị ấy bám víu sắc, thọ, … được lầm tưởng là tôi, của tôi và tự ngã của tôi. Khi khởi lên tri kiến đắc quả Dự lưu thì kiến chấp về ngã được đoạn trừ, và vị ấy hiểu rằng 5 uẩn chỉ là những hiện tượng trống rỗng vô ngã.
(8) Những pháp này ám chỉ năm uẩn.
5 dục, 5 căn, 12 nhân duyên.
Phật nghỉ trong nhà lửa
Của một Bà la môn
Vào buổi sáng đắp y
Cầm bát đi khất thực.
Du sĩ Magandiya
Khi trông thấy thảm cỏ
Dành cho Đức Thế Tôn
Đã phẫn nộ bất mãn.
Ông nói với chủ nhà:
– Thật là một bất hạnh
Khi trông thấy thảm cỏ
Kẻ phá hoại sự sống.
Phật ngồi thiền trong rừng
Với thiên nhĩ thanh tịnh
Nghe được bèn trở về
Nhà lửa Bà la môn
Ngài hỏi: “Có phải chăng
Lúc Như Lai vắng mặt
Đã khởi lên câu chuyện
Về cái thảm cỏ nầy?”
Rồi Phật hỏi du sĩ
“Phải chăng ông ám chỉ
Hộ trì năm giác quan
Là phá hoại sự sống?”
-Thưa Cồ Đàm chính phải
Đấy là lời truyền dạy
Của các bậc tôn sư
Trong giáo phái của tôi.
“Ta xưa kia hưởng dục,
Thấy dục lạc hiểm nguy
Ta đoạn tận dục ái
An trú tâm tịch tịnh.
Khi thấy các chúng sinh
Đang bị dục thiêu đốt,
Ta không ước như họ
Trở về hưởng dục lạc
Vì Ta đã nếm được
Vị ngọt của thiền lạc
Ly dục, ly bất thiện
Hơn hỉ lạc chư thiên.
Như người sinh lên trời
Thọ hưởng các thiên dục
Thì không còn khát khao
Trở lui về nhân dục.
Lại như kẻ bệnh cùi
Cào rách các vết thương
Hơ trên hố than hừng
Để cảm thấy dễ chịu.
Nhưng với người không bệnh
Sẽ không có ước muốn
Cào quấu và hơ lửa
Lại xem là đáng sợ.
Cũng vậy người ly dục
Trú hỉ lạc thiền định
Xem dục lạc ở đời
Là nóng bức khổ não
Bị ái dục thiêu đốt
Chúng sanh có ảo tưởng
Năm dục là an vui”.
Rồi Phật thốt lời kệ:
“Không bệnh, lợi tối thắng
Niết bàn, lạc tối thắng
Bát chánh là độc đạo
An ổn và bất tử”.
Các tôn sư của con
Cũng truyền tụng kệ này
Thế nào là không bệnh,
Thế nào là Niết bàn?
Con nay không bệnh tật
Hoàn toàn được an ổn.
“Ông đã bị lừa gạt
Về vô bệnh, Niết bàn
Vì thân chính là bệnh,
Là cục bướu, mũi tên,
Khi pháp nhãn khởi lên,
Hết tham năm thủ uẩn
Như người mù sáng mắt
Khi ấy ông sẽ thấy
Thế nào là vô bệnh,
Thế nào là Niết bàn
Ông sẽ thấy lâu nay
Bị tâm mình lừa gạt,
Khiến ông chấp thủ sắc,
Và thọ, tưởng, hành, thức.
Do chấp thủ có hữu,
Do hữu có sinh ra
Do sinh có già chết
Là tập khởi của khổ”.
Du sĩ Magandiya
Đảnh lễ cầu xin Phật:
-Xin Thế tôn thuyết pháp
Cho con hết bệnh mù.
“Hãy thân cận chân nhân
Để được nghe diệu pháp
Nhờ nghe được chính pháp
Ông sẽ sống đúng pháp
Khi đã sống đúng pháp
Ông sẽ tự chứng biết
Thân là bệnh, cục bướu
Sự chấp thân trừ diệt
Do thủ diệt, hữu diệt,
Do hữu diệt, sinh diệt,
Sinh diệt, già chết diệt
Đây là đoạn diệt khổ”.
Du sĩ Magandiya
Xuất gia thọ đại giới
Đạt mục đích tối cao
Thành vị A la hán.
-ooOoo-
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 24