Toát yếu trung bộ 077 : Mahàsakuludàyi

Toát yếu trung bộ 077 : Mahàsakuludàyi

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 77

Mahàsakuludàyi

  1. TOÁT YẾU

Mahàsakuludàyi Sutta – The Greater discourse to Sakuludàyi.

The Buddha teaches a group of wanderers the reasons why his disciples venerate him and look to him for guidance.

Bài giảng dài cho Sakuludayi.

Phật dạy cho một nhóm du sĩ những lý do vì sao các đệ tử Ngài tôn trọng Ngài và sống dưới sự hướng dẫn của Ngài.

  1. TÓM TẮT

Phật đi đến tu viện các du sĩ do Sakuladayi cầm đầu. Sakuludayi chào đón Phật và bạch Phật, trong khi các đạo sư nổi tiếng của ngoại đạo như Makkhali Gosala, Ni kiền tử… được quần chúng tôn sùng, họ lại không được các đệ tử của họ tôn trọng, sống nương tựa. Mỗi khi thuyết pháp, họ bị các đệ tử tranh lời, kích bác, mạ lị. Ngược lại, sa môn Gotama được quần chúng tôn sùng, lại được các đệ tử cung kính tôn trọng. Mỗi khi Ngài thuyết pháp giữa hội chúng hàng trăm người, thì không có một tiếng ho giữa các đệ tử. Ðại chúng sống nhiệt tình kỳ vọng nơi Phật, ngay cả những đệ tử hoàn tục vì cãi lộn với bạn đồng tu, vẫn tán thán bậc Đạo sư, tán thán Pháp và Tăng, chỉ tự trách mình thiếu phước không thể sống phạm hạnh cho đến trọn đời. Như vậy sa môn Gotama được đệ tử cung kính sống nương tựa.

Và theo Ưu đà di sở dĩ như vậy là nhờ Ngài có 5 đức và tán thán năm đức:

  1. Ăn ít;
    2. Biết đủ với bất cứ loại y phục nào;
    3. Biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào;
    4. Biết đủ với bất cứ loại sàng tọa nào;
    5. Ngài sống viễn ly.

Phật dạy không phải do 5 điều ấy mà các đệ tử cung kính Ngài, vì có nhiều đệ tử của Ngài còn khổ hạnh hơn Ngài gấp bội, xuất sắc hơn Ngài về 5 phương diện ấy. Nhưng chính do 5 pháp sau đây khiến họ cung kính nương tựa vào Như Lai. Ðó là:

  1. Ngài đã thành tựu Giới uẩn tối thượng, các đệ tử thán phục Ngài về tăng thượng giới;
  2. Tri kiến vi diệu nhờ đó Như Lai thuyết pháp với thắng trí, có nhân duyên, có thần thông lực.
  3. Ngài thành tựu trí tuệ tối thượng, biết trước các đường lối lý luận [1] trong tương lai nên các đệ tử của Ngài không bao giờ gián đoạn một cuộc đàm thoại đang diễn tiến;
  4. Ngài khéo trả lời cho đệ tử khi họ đắm chìm trong đau khổ. Ngài làm cho tâm họ thỏa mãn với pháp tứ diệu đế;
  5. Ngài thuyết giảng con đường tu hành gồm có: 4 niệm xứ [2], 4 chánh cần, 4 thần túc, 5 căn, 5 lực, bảy giác chi, thánh đạo tám ngành, nhờ an trú các pháp này mà đệ tử chứng ngộ thắng trí [3].

Ngài dạy 8 giải thoát [4], 8 thắng xứ [5], quán nội sắc thấy ngoại sắc có hạn lượng, và do nhiếp thắng chúng, vị ấy thấy biết, đây là thắng xứ thứ nhất [6]. Quán nội sắc thấy ngoại sắc vô hạn và nhiếp thắng chúng, vị ấy thấy biết, là thắng xứ thứ hai. Không quán nội sắc, thấy ngoại sắc có hạn lượng là thắng xứ thứ ba [7]; thấy ngoại sắc vô hạn lượng và nhiếp thắng, là thắng xứ thứ tư. Bốn thắng xứ kế tiếp là do quán vô sắc nội tâm, thấy các ngoại sắc thuần tịnh màu xanh, vàng, đỏ, trắng và sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy thấy biết.

Ngài giảng dạy cách tu tập 10 biến xứ [8], 4 thiền. Ly dục ly bất thiện pháp, vị tỳ kheo chứng trú thiền thứ nhất có tầm có tứ, với hỉ lạc do ly dục sinh [9]… cho đến thiền thứ tư không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Ngài giảng dạy đệ tử tuệ tri [10] thân này là sắc pháp do duyên sinh; trong thân ấy thức nương tựa và bị trói buộc như sợi dây xâu qua những viên ngọc.

Ngài thuyết giảng về con đường tu hành để hóa hiện một thân ý sinh, để đắc các thắng trí như biến hình, thiên nhĩ, thiên nhãn, túc mạng, tha tâm, và lậu tận. Ðây là những pháp làm cho đệ tử cung kính tôn trọng và sống nương tựa Ngài.

III. CHÚ GIẢI

  1. Nanamoli dịch “hậu quả của một lời xác nhận.” Dường như có nghĩa rằng Phật hiểu rõ tất cả những ẩn ý của giáo lý Ngài cũng như của học thuyết khác. Câu này cũng có thể ngụ ý rằng trong những kinh như Phạm Võng, Phật đã đưa ra một lời phê bình có thể áp dụng cho bất cứ lý thuyết nào có thể khởi lên trong tương lai, về các tư tưởng triết học tôn giáo.
  2. Ðược giải thích đầy đủ trong kinh số 10. Bảy nhóm thiện pháp đầu tiên là 37 bồ đề phần pháp.
  3. Luận giải thích là sự đắc quả A la hán. Ðây có lẽ là ý nghĩa duy nhất của danh từ ba-la-mật khi nó xuất hiện trong 4 Nikayà. Trong văn học Thượng tọa bộ về sau, khởi đầu với Buddhaghosa, danh từ này bắt đầu có ý nghĩa những đức tính toàn hảo mà một bồ tát phải hoàn tất trải qua nhiều đời kiếp để thành Phật. Trong ý nghĩa ấy nó tương đương với danh từ ba-la-mật của văn học đại thừa, mặc dù con số những đức tính kể ra có phần khác nhau.
  4. Luận giải thích giải thoát ở đây có nghĩa sự giải phóng hoàn toàn (nhưng tạm thời) của tâm thức khỏi những pháp đối lập và sự giải phóng hoàn toàn nhưng tạm thời của nó do thích thú với đối tượng. Sự giải thoát đầu là đắc Tứ Thiền có sự dụng một biến xứ xuất phát từ một vật có màu sắc trên cơ thể của mình; thứ hai là sự đắc các thiền do sử dụng một biến xứ từ một đối tượng bên ngoài; thứ ba có thể hiểu là sự đắc thiền nhờ một biến xứ thuần tịnh, có màu sắc rất đẹp, hoặc nhờ 4 phạm trú. Những giải thoát còn lại là những định chứng vô sắc và định diệt tận.
  5. Theo Kinh sớ, những pháp này gọi là Thắng xứ vì chúng vượt lên trên các pháp đối nghịch và các đối tượng, nhờ áp dụng phương pháp đối trị thích hợp và nhờ khởi lên tri kiến.
  6. Theo kinh sớ, thiền giả làm công việc chuẩn bị với một hình tướng nội tại – ví dụ màu xanh của con mắt cho biến xứ màu xanh, da cho biến xứ màu vàng, máu cho biến xứ màu đỏ, răng cho biến xứ trắng – nhưng khi định tướng xuất hiện thì ở ngoài. Sự “vượt qua các hình tướng” là sự đắc định đồng lúc với tướng khởi lên. Nghĩ rằng tôi biết, tôi thấy là một chướng ngại khởi lên sau khi vị ấy xuất định chứng chứ không phải khi đắc định. Thắng xứ thứ 2 chỉ khác thắng xứ đầu do sự trải rộng tướng từ hữu hạn thành vô hạn.
  7. Kinh sớ: thắng xứ thứ 2 và thứ 4 bao hàm công việc chuẩn bị được làm trên một tướng bên ngoài và sự khởi lên tướng ở bên ngoài. Thắng xứ thứ 5 cho đến thứ 8 khác với thứ 3 và thứ 4 về sự thuần tịnh thù thắng và ánh sáng của những màu sắc.
  8. Biến xứ là một đối tượng thiền quán phát xuất từ một vật làm bằng tứ đại dùng làm cơ sở để đắc “tướng” ở bên trong. Ví dụ một cái đĩa làm bằng đất sét có thể dùng làm đối tượng để thực hành pháp tu biến xứ đất, một bát nước dùng để tu tập biến xứ nước. Các biến xứ được giải thích chi tiết trong Thanh tịnh đạo 4 và 5. Tuy nhiên biến xứ hư không ở đấy được giới hạn vào không gian hữu hạn, và biến xứ thức được thay bằng biến xứ ánh sáng.
  9. Những ví dụ về thiền cũng xuất hiện trong kinh 39, như các thí dụ về 3 loại trí sau cùng.
  10. Các đoạn mô tả 8 thắng trí theo kinh Sa Môn Quả, là những kết quả thù thắng của hạnh sa môn.
  11. PHÁP SỐ

2 giải thoát, 3 lậu hoặc, 4 đại, 4 thiền, 4 niệm xứ, 4 chánh cần, 4 thần túc. Năm căn, 5 lực, 5 pháp do đó các đệ tử tôn trọng Phật. Năm pháp do đó ngoại đạo tán thán Phật: ăn ít, biết đủ về hành, mặc, ở, sống viễn ly. 6 thần thông. 7 giác chi. Tám giải thoát, tám thắng xứ, 8 thánh đạo. 10 biến xứ, 37 pháp trợ đạo.

  1. KỆ TỤNG

Phật đến thăm tu viện
Của Sakuludayi
Du sĩ chào đón Phật
Và khởi sự luận đàm

Du sĩ bạch Thế tôn
– Các đạo sư nổi tiếng
Ðược quần chúng tôn sùng
Không được đệ tử nể

Mỗi khi họ thuyết pháp
Các đệ tử tranh lời
Kích bác và mạ lị
Chẳng ra thể thống gì.

Sa môn Gotama
Ðược quần chúng tôn sùng
Ðược đệ tử tôn trọng
Thật là điều hy hữu.

Mỗi khi Ngài thuyết pháp
Giữa hội chúng hàng trăm
Không có một tiếng ho
Giữa những người nghe pháp.

Chúng đệ tử của Phật
Sống nương tựa vào Ngài
Họ nhiệt tình kỳ vọng
Nơi đức Phật Thế tôn.

Ngay cả người hoàn tục
Vẫn tán thán Tam bảo.
Chỉ tự trách thiếu phước
Không tu đến trọn đời

Theo Ưu đà di nghĩ
Do Ngài có 5 đức
Nên đệ tử tôn trọng
Và sống nương tựa Ngài:

Ngài hành hạnh ăn ít
Và ngợi khen ăn ít;
Biết đủ về y phục
Và ca ngợi biết đủ;

Về món ăn khất thực
Và chỗ nằm cũng vậy
Và Ngài sống viễn ly
Ðây là năm hạnh đức

“Nếu do 5 điều ấy
Thì có nhiều đệ tử
Còn khổ hạnh gấp mấy
Sẽ không tôn trọng ta

Nhưng này Ưu đà di
Chính 5 pháp sau đây
Khiến họ sống nương tựa
Và tôn kính Như Lai

Thành tựu thánh giới uẩn;
Có Tri kiến vi diệu
Thuyết pháp với thắng trí
Lợi ích cho người nghe;

Ðạt trí tuệ tối thượng
Nên các đệ tử Ngài
Không bao giờ gián đoạn
Cuộc đàm thoại diễn tiến;

Khéo trả lời đệ tử
Bị đắm chìm đau khổ
Làm tâm họ thỏa mãn
Với pháp 4 diệu đế;

Giảng dạy con đường tu
4 niệm xứ, 4 cần
5 căn và 5 lực
7 giác chi, 8 chánh

Dạy tu 8 giải thoát
Và tu 8 thắng xứ,
10 biến xứ, 4 thiền
Dạy tuệ tri thân xác

Là sắc do duyên sinh
Trong đây thức nương tựa
Và đang bị trói buộc
Như dây xuyên hạt ngọc.”

Ngài thuyết giảng đường tu
Ðể hiện thân ý sinh,
Ðể đắc các thắng trí
Như biến hình, thiên nhĩ

Như túc mạng, tha tâm
Cho đến đắc lậu tận;
Khiến đệ tử tôn trọng
Và sống nương tựa Ngài.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 25

Post Views: 262