TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 118
Nhập tức xuất tức niệm
Nàpànasati Sutta – Mindfulness of Breathing.
An exposition of sixteen steps in mindfulness of breathing and of the relation of this meditation to the four foundations of mindfulness and the seven enlightenment factors.
[Trình bày 16 bước trong pháp niệm hơi thở, tương quan giữa thiền pháp này với Bốn niệm xứ và Bảy giác chi.]
Vào lễ tự tứ [1] đêm rằm, Phật ngồi giữa trời được vây quanh bởi một đại chúng gồm những vị thượng thủ danh tiếng. Ngài đưa mắt nhìn quanh rồi khen hội chúng này thật toàn hảo, đãđắc quả từ Dự lưu đến A la hán, hoặc là những vị chuyên tu thiền bốn niệm xứ cho đến bát thánh đạo. Ngài tuyên bố sẽ ở lại đấy (Xá vệ) cho đến tháng tư lễ Komudi [2]. Những tỷ kheo tại địa phương đến quy tụ để hành thiền. Họ chuyên tâm tu tập bốn phạm trú, tu tưởng bất tịnh, tưởng vô thường, hoặc tu niệm hơi thở vô ra.
Pháp môn niệm hơi thở này, nếu được tu tập viên mãn, sẽ đưa đến kết quả lớn là viên mãn bốn niệm xứ. Do viên mãn bốn niệm xứ mà bảy giác chi được viên mãn. Do bảy giác chi viên mãn mà minh giải thoát được viên mãn.
Như thế nào tu niệm hơi thở được viên mãn sẽ có kết quả lớn, công đức lớn? Vị tỷ kheo đi đến chỗ trống, ngồi kiết già lưng thẳng an trú chính niệm trước mặt. Chính niệm, vị ấy thở vô, chính niệm vị ấy thở ra.
Thở vô dài, vị ấy biết tôi thở vô dài. Hay thở ra dài, vị ấy biết tôi thở ra dài. Hay thở vô ngắn, vị ấy biết tôi thở vô ngắn. Hay thở ra ngắn, vị ấy biết tôi thở ra ngắn. Vị ấy tập: Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô. Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô. An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra. [3]
Vị ấy tập: Cảm giác hỷ thọ [4], tôi sẽ thở vô. Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô. Cảm giác lạc thọ [5], tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô. Cảm giác tâm hành [5], tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô. An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra.
Vị ấy tập: Cảm giác về tâm [6], tôi sẽ thở vô. Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Với tâm hân hoan [6], tôi sẽ thở vô. Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Với tâm định tĩnh [6], tôi sẽ thở vô. Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Với tâm giải thoát [6], tôi sẽ thở vô. Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra.
Vị ấy tập: Tùy quán vô thường, tôi sẽ thở vô [7]. Tùy quán vô thường, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Tùy quán ly dục, tôi sẽ thở vô. Tùy quán ly dục, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Tùy quán tịch diệt, tôi sẽ thở vô. Tùy quán tịch diệt, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Tùy quán xả ly, tôi sẽ thở vô. Tùy quán xả ly, tôi sẽ thở ra.
Bốn pháp đầu, trong khi quán thân thể [8] như là thân thể, vị tỷ kheo nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm để điều phục tham ưu ở đời. Khi quán cảm thọ [9] như là cảm thọ với bốn pháp tiếp theo, vị tỷ kheo nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm để điều phục tham ưu ở đời. Với nhóm bốn pháp thứ ba, trong khi quán tâm trên tâm [10], vị tỷ kheo nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệmđể điều phục tham ưu [11] ở đời. Trong khi quán pháp trên các pháp với nhóm bốn pháp thứ tư cũng vậy. Như vậy là bốn niệm xứ được viên mãn nhờ quán hơi thở vô ra.
Bảy giác chi [12]: Trong khi tỷ kheo tùy quán thân trên thân, niệm giác chi phát sinh và đi đến viên mãn. Nhờ tư duy thẩm sát trong khi có chính niệm [13] trạch pháp giác chi sinh khởi và đi đến viên mãn. Trong khi thẩm sát pháp ấy, sự tinh tấn không thụ động khởi lên gọi là tinh tấn giác chi, và khi tinh tấn giác chi viên mãn thì hỷ phi vật chất sinh khởi. Tâm hoan hỷ đi đến viên mãn sẽ khiến thân tâm khinh an, là khinh an giác chi. Khi tâm được khinh an, an lạc, sẽ đưa đến định giác chi, và với tâm định tĩnh thì dễ nhìn sự vật với thái độ xả, đấy là xả giác chi. Ðối với ba nhóm còn lại là thọ, tâm, pháp cũng thế.
Minh giải thoát: Bảy giác chi được tu tập viên mãn khiến cho minh giải thoát được viên mãn là vì cả bảy giác chi đều liên hệ đến viễn ly, ly tham, diệt, xả ly.
III. CHÚ GIẢI
Ðêm trăng rằm tự tứ
Ðức Phật ngồi giữa trời
Với đại chúng vây quanh
Toàn thượng thủ danh tiếng.
Ngài đưa mắt nhìn quanh
Khen hội chúng toàn hảo
Gồm nhiều vị La hán
Tối thiểu cũng Dự lưu.
Ngài cho đại chúng biết
Như Lai sẽ lưu lại
Tại thành Xá vệ này
Ðến rằm tháng tư sau.
Khi được biết tin ấy
Những tỷ kheo địa phương
Quy tụ lại hành thiền
Theo lời Phật chỉ dạy.
Hoặc tu bốn phạm trú
Hoặc tu tưởng bất tịnh
Hoặc tu tưởng vô thường
Hoặc tu niệm hơi thở.
Phật dạy pháp môn này
Nếu tu tập viên mãn
Sẽ có kết quả lớn:
Viên mãn bốn niệm xứ
Kiện toàn bảy giác chi
Cho đến minh giải thoát.
Pháp quán niệm hơi thở
Gồm mười sáu đề mục
Về thân thọ tâm pháp
Cách tu tập như sau.
Tỷ kheo chọn chỗ vắng
Ngồi kiết già lưng thẳng
An trú niệm trước mặt
Tỉnh giác, thở vô ra.
Hơi vô dài, rõ biết
Hơi ra dài, rõ biết
Hơi thở ngắn cũng vậy
Cảm giác toàn thân,
Tôi sẽ thở vô,
Cảm giác toàn thân,
Tôi sẽ thở ra.
An tịnh thân hành,
Tôi sẽ thở vô
An tịnh thân hành,
Tôi sẽ thở ra.
Như vậy vị ấy tập
Bốn quán niệm về Thân.
Cảm giác hỷ thọ,
Tôi sẽ thở vô.
Cảm giác hỷ thọ,
Tôi sẽ thở ra.
Cảm giác lạc thọ,
Tôi sẽ thở vô.
Cảm giác lạc thọ,
Tôi sẽ thở ra.
Cảm giác tâm hành,
Tôi sẽ thở vô
Cảm giác tâm hành
Tôi sẽ thở ra.
An tịnh tâm hành
Tôi sẽ thở vô
An tịnh tâm hành
Tôi sẽ thở ra.
Như vậy vị ấy tập
Bốn quán niệm về Thọ.
Cảm giác về tâm
Tôi sẽ thở vô
Cảm giác về tâm
Tôi sẽ thở ra.
Với tâm hân hoan
Tôi sẽ thở vô
Với tâm hân hoan
Tôi sẽ thở ra.
Với tâm định tĩnh
Tôi sẽ thở vô
Với tâm định tĩnh
Tôi sẽ thở ra.
Với tâm giải thoát
Tôi sẽ thở vô
Với tâm giải thoát
Tôi sẽ thở ra.
Như vậy vị ấy tập
Bốn quán niệm về Tâm.
Tùy quán vô thường
Tôi sẽ thở vô
Tùy quán vô thường
Tôi sẽ thở ra.
Tùy quán ly dục
Tôi sẽ thở vô
Tùy quán ly dục
Tôi sẽ thở ra.
Tùy quán tịch diệt
Tôi sẽ thở vô
Tùy quán tịch diệt
Tôi sẽ thở ra.
Tùy quán xả ly
Tôi sẽ thở vô
Tùy quán xả ly
Tôi sẽ thở ra.
Như vậy vị ấy tập
Bốn quán niệm về Pháp.
Trong khi quán thân thể
Chỉ như là thân thể
Tỷ kheo trú nhiệt tâm
Tỉnh giác và chính niệm
Ðể điều phục tham ưu
Ðối với mọi sự đời.
Trong khi quán cảm thọ
Quán tâm và các pháp
Qua mười sáu đề mục
Tỷ kheo trú nhiệt tâm
Chính niệm và tỉnh giác
Ðể điều phục tham ưu
Ðối với mọi sự đời.
Như vậy bốn niệm xứ
Ðược tu tập viên mãn
Nhờ quán thở vô ra.
Trong khi tùy quán thân
Và quán thọ, tâm, pháp
Niệm giác chi phát sinh
Và đi đến viên mãn.
Nhờ tư duy thẩm sát
Trong khi có chính niệm
Trạch pháp giác chi sinh
Và đi đến viên mãn.
Trong khi thẩm sát pháp
Sự tinh tấn khởi lên
Là tinh tấn giác chi
Khi tinh tấn viên mãn
Hỷ phi vật chất sinh.
Tâm hoan hỷ tột độ
Sẽ khiến thân nhẹ nhàng
Và tâm cũng khoan khoái
Là khinh an giác chi.
Khinh an đưa đến lạc
Lạc đưa đến định
Gọi là định giác chi.
Và với tâm định tĩnh
Ta dễ nhìn sự vật
Với thái độ buông xả
Ðấy là xả giác chi.
Bảy giác chi tu tập
Ði đến chỗ viên mãn
Minh giải thoát phát sinh
Vì cả bảy giác chi
Ðều liên hệ viễn ly
Ly tham, diệt, giải thoát.
-ooOoo-
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 20