Toát yếu Trung bộ 117 : Ðại tứ thập

Toát yếu Trung bộ 117 : Ðại tứ thập

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 117

Ðại tứ thập

  1. TOÁT YẾU

Mahàcattàrìsaka Sutta – The Great Forty.

The Buddha defines the factors of the Noble Eightfold Path and explains their inter-relationships.

Số bốn mươi vĩ đại.

Phật định nghĩa các chi của thánh đạo tám ngành và giải thích tương quan giữa các chi phần ấy.

  1. TÓM TẮT

Phật dạy các tỷ kheo về Ðịnh của bậc thánh [1], cùng những yếu tố hỗ trợ cho định, gồm bảy chính còn lại trong Bát chính đạo là Chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tiến và chính niệm.

  1. Về Chính kiến:
  2. Chính kiến là yếu tố dẫn đạo [2], biết phân biệt giữa chính kiến và tà kiến thì gọi là chính kiến [3]. Tà kiến là không tin có bố thí, nhân quả, đời này đời sau, cha mẹ, thánh hiền.
  3. Chính kiến gồm hai, là hữu lậu và vô lậu. Hữu lậu là loại chính kiến thuộc thế gian, thuộc phước báu, chấp thủ [4] như tin có bố thí vân vân, ngược với tà kiến nói trên. Còn chính kiến vô lậu [5] là cái thấy thuộc đạo nơi người đã thuần thục trong thánh đạo, có vô lậu tâm, thánh tâm.
  4. Ai tinh tấn đoạn trừ tà kiến thành tựu chính kiến, gọi là chính tinh tiến. Ai chính niệm đoạn trừ tà kiến, an trú chính kiến, gọi là chính niệm. Vậy có ba yếu tố xoay quanh chính kiến, đó là chính kiến, chính tinh tiến và chính niệm [6].
  5. Về Chính tư duy:
  6. Chính kiến đi hàng đầu [7]: Biết phân biệt giữa chính tư duy và tà tư duy gọi là chính kiến. Tà tư duy là tư duy có dục, sân, hại. Chính tư duy là tư duy ly dục, vô sân, bất hại [8].
  7. Chính tư duy có hai loại, hữu lậu và vô lậu. Hữu lậu là chính tư duy ly dục vô sân bất hại nói trên. Vô lậu là chính tư duy siêu thế, thuộc bậc thánh, thuộc đạo [9].
  8. Tinh tiến đoạn trừ tà tư duy, thành tựu chính tư duy, gọi là chính tinh tiến. Chính niệm đoạn trừ tà tư duy, an trú chính tư duy, gọi là chính niệm. Như vậy cũng có ba yếu tố xoay quanh chính tư duy, là chính kiến, chính tinh tiến và chính niệm [10].
  9. Về Chính ngữ:
  10. Cần có chính kiến để phân biệt tà ngữ và chính ngữ. Tà ngữ là nói láo, hai lưỡi, ác khẩu, phù phiếm.
  11. Chính ngữ có hai loại là hữu lậu, vô lậu. Chính ngữ hữu lậu là từ bỏ bốn ác khẩu nghiệp nói trên, đem lại phước báo. Chính ngữ vô lậu là sự viễn ly bốn loại tà ngữ nơi một bậc thánh có tâm siêu thế, thuộc đạo [11].
  12. Tinh tiến trừ tà ngữ, thành tựu chính ngữ, gọi là chính tinh tiến. Chính niệm đoạn trừ tà ngữ, an trú chính ngữ, gọi là chính niệm. Vậy về chính ngữ cũng có ba yếu tố xoay quanh, là chính kiến, chính tinh tiến, chính niệm.
  13. Về Chính nghiệp:
  14. Chính kiến cũng đi trước để biết phân biệt giữa tà nghiệp và chính nghiệp. Tà nghiệp là sátđạo dâm.
  15. Chính nghiệp cũng có hai loại, hữu lậu, thuộc phước báo, là từ bỏ ba tà nghiệp nói trên. Vô lậu là chính nghiệp thuộc siêu thế, thuộc đạo, sự viễn ly ba thân ác hành nơi một bậc thánh.
  16. Ai tinh tiến đoạn trừ tà nghiệp, thành tựu chính nghiệp, gọi là tinh tiến. Chính niệm đoạn trừ tà nghiệp an trú chính nghiệp, gọi là chính niệm. Như vậy về chính nghiệp cũng có ba yếu tố khác xoay quanh là chính kiến, chính tinh tiến và chính niệm như trên.
  17. Về Chính mạng:
  18. Chính kiến cũng đi trước để phân biệt giữa tà mạng và chính mạng. Tà mạng nơi tỷ kheo là lừa đảo, nói mê ly, hiện tướng, gian trá, lấy lợi cầu lợi [12].
  19. Chính mạng cũng có hai, hữu lậu và vô lậu. Từ bỏ tà mạng là chính mạng hữu lậu thuộc phước báo. Viễn ly tà mạng nơi vị tu tập thánh đạo, có vô lậu tâm, gọi là chính mạng siêu thế, thuộc đạo.
  20. Ba yếu tố xoay quanh chính mạng cũng như trên.
  21. Ðại tứ thập:

Chính kiến đi hàng đầu, vì nhờ có chính kiến mà sinh chính tư duy [13], do chính tư duy có chính ngữ, do chính ngữ có chính nghiệp, do chính nghiệp có chính mạng, do chính mạng có chính tinh tiến, do chính tinh tiến có chính niệm, do chính niệm có chính định, do chính định có chính trí, do chính trí có chính giải thoát. Như vậy là đạo lộ của hữu học gồm tám chi và của A la hán gồm mười chi [14].

Ở đây, trước tiên là chính kiến; Nơi người có chính kiến, tà kiến được từ bỏ, và những bất thiện do duyên tà kiến cũng được loại trừ. Những thiện pháp do chính kiến phát sinh được tu tập cho đến viên mãn… Nơi người có chính giải thoát, tà giải thoát và những bất thiện do tà giải thoát được từ bỏ, các thiện pháp do chính giải thoát phát sinh được tu tập cho đến viên mãn. Vậy có hai mươi thiện phần, hai mươi bất thiện [15] gọi là đại pháp môn bốn mươi.

Ðại pháp môn này đã được chuyển vận không bị chận đứng bởi bất cứ sa môn bà la môn nào trên thế giới, vì nếu ai bác bỏ nó ngay trong hiện tại sẽ bị chỉ trích với mười mệnh đề hợp pháp rằng: Bác bỏ chính kiến tức là xem các sa môn bà la môn có tà kiến đáng được tôn trọng, cúng dường… Bác bỏ chính giải thoát tức là xem các sa môn bà la môn tà giải thoát là đáng tôn trọng cúng dường. Ngay những người theo Vô nhân luận, hư vô luận như hai bậc thầy sống ở Okkala là Vassa và Bhanna [16] cũng không nghĩ pháp môn này là đáng chỉ trích.

III. CHÚ GIẢI

  1. Ariyam samma2 samàdhim sa-upanisam saparikkhàram. MA giải thích chữ thánh ở đây có nghĩa là siêu thế, và nói đây là định thuộc đạo lộ siêu thế. Những điều kiện, chỗ dựa của nó là bảy đạo chi kia, như sẽ được hiển thị.
  2. Pubhangamà: tiên phong. MA nói hai loại chính kiến đi tiên phong là chính kiến thuộc tuệ tra tầm các hành là vô thường khổ vô ngã; và chính kiến thuộc đạo khởi lên như là quả của tuệ quán đưa đến sự đoạn tận nhiễm ô. Chính kiến thuộc tuệ làm tiên phong dường như được hiển thị trong đoạn 4, 10, 16, 22 và 28; chính kiến thuộc đạo làm tiên phong được nói trong đoạn 34, 35.
  3. Lời này gợi ý rằng muốn có được chính kiến về bản chất của thực tại thì trước hết phải biết phân biệt giữa tà giáo và chính giáo về bản chất vạn pháp. Theo MA đây là chính kiến thuộc tuệ, cái tuệ quán liễu tri tà kiến đối với một đối tượng là nhờ đi sâu vào tính vô thường khổ vô ngã của nó, và chính kiến là nhờ thi thố nhiệm vụ liễu tri ấy và nhờ đánh tan hoài nghi.
  4. Ðây là chính kiến thế gian, một công đức đưa đến tái sinh tốt đẹp nhưng tự mình nó thì không đủ để vượt ra ngoài cõi hữu.
  5. Ðịnh nghĩa này cho chính kiến siêu thế là tuệ giác bát nhã được tìm thấy trong các điều kiện đưa đến giác ngộ như là một căn, lực, giác chi và đạo chi. Chỗ khác, như kinh 141, chính kiến thuộc đạo được định nghĩa là tri kiến về Bốn chân lý. Ta có thể nói hiểu rõ khái niệm bốn chân lý là chính kiến thế gian, còn chính kiến xuất thế là sự thâm nhập 4 đế bằng đạo lộ thực chứng niết bàn.
  6. MA: Chúng đi kèm chính kiến làm hàng đầu. Chính tinh tấn và chính niệm câu hữu với chính kiến siêu thế; chính kiến thuộc tuệ là tiên phong của chính kiến siêu thế.
  7. MA giải thích đây là chính kiến thuộc tuệ, liễu tri chính tư duy qua nhiệm vụ của nó và bằng cách dẹp trừ hoang mang. Nhưng dường như vấn đề ở đây là cốt phân biệt rõ hai loại ý hành hay tư duy.
  8. Ðây là định nghĩa chuẩn về chính tư duy kể như một trong bát chánh đạo, xem Trung 141.
  9. Trong định nghĩa này, tư duy (sankappa) đồng nghĩa với tầm (vitakka), được giải thích xa hơn nữa là yếu tố đưa đến định an chỉ nhờ hướng tâm và dán chặt tâm trên đối tượng của nó. Về tầm ngữ như ngữ hành, xem Trung bộ 44.
  10. MA: Lời này chỉ nói đến các pháp câu hữu với chính tư duy siêu thế. Trong giai đoạn chuẩn bị tu tập, thì ba chính tư duy thế gian khởi lên riêng rẽ, nhưng ở sát na đạo lộ siêu thế, một ý hành duy nhất khởi lên cắt đứt cả ba tà tư duy. Vậy chính tư duy siêu thế cũng có thể mô tả là tư duy về từ bỏ hay ly dục, vô sân và bất hại. Cũng vậy với chính ngữ vân vân.
  11. Trong khi chính ngữ thế gian được thực hành theo bốn kiểu tùy loại tà ngữ phải tránh, vào sát na thuộc đạo lộ siêu thế, một yếu tố chính ngữ duy nhất làm cả bốn nhiệm vụ cắt đứt khuynh hướng đối với bốn loại tà ngữ. Cũng vậy với chính nghiệp.
  12. Với tỷ kheo, có những cách bất chính khi xin nhu yếu phẩm được nói trong TTD I. MA nói các cách xin đề cập trong kinh không phải là loại tà mạng duy nhất, tà mạng này bao hàm bất cứ kiểu kiếm sống nào vi phạm giới luật Phật chế. Tăng chi 5 kể năm loại tà mạng của cư sĩ là buôn bán khí giới, chúng sinh, thịt, rượu và độc chất.
  13. MA giải thích rằng với một người đã có chính kiến thuộc đạo thì đương nhiên sẽ có chính tư duy thuộc đạo; cũng thế người có chính kiến thuộc quả thì chính tư duy thuộc quả cũng xuất hiện. Tương tự với các chi phần kế tiếp ngoại trừ hai cái cuối đề cập đạo lộ siêu thế.
  14. Hai yếu tố mà A la hán có thêm là chính trí (có thể xem là trí hồi quan rằng mình đã phá hủy các nhiễm ô) và chính giải thoát, các kinh nghiệm thân chứng rằng tâm giải thoát tất cả ô nhiễm.
  15. Hai mươi thiện là mười chính và các thiện pháp phát xuất từ mỗi chính; còn hai mươi bất thiện là mười tà và các bất thiện pháp phát xuất từ mỗi tà. Do đây có tên Ðại tứ thập.
  16. MA chỉ nói hai vị này là những người sống ở xứ Okkala.
  17. PHÁP SỐ
    V. KỆ TỤNG

Phật dạy các tỷ kheo
Về Ðịnh của bậc thánh
Cùng cận duyên, tư trợ
(những yếu tố giúp vào)
Gồm bảy chính còn lại
Trong con đường Bát chính.

1. Chính kiến đi hàng đầu:
Biết phân biệt tà, chính
Thì gọi là chính kiến.
Tà kiến là không tin
Có bố thí, nhân quả
Ðời này và đời sau
Cha mẹ và hiền thánh.
Chính kiến gồm hai loại
Thế gian và xuất thế
Chính kiến thuộc thế gian
Ngược tà kiến nói trên.
Thế gian là hữu lậu
Thuộc phước báo, chấp thủ
Còn chính kiến vô lậu
Thuộc thánh đạo, thánh tâm.
Siêng đoạn trừ tà kiến
Và thành tựu chính kiến
Gọi là chính tinh tiến;
Tâm chuyên nhất một niềm
Ðoạn tà, tu chính kiến
Ðược gọi là chính niệm.
Chính kiến, tinh tấn, niệm
Ði kèm theo chính kiến
Trong thánh chính định này.

2. Muốn có chính tư duy
Trước hết cần chính kiến
Biết thế nào tà tư
Và thế nào chính tư.
Tà tư duy: tư tưởng
Có dục, sân và hại.
Chính tư duy ly dục
Vô sân và bất hại.
Chính tư duy có hai
Hữu lậu và vô lậu
Hữu lậu là tư duy
Lìa dục sân và hại
Vô lậu là siêu thế
Tư duy thuộc thánh đạo.
Siêng trừ tà tư duy
Thành tựu chính tư duy
Gọi là chính tinh tiến;
Tâm chuyên nhất một niềm
Bỏ tà, tu tập chính
Ðược gọi là chính niệm.
Chính kiến, tinh tấn, niệm
Ði kèm chính tư duy
Trong thánh chính định này.

3. Chính ngữ cần chính kiến
Phân biệt tà, chính ngữ.
Tà nói dối, hai lưỡi
Ác khẩu và phù phiếm.
Từ bỏ bốn tà ngữ
Sẽ đem lại phước báo
Ðây Chính ngữ thế gian.
Còn Chính ngữ vô lậu
Là viễn ly bốn tà
Thuộc đạo tâm, siêu thế.
Siêng loại trừ tà ngữ
Và thực hành chính ngữ
Gọi là chính tinh tiến;
Tâm chuyên nhất một niềm
Bỏ tà, tu tập chính
Ðược gọi là chính niệm.
Chính kiến, tinh tiến, niệm
Ði kèm theo chính ngữ
Trong thánh chính định này.

4. Chính nghiệp cũng như trên
Cần trước tiên chánh kiến
Phân biệt tà, chính nghiệp:
Tà nghiệp sát đạo dâm
Từ bỏ sát đạo dâm
Là Chính nghiệp hữu lậu
Sẽ được hưởng phước báo.
Còn chính nghiệp vô lậu
Là viễn ly ác hành
Thuộc đạo tâm, siêu thế.
Siêng loại trừ tà nghiệp
Và thực hành chính nghiệp
Gọi là chính tinh tiến;
Tâm chuyên nhất một niềm
Bỏ tà, tu tập chính
Ðược gọi là chính niệm.
Chính kiến, tinh tiến, niệm
Ði kèm theo chính nghiệp
Trong thánh chính định này.

5. Chính mạng cần chính kiến
Phân biệt tà, chính mạng:
Lừa đảo, nói mê ly,
Hiện tướng và gian trá
Cùng lấy lợi cầu lợi
Năm cách khất thực ấy
Ðược gọi là tà mạng
Nơi một vị tỷ kheo.
Từ bỏ tà mạng ấy
Là chính mạng hữu lậu
Sự viễn ly tà mạng
Nơi vị tu thánh đạo,
Là chính mạng siêu thế.
Siêng loại trừ tà mạng
Và thực hành chính mạng
Gọi là chính tinh tiến;
Tâm chuyên nhất một niềm
Bỏ tà, tu tập chính
Ðược gọi là chính niệm
Chính kiến, tinh tiến, niệm
Ði kèm theo chính mạng
Trong thánh chính định này.

6. Trong đạo lộ hữu học
(với tám chi thánh đạo)
Hoặc đạo A la hán
(với mười chi thánh đạo)
Chính kiến cũng dẫn đầu:
Do vì có chính kiến
Mà có chính tư duy
Do chính tư, chính ngữ,
Do chính ngữ, chính nghiệp,
Do chính nghiệp, chính mạng
Do chính mạng, chính tiến
Do chính tiến, chính niệm
Do chính niệm, chính định
Do chính định, chính trí
Và do chính trí này
Mà có chính giải thoát.
Trước tiên là chính kiến
Nơi người có chính kiến
Tà kiến được từ bỏ
Và những pháp bất thiện
Do tà kiến sinh ra
Đồng thời được loại trừ
Tất cả các thiện pháp
Phát xuất từ chính kiến
Ðược tu tập viên mãn.
(Với chín pháp còn lại
Chính tư duy… giải thoát
Cũng triển khai như trên
Chiếu theo đây nên biết.)
Có hai mươi thiện phần
Và hai mươi bất thiện
Trong đại pháp bốn mươi
Ðược chuyển vận bất tuyệt
Bất cứ ai trên đời
Cũng không thể chận đứng.
Nếu có ai bác nó
Sẽ bị chỉ trích ngay
Với lý luận hợp pháp:
Ông bài xích chính kiến
Tức xem đáng tôn thờ
Những kẻ có tà kiến
Cho đến Chính giải thoát
Nếu ông bài xích nó
Tức xem đáng tôn thờ
Những kẻ tà giải thoát.
Ngay người Vô nhân luận
Cũng ngán pháp môn này.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 29

Post Views: 282