Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikāya) »» Tập I – Chương Chín – Tương Ưng Rừng

Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikāya) »» Tập I – Chương Chín – Tương Ưng Rừng

Dịch giả: Thích Minh Châu

   

  
(Download file MP3 
– 2.41 MB – Thời gian phát: 14 phút 04 giây.)

Đại Tạng Kinh Việt NamKính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:    

I. Viễn Ly (S.i,197)

1) Như vầy tôi nghe.
Một thời, một Tỷ-kheo trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.
2) Lúc bấy giờ Tỷ-kheo ấy, trong lúc đi nghỉ ban ngày, khởi lên những tư tưởng ác, bất thiện, liên hệ đến gia đình.
3) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, thương xót Tỷ-kheo ấy, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác, liền đi đến Tỷ-kheo ấy.
4) Sau khi đến, vị Thiện ấy nói lên những bài kệ với vị Tỷ-kheo này:
Ông ước muốn viễn ly,
Ðã sống trong rừng núi,
Nay tâm Ông vọng động,
Dong duổi theo ngoại giới.
Ông đối mặt với Ông,
Hãy chế ngự lòng dục,
Nhờ vậy, Ông hạnh phúc,
Thoát ly được tham ái.
Hãy từ bỏ bất mãn,
Sống an trú chánh niệm,
Ông thành người hiền thiện,
Ðược chúng tôi tán thán.
Trừ bụi trần địa ngục,
Thật rất khó vượt qua,
Ông chớ vận chuyển theo,
Các bụi trần dục vọng,
Như chim, thân dính bụi,
Rung thân khiến bụi rơi.
Cũng vậy vị Tỷ-kheo,
Tinh cần, trú chánh niệm,
Vùng vẫy khiến rơi rớt,
Những bụi đời dính thân.
5) Tỷ-kheo ấy được vị Thiên cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

II. Săn Sóc, Hầu Hạ (S.i,197)

1) Một thời, một Tỷ-kheo trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.
2) Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo ấy đang ngủ ngày.
3) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, thương xót Tỷ-kheo ấy, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác, liền đi đến Tỷ-kheo ấy.
4) Sau khi đến, vị ấy nói lên những bài kệ cho Tỷ-kheo ấy:
Tỷ-kheo, hãy thức dậy,
Sao Ông hãy còn nằm?
Ông được lợi ích gì,
Trong giấc ngủ của ông?
Kẻ bịnh, kẻ trúng tên,
Bị đánh sao ngủ được?
Vì lòng tin, xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Tín ấy cần phát triển,
Chớ để ngủ chinh phục.
5) (Vị Tỷ-kheo):
Các dục là vô thường,
Chỉ kẻ ngu say đắm,
Ðã giải thoát triền phược,
Không còn bị ái trước.
Hạnh xuất gia như vậy,
Sao để dục nhiệt não?
Ðã nhiếp phục dục ái,
Vượt thoát lưới vô minh,
Với chánh trí thanh tịnh,
Hạnh xuất gia như vậy,
Sao để dục nhiệt não?
Với minh phá vô minh,
Ðoạn diệt các lậu hoặc,
Không sầu, không ưu não,
Hạnh xuất gia như vậy,
Sao để dục nhiệt não?
Tinh tấn và nhiệt tâm,
Thường dõng mãnh cầu tiến,
Hướng vọng đến Niết-bàn,
Hạnh xuất gia như vậy,
Sao để dục nhiệt não?

III. Kassapagotta: Thợ Săn: (S.i,198)

1) Một thời, Tôn giả Kassapagotta trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Kassapagotta, trong khi nghỉ ban ngày, khuyên dạy một người thợ săn.
3) Một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, thương xót Tỷ-kheo ấy, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác, liền đi đến Tỷ-kheo ấy.
4) Sau khi đến, vị ấy nói lên những bài kệ với Tôn giả Kassapagotta:
Trên sườn núi cheo leo,
Người thợ săn đang trèo,
Là hạng người thiếu trí,
Không sáng suốt, ngu si,
Tỷ-kheo có khuyên dạy,
Thật uổng phí thời gian.
Ta nghĩ làm như vậy,
Tự tỏ thiếu trí tuệ.
Có nghe cũng không hiểu,
Có nhìn cũng không thấy,
Dầu cho có thuyết pháp,
Kẻ ngu không thấy đích.
Tôn giả Kassapa,
Nếu Ông có cầm tay
Cho đến mười bó đuốc,
Người ấy không thấy được,
Các sắc pháp đối diện,
Vì người ấy không mắt.
5) Tôn giả Kassapagotta được vị Thiên ấy cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

IV. Ða Số hay Du Hành (S.i,199)

1) Một thời, nhiều Tỷ-kheo trú giữa dân chúng Kosala tại một khu rừng.
2) Các Tỷ-kheo ấy an cư mùa mưa xong, sau ba tháng, bắt đầu đi du hành.
3) Một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, không thấy các Tỷ-kheo ấy, liền than van, ưu buồn, ngay lúc ấy nói lên bài kệ này:
Hôm nay tâm của ta,
Cảm thấy không vui vẻ,
Khi thấy nhiều chỗ ngồi,
Trống không, không có người.
Những bậc Ða văn ấy,
Thuyết pháp thật mỹ diệu.
Ðệ tử Gotama,
Hiện nay đang ở đâu?
4) Khi nghe nói vậy, một vị Thiên khác nói lên những bài kệ cho vị Thiên ấy:
Họ đi Magadha,
Họ đi Kosala,
Và một số vị ấy,
Ði đến đất Vajjà.
Như nai thoát bẫy sập,
Chạy nhảy khắp bốn phương.
Tỷ-kheo không nhà cửa,
Sống giải thoát như vậy.

V. Ananda (S.i,199)

1) Một thời, Tôn giả Ananda trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Ananda sống quá bận rộn bởi nhiều liên hệ với cư sĩ.
3) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy thương xót Tôn giả Ananda, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác, liền đi đến Tôn giả Ananda. Sau khi đến, vị ấy nói lên những bài kệ với Tôn giả Ananda:
Ông đã quyết lựa chọn,
Ðời sống dưới gốc cây,
Tâm Ông quyết nhập một
Với mục đích Niết-bàn.
Cù-đàm, hãy Thiền tư,
Và sống, chớ phóng dật,
Ðối với Ông, ích gì,
Tạp thoại, vô vị ấy?
4) Tôn giả Ananda, được vị Thiên ấy cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

VI. Anuruddha. (S.i,200)

1) Một thời Tôn giả Anuruddha trú ở giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.
2) Rồi một Thiên nữ ở chúng Tàvatimsa, tên là Jàlinii, đời trước là vợ của Tôn giả Anuruddha, đi đến Tôn giả Anuruddha.
3) Sau khi đến, vị ấy nói lên bài kệ với Tôn giả Anuruddha:
Hãy hướng tâm tư Ông,
Vào đời trước của Ông,
Giữa Tam thập tam thiên,
Mọi ái dục thành tựu,
Và Ông được chói sáng,
Giữa Thiên nữ đoanh vây.
4) (Anuruddha):
Bất hạnh thay Thiên nữ,
Họ kiên trú thân kiến,
Cũng bất hạnh, họ sanh,
Bị Thiên nữ chinh phục.
5) (Jàlinii):
Họ chưa biết hạnh phúc,
Chưa thấy Dandana,
Trú xứ các Thiền nhơn,
Danh xưng giới Tam thập.
6) (Anuruddha):
Kẻ ngu, Bà không biết,
Lời nói bậc La-hán,
Mọi hành là vô thường,
Phải chịu luật sanh diệt,
Chúng sanh rồi chúng diệt,
Nhiếp chúng là an lạc.
Hiện nay đối với ta,
Không còn chỗ trú xứ,
Trên cảnh giới chư Thiên,
Ôi này Jàlinì!
Ðường sanh tử đứt đoạn,
Nay tái sanh không còn.

VII. Nàgadatta (S.i,200)

1) Một thời Tôn giả Nàgadatta trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Nàgadatta đi vào làng quá sớm và trở về quá chiều.
3) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, thương xót Tôn giả Nàgadatta, muốn lợi ích, muốn cảnh giác, liền đi đến Tôn giả Nàgadatta.
4) Sau khi đến, vị ấy nói lên những bài kệ với Tôn giả Nàgadatta:
Này Nàgadatta,
Hãy vào làng đúng thời,
Và khi từ làng về,
Hãy về cho thật sớm.
Ông sống quá liên hệ,
Với các hàng cư sĩ,
Bị vấn vương quá nhiều,
Những cảm thọ khổ lạc.
Ta sợ kẻ bạt mạng,
Nàgadatta này,
Lại bị trói, bị buộc,
Trong gia đình thế sự.
Chớ để mình rơi vào,
Cường lực của tử thần,
Làm sao tránh né được,
Khỏi Ác ma chi phối!
5) Tôn giả Nàgadatta được vị Thiên ấy cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

VIII. Gia Phụ hay Say Ðắm (S.i,201)

1) Một thời, một Tỷ-kheo trú ở giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.
2) Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo ấy sống thân mật quá đáng đối với một gia đình.
3) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, vì thương xót Tỷ-kheo ấy, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác vị ấy, biến hình thành gia phụ của gia đình ấy và đi đến Tỷ-kheo ấy.
4) Sau khi đến, vị ấy nói lên những bài kệ với Tỷ-kheo ấy:
Trên bờ sông, cửa chợ,
Tại trạm nghỉ, lộ trình,
Dân chúng thường tập hợp,
Tranh luận liền khởi lên.
Giữa ta và giữa Ông,
Có gì là sai khác?
5) (Vị Tỷ-kheo):
Nhiều tiếng qua tiếng lại,
Bậc khổ hạnh kham nhẫn,
Chớ cảm thấy bực phiền,
Chớ phát sinh nhiễm trước.
Ai bị tiếng rối loạn,
Như nai trong rừng rú,
Ðược gọi là khinh tâm,
Khó tu hành thành tựu.

IX. Vajjiputta: Bạt-kỳ Tử hay Tỳ-xá-lỵ (S.i,201)

1) Một thời, một Tỷ-kheo Vajjiputtaka trú ở Vesàli tại một khu rừng.
2) Lúc bấy giờ một cuộc lễ được tổ chức suốt đêm ở Vesàli.
3) Tỷ-kheo ấy được nghe tiếng nhạc khí, tiếng cồng v.v… đánh lên, tiếng ồn ào khởi lên, liền than thở, nói lên ngay lúc ấy những bài kệ này:
Chúng ta sống một mình,
Trong khu rừng cô độc,
Như khúc gỗ lột vỏ,
Lăn lóc trong rừng sâu,
Trong đêm tối hân hoan,
Như hiện tại đêm nay,
Ai sống đời bất hạnh,
Như chúng ta hiện sống?
4) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, có lòng thương xót Tỷ-kheo ấy, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác liền đi đến Tỷ-kheo ấy.
Sau khi đến, vị ấy nói lên những bài kệ:
5)
Ông sống chỉ một mình,
Trong khu rừng cô độc,
Như khúc gỗ lột vỏ,
Lăn lóc trong rừng sâu.
Rất nhiều người thèm muốn,
Ðời sống như ông vậy,
Như kẻ đọa địa ngục,
Thèm muốn sanh thiên giới.
6) Rồi Tỷ-kheo ấy được vị Thiên ấy cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

X. Tụng Học Kinh Ðiển hay Pháp (S.i,202)

1) Một thời, một Tỷ-kheo sống giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.
2) Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo ấy trước kia siêng năng tụng kinh rất nhiều, sau một thời gian, trở thành thụ động, im lặng, an phận.
3) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy không được nghe pháp từ Tỷ-kheo ấy, liền đi đến vị ấy.
4) Sau khi đến, vị Thiên ấy nói lên những bài kệ cho Tỷ-kheo ấy:
Này Tỷ-kheo, sao Ông
Sống chung các Tỷ-kheo,
Lại không chịu tụng đọc,
Các kinh điển pháp cú?
Ai nghe thuyết Chánh pháp,
Tâm sanh được tịnh tín.
Và ngay đời hiện tại,
Ðược mọi người tán thán.
5) (Vị Tỷ-kheo):
Trước kia đối pháp cú,
Ta tha thiết tìm hiểu,
Cho đến khi chứng được,
Quả vị bậc ly dục;
Từ khi chứng ly dục,
Mọi thấy, nghe, xúc cảm,
Nhờ trí tuệ hiểu biết,
Ðều được bỏ một bên.
Chính các bậc Hiền thiện,
Giảng dạy là như vậy.

XI. Bất Chánh Tư Duy: (S.i,203)

1) Một thời, một Tỷ-kheo trú ở giữa dân chúng Kosala tại một khu rừng.
2) Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo ấy, khi đang nghỉ ban ngày, khởi lên những tư duy ác, bất thiện, như dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy.
3) Rồi vị Thiên trú ở khu rừng ấy, vì lòng thương xót Tỷ-kheo, muốn lợi ích, muốn cảnh giác, liền đi đến Tỷ-kheo ấy.
4) Sau khi đến, vị Thiên ấy nói lên những bài kệ cho Tỷ-kheo:
Ông tác ý bất chánh,
Nên say đắm tư duy.
Hãy từ bỏ bất chánh,
Hãy tư duy chơn chánh,
Nương tựa Phật, Pháp, Tăng,
Giữ giới, không thối chuyển,
Ông chắc chắn chứng đạt,
Hân hoan và hỷ lạc.
Với hân hoan sung mãn,
Ông chấm dứt khổ đau.
5) Rồi Tỷ-kheo ấy, được vị Thiên ấy cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

XII. Giữa Trưa hay Tiếng Ðộng (S.i,203)

1) Một thời, một Tỷ-kheo trú ở giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.
2) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy đi đến Tỷ-kheo.
3) Sau khi đến, nói lên những bài kệ này trước mặt Tỷ-kheo:
Nay chính giờ giữa trưa,
Chim chóc đậu im lặng,
Rừng lớn vang tiếng động,
Khiến ta run, hoảng sợ.
4) (Vị Tỷ-kheo):
Nay chính giờ giữa trưa,
Chim chóc đậu im lặng,
Rừng lớn vang tiếng động,
Hoan hỷ đến với ta.

XIII. Không Chế Ngự Căn hay Nhiều Tỷ Kheo (S.i,203)

1) Một thời, rất nhiều Tỷ-kheo trú ở giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng nọ, cống cao, ngạo mạn, ồn ào, lắm miệng, lắm lời, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn không chế ngự.
2) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, vì lòng thương xót các Tỷ-kheo, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác, liền đi đến các Tỷ-kheo.
3) Sau khi đến, vị Thiên ấy nói lên những bài kệ với các Tỷ-kheo:
Xưa sống thật an lạc,
Chúng đệ tử Cù-đàm,
Không tham tìm món ăn,
Không tham tìm chỗ trú,
Biết đời là vô thường,
Họ chấm dứt khổ đau.
Nay tự làm ác hạnh,
Như thôn trưởng trong làng,
Họ ăn, ăn ngã gục,
Thèm khát vật nhà người.
Con vái chào chúng Tăng,
Ðảnh lễ một vài vị,
Vất vưởng, không hướng dẫn.
Họ sống như ngạ quỉ.
Những ai sống phóng dật,
Vì họ, con nói lên,
Những ai không phóng dật,
Chân thành con đảnh lễ.
4) Các Tỷ-kheo ấy, được vị Thiên ấy cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

XIV. Sen Hồng hay Sen Trắng (S.i,204)

1) Một thời, một Tỷ-kheo trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.
2) Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo ấy ăn xong, trên con đường đi khất thực trở về, đi xuống hồ nước và ngửi bông sen hồng.
3) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, thương xót Tỷ-kheo, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác, liền đi đến Tỷ-kheo.
4) Sau khi đến, vị Thiên ấy liền nói lên những bài kệ với Tỷ-kheo:
Hoa này từ nước sanh,
Không cho, Ông ngửi trộm.
Như vậy một loại trộm,
Ta gọi Ông trộm hương,
Này thân hữu của ta.
5) (Vị Tỷ-kheo):
Không lấy đi, không bẻ,
Ðứng xa, ta ngửi hoa,
Vậy do hình tướng gì,
Ðược gọi là “trộm hương”?
Ai đào rễ củ sen,
Ăn dùng các loại sen.
Do các hành động ấy,
Sao không gọi trộm hương?
6) (Vị Thiên):
Người ty tiện độc ác,
Như vải nhớp vú em,
Với hạng người như vậy,
Lời ta không liên hệ.
Nhưng chính thật cho Ông,
Chính lời ta tương ưng
Với người không cấu uế,
Thường hướng cầu thanh tịnh.
Với kẻ ác nhìn thấy,
Nhỏ như đầu sợi lông,
Vị ấy xem thật lớn,
Như đầu mây trên trời.
7) (Vị Tỷ-kheo):
Thật sự này Dạ-xoa,
Ông biết ta, thương ta,
Hãy nói lại với ta,
Khi thấy ta như vậy.
8) (Vị Thiên):
Ta không tùy thuộc Ông,
Ông cũng không làm bậy,
Này Tỷ-kheo nên biết,
Ông có thể sanh Thiên.
9) Vị Tỷ-kheo ấy được vị Thiên ấy cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 95

Post Views: 708