Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikāya) »» Tập I – Chương Tám – Tương Ưng Trưởng Lão Vangisa

Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikāya) »» Tập I – Chương Tám – Tương Ưng Trưởng Lão Vangisa

Dịch giả: Thích Minh Châu

     


(Download file MP3 
– 8.13 MB – Thời gian phát: 35 phút 31 giây.)

Đại Tạng Kinh Việt NamKính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:    

A. Nội dung

I. Xuất Ly (S.i,185)

1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Vangìa trú ở Alavi, tại ngôi đền ở Aggàlava, cùng với Tôn giả Nigrodha Kappa, là vị giáo thọ sư.
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Vangìsa là tân Tỷ-kheo, xuất gia chưa bao lâu, được ở lại để coi ngôi tịnh xá.
3) Rồi một số đông phụ nữ, sau khi trang điểm, đi đến khu vườn để xem tịnh xá.
4) Tôn giả Vangìsa thấy các phụ nữ ấy, tâm sanh bất mãn, bị lòng dục quấy phá.
5) Rồi Tôn giả Vangìsa suy nghĩ: “Thật bất lợi cho ta! Thật không lợi cho ta! Thật bất hạnh cho ta! Thật không may cho ta! Vì rằng tâm sanh bất mãn nơi ta, và ta bị lòng dục quấy phá. Làm thế nào ngay hiện tại có người khác có thể đoạn trừ bất mãn nơi ta và làm khởi lên thỏa mãn cho ta? Hay là ta tự mình đoạn trừ bất mãn nơi ta và làm cho thỏa mãn khởi lên cho ta?”
6) Rồi Tôn giả Vangìsa sau khi tự mình đoạn trừ bất mãn và làm cho thỏa mãn khởi lên, liền ngay trong lúc ấy, nói lên những bài kệ này:
Với ta đã xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Tâm tư nay chạy loạn,
Khởi lên từ đen tối.
Con nhà bậc thượng lưu,
Thiện xảo trong cung pháp,
Ngàn người bắn tứ phía,
Vẫn không bỏ chạy loạn.
Nếu phụ nữ có đến,
Dầu nhiều hơn, đông hơn,
Sẽ không não loạn ta,
Vì ta trú Chánh pháp,
Chính ta từng được nghe,
Phật, dòng họ mặt trời,
Thuyết giảng Niết-bàn đạo,
Ở đây ta ưa thích.
Nếu ta trú như vậy,
Ác ma, Ông có đến,
Sở hành ta là vậy,
Ông đâu thấy đường ta,

II. Bất lạc: Arati (S.i,186)

1) Một thời…,…
2) Tôn giả Vangìsa trú ở Alavi, tại ngôi đền ở Aggàvi cùng với giáo thọ sư Tôn giả Nigrodha Kappa.
3) Lúc bấy giờ, Tôn giả Nigrodha Kappa sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, đi vào tịnh xá và không ra khỏi tịnh xá cho đến chiều hay ngày mai.
4) Lúc bấy giờ Tôn giả Vangìsa tâm sanh bất mãn, bị lòng dục quấy phá.
5) Rồi Tôn giả Vangìsa suy nghĩ: “Thật bất lợi cho ta! Thật bất lợi cho ta! Thật không lợi cho ta! Thật bất hạnh cho ta! Thật không may cho ta! Vì rằng tâm sanh bất mãn nơi ta, và ta bị lòng dục quấy phá. Làm thế nào ngay hiện tại có người khác có thể đoạn trừ bất mãn nơi ta và làm khởi lên thỏa mãn cho ta? Hay là ta tự mình đoạn trừ bất mãn nơi ta và làm cho thỏa mãn khởi lên cho ta?”
6) Rồi Tôn giả Vangìsa sau khi tự mình đoạn trừ bất mãn và làm thỏa mãn khởi lên, liền ngay trong lúc ấy nói lên bài kệ này:
Ta bỏ lạc, bất lạc,
Mọi tâm tư gia sự,
Không tạo một chỗ nào,
Thành cơ sở tham dục.
Ai thoát khỏi rừng tham,
Thoát ly mọi tham dục,
Ly tham không đắm trước,
Xứng danh chơn Tỷ-kheo.
Phàm địa giới, không giới,
Cả sắc giới trong đời,
Mọi vật đều biến hoại,
Mọi sự đều vô thường.
Ai hiểu biết như vậy,
Sở hành sẽ chân chính.
Chúng sanh thường chấp trước,
Ðối với các sanh y,
Ðối vật họ thấy, nghe
Họ ngửi, nếm, xúc chạm.
Ở đây, ai đoạn dục,
Tâm tư không nhiễm ô,
Không mắc dính chỗ này,
Vị ấy danh Mâu-ni.
Ðối với sáu mươi pháp,
Thuộc vọng tưởng phi pháp,
Phàm phu thường chấp trước,
Chấp thủ và tham đắm.
Tỷ-kheo không phiền não,
Không nói lời ác ngữ,
Sáng suốt, tâm thường định,
Không dối trá, thận trọng,
Thoát ly mọi tham ái.
Vị Mâu-ni chứng đạt,
Cảnh Niết-bàn tịch tịnh,
Chờ đón thời mệnh chung,
Với tâm tư vắng lặng,
Thanh thoát nhập Niết-bàn.

III. Khinh Miệt Kẻ Ôn Hòa: Pessalà Atìmannanà (S.i,187)

1) Một thời Tôn giả Vangìsa trú ở Alavi, tại đền Aggàlavi, cùng với giáo thọ sư là Tôn giả Nigrodha Kappa.
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Vangìsa thường hay khinh miệt các vị Tỷ- kheo ôn hòa khác vì khả năng biệt tài của mình.
3) Rồi Tôn giả Vangìsa suy nghĩ: “Thật bất lợi cho ta! Thật không lợi cho ta! Thật bất hạnh cho ta! Thật không may cho ta! Vì rằng ta khinh miệt các vị Tỷ-kheo ôn hòa khác vì khả năng biện tài của ta”.
4) Rồi Tôn giả Vangìsa, tự hối trách mình, liền ngay khi ấy, nói lên những bài kệ này:
Ðệ tử Gotama,
Hãy từ bỏ kiêu mạn,
Và cũng tự bỏ luôn,
Con đường đến kiêu mạn.
Nếu hoàn toàn đắm say,
Trong con đường kiêu mạn,
Sẽ tự mình hối trách,
Trong thời gian lâu dài.
Những ai khinh khi người,
Với khinh khi kiêu mạn,
Ði con đường kiêu mạn,
Sẽ đọa lạc địa ngục.
Những người ấy sầu khổ,
Trong thời gian lâu dài,
Do kiêu mạn dắt dẫn,
Phải sanh vào địa ngục.
Tỷ-kheo không bao giờ
Phải sầu muộn buồn thảm,
Thắng lợi trên chánh đạo,
Sở hành được chân chánh,
Vị ấy được thọ hưởng,
Danh dự và an lạc,
Chơn thực được danh xưng,
Là bậc hưởng Pháp lạc.
Do vậy ở đời này,
Không thô lậu, tinh tấn
Ðoạn trừ mọi triền cái,
Sống thanh tịnh trong sạch,
Và đoạn tận kiêu mạn,
Hoàn toàn, không dư thừa,
Chấm dứt mọi phiền não,
Với trí tuệ quang minh,
Ngài được xem là bậc
Sống tịch tịnh an lạc.

IV. Ananda (S.i,188)

1) Một thời Tôn giả Ananda trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại tịnh xá ông Anàthapinkika (Cấp Cô Ðộc).
2) Rồi Tôn giả Ananda vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực với Tôn giả Vangìsa là Sa-môn thị giả.
3) Lúc bây giờ Tôn giả Vangìsa tâm sanh bất mãn, bị lòng dục quấy phá.
4) Rồi Tôn giả Vangìsa nói lên bài kệ với Tôn giả Ananda:
Dục ái đốt cháy tôi,
Tâm tôi bị thiêu cháy.
Thật là điều tốt lành,
Ðệ tử Gotama,
Vì lòng từ thương tưởng,
Nói pháp tiêu lửa hừng.
5) (Ananda):
Chính vì điên đảo tưởng,
Tâm Ông bị thiêu đốt,
Hãy từ bỏ tịnh tướng,
Hệ lụy đến tham dục,
Nhìn các hành vô thường,
Khổ đau, không phải ngã,
Dập tắt đại tham dục,
Chớ để bị cháy dài;
Hãy tu tâm bất tịnh,
Nhứt tâm, khéo định tĩnh,
Tu tập thân niệm trú,
Hành nhiều hạnh yểm ly;
Hãy tập hạnh vô tướng,
Ðoạn diệt mạn tùy miên,
Nhờ quán sâu kiêu mạn,
Hạnh Ông được an tịnh.
V. Khéo Nói (S.i,188)
1) Tại Sàvatthi, Jetavana.
2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
— Này các Tỷ-kheo.
3) — Thưa vâng, Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
4) Thế Tôn nói như sau:
— Ðầy đủ bốn đức tánh, này các Tỷ-kheo, lời nói được xem là thiện thuyết, không phải ác thuyết, vô tội và không bị người có trí chỉ trích. Thế nào là bốn?
5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nói lời thiện thuyết, không nói lời ác thuyết, nói lời đúng pháp, không nói lời phi pháp, nói lời ái ngữ, không nói lời ác ngữ, nói lời chơn ngữ, không nói lời phi chơn. Ðầy đủ bốn đức tính này, này các Tỷ-kheo, lời nói được xem là thiện thuyết, không phải ác thuyết, vô tội và không bị người có trí chỉ trích.
6) Thế Tôn nói như vậy. Sau khi nói như vậy, bậc Thiện Thệ, Ðạo Sư lại nói thêm:
Bậc Thiện Nhơn dạy rằng:
Thứ nhất là thiện thuyết,
Thứ hai nói đúng pháp,
Chớ nói lời phi pháp,
Thứ ba nói ái ngữ,
Chớ nói lời ác ngữ,
Thứ tư, nói chơn thực,
Chớ nói lời phi chơn.
7) Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
— Thế Tôn, hãy soi sáng cho con! Thiện Thệ, hãy soi sáng cho con!
8) Thế Tôn nói:
— Này Vangìsa, mong rằng Ông được soi sáng!
9) Rồi Tôn giả Vangìsa trước mặt Thế Tôn, nói lên những bài kệ tán thán thích đáng:
Ai nói lên lời gì,
Lời ấy không khổ mình,
Lại không làm hại người,
Lời ấy là thiện thuyết.
Ai nói lời ái ngữ,
Lời nói khiến hoan hỷ,
Lời nói không ác độc,
Lời ấy là ái ngữ.
Các lời nói chơn thật,
Là lời nói bất tử,
Như vậy là thường pháp,
Từ thuở thật ngàn xưa.
Bậc Thiện Nhân được xem,
An trú trên chơn thực,
Trên nghĩa và trên pháp,
Lời đồn là như vậy.
Lời đức Phật nói lên,
Ðạt an ổn Niết-bàn,
Chấm dứt mọi khổ đau,
Thật lời nói tối thượng.
VI. Sàriputta (Xá-lợi-phất) (S.i,189)
1) Một thời Tôn giả Sàriputta trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta với bài pháp thoại đang tuyên thuyết, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo, với lời nói lịch sự, thông suốt, không có phều phào, với ý nghĩa rõ ràng minh bạch. Và các vị Tỷ-kheo ấy chú ý, chú tâm, tập trung tâm lực, lắng tai nghe pháp.
3) Rồi Tôn giả Vangìsa suy nghĩ: “Tôn giả Sàriputta với bài pháp thoại đang tuyên thuyết, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo, với lời nói lịch sự, thông suốt, không có phều phào, với ý nghĩa rõ ràng minh bạch. Và các vị Tỷ-kheo ấy chú ý, chú tâm, tập trung tâm lực, lắng tai nghe pháp. Vậy trước mặt Tôn giả Sàriputta, ta hãy nói lên những bài kệ tán thán thích đáng”.
4) Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng về Tôn giả Sàriputta và nói với Tôn giả Sàriputta:
— Hiền giả Sàriputta, một vấn đề đến với tôi. Hiền giả Sàriputta, một vấn đề đến với tôi.
5) — Mong rằng Hiền giả Vangìsa nói lên vấn đề ấy!
6) Rồi Tôn giả Vangìsa, trước mặt Tôn giả Sàriputta, nói lên những lời kệ tán thán thích đáng:
Trí tuệ thâm, trí giải,
Thiện xảo đạo, phi đạo,
Ngài Sàriputta,
Là bậc Ðại trí tuệ.
Chính Ngài đang thuyết pháp,
Cho các vị Tỷ-kheo.
Ngài giảng cách tóm tắt,
Ngài cũng thuyết rộng rãi.
Như âm thanh vi diệu,
Của loại chim Sàli,
Lời Ngài giảng tuôn trào,
Tiếng Ngài nghe ngọt lịm.
Với giọng điệu ái luyến,
Êm tai, và mỹ diệu,
Chúng lắng tai nghe pháp,
Tâm phấn khởi hoan hỷ,
Này các vị Tỷ-kheo.

VII. Tự Tứ (S.i,190)

1) Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Pubbàràma (Ðông Viên), Migara – màtu pàsàda (Lộc Mẫu giảng đường), cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị, tất cả đều chứng quả A-la-hán.
2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn, nhân ngày trăng tròn Bố-tát Tự tứ, Ngài ngồi giữa trời, xung quanh chúng Tỷ-kheo đoanh vây.
3) Rồi Thế Tôn, sau khi nhìn quanh chúng Tỷ-kheo im lặng, liền bảo các Tỷ-kheo:
4) — Này các Tỷ-kheo, nay Ta mời các Ông nói lên, các Ông có điều gì chỉ trích Ta hay không, về thân hay về lời nói?
5) Ðược nghe như vậy, Tôn giả Sàriputta từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay vái chào Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
— Bạch Thế Tôn, chúng con không có chỉ trích gì Thế Tôn về thân hay về lời nói. Bạch Thế Tôn, con đường chưa sanh khởi, Thế Tôn làm cho sanh khởi; con đường chưa được rõ biết, Thế Tôn làm cho rõ biết; con đường chưa được thuyết giảng, Thế Tôn thuyết giảng. Thế Tôn biết đạo, hiểu đạo, thiện xảo về đạo; và bạch Thế Tôn, các đệ tử nay là những vị sống hành đạo, và sẽ thành tựu (những pháp ấy) về sau. Và bạch Thế Tôn, con xin mời Thế Tôn nói lên, Thế Tôn có điều gì chỉ trích con hay không, về thân hay về lời nói?
6) — Này Sàriputta, Ta không có gì chỉ trích Ông về thân, hay về lời nói. Này Sàriputta, Ông là bậc Ðại trí. Này Sàriputta, Ông là bậc Quảng trí. Này Sàriputta, Ông là bậc Tốc trí. Này Sàriputta, Ông là bậc Tiệp trí. Này Sàriputta, Ông là bậc Nhuệ trí. Này Sàriputta, Ông là bậc Thể nhập trí. Này Sàriputta, ví như trưởng tử, con vua Chuyển luân vương, chơn chánh vận chuyển bánh xe đã được vua cha vận chuyển. Cũng vậy, này Sàriputta, Ông chơn chánh chuyển vận pháp luân vô thượng đã được Ta chuyển vận.
7) — Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn không có gì chỉ trích con về thân hay về lời nói, vậy bạch Thế Tôn, đối với khoảng năm trăm Tỷ-kheo này, Thế Tôn có gì chỉ trích hay không, về thân hay về lời nói?
8) — Này Sàriputta, đối với khoảng năm trăm Tỷ-kheo này, Ta không có gì chỉ trích về thân hay về lời nói. Này Sàriputta, trong khoảng năm trăm Tỷ-kheo này, sáu mươi Tỷ-kheo là bậc Tam minh, sáu mươi Tỷ- kheo là bậc chứng được sáu Thắng trí, sáu mươi Tỷ-kheo là bậc Câu giải thoát, và các vị còn lại là bậc Tuệ giải thoát.
9) Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay vái chào Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
10) — Bạch Thế Tôn, một vấn đề đến với con. Bạch Thiện Thệ, một vấn đề đến với con.
11) Thế Tôn nói:
— Này Vangìsa, hãy nói lên vấn đề ấy!
12) Rồi Tôn giả Vangìsa trước mặt Thế Tôn nói lên những bài kệ tán thán thích ứng:
Nay ngày rằm thanh tịnh,
Năm trăm Tỷ-kheo họp,
Bậc Thánh cắt kiết phược,
Vô phiền, đoạn tái sanh.
Như vua Chuyển luân vương,
Ðại thần hầu xung quanh,
Du hành khắp bốn phương,
Ðất này đến hải biên.
Như vậy, các đệ tử,
Ðã chứng được Tam minh,
Sát hại được tử thần,
Những vị này hầu hạ,
Bậc thắng trận chiến trường,
Chủ lữ hành vô thượng.
Tất cả con Thế Tôn,
Không ai là vô dụng,
Xin chí thành đảnh lễ,
Bậc nhổ tên khát ái,
Xin tâm thành cung kính,
Bậc dòng họ mặt trời.

VIII. Một Ngàn và Nhiều Hơn (S.i,192)

1) Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc) cùng đại chúng Tỷ-kheo 1.250 vị.
2) Lúc bấy giờ Thế Tôn với bài pháp thoại liên hệ đến Niết-bàn, thuyết giảng cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và những Tỷ-kheo ấy chú tâm, chú ý, tập trung tất cả tâm tư, lắng tai nghe pháp.
3) Rồi Tôn giả Vangìsa suy nghĩ: “Nay Thế Tôn với bài pháp thoại liên hệ đến Niết-bàn, đang thuyết giảng cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và những Tỷ-kheo ấy chú tâm, chú ý, tập trung tất cả tâm tư, lắng tai nghe pháp. Vậy trước mặt Thế Tôn, ta hãy nói lên những bài kệ tán thán thích ứng.”
4) Rồi Tôn giả Vangìsa, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
— Bạch Thế Tôn, một vấn đề đến với con. Bạch Thiện Thệ, một vấn đề đến với con.
5) Thế Tôn đáp:
— Này Vangìsa, hãy nói lên vấn đề ấy!
6) Rồi Tôn giả Vangìsa, trước mặt Thế Tôn, nói lên những bài kệ tán thán thích ứng:
Hơn một ngàn Tỷ-kheo,
Hầu hạ bậc Thiện Thệ,
Ngài thuyết pháp vô cấu,
Niết-bàn, không sợ hãi.
Họ nghe pháp vô cấu,
Bậc Chánh Giác thuyết giảng.
Thượng thủ chúng Tỷ-kheo,
Bậc Chánh Giác chói sáng.
Bạch Thế Tôn, Thiện Thệ,
Ngài thật bậc Long Tượng,
Bậc Ẩn Sĩ thứ bảy ,
Trong các vị Ẩn Sĩ.
Ngài trở thành mây lớn,
Mưa móc ban đệ tử.
Con từ nghỉ trưa đến,
Muốn yết kiến Ðạo Sư.
Ôi bậc Ðại Anh hùng!
Con là đệ tử Ngài,
Con tên Vangìsa,
Ðảnh lễ dưới chân Ngài.
7) — Này Vangìsa, những bài kệ này của Ông, có phải Ông suy nghĩ từ trước hay được khởi lên tại chỗ?
8) — Bạch Thế Tôn, những bài kệ này của con không phải suy nghĩ từ trước, chính được khởi lên tại chỗ.
9) — Vậy này Vangìsa, hãy cho nhiều bài kệ nữa, không suy nghĩ từ trước, được khởi lên tại chỗ.
10) — Thưa vâng bạch Thế Tôn.
Tôn giả Vangìsa vâng đáp Thế Tôn và nói lên những bài kệ tán thán Thế Tôn; những bài kệ chưa được suy nghĩ từ trước:
Thắng ác ma, tà đạo,
Ngài sống chướng ngại đoạn.
Hãy thấy bậc Giải Thoát,
Thoát ly mọi hệ phược,
Phân tích thành từng phần,
Hắc, bạch pháp phân minh.
Ngài nói lên con đường,
Nhiều pháp môn khác biệt,
Mục đích giúp mọi người,
Vượt qua dòng bộc lưu,
Chính trên pháp bất tử,
Ðược Ngài thường tuyên thuyết.
Chúng con bậc pháp kiến,
Vững trú không thối chuyển,
Bậc tạo dựng quang minh,
Ngài thâm nhập các pháp,
Thấy được chỗ vượt qua,
Tất cả mọi kiến xứ.
Sau khi biết và chứng,
Ngài thuyết tối thượng xứ,
Pháp như vậy khéo giảng.
Ai có thể phóng dật,
Khi được biết pháp ấy,
Pháp khéo giảng như vậy?
Do vậy trong giáo pháp,
Ðức Thế Tôn, Thiện Thệ.
Luôn luôn không phóng dật,
Hãy đảnh lễ, tu học.

IX. Kondanna: Kiều-trần-như (S.i,193)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Veluvanna (Trúc Lâm), chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Rồi Tôn giả Annàsi Kondanna, sau một thời gian khá dài, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, miệng hôn, tay xoa bóp chân Thế Tôn và nói lên tên của mình:
— Bạch Thế Tôn, con là Kondanna. Bạch Thiện Thệ, con là Kondanna.
3) Rồi Tôn giả Vangìsa suy nghĩ: “Tôn giả Annàsi Kondanna này, sau một thời gian khá dài, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, miệng hôn, tay xoa bóp chân Thế Tôn và nói lên tên của mình: ‘Bạch Thế Tôn, con là Kondanna. Bạch Thiện Thệ, con là Kondanna’. Vậy ta hãy ở trước mặt Thế Tôn, nói lên những bài kệ thích ứng tán thán Tôn giả Annàsi Kondanna”.
4) Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y về một bên vai, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
— Bạch Thế Tôn, một vấn đề đến với con. Bạch Thiện Thệ, một vấn đề đến với con.
5) Thế Tôn đáp:
— Này Vangìsa, hãy nói lên vấn đề ấy!
6) Rồi Tôn giả Vangìsa, trước mặt Thế Tôn, nói lên những bài kệ thích ứng tán thán Tôn giả Kondanna:
Sau đức Phật hiện tại,
Trưởng lão được chánh giác,
Chính là Kondanna,
Nhiệt tâm và tinh cần,
Chứng được an lạc trú,
Sống viễn ly liên tục,
Thực hành lời Sư dạy.
Ðệ tử chứng được gì,
Tất cả Ngài chứng được,
Nhờ tu học tinh tấn,
Ðại uy lực Ba minh,
Thiện xảo tâm tư người.
Phật tử Kondanna,
Ðảnh lễ chân Ðạo Sư.

X. Moggallàna: Mục-kiền-liên (S.i,194)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, trên sườn núi Isigili, tại núi Hắc Sơn, cùng với đại chúng Tỷ-kheo Tăng khoảng năm trăm vị, tất cả là bậc A-la-hán. Tôn giả Mahà Moggallàna với tâm của mình biết được tâm các vị ấy đã được giải thoát, không có sanh y.
2) Rồi Tôn giả Vangìsa suy nghĩ: “Thế Tôn nay trú ở Ràjagaha, trên sườn núi Isigili, tại Hắc Sơn cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị, tất cả là bậc A-la-hán. Tôn giả Mahà Moggallàna với tâm của mình được biết tâm các vị ấy đã được giải thoát, không có sanh y. Vậy ta hãy trước mặt Thế Tôn nói lên những bài kệ thích ứng tán thán Tôn giả Mahà Moggallàna”.
3) Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
— Bạch Thế Tôn, một vấn đề đến với con. Bạch Thiện Thệ, một vấn đề đến với con.
4) Thế Tôn đáp:
— Này Vangìsa, hãy nói lên vấn đề ấy!
5) Rồi Tôn giả Vangìsa trước mặt Thế Tôn, nói lên những bài kệ thích ứng tán thán Tôn giả Mahà Moggallàana:
Cao trên sườn đồi núi,
Những vị chứng Ba minh,
Những vị đoạn tử thần,
Các đệ tử hầu hạ,
Bậc Thánh giả, Mâu-ni,
Ðã vượt qua đau khổ.
Ðại thần lực Mục-liên,
Quán tâm các vị ấy,
Biết họ được giải thoát,
Không còn có sanh y.
Như vậy họ hầu hạ,
Mâu-ni Gotama,
Ngài vượt qua đau khổ,
Mọi sở hành đầy đủ,
Mọi đức tánh vẹn toàn.

XI. Gaggarà (S,i,195)

1) Một thời Thế Tôn ở Campà, trên bờ hồ Gaggarà với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị, với bảy trăm nam cư sĩ, với bảy trăm nữ cư sĩ và vài ngàn chư Thiên. Giữa đại chúng ấy, Thế Tôn chói sáng vượt bậc về quang sắc và danh xưng.
2) Rồi Tôn giả Vangìsa suy nghĩ: “Nay Thế Tôn trú ở Campà, trên bờ hồ Gaggarà với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị, với bảy trăm nam cư sĩ, với bảy trăm nữ cư sĩ và vài ngàn chư Thiên. Giữa đại chúng ấy, Thế Tôn chói sáng vượt bậc về quang sắc và danh xưng. Vậy trước mặt Thế Tôn, ta hãy nói lên những bài kệ tán thán thích ứng”.
3) Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch:
— Bạch Thế Tôn, một vấn đề đến với con. Bạch Thiện Thệ, một vấn đề đến với con.
4) Thế Tôn đáp:
— Này Vangìsa, hãy nói lên vấn đề ấy!
5) Rồi Tôn giả Vangìsa trước mặt Thế Tôn nói lên những bài kệ thích ứng tán thán:
Như mặt trăng giữa trời,
Mây mù được quét sạch,
Chói sáng như mặt trời,
Thanh tịnh, không cấu uế.
Cũng vậy Ngài thật là
Ðại Mâu-ni Hiền Thánh,
Danh xưng Ngài sáng chói,
Vượt qua mọi thế giới.

XII. Vangìsa (S.i,196)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Lúc bấy giờ Tôn giả Vangìsa, chứng quả A-la-hán không bao lâu, thọ hưởng giải thoát lạc, ngay trong lúc ấy, nói lên những bài kệ này:
Thuở trước ta mê thơ,
Bộ hành khắp mọi nơi,
Từ làng này, thành này,
Qua làng khác, thành khác,
Ta thấy bậc Chánh Giác,
Tín thành ta sanh khởi.
Ngài thuyết pháp cho ta,
Về uẩn, xứ và giới,
Sau khi nghe Chánh pháp,
Ta bỏ nhà xuất gia.
Vì hạnh phúc số đông,
Vì thấy đạo hành đạo,
Cho Tỷ-kheo Tăng-Ni,
Bậc Mâu-ni giác ngộ,
Ngài đã chấp nhận con,
Ðược thành đạo với Ngài,
Con chứng đạt Ba minh,
Hành trì theo Phật dạy.
Con biết được đời trước,
Chứng thiên nhãn thanh tịnh,
Ba minh, thần thông lực,
Chứng đạt tha tâm thông.

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 113

Post Views: 821