(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)
Trong kinh sách, nhất là trong Tiểu Bộ (Khuddaka nikàya), chỉ riêng kinh Bổn Sanh (Jàtaka) đã có trên 550 câu chuyện về tiền thân đức Phật. Chúng tôi chỉ kể ra đây hai kiếp[1]sau cùng trước khi đức Phật thị hiện đản sanh và thành đạo.
Ở một đời quá khứ xa xưa, thuộc kiếp Trang Nghiêm[3](Vyuha kalpa), có Thái tử tên là Samantàprabhasa (Phổ Quang) con vua Arcimat (Đăng Chiếu), xin phép vua cha vào núi Himalaya tìm thầy học đạo, lấy hiệu là Sumedhà (Thiện Huệ). Ngài theo học với nhiều vị đại sư, cầu đạo cao thượng, nhưng lòng chưa thỏa mãn. Một hôm Sumedhà đấu lý với 500 ngoại đạo được toàn thắng, được thưởng 500 đồng tiền vàng. Sumedhà vui mừng từ giã thầy, mang tiền lên đường tìm đến cúng Phật Dìpankara[4](Nhiên Đăng) đang cư trú tại thủ đô Divapati. Giữa đường gặp một cô gái (tiền thân của công chúa Yasodharà) đang đi, tay cầm bảy hoa sen màu xanh vừa thơm vừa đẹp, chàng liền hỏi mua. Nhưng cô gái đáp : “Tôi mang hoa cúng Phật, đâu có bán mà ông hỏi mua”. Sumedhà (Thiện Huệ) đưa ra 500 đồng tiền vàng, năn nỉ xin mua năm hoa sen để cúng Phật, nhưng cô gái vẫn đứng làm thinh, không đáp. Túng thế, chàng nói :
– Cô cúng dường hai bông cũng được rồi. Tôi từ xa đến đây, mong được hoa sen quý báu này để cúng Phật Dìpankara và xin học hỏi giáo lý cao thượng của ngài. Xin cô thông cảm nhường lại cho tôi năm bông đi; rồi cô muốn gì tôi cũng làm theo.
– Anh ơi, cô gái ửng hồng đôi má, đứng nhìn xuống đất, rụt rè nói. Không biết sao vừa trông thấy anh thì em đem lòng thương anh liền hà. Em muốn tặng không cho anh năm bông sen này để anh cúng đức Giác ngộ. Nhưng anh phải hứa với em là anh chịu cưới em làm vợ trong kiếp này và mãi mãi về sau.
– Cô ơi, Sumedhà đáp. Cô là người rất dễ mến và rất chân thật. Vừa gặp cô tôi cũng có cảm tình với cô ngay. Nhưng tôi đã phát tâm cầu đạo giải thoát. Nếu cưới vợ thì bị ràng buộc, làm sao tôi có thể xuất gia tầm đạo!?
–Anh cứ hứa với em đi. Rồi sau này mỗi khi anh muốn xuất gia thì em cam kết sẽ không ngăn cản mà còn tìm cách giúp anh thực hiện được hoàn toàn chí nguyện.
Nghe cô gái nói như thế, Sumedhà (Thiện Huệ) miễn cưỡng nhận lời.
Rồi hai người tìm tới nơi đức Phật Dìpankara (Nhiên Đăng) đang ngự. Quần chúng đông đảo đang vây quanh đức Phật. Có cả vua và quần thần đến làm lễ dâng hoa cúng Phật. Sumedhà và cô gái cố len lỏi đến gần, nhưng còn khoảng hai mươi bước nữa thì họ không tài nào tiến lên được nữa. Sumedhà rất sung sướng được nhìn thấy Phật Dìpankara tận mắt. Bỗng nhiên chàng cảm thấy tinh thần sản khoái lạ thường. Chàng phát nguyện sẽ cố gắng tu học cho đến khi được hoàn toàn giác ngộ như ngài. Chàng chí thành tung năm hoa sen của mình lên không trung để cúng dường Phật theo thông lệ lúc bấy giờ. Năm hoa sen được tung lên không trung bỗng biến thành năm đài sen lớn trang nghiêm rực rỡ, lơ lửng giữa không gian. Cô bạn gái trao cho chàng hai hoa sen của cô, nhờ dâng cúng dùm. Chàng lại chí thành tung lên không trung cúng dường Phật. Hai đóa sen này hiện thành hai đài sen lớn đứng ở hai bên Phật. Trước sự ngạc nhiên của đại chúng, đức Phật Dìpankara hoan hỉ giải thích sở dĩ có sự kỳ diệu như thế là do tâm vô cùng thanh tịnh và thành kính của người cúng dường. Rồi Phật gọi Sumedhà (Thiện Huệ) và cô gái đến bảo:
–Ông là người có nhiều thiện căn, hãy ráng tinh tấn tu hành sẽ đạt được đạo quả lớn. Còn cô này cũng có thiện duyên với ông, nhưng cô nên tôn trọng lời hứa, nên khuyến khích chứ không nên ngăn cản bạn cô xuất gia tu học.
Từ đó Sumedhà theo Phật Dìpankara học đạo, về sau thọ bồ tát giới và tỳ kheo giới. Sumedhà cố gắng tinh tấn tu hạnh Bồ tát. Một hôm đức Phật Dìpankara đi từ tinh xá Sudassana đến thành phố Ramma, giữa đường gặp chỗ đất lầy, Bồ tát Sumedhà liền cởi áo đương mặc mà trải lên chỗ dơ ướt, nhưng còn hụt một chút không biết làm sao, ông bèn xả tóc lót thêm cho Phật đi qua khỏi lấm chân. Nhận thấy Bồ tát Sumedhà sẽ thực hành đầy đủ 10 thánh hạnh[5]nên đức Phật thọ ký[6]cho ông sẽ thành Phật hiệu là Sàkyamuni (Thích-Ca Mâu-Ni) trong đời Hiền kiếp (Bhadra kalpa).
Đến lúc Phật Kassapa (Ca Diếp)[8]ra đời, nhằm Hiền kiếp thứ chín, Bồ tát Sumedhà (Thiện Huệ) tái sanh làm thái tử Vessantàra (Visvantàra, Hộ Minh), chuyên thực hành hạnh bố thí từ lúc ấu thơ; khi lớn lên làm vua, rồi xuất gia theo Phật Kassapa và trở thành Bồ tát Vessantàra (còn gọi là Svetaketu). Nhờ công hạnh đầy đủ nên khi lâm chung Bồ tát Vessantàra được sanh về cõi trời Đâu Suất (Tusita) làm Bồ tát bổ xứ, lãnh đạo chư Thiên cõi này và diễn thuyết pháp mầu cho Thiên chúng nghe. Ngài ở Đâu Suất bốn ngàn năm, dùng pháp tướng[9]để giáo hóa chúng sinh. Một hôm ngài nhìn xuống thế gian thấy chúng sinh phần nhiều chỉ đua nhau tạo ác, chìm đắm trong tà kiến, không biết tin nhân quả tội phước, sống đau khổ về thể xác lẫn tinh thần, chết bị đọa trong ba đường ác[10]. Ngài phát tâm từ bi, nguyện giáng thế để giáo hóa chúng sinh, mang đến ánh sáng chân lý để cứu chúng sinh thoát khỏi sanh già bệnh chết, chứng được đạo quả niết bàn, an lạc thanh tịnh. Ngay lúc đó toàn thân ngài phóng đại quang minh, đại địa mười tám tướng động, ma cung ẩn náu, mặt trời mặt trăng hết tinh quang, chấn động tất cả trời rồng tám bộ[11]. Ngài liền quan sát năm việc dưới đây :
1- Quan sát thời kỳ, ngài thấy tuổi thọ con người lúc bấy giờ khoảng 100 năm[12], rất thuận lợi; vì với thọ mạng quá dài con người không ý thức được thế nào là già chết, với thọ mạng quá ngắn thì không có đủ thời gian tu tập.
2- Quan sát lục địa, ngài chọn Jambudipa (Diêm phù đề, bán đảo Ấn Độ) vì lúc bấy giờ ngôn ngử và tư tưởng triết học nơi đây được phát triển hơn hết.
3- Quan sát quốc độ, ngài chọn Majjhimadesa (vùng Trung Ấn, thung lũng sông Hằng); vì nơi đây có nhiều nhà hiền triết và minh quân xuất hiện.
4- Quan sát chủng tộc, ngài chọn dòng dõi Sàkya (Sàkiya) với vua Suddhodana là người có tâm đạo nhất. Theo kinh Lalitavistara (Tiểu Sử Đức Phật) thì dòng họ này có 64 đức tính cần thiết.
5- Quan sát người có đủ đức tính làm mẹ vị Phật tương lai, ngài chọn hoàng hậu Mahà Màyà; biết rằng bà chỉ còn sống thêm 10 tháng 7 ngày nữa. Theo kinh Lalitavistara thì bà Mahà Màyà có 32 đức tính cần thiết.
Khi thấy cơ duyên đã đến, Bồ tát Vessantàra (Hộ Minh) bèn phó chúc ngôi vị lãnh đạo chư Thiên lại cho ngài Maitreya (Metteyya, Di Lặc) làm Bồ tát bổ xứ, rồi từ cung trời Tusita (Đâu Suất) giáng trần, thị hiện nhập thai tại thành Kapilavatthu (Kapilavastu), xứ Sàkya[13], gần chân núi Himalaya, thuộc vùng biên giới đông-bắc nước Ấn Độ và Nepal ngày nay, làm con trai của vua Suddhodana (Tịnh Phạn), và hoàng hậu Mahà Màyà (Ma Da, Đại Hòa). Hoàng tộc xứ này đều thuộc dòng dõi SÀKYA (Sàkiya, Thích Ca).
[1]Kiếpcó 2 nghĩa : 1- Từ lúc sanh ra đến lúc chết (nghĩa thường) ; 2- Kiếp (kalpa) = 432 triệu năm.
[2]Xem Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 154, 190, 200; Tiểu Bộ 10: kinh Jàtaka (Bổn sanh).
[3]Các kiếp hiện tại tên Hiền (Bhadra kalpa), các kiếp quá khứ tên Trang Nghiêm (Vyuha kalpa), các kiếp vị lai tên Tinh Tú (Naksatra kalpa).
[4]Trước đức Phật Sàkyamuni có 24 vị Phật sau đây: Dìpankara, Kondanna, Mangala, Sumana, Revata, Sobhita, Anomàdassi, Paduma, Narada, Padumuttara, Sumedhà, Sujàtà, Piyadassi, Atthadassi, Dhammadassi, Siddhattha, Tissa, Phussa, Vipassi, Sikhì, Vessabhù, Kakusandha, Konàgamana và Kassapa.
[5]Mười thánh hạnhlà Hỷ xả tùy thuận, Từ bi lợi ích chúng sanh, Nhẫn nhục, Tinh tấn dũng cảm, Chân thật, ba nghiệp Thanh tịnh, Thiện nguyện đầy đủ, tâm Bình đẳng, Định lực đầy đủ, Trí tuệ sáng suốt.
[6]Thọ kýlà lời tiên đoán để khuyến khích người tu nên vững tâm bền chí để đạt đến kết quả.
[7]Xem Trung Bộ (Majjhima nikàya) 123; Chánh Tông Ký. Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn thì Hộ Minhlà Prabhapala; theo quyển The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 18, thì Hộ Minh là Svetaketu; trước khi xuất gia là thái tử Visvantàra(Vessantàra), trang 35. Theo The Life of Buddha as Legend and History của Edward J Thomas, trang 99, thì Hộ Minh là Vessantàra.
[8]Theo Trường Bộ (Dìgha nikàya) 14, kinh Mahàpadana, và theo Trường A Hàm 1.1, kinh Sơ Đại Bản Duyên, thì ở cõi Ta Bà này đã có 6 vị Phật ra đời trước đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thuộc kiếp Trang Nghiêm có các vị Phật Tỳ Bà Thi (Vipassi), Thi Khí (Sikhi) và Tỳ Xá Phù (Vessabhù). Thuộc kiếp Hiền có các vị Phật Câu Lưu Tôn (Kakusandha), Câu Na Hàm (Konàgamana) và Ca Diếp (Kassapa), rồi đến Thích Ca Mâu Ni (Sàkyamuni).
[9]Pháp tướngcó ba là Định tướng (Samatha, Tam-ma-đề), Huệ tướng (Vibhasa, Tỳ-bà-xá-na), Xả tướng (Upeksa, Ưu tất xoa). Tu tam pháp tướng tức là tu Định, tu Huệ và tu Xả. Bồ tát tu Tam Pháp Tướng sẽ đắc Vô tướng Niết bàn.
[10]Ba đướng ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
[11]Thiên Long Bát Bộ: Trời (Deva), Rồng (Nàga), Dạ xoa (Yaksa), A tu la (Asura), Ca lầu la (Garuda), Càn thát bà (Gandharva), Khẩn na la (Kimnara), Ma hầu la già (Mahoraga).
[12]Theo Digha nikàya (Trường Bộ) 14, kinh Mahàpadana, và theo Trường A Hàm 1.1, kinh Sơ Đại Bản Duyên : Thời đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipassi) nhân loại sống đến 8 vạn tuổi, thời đức Phật Thi Khí (Sikhi) 7 vạn tuổi, thời đức Phật Tỳ Xá Phù (Vessabhù) 6 vạn tuổi, thời đức Phật Câu Lưu Tôn (Kakusandha) 4 vạn tuổi, thời đức Phật Câu Na Hàm (Konàgamana) 3 vạn tuổi, thời đức Phật Ca Diếp (Kassapa) 2 vạn tuổi, và thời đức Phật Thích Ca (Sàkyamuni) 100 tuổi.
[13]Theo trong kinh thì xứ Sàkyathuộc châu Nam Diêm Phù Đề (Ấn Độ, Jambudipa) ở giữa cõi Ta Bà thế giới (Địa cầu, Saha).
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 302