40. Hạ thứ 32 tại Jetavana (năm -558) – Thư viện sách

40. Hạ thứ 32 tại Jetavana (năm -558) – Thư viện sách

phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)

12- Hạ thứ 32 tại Jetavana (năm -558)

Phật nói kinh Kim Cang Bát Nhã Ba-la-mật[1]

Một hôm, gần đến giờ thọ trai, đức Phật đắp y mang bát vào thành Sàvatthi, đi theo thứ lớp từ nhà này đến nhà khác khất thực. Khi đã có vừa đủ thức ăn, ngài trở về tinh xá Jetavana, cùng với các khất sĩ thọ trai. Thọ trai xong, ngài thu xếp y bát, rửa chân, rồi trải tọa cụ ngồi. Khi ấy Thượng tọa Subhùti[2](Tu Bồ Đề) ở trong đại chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai áo bên mặt, quì gối mặt xuống đất, chấp tay cung kính bạch Phật rằng :

Bạch Thế Tôn, trong pháp hội hôm nay có nhiều thiện nam, tín nữ tuy đã phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, nhưng tâm còn vọng động, phiền não chưa dứt trừ. Chúng con xin Thế Tôn từ bi chỉ dạy phương pháp làm sao an trụ tâm[3]? và làm sao hàng phục tâm[4]?

Lành thay ! Này Subhùti, thầy khéo vì thính chúng còn sơ cơ mà thưa hỏi đúng lúc. Như Lai sẽ giảng cách an trụ tâm và cách hàng phục tâm. Các vị đã phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác nên lắng nghe cho kỹ để biết cách thực hành.

“Người đã phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác muốn an trụ tâmphải biết nên an trụ vào chỗ nào, an trụ vào vật gì. Không nên an trụ tâm vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, mà phải an trụ tâm vào nơi không có chỗ trụ và không có gì để trụ[5]. Muốn được như vậy phải độ tất cả chúng sanh vào vô-dư-y niết bàn mà không thấy có người độ và có chúng sanh được độ. Này Subhùti, thầy nên biết :

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng, huyễn, bào, ảnh

Như lộ, diệc như điện.

Ưng tác như thị quán.[6]

Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đều là vọng tưởng, vô thường, biến chuyển luôn, không phải là nơi tốt để an trụ tâm. Phải an trụ tâm vào nơi thường trụ, vào vật gì không bao giờ biến đổi. Còn thấy có chúng sanh là còn vọng tưởng. Còn thấy có người độ và người được độ là còn phân biệt ngã/nhơn. Ý thức phân biệt là nhân sanh ra động niệm làm cho tâm động. Phải dứt trừ ý thức phân biệt bằng cách quán Vô Thường và Vô Ngã thì tâm mới thật sự được an trụ vào Chơn-Như, Phật tánh.

Lại nữa, này Subhùti, người đã phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác muốn hàng phục tâm, tức là muốn dứt trừ phiền não và vọng tưởng, thì trước hết phải bố thí mà không trụ tướng, tức không trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vì bố thí mà không trụ tướng thì phước đức không thể nghĩ lường.

Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Vì chúng sanh vô minh nên mới nảy sanh vọng tưởng; rồi từ vọng tưởng chấp có chấp không sanh ra phiền não là lòng tham lam, ích kỷ, thương, ghét, sân hận, sợ sệt… Muốn diệt trừ lòng tham lam ích kỷ phải thực hành hạnh bố thí. Bố thí ba-la-mật là không còn thấy có vật gì là của mình nữa; cả thân mình và tâm mình cũng không phải là của mình. Một khi đã trừ được ngã chấp và pháp chấp thì phiền não và vọng tưởng nhất định không còn.

Này Subhùti, thầy nghĩ sao ? Có thể do thân tướng mà thấy Như Lai chăng?

Bạch Thế Tôn, không thể do thân tướng mà thấy được Như Lai. Vì thân tướng là vô thường, mà Như Lai là thường trụ.

Đúng vậy, phàm chỗ có tướng đều hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai.

Rồi đức Phật nói kệ :

Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thanh cầu ngã 

Thị nhơn hành tà đạo 

Bất năng kiến Như Lai.[7]

Bạch Thế Tôn, không biết khi chúng sanh nghe lời dạy như thế có sanh lòng tin chân thật chăng ?

Này Subhùti, có nhiều chúng sanh đã trồng căn lành từ nhiều đời, khi nghe lời dạy như thế sẽ sanh lòng tin chắc chắn. Vì họ biết rằng “độ chúng sanh mà không thấy có chúng sanh được độ” và “bố thí không trụ tướng” là phương pháp diệt trừ các chấp ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả[8]để đạt đến niết bàn an lạc thanh tịnh vậy.

 


[1]Vajra Prajna Paramità sutra.

[2]Subhùtilà đại đệ tử thứ tư của Phật, nổi tiếng là giải không đệ nhất.

[3]An trụ tâmlà tu Chỉ (Samatha) tập trung tinh thần vào một nơi. Đó là pháp môn tu để được Định (Samàdhi, Tam-ma-đề, Tam muội, Chánh định).

[4]Hàng phục tâmlà tu Quán (Vipassanà) tập trung tư tưởng vào một đề tài để tìm Chân lý. Khi tu Chỉ mà bị phiền nảo hay vọng tưởng quấy rầy thì phải dùng Quán để trừ (hàng phục). Ví dụ như khi tu Chỉ mà bị tưởng dâm dục quấy rầy thì nên dùng Quán Thân Bất Tịnh (Cửu Tưởng Quán) để trừ.

[5]Nguyên văn chữ Hán : “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm“.

[6]Dịch nghĩa : Tất cả pháp hữu vi, Như mộng, huyễn, bọt, bóng, Như sương, cũng như điện. Nên khởi quán như thế.

[7]Dịch nghĩa : Nếu do sắc thấy ta, Dùng âm thanh cầu ta, Kẻ ấy theo đạo tà, Không thể thấy Như Lai.

[8]Chấp ngã, nhân,chúng sanh, thọ giả: Chấp có cái Ta chân thật, chấp Ta là người, chấp Ta là một chúng sanh, chấp Ta có thọ mạng lâu dài. (Chữ Thọ ở đây có nghĩa là Sống lâu).

Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 37

Post Views: 691