43. Hạ thứ 37 tại Venuvana (năm -553) – Thư viện sách

43. Hạ thứ 37 tại Venuvana (năm -553) – Thư viện sách

phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)

15- Hạ thứ 37 tại Venuvana (năm -553)

Devadatta xin thay Phật lãnh đạo giáo đoàn[1]

Một buổi chiều, y sĩ Jìvaka lên núi Griddhakùta (Linh Thứu) thăm Phật. Tới chân núi, ông gặp Phật mới từ tinh xá Venuvana (Trúc Lâm) về. Ông chào Phật và xin phép được theo ngài lên núi. Jìvaka nhìn Phật leo các bậc thang bằng đá để lên núi mà trong bụng khen thầm: Năm nay Phật đã 71 tuổi rồi mà còn cứng cát khỏe mạnh quá. Phật leo núi một cách thong thả và ung dung, một tay cầm bát, một tay cầm chéo áo sanghàti. Thượng tọa Ànanda đi bên cạnh Phật cũng không thể cầm bát thay cho Phật được, vì một tay thầy cũng phải cầm bát của thầy và tay kia cầm chéo áo như Phật vậy. Ông Jìvaka tiến lên xin cầm bát thay Phật. Phật trao bình bát cho ông và mỉm cười, nói :

,Như Lai đã leo núi này cả ngàn lần, lần nào cũng tự tay cầm bát thì đã có sao đâu.

Các bậc thang bằng đá được xây lên đến tận thềm am của Phật trên đỉnh đồi. Chính vua Bimbisàra đã ra lệnh xây mấy trăm bậc thang này để cúng dường. Đến nơi, Phật và ông cùng ngồi xếp bằng trên một nền đá rộng rãi. Sau khi hỏi thăm Phật về tình hình sức khỏe và công việc hoằng pháp của ngài ở các nơi, Jìvaka nói :

Bạch Thế Tôn, con xin phép nói sơ lược về tình trạng giáo đoàn ở đây. Con thấy tình trạng giáo đoàn có liên hệ trực tiếp đến tình trạng chính trị. Con nghĩ Thế Tôn cần được thông báo rõ ràng.

Rồi y sĩ Jìvaka cho Phật biết Thượng tọa Devadatta hiện có tham vọng lãnh đạo giáo đoàn thay Phật. Thượng tọa Devadatta có vây cánh khá mạnh mẽ và đông đảo trong giới khất sĩ cũng như trong giới chính trị. Cánh tay phải của Devadatta là Thượng tọa Kokàlika thường bày nhiều mưu lược, ngoài ra còn có Thượng tọa Kotamoraka Tissa, Thượng tọa Khandadeviputta và Thượng tọa Samuddadattà, vị nào cũng có đông đảo đệ tử ủng hộ.

Thượng tọa Devadatta rất thông minh và hùng biện cho nên được rất đông người nghe theo, trong giới khất sĩ cũng như trong giới cư sĩ. Thượng tọa không chính thức ra mặt chống Phật, nhưng đã nhiều lần đưa ra nhận xét là Phật đã lớn tuổi, không còn đủ sức lãnh đạo giáo đoàn càng ngày càng đông, và cách thức điều hành của Phật đã xưa, không còn thích hợp với giới trẻ và thời đại mới.

Đứng về phương diện xã hội, Thượng tọa Devadatta được nhiều người giàu có, nhiều người dòng Sàkya và giai cấp thượng lưu ủng hộ. Họ không đồng ý Phật thâu nhận những người thuộc giai cấp hạ tiện vào giáo đoàn. Người ủng hộ Thượng tọa tận tình nhất là thái tử Ajàtasattu (A Xà Thế). Vua Bimbisàra tin kính Phật như thế nào thì thái tử Ajàtasattu tin kính Thượng tọa Devadatta như thế ấy. Thái tử đã xây cất cho Thượng tọa một tinh xá lớn trên núi Gayàsìsa (núi Tượng Đầu), nơi xưa kia Phật đã nói kinh Lửa cho ba anh em Thượng tọa Uruvelà Kassapa và một ngàn đệ tử của ba vị ấy. Thái tử Ajàtasattu thường xuyên cho chở các thức cúng dường đến núi Gayàsìsa. Nhiều thương gia và chính trị gia muốn được lòng thái tử cũng bắt chước đến tinh xá đó cúng dường và nghe pháp. Với sự ủng hộ đó, uy tín của Thượng tọa Devadatta càng ngày càng lên. Số các vị khất sĩ theo về với Thượng tọa hiện nay có đến gần 500 vị, phần lớn là các khất sĩ trẻ từ xứ Vajji.

Nói đến đây, y sĩ Jìvaka nhìn Phật rồi xuống giọng nói thật khẽ :

Bạch Thế Tôn, những điều con vừa nói cũng chưa có gì quan trọng. Nhưng theo tin tức con được biết, hình như thái tử Ajàtasattu và Thượng tọa Devadatta, vì nóng lòng muốn lên ngôi và lãnh đạo giáo đoàn, đang cùng nhau âm mưu hãm hại hoàng thượng và Thế Tôn, là hai người con yêu kính nhứt trên đời. Con xin Thế Tôn hãy thận trọng và đặc biệt lưu tâm đến việc này.

Jìvaka, cám ơn ông đã cho Như Lai biết tình hình bất ổn hiện nay. Nhưng ông đừng quá lo lắng. Như Lai sẽ biết tùy thời lo liệu.

Y sĩ Jìvaka cáo từ ra về. Phật dặn thầy Ànanda không nên tiết lộ chuyện này cho ai biết.

Độ mươi hôm sau, trong buổi thuyết pháp hằng tháng tại tinh xá Venuvana, đức Phật giảng về Ngũ Lực (Panca balani) tức năm sức mạnh tinh thần cần thiết để nuôi dưỡng hoa trái giác ngộ. Phật nói :

Người đã tin hiểu Chánh Pháp, muốn mang ra thực hành, cần biết 37 phẩm trợ đạo. Những gì là 37 phẩm trợ đạo ? Đó là: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi và Bát chánh đạo.[2]

“Quý vị đã biết Ngũ Cănlà năm cội gốc phát sanh ra các pháp lành, có tác dụng làm tăng trưởng các pháp lành và dẹp trừ phiền não để đưa người tu hành vào Thánh đạo. Ngũ Căn (Pancendriyani) gồm có: Tín căn(Sraddhendriya) là đức tin nơi lý tứ đế (khổ, tập, diệt, đạo), tin nơi Tam Bảo (Phật, pháp, tăng); Tấn căn(Viryendriya) là chí dũng mãnh tu tập các pháp lành; Niệm căn(Smirtindriya) là tâm luôn luôn nghĩ đến Chánh Pháp; Định căn(Samàdhindriya) là trụ tâm trong Chánh Pháp; Tuệ căn(Prajnendriya) là ở trong định khởi trí quán, rõ biết các pháp như thật tánh (rõ biết chân lý).

“Một khi Ngũ Căn được phát triển đến độ thuần thục thì Ngũ Căn sẽ trở thành Ngũ Lực(Panca balani) tức là năm sức mạnh, năm động cơ chuyên chở người tu trên con đường giải thoát, có công năng phát triển mạnh các điều lành và diệt trừ tận gốc rễ các điều ác. Ngũ Lực gồm có: Tín lực(Sraddha bala) tức là lòng thành kính đối với Tam Bảo; Tấn lực(Virya bala) siêng tu các pháp lành, siêng trừ các pháp ác; Niệm lực(Smirti bala) tức là luôn luôn nhớ thân bất tịnh, tâm vô thường, pháp vô ngã, thọ là khổ; Định lực(Samàdhi bala) tức là chuyên tu thiền định để đoạn trừ phiền não do sáu căn (giác quan) gây ra; Tuệ lực(Prajna bala) tức là nhờ công năng thiền quán mà phát sanh ra trí tuệ, thấy rõ năm uẩn đều không, mười tám giới chẳng có, ngã chấp tiêu tan, được hoàn toàn giải thoát.

Buổi thuyết pháp hôm nay có trên ba ngàn người tham dự, trong đó có cả vua Bimbisàra và thái tử Ajàtasattu. Khi Phật vừa chấm dứt, mọi người chưa kịp có cơ hội để hỏi những điểm họ chưa được thấu triệt thì Thượng tọa Devadatta đã đứng dậy, đến trước mặt Phật, chấp tay cung kính đảnh lễ rồi nói :

Bạch Thế Tôn, năm nay tuổi thọ của Thế Tôn đã cao, sức khỏe Thế Tôn đã kém. Thế Tôn cần được nghỉ ngơi an tĩnh để bớt đi sự khó nhọc trong những năm cuối cùng của cuộc đời. Thế Tôn đã tốn nhiều công sức thành lập giáo đoàn khất sĩ và phát triển không ngừng cho đến ngày nay. Giáo đoàn đã trở nên quá đông đảo và ở rải rác trong nhiều quốc gia xa cách nhau, công việc lãnh đạo giáo đoàn đã trở nên quá nặng nhọc đối với Thế Tôn. Xin Thế Tôn hãy rút về một nơi an nghỉ. Con sẽ xin thay mặt Thế Tôn lãnh đạo giáo đoàn khất sĩ. (Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 361)

Đức Phật nhìn Devadatta, đáp :

Thượng tọa Devadatta, cám ơn thầy đã lo lắng cho sức khỏe của Như Lai. Nhưng hiện nay Như Lai vẫn còn đủ sức để lãnh đạo giáo đoàn khất sĩ.

Thượng tọa Devadatta quay lại nhìn đại chúng. Có khoảng 300 vị khất sĩ đứng dậy chấp tay. Thượng tọa nhìn lên Phật, nói :

Bạch Thế Tôn, đó không phải là ý riêng của con. Nhiều vị đại đức ở đây cũng nhận thấy như con. Xin Thế Tôn đừng e ngại. Con nhận thấy có đủ khả năng lãnh đạo giáo đoàn để cho Thế Tôn được an dưỡng trong lúc tuổi già.

Thôi đi, Devadatta, đừng nên nói nữa. Trong số các đệ tử lớn của Như Lai như Sàriputta và Moggallàna xuất sắc hơn thầy nhiều mà Như Lai còn chưa giao cho họ trách nhiệm lãnh đạo giáo đoàn khất sĩ huống chi là thầy, vì đó là đại nguyện của Như Lai, Như Lai phải làm cho trọn. Chừng nào đến lúc, Như Lai sẽ có quyết định hợp thời.

Bị Phật chê giữa đám đông, trong đó có cả vua Bimbisàra và thái tử Ajàtasattu, Devadatta lấy làm xấu hổ. Mặt thầy đỏ lên. Thầy đi trở về chỗ ngồi, không nói thêm một lời nào nữa.

Ngày hôm sau, trên núi Griddhakùta (Linh Thứu), thầy Ànanda tâm sự với Phật :

Thưa Thế Tôn, sư huynh Devadatta là người háo danh, lại bị Thế Tôn chê trước đám đông, chắc sư huynh sẽ tìm mọi cách để trả thù. Con nghĩ là sẽ có chia rẽ trầm trọng trong giáo đoàn. Nếu Thế Tôn thấy con có thể đi nói chuyện riêng với sư huynh Devadatta để khuyên nhủ thì con xin đi.

Ànanda, sở dĩ Như Lai phải chê Devadatta ngay giữa đám đông và trước mặt quốc vương là vì Như Lai có ý muốn cho mọi người thấy rằng Devadatta không phải là nhân vật quan trọng trong giáo đoàn, và những hành vi và lời nói của Devadatta sau này chỉ có một mình Devadatta chịu trách nhiệm, chúng ta không phải gánh chịu trách nhiệm ấy. Ànanda, nếu thầy thấy có thể khuyên Devadatta hồi tâm thì thầy cứ đi thử.

Vài hôm sau, y sĩ Jìvaka lại lên núi Griddhakùta thăm Phật. Ông trình với Phật rằng, theo tin ông được biết, hình như Devadatta đang chuẩn bị kế hoạch tách rời khỏi giáo đoàn với sự yểm trợ của thái tử Ajàtasattu.

Devadatta lập giáo đoàn riêng tại Gayàsìsa[3]

Thấm thoát mà đã đến ngày Phật thuyết pháp hằng tháng tại tinh xá Venuvana. Kỳ nào quần chúng đến nghe cũng thật đông. Kỳ này cũng có mặt vua Bimbisàra và thái tử Ajàtasattu nữa. Thượng tọa Ànanda để ý thấy các vị khất sĩ ở các vùng lân cận tựu về đông gắp đôi kỳ trước. Thượng tọa Devadatta cũng có mặt ở hàng đầu các vị khất sĩ, giữa hai Thượng tọa Sàriputta và Mahàkassapa.

Cũng như lần trước, sau khi Phật thuyết pháp xong, Thượng tọa Devadatta đứng dậy, đến trước mặt Phật, chấp tay đảnh lễ, rồi nói :

Bạch Thế Tôn, người đã từng dạy các vị khất sĩ nên sống theo các nguyên tắc thiểu dục và tri túc, bỏ dần các ham muốn, sống thật đơn giản với những điều kiện vật chất tối thiểu. Hôm nay con xin đề nghị một quy chế năm điểm để thực hiện các nguyên tắc ít ham muốn và biết đủ đó :

Điểm thứ nhất, các vị khất sĩ phải ở suốt đời trong rừng hoặc trong vườn cây, không được ngủ trong thành phố hay trong thôn xóm.

Điểm thứ hai, các vị khất sĩ phải đi khất thực suốt đời, không được đáp lời mời của giới cư sĩ tới thọ trai ở nhà họ.

Điểm thứ ba, các vị khất sĩ chỉ có quyền lượm giẻ rách hoặc vải vụn để kết lại thành y chứ không được nhận y do giới cư sĩ cúng dường.

Điểm thứ tư, các vị khất sĩ chỉ được ngủ dưới gốc cây, không được ngủ trong phòng ốc, am, thất.

Điểm thứ năm, các vị khất sĩ chỉ được phép ăn chay, không được động tới thịt, cá.

“Thưa Thế Tôn, nếu giáo đoàn khất sĩ theo đúng năm điểm này thì chắc chắn các nguyên tắc thiểu dục và tri túc mới được thực hiện nghiêm chỉnh.

Này Devadatta, Như Lai không chấp nhận sự bắt buộc phải làm theo năm điểm ấy, vì năm điểm đó giới hạn những dịp dân chúng có thể tiếp xúc với khất sĩ để được học hỏi về Chánh Pháp. Những vị khất sĩ nào muốn theo năm điểm đó thì cứ theo, nhưng những vị khác không bị bắt buộc phải theo. Cũng như về việc ăn chay, các vị khất sĩ có thể tạm thọ nhận thức cúng dường mà người đàn việt đã làm sẵn, trong đó có ngũ tịnh nhục[4], nghĩa là không phải vì các vị khất sĩ mà người đàn việt sát sanh. Devadatta, theo pháp chế hiện thời, các vị khất sĩ có đủ cơ hội để tiếp xúc và hướng dẫn người cư sĩ, nhất là những người mới có duyên tiếp xúc lần đầu với đạo giác ngộ.

Như vậy là Thế Tôn không chấp nhận pháp chế năm điểm của tôi à ?

Không, Devadatta, Như Lai không chấp nhận pháp chế năm điểm của thầy đề nghị.

Devadatta cúi chào Phật rồi trở về chỗ ngồi, miệng mỉm cười, không có vẻ gì thất vọng.

Sau đó, mọi người nhận thấy trong lễ Bố-tát tụng giới mỗi nửa tháng tại tinh xá Venuvana vắng mặt khoảng 300 vị khất sĩ. Ai cũng biết các vị này dự lễ Bố-tát tại tinh xá Gayàsìsa do Thượng tọa Devadatta tổ chức. Sau lễ Bố-tát, một số khất sĩ xin gặp Phật và bạch rằng :

Bạch Thế Tôn, các sư huynh theo Thượng tọa Devadatta nói với chúng con nên theo về giáo đoàn của Thượng tọa Devadatta lãnh đạo ở tinh xá Gayàsìsa, vì bên ấy pháp chế nghiêm chỉnh hơn pháp chế của Thế Tôn nhiều, nhờ áp dụng triệt để pháp chế năm điểm do Thượng tọa Devadatta đề nghị vừa rồi. Họ nói tu như bên Venuvana (Trúc Lâm) thì sướng quá, có khác gì người không tu đâu. Các vị khất sĩ trẻ, nhất là những vị xuất gia với Thượng tọa Devadatta ở xứ Vajji đều theo về tinh xá Gayàsìsa. Xin Thế Tôn dạy chúng con nên đối xử với các sư huynh bên ấy như thế nào ?

Này các thầy, Phật bảo, các thầy đừng bận tâm quá về vụ này. Mỗi người đều có quyền tự do theo vị đạo sư mà họ tin tưởng và kính trọng. Điều quan trọng là quý thầy phải hiểu rõ Giáo Pháp của Như Lai. Có điều gì nghi ngờ hoặc chưa hiểu rõ thì nên học hỏi cho tường tận, rồi tự mình phải tinh tấn tu tập thiền quán và sống đời phạm hạnh cho xứng đáng tùy theo khả năng mình.

Vài ngày sau, y sĩ Jìvaka lên thăm Phật trên núi Griddhakùta (Linh Thứu). Ông cho biết là hiện có trên 500 vị khất sĩ đã theo về với Thượng tọa Devadatta ở núi Gayàsìsa (Tượng Đầu). Đồng thời Thượng tọa Devadatta và thái tử Ajàtasattu còn đang âm thầm vận động một diễn biến quan trọng trong lãnh vực chính trị để đưa thái tử lên ngôi quốc vương. Theo ý ông, đức Phật nên cẩn thận và có những biện pháp cần thiết để tránh tai tiếng về âm mưu bất chính của Devadatta và Ajàtasattu.

Tin Thượng tọa Devadatta lập giáo đoàn riêng tại Gayàsìsa làm chấn động dư luận tại thủ đô Ràjagaha (Vương Xá) và cả các xứ lân cận. Các vị khất sĩ đi khất thực thường bị dân chúng hỏi các thầy thuộc giáo đoàn nào. Thượng tọa Sàriputta dặn các thầy chỉ nên trả lời vắn tắt như sau: “Ai gieo nhân xấu sẽ gặt quả xấu. Chia rẽ giáo đoàn là một trọng tội đối với đạo pháp.” Một hôm, sau giờ thuyết pháp của Phật, có vị khất sĩ hỏi :

Bạch Thế Tôn, hằng ngày chúng con đi khất thực thường bị thí chủ hỏi về các hành động và những lời tuyên bố của Thượng tọa Devadatta chỉ trích Thế Tôn, chúng con không biết phải trả lời thế nào cho hợp lẽ, khỏi mang tội chia rẽ giáo đoàn. Xin Thế Tôn hoan hỉ chỉ dạy.

Các thầy nên nói là Devadatta đã tự ý tách ra khỏi giáo đoàn, hiện không còn giữ một chức vụ gì trong giáo đoàn của Như Lai. Devadatta hoàn toàn chịu trách nhiệm về những lời tuyên bố và hành động của ông ta. Các thầy nên thông báo cho dân chúng biết như thế. (Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 362)

Bạch Thế Tôn, Thượng tọa Sàriputta hỏi, ngày xưa con đã từng tán thán tài đức của sư huynh Devadatta trước mặt mọi người, bây giờ khi có người hỏi về những hành động và lời tuyên bố của sư huynh, không lẽ con lại vạch ra những điểm không tốt. (Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 363)

Sàriputta, ngày xưa thầy tán thán tài đức của Devadatta, thầy có nói sự thật không ?

Bạch Thế Tôn, con đã nói sự thật.

Bây giờ, nếu thầy vạch ra những điểm không tốt của Devadatta, thầy có nói sự thật không ?

Bạch Thế Tôn, con cũng chỉ nói sự thật mà thôi.

Như vậy thì đâu có gì là chướng ngại.

Những ngày sau đó, trong dịp tiếp xúc với quần chúng, các vị khất sĩ báo tin cho mọi người biết là Thượng tọa Devadatta đã ra khỏi giáo đoàn, và từ nay Phật và giáo đoàn không còn chịu trách nhiệm gì về những hành động và lời tuyên bố của Thượng tọa Devadatta nữa. Trong khi đó hai Thượng tọa Sàriputta và Moggallàna vẫn luôn luôn giữ im lặng. Thấy vậy Thượng tọa Ànanda hỏi :

Các sư huynh không nói gì hết, chắc các sư huynh đã có chủ ý ?

Đúng vậy, Ànanda, chúng tôi đã có chủ ý phụng sự đức Thế Tôn và giáo đoàn bằng những phương tiện khác.

Thái tử Ajàtasattu soán ngôi vua[5]

Một buổi sáng, trong cơn mưa gió ảm đạm, dân chúng thủ đô Ràjagaha (Vương Xá) được tin quốc vương Bimbisàra thoái vị, nhường ngôi cho con là thái tử Ajàtasattu (Thiện Kiến, A Xà Thế). Lễ đăng quang của thái tử sẽ được tổ chức trong vòng mười hôm, vào ngày trăng tròn sắp tới. Nguồn tin đột ngột này làm cho mọi người bàng hoàng không biết đã có chuyện gì xảy ra trong hoàng cung.

Vài hôm sau, Jìvaka lên núi Griddhakùta thăm Phật. Ông xin phép được nói chuyện riêng với ngài. Jìvaka kể cho Phật nghe là cách đây độ một tuần, ngự lâm quân thấy thái tử đột nhập vào cung vua giữa đêm khuya. Thấy dáng điệu khả nghi, họ chận xét và tìm thấy một thanh gươm dấu trong áo của thái tử. Họ đưa thái tử vào gặp vua, trình lên vua thanh gươm và kể lại tự sự. Vua hỏi :

Ajàtasattu, ban đêm con mang gươm vào cung để làm gì ?

Tâu Phụ vương, con muốn hành thích Phụ vương.

Tại sao con muốn giết ta ?

Tâu Phụ vương, con muốn làm vua.

Nếu con muốn làm vua, chỉ cần nói với ta một tiếng ta sẽ nhường ngôi cho. Tại sao lại phải giết cha cho mang tội ?

Tâu Phụ vương, con không biết như vậy. Con đã lỡ lầm, xin Phụ vương tha tội cho con.

Được rồi. Nhưng ai xúi giục con làm chuyện này ? Chẳng lẽ con tự ý làm một mình ?

Thái tử Ajàtasattu im lặng. Vua gạn hỏi một hồi, thái tử tiết lộ là có sự hợp tác của Thượng tọa Devadatta.

Vua cho gọi hai vị đại thần thân tín của vua vào cung, ngay lúc nửa đêm. Vua thuật hết cho họ nghe và hỏi ý kiến của họ. Một vị đề nghị nên xử trảm Ajàtasattu, Devadatta và tất cả những người liên hệ trong vụ này để trừ hậu hoạn. Một vị đề nghị nên hỏi ý kiến đức Phật là vị sáng suốt giác ngộ, hơn nữa trong vụ này còn có Devadatta, con vua Suppabuddha (Thiện Giác vương) xứ Koliya, vừa là em cô cậu vừa là đệ tử của Phật. Vua Bimbisàra suy nghĩ một hồi rồi nói :

Từ lâu trẫm đã muốn thoái vị để xuất gia theo Phật. Bây giờ chắc đã đến lúc. Thôi được. Ngày mai trẫm sẽ ban chiếu truyền ngôi cho thái tử Ajàtasattu. Mười hôm sau, vào ngày trăng tròn, sẽ làm lễ đăng quang cho thái tử.

Tâu bệ hạ, còn tội mưu sát ?

Trẫm tha thứ cho con trẫm và cho Thượng tọa Devadatta. Mong rằng hai người ấy, khi đã được toại nguyện, sẽ thấy được tấm lòng bao dung của trẫm, và sẽ có đức độ hiền hòa đối với thần dân.

Rồi vua cho vời thái tử vào để thông báo ngay quyết định của vua, đồng thời căn dặn mọi người không nên tiết lộ vụ ám sát này cho người ngoài biết.

Nhưng ba ngày sau, thái tử Ajàtasattu ra lệnh nhốt vua Bimbisàra trong cung cấm, không ai được ra vào thăm viếng, trừ hoàng hậu Videhi. Hai vị đại thần thân tín của vua cũng bị bắt giam. Gia đình hai vị này được thông báo là hai vị được lưu lại ăn ngủ trong cung để luận bàn chính sự trong vòng bảy hôm.

Y sĩ Jìvaka cho Phật biết là những chuyện trên hoàn toàn được giữ bí mật. Sở dĩ ông được biết là vì ông được gọi tới chữa bệnh cho hoàng hậu Videhi. Hoàng hậu đã thuật lại cho ông nghe và bảo ông lên núi bạch lại với Phật tất cả sự thật. Y sĩ Jìvaka nói tiếp :

Bạch Thế Tôn, con mong là sau lễ đăng quang, Ajàtasattu sẽ trả tự do lại cho thượng hoàng và hai vị đại thần.

Trình xong mọi việc, Jìvaka lạy Phật rồi xuống núi.

Đức Phật cho gọi Thượng tọa Sàriputta đến, bảo :

Này Sàriputta, Như Lai sẽ không đến dự lễ đăng quang của vua Ajàtasattu, và Như Lai mong rằng tất cả các vị khất sĩ của giáo đoàn cũng không nên đến dự lễ. Chúng ta không nên can dự vào việc ác đức này.

Bạch Thế Tôn, con hiểu rồi. Con sẽ thông báo với đại chúng là Thế Tôn sẽ không về dự lễ đăng quang và Thế Tôn muốn các vị khất sĩ trong giáo đoàn cũng không về dự lễ này.

Ngày lễ đăng quang đã tới. Không thấy Phật và các vị khất sĩ trong giáo đoàn do người lãnh đạo đến dự lễ, dân chúng bắt đầu tự đặt câu hỏi. Rồi từ đó tìm ra sự thật, biết rằng thượng hoàng và hai vị đại thần hiện còn đang bị biệt giam và bỏ đói. Dân chúng cũng nhận thấy sự có mặt đầy đủ của giáo đoàn do Thượng tọa Devadatta lãnh đạo. Họ nhận thấy sự khác biệt giữa hai giáo đoàn. Một phong trào âm thầm chống đối trong dân chúng đối với vị vua mới và giáo đoàn độc lập lần hồi được phát hiện.

Vua Ajàtasattu được báo cáo về phong trào chống đối âm thầm trong dân chúng, liền triệu Thượng tọa Devadatta vào cung để vấn kế.

Ajàtasattu và Devadatta âm mưu ám sát Phật[6]

Một hôm, vào giữa đêm khuya, trong lúc đức Phật đang ngồi thiền trên núi Griddhakùta, chợt nghe một tiếng động nhẹ sau một tảng đá lớn, Phật lên tiếng :

Ai đó ? Đến đây làm gì vào giờ này ? Có việc gì cần cứ đến đây nói.

Một thanh niên vạm vỡ, tay cầm gươm nhưng có vẻ rụt rè run sợ, ngập ngừng bước đến trước Phật rồi vội quỳ mọp xuống đảnh lễ và thưa rằng :

Thưa đạo sư, con được lệnh đến đây để giết ngài. Nhưng con không dám. Xin đạo sư tha tội cho con. Nhưng nếu con không giết được ngài thì con cũng không dám trở về vì con sẽ bị chủ tướng giết. Thưa đạo sư, con sợ lắm, con phải làm sao bây giờ ?

Ai đã sai anh đến giết Như Lai ?

Dạ, chủ tướng của con. Nhưng con không dám nói tên chủ tướng của con ra đâu.

Anh không nói cũng được. Nhưng chủ tướng của anh nói với anh thế nào?

Thưa đạo sư, chủ tướng của con chỉ cho con đường lên núi để giết đạo sư trong lúc ngài đang ngồi thiền giữa đêm. Xong rồi con phải đi một con đường khác để trở về báo cáo với chủ tướng.

Anh có vợ con gì không ?

Dạ không, con chỉ có một bà mẹ già.

Anh hãy nghe đây. Nghe cho kỹ và làm đúng theo lời Như Lai bảo thì sẽ tránh khỏi chết. Anh hãy về nhà ngay, đem mẹ anh vượt biên giới trốn sang nước Kosala ngay lập tức. Nhưng anh không được xuống núi bằng con đường mà chủ tướng của anh đã chỉ định, nếu không anh sẽ bị mai phục giết chết. Anh phải xuống núi bằng một con đường khác cách xa con đường đó. Thôi, anh đi đi.

Người thanh niên lạy tạ rồi vội vã đứng dậy đi, để lại thanh gươm trên nền đá.

Sau lần thất bại đó, Devadatta lại thuê 31 tên cung thủ phục kích bắn lén Phật. Nhưng khi thấy Phật đi ngang qua với vẻ thanh thản, điềm đạm, oai nghi thì họ đều sanh lòng cảm phục, bước ra thú tội và xin được xuất gia.[7]

Phật thuyết kinh Quán Vô Lượng Thọ

Sáng sớm hôm sau, hai Thượng tọa Sàriputta và Moggallàna đến bạch Phật :

Bạch Thế Tôn, chúng con nghĩ là đã đến lúc chúng con phải đến Gayàsìsa để dìu dắt các sư huynh bên ấy khỏi lầm đường lạc lối. Chúng con xin phép Thế Tôn cho chúng con vắng mặt một thời gian.

Các thầy muốn đi thì cứ đi. Nhưng hãy cẩn thận để bảo toàn sanh mạng.

Thượng tọa Moggallàna chợt nhìn thấy thanh gươm trên nền đá, vội hỏi:

Bạch Thế Tôn, có chuyện gì đã xảy ra nơi đây ?

Có người định ám sát Như Lai, nhưng Như Lai đã độ cho ông ta rồi.

Devadatta đã quyết tâm gia hại Thế Tôn, chúng con xin Thế Tôn hãy cẩn trọng.

Không sao đâu, các thầy cứ an tâm đi. Như Lai biết xử sự tuỳ thời. Các đấng Như Lai không bao giờ nhập diệt do bị ám hại.

Hai vị đại đệ tử đảnh lễ Phật rồi xuống núi.

Qua hôm sau, đức Phật và Thượng tọa Ànanda được y sĩ Jìvaka mời đến nhà riêng của ông trong vườn xoài để thọ trai. Đến trưa, lúc Phật và Thượng tọa Ànanda vừa thọ trai xong, y sĩ Jìvaka thông báo có hoàng thái hậu Videhi đến viếng. Đức Phật biết ngay chính Jìvaka xếp đặt cho thái hậu gặp Phật. Thái hậu đến nơi đảnh lễ Phật xong, ngồi sang một bên khóc nức nở. Mọi người đều im lặng. Một lúc sau, Phật hỏi :

Có chuyện gì xin thái hậu cứ nói.

Bạch Thế Tôn, tình trạng của thượng hoàng rất nguy ngập. Ajàtasattu quyết định bỏ đói thượng hoàng cho đến chết. Nó không cho con đem thức ăn vào nhà giam cho thượng hoàng nữa.

Rồi bà kể rằng mấy ngày đầu bà còn được mang thức ăn vào cho thượng hoàng. Nhưng sau lễ đăng quang, lính canh bảo được lịnh vua không cho bất cứ ai mang thức ăn vào, kể cả thái hậu. Từ đó mỗi lần vào thăm, bà lén giấu vài vắt cơm trong tóc cho thượng hoàng ăn đỡ dạ. Nhưng được một tuần thì lính canh khám xét thật kỹ, bắt gặp mấy vắt cơm giấu trong tóc. Chúng nó xin lỗi bà vì vừa được lịnh vua phải khám bà thật kỹ; vua bảo đã nhịn ăn một tuần rồi sao không thấy thượng hoàng mất sức. Túng thế quá, bà mới nghĩ cách: trước khi vào thăm thượng hoàng, bà tắm rửa sạch sẻ, rồi trát một lớp bột rang trộn mật ong vào mình trước khi mặc áo. Nhưng chỉ được vài ngày cơ mưu bị bại lộ, và bà bị cấm hẳn không được vào thăm thượng hoàng nữa. Kể tới đây, bà khóc nức nở một hồi rồi nói :

Bạch Thế Tôn, con khổ quá. Chắc thượng hoàng không còn sống được mấy ngày nữa. Ở trong phòng giam, ngày nào thượng hoàng cũng đứng nhìn lên núi Griddhakùta qua một khung cửa sổ nhỏ có song sắt, mong được nhìn thấy bóng dáng đức Thế Tôn. Sau khi thoái vị, thượng hoàng rất mong được xuất gia theo Thế Tôn sống đời phạm hạnh. Tuy bị giam cầm, nét mặt thượng hoàng lúc nào cũng bình thản, đầy tha thứ đối với đứa con ngỗ nghịch. Con đã khóc nhiều với thượng hoàng. Con nói với thượng hoàng là con quyết tâm cầu nguyện cho kiếp sau con và thượng hoàng được sanh về nơi nào không có những đứa con ngỗ nghịch …. Con khổ quá, xin Thế Tôn giúp con.

“Không biết kiếp trước con tạo tội gì mà nay sanh đứa con hung ác thế này, còn đức Như Lai do nhân duyên nào lại làm quyến thuộc với Devadatta ? Cúi mong Thế Tôn chỉ dạy cho con làm thế nào để được sanh về một thế giới an lành không có địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh và hạng người hung ác.

Thưa thái hậu, xin bà chớ quá đau khổ. Việc gì cũng có nguyên nhân và hậu quả. Sự việc xảy ra như thế là vì trước kia, trong khi cầu tự mong được có con nối dõi, thượng hoàng có lên núi gặp một đạo sĩ chuyên tu thiền định để cầu xin đạo sĩ giúp dùm. Vị đạo sĩ kia bảo phải chờ hai mươi năm nữa, khi đạo sĩ mãn phần sẽ thọ sanh làm con thượng hoàng. Thượng hoàng có bảo vị đạo sĩ phải cam kết giữ đúng lời hứa sẽ thọ sanh làm con ngài sau khi mạng chung. Nhưng sau đó thượng hoàng nóng lòng mong có con sớm mới sai người lên núi giết vị đạo sĩ trong lúc đang ngồi thiền định. Vị đạo sĩ đó đã tái sanh làm Ajàtasattu như đã cam kết và đòi món nợ máu.

Bạch Thế Tôn, đúng rồi. Hèn chi lúc con mang thai Ajàtasattu con rất thèm cắn vào đầu gối của thượng hoàng để hút máu[8]. Con phải tự cố gắng chống lại sự thèm khát ghê tởm đó. Một hôm, thượng hoàng cầm dao gọt trái cây bị đứt tay, con liền cầm tay thượng hoàng đưa vào miệng, hút máu một cách say sưa. Con tự cảm thấy xấu hổ và ghê tởm lấy con. Con buông tay thượng hoàng ra, khóc nức nở. Thượng hoàng hỏi tại sao con khóc. Con nói thiệt. Thượng hoàng lấy làm lạ, an ủi con, rồi gọi chiêm tinh gia đến hỏi. Chiêm tinh gia nói đứa con trong bụng sau này sẽ sát hại vua để chiếm ngôi. Con buồn quá, có lần con tự lấy tay chà xát bụng con thật mạnh để phá thai , nhưng rốt cuộc không có kết quả gì. Biết được chuyện ấy, Thượng hoàng gọi con đến bảo “Ta đâu có thoát được già chết, ta muốn thấy mặt con ta, ái khanh đừng làm như thế nữa”. Lúc Ajàtasattu được ba tuổi, có lần nó chơi cầm dao chạy tới đòi giết thượng hoàng. Thượng hoàng kinh hãi bồng nó ném xuống lầu nhưng nó chỉ bị gãy một ngón tay. Bạch Thế Tôn, nhưng quả thật con không chịu nổi cảnh một đứa con đối xử với cha mẹ một cách ác độc như thế. Xin Thế Tôn hoan hỉ chỉ cho con nơi nào không có con cái ngỗ nghịch để con cầu xin tái sanh về nơi đó.

Đức Phật ngồi nghiêm chỉnh, phóng quang từ giữa hai chặn lông mày đến khắp mười phương thế giới. Hào quang trở về trụ trên đảnh Phật, hiện rõ các quốc độ trang nghiêm của chư Phật để bà Videhi dễ nhìn thấy. Bà Videhi xem xong, bạch Phật[9]:

Kính bạch Thế Tôn, các cõi Phật tuy đều an lạc thanh tịnh nhưng con chỉ ưa thích được sanh đến cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Cúi xin Thế Tôn chỉ dạy cho con tu hành thế nào để được sanh về cõi ấy.

Đức Phật mỉm cười nói với bà Videhi :

Cõi Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà, còn gọi là Phật Vô Lượng Thọ, ở phương Tây, nơi đó chúng sanh đều từ hoa sen hóa sanh ra, tâm tánh đều thuần thục hiền hòa. Nhưng nơi cõi đó tất cả chúng sanh đều thuộc phái nam, không có nữ giới.

“Ai muốn sanh về cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà đều phải phát ba thứ tâm:

1- Chí thành tha thiết.

2- Mong muốn sâu nặng.

3- Phát nguyện tu sáu niệm[10]và hồi hướng.

và phải tu ba tịnh nghiệpsau đây :

1- Hiếu dưỡng cha mẹ, vâng thờ thầy dạy, từ tâm chẳng giết, tu mười nghiệp thiện.

2- Quy y Tam Bảo, giữ đủ mười giới, không phạm oai nghi.

3- Phát tâm Bồ đề, tin sâu nhân quả, trì tụng kinh điển, khuyên người khác tu.

“Ba tịnh nghiệp trên đây là chánh nhơn tu hành của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Bà chưa có thiên nhãn, hôm nay được thấy cõi Cực Lạc là nhờ thần lực của Như Lai. Về sau, chúng sanh nào muốn được thấy thế giới Cực Lạc và Đức Phật A Di Đà phải thực hành 16 phép quán tưởng như sau[11]:

1- Quán tưởng mặt trời lặn.

2- Quán tưởng băng giá.

3- Quán tưởng đất lưu ly.

4- Quán tưởng cây báu.

5- Quán tưởng nước tám công đức.

6- Quán tưởng tổng quát: đất báu, cây báu, ao báu, lầu gác báu nơi cõi Cực Lạc.

7- Quán tưởng tòa sen báu.

8- Quán tưởng hình tượng: Phật Vô Lượng Thọ, Đức Quán Thế

Âm, Đức Đại Thế Chí.

9- Quán tưởng toàn sắc thân Phật Vô Lượng Thọ.

10- Quán tưởng toàn sắc thân Bồ Tát Quán Thế Âm.

11- Quán tưởng toàn sắc thân Bồ Tát Đại Thế Chí.

12- Quán tưởng mình được sanh nơi cõi Cực Lạc.

13- Quán tưởng tượng Phật Vô Lượng Thọ, Quán Thế Âm và Đại Thế Chí trên ao thất bảo.

14- Quán tưởng sự vãng sanh của hàng Thượng Phẩm.

15- Quán tưởng sự vãng sanh của hàng Trung Phẩm.

16- Quán tưởng sự vãng sanh của hàng Hạ Phẩm.

Thái hậu Videhi nghe lời Phật chỉ dạy xong, lãnh thọ phụng hành, đảnh lễ Phật rồi trở về cung. Đức Phật và Thượng tọa Ànanda cũng từ giã Jìvaka, trở lên núi Griddhakùta.

Sàriputta và Moggallàna đến Gayàsìsa[12]

Sau khi từ giã Phật trên núi Griddhakùta, hai Thượng tọa Sàriputta và Moggallàna trở về tinh xá Venuvana thu xếp vài việc rồi âm thầm đi đến núi Gayàsìsa. Hai vị đến nơi lúc Thượng tọa Devadatta đang thuyết pháp. Thượng tọa Devadatta thấy Thượng tọa Sàriputta và Thượng tọa Moggallàna đến thì vô cùng mừng rỡ, mời hai vị cùng ngồi chung trên pháp tòa. Nhưng hai vị từ chối, chỉ xin được ngồi chung với các đại đức khác trong hàng thính chúng. Sau khi kết thúc pháp thoại, Thượng tọa Devadata nói :

Hôm nay có hai Thượng tọa Sàriputta và Moggallàna đến với chúng ta. Đây là một tin vui lớn cho giáo hội Gayàsìsa. Hai Thượng tọa đã từng là hai người bạn rất thân của ta và là những khất sĩ có biện tài lỗi lạc. Vậy tôi xin nhường lời lại hai Thượng tọa Sàriputta và Moggallàna tiếp tục buổi thuyết pháp hôm nay.

Nói xong, Devadatta đứng lên chỉ tay về chỗ Sàriputta và Moggallàna đang ngồi. Hai Thượng tọa đứng dậy. Một tràng pháo tay nổ dòn tán thưởng. Thượng tọa Sàriputta lên pháp tòa nói về Tứ Diệu Đế, thầy nói thật hay và thật hấp dẫn về các đau khổ ở đời, về các nguyên nhân sâu xa của đau khổ, về hạnh phúc chân thật của đời sống thánh thiện, và về cách tận diệt đau khổ tận gốc rễ. Thầy nhấn mạnh về các phương pháp thực hành giới, định, tuệ để tránh khổ đau. Đa số thính chúng hoan hỉ lắng nghe và lãnh thọ. Riêng Devadatta thì có vẻ mỏi mệt, ngồi ngủ gật.

Hai thầy Sàriputta và Moggallàna ở lại Gayàsìsa hơn một tháng, tham dự vào tất cả những sinh hoạt của giáo đoàn. Cứ ba hôm, Thượng tọa Sàriputta lại thuyết pháp và giảng dạy chung cho các khất sĩ. Mỗi ngày Thượng tọa Moggallàna giải thích thêm về phần thực hành và những chỗ khó hiểu trong giáo lý. Các khất sĩ nơi đây đã xem hai thầy là bậc đàn anh đáng kính và đáng tin cẩn. Nhưng thầy Kokàlika, người phụ tá thân tín của Devadatta, khuyên Devadatta không nên quá tin tưởng hai thầy. Devadatta không đồng ý, trái lại rất thích thú khi thấy có người phụ trách dạy dỗ các khất sĩ thay cho mình.

Một hôm, sau buổi thuyết pháp về Tứ Niệm Xứ, Thượng tọa Sàriputta nói với các vị khất sĩ :

Này các huynh đệ, chiều hôm nay tôi và sư huynh Moggallàna sẽ từ giã các huynh đệ. Chúng tôi phải trở về với Phật và giáo đoàn do ngài lãnh đạo. Thưa các huynh đệ, chúng ta chỉ có một đấng thánh nhân giác ngộ hoàn toàn trên đời này mà thôi. Vị đó là đấng Thế Tôn Sàkyamuni. Chính ngài đã thành đạo dưới cội Bồ-đề cách nay 37 năm. Chính ngài đã sáng lập Giáo Đoàn Khất Sĩ với đầy đủ ba ngôi Tam Bảo tại Isipatana, gần Benares. Này các huynh đệ, chia rẽ giáo đoàn là một trọng tội[13]. Các huynh đệ nên trở về sám hối với đức Thế Tôn. Chúng tôi tin rằng với lòng từ bi cao cả của ngài, chúng ta sẽ được thu nhận lại như cũ. Đối với tôi, chỉ có đấng Thế Tôn Sàkyamuni là vị đạo sư chân chánh của tất cả chúng ta mà thôi. Hai anh em tôi xin chào các huynh đệ. Nếu các huynh đệ muốn trở về với đức Thế Tôn thì các huynh đệ hãy đến tinh xá Venuvana, chúng tôi sẽ đưa các huynh đệ lên Griddhakùta để phát lồ sám hối.

Nói xong, hai Thượng tọa từ giã đại chúng rồi im lặng trở về Venuvana. Hôm đó Devadatta bận việc phải về kinh đô Ràjagaha. Kokàlika đứng dậy phản đối, nhưng không ai có phản ứng gì cả.

Hai Thượng tọa Sàriputta và Moggallàna về đến Venuvana được năm hôm thì có 385 vị khất sĩ từ Gayàsìsa tìm về. Theo lời chỉ dạy của đức Phật, hai Thượng tọa Sàriputta và Moggallàna chỉ dẫn nghi thức cho họ làm lễ phát lồ sám hối trước đại chúng, rồi hướng dẫn họ lên núi Griddhakùta đảnh lễ Phật. Phật dạy các vị khất sĩ về Lục Hòa và khuyên các vị nên triệt để tôn trọng và thực hành Lục Hòa trong Giáo Đoàn Khất Sĩ, và tinh tấn tu học theo sự hướng dẫn của các vị Thượng tọa.

Độ một tuần sau có thêm 35 vị khất sĩ nữa từ Gayàsìsa trở về Venuvana. Thượng tọa Sàriputta cũng cho họ làm lễ phát lồ sám hối trước đại chúng, rồi đưa họ lên núi Linh Thứu trình diện với Phật. Thượng tọa Ànanda hỏi thăm 35 vị Khất sĩ về tình hình tại Gayàsìsa. Một vị khất sĩ đáp :

Khi Thượng tọa Devadatta từ Ràjagaha trở về Gayàsìsa, thấy gần bốn trăm sư huynh đã theo hai Thượng tọa Sàriputta và Moggallàna trở về Venuvana thì giận lắm. Nhưng thầy chỉ trách sơ qua là mấy người bỏ đi đã vong ơn thầy và không biết phân biệt nơi nào tu chính chắn hơn, rồi thầy làm thinh. Hai ngày sau thầy lại trở về thủ đô để gặp vua Ajàtasattu. Trong lúc đó Thượng tọa Kokàlika cứ tới lui nguyền rủa những người đã bỏ đi, làm cho những người còn ở lại cũng cảm thấy khó chịu.

Không biết hai sư huynh Sàriputta và Moggallàna đã nói gì với các huynh đệ mà các huynh đệ bỏ Devadatta trở về với Phật đông như thế ?

Hai sư huynh đó không hề nói gì động tới Devadatta cả. Hai thầy chỉ lo thuyết pháp và dạy dỗ chúng tôi rất chí tình. Phần đông anh em chỉ mới được hai ba hạ nên còn non nớt về giáo lý cũng như về thực hành. Được hai thầy hết lòng chỉ dạy trong vòng một tháng mà anh em cảm thấy tiến bộ rất nhiều và hiểu được phần nào giáo lý cao thượng của đức Thế Tôn, và biết được chính đức Thế Tôn mới là bậc Đại Giác Ngộ duy nhất hiện nay ở thế gian này, và cũng chính ngài đã thành lập Giáo Đoàn Khất Sĩ đầu tiên tại Isipatana với đầy đủ ba ngôi Tam Bảo. Vì vậy nhiều anh em đã quyết định trở về với Phật.

Vậy còn Thượng tọa Kokàlika thì sao ?

Thượng tọa Kokàlika thấy anh em bỏ đi thì giận lắm, nguyền rủa hai sư huynh thậm tệ[14]và trách Thượng tọa Devadatta không thấy xa, quá tin cậy hai sư huynh nên bị gạt.

Trong một buổi pháp thoại, Đức Phật đã khen hai thượng tọa Sàriputta và Moggallàna hội đủ tám điều kiện xứng đáng để làm sứ giả Như Lai. Tám điều kiện đó là:

1- Biết lắng nghe.

2- Biết làm cho người khác lắng nghe;

3- Biết cách hướng dẫn.

4- Hiểu biết sâu rộng.

5- Nhận thức tinh tường.

6- Biết chỉ cho người khác cách nhận thức tinh tường.

7- Biết rõ việc gì có lợi, việc gì có hại.

8- Biết tạo hòa khí, không tranh cãi. (Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 399)

Đức Phật cũng nói rằng Devadatta sẽ gánh chịu sự bất hạnh, bị đọa địa ngục trọn kiếp vì tâm bị ngự trị bởi tám điều không đúng Chánh Pháp:

1- Tham cầu lợi lộc.

2- Buồn phiền vì không có lợi lộc.

3- Tham cầu danh vọng.

4- Buồn phiền vì không có danh vọng.

5- Tham cầu vinh hiển.

6- Buồn phiền vì không được vinh hiển.

7- Mong ước điều xấu ác.

8- Có bạn bè xấu ác. (Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 401)

Devadatta lăn đá hại Phật[15]

Một buổi chiều, trong khi đức Phật đang đi bách bộ xuống núi, từ đông sang tây trên con đường Bimbisàra, trên sườn núi Griddhakùta, đến chỗ đường hẹp hai bên có dốc đá cao thì Devadatta đứng trên dốc cao phía nam lăn xuống một tảng đá lớn. Đức Phật đang đi trên con đường hẹp giữa hai dốc đá, không tài nào tránh khỏi tảng đá tròn, lớn, từ trên cao lăn xuống. Nhưng khi tảng đá kia lăn xuống đến lưng chừng dốc thì chạm vào giữa hai tảng đá khác làm văng ra nhiều mảnh nhỏ. Chỉ có một mảnh văng trúng vào chân của Phật làm chảy máu ướt cả vạt áo sanghàti. Các vị khất sĩ phải khiêng Phật xuống chân núi Linh Thứu, để ngài nằm nghỉ tại đền Mardakukshi[16](Pali: Maddakuchchi). Đức Phật bảo các vị khất sĩ hãy khiêng ngài đến vườn xoài của ông Jìvaka ở gần đó. Đến nơi, y sĩ Jìvaka liền tẩy trùng, đắp thuốc cầm máu, rồi băng bó vết thương cho Phật. Xong xuôi, ông nói :

Bạch Thế Tôn, con có một bệnh nhân đang chờ con trong thành Ràjagaha. Sau khi thăm bệnh nhân này, con sẽ trở về ngay. Trong khi chờ đợi, xin Thế Tôn cứ nằm nghỉ và đừng động gì đến vết thương cả.

Nhưng sau khi thăm bệnh nhân trở về thì cổng thành đã đóng. Ông Jìvaka than:

Nếu ta không về kịp để tháo băng ra thì đêm nay vết thương sẽ làm Thế Tôn đau đớn lắm !

Trong lúc đó đức Phật bảo Thượng Tọa Ànanda :

Này Ànanda, Jìvaka về trễ, cổng thành đã đóng, không thể qua được. Ông ta nghĩ rằng đã đến lúc tháo băng ra. Vậy thầy hãy tháo băng ra đi.

Thượng Tọa Ànanda tháo băng ra thì thấy vết thương đã lành. Thượng tọa hỏi :

Bạch Thế Tôn, sư huynh Devadatta làm chuyện ác nghiệt như thế sẽ phải chịu nghiệp báo như thế nào ?

Này Ànanda, có năm tội (ngũ nghịch) sau khi mạng chung phải sa vào địa ngục vô gián. Đó là: Giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá hòa hiệp tăng và làm thân Phật ra máu. Đó là năm nghiệp ác đưa đến sự đau khổ liên tục không ngừng ở địa ngục A-tỳ (Avici) cho đến khi hết nghiệp mới ra khỏi.

Sáng sớm hôm sau, Jìvaka vừa về vội đến bên giường hỏi Phật :

Bạch Thế Tôn, đêm qua vết thương có làm Thế Tôn đau đớn lắm không?

Này Jìvaka, mọi đau khổ đã hoàn toàn chấm dứt đối với Như Lai.

Rồi đức Phật nói kệ :

“Người đã sống đầy đủ, không còn biết buồn rầu.

“Người đã tự giải thoát khỏi ràng buộc thế gian,

“Không còn gì vướng mắc, có gì là đau khổ.

(Kinh Pháp-Cú, bài 90)

Như Lai chỉ nói những lời có ích lợi cho người nghe[17]

Một hôm hoàng tử Abhaya (Vô Úy), con vua Bimbisàra với bà Badumavati hoa khôi ở Ujjeni, nghe theo lời ngoại đạo sư Nigantha Nàtaputta, thỉnh Phật đến tư gia cúng dường, rồi nhân đó nêu một câu hỏi khó trả lời như sau: “Sa môn Gotama có bao giờ nói lời khó chịu làm buồn khổ người khác không ?” Nếu đức Phật trả lời “Có” thì đức Phật chẳng khác gì người thường; nếu đức Phật trả lời “Không” thì là nói dối vì đức Phật đã nói Devadatta sẽ bị trừng phạt tại địa ngục A-tỳ trong một kiếp, không thể nào tránh khỏi ?

Ngày hôm sau, đức Phật đến thọ trai xong, hoàng tử Abhaya hỏi :

Thưa Sa môn Gotama, có bao giờ ngài thốt ra lời nói khó chịu làm cho người khác buồn khổ không ?

Tùy trường hợp. Nhưng sao Hoàng tử hỏi Như Lai câu đó ?

Thưa Sa môn Gotama, thật ra đó là câu hỏi của đạo sư Nàtaputta. Nếu ngài đáp có thì ngài chẳng khác gì người thường; nếu ngài đáp không thì ngài nói dối vì ngài đã bảo Devadatta sẽ bị đọa địa ngục A-tỳ.

Này Abhaya, nếu đứa bé đang ngồi trong lòng Hoàng tử hiện giờ nuốt phải một miếng gỗ hay một hòn sỏi mắc cổ, thì Hoàng tử sẽ làm gì ?

Tôi sẽ lấy vật đó ra. Nếu gặp khó khăn thì tay trái tôi sẽ đè ngửa đầu nó ra, rồi dùng ngón tay mặt móc vật đó ra dù có thể làm cho nó đau và chảy máu. Vì sao? Chính vì tôi thương nó, muốn cứu nó.

Cũng thế, này Abhaya, Như Lai không bao giờ nói sai sự thật, nói lời vô ích, nói lời khó chịu làm thương tổn người khác; cũng không bao giờ nói đúng sự thật một cách vô ích, gây khó chịu, thương tổn người khác; cũng không bao giờ nói sai sự thật, nói lời vô ích để làm vui lòng người khác; cũng không bao giờ nói đúng sự thật một cách vô ích để làm vui lòng người khác; Như Lai chỉ nói những lời đúng sự thật và có ích lợi cho người nghe, dù có làm vui lòng người khác hay không.

Devadatta thả voi say hại Phật[18]

Một hôm, đức Phật và một số các vị khất sĩ, từ tốn trang nghiêm, đi từ tinh xá Venuvana (Trúc Lâm) vào thành Ràjagaha (Vương Xá) để khất thực. Khi vừa đến cổng thành phía bắc, bỗng nghe tiếng dân chúng la hoảng, chạy tán loạn. Một con voi to lớn từ chuồng voi hoàng gia phóng ra, đưa vòi lên cao, đuôi và hai tai thẳng đứng, miệng rống thật to, chạy thẳng về phía cổng thành. Đó chính là con voi Nàlàgiri[19], nổi tiếng hung dữ nhất của nhà vua. Nó vừa chạy vừa la, bọt mép trào ra, hai mắt đỏ ngầu như điên như dại. Thấy tình trạng quá nguy hiểm, một số khất sĩ vội chạy tìm chỗ núp hai bên đường, một số núp sau lưng đức Phật. Thượng tọa Ànanda nắm tay Phật kéo sang một bên, nhưng đức Phật vẫn đứng yên tại chỗ. Ànanda vừa bước lên định đứng chận trước mặt Phật, bỗng nghe Phật hú lên một tiếng lớn và dài. Tiếng hú vang dội, trang nghiêm, oai vệ. Đây là tiếng hú của con voi chúa trong rừng Rakkhita ở gần thành phố Pàrileyyaka. Phật đã an cư một mình nơi đây vào hạ thứ 10, và ngài đã học được tiếng hú của con voi chúa gọi đàn voi đến tập họp bên bờ suối. Voi Nalagiri xông tới chỉ còn cách Phật chừng mươi bước, bỗng nghe tiếng hú vang dội, nó khựng lại đứng nghe, nét mặt từ hung dữ đổi sang hiền hòa, rồi ngoan ngoãn nằm mọp xuống đất. Đức Phật đã dùng tiếng hú để làm cho con voi chú ý, rồi phóng tâm Từ (Metta) để làm dịu cơn hung dữ của nó. Phật tiến tới, đưa tay sờ lên đầu voi với tất cả lòng từ bi cao cả của ngài. Rồi ngài nắm lấy vòi voi, thong thả dắt voi trở về chuồng trong tiếng hoan hô tán thán của dân chúng hai bên đường. Miệng voi còn tỏa ra mùi rượu nồng nặc.

Khi vào tới chuồng voi, đức Phật nghiêm nghị nhìn vị quản voi, rồi với giọng ôn tồn ngài bảo :

Con voi Nàlàgiri này tâm tánh hung dữ bất thường, ông phải cẩn thận đừng bao giờ để nó sổng chuồng ra đường có hại đến sinh mạng của dân chúng.

Bạch đức Thế Tôn, vị quản voi cung kính đảnh lễ và thưa, con không dám sơ sót như vậy. Vốn hồi sáng sớm có ngài Devadatta đến bảo con vào triều gặp vua có việc cần, ngài sẽ tạm giữ voi cho con đến lúc con trở về. Không dè lúc con vừa về tới nơi thì thấy xảy ra vụ này. Xin Thế Tôn tha tội cho con.

Chỉ trong vài hôm, tin Phật bị mưu sát ba bốn lần trong vòng hai tuần lễ được truyền đi khắp thủ đô. Quần chúng càng ngẩn ngơ, kinh hoàng, xôn xao khi hay tin thượng hoàng Bimbisàra băng hà. Có người được biết ngài đã chết thê thảm trong ngục thất. Thượng hoàng Bimbisàra thọ 66 tuổi, ngài nhỏ hơn Phật 5 tuổi. Năm quy y làm đệ tử tại gia của Phật, ngài mới có 31 tuổi. Lên ngôi từ năm 15 tuổi, ngài đã trị vì trong 51 năm. Suốt 51 năm đó nước Magadha (Ma Kiệt Đà) luôn luôn được hòa bình, dân chúng an cư lạc nghiệp. Chỉ trừ có một lần lâm chiến với vương quốc Anga. Trong cuộc chiến tranh đó vua Brahmàdattà của xứ Anga đã thua trận, và xứ Anga bị lệ thuộc xứ Magadha. Khi vua Taxila Pukkusati lên cầm quyền ở Anga, vua Bimbisàra đã thiết lập liên lạc thân hữu với vị vua này và đưa vua này đến với đạo Phật. Để có hòa bình lâu dài, ngài đã kết thân với các nước láng giềng, cưới em ruột của vua Pasenadi xứ Kosala là Videhi làm chánh hậu, lập thứ hậu từ các hoàng tộc Madra và Licchavi. Chị ruột của vua Bimbisàra là Mallikà cũng đã được gả cho vua Pasenadi làm hoàng hậu xứ Kosala.

Vua Bimbisàra từng tỏ lòng thương kính Phật bằng cách làm một con đường đi từ chân đến đỉnh núi Griddhakùta để Phật đi được dễ dàng, và xây một tháp đựng tóc và móng tay của Phật trong vườn thượng uyển, đặt người thường xuyên đốt hương trầm và thắp đèn nến quanh tháp để cúng dường.

Đến ngày làm lễ trà tỳ thượng hoàng Bimbisàra, Phật tự thân hành tới dự lễ, và bảo tất cả các vị khất sĩ trong giáo đoàn cùng đi. Lễ trà tỳ được tổ chức rất long trọng. Quần chúng tiếc thương vị vua đạo đức của họ đã đến tham dự rất đông đảo.

Trên đường dự lễ về, Phật ghé vườn xoài của y sĩ Jìvaka. Vị này cho Phật biết là sau khi thái hậu Videhi bị cấm không được vào thăm thượng hoàng thì ngài đã lìa đời trong nhà giam, bên cạnh không có một người thân thích. Lúc nào ngài cũng nhìn lên đỉnh núi Linh Thứu (Griddhakùta) mong được trong thấy bóng dáng đức Thế Tôn.

Một hôm y sĩ Jìvaka dắt hoàng tử Abhaya, con của vua Bimbisàra và thứ hậu Padumavati, lên núi Griddhakùta trình diện với Phật. Abhaya xin được xuất gia. Ông không còn tha thiết gì đến nếp sống phù hoa danh lợi. Đã từng nghe Phật thuyết pháp nhiều lần, ông rất hâm mộ đạo lý giải thoát và ước mong được sống nếp sống thảnh thơi, vô ưu của người khất sĩ. Phật chấp nhận cho Abhaya xuất gia.

 


[1]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 486-490; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 1428.

[2]Ba mươi bảy Phẫm Trợ Đạo gồm có:

Tứ niệm xứlà 4 đề tài thiền quán: thân bất tịnh, thọ là khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã.

Tứ chánh cầnlà 4 điều phải siêng năng thực hành: đoạn trừ những tư tưởng và hành động bất thiện đã sanh, ngăn ngừa những tư tưởng và hành động bất thiện chưa sanh, nuôi dưỡng những tư tưởng và hành động thiện đã sanh, làm nẩy nở những tư tưởng và hành động thiện chưa sanh.

Tứ như ý túclà 4 điều phải làm đến nơi đến chốn: 1- Dục như ý túc là có tâm muốn làm các việc lành thì phải làm cho đến nơi đế chốn; 2- Niệm như ý túc là ghi nhớ các pháp lành một cách đầy đủ và rành rẽ; 3- Tinh tấn như ý túc là siêng năng tu tập đến nơi đến chốn pháp môn đã chọn; 4- Tư duy như ý túc là suy nghĩ điều gì thì phải suy nghĩ chính chắn đến nơi đến chốn.

Ngũ cănlà 5 căn tánh cần thiết để tu tập có kết quả: Tín căn, Tinh tấn căn, Niệm căn, Định căn và Tuệ căn.

Ngũ lựclà 5 sức mạnh giúp cho việc tu tập chóng thành tựu: Tín lực, Tinh tấn lực, Niệm lực, Định lực và Tuệ lực.

Thất bồ-đề phần hayThất giác chilà 7 giai đoạn cần thực hành theo thứ lớp để việc tu tập có kết quả: 1- Niệm giác chi là ghi nhớ đầy đủ rõ ràng Chánh Pháp và các Pháp môn tu; 2- Trạch pháp giác chi là lựa chọn pháp môn tu đúng Chánh Pháp và hợp với khả năng mình; 3- Tinh tấn giác chi là phát tâm dõng mãnh tu tập pháp môn đã chọn, không gián đoạn; 4- Hỷ giác chi là khởi tâm vui mừng khi tu tập có tiến bộ để nuôi dưỡng lòng hăng hái; 5- Khinh an giác chi là biết cách đoạn trừ phiền não và ngã mạn cho thân tâm nhẹ nhàng thư thới; 6- Định giác chi là biết cách chú tâm thực hành pháp môn mình đã chọn để trừ vọng tưởng và an trụ tâm; 7- Xả giác chi là lìa bỏ tất cả vọng chấp (chấp ngã, chấp pháp), lià bỏ chỉ và quán, để tâm được rỗng-rang, bình đẳng, thanh tịnh.

Bát chánh đạolà chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đã giảng nghĩa ở phần trước.

[3]Xem Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 383-386; Tạng Luật, Phân Tích Giới Tỳ Khưu 1: 592-595; Đường Xưa Mây Trắng, trang 491-495; Tiểu Bộ, Udàna V.8. Gayàsìsa nay là Brahmàyoni.

[4]Ngũ tịnh nhục: 1- Loại thịt không thấy vì ta mà giết; 2- Loại thịt nghe người đáng tin nói chẳng phải vì ta mà giết; 3- Loại thịt không nghi vì ta mà giết; 4- Loại thịt thú do thọ mạng hết mà chết tự nhiên; 5- Loại thịt do thú dữ ăn còn dư.

[5]Xem Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 366-367; Kinh A Xà Thế vương; Trường A Hàm 2, 17; Tăng Nhất A Hàm 12; Đại Bát Niết Bàn 19, 20; Luật Ngũ Phần 3; Đại Đường Tây Vực Ký 9; Huệ Lâm Âm Nghĩa 25.

[6]Xem Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 368-371; Đường Xưa Mây Trắng, trang 499-500.

[7]Xem Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 59.

[8]Xem Tiểu Bộ, Jàtaka, kinh 338: Thusa.

[9]Xem kinh Quán Phật Vô Lượng Thọ (Đại Chánh TTĐTK, tập 12).

[10]Sáu niệmlà: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Thí, niệm Giới và niệm Thiên.

[11]Xem kinh Quán Phật Vô Lượng Thọ (Đại Chánh TTĐTK, tập 12).

[12]Xem Tiểu Bộ, Jàtaka 143 ; Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 391-394.

[13]Tội ngũ ngịchgồm có : Tội giết mẹ, tội giết cha, tội giết A-la-hán, tội làm thân Phật ra máu, tội phá hòa hợp tăng. Ai phạm vào tội ngũ ngịch sẽ bị đọa vào “địa ngục vô gián” (avici), chịu khổ liên tục không gián đoạn cho đến khi đền xong tội mới ra khỏi ngục.

[14]Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 247-249.

[15]Xem Buddhist Legends, quyển II, trang 197-198; Tiểu Bộ, Jàtaka 503: Sattigumba; Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 372; Kinh Xuất Diệu 14, 15, 16, 25; Luận Đại Tỳ-bà-sa 83.

[16]Đền Maddakuchchichính là nơi hoàng hậu Videhi đã chà xát bụng định phá thai, ở ngay dưới chân núi Griddhakùta.

[17]Xem Trung Bộ (Majjhima nikàya) 58: kinh Abhaya-Ràjakumàra; Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 26: Abhaya; The Life of Buddha as Legend and History, trang 136.

[18]Xem Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 377-380; Tạp A Hàm 16, 18, 38, 48; Tăng Nhất A Hàm 5, 9, 11, 12, 23, 38, 48, 49; Kinh Hiền Ngu 6, 9, 13. 

[19]Xem Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 166 (Cùlaka) và kinh 230 (Sirimitta). Theo Tiểu Bộ, Jàtaka 21, 389, 501 thì tên voi là Dhanapàla (Tài hộ); theo Jàtaka 222, 241, 329, 438 thì tên voi là Nàlàgiri.

Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 74

Post Views: 700