Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh
(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)
Đầu mùa xuân năm -548, Phật lên đường trở về thủ đô xứ Magadha. Ngài đi thong thả. Lộ trình được chia ra nhiều chặng để Phật có thể nghỉ ngơi một hai ngày tại các tinh xá dọc đường, và nhân tiện có thể chỉ dạy và sách tấn các vị khất sĩ và cư sĩ tại những nơi ấy. Phật lần lượt đi qua các xứ Sàkya, Malla, Videha, Vajji và cuối cùng vượt sông Gangà đến Magadha. Phật ghé thăm tinh xá Nàlandà và Ambalatthikà trước khi đến Venuvana.
Lúc gần đến Venuvana thì thấy có đông đảo thợ thuyền và dân chúng đang xúm nhau xây cất tường thành và nhà cửa. Thượng tọa Ànanda hỏi thăm, được biết vua Ajàtasattu đang dời thành Vương xá cũ ở trong thung lũng giữa các núi Vaibhara, Vipula, Ratna và Sona, đến thành Vương xá mới đang xây cất phía bắc tinh xá Venuvana, vì lý do kinh tế, chính trị và quân sự. Vương xá cũ nằm giữa các núi nên đất đai chật hẹp, lại bất tiện cho việc giao thông và phòng thủ. Dường như kế hoạch này cũng đã được vua Bimbisàra dự trù từ trước. Đến bây giờ vua Ajàtasattu cũng đang muốn có sự đổi mới, nên đem ra thực hiện.
Sau khi ghé thăm và ở lại Venuvana hai ngày để khuyến khích và chỉ dạy thêm cho tăng chúng, Phật và Thượng tọa Ànanda đi lên núi Griddhakùta (Linh Thứu). Qua hôm sau y sĩ Jìvaka đến thăm Phật. Ông kể cho Phật nghe những chuyện đã xảy ra tại Ràjagaha. Ông nói hiện nay thái hậu Videhi đã tìm lại được nếp sống an bình. Bà ăn chay trường, siêng năng niệm Phật A Di Đà, thực tập thiền quán, và thường lui tới tinh xá Venuvana để cúng dường Tam Bảo và học hỏi Giáo Pháp. Vua Ajàtasattu bị ám ảnh bởi cái chết của thượng hoàng, bị lương tâm cắn rứt ngày đêm, tinh thần trở nên suy nhược, hay giựt mình, mất bình tĩnh và thường nằm mơ thấy những cơn ác mộng, lúc tỉnh dậy mồ hôi ra đầm đìa. Y sĩ thường đến chữa trị cho vua, tới nay phần suy nhược đã giảm, nhưng phần tâm bệnh vẫn chưa an. Vua không còn tiếp xúc với Thượng tọa Devadatta nữa, nhưng cũng không liên lạc với Trúc Lâm. Vua mời các đạo sĩ nổi tiếng của các giáo phái Makkhali Gosaleiputta, Sanjaya Belatthiputta, Nigantha Nàtaputta, Ajita Kesakambala, Pakudha Kaccàna và Pùrana Kassapa đến để tham vấn và chữa trị tâm bệnh. Vị nào cũng muốn làm vừa lòng vua để được hưởng ân huệ, nhưng không vị nào thành công.
Gần đây, vua mời thái hậu vào ăn cơm chung với hoàng hậu Vajirà và thái tử Udàyibhadda. Thái tử Udàyibhadda chưa đầy ba tuổi, hôm đó nhất định đòi đem con chó vào phòng ăn. Ajàtasattu chìu con. Nhưng trong bữa ăn, con chó chạy lung tung, chồm cả lên mình thái hậu. Vua hơi ngượng với thái hậu, nói :
–Đem chó vào phòng ăn thật khó chịu. Nhưng không cho thì thằng bé này khóc chịu không nổi.
Thái hậu nói :
–Con thương con của con nên để cho nó đem chó vào phòng ăn, đâu có gì là lạ. Con có nhớ ngày xưa, cha con vì thương con mà kê miệng hút máu mủ trong ngón tay của con không ?
–Con không nhớ, xin thái hậu kể lại cho con nghe.
–Một hôm, ngón tay trỏ của con bị đau và sưng vù lên. Một mụt nhọt đã mọc ngay dưới móng tay, làm nhức nhối khiến con khóc suốt ngày đêm trong ba bốn hôm liền. Cha con sốt ruột, ngày nào cũng ẵm con đặt lên bắp đùi, ngậm ngón tay đau của con trong miệng để truyền hơi ấm qua, hy vọng làm con bớt đau và làm cho mụt nhọt mau mùi, sớm vỡ mủ ra. Đến khi mụt nhọt chín muồi, cha con dùng miệng hút mủ ra từ từ. Đến khi hết mủ máu độc rồi, cha con vẫn tiếp tục ngậm ngón tay của con trong miệng, sợ rút ra làm con rát đau. Một lúc sau cha con bị sặc, nuốt luôn máu mủ vào bụng. (Bà vừa nói vừa khóc nức nở) Mẹ nhắc lại chuyện này để con biết ngày xưa cha con thương con như thế nào. Bây giờ con có thương chìu con của con nhiều lắm thì cũng đến như thế là cùng.
Nghe thái hậu Videhi nói đến đó, vua Ajàtasattu ôm đầu chạy luôn về phòng, bỏ dở bữa ăn. Thái hậu ngồi khóc thút thít một lúc rồi cũng đi về phòng mình.
Khi Jìvaka đến chữa trị cho vua, nghe vua kể lại đủ thứ chuyện, từ chuyện những cơn ác mộng đến chuyện tham vấn các đạo sĩ, nhưng Jìvaka vẫn làm thinh không nói gì. Vua hỏi :
–Jìvaka, tại sao anh không nói gì hết ?
–Tôi không dám có ý kiến về những chuyện riêng tư của bệ hạ. Tôi chỉ xin nói với bệ hạ một điều thôi. Tôi nghĩ chỉ có sa môn Gotama mới giúp được bệ hạ dứt trừ những uẩn khúc trong tâm. Bệ hạ nên tìm tới đức Phật để được người chỉ dạy.
Im lặng một lúc, vua nói :
–Trẫm sợ sa môn Gotama còn thù ghét trẫm.
–Bệ hạ đừng nói thế. Sa môn Gotama không hề thù ghét ai cả. Đức Phật là thầy của thượng hoàng, và cũng là người bạn thân thiết nhất của thượng hoàng. Bệ hạ tới viếng Phật thì cũng như tới viếng thượng hoàng vậy. Chỉ có đức Phật mới có thể đem lại sự an ổn tinh thần cho bệ hạ. Tài y khoa của tôi không làm nổi điều này. Đức Phật là bậc y vương có thể chữa lành tất cả các tâm bệnh. Xin bệ hạ đừng ngại, đức Phật thường dạy các đệ tử nên thực hành Từ Bi Hỷ Xả để cứu độ chúng sanh ra khỏi mê lầm và đau khổ, thì không lẽ chính ngài lại không thực hành những điều đó.
Sau cuộc đàm đạo đó, vua Ajàtasattu đã chấp thuận sẽ đi thăm Phật.
Sau vài ngày nghỉ ngơi dưỡng sức và chuẩn bị nhập hạ thứ 42, đức Phật bảo Thượng tọa Ànanda và các đại đệ tử thông báo rộng rãi cho các vị khất sĩ ở các vùng lân cận tập họp về Linh Thứu để nghe một bài pháp rất quan trọng.
Hôm ấy, cả vùng núi Griddhakùta (Linh Thứu) đông như hội chợ. Có mười hai ngàn khất sĩ A-la-hán mặc áo cà-sa vàng rực rỡ, hai ngàn khất sĩ thuộc bậc hữu học và vô học, tám mươi ngàn Bồ tát bất thối chuyển từ các cõi Phật, hai mươi ngàn thiên thần từ các cõi Trời và Long cung, vua Ajàtasattu (A Xà Thế) cùng các đại thần, thân hào nhân sĩ và hoàng tộc đều tựu hội đến nghe pháp.
Khởi đầu đức Phật nói vắn tắt kinh “Vô Lượng Nghĩa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm” cho các vị Bồ tát nghe. Rồi đức Phật ngồi kiết già, nhập chánh định “Vô Lượng Nghĩa Xứ”, thân và tâm của Phật đều không lay động. Trời bắt đầu mưa hoa Mạn-đà-la (Mandara) và hoa Mạn-thù-sa (Manjusaka), khắp cõi Phật vang động. Đức Phật từ giữa hai chặn lông mày trắng phóng ra một đạo hào quang chiếu khắp mười tám ngàn cõi phương đông, phía dưới đến địa ngục A-tỳ và phía trên đến cõi trời Sắc Cứu Cánh. Tất cả thính chúng đều vui mừng được thấy việc chưa từng có, chắp tay cung kính nhìn Phật, chờ nghe diệu pháp.
Đức Phật từ trong chánh định, bảo ngài Sàriputta :
–Này Sàriputta, trí tuệ của chư Phật[2]rất sâu xa, khó thấy, khó hiểu, khó vào. Tất cả hàng Thanh-văn cùng Duyên-giác đều không biết được. Từ khi ta thành Phật đến nay chỉ rộng dùng phương tiện giảng nói nhân duyên, bốn sự thật, tám hành động chơn chánh, 37 phẩm trợ đạo … để dìu dắt chúng sanh xa lìa mê chấp. Thật ra, để tỏ bày tri kiến thâm diệu của chư Phật, Như Lai chưa từng nói một lời. Ngoài chư Phật ra, không ai có thể hiểu nổi.
–Bạch Thế Tôn, Thượng tọa Sàriputta nói, xin Thế Tôn hoan hỉ chỉ bày tri kiến thâm diệu của chư Phật. Con tin rằng trong pháp hội này có rất nhiều người đã trồng căn lành từ nhiều đời nhiều kiếp sẽ hiểu được và vui mừng tin thọ.
–Thôi thôi ! Này Sàriputta, nếu nói việc đó ra thì tất cả trời, người, a-tu-la (asura) đều sẽ kinh sợ và nghi ngờ, Tỳ kheo tăng thượng mạn sẽ bị đọa lạc.
Đức Phật nói đến đây thì trong thính chúng có năm nghìn người đứng lên xá Phật rồi ra về. Họ nghĩ rằng mình đã theo Phật tu học mấy chục năm nay, đã đắc thánh quả A-la-hán, hết phiền não, được niết bàn, sao hôm nay đức Phật lại xem thường mình đến thế, mình đâu cần phải học thêm gì nữa. Đức Phật ngồi yên không ngăn cản. Khi hội trường trở lại yên lặng, đức Phật nói tiếp :
–Này Sàriputta, bây giờ thì Như Lai có thể nói được rồi, vì bọn người tăng thượng mạn, chưa chứng mà cho đã chứng, đã rời khỏi hội trường, chỉ còn lại những người đã được trí tuệ thanh tịnh. Quí vị hãy chăm chỉ lắng nghe, Như Lai sẽ vì quí vị mà giảng nói.
“Này Sàriputta, các đức Phật Thế Tôn ra đời đều chỉ vì một đại sự nhân duyên là “khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật“. Chư Phật đều dùng vô lượng phương tiện, nhân duyên, thí dụ để dẫn dắt chúng sanh đến Phật thừa. Nhưng vì Phật thừa rất thậm thâm vi diệu khó hiểu nên mới phân biệt nói thành ba thừa[3]. Cũng như con đường dài được chia ra làm nhiều chặng để cho người đi không ngại dài lâu mỏi mệt. Nhưng đến mỗi trạm nghỉ ngơi, người đi phải biết là cần phải đi thêm nữa mới đến đích. Cũng thế, tuy đến nay đa số quý thầy đã đến quả vị A-la-hán, hết phiền não, vượt khỏi sanh tử, an hưởng niết bàn, nhưng như thế chưa đủ, quý thầy cần phải tinh tấn thêm nữa để đạt đến mục đích tối hậu là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lại nữa, nếu ai thấy mình đã được thánh quả thì đúng là kẻ tăng thượng mạn, vì bậc thánh nhân đã thật sự dứt trừ ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, không còn thấy có ngã và ngã sở thì làm gì còn thấy có chứng đắc.
–Bạch Thế Tôn, Thượng tọa Sàriputta nói, con từ xưa đến nay theo hầu Phật, chưa từng được nghe pháp vô thượng thừa như thế này. Hôm nay được nghe Phật nói pháp vô thượng, con rất vui mừng, xin tin nghe và ghi nhớ.
–Này Sàriputta, hôm nay Như Lai sẽ vì chúng Thanh văn mà nói kinh đại thừa tên là “Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm“. Này Sàriputta, đến đời vị lai, quá vô lượng vô biên bất khả tư nghì kiếp, sau khi cúng dường nhiều nghìn muôn ức Phật, phụng trì Chánh Pháp đầy đủ đạo tu hành của Bồ tát, thầy sẽ thành Phật hiệu là Hoa Quang Như Lai.
Kế đến, đức Phật lại thọ ký cho Thượng tọa Mahà Kassapa (Ma Ha Ca Diếp) sẽ thành Phật hiệu là Quang Minh Như Lai, Thượng tọa Subhùti (Tu Bồ Đề) sẽ thành Phật hiệu là Danh Tướng Như Lai, Thượng tọa Mahà Kaccàna (Ma Ha Ca Chiên Diên) sẽ thành Phật hiệu là Diêm Phù Na Đề Kim Quang Như Lai, Thượng tọa Moggallàna (Mục Kiền Liên) sẽ thành Phật hiệu là Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương Như Lai, Thượng tọa Punna Mantàniputta (Phú Lâu Na Mãn Từ Tử) sẽ thành Phật hiệu là Pháp Minh Như Lai, Thượng tọa Kondanna (Kiều Trần Như) sẽ thành Phật hiệu là Phổ Minh Như Lai. Rồi Phật theo thứ lớp thọ ký cho cả 1200 vị đệ tử A-la-hán đều sẽ thành Phật. Tiếp đến, đức Phật lại thọ ký cho Ànanda, Ràhula và hai nghìn người thuộc hàng hữu học và vô học đều sẽ thành Phật.
Năm trăm vị đệ tử A-la-hán vừa được Phật thọ ký xong, vui mừng hớn hở, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật đảnh lễ rồi thưa rằng :
–Bạch Thế Tôn, chúng con thường có ý nghĩ cho rằng mình đã được rốt ráo diệt độ. Đến nay mới biết đó là người vô trí. Chúng con cần phải tinh tấn nhiều hơn nữa mới được trí tuệ của Như Lai.
Tất cả thính chúng nghe Phật thọ ký cho trên ba ngàn người sẽ thành Phật, đều vui mừng, được điều chưa từng có. Họ tin chắc rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, và con đường tu tập Chánh Pháp tuy có dài lâu, cần nhiều kiên trì và tinh tấn, nhưng cứ tiến tu thì nhất định sẽ đến mục đích tối hậu là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Lúc bấy giờ đức Phật quay sang nói với Bồ tát Dược Vương :
–Này Dược Vương, trong đại chúng đây, từ hàng chư Thiên cho đến hàng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di đã tùy hỷ ở trước Phật nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Như Lai đều thọ ký cho sẽ đặng vô thượng chánh đẳng chánh giác.
“Nếu sau này có người cung kính thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép kinh Diệu Pháp Liên Hoa, dù chỉ có một bài kệ, ông nên biết đó là người sẽ thành Phật.
“Này Dược Vương, nếu có người thiện nam, tín nữ nào, sau khi Như Lai diệt độ, muốn vì bốn chúng[4]mà nói kinh Pháp Hoa này cho đúng cách, thì người đó phải vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai, rồi mới nên vì bốn chúng mà rộng nói kinh này[5]. Nhà Như Lai chính là tâm từ bi rộng lớn đối với tất cả chúng sanh. Áo Như Lai chính là tánh nhu hòa, nhẫn nhục. Tòa Như Lai chính là “tất cả pháp đều không“. Khi có người nói kinh Pháp Hoa như thế thì Như Lai dù đang ở đâu cũng sẽ sai thiên thần, hộ pháp, hóa nhân đến ủng hộ người đó về mọi phương diện.
Đức Phật vừa nói đến đây thì có tháp bằng bảy báu[6]cao 500 do tuần[7](5.000 km), rộng 250 do tuần (2.500 km) từ dưới đất nổi lên trụ giữa hư không[8]. Tháp được trang trí toàn bằng châu báu cực kỳ lộng lẫy trang nghiêm, hương thơm ngào ngạt cùng khắp … Bảo tháp này, như một bức tranh siêu thực, hiển bày đầy đủ thể, tướng, dụng của “tri kiến Phật” một cách bình đẳng cho tất cả thính chúng trong hội đều thấy Phật tánh trang nghiêm, quí báu, thanh tịnh, diệu dụng, không thể nghĩ bàn, ở khắp cả không gian và thời gian. Nhưng chỉ những ai trụ vào “hư không”[9]mới có thể trông thấy rõ ràng được, còn những người thấp bé thì phải nhờ thần lực của đức Phật đưa lên “hư không” mới có thể nhìn thấy. Đức Phật lớn tiếng tuyên bố :
–Ở trong cõi Ta-bà (Saha, thế giới) này, ai có thể rộng nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì Như Lai sẽ đem kinh phó chúc cho người đó, vì không còn bao lâu nữa Như Lai sẽ nhập Niết bàn.
Tất cả thính chúng vừa thấy được Pháp Thân của Phật Đa Bảo (thể) cùng ngồi chung một tòa với Báo Thân của Phật Thích Ca (tướng) trong tháp bảy báu, xung quanh có vô số ứng hóa thân Phật Thích Ca (dụng), vừa nghe Phật tuyên bố phó chúc kinh, đều phát tâm thọ trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Đức Phật dạy muốn thọ trì kinh Pháp Hoa cho có hiệu quả nhanh chóng và tốt đẹp thì người trì kinh phải từ nơi Phật tánh của mình mà phát tâm[10]trì kinh và đồng thời phải tu các hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục[11], tinh tấn, thiền định và trí tuệ[12]. Công đức của người trì kinh Pháp Hoa như thế thật rất thù thắng vô lượng vô biên, mau đến bậc nhất thiết chủng trí. Lại nữa, người trì kinh như thế sẽ sớm được sáu căn thanh tịnh, mỗi căn đều viên mãn công đức[13].
Khi thấy thính chúng đã dũng mãnh phát tâm thọ trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đức Phật bèn kể lại gương sáng của những vị Bồ tát đã thọ trì kinh Pháp Hoa như Bồ tát Dược Vương, Bồ tát Diệu Âm, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Phổ Hiền. Trong mỗi câu chuyện, đức Phật đều nêu rõ phương pháp trì kinh Pháp Hoa của những vị Bồ tát đó, và những lợi ích thù thắng không thể nghĩ bàn của việc trì kinh Pháp Hoa.
Tất cả thính chúng từ hàng đại Bồ tát đến hàng cư sĩ được nghe Phật thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa đều vui mừng không xiết, biết rằng mình đã sẵn có Phật tánh, đều phát tâm thọ trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa, và nguyện sẽ dõng mãnh tinh tấn tu hành cho đến mục tiêu tối hậu là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Cuối mùa an cư năm ấy, y sĩ Jìvaka xin xuất gia, ông được 55 tuổi, được Phật ban cho pháp tự là Vimala Kondanna.
Khi mùa an cư hoàn mãn, Phật tiếp tục ở lại Griddhakùta tịnh dưỡng dưới sự chăm sóc của y sĩ Jìvaka. Sức khỏe của Phật được hồi phục rất nhiều.
Y sĩ Jìvaka Komàrabhacca sắp đặt cuộc gặp gỡ giữa vua Ajàtasattu và Phật tại vườn xoài của ông ở chân núi Griddhakùta (Linh Thứu). Lần đầu vua tìm đến gặp Phật vào một đêm trăng sáng giữa mùa sen nở, tháng Kattika (tháng 11 dương lịch), có quân lính đi hộ tống, và y sĩ Jìvaka dẫn đường. Khi gần đến vườn xoài bỗng nhiên vua phát sợ vì thấy cảnh vật yên tĩnh quá. Jìvaka có cho vua biết hiện Phật đang cư trú tại vườn xoài của ông với gần một ngàn vị khất sĩ, vậy mà đến đây vua vẫn nghe im lìm không một tiếng động, cũng không thấy bóng dáng ai cả. Vua hỏi :
–Jìvaka, có phải anh đang lừa ta vào hiểm địa của kẻ thù chăng ?
–Thưa bệ hạ, tôi đâu dám thế. Có lẽ đức Phật và chư tăng đang ở trong giảng đường có đèn sáng đằng kia. Chúng ta hãy đi đến đó. Xin bệ hạ chớ nghi ngại điều chi hết.
Vua xuống voi, đi với Jìvaka và một số cận vệ. Tới cửa giảng đường, vua thấy đức Phật đang ngồi thuyết giảng trên một pháp tòa, dựa lưng vào gốc cột (cho đỡ đau lưng), trước mặt có mấy trăm khất sĩ đang ngồi xếp bằng, im lặng, chăm chỉ lắng nghe. Cảnh tượng thật trang nghiêm và đầm ấm. Y sĩ Jìvaka bước vào báo tin có vua đến. Đức Phật bước ra cửa mời vua vào giảng đường, ngồi vào ghế thượng khách. Phật mở lời:
–Thưa Đại vương, hôm nay Đại vương đến viếng Như Lai có điều chi cần hỏi, xin ngài cứ nói.
–Bạch Thế Tôn, trẫm chỉ được nghe Thế Tôn giảng đạo vài lần, hồi trẫm còn nhỏ. Hôm nay trẫm muốn hỏi Thế Tôn câu này: “Tu hành có kết quả lợi ích gì mà trẫm thấy có hằng ngàn, hằng chục ngàn người bỏ nhà cửa, cha mẹ, vợ con đi tu như thế?”
–Đại vương đã hỏi ai câu ấy chưa ?
–Trẫm đã hỏi nhiều vị giáo chủ và đạo sư nổi tiếng nhưng chưa có câu trả lời nào làm trẫm vừa lòng cả, kể cả câu trả lời của Thượng tọa Devadatta.
–Đại vương, hôm nay Như Lai sẽ nói cho Đại vương nghe về những hoa trái, những lợi ích của sự xuất gia tu học theo Chánh Pháp. Những hoa trái có thể gặt hái được ngay trong hiện tại, và những hoa trái có thể gặt hái được trong tương lai. Đại vương không cần phải dùng đến các phương pháp suy luận phức tạp. Đại vương chỉ cần dùng trực tâm để nhận xét, tức khắc sẽ thấy những hoa trái của sự xuất gia tu học, rõ ràng như nhìn thấy trái xoài trong lòng bàn tay.
“Đại vương, ví dụ như có một người đang làm tôi tớ cho người ta, phải thức khuya dậy sớm hầu hạ và làm theo mệnh lệnh của chủ; một hôm bỗng có tư tưởng như sau: Chủ là người, mình cũng là người, tại sao mình phải đày đọa mình như thế này ? Nghĩ như thế, người ấy từ bỏ thân phận tôi đòi, xin xuất gia, tu theo Chánh Pháp, sống đời phạm hạnh, tinh cần, tỉnh thức, ăn ngày một bữa, tập thiền hành, thiền tọa, đi đứng trang nghiêm, trở nên một vị khất sĩ có uy nghi, có dung hạnh, có đạo đức. Đại vương nghĩ sao ? Biết được vị khất sĩ ấy ngày xưa vốn là thân phận tôi đòi, Đại vương có gọi người ấy tới và nói “Này người kia, hãy lại đây làm nô bộc cho ta, hãy thức khuya dậy sớm và thi hành mọi mệnh lệnh của ta” hay không ?
–Thưa Thế Tôn, trẫm sẽ không làm như vậy, sẽ không nói như vậy. Trái lại trẫm sẽ cung kính đảnh lễ người ấy, mời người ấy ngồi xuống để cúng dường, và sẽ ra lệnh bảo vệ cho người ấy đúng theo luật pháp.
–Đại vương, đó là hoa trái đầu tiên mà người sa môn có thể gặt hái được ngay sau khi xuất gia. Người ấy thoát được sự kỳ thị giai cấp, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giàu nghèo, và khôi phục được nhân phẩm của mình.
–Xin Thế Tôn chỉ dạy tiếp.
–Đại vương, nhân phẩm chỉ là hoa trái đầu tiên của vị sa môn. Nhờ hành trì 250 giới mà vị sa môn được an trú trong một trạng thái vô ưu và thanh tịnh. Những người không giữ giới có thể phạm vào các tội lỗi như giết người, trộm cắp, tà dâm, dối gạt, say sưa và tự dấn thân vào những hình phạt đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Vị sa môn không những giữ năm giới không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không dối gạt, không say sưa, mà còn giữ trên hai trăm giới khác. Nhờ vậy vị ấy luôn luôn sống trong tình trạng an ninh, tinh thần thoải mái; không lo sợ, không ân hận vì không làm điều gì sai quấy; không thất vọng lo buồn vì không tham cầu mong muốn. Đó là một loại hoa trái khác mà vị sa môn có thể gặt hái ngay trong đời hiện tại.
–Hay lắm ! Thưa Thế Tôn, xin ngài chỉ dạy tiếp.
–Đại vương, vị sa môn không có tài sản hoặc vật sở hữu gì có giá trị ngoài ba chiếc áo cà-sa và một bình bát. Do đó không có gì để sợ mất, sợ cướp. Không gây thù oán nên không sợ bị ai ám hại. Do đó có thể ngủ một mình trong rừng, dưới một gốc cây trong sự thanh thản, vô ưu, lặng lẽ. Không lo sợ là một hạnh phúc lớn. Đó là một loại hoa trái khác mà vị sa môn có thể gặt hái ngay trong đời hiện tại.
–Hay lắm ! Thưa Thế Tôn, xin ngài chỉ dạy tiếp.
–Đại vương, vị sa môn do biết thiểu dục tri túc (ít muốn, biết đủ) nên có nếp sống đơn giản tới mức tối đa. Mỗi ngày chỉ ăn một bữa, không nhà cửa ruộng vườn, không màng giàu sang danh vọng, nên được thong dong, tự tại, thảnh thơi. Sự thảnh thơi là một hạnh phúc lớn. Đó cũng là một loại hoa trái mà vị sa môn có thể gặt hái ngay trong đời hiện tại.
–Hay lắm ! Thưa Thế Tôn, xin ngài chỉ dạy tiếp cho trẫm.
–Đại vương, nếu Đại vương biết quán niệm hơi thở, biết thực tập thiền quán, thì Đại vương mới có được ý niệm về hạnh phúc của người tu. Hạnh phúc đó là sự thiền duyệt. Nhờ thiền duyệt, vị sa môn biết cách giữ gìn sáu căn thanh tịnh, không bị sáu trần gây ra phiền não và ô nhiễm trong tâm. Nhờ thiền duyệt, vị sa môn được tâm hỷ lạc, một niềm vui đầy an lạc, thanh tịnh, siêu thoát, từ sơ thiền đến tứ thiền. Tâm hỷ lạc này còn có một năng lực kỳ diệu trị lành các chứng bệnh suy nhược của cơ thể và tinh thần. Đây là loại hoa trái quí báu của sự tu học mà vị sa môn có thể gặt hái được ngay trong đời hiện tại.
–Hay lắm ! Thưa Thế Tôn, xin ngài chỉ dạy tiếp cho trẫm.
–Đại vương, vị sa môn nhờ an trú tinh cần trong giới luật và chánh niệm mà có định tâm. Dùng năng lực của tâm định, quán chiếu vạn pháp trên thế gian, thấy được tính cách vô thường, vô ngã của muôn vật. Nhờ thấy được tính cách vô thường và vô ngã của muôn vật nên không bị ràng buộc, vướng mắc vào bất cứ sự vật nào trên thế gian. Nhờ không bị vướng mắc nên được giải thoát, thảnh thơi, tự tại. Đại vương, giải thoát mới là hạnh phúc chân thật, trường tồn, không bao giờ mất, là hoa trái quí báu nhất của sự tu học. Trong số những vị khất sĩ đang ngồi trong giảng đường này, nhiều vị đã thưởng thức được thứ hoa trái quí báu đó. Đó cũng là loại hoa trái mà một vị sa môn có thể gặt hái được ngay trong đời hiện tại.
–Hay lắm ! Thưa Thế Tôn, xin ngài hoan hỉ chỉ dạy tiếp.
–Đại vương, vị sa môn nhờ giữ gìn giới luật mà tâm được định, nhờ tâm định mà phát sinh trí tuệ rộng lớn. Rồi dùng trí tuệ bát-nhã đó mà quán chiếu sâu vào tự tánh các pháp, thấy tự tánh của muôn sự muôn vật đều không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm, do đó mà được cái thấy biết thanh tịnh,sáng suốt, không phân biệt. Nhờ dứt trừ được mọi ý thức phân biệt, nên vị sa môn nhìn đời bằng con mắt bình tĩnh, không lo lắng, không sợ hãi, cỡi trên sóng sinh tử mà an nhiên tự tại đi vào cuộc đờiđể cứu độ chúng sanh, chỉ bày cho chúng sanh con đường Chánh Pháp, để chúng sanh cũng được nếm hương vị giải thoát. Đại vương, giúp đỡ cho người khác hết khổ được vui cũng là một niềm vui lớn cho chính mình. Niềm vui này cũng là một loại hoa trái xinh tươi của sự tu học, vị sa môn có thể thực hiện được phần nào trong hiện tại và sẽ tiếp tục thực hiện trong tương lai. Đại vương, các vị khất sĩ trong khi đi khất thực hằng ngày, có nhiệm vụ hướng dẫn dân chúng đi trên con đường đạo đức, hành động theo Chánh Pháp để được hạnh phúc giải thoát. Đại vương, hoa trái của sự tu học không phải chỉ dành riêng cho vị sa môn hưởng thụ mà là gia tài của cả quốc gia và nhân loại.
Vua Ajàtasattu đứng dậy, chấp hai tay cung kính bạch :
–Vi diệu thay ! Bạch Thế Tôn, bằng những lời đơn giản, Thế Tôn đã soi sáng cho trẫm, đã giúp trẫm thấy được giá trị chân thật của Chánh Pháp. Thế Tôn đã dựng lại những gì đã ngã xuống, phơi bày những gì đã bị che kín, chỉ đường cho người lạc lối, soi sáng nơi tối tăm. Xin Thế Tôn hoan hỉ nhận trẫm làm đệ tử tại gia của người, cũng như ngày xưa Thế Tôn đã nhận thượng hoàng và thái hậu làm đệ tử của Thế Tôn vậy.
Nói xong, vua Ajàtasattu cung kính đảnh lễ dưới chân Phật. Phật mỉm cười chấp thuận, rồi bảo Thượng tọa Sàriputta hướng dẫn vua và hoàng hậu làm lễ quy y Tam Bảo và thọ trì năm giới. Sau lễ quy y, vua từ tạ Phật, xin phép trở về cung. Phật bảo :
–Đại vương hãy làm những gì Đại vương nghĩ là nên làm.
Sau lần gặp gỡ đó, vua Ajàtasattu thường đến thăm Phật mà không cần qua sự sắp đặt của y sĩ Jìvaka nữa. Vua cũng không cần đem theo voi ngựa và binh sĩ hộ tống. Vua Ajàtasattu cũng lại bước lên những bậc thang đá để lên núi Griddhakùta như vua Bimbisàra ngày xưa. Kể từ nay vua Ajàtasattu cũng trở thành người hộ pháp rất đắc lực của Phật như vua Bimbisàra trước kia.
[1]Kinh Diệu Pháp Liên Hoa = Saddharma Pundarika sutra.
[2]Trí tuệ của chư Phật cũng có nghĩa là Phật tánh sẵn có của chúng ta.
[3]Ba thừa: Thinh văn thừa, Bồ tát thừa và Phật thừa.
[4]Bốn chúnglà Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu-bà-tắc (thiện nam), Ưu-bà-di (tín nữ).
[5]Xem kinh Pháp Hoa, phẩm 10 “Pháp sư”.
[6]Bảy báu(thất bảo)= vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Tháp bảy báutượng trưng cho chơn tánh của muôn vật, gồm bảy yếu tố căn bản (thất đại) là đất, nước, gió, lửa, hư không, thức và trí (hay: địa, thủy, hỏa, phong, không, kiến, thức).
[7]Do tuần(yojana) = 10 km. ( theo Pali-English dictionary của T.W.Rhys Davids). Theo The Buddhist Monastic Code: 1 yojana = 10 miles = 16 km.
[8]Xem kinh Pháp Hoa, phẩm 11 “Hiện bửu tháp”.
[9]“Trụ vào hư không” ở đây có nghĩa bóng là “có tâm rổng rang thanh tịnh như hư không”.
[10]Xem kinh Pháp Hoa, phẩm 15 “Tùng địa dõng xuất”. Trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy “Lúc sơ phát tâm, phải biết rõ mình có Chơn Tâm thanh tịnh thường trụ, rồi dùng Tâm đó mà phát nguyện tu hành mới thành Phật quả”.
[11]Bố thíthì được pháp không; trì giới thì được thanh tịnh; nhẫn nhụcthì được ngã không.
[12]Xem kinh Pháp Hoa, phẩm 17 “Phân biệt công đức”.
[13]Xem kinh Pháp Hoa, phẩm 19 “Pháp sư công đức”.
[14]Xem Trường Bộ (Dìgha nikàya) 2: kinh Samannaphala; Tiểu Bộ (Khuddaka nikàya), Jàtaka 150; Trường A Hàm 27; Đường Xưa Mây Trắng, trang 529-534.
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 54