ĐẠI KINH NGƯỜI CHĂN BÒ MN33 – Soi sáng lời dạy của Đức Phật ( HT . Pháp Tông)

ĐẠI KINH NGƯỜI CHĂN BÒ MN33 – Soi sáng lời dạy của Đức Phật ( HT . Pháp Tông)

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

ĐẠI KINH NGƯỜI CHĂN BÒ

(MAHĀGOPĀLAKA SUTTA)

Trung Bộ kinh, bài số 33

Chúng ta bắt đầu vào chủ đề của buổi giảng. Hôm nay thầy sẽ giảng về đề tài khá quan trọng trong Phật học, đặc biệt là Phật học Nguyên thủy.

Đây là buổi giảng đầu tiên của thầy về các bài kinh trong hệ thống Nikāya của tạng Pāḷi, dựa trên bản dịch của Trưởng lão giáo thọ sư Thích Minh Châu.

Mục đích của việc giảng kinh này chủ yếu là thể theo yêu cầu, đề nghị của một số vị tăng ni từ mấy năm nay nhưng thầy chưa có điều kiện để thực hiện. Nhân thời gian tương đối rảnh rỗi này, thầy quyết định sẽ giảng một số bài, mà bài đầu tiên quý vị sẽ được nghe hôm nay đó là bài Mahāgopālaka sutta – được dịch là Đại kinh Người Chăn Bò.

Tựa đề bài kinh này không phải do đức Phật đặt, mà do các vị đời sau khi hệ thống lại thì đặt tên dựa trên nội dung pháp thoại. Kinh Người Chăn Bò này trùng tên với một bài kinh khác cùng bộ, nhưng nội dung ngắn hơn bản này. Có lẽ vì vậy nên khi san định

các vị đã đặt tên cho bản kinh này là Đại kinh Người Chăn Bò, và bản cùng tên nhưng ngắn hơn là Tiểu kinh Người Chăn Bò.

Cách giảng của thầy, xin được chia xẻ trước là không nhằm mục đích đi sâu vào nghiên cứu học thuật, trích dẫn chi tiết, mà chỉ để làm rõ lời dạy của đức Phật liên hệ đến thực tế đời sống, có thể ứng dụng, thực hành nhằm mang lại lợi ích trước mắt cho người tu hành. Đó là làm vơi bớt phiền não, khổ đau mà chúng ta đang thường xuyên bị tác động. Đây là mục đích chính. Còn những lợi ích cao hơn, xa hơn thì tùy theo khả năng thấu hiểu, thực hành và trải nghiệm của mỗi người. Thầy chỉ chia xẻ những gì mà thầy nắm được từ bài kinh này hoặc những bài kinh khác.

Trước hết chúng ta làm rõ một số điểm ở trong bài kinh. Theo thông lệ, là dựa vào bài kinh, chúng ta biết xuất xứ, địa điểm, người thuyết giảng. Gọi là người thuyết giảng vì thỉnh thoảng có những bài kinh không phải là do đức Phật thuyết trong hệ thống kinh Nikāya, mà do các vị môn đệ có thể triển khai lời dạy của đức Phật hoặc được đức Phật giao cho trách nhiệm làm rõ nội dung, chủ đề Phật học hoặc lời dạy nào đấy của Ngài. Vì vậy, những điểm cần phải làm rõ gồm: thứ nhất là địa điểm, thứ hai là người thuyết giảng, thứ ba là thính chúng hoặc là thính giả. Gọi là “thính chúng” vì có đông người, còn “thính giả” là

tùy vào một số bài kinh chỉ dành cho một người, ví dụ như bài kinh Bāhiya là chỉ có đức Phật và vị này.

Thầy sẽ đọc từng đoạn kinh để mọi người theo dõi và bắt đầu giảng giải ý nghĩa của đoạn kinh ấy trong chừng mực, sau đó, triển khai tiếp.

  1. Như vậy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở tại Sāvatthī (Xá-Vệ), Jetavana (Kỳ-Đà lâm), vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Ở tại đây, Thế Tôn gọi các tỳ-khưu:
  2. Này các tỳ-khưu.
  3. Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các tỳ-khưu ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn thuyết giảng như sau:

“Như vậy tôi nghe” là câu mở đầu cho các pháp thoại trong Nikāya. Đây là lời của ngài A-Nan, xác nhận là ngài được nghe đức Phật dạy nội dung mà sau đó ngài trình bày.

Bài kinh này được giảng khi đức Phật tại thành phố Sāvatthi, tại vườn của thái tử Jeta (Kỳ-Đà), do trưởng giả Cấp Cô Độc dùng vàng mua.

  • Này các tỳ-khưu, nếu không đầy đủ mười một đức tánh này, một người chăn bò, không thể chăn giữ đàn bò, không thể khiến đàn bò được hưng thịnh. Thế nào là mười một? Ở đây, này các tỳ-khưu, một người

chăn bò không biết rõ sắc, không khéo (phân biệt) các tướng, không trừ bỏ trứng con bọ chét, không băng bó vết thương, không có xông khói, không biết chỗ nước có thể lội qua, không biết chỗ nước uống, không biết con đường, không khéo léo đối với các chỗ đàn bò có thể ăn cỏ, là người vắt sữa cho đến khô kiệt, là người không chú ý, không săn sóc đặc biệt những con bò đực già và đầu đàn. Này các tỳ-khưu, người chăn bò nào không đầy đủ mười một đức tánh như vậy không thể chăn giữ đàn bò, không thể khiến đàn bò được hưng thịnh.

Ở đây đức Phật khởi đầu pháp thoại bằng cách dùng các từ phủ định, nhằm khẳng định các đức tánh là phẩm chất cần thiết mà một người chăn bò hiệu quả, một người chăn bò có kinh nghiệm, một người chăn bò có thể phát triển đàn bò của mình ngày càng lớn mạnh, đông đảo, sung túc hơn không thể thiếu gồm mười một điều. Chúng ta sẽ làm rõ nghĩa từng đức tánh của người chăn bò giỏi ở sau.

Tiếp theo đức Phật so sánh bằng hình ảnh một vị xuất gia, ở đây là một vị tỳ-khưu, cũng cần thiết phải có mười một đức tánh.

  • Cũng vậy, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu nào không đầy đủ mười một pháp, không thể lớn mạnh, tăng thịnh, thành mãn trong Pháp và Luật này. Thế nào là mười một? Ở đây, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu

không biết sắc, không khéo phân biệt các tướng, không trừ bỏ trứng con bọ chét, không băng bó vết thương, không xông khói, không biết chỗ nước có thể lội qua, không biết nước uống chỗ nào, không biết con đường, không khéo léo đối với các chỗ mà đàn bò có thể ăn cỏ, là người vắt sữa cho đến khô kiệt, đối với những thượng tọa trưởng lão, xuất gia đã lâu ngày, bậc tôn túc trong Tăng giới, bậc lãnh đạo trong Tăng giới, không có sự tôn kính, tôn trọng đặc biệt.

Từ mười một đức tánh của một người chăn bò giỏi, đức Phật liên hệ tới đời sống của một vị xuất gia. Nếu không có được mười một đức tánh này thì một vị tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni không thể tiến bộ, không thể phát triển và không thể thành tựu được mục đích của đời sống xuất gia.

Bây giờ chúng ta sẽ làm rõ mười một đức tánh của người chăn bò giỏi trước, rồi sau đó tiếp tục làm rõ mười một đức tánh cần có của một vị xuất gia tỳ-khưu hoặc tỳ-khưu-ni mẫu mực như thế nào.

Mười một đức tánh của người chăn bò.
  • “Biết rõ sắc”.

Trong câu này, đức Phật muốn nói điều gì?

Đối với bò thì sắc ở đây nó có nghĩa là màu sắc của mỗi con bò, hoặc màu sắc của từng gia đình bò. Nếu một người chăn bò mà quan tâm đến đàn gia súc

của mình thì người ấy sẽ biết rõ trong đàn mình số lượng, màu sắc của từng con, từng nhóm: đó là bò vàng, bò trắng, bò đen hay là bò lai. Rồi từng gia đình bò, mặc dù sống chung trong bầy đàn như vậy, nhưng bò vẫn có gia đình riêng của nó, mà thân cận nhất chính là bò mẹ và con. Còn bò đực thì nó có thể là liên hệ với nhiều con bò cái nhưng thường tình thân thiết giữa bò mẹ với bò con rất là rõ.

Người chăn bò giỏi có thể nhìn vào đó phân biệt được, biết được tập tính của từng con bò, phân biệt được từng màu sắc của con bò và biết nó mạnh khỏe, đau yếu hoặc tình trạng của nó hàng ngày như thế nào. Một khi biết rõ được như vậy, thì sự chăm sóc hoặc là hỗ trợ đúng mức cho từng con bò, từng gia đình bò sẽ là một trong những điều kiện để cho những con bò chúng phát triển tốt.

  • “Khéo (phân biệt) các tướng”.

Ở đây muốn nói là sự khéo phân biệt các dấu hiệu đặc biệt, tức tướng của từng con bò. Theo kinh nghiệm của những người chăn nuôi thì loài vật nào nó cũng có một số đặc tính, thể hiện qua màu sắc, hình dáng hoặc là các cách ứng xử, đi đứng, nằm ngồi,…

Chẳng hạn như là loài trâu. Trong dân gian Việt Nam có những câu ca dao hoặc tục ngữ tóm tắt lại những tướng tốt của con trâu như câu: “Sừng cánh ná,

dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, tai lá mít, đít lồng bàn.” Cũng như đối với chó, có những con chỉ cần nhìn tướng của nó, người huấn luyện sẽ biết được con chó này có những ưu điểm, khuyết điểm gì. Một trong những câu thiệu người ta dùng để chỉ những tướng tốt của con chó là “ bạch khuyển huyền đề, thân đại ấn; mai hoa tứ túc, tứ huyền đề”.

Cũng vậy, bò cũng có những đặc tính, những cái tướng thể hiện ra con bò kéo xe giỏi, dễ nuôi, có thể thích ứng mọi hoàn cảnh; khả năng đề kháng với bệnh tật và thời tiết tốt,…Hoặc các tướng của con bò cái thể hiện khả năng sinh sản khỏe, có sữa tốt và nuôi con chóng lớn,… Đó là những điều người chăn bò phải khéo biết, hoặc có kinh nghiệm, hoặc cần học hỏi để có được kiến thức, trải nghiệm mới có thể phát triển đàn bò của mình.

Điều đức Phật muốn nói chính là, nếu không khéo phân biệt các tướng, không có kinh nghiệm, kiến thức về việc xem tướng bò, chọn giống bò hoặc là đặc tính riêng của từng con, từng dòng, thì người chăn bò có thể sẽ thất bại trong việc nuôi dưỡng đàn bò.

  • “Trừ bỏ trứng con bọ chét”.

Bọ chét là một trong những loài côn trùng luôn bám vào cơ thể của các loại động vật để hút máu. Nó gây ra các bệnh lở loét ngoài da và nó làm cho con bò

suy kiệt, ngứa ngáy không ngủ nghỉ được, càng ngày càng ốm yếu. Mở rộng ra, đó là tất cả các loài ký sinh bu bám trên con bò mà một người chăn nuôi cần phải biết để tìm cách trừ bỏ, đuổi đi hoặc là bắt những con bọ chét đó, không cho nó bu bám khiến con bò bị mất máu và suy kiệt. Nếu một người chăn bò mà không có kinh nghiệm, sẽ không biết cách xua đuổi, không biết cách trừ diệt trứng của các loài bọ chét và ký sinh thường bu bám vào vật nuôi.

  • “Có xông khói”.

Ngày trước, khi chưa có phương tiện, dụng cụ để hạn chế các loại côn trùng bu bám hút máu gia súc, người chăn thả thường đốt các loại cây lá tạo thành khói để xua đuổi ruồi muỗi, lằng bọ,… thường tấn công gia súc vào lúc chạng vạng hoặc khi qua đêm ở các vùng ẩm thấp có nhiều loại phi trùng này. Khói của một số cây lá cũng được dùng như một phương thuốc trị một số bệnh ngoài da cho chúng. Do vậy, người chăn bò giỏi là người biết khi nào cần đốt khói để xông cho đàn gia súc của mình. Người chăn bò thiếu kinh nghiệm hoặc không hiểu biết sẽ không xông khói khi đàn bò cần xông khói nên chúng bị ruồi muỗi,… quấy nhiễu, hút máu sinh bệnh hoặc không thể mập mạnh được do thường xuyên bị các loài phi trùng gây tổn hại.

  • “Băng bó vết thương”.

Trong khi được chăn thả hay kiếm ăn ngoài đồng cỏ, đồi núi, khe suối,… trong đàn thỉnh thoảng sẽ có con bị tai nạn do chúng té xuống hố, vướng phải vật này vậy kia trong lúc đi, hoặc do tranh giành nhau ẩu đả với nhau trong đàn,… gây ra thương tích. Người chăn bò khéo là người khi phát hiện có con vật nào bị thương thì phải chăm sóc, băng bó vết thương.

Ở đây cũng mở rộng ra, bò cũng giống như các loài động vật khác, sẽ có lúc khỏe, sẽ có lúc bệnh tật, lúc ốm yếu. Người chăn bò khéo là phải có con mắt quan sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn gia súc mình nuôi để có thể giúp đỡ chúng kịp thời, kiếm thuốc đắp cho con vật khi nó bị vết thương, băng bó cho nó, sát trùng cho nó theo nhiều cách. Cũng vậy, một số bệnh tật của từng loài mà khi chăn nuôi gia súc, một người chăn nuôi cần phải biết, có kiến thức cơ bản về nuôi dưỡng, về chăm sóc bệnh đối với các loài mà mình đang nuôi. Ngày trước là dùng các phương pháp chữa bệnh của dân gian, bây giờ là đã có thú y, nhưng đây là một trong những kiến thức cần thiết phải biết.

  • “Biết chỗ nước có thể lội qua”.

Trong quá trình chăn nuôi, con vật thường được dẫn đi qua nhiều đồi núi, khe suối, mương rạch, đặc biệt là khi tới những vùng đất lạ, nếu người chăn nuôi không đi trước thăm dò đường, không quan sát kỹ thì có thể xảy ra các tình huống khiến bò bị thương khi

đang vượt qua những cái khe hoặc dòng nước chảy. Có thể khi lội qua những chỗ này, bên ngoài mới thoáng nhìn thì an toàn, nhưng khi đặt chân xuống thì bên dưới lại có hố, vực,… gây nên tai nạn. Hoặc đến mùa mưa lũ, nếu không biết cách dẫn dắt đàn bò của mình tránh né kịp thời thì khó lòng tránh khỏi những tai họa do thời tiết mang đến.

Với người chăn bò khôn ngoan, có tầm nhìn thì sẽ thăm dò trước, sau đó mới giúp đàn bò hoặc thúc đàn bò mình vượt qua dòng chảy đó. Đó là ý nghĩa của câu này.

  • “Biết chỗ nước uống”.

Một đàn gia súc lớn, trong khi chăn thả, ngoài chuyện cho chúng ăn, cũng phải biết chỗ cho chúng uống, tức là phải dẫn đến những vũng nước, những khe, suối tùy theo vùng miền để sau khi ăn xong đàn bò có nước uống đầy đủ. Người chăn nuôi có kinh nghiệm và khôn khéo thì luôn luôn lo lắng hoặc biết rõ chỗ nào có nước để cung cấp đầy đủ cho đàn bò.

  • “Biết con đường”.

Người chăn bò cần nắm rõ lộ trình đi về, vị trí chính xác để chăn thả có đủ cỏ và nước cho đàn gia súc và để không đưa chúng đến những nơi có thể gặp nguy hiểm và trở ngại.

cỏ”.

  • “Khéo léo đối với các chỗ đàn bò có thể ăn

Khi một người chăn bò khéo léo thì sẽ chăn thả

từng khu vực, và luân phiên nhau. Đầu tháng thì khu vực nào, giữa tháng khu vực nào, cuối tháng khu vực nào, phải luân chuyển các nơi chăn thả thì cỏ, cây non hoặc là các loại lá mới có thể phát triển kịp cho đàn bò dùng và đảm bảo đủ thức ăn hàng ngày cho chúng.

Nếu không khéo bố trí, phân bổ các khu vực cỏ khác nhau, thì chắc chắn đàn bò sẽ gặp cảnh bữa no bữa đói. Đó là do thiếu hiểu biết hoặc không kinh nghiệm của một người chăn bò.

  • “Không vắt sữa cho đến khô kiệt”.

Người chăn nuôi bò, đặc biệt để lấy sữa, thì phải biết chăm sóc, nuôi dưỡng con bò, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho nó là thứ nhất. Thứ hai, lấy sữa của bò theo chu kì và vừa phải, còn thừa lại cho nó nuôi con, không phải nuôi như cách nuôi công nghiệp bây giờ, là chỉ chuyên nuôi bò để mà lấy sữa. Với người chăn bò khéo léo sẽ biết lấy chừng mực số lượng sữa có thể thu hoạch được, không quá tham lam.

Những người không có tầm nhìn, thiếu kinh nghiệm về chuyện lấy sữa có thể vắt khô kiệt, hoặc là do tham lam muốn lấy hết tất cả sữa dẫn đến hậu quả

là con bò ốm yếu, lần sau không còn cung cấp đủ sữa được nữa.

  • “Chú ý, săn sóc đặc biệt những con bò đực già và đầu đàn”.

Trong một đàn bò, thường thường những con già, nhiều tuổi, đã sống nhiều năm, đặc biệt là những con bò đực, thường là có sức mạnh, khôn ngoan, nhiều kinh nghiệm làm đầu đàn thì khi đến tuổi già yếu thì chúng vẫn là những con bò có nhiều kinh nghiệm ứng phó với cuộc sống. Một người chăn bò khôn ngoan, hiểu biết, cần có cách chăm sóc đầy đủ hơn, tốt hơn và tinh tế hơn với chúng. Vì với những kinh nghiệm sống của chúng, trong một số tình huống xảy ra trong đàn nó vẫn có thể góp sức được. Hơn nữa, loài vật khi sống chung với chúng ta có những tương giao về tình cảm, khi thấy người chăn bò chăm sóc đàng hoàng những con bò dù già bệnh, thì những con bò trẻ trong đàn ít nhiều cũng có được ảnh hưởng tốt. Trong một số tình huống xảy ra, đôi khi chính loài người không làm chủ được, mà chỉ có những con bò già mới có thể làm cho đàn bò trở lại bình ổn, trật tự.

Đó là ý nghĩa của mười một đức tính cần phải có của một người chăn bò. Cũng mười một đức tính này, đức Phật đối chiếu, so sánh với một vị tu hành, một vị tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni. Chúng ta xem thử ý nghĩa của

mười một đức tính ấy khi quy chiếu về các vị xuất gia sẽ được đức Phật dạy như thế nào?

Mười một đức tánh không nên có của một vị tỳ-khưu.
  • Chư tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu không biết rõ các sắc? Ở đây này các tỳ-khưu, tỳ-khưu đối với sắc pháp không như thực biết, tất cả các loại sắc thuộc bốn đại và sắc do bốn đại hợp thành. Như vậy, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu không biết rõ các sắc.

Ở đây, khi nói một vị tỳ-khưu không biết rõ sắc có nghĩa là vị ấy không biết đúng bản chất của tất cả hiện tượng, hiện hữu. Nó không chỉ là toàn bộ thế giới vật chất tự nhiên bên ngoài, mà đặc biệt là cả thân xác của mỗi chúng sinh tất cả đều thuộc Tứ đại gồm đất, nước, lửa, gió. Đây là một trong những kiến thức cơ bản mà hầu như người nào vào thời đức Phật, ở tại Ấn Độ đều biết. Nhưng đức Phật nói rõ hơn một chút vì người ta chỉ biết về kiến thức, chứ không thực biết.

  • Chư tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu không khéo (phân biệt) các tướng? Ở đây này các tỳ-khưu, tỳ- khưu không như thật biết kẻ ngu và nghiệp tướng của người đó, kẻ trí và nghiệp tướng của người đó. Như vậy, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu không khéo (phân biệt) các tướng.

Tướng đây là gì?

Đó là tướng bên ngoài và tướng bên trong. Khi lấy một người chăn bò làm ví dụ thì đối tượng đó là những con bò. Còn đối với vị tỳ-khưu thì khác. Ở đây có hai vấn đề:

  • Thứ nhất, một vị tỳ-khưu không phân biệt được, không nhận ra được sự sai khác đối với người ngu và người trí. Do không có kiến thức, không có trải nghiệm, không biết cách nhận diện kẻ ngu qua tướng mạo, khí sắc, việc làm,…; cũng như không có kiến thức trải nghiệm, không biết cách nhận ra người trí, thể hiện nơi tướng mạo, nơi thần thái, cách giải quyết công việc, ứng xử với tha nhân.
  • Thứ hai, đó là không phân biệt được những hiển hiện nơi thân tâm mình khi lục căn tiếp xúc với lục trần không phân biệt được đâu là tổ hợp hình thể (sắc), không phân biệt được đâu là tổ hợp cảm giác (thọ), không phân biệt đâu là tổ hợp hiểu biết – tri giác (tưởng), không phân biệt đâu là tổ hợp tình cảm hoặc là phản ứng (hành) và không phân biệt đâu là tổ hợp phản ứng, sao lưu và chuyển giao (thức), mà đây là những cái rất quan trọng trong đời sống tu hành.
  • Chư tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu không trừ bỏ trứng con bọ chét? Ở đây này các tỳ-khưu, tỳ-khưu thọ dụng dục tầm khởi lên, không từ bỏ, không tránh né, không chấm dứt, không làm cho tồn tại. Tỳ-khưu thọ dụng sân tầm khởi lên, không từ bỏ, không tránh

né, không chấm dứt, không làm cho không tồn tại. Tỳ- khưu thọ dụng hại tầm khởi lên, không từ bỏ, không tránh né, không chấm dứt, không làm cho không tồn tại. Tỳ-khưu thọ dụng các ác, bất thiện pháp khởi lên, không từ bỏ, không né tránh, không chấm dứt, không làm cho không tồn tại. Như vậy, này các tỳ-khưu, là tỳ-khưu không từ bỏ trứng con bọ chét.

Trong ý nghĩa tu học thì trứng bọ chét là ám chỉ các loại tham sân tiềm ẩn, tiềm tàng, chưa có điều kiện khởi sinh trong nội tâm của một vị tu hành. Vì là tiềm ẩn, tiềm tàng cho nên bình thường chúng ta không thấy, chỉ khi nào đủ duyên thì khi đó nó mới khởi phát. Ví dụ như, khi người xuất gia thọ dụng tứ sự nhu yếu là thức ăn, y phục, chỗ ở hoặc thuốc ngừa bệnh, khởi lên lòng ham thích, có rồi nhưng muốn có thêm nữa. Và khi tâm này khởi lên, vị đó không nhận ra ngay, không từ bỏ chúng, không buông bỏ, không tránh xa, không cắt đứt và chấm dứt nó, thì rõ ràng tham tâm đó sẽ bị ái dục chi phối khiến luyến ái phát triển. Như vậy, từ chỗ tiềm ẩn tiềm tàng, nó hiện hành và chi phối vị tu hành.

Tương tự như vậy đối với những cái mà mình không thích, mình chán ghét, hoặc là khởi lên những niệm làm tổn hại đến người khác, tổn hại cho mình, các ý niệm xấu ác, bất tịnh không nhận ra được, không từ bỏ, không buông bỏ, tránh xa, cắt đứt hay chấm dứt sẽ chi phối mình.

  • Và này các tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu không băng bó vết thương? Ở đây, này các tỳ-khưu, khi mắt thấy sắc, nắm giữ tướng chung, nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, tỳ-khưu không tự chế ngự nguyên nhân ấy, không hộ trì con mắt, không thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng,…; mũi ngửi hương,…; lưỡi nếm vị,…; thân cảm xúc,…; ý nhận thức các pháp, vị ấy nắm giữ tướng chung, nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, tỳ-khưu không chế ngự nguyên nhân ấy, không hộ trì ý căn, không thực hành sự hộ trì ý căn. Như vậy, này các tỳ-khưu, là tỳ-khưu không băng bó vết thương.

Vết thương ở đây không phải là thân bị thương tổn, khổ đau, đau đớn, mà nhằm ám chỉ tâm bị tham luyến, sân hận chi phối, hành hạ. Khi sáu căn quyền (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với các đối tượng mà không tỉnh giác biết mình, không được hộ trì, tiết chế thì tham ái khởi lên, đắm say một phần, đắm say nhiều phần hoặc đắm say toàn phần đối với đối tượng. Vì vậy, tạo điều kiện cho luyến ái, sầu muộn, lo lắng, khổ sở, phiền não, khởi lên quấy phá. Nó cũng giống như vết thương mà không được khử trùng, không được làm sạch, không được băng bó thì mưng mủ, sưng tấy, khiến chúng ta đau đớn, khó chịu.

  • Và này các tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu không xông khói? Ở đây, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu không có thuyết giảng rộng rãi cho các người khác biết Chánh pháp mình được nghe, được thọ trì. Như vậy, này các tỳ-khưu, là tỳ-khưu không xông khói.

Nếu không chia xẻ rộng rãi giáo pháp tốt đẹp mà mình đã tu học, để những ai hữu duyên cũng được nghe, được tu tập, được phá bỏ các hiểu biết lệch lạc, sai lầm, tai hại, nguy hiểm thì gọi là “không xông khói”.

  • Và này các tỳ-khưu, như thế nào là tỳ-khưu không biết chỗ nước có thể lội qua? Ở đây, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu thỉnh thoảng có đến gặp những tỳ- khưu đa văn được trao cho truyền thống giáo điển, những bậc trì Pháp, trì Luật, trì mātikā (các bản tóm tắt) nhưng không hỏi, không trả lời các vị ấy: “Thưa tôn giả, điểm này là thế nào, ý nghĩa này là gì?” Những bậc tôn giả ấy không làm cho hiển lộ những điều chưa được hiển lộ, không làm cho rõ ràng những điều chưa được rõ ràng, và đối với những nghi vấn về Chánh pháp, các vị ấy không đoạn trừ nghi hoặc. Như vậy, này các tỳ-khưu, là tỳ-khưu không biết chỗ nước có thể lội qua.

Vị tỳ-khưu khi ở gần các bậc trưởng thượng, bác lãm, thông tuệ hoặc là giàu kinh nghiệm tu học, nhưng vị đó lại không thân cận, không gần gũi, ít hỏi

hoặc thậm chí là không hề hỏi các ngài về ý nghĩa của các điểm quan trọng, chủ chốt trong giáo pháp mà bản thân mình thì chưa được rõ. Chính vì vậy mà sự hiểu biết đối với giáo pháp mông lung, mơ hồ, những điều nghi ngờ không đoạn trừ được. Đó là một thiệt thòi lớn trong khi mình đã có điều kiện, có cơ hội được gần gũi, thân cận những bậc trưởng thượng, những bậc thông tuệ hoặc hiểu biết nhiều giáo pháp.

  1. Và chư tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu không biết rõ chỗ nước uống? Ở đây, này các tỳ-khưu, tỳ- khưu trong khi Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết được giảng dạy, không chứng đạt nghĩa tín thọ, pháp tín thọ, không chứng đạt sự hân hoan liên hệ đến Pháp. Như vậy, này các tỳ-khưu, là tỳ-khưu không biết chỗ nước uống.

Ý nghĩa “không biết rõ chỗ nước uống”, tức là không khéo học hỏi, thực hành và chứng nghiệm được Sự Thực thoát Khổ. Giống như nước ở trong đại dương là từ  các nguồn khác nhau như sông, suối, ngòi, rạch,… tuôn về. Nhưng khi ra đến biển cả thì đều hòa chung vào và có một vị duy nhất là vị mặn. Cũng vậy, giáo pháp dù được thực hiện ít hay nhiều, ở bất kỳ thời kỳ nào, nơi chốn nào, nó cũng chỉ có một vị duy nhất, đó là vị giải thoát. Vị tỳ-khưu không biết rõ chỗ nước uống, tức là không khéo học hỏi, thực hành và chứng nghiệm được sự thực mà đức Phật đã

giảng dạy bằng nhiều phương tiện, nói cách khác là chưa nếm được hương vị giải thoát từng phần hoặc toàn phần.

  1. các tỳ-khưu thế nào tỳ-khưu không biết về con đường? Ở đây, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu không như thật biết con đường Thánh đạo tám ngành. Như vậy, này các tỳ-khưu, là tỳ-khưu không biết đến con đường.

Ở đây nghĩa là không biết đúng, biết rõ về con đường giải thoát có tám thành tố gồm: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Do không biết rõ ý nghĩa của nó, cho nên không thể thực hành đúng. Không thực hành đúng thì không thể nào chứng ngộ, chứng đạt, thấy ra được bản chất của vấn đề và thoát khổ.

  1. Và này, các tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu không khéo léo đối với các chỗ đàn bò có thể ăn cỏ? Ở đây, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu không như thật biết về Bốn Niệm Xứ. Như vậy, này các tỳ-khưu, là tỳ-khưu không khéo léo đối với các chỗ đàn bò có thể ăn cỏ.

Đó là không thực biết thế nào là thực hành soi sáng thực tại bốn nhóm hiện tượng thân tâm – mà thuật ngữ xưa nay thường dùng là thực hành Tứ Niệm Xứ. Ở đây, thầy dùng một nhóm từ làm rõ nghĩa ra, gọi là “soi sáng thực tại bốn nhóm hiện tượng thân

tâm”. “Quán sát” ở trong “niệm” của Tứ Niệm xứ chính là soi sáng thực tại. Thực tại đây chính là thân, thọ, tâm, pháp, tức là bốn nhóm hiện tượng. Vị tỳ- khưu không thực biết thế nào là thực hành để soi sáng thực tại bốn nhóm hiện tượng thân tâm, được ví như người chăn bò không khôn ngoan, thiếu hiểu biết nên không biết chỗ nào có thể cho bò đến ăn cỏ được.

  1. Và này các tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu vắt sữa cho đến khô kiệt? Ở đây, này các tỳ-khưu, khi các vị tại gia vì lòng tin cúng dường các vật dụng như: y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, tỳ- khưu không biết nhận lãnh cho được vừa đủ. Như vậy, này các tỳ-khưu, là tỳ-khưu vắt sữa cho đến khô kiệt.

Nếu người chăn bò tham lam quá độ, lấy hết cả phần sữa của con bò mẹ cung cấp cho con của nó hàng ngày, hoặc lấy đến khô kiệt thì lần sau con bò sẽ mất sữa hoặc không còn sữa nữa. Cũng vậy một vị tỳ- khưu quá tham lam, không tiết độ, tri túc đối với việc sử dụng tứ sự hoặc các vật phẩm cúng dường của tại gia Phật tử, đòi hỏi người ta nhiều quá, tìm cách này cách kia, nói xa nói gần để người ta hộ độ cúng cho mình thường xuyên làm cho người ta phải lần hồi mất đức tin và cảm thấy phiền nhiễu. Hơn nữa, mặc dầu với một số Phật tử, tâm thì mãnh liệt nhưng mà tài sản thì có chừng, có hạn, nên nếu phải cung phụng nhiều quá, hoặc thường xuyên quá thì họ cũng không còn gì, và có thể gây tổn hại đức tin cho họ, cho cả gia đình

của họ và người thân của họ. Đây là một trong những điều mà một vị xuất gia cần phải tránh.

  1. Và này các tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu đối với những thượng tọa trưởng lão, xuất gia đã lâu ngày, bậc tôn túc trong Tăng giới, bậc lãnh đạo trong Tăng giới, không có sự tôn kính, sự tôn trọng đặc biệt? Ở đây, này các tỳ-khưu, đối với các thượng tọa trưởng lão, xuất gia đã lâu ngày, bậc tôn túc trong Tăng giới, bậc lãnh đạo trong Tăng giới, không có thân nghiệp đầy lòng từ đối với các vị ấy, trước mặt và sau lưng; không có khẩu nghiệp đầy lòng từ đối với các vị ấy, trước mặt và sau lưng; không có ý nghiệp đầy lòng từ đối với các vị ấy, trước mặt và sau lưng. Như vậy, này các tỳ-khưu, là tỳ-khưu đối với những thượng tọa trưởng lão, xuất gia đã lâu ngày, bậc tôn túc trong Tăng giới, bậc lãnh đạo trong Tăng giới, không có sự tôn kính, có sự tôn trọng đặc biệt.

Vì không quan tâm, chăm sóc, tôn kính, tôn trọng các vị trưởng lão, các bậc tôn túc lãnh đạo trong Tăng giới, dù ở trước mặt hay là sau lưng các ngài, nên không được các ngài chỉ dạy hoặc truyền thụ cho những trải nghiệm quý báu mà các ngài đã trải qua. Hơn nữa, không học hỏi được cách điều hành, quản lý của một vị lãnh đạo như thế nào. Và cuối cùng là, nêu gương xấu cho các thế hệ hậu học về sự vong ân, tức

là thiếu lòng tri ân và báo ân đối với các bậc tiền bối, trưởng thượng đi trước.

Này các tỳ-khưu, tỳ-khưu nào không đầy đủ mười một pháp này, thì không thể lớn mạnh, tăng thịnh, thành mãn trong Pháp và Luật này.

Vị tỳ-khưu nào mà thiếu mười một phẩm chất tốt đẹp này, chắc chắn sẽ thối thất trong giáo pháp. Ngược lại, vị nào có đầy đủ mười một phẩm chất này, đức Phật nói là chắc chắn sẽ tiến bộ, sẽ phát triển và sẽ thành tựu được mục đích của đời sống xuất gia.

Ngôn ngữ trong kinh văn, đối với các vị có học chữ Hán hoặc biết nhiều thì tương đối nắm được. Còn quý Phật tử tại gia, không quen với các thuật ngữ Phật học cho nên đọc vào thì có thể thấy hơi khó hiểu. Trong câu “lớn mạnh, tăng thịnh, thành mãn trong Pháp và Luật”, thầy diễn đạt lại câu này là “tiến bộ, phát triển và thành tựu các mục đích của đời sống xuất gia”, như vậy hy vọng là các vị sẽ dễ hiểu hơn.

Bài kinh được đức Phật diễn giải rộng hơn bằng các ví dụ, triển khai thêm. Chúng ta đọc tiếp để hiểu ý này hơn nữa.

Mười một đức tánh cần có của một vị tỳ- khưu.
  1. Và này các tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu biết rõ các sắc? Ở đây này các tỳ-khưu, tỳ-khưu đối với

sắc pháp như thực biết, tất cả các loại sắc thuộc bốn đại và sắc do bốn đại hợp thành. Như vậy, này các tỳ- khưu, tỳ-khưu biết rõ các sắc.

Đó là thực biết, biết đúng bản chất tất cả thế giới, thế giới vật chất hiện hữu quanh ta, trong đó bao gồm cả thân tâm, thân xác con người đều thuộc bốn nguyên tố đất, nước, lửa, gió và do bốn nguyên tố này hợp thành. Nhận thức này rất quan trọng, nó là khởi đầu của vấn đề về sự nhận biết về bản chất thực của thân tâm này. Ở đây, “sắc” đối với mỗi chúng sanh, đó là thực thể của thân xác này. Cho nên cần phải thực biết rằng bản chất của tất cả thế giới hiện tượng, đặc biệt là thế giới vật chất, trong đó có thân xác con người là do sự hòa hợp của bốn nguyên tố này cộng thêm dòng nghiệp của chúng sinh mà hình thành nên sự sống của từng loài.

  1. Chư tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu khéo (phân biệt) các tướng? Ở đây này các tỳ-khưu, tỳ-khưu như thật biết kẻ ngu và nghiệp tướng của người đó, kẻ trí và nghiệp tướng của người đó. Như vậy, này các tỳ- khưu, tỳ-khưu khéo (phân biệt) các tướng.

Ở đây thầy diễn giải lại, đó là phân biệt được và nhận ra sự sai khác giữa người ngu và người trí. Nó thể hiện cái gì? Khi có kiến thức, trải nghiệm, do vậy biết cách nhận diện kẻ ngu, người ác, qua tướng mạo, khí sắc, cách ứng xử, làm việc,… thì chắc chắn chúng

ta sẽ không có những nhận định nhầm lẫn, lệch lạc và mang đến hậu quả không tốt. Cũng như vậy, có đủ kiến thức trải nghiệm để nhận ra đâu là người trí qua tướng mạo, cách đi, đứng, nói năng, ứng xử, cách giải quyết công việc,… của họ, thì chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội học hỏi, nhận giúp đỡ và thậm chí là có thể hợp tác với họ để cùng nhau làm việc tốt hơn.

Lúc nãy thầy có mở rộng cái này một chút, về vấn đề không nhận biết được các tổ hợp tạo nên thân tâm (gọi chung là Ngũ uẩn) này. Đâu là tổ hợp về hình thể? Đâu là tổ hợp cảm giác? Đâu là tổ hợp hiểu biết – tri thức? Đâu là tổ hợp tình cảm – phản ứng, cũng như tổ hợp về sao chép, lưu trữ, chuyển giao? Gọi chung nó là Ngũ uẩn. Thiếu những hiểu biết cơ bản như vậy, sẽ dẫn đến những hành động hoặc nhận thức của chúng ta đối với vấn đề bị lệch lạc.

Vậy người khéo phân biệt được ai là người trí, ai là người ngu bằng cách nhận diện qua các hình thái bộc lộ ra bên ngoài sẽ có thái độ xử lý phù hợp. Cũng như biết rõ thân tâm mình, từng đối tượng một, thì ứng xử hoặc là phản ứng của mình sẽ tốt đẹp hơn.

  1. Chư tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu trừ bỏ trứng con bọ chét? Ở đây này các tỳ-khưu, tỳ-khưu không thọ dụng dục tầm khởi lên, từ bỏ, tránh né, chấm dứt, làm cho không tồn tại. Tỳ-khưu không thọ dụng sân tầm khởi lên, từ bỏ, tránh né, chấm dứt, làm cho

không tồn tại. Tỳ-khưu không thọ dụng hại tầm khởi lên, từ bỏ, tránh né, chấm dứt, làm cho không tồn tại. Tỳ-khưu không thọ dụng các ác, bất thiện pháp khởi lên, từ bỏ, né tránh, chấm dứt, làm cho không tồn tại. Như vậy, này các tỳ-khưu, là tỳ-khưu từ bỏ trứng con bọ chét.

Dục tầm tức là tầm cầu về dục, khởi lên ham muốn, ưa thích, vừa lòng và tiếp tục tìm kiếm nó. Nếu dục tầm khởi lên mà không trừ bỏ nó, tiếp tục để nó phát triển và nuôi dưỡng nó, thì hậu quả sẽ bị luyến ái cột trói. Còn ngược lại, nếu biết nhận ra chúng khi mới khởi lên, ngay khi đó buông ra, né tránh các đối tượng làm cho nó phát triển và làm nó chấm dứt tại đó, không làm cho nó tồn tại, thì chắc chắn là dục tầm đó không thể tổn hại cho vị tỳ-khưu.

Cũng vậy đối với sân tầm, tức là khởi lên bất bình đối với cái gì mình không thích, mình ghét, mình không bằng lòng. Nếu không biết nhận ra nó ngay tức khắc để buông bỏ, chấm dứt và không cho nó tồn tại, thì nó sẽ làm chủ mình. Từ đó, dẫn mình đến những ứng xử để thể hiện sự phẫn nộ, bất bình, cáu gắt đó. Tất cả những biểu hiện đó là bề ngoài của những hình tướng sân hận và nó sẽ gây bất lợi cho chúng ta. Ngược lại, nếu nhận ra và chấm dứt tại đó, không cho nó phát triển thì sân tầm đó sẽ không làm tổn hại được vị tu hành.

Đối với các hại tầm, tức là khởi lên những ý niệm muốn làm tổn hại đối tượng hoặc là tổn hại chính mình thì cũng phải biết nhận ra khi nó khởi lên, tỉnh táo, sáng suốt và biết buông bỏ nó ngay đúng lúc mới phát khởi, không cho nó phát triển.

Giống như một người chăn bò không nuôi dưỡng và biết cách trừ bỏ các trứng con bọ chét, các loại ký sinh. Đối với các tham, sân, hại tiềm ẩn cũng giống như trứng bọ chét chưa nở, cần phải không cho nó có cơ hội phát triển bằng cách luôn tỉnh táo, sáng suốt để khi nó vừa xuất hiện do có liên quan đối tượng, thì chúng ta phải nhận ra ngay và buông bỏ.

  • Và này các tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu băng bó vết thương? Ở đây, này các tỳ-khưu, khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, tỳ-khưu chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng,…; mũi ngửi hương,…; lưỡi nếm vị,…; thân cảm xúc,…; ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, tỳ-khưu chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Như vậy, này các tỳ-khưu, là tỳ-khưu băng bó vết thương.

“Nắm giữ tướng chung, nắm giữ tướng riêng” là câu hay gặp trong các kinh văn. “Nắm giữ” có nghĩa là thích, luyến ái, muốn có. “Tướng riêng và tướng chung” có thể diễn đạt là thích một phần, thích nhiều phần và thích toàn phần. Chính vì thích nên sinh ra chấp thủ. Vì trong tương quan khi lục căn tiếp xúc với lục trần, sinh ra xúc; có xúc thì có thọ; thọ sinh ra ái.

“Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên”. Khi khởi tâm luyến ái do có đối tượng hoặc điều kiện phát sinh, mà không chế ngự được, thì chắc chắn là các diễn tiến này nó sẽ xuất hiện và từ đó, các ác, bất thiện pháp nổi lên do không tỉnh táo, mê muội và bị tham sân khuấy động.

Nếu vị tỳ-khưu chế ngự được nguyên nhân ấy, tỉnh táo sáng suốt hộ trì các căn thì không luyến ái một phần, không luyến ái nhiều phần, hoặc toàn phần đối với đối tượng khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với các đối tượng của nó. Từ đó tất cả tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp, không có cơ hội khuấy lên. Và dù có khởi lên thì lập tức chúng cũng bị nhận diện, phát hiện và chấm dứt, đoạn tuyệt ngay tại đó.

“Băng bó vết thương” có nghĩa là không làm cho thân tâm mình tiếp tục bị tổn hại thêm vì tham ái, ưu bi xuất hiện khi lục căn tiếp xúc với lục trần. Như vậy gọi là “tỳ-khưu khéo băng bó vết thương”.

  • Và này các tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu xông khói? Ở đây, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu có thuyết giảng rộng rãi cho các người khác biết Chánh pháp mình được nghe, được thọ trì. Như vậy, này các tỳ-khưu, là tỳ-khưu xông khói.

Trong ý nghĩa xông khói đối với tu hành, là phát triển, chia xẻ hiểu biết, hoặc trải nghiệm của mình về giáo pháp, thực hành giáo pháp để cùng mang lại lợi lạc đến cho những người hữu duyên. Từ đó, giúp họ thực hành, phá bỏ các kiến chấp, mê lầm nguy hiểm.

  • Và này các tỳ-khưu, như thế nào là tỳ-khưu biết chỗ nước có thể lội qua? Ở đây, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu thỉnh thoảng có đến gặp những tỳ-khưu đa văn được trao cho truyền thống giáo điển, những bậc trì Pháp, trì Luật, trì mātikā (các bản tóm tắt) có hỏi, có trả lời các vị ấy: “Thưa tôn giả, điểm này là thế nào, ý nghĩa này là gì?” Những bậc tôn giả ấy làm cho hiển lộ những điều chưa được hiển lộ, làm cho rõ ràng những điều chưa được rõ ràng, và đối với những nghi vấn về Chánh pháp, các vị ấy đoạn trừ nghi hoặc. Như vậy, này các tỳ-khưu, là tỳ-khưu biết chỗ nước có thể lội qua.

Có vài vấn đề khi nói đến “những tỳ-khưu đa văn, được trao cho truyền thống giáo điển, những bậc trì Pháp, trì Luật, trì mātikā”:

  • Thứ nhất, nhóm từ “trì Pháp, trì Luật, trì mātikā” là các dụng ngữ được sử dụng về sau này khi hệ thống hóa lại kinh điển, người ta đã chèn vào vì thời đức Phật thì chưa có chữ viết, tận mấy trăm năm sau những lời dạy của đức Phật mới được ghi chép lại.
  • Thứ hai, về mātikā. Mātikā có nghĩa là các bản tóm tắt, toát yếu của Abhidhamma. Ví dụ như Ti- Mātikā là nhóm tóm tắt chủ đề ba pháp, gọi là Tam mẫu đề thường được chư tăng đọc tụng. Mà chúng ta đã biết là tạng Abhidhamma được hình thành về sau này, sớm nhất là vào thời của đại đế A-Dục.
  • Thứ ba, việc học tập của chư tăng thì mỗi người có một thiên hướng rõ ràng do tính cách của mỗi người: một số học thuộc, một số khác thì thực hành. Có một câu chuyện trong bài Đại kinh Rừng Sừng Bò liên quan đến về vấn đề này. Trong kinh kể rằng, khi ngài Xá-Lợi-Phất hỏi các vị tỳ-khưu tu hành như thế nào để có thể làm sáng chói, làm cho vẻ vang khu rừng thanh tịnh này, đẹp đẽ này. Mỗi vị đều trình bày sở kiến, sở trường riêng của mình, như ngài A- Nan thì học tụng thuộc lòng những điều mà đức Phật dạy, còn vị giỏi thuyết pháp thì sẽ diễn giải Chánh pháp, vị thì tu tập về thiền,… Và tất cả đều không đồng ý với nhau, mặc dầu vị nào cũng là các bậc trưởng bối giỏi giang và uy tín lớn trong Tăng chúng. Do vậy họ đến tìm đức Phật để hỏi quan điểm của

Ngài. Đức Phật đã có một câu trả lời chung đó là, để làm vẻ vang cho khu rừng này chỉ cần “một đời sống tu hành bình thường” và Ngài đã đưa ra hình ảnh vị tỳ-khưu buổi sáng sau khi đi khất thực trở về, ngồi một chỗ yên tĩnh quán sát thân tâm của mình, tỉnh giác biết mình, sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc thực tại hiện tiền đó. Đức Phật gọi đó là hình ảnh làm chói sáng khu rừng Gosinga.

Vậy khi nói “những tỳ-khưu đa văn, được trao cho truyền thống giáo điển, những bậc trì Pháp, trì Luật, trì Mātikā” thì mình có thể hiểu đó là những vị tỳ-khưu thông tuệ, bác lãm, hiểu biết nhiều Phật học. Họ có thể là các chuyên gia từng phần trong giáo pháp, hoặc là đã có trải nghiệm tốt về giáo pháp.

Giống như một người muốn qua bên kia dòng chảy và không biết rõ chỗ nông, chỗ cạn để lội qua. Người ấy sẽ đi hỏi thăm những người ở vùng đó chia xẻ kinh nghiệm, hướng dẫn giúp mình lội qua bên kia bờ. “Biết chỗ nước có thể lội qua” nghĩa là các vị tỳ- khưu khi có cơ duyên được gặp các vị tỳ-khưu đa văn, trưởng thượng, hiểu biết thì biết đem thắc mắc, nghi vấn về giáo pháp để xin chỉ dẫn từ các vị ấy. Vì thế có được những câu trả lời giúp giải nghi, phá bỏ những mê muội hoặc là mở ra cho mình một con đường rõ ràng hơn đối với vấn đề thực hành giáo pháp. Vì vậy, vị tỳ-khưu phải biết tận dụng cơ hội khi được gần gũi

những bậc trưởng thượng, cho nên học hỏi được nhiều điều.

  • Và chư tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu biết rõ chỗ nước uống? Ở đây, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu trong khi Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết được giảng dạy, chứng đạt nghĩa tín thọ, chứng đạt pháp tín thọ, chứng đạt sự hân hoan liên hệ đến Pháp. Như vậy, này các tỳ-khưu, là tỳ-khưu biết chỗ nước uống.

Câu diễn đạt này hơi khó hiểu! Theo phân loại các bậc Thánh nhân thành bảy loại theo ba căn tính: Tùy tín hành và Tín giải thoát thuộc tín căn; Thân chứng và Câu phần giải thoát thuộc định căn; Tùy pháp hành, Kiến đáo và Tuệ giải thoát thuộc tuệ căn.

“Chứng đạt” nghĩa là trải nghiệm và thấy ra. Để có thể chứng đạt thì người ta phải học hỏi, phải thấu hiểu và thực hành. Do đó, người đến với giáo pháp do học hỏi, thấu hiểu và thực hành rồi thấy ra là người có tuệ căn, tức là “nghĩa tín thọ” và sẽ chứng đạt được mục đích của mình theo cách ấy. Vị tỳ-khưu ấy sau khi chứng nghiệm, chứng ngộ, thấy ra được thì khi đó mới gọi là uống được nước của hương vị giải thoát.

  • Và các tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu biết rõ về con đường? Ở đây, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu như thật biết con đường Thánh đạo tám ngành. Như vậy, này các tỳ-khưu, là tỳ-khưu biết rõ con đường.

Trong Bốn Sự Thực liên hệ đến Khổ, Đạo đế chính là nói đến “con đường” này. Đó là con đường đưa đến giác ngộ, giải thoát có tám thành tố. Nếu vị tỳ-khưu nào không biết rõ con đường, hoặc là hiểu không đúng thì sẽ đi lệch lạc, đi hoài không đến. Vị nào hiểu được Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, cũng như Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định là gì và thực hành đúng mức thì người đó đang nắm rõ con đường trong tay . Đó gọi là “biết rõ con đường”.

  • Và này các tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu khéo léo đối với các chỗ đàn bò có thể ăn cỏ? Ở đây, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu như thật biết về Bốn Niệm Xứ. Như vậy, này các tỳ-khưu, là tỳ-khưu khéo léo đối với các chỗ đàn bò có thể ăn cỏ.

Khi nói đến “cỏ” nghĩa là nói đến thức ăn và thức uống. Chúng sinh được nuôi dưỡng bằng bốn loại vật thực là đoàn thực, thức thực, xúc thực, tư niệm thực. Một người xuất gia ngoài thức ăn vật lý để nuôi dưỡng thân thể còn cần có một loại thực phẩm quan trọng hơn, đó là Bốn Niệm Xứ. Đức Phật nói “tỳ-khưu như thật biết” tức là biết đúng, biết rõ về Bốn Niệm Xứ. Thầy diễn đạt nó là Soi sáng thực tại Bốn nhóm hiện tượng thân tâm. Bốn nhóm hiện tượng gồm: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp. Nói cho văn vẻ chút là, pháp thân huệ mạng của một vị xuất gia có tồn tại và phát triển là nhờ được nuôi

dưỡng bằng cách thường xuyên thực hành Soi sáng thực tại Bốn nhóm hiện tượng thân tâm này.

  • Và này các tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu không vắt sữa cho đến khô kiệt? Ở đây, này các tỳ- khưu, khi các vị tại gia vì lòng tin cúng dường các vật dụng như: y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, tỳ-khưu biết nhận lãnh vừa đủ. Như vậy, này các tỳ-khưu, là tỳ-khưu không vắt sữa cho đến khô kiệt.

kiệt?

Thế nào là tỳ-khưu không vắt sữa cho đến khô

Giống như người chăn bò khéo léo sẽ không vắt

sữa bò đến khô kiệt, mà dành lại một phần để con bò giữ sức khỏe và nuôi con. Vị tỳ-khưu biết sống tiết độ, chừng mực cho nên sẽ không lạm dụng lòng tin của tín thí, không đòi hỏi quá nhiều, và chỉ nhận các vật dụng vừa đủ để nuôi sống bản thân và hỗ trợ việc tu hành. Và nó cũng tạo ra điều kiện để chia xẻ giáo pháp đối với thí chủ. Đó là sự giúp đỡ qua lại với nhau. Như vậy, gọi là “không vắt sữa đến khô kiệt”.

  • Và này các tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu đối với những thượng tọa trưởng lão, xuất gia đã lâu ngày, bậc tôn túc trong Tăng giới, bậc lãnh đạo trong Tăng giới, có sự tôn kính, sự tôn trọng đặc biệt? Ở đây, này các tỳ-khưu, đối với các thượng tọa trưởng lão, xuất gia đã lâu ngày, bậc tôn túc trong Tăng giới,

bậc lãnh đạo trong Tăng giới, có thân nghiệp đầy lòng từ đối với các vị ấy, trước mặt và sau lưng; có khẩu nghiệp đầy lòng từ đối với các vị ấy, trước mặt và sau lưng; có ý nghiệp đầy lòng từ đối với các vị ấy, trước mặt và sau lưng. Như vậy, này các tỳ-khưu, là tỳ-khưu đối với những thượng tọa trưởng lão, xuất gia đã lâu ngày, bậc tôn túc trong Tăng giới, bậc lãnh đạo trong Tăng giới, có sự tôn kính, có sự tôn trọng đặc biệt.

Tổ chức nào cũng vậy, có thế hệ trước, thế hệ sau, có thầy, có trò, có huynh đệ. Các vị tỳ-khưu, nhất là lớp trẻ cần phải có sự chăm sóc, quan tâm đặc biệt đối với những bậc trưởng thượng trong Tăng-già. Cũng giống như người chăn bò phải quan tâm các con bò già đầu đàn vậy. Ở đây, khi mình chăm sóc gần gũi các vị ấy, mình sẽ nhận được các góp ý, soi sáng về vấn đề về tu học hoặc kinh nghiệm trong vấn đề lãnh đạo, điều hành, quản lý. Đó là những lợi ích có thể có được khi mình quan tâm hộ trì các bậc trưởng thượng ở trong Tăng giới.

Này các tỳ-khưu, tỳ-khưu nào đầy đủ mười một pháp này, thì có thể lớn mạnh, tăng thịnh, thành mãn trong Pháp và Luật này.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy, các thầy tỳ-khưu hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Đó là lời dạy của đức Phật qua ví dụ về mười một đức tính của người chăn bò khéo léo. Cũng vậy, một vị tỳ-khưu tu học đúng pháp và đúng mức cần có mười một đức tánh tương tự như của người chăn bò giỏi. Những vị tỳ-khưu nào gồm đủ mười một đức tánh tốt đẹp này thì sẽ tiến bộ; quan hệ đối với cộng đồng tu học được tốt đẹp và con đường tu học sẽ ngày càng phát triển; có thể thành tựu được một phần hoặc nhiều phần mục đích của đời sống xuất gia.

Thông qua bài kinh, thầy muốn chia xẻ với mọi người về vấn đề này. Đó là sự hiểu biết sâu rộng của đức Phật đối với ngành nghề của giới bình dân lao động thời bấy giờ, không chỉ riêng lãnh vực chăn nuôi bò trong bài kinh này, mà trong tạng Kinh Nikāya có những bài kinh nói về người chăn ngựa, huấn luyện voi, về nghề rèn, nghề biểu diễn xiếc, nghề nông, thậm chí các nghề mổ xẻ thịt động vật,… Do đó những ví dụ Ngài đưa ra đều có thực, gần gũi trong đời sống, mà hầu hết mọi người ít nhiều đều biết, chứ không phải chỉ là những lý thuyết siêu hình, trừu tượng. Đó là điều hết sức đặc biệt.

Từ đó cho thấy cách hoằng pháp của đức Phật thường cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu và gần gũi với đời sống của xã hội. Vì những ví dụ ấy khi so sánh với đời sống của người xuất gia, nó có tương tác, có gợi ý, có những bài học nên người ta dễ tiếp thu hơn là chỉ nói suông. Mặt khác, nó cũng nói lên được mục

đích của việc hoằng pháp là để cho mọi người hiểu. Từ chỗ hiểu mới có thể thực hành, thực hành mới có thể thấy ra vấn đề.

Do vậy, chúng ta có thể thấy một vài giới hạn của các bài kinh hiện nay đang dùng những thuật ngữ chuyên môn khó hiểu hoặc những từ ngữ không phổ thông. Nếu chúng ta có thể giảm bớt và truyền đạt bằng các ngôn ngữ dễ hiểu, cụ thể, hình tượng thì chắc chắn hiệu quả về việc hoằng pháp và việc hiểu Phật Pháp sẽ là dễ dàng, tốt đẹp hơn.

Chương trình này gọi là Soi sáng lời dạy của đức Phật vì chúng ta cố gắng tìm hiểu đức Phật dạy gì trong từng bài kinh một, từ đó hiểu và thực hành để mang lại lợi ích cho bản thân và có thể chia xẻ cho mọi người.

Bài giảng đến đây cũng vừa đủ. Xin chấm dứt và chúc mọi người lắng nghe có thể thu hoạch được ít nhiều. Nếu có gì không hiểu rõ hoặc không nắm được, thì đó là lỗi của người truyền đạt. Một lần nữa thầy xin cảm ơn tất cả thính chúng.Soi sáng lời dạy của đức Phật – số 1, năm 2020

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 11

Post Views: 193