TIỂU KINH XÓM NGỰA (CŪḶA-ASSAPURA SUTTA) MN40 – Soi sáng lời dạy của Đức Phật ( HT. Pháp Tông)

TIỂU KINH XÓM NGỰA (CŪḶA-ASSAPURA SUTTA) MN40 – Soi sáng lời dạy của Đức Phật ( HT. Pháp Tông)

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TIỂU KINH XÓM NGỰA (CŪḶA-ASSAPURA SUTTA)

Trung Bộ kinh, bài số 40

Đây được gọi là bài “Tiểu kinh Xóm Ngựa” để phân biệt với bài Đại kinh dung lượng lớn hơn. Trước khi đi vào chi tiết bài kinh, thầy xin giới thiệu qua một vài vấn đề giúp cho quý độc giả có thêm một số hiểu biết nhất định về địa danh, cũng như mối quan hệ của các quốc độ được đề cập trong Tam tạng tiếng Pāḷi.

Như tựa đề tiếng Pāḷi này, “Cūḷa” có nghĩa là “tiểu”, được phân biệt với “Mahā” là “đại”. “Sutta” là một từ khá phổ thông chỉ cho một hình thức viết gọi là “kinh” – phân biệt với kệ hoặc là phúng tụng,… Tạm gọi là một thể loại văn xuôi dùng để thuật ký, thuật sự.

Vấn đề ở đây là chữ “Assapura”. “Assa” nghĩa là con ngựa và “pura” có nghĩa là danh xưng của một quốc gia. Nếu mọi người có một chút liên tưởng thì sẽ nghe âm này khá quen thuộc. Quả thực nó quen thật, vì nó là đuôi của tên một quốc gia thuộc vùng Đông Nam Á này, đó là Singapore. Chữ “pore” trong

Singapore có gốc là “pura” tức là đô thị, thành phố. Từ gốc của “singa” nguyên là “sīha” và sau biến thành “sinha”, bây giờ là “singa”. Mối liên hệ và trải qua sinh hóa của ngôn ngữ trên thực tế khiến cụm từ trở thành như hiện tại. Chúng ta thường nghe Singapore được dịch là “thành phố Sư Tử”, tiếng Pāḷi là Sīhapura. Và sau nhiều biến đổi lịch sử, ngôn ngữ, dân tộc thì cuối cùng nó biến thành Singapore – như chúng ta thường nghe nói đến.

Chữ “pura” trong “Assapura” có nghĩa là đô thị, tức là một đơn vị hành chính dân cư đông đúc có nhiều ngành nghề, giao dịch thương mại khá lớn chứ không phải nghĩa là thôn, làng, ấp (tiếng Pāḷi là gāma). Do vậy, “Assapura” phải được dịch là “Đô thị ngựa” hay “Mã thành”, đó là suy nghĩ của chúng tôi khi tìm hiểu về địa danh này. Mã thành vốn là một trong hai đô thị lớn của nước Aṅga. Đây là một nước chư hầu, chịu sự thống trị của đại quốc xóm giềng là Ma-Kiệt-Đà. Vị vua cai trị Ma-K1iệt-Đà thời đức Phật chính là Bimbisāra (Bình-Sa vương). Vị này là phụ vương của vua A-Xà-Thế.

Aṅga cũng là một trong mười sáu quốc gia thuộc Trung Ấn Độ thời bấy giờ được đề cập trong Tam tạng. Trong đó có hai xứ bây giờ vẫn còn tồn tại nhưng không còn ở tại Ấn Độ nữa mà con cháu của những xứ sở này, tộc người này đã di chuyển qua các

vùng đất khác lập nghiệp mới, xây dựng quốc độ mới đó là Chăm-Pa (Campa) và Campuchia.

Về Campuchia: Trước giờ chúng ta cứ nghĩ đây là một quốc gia độc lập, hoàn toàn không có sự liên hệ nào về nhiều thứ đối với Ấn Độ ngoại trừ tôn giáo, tín ngưỡng. Nhưng khi truy tìm tài liệu về từ Aṅga chúng tôi mới phát hiện hóa ra Campuchia là một trong mười sáu thế lực lớn của bán đảo Ấn Độ thời bấy giờ.

Về Chăm-Pa – tức Chiêm Thành của Việt Nam chúng ta – có gốc gác Aṅga của Ấn Độ. Trong bài kinh này chỉ rõ Chăm-Pa tại Ấn Độ thời bấy giờ chính là Aṅga. Vì con sông Campa ở Ấn Độ và kinh đô của người Aṅga cũng có tên là Campa.

Ngoài kinh đô là Campa, Aṅga có hai đô thị lớn là: Bhaddiya và Assapura được đề cập trong Kinh tạng. Thật ra chữ Aṅga được dùng phổ biến để chỉ cho tộc người, cư dân bản địa ở vùng ấy – được gọi là “người Aṅga”. Tuy nhiên, tên quốc gia là Aṅga hay quốc độ Aṅga (tiếng Pāḷi là Aṅgarattha) thì ít được dùng hơn. Vì vậy khi nói đến Aṅga người ta nói đến tộc người Aṅga, dân chúng Aṅga.

Giữa dân chúng Aṅga và dân chúng Ma-Kiệt-Đà có mối quan hệ qua lại rất thân tình. Theo tư liệu cho biết, dân chúng này có ý muốn phục nghiệp lại tổ quốc quê hương của họ sau khi đã chịu sự lệ thuộc

của đất nước Ma-Kiệt-Đà. Quốc vương của Aṅga vào thời đức Phật là một quý tộc giàu có nhưng không có niềm tin với đức Phật mà dành sự hậu đãi, cúng dường lớn của ông ta cho một vị Bà-la-môn mà ông tin tưởng.

Trên đây là đôi điều mà chúng ta mở rộng ra để hiểu biết thêm về Aṅga – xứ sở được đề cập đến trong bài kinh mà hôm nay chúng ta tìm hiểu.

Nho giáo có một câu nói rằng: “Y phục xứng kỳ đức”, nghĩa là y phục phải phù hợp, biểu trưng đúng người mặc y phục ấy. Giống như một vị vua mặc bộ y phục phải xứng tư cách một vị vua. Một vị đại thần khi khoác lên phẩm phục của đại thần thì tư cách, ứng xử, hành động phải xứng là một vị đại thần – trên trung với vua dưới phục vụ người dân. Hoặc một sĩ tử khi mang trên mình chiếc áo sĩ tử phải có lời nói, ứng xử, hiểu biết,… xứng với danh là người có học, biết lễ nghĩa. Trong bài kinh này, cũng có một câu với nội dung tương tự, đó là: Một vị Sa-môn phải sống và hành xử như thế nào mới xứng danh là vị Sa-môn?

Trong ngạn ngữ của Pháp cũng có một câu nói, mới nghe ta tưởng ngược lại nhưng nó cũng có ý tương tự như thế, đó là câu: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Tức là hình thức bên ngoài chưa thật sự biểu thị hoặc chỉ ra đúng bản chất của nội dung ở bên trong. Không phải ai mặc áo thầy tu cũng trở thành

thầy tu. Cũng vậy, không phải cứ khoác lên mình một hình thức đẹp đẽ thì người ta cho rằng người đó có nhân cách đẹp đẽ hơn người. Đó là điều chưa chắc. Cái này phải đi sâu vào nội dung mới biết được.

Bài kinh Mã thành này được đức Phật giảng cho chư tỳ-khưu ở thời điểm bấy giờ tại đô thị Assapura của xứ Aṅga. Nội dung đề cập đến các vấn đề quan trọng, cần thiết mà một người xuất gia cần phải quan tâm đó là vấn đề tu tập và thực hành lời dạy của đức Phật. Đặc biệt, chủ đề bài kinh này Ngài làm rõ ý nghĩa của việc “Sống như thế bào để xứng danh được gọi là một vị Sa-môn.”

Bây giờ chúng ta lần lượt tìm hiểu chi tiết nội dung của bài kinh này. Thầy sẽ đọc từng đoạn kinh và đọc đến đâu trình bày, giảng giải đến đấy.

  1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở giữa dân chúng Aṅga (Ương-Già), tại một xã ấp của dân chúng Aṅga, tên là Assapura (xóm Ngựa). Lúc bấy giờ Thế Tôn gọi các tỳ-khưu:
  2. Này các tỳ-khưu.
  3. Bạch Thế Tôn.

Những tỳ-khưu ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

  • – Sa-môn! Sa-môn! Này các tỳ-khưu, dân chúng biết các ông là vậy. Và nếu các ông có được hỏi: “Các ông là ai?” Các ông phải tự nhận: “Chúng tôi là Sa-môn”. Này các tỳ-khưu, các ông đã được danh xưng như vậy, đã tự nhận là như vậy, thì này, các tỳ-khưu, các ông phải tự tu tập như sau: “Những pháp môn xứng đáng bậc Sa-môn, chúng ta sẽ tu tập pháp môn ấy. Như vậy danh xưng này của chúng ta mới chân chính và sự tự nhận này của chúng ta mới như thật. Và những thứ cúng dường mà chúng ta thọ hưởng như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh mới có được kết quả lớn, lợi ích lớn cho chúng ta. Và chúng ta xuất gia không thành vô dụng, có kết quả, có thành tích”.

Thời đức Phật, tứ vật dụng, bao gồm y phục, thuốc men, sàng tọa (chỗ nằm ngồi), thuốc chữa bệnh rất khan hiếm. Ở đây có một điểm không giống nhau trong kinh văn ngày xưa là phần “sàng tọa”. Trong Luật tạng thuộc Pāḷi hiện nay, ở phần quán tưởng tứ sự khi sử dụng, thì nội dung thứ ba lại là “chỗ ở”. Đây là sự thay đổi tất yếu của lịch sử.

Thời đức Phật tại thế, như có nhiều lần chúng tôi đã giảng giải trước, thầy trò Ngài có đời sống du hành

  • đặc biệt là giai đoạn đầu, khi chưa có nhiều người biết đến đức Phật và đồ chúng của Ngài. Cho nên người ta chỉ dừng ở việc gặp, hỏi han và cúng dường sau đó rời đi. Nhưng về sau, một số tín chủ – đệ tử cư

sĩ, có những người có thế lực về chính trị, về kinh tế, về xã hội,… sau khi hỏi ý và được đức Phật cho phép, họ bắt đầu xây dựng các công trình cư trú, bây giờ chúng ta gọi là tự viện, chùa chiền. Đó là nơi ở cho đức Phật và Tăng chúng. Đầu tiên là bên Tăng và sau này cả cho bên Ni chúng. Do vậy, những giai đoạn đầu, chỗ nghỉ qua đêm cho các vị xuất gia, không phải là tu viện, mà chỉ là một tấm lót được trải dưới một gốc cây, ở nơi đồng trống, ở trong hang động, hay bất kỳ chỗ nào có thể ngả lưng qua đêm là được. Tấm lót này được gọi là “sàng tọa”. Nên cái gọi là sàng tọa này nó không phải là giường như bây giờ chúng ta hiểu, mà nó chỉ là một vật lót, phù hợp cho đời sống của một người xuất gia không nhà không cửa, không gia đình, không mái che. Cho nên đây là sự khác biệt giai đoạn đầu, trong tứ sự nhu yếu thì có “sàng tọa”, chứ không phải là “chỗ ở”.

  • Này các tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu không thực hành các pháp môn xứng đáng bậc Sa-môn? Này các tỳ-khưu, đối với tỳ-khưu có tâm tham dục và lòng tham dục không được đoạn diệt, có tâm sân hận và lòng sân hận không được đoạn diệt, có tâm phẫn nộ và lòng phẫn nộ không được đoạn diệt, có tâm thù hận và lòng thù hận không được đoạn diệt, có tâm giả dối và lòng giả dối không được đoạn diệt, có tâm não hại và lòng não hại không được đoạn diệt, có tâm tật đố và lòng tật đố không được đoạn diệt, có tâm xan

lẫn và lòng xan lẫn không được đoạn diệt, có tâm man trá và lòng man trá không được đoạn diệt, có tâm xảo trá và lòng xảo trá không được đoạn diệt, có tâm ái dục và lòng ái dục không được đoạn diệt, có tà kiến và tà kiến không được đoạn diệt. Này các tỳ- khưu, ta nói rằng, nếu vị ấy không thực hành các pháp môn xứng đáng bậc Sa-môn, thì không thể đoạn diệt được những cấu uế cho Sa-môn, những tỳ-vết cho Sa-môn, những lỗi lầm cho Sa-môn, sự đọa sanh vào đọa xứ, sự thọ lãnh các ác thú.

Này các tỳ-khưu, ví như một loại võ khí nguy hiểm tên Mataja có hai lưỡi rất sắc bén, có thể được bao lại vỏ bỏ vào trong một cái bao. Cũng vậy, này các tỳ-khưu, Ta nói sự xuất gia của tỳ-khưu ấy là như vậy.

Ở đây, đức Phật đề cập đến mười hai điều xấu ác (bất thiện pháp) mà một vị Sa-môn hay cần phải thấy rõ trong tâm mình để tìm cách đoạn diệt. Nếu không đoạn diệt, thanh tẩy chúng thì vị ấy không xứng đáng được gọi là vị tỳ-khưu hoặc Sa-môn hay Bà-la-môn. Chúng tôi dùng ba cụm từ này vì đức Phật thường sử dụng chúng khi nói về người tầm cầu những điều tốt đẹp, đặc biệt hướng đến giác ngộ, giải thoát và đi theo con đường giác ngộ do đức Phật chỉ dạy.

  • Này các tỳ-khưu, Ta không nói rằng Sa-môn hạnh của một vị mang đại y (Saṅghāṭi) chỉ tùy thuộc vào mang đại y. Này các tỳ-khưu, Ta không nói rằng

Sa-môn hạnh của một vị lõa thể chỉ tùy thuộc vào lõa thể. Này các tỳ-khưu, Ta không nói rằng Sa-môn hạnh của một vị sống thoa bụi và đất chỉ tùy thuộc vào hạnh thoa bụi và đất. Này các tỳ-khưu, Ta không nói rằng Sa-môn hạnh của một vị sống theo lễ nghi tắm rửa chỉ tùy thuộc vào lễ nghi tắm rửa. Này các tỳ- khưu, Ta không nói rằng Sa-môn hạnh của một vị sống dưới gốc cây chỉ tùy thuộc vào hạnh sống dưới gốc cây. Này các tỳ-khưu, Ta không nói rằng Sa-môn hạnh của một vị sống ngoài trời chỉ tùy thuộc vào hạnh sống ngoài trời. Này các tỳ-khưu, Ta không nói rằng Sa-môn hạnh của người theo hạnh đứng thẳng chỉ tùy thuộc vào hạnh đứng thẳng. Này các tỳ-khưu, Ta không nói rằng Sa-môn hạnh của một vị ăn uống có định kỳ chỉ tùy thuộc vào hạnh ăn uống có định kỳ. Này các tỳ-khưu, Ta không nói rằng Sa-môn hạnh của người sống theo chú thuật chỉ tùy thuộc vào hạnh sống theo chú thuật. Này các tỳ-khưu, Ta không nói rằng Sa-môn hạnh của vị bện tóc chỉ tùy thuộc vào hạnh bện tóc.

“Đại y” là y may nhiều lớp. “Sa-môn hạnh” là phẩm chất bên trong của vị tu hành, xuất gia chứ không phải dựa vào hình thức bên ngoài khi khoác lên người tấm y.

Đức Phật đã liệt kê một số ví dụ làm rõ “Sa-môn hạnh” của các hình thức tu khổ hạnh thời bây giờ.

  1. Phái lõa thể.
  2. Phái tu bằng cách thoa bụi và đất lên người: tức làm xấu và nhơ bẩn đi hình thể nhằm tránh tham ái chi phối, theo quan niệm của phái tu ấy.
  3. Phái tu theo nghi lễ tắm rứa: bằng cách tắm rửa ở sông Hằng – con sông thánh thiêng liêng theo quan điểm của người Ấn Độ. Người ta đến đó vào buổi sáng sớm, vào buổi tối hoặc buổi khuya để tắm và họ nghĩ rằng làm như vậy thì sẽ tẩy rửa được những tội lỗi mình đã làm.
  4. Phái tu ngủ dưới gốc cây: đây là hình thức tu không trú dưới mái nhà với các tiện nghi đầy đủ được che chở bảo vệ, mà chỉ nương nhờ vào một gốc cây, một bóng cây.
  5. Phái tu sống ngoài trời: tương tự ở trên.
  6. Phái tu đứng thẳng: đây là một lối tu khá lạ lùng thuộc dạng khổ hạnh, chỉ đứng, không nằm, cũng không ngồi quanh năm suốt tháng.
  7. Phái tu ăn uống có định kỳ: Trong Trường Bộ kinh rải rác một số chỗ nói về hạnh tu theo ăn uống định kỳ này. Mỗi tháng ăn một lần, ba ngày ăn một lần hoặc một ngày ăn một lần. Hoặc một bữa chỉ ăn vài thìa, vài nắm, vài vốc,… tức là một lối tu mà người ta nghĩ rằng lập trình cho nó về chuyện ăn uống sẽ đạt đến một mục đích nào đó.
  • Phái tu luyện chú: hình thức tu chuyên niệm chú thuật, bùa, ngải các thứ.
  • Phái tu tập theo lối bện tóc.

Với những ví dụ trên, đức Phật tuyên bố phẩm hạnh của các vị này không phải tùy thuộc hoàn toàn vào hình thức bên ngoài của các pháp tu mà họ đang theo; cho dù mang hình tướng xuất gia từ các vị theo Phật giáo, hay các vị sống lõa thể, hay các vị sống thoa bụi vào đất, hay các vị sống theo lễ nghi tắm rửa, hay vị sống ở gốc cây, hay vị sống ngoài trời, hay vị có hạnh đứng thẳng, hay vị có hạnh tu bằng ăn uống theo định kì, hay vị sống theo chú thuật, hay vị sống theo hạnh bện tóc. Những hình thức bên ngoài của hạnh tu đó chưa nói lên được thực chất bên trong.

Ngài khẳng định không thể dựa vào hình thức bên ngoài mà làm cho nội tâm vẩn đục được thanh lọc. Đoạn tiếp theo, Ngài đã liệt kê một loạt những điều xấu ác trong tâm một người tu hành hoặc chúng sinh thường xảy ra như thế nào.

  • Này các tỳ-khưu, nếu lòng tham dục của người có tâm tham dục được đoạn diệt chỉ nhờ vào hạnh mang đại y của người mang đại y, nếu lòng sân của người có tâm sân được đoạn diệt, nếu lòng phẫn nộ của người có tâm phẫn nộ được đoạn diệt, nếu lòng hiềm hận của người có tâm hiềm hận được đoạn

diệt, nếu lòng giả dối của người có tâm giả dối được đoạn diệt, nếu lòng não hại của người có tâm não hại được đoạn diệt, nếu lòng tật đố của người có tâm tật đố được đoạn diệt, nếu lòng xan lẫn của người có tâm xan lẫn được đoạn diệt, nếu lòng man trá của người có tâm man trá được đoạn diệt, nếu lòng xảo trá của người có tâm xảo trá được đoạn diệt, nếu lòng ái dục của người có tâm ái dục được đoạn diệt, nếu tà kiến của người có tà kiến được đoạn diệt, (chỉ nhờ hạnh mang đại y của người mang đại y), thì những thân hữu quyến thuộc, bà con cùng một huyết thống có thể khiến người đó mang đại y ngay khi người đó mới sanh, và khuyên người đó mặc đại y như sau: “Này hiền nhi, hãy mang đại y, nếu mang đại y thì lòng tham dục của người có tâm tham dục sẽ được đoạn diệt, lòng sân của người có tâm sân sẽ được đoạn diệt, lòng giả dối của người có tâm giả dối sẽ được đoạn diệt, lòng não hại của người có tâm não hại sẽ được đoạn diệt, lòng tật đố của người có tâm tật đố sẽ được đoạn diệt, lòng xan lẫn của người có tâm xan lẫn sẽ được đoạn diệt, lòng man trá của người có tâm man trá sẽ được đoạn diệt, lòng xảo trá của người có tâm xảo trá sẽ được đoạn diệt, lòng ái dục của người có tâm ái dục sẽ được đoạn diệt, tà kiến của người có tà kiến sẽ được đoạn diệt chỉ nhờ mang đại y.” Này các tỳ-khưu, bởi vì Ta thấy có người mang đại y nhưng vẫn có tâm tham dục, có tâm sân hận, có tâm

phẫn nộ, có tâm giả dối, có tâm não hại, có tâm tật đố, có tâm xan lẫn, có tâm man trá, có tâm xảo trá, có tâm ái dục, có tâm tà kiến, nên Ta không nói rằng Sa- môn hạnh của người có tham dục chỉ tùy thuộc vào hạnh mang đại y của vị ấy.

Trước tiên, chúng ta cùng làm sáng tỏ một số thuật ngữ:

  • Tham dục: Người có lòng ham muốn, yêu thích, và muốn có được tất cả các đối tượng của sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý mà bản thân thấy vừa lòng, hợp ý thì được gọi là tâm tham dục.
    • Sân hận: Khi tâm sân hận khởi lên trong một người, họ sẽ có trạng thái nóng nảy, oán giận.
    • Phẫn nộ: “Phẫn” cũng là một cấp độ của giận, “nộ” thì nó biểu hiện ra mạnh hơn và thô tháo hơn. Hai từ này đi với nhau cũng có nghĩa tương cận với các từ “sân hận”, “oán giận”, “hiềm hận”.
    • Giả dối: Điều này chúng ta dễ biết dễ hiểu hơn, đó là tâm giả dối, là tâm không thật.
    • Não hại: “Não” là quấy rối chứ không phải là bộ não, “hại” là làm tổn thương người khác, đối tượng khác. Tức là quấy rối, làm hại người khác.
    • Tật đố: là tính từ chỉ cho sự ghen ghét, ganh tị và đố kỵ.
  • Xan lẫn: Từ này hơi mù mờ một chút. Trong từ điển Hán lẫn từ điển Việt, cũng như từ điển Hán-Việt không có từ phiên âm chữ “xan” với nghĩa tham lam. Chữ “xan” theo từ điển tiếng Việt với nghĩa: trống trải, đưa ra ngoài. Chữ “lẫn” phía sau thì có một từ nhưng không phải “lẫn” mà là “lận”. “Lận” có nghĩa là keo bẩn, keo kiệt, hạ tiện. Rất có thể chữ “xan” này là từ được đọc trại ra của chữ “tham”, giống như chữ “lận” được đọc chệch thành “lẫn”. Vì vậy có thể là do quá trình sinh hóa của ngôn ngữ, bị ảnh hưởng cách phát âm của vùng, miền nên tạo thành chứ trong từ điển và từ nguyên (từ gốc) không có. Cũng như trong cộng đồng Phật giáo chúng ta có từ “tàm quý” hay đọc quen miệng. Nhưng trong từ điển không có chữ “quý” nào theo nghĩa Phật học chúng ta hiểu, mà là từ “úy”. Có lẽ do cách đọc trại ra, nhất là người miền nam có cách phát âm chữ “Q” tương tự nên chữ “úy” trở thành “quý” là một ví dụ. Một đằng phát âm và một đằng ghi lại, cuối cùng ra hậu quả là chúng ta có chữ “quý” mà gốc của nó trong Hán Việt là “úy” – sợ hãi. Từ “xan lẫn” rất có thể là “tham lận”, nói theo ngôn ngữ hiện tại có nghĩa là ky bo, bón rít, hà tiện.
    • Xảo trá, man trá: “Trá” là lừa dối. “Man” là lừa dối, giấu giếm, che dấu. “Xảo” nghĩa là khéo léo, hay ho. “Xảo trá” là khéo lừa dối, khéo qua mặt người khác. “Man trá” là che đậy, lừa dối.
  • Ái dục: là yêu mến, yêu thích. Ái dục là sự yêu mến mạnh hơn ham thích.
    • Tà kiến: nghĩa chung là cái thấy biết lệch lạc, cục bộ, không đúng sự thật. Cục bộ tức là một góc nhìn riêng nào đó, có thể đúng trong góc nhìn đó nhưng khi ở những góc khác nó không đúng, hoặc so với toàn cục thì nó chỉ là một phần của sự thật. Như người ta thường có câu: “Nửa cái bánh mì thì vẫn là bánh mì, nhưng nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Theo kinh Phạm Võng, trong Trường Bộ kinh, thời đức Phật có đến 62 chủ thuyết tà kiến khác nhau.

Vậy những ác bất thiện pháp trong tâm của một người không thể được đoạn diệt “chỉ nhờ vào hạnh mang đại y của người mang đại y”.

Này các tỳ-khưu, nếu lòng tham dục của người có tâm tham dục được đoạn diệt chỉ nhờ hạnh lõa thể của người lõa thể,…; chỉ nhờ hạnh thoa bụi và đất của người sống theo hạnh thoa bụi và đất,…; chỉ nhờ hạnh lễ nghi tắm rửa của người sống theo hạnh lễ nghi tắm rửa,…; chỉ nhờ hạnh sống dưới gốc cây của người sống dưới gốc cây,…; chỉ nhờ hạnh sống ngoài trời của người sống ngoài trời,…; chỉ nhờ hạnh sống đứng thẳng của người sống đứng thẳng,…; chỉ nhờ hạnh ăn uống có định kỳ của người sống ăn uống có định kỳ,..;. chỉ nhờ hạnh sống theo chú thuật của người sống theo chú thuật,…

Này các tỳ-khưu, nếu lòng tham dục của người có tâm tham dục đoạn diệt chỉ nhờ hạnh bện tóc của người sống theo hạnh bện tóc; nếu lòng sân hận của người có tâm sân hận…; nếu tà kiến của người có tà kiến được đoạn diệt (chỉ nhờ hạnh của người sống theo hạnh bện tóc), thì những thân hữu quyến thuộc, bà con cùng một huyết thống có thể khiến người đó bện tóc; ngay khi người đó mới sinh, và khuyên người đó bện tóc như sau: “Này hiền nhi, hãy bện tóc; nếu bện tóc thì lòng tham dục của người có tâm tham dục sẽ được đoạn diệt, lòng sân của người có tâm sân sẽ được đoạn diệt, lòng giả dối của người có tâm giả dối sẽ được đoạn diệt, lòng não hại của người có tâm não hại sẽ được đoạn diệt, lòng tật đố của người có tâm tật đố sẽ được đoạn diệt, lòng xan lẫn của người có tâm xan lẫn sẽ được đoạn diệt, lòng man trá của người có tâm man trá sẽ được đoạn diệt, lòng xảo trá của người có tâm xảo trá sẽ được đoạn diệt, lòng ái dục của người có tâm ái dục sẽ được đoạn diệt, tà kiến của người có tà kiến sẽ được đoạn diệt, chỉ nhớ sống theo hạnh bện tóc”. Này các tỳ-khưu, bởi vì Ta thấy có người theo hạnh bện tóc nhưng vẫn có tâm tham dục, có tâm sân hận, có tâm phẫn nộ, có tâm giả dối, có tâm não hại, có tâm tật đố, có tâm xan lẫn, có tâm man trá, có tâm xảo trá, có tâm ái dục, có tà kiến, nên Ta không nói rằng Sa-môn hạnh của người theo hạnh bện tóc chỉ tùy thuộc vào hạnh bện tóc của vị ấy.

Rõ ràng là ví dụ đức Phật đưa ra hơi hóm hỉnh ở chỗ quyến thuộc, hoặc cha mẹ của các vị ấy có thể ngay khi người đó vừa được ra đời mang đại y, hoặc đưa các hình thức tu tập bên ngoài choàng lên người của người đó và với suy nghĩ rằng chỉ cần như vậy thôi họ có thể thanh lọc được tất cả cấu uế nội tâm như là tham, sân, tật đố, hiềm hận, tham lẫn, tà kiến,…

Sau khi trình bày như trên, đức Phật đã kết luận: hình thức bên ngoài có thế nào đi nữa, nếu không thực hành những phương pháp, những thiện pháp để thanh lọc nội tâm thì chắc chắn một vị Sa-môn sẽ không xứng danh là Sa-môn, một vị Bà-la-môn sẽ không xứng danh là vị Bà-la-môn, vị tỳ-khưu sẽ không xứng danh vị tỳ-khưu. Các vị ấy sẽ bị những cấu uế, những tỳ vết, những lỗi lầm trong đời sống của mình. Do những điều này không được thanh lọc, không được đoạn diệt, chắc chắn tương lai của vị ấy dễ rơi vào đọa xứ, rơi vào ác thú, rơi vào khổ cảnh.

Vậy phải thực hành như thế nào mới xứng đáng là bậc Sa-môn?

Đức Phật dạy như sau:

  • Này các tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu thực hành các pháp môn xứng đáng bậc Sa-môn? Này các tỳ- khưu, đối với tỳ-khưu có tâm tham dục và lòng tham dục được đoạn diệt, có tâm sân và lòng sân hận được

đoạn diệt, có tâm phẫn nộ và lòng phẫn nộ được đoạn diệt, có tâm hiềm hận và lòng hiềm hận được đoạn diệt, có tâm giả dối và lòng giả dối được đoạn diệt, có tâm não hại và lòng não hại được đoạn diệt, có tâm tật đố và lòng tật đố được đoạn diệt, có tâm xan lẫn và lòng xan lẫn được đoạn diệt, có tâm man trá và lòng man trá được đoạn diệt, có tâm xảo trá và lòng xảo trá được đoạn diệt, có tâm ái dục và lòng ái dục được đoạn diệt, có tà kiến và tà kiến được đoạn diệt. Này các tỳ-khưu, Ta nói rằng, nếu vị ấy thực hành các pháp môn xứng đáng bậc Sa-môn, thì có thể đoạn diệt được những cấu uế cho Sa-môn, những tỳ vết cho Sa- môn, những lỗi lầm cho Sa-môn, đọa sanh vào đọa xứ, sự thọ lãnh các ác thú.

Chúng ta cần làm rõ hai thuật ngữ là “cấu uế” và “khiếm khuyết”.

  • Cấu uế: nghĩa là những dơ bẩn, nhơ nhớp, bất tịnh ở trong tâm một vị tu hành.
    • Khiếm khuyết: là những thiếu sót, có nhưng chưa đủ. Tức là, mặc dù vị đó có những mặt ổn nhưng cần bổ túc thêm những điều còn thiếu sót về nhiều mặt trong đời sống của một người tu hành. Chẳng hạn như về oai nghi tế hạnh, về ứng xử trong đời sống với mọi người, những hiểu biết về pháp, về lời dạy của đức Phật, về các quy định trong đời sống của người xuất gia cần nắm vững như thế nào và phải biết cách

giúp đỡ người khác, hướng dẫn thế hệ sau khi mình là người đi trước,… Rất nhiều thứ mà một vị xuất gia tu học cần phải có, ngoài việc thanh lọc, làm thanh tịnh những cấu uế trong nội tâm. Việc cần bổ sung những thiện pháp tốt đẹp mà mình chưa có là cần thiết. Cũng như cần chú ý những vi phạm, vấp ngã trong đời sống xuất gia.

Trong bài kinh này, mặc dù đức Phật không đề cập cụ thể phải tu tập cái gì. Nhưng theo tuyên ngôn đầu tiên đức Phật đã chia xẻ với các vị trong nhóm Kiều-Trần-Như, và đó cũng là nội dung xuyên suốt 45 năm hoằng pháp của Ngài thì giáo pháp này được xây dựng trên nền tảng liên hệ đến Khổ và chấm dứt Khổ. Và để chấm dứt Khổ, thì việc thực hành là đi theo con đường giải thoát giác ngộ, được đức Phật giảng giải rất rõ trong Đạo đế là Bát Chánh đạo. Cho nên, vị tỳ- khưu phải hiểu rõ tám thành tố ở trong con đường giải thoát giác ngộ đó: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, và Chánh định là gì và sống thực hành theo con đường giác ngộ mà đức Phật đã dạy. Như vậy vị ấy sẽ dần dần tịnh hóa, thanh lọc tâm mình và đoạn diệt được tham, sân, phẫn nộ, tà kiến, hiềm hận, thù oán,… ở trong tâm.

Sau khi đã chấm dứt được các ác pháp, tức loại trừ được 12 tâm xấu ác, nhờ thực hành Bát Chánh đạo

và không còn cấu uế, tỳ vết, lỗi lầm và không còn đọa sinh vào các cảnh ác xấu thấp kém, vị tỳ-khưu sẽ thấy tự ngã của mình được gột sạch tất cả các điều ác.

  • Vị ấy thấy tự ngã được gột sạch tất cả những ác, bất thiện pháp và vị ấy thấy tự ngã được giải thoát. Do thấy tự ngã được gột sạch tất cả những ác, bất thiện pháp ấy, do thấy tự ngã được giải thoát nên hân hoan sanh; do tâm hân hoan nên hỷ sanh; do hỷ nên thân được khinh an; do thân khinh an nên lạc thọ sanh; do lạc thọ nên tâm được định tĩnh.

Đây là một tiến trình nội tâm của một vị khi thân tâm đã đoạn tận các cấu uế, cảm nhận được mình đã buông bỏ gánh nặng trong tâm xuống, những ràng buộc trước kia đã tháo gỡ ra được. Khi một người cảm giác rằng tự ngã được giải thoát, thì cũng giống như người đã bị nợ nần nhiều năm tháng, bị chủ nợ đòi, nhục mạ hoặc thậm chí đánh đập, giờ đã giải quyết xong nợ nần. Hay như người bệnh đã bị đau đớn khi bị bệnh hành hạ nhiều năm tháng bây giờ vượt qua được. Hay người bị giam giữ trong tù nay được ra khỏi ngục tù. Hay một người có mắt nhưng nhiều năm ở trong bóng tối, không có ánh mặt trời, không có ánh sáng, mà có người mang đèn sáng đến soi sáng cho. Nhờ có đèn mà người đó có thể nhận ra phương hướng và có thể ra khỏi phòng. Những ví dụ này hết sức cụ thể và dễ hiểu mà đức Phật thường dẫn chứng cho những trường hợp như thế này.

Các trạng thái tâm dần dần được trở nên vi tế hơn được diễn đạt từ hân hoan, dẫn đến hỷ sanh, rồi đến khinh an, lạc thọ và sau cùng là định tĩnh. Từ “hân hoan” chỉ cho trạng thái vui sướng của một người khi thoát được các điều xấu ác, hoặc vượt qua được mọi điều trói buộc. Sau khi sự bồng bột của hân hoan lắng xuống, bắt đầu đi vào định tĩnh, an tĩnh thì lúc ấy tâm vị này giống như hồ nước đã lắng xuống không còn những sóng gợn trên bề mặt nước nữa, không còn xao động và hoàn toàn thanh tịnh.

Bằng cái biết của mình, với tâm định tĩnh như vậy vị tỳ-khưu hướng tâm an tịnh khắp mười phương xứ, được trong kinh diễn tả như sau:

  • Vị ấy an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy, phương thứ hai, cũng vậy, phương thứ ba, cũng vậy, phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân.
  • Vị ấy an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với bi, cũng vậy, phương thứ hai, cũng vậy, phương thứ ba, cũng vậy, phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến

mãn với tâm câu hữu với bi, quảng đại vô biên, không hận, không sân.

  1. Vị ấy an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với hỷ, cũng vậy, phương thứ hai, cũng vậy, phương thứ ba, cũng vậy, phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với hỷ, quảng đại vô biên, không hận, không sân.
  2. Vị ấy an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.
  3. Này các tỳ-khưu, ví như một hồ sen có nước trong, có nước ngọt, có nước mát, có nước trong sáng, có bờ hồ khéo sắp đặt, đẹp đẽ. Nếu có người từ phương Đông đi đến, bị nóng bức áp đảo, bị nóng bức hành hạ, mệt mỏi, khô cổ, đắng họng, khát nước. Người ấy đi đến hồ sen ấy giải trừ khát nước và giải trừ nóng bức.

Nếu có người từ phương Tây đi đến, bị nóng bức áp đảo, bị nóng bức hành hạ, mệt mỏi, khô cổ, đắng

họng, khát nước, người ấy đi đến hồ sen ấy, giải trừ khát nước, giải trừ nóng bức.

Nếu có người từ phương Bắc đi đến, bị nóng bức áp đảo, bị nóng bức hành hạ, mệt mỏi, khô cổ, đắng họng, khát nước, người ấy đi đến hồ sen ấy, giải trừ khát nước, giải trừ nóng bức.

Nếu có người từ phương Nam đi đến, bị nóng bức áp đảo, bị nóng bức hành hạ, mệt mỏi, khô cổ, đắng họng, khát nước, người ấy đi đến hồ sen ấy, giải trừ khát nước, giải trừ nóng bức.

Nếu có người từ bất cứ ở đâu đi đến, bị nóng bức áp đảo, bị nóng bức hành hạ, mệt mỏi, khô cổ, đắng họng, khát nước, người ấy đi đến hồ sen ấy, giải trừ khát nước, giải trừ nóng bức.

Ở đây xin giải thích để dễ hiểu hơn, đó là vị tỳ- khưu với cái biết của mình hướng tâm đến khắp mười phương bằng bốn loại tâm tự thân của vị ấy, gồm:

  1. Tâm từ: tâm thương yêu dịu dàng, đồng cảm với tất cả chúng sanh.
  2. Tâm bi: tâm thương xót, ân cần đối với tất cả chúng sanh.
  3. Tâm hỷ: tâm hoan hỷ chia xẻ, không có ganh tỵ, đố kỵ với hạnh phúc, thành công của người khác.
  • Tâm xả: Tâm định tĩnh, trong sáng, quân bình, không còn bị dao động trước các giá trị hơn thua, đúng sai, được mất,…

Tâm “quảng đại, vô biên” là tâm không còn bị hạn chế hay bị ảnh hưởng bởi bất kỳ ranh giới nào.

Có một vị thiền sư khi đề cập đến vai trò của tâm định tĩnh, ví nó “như bình bát rỗng”, bên trong không có gì cả. Trí tuệ hay “cái biết” được ví như thức ăn được để trong bình bát. Tâm định tĩnh là tâm được xem như đã gạn lọc, đã chắt, đã đổ ra hết tất cả các cấu uế, phiền não. Nó chỉ còn trạng thái rỗng lặng, yên tĩnh. Giá trị của nó được hiểu như vậy. Bên cạnh đó, Tuệ chính là khả năng soi sáng, thấy rõ bản chất của hiện tượng, sự vật, pháp giới,… ví như thức ăn được chứa trong bình bát ấy. Một vị tu hành sau khi tâm đã đạt mức độ định tĩnh, rồi với tâm định tĩnh đó và cái biết đầy từ ái, bi mẫn, hoan hỷ, thanh thản và hướng về mười phương xứ; một năng lực tâm hoàn toàn không hận, không sân, mang lại sự mát mẻ cho khắp cùng thế giới.

13. Cũng vậy, này các tỳ-khưu, nếu có người từ gia đình Sát-đế-lị xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy đi đến Pháp và Luật do Như Lai thuyết dạy, sau khi tu tập từ, bi, hỷ, xả, nội tâm được định tĩnh, ta nói rằng chính nhờ nội tâm định tĩnh, vị ấy thực hành các pháp môn xứng đáng bậc Sa-môn.

Nếu vị ấy từ gia đình Bà-la-môn xuất gia,…; từ gia đình Phệ-xá xuất gia,…; từ gia đình Thủ-đà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy đi đến Pháp và Luật do Như Lai thuyết dạy, sau khi tu tập từ, bi, hỷ, xả, nội tâm được định tĩnh, Ta nói rằng chính nhờ nội tâm định tĩnh, vị ấy thực hành các pháp môn xứng đáng bậc Sa-môn.

Nếu từ gia đình Sát-đế-lị xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, sau khi đi đến Pháp và Luật do Như Lai thuyết dạy, nhờ đoạn trừ các lậu hoặc, vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình chứng tri, chứng ngộ và thành đạt vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vị ấy thành Sa-môn nhờ đoạn diệt các lậu hoặc.

Nếu từ gia đình Bà-la-môn xuất gia,…; từ gia đình Phệ xá xuất gia,… từ gia đình Thủ đà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, sau khi đi đến Pháp và Luật do Như Lai thuyết dạy, nhờ đoạn trừ các lậu hoặc, vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình chứng tri, chứng ngộ và thành đạt vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, vị ấy thành Sa-môn nhờ đoạn diệt các lậu hoặc.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các tỳ-khưu ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Thời đức Phật, ở Ấn Độ, xã hội có bốn giai cấp chính là Sát-đế-lị, Bà-la-môn, Phệ xá và Thủ đà. Sau khi các vị tu tập theo lộ trình đức Phật chỉ dạy thực hành Bát Chánh đạo và sau đó phát triển từ, bi, hỷ, xả

mở rộng phát triển tâm quảng đại, không hận, không sân hướng đến muôn loại chúng sanh nhờ định tĩnh. Do vậy, vị ấy sẽ đoạn trừ được bốn loại lậu hoặc (trầm luân) đó là: Dục lậu, Hữu lậu, Kiến lậu và Vô minh lậu. Ở đây, “lậu” được hiểu là cấu uế dơ bẩn, rỉ ra, tươm ra, chảy ra, tức toàn những pháp bất thiện xấu ác. Đây là những tính chất hay nội dung ở trong nội tâm chúng sanh.

  • Dục lậu: những ham muốn về thế giới dục thông qua sáu căn quyền đối với sáu đối tượng. Và nó hiện ra trên năm loại tham muốn, đó là: tài, sắc, danh, thực, thụy.
  • Hữu lậu: ham muốn tồn tại lâu dài, muốn sống lâu, thậm chí muốn tồn tại như các vị ở cõi trời,… dẫn đến cột trói chúng sanh trong vòng sinh tử luân hồi.
  • Kiến lậu: cái thấy biết lệch lạc như các loại tà kiến, quan điểm cố chấp hoặc lệch lạc do không thấy bản chất nguồn gốc khổ đau là cái gì, và những đánh giá, phê phán sự vật trên các quan điểm riêng biệt, chật hẹp và bị cột trói mãi như vậy.
  • Vô minh lậu: không sáng suốt, tỉnh táo ngay trong mỗi phút, mỗi giây, khoảnh khắc đang là, bị tham sân làm chủ, cột trói và chi phối dẫn đến đắm chìm.

Trên đây là bốn loại lậu hoặc cần phải vượt qua. Nếu ngay trong hiện tại tự mình thấy ra và biết ra (thuật ngữ Hán Việt Phật học gọi là chứng tri chứng ngộ), buông bỏ mọi trói buộc thô lẫn tế trên cả hai phương diện Tâm và Tuệ – nghĩa là thành tựu Vô lậu tâm giải thoát, thành tựu Vô lậu tuệ giải thoát, chấm dứt được tất cả mọi phiền não, sở tri chướng và hoàn thành được mục đích của đời sống xuất gia tu hành.

Xin nhắc lại đoạn cuối này đức Phật đưa ra ví dụ hình ảnh hồ sen có sức thu hút và giải nhiệt, giải khát, giải thoát khổ đau hoặc bị áp bức bởi nắng, gió nóng hoặc sức nóng do bộ hành cho tất cả những người bộ hành đi ngang qua đó sau khi được uống nước, được tắm mát, được ăn gương sen hoặc đắm mình trong nước lạnh để giải tỏa cái nóng của nhiệt thì người bộ hành sẽ cảm thấy thoải mái nhờ hồ sen này.

Cũng vậy, những người xuất thân từ nhiều giai cấp xã hội khi đến với giáo pháp của đức Phật, nếu vị ấy thực hành theo Bát Chánh Đạo và thực hành phát triển tâm mình theo cái biết về từ, bi, hỷ, xả trọn vẹn đối với thế giới bằng tâm quảng đại vô biên không hận, không sân thì vị ấy sẽ có tâm định tĩnh. Khi đó vị ấy có thể đoạn trừ các lậu hoặc và thành tựu mục đích của đời sống xuất gia, chứng tri chứng ngộ bằng cách thấy ra sự thật, bản chất của vấn đề. Từ đó có được tuệ giải thoát và tâm giải thoát.

Trên đây là toàn bộ nội dung từ đầu đến cuối của bài kinh được dịch là Tiểu kinh Xóm Ngựa. Phần chia xẻ bài kinh xin được chấm dứt ở đây. Hy vọng sau khi nghe những lời chia xẻ này quý vị sẽ ít nhiều lãnh hội được hoặc nắm được nội dung, ý nghĩa của bài kinh mà đức Phật đã giảng cho chư tỳ-khưu vào thời điểm ấy ở Aṅga. Bài kinh này có giá trị lớn với người xuất gia, tuy nhiên sẽ hơi xa lạ với một số vị Phật tử tại gia vì nó không thiết thực lắm. Rõ ràng không phải pháp thoại nào đức Phật thuyết giảng đều nhắm đến đối tượng là tất cả mọi người mà chỉ có một số đối tượng phù hợp (có khi là một người, có khi là một nhóm người). Trong trường hợp này đối tượng được đức Phật thuyết giảng là chư tỳ-khưu tại Aṅga. Sau khi nghe xong những vị này thực sự đạt được lợi lạc, có được lợi lạc khi hiểu đúng về cách diệt trừ các cấu uế trong nội tâm để xứng với tên gọi Sa-môn hoặc tỳ- khưu.

Soi sáng lời dạy của đức Phật – số 2, năm 2020.

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 7

Post Views: 492