Toát yếu Trung bộ 022 : Ví dụ con rắn

Toát yếu Trung bộ 022 : Ví dụ con rắn

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 22

Ví dụ con rắn

  1. TOÁT YẾU

Alaggadùpama Sutta – The simile of the snake.

A bhikkhu named Arittha gives rise to a pernicious view that conduct prohibited by the Buddha is not really an obstruction. The Buddha reprimands him and, with a series of memorable similes, stresses the dangers in misapplying and misrepresenting the Dhamma. The sutta culminates in one of the most impressive disquisitions on non-self found in the Canon.

Ví dụ con rắn

Một tỳ kheo tên Arittha khởi lên tà kiến cho rằng hành vi mà Phật cấm thực sự không phải là chướng ngại (cho giải thoát). Phật quở trách ông, và nói nhiều với nhiều ví dụ đáng nhớ, Ngài nhấn mạnh những nguy hiểm của việc áp dụng sai và giải thích Pháp một cách sai lạc. Cao điểm kinh này là một trong những thiên trường luận khởi sắc nhất về vô ngã được thấy trong Kinh tạng.

  1. TÓM TẮT

Do tỳ kheo Arittha khởi lên tà kiến “dâm dục không chướng ngại đạo như Phật đã nói.” Phật quở và dạy kinh này, gồm các phần: mục đích chính của việc học Pháp; các cách nắm giữ sai lạc; nguy hiểm của dục; các kiến xứ và nguy hiểm của kiến chấp.

  1. A) Phật quở Arittha xuyên tạc lời Ngài dạy. Ngài đã nhiều lần dạy về nguy hiểm của dục, vậy mà Arittha vẫn ôm giữ tà kiến “dục không chướng ngại đạo”. Phật dạy, ai học pháp để hý luận và chỉ trích – như thái độ của Arittha – thì không đạt mục đích việc họ pháp và sẽ đau khổ lâu dài. Lại nữa, học pháp cần nắm vững ý nghĩa với trí tuệ, nếu nắm không vững, tức hiểu sai, sẽ vô cùng tai hại, như bắt rắn đằng đuôi bị rắn quay đầu cắn. Phật ví dụ pháp Ngài dạy như chiếc bè để qua sông, không phải để ôm giữ. Ngay cả Pháp cũng nên bỏ, huống hồ phi pháp [như các dục].
  2. B) Kế tiếp Ngài dạy sáu kiến xứ, năm kiến xứ đầu là 5 uẩn tức nội thân, kiến xứ thứ sáu là ngoại giới hay đối tượng của năm uẩn, những gì được thấy, nghe, cảm, biết (kiến văn giác tri) qua sáu giác quan. Tất cả cần phải chân chính thấy là không phải “tôi”, “của tôi” hay “tự ngã của tôi”. Thấy như vậy gọi là thấy như thật với trí tuệ, sẽ đoạn trừ tham ái chấp thủ, đạt vô thượng an ổn khỏi các khổ ách. Nếu thấy có “tôi” và “của tôi” thì sẽ đau khổ khi mất mát do vô thường, biến hoại. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì đã vô thường, khổ thì không nên xem là “tôi” và “của tôi”. Trong sáu kiến xứ, nếu thấy không gì là tôi hay của tôi, thì gọi là “xả pháp”, trong khi phần trên nói dạy từ bỏ dục gọi là “xả phi pháp”.
  3. C) Vì bất cứ gì ta yêu mến đều không bền, thay đổi, nên “dục thủ” là khổ. Kiến thủ, Ngã luận thủ – chấp có ngã – cũng vậy đều là những hình thức chấp ngã, đều đưa đến khổ.

III. CHÚ GIẢI

Nói “dục không chướng ngại đạo” là nói ngược lại một trong Bốn Vô úy của Phật.

Tự ngã của tôi: một linh hồn trường cửu vẫn tồn tại sau khi chết.

  1. PHÁP SỐ

Ba thủ: dục, kiến, ngã luận.

Ba pháp ấn: vô thường, khổ, vô ngã.

Bốn quả sa môn

Năm uẩn

Sáu kiến xứ: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, và kiến xứ thứ sáu bao gồm tất cả những gì thấy nghe hay biết.

  1. KỆ TỤNG
  2. Mục đích học Pháp
    1. Khởi nguyên của kinh này
    Tà kiến A-ri-tha
    “Dục không chướng ngại gì
    Như Thế tôn thuyết giảng.”
    Phật gọi đến quở trách:
    “Học pháp cần tư duy
    Quán sát với trí tuệ
    Để đạt được mục tiêu
    Mà pháp ấy nhắm đến.
    Nếu người học Pháp ta
    Cốt để mà chỉ trích
    Và khoái khẩu biện luận
    Nắm giữ pháp sai lạc
    Sẽ đau khổ lâu dài
    Không đạt đến mục tiêu.2. Ta đã nhiều lần dạy
    “Dục vui ít khổ nhiều
    Nguy hiểm càng nhiều hơn.”
    “Dục như khúc xương khô
    Như vật dùng mượn tạm
    Như ôm đuốc ngược gió
    Như hố than đỏ hừng.”
    Nếu có ai bảo rằng
    “Dục không chướng ngại đạo”
    Là xuyên tạc Như lai
    Tại nên nhiều tổn đức
    Sẽ đau khổ lâu dài.B. Con rắn và chiếc bè
    3. Ví như người bắt rắn
    Nắm lấy rắn đằng đuôi
    Thì bị rắn quay lại
    Cắn người ấy chết tươi.
    Học Pháp cũng như vậy
    Chấp thủ pháp sai lạc
    Là thái độ nguy hiểm
    Gây đau khổ lâu dài.4. Lại như kẻ dùng bè
    Vượt qua dòng sông rộng
    Vác bè đi nghênh ngang
    Là không biết dùng bè.
    Pháp ta dạy cũng thế
    Như bè để qua sông
    Chính pháp còn nên bỏ
    Huống hồ là phi pháp?C. Sáu kiến xứ
    5. Đã bỏ dục – “phi pháp”
    Lại còn nên bỏ “pháp”
    Phật dạy sáu kiến xứ
    Là để trừ pháp chấp.
    Phàm phu không học Pháp
    Đối với thân năm uẩn
    Sắc, thọ, tưởng, hành, thức
    Và những gì nhận biết
    Qua sáu ngõ giác quan
    Đều xem “tôi”, “của tôi”
    Và “tự ngã của tôi”
    Thường hằng, không biến đổi.6. Thánh đệ tử ngược lại
    Đối với cả năm uẩn
    Và kiến văn giác tri
    Không xem “tôi”, “của tôi”
    Không thấy gì trường cửu
    Đáng gọi “tự ngã tôi”
    Do quán sát như vậy
    Không phiền muộn, âu sầu.7. Thân, tài sản không thực
    Do xem “tôi”, “của tôi”
    Nên khi nó hư hoại
    Kẻ phàm phu lo sầu.
    Thân, tài sản không thực
    Không xem “tôi”, “của tôi”
    Nên khi nó hư hoại
    Thánh đệ tử không sầu.8. “Tự ngã tôi trường cửu
    Thế giới này thường hằng”
    Ai ôm tà kiến ấy
    Phải đấm ngực khóc than
    Tưởng chừng như mất hết
    Thế giới này vỡ tan
    Khi nghe Như lai dạy
    “Ái diệt là niết bàn.”9. Ai không ôm tà kiến
    “Tự ngã và thế giới
    Trường tồn không biến chuyển”
    Kẻ ấy không sầu muộn
    Không than “ta mất hết
    Còn chi nữa, ta ơi”
    Khi nghe Như lai dạy
    “Ái diệt là niết bàn.”

    D. Ba thủ
    10. Bất cứ người, vật gì
    Ta vô cùng yêu mến
    Đều vô thường, biến hoại:
    Dục thủ là khổ đau.
    Chỗ nào có chấp trước
    Liên hệ đến bản ngã
    Đều có khổ, sầu ưu:
    Ngã luận thủ là khổ.
    Chấp trước một quan điểm
    Dựa kiến văn giác tri
    Cũng đều là chấp ngã
    Dưới hình thức tinh vi.
    Đã không “tôi”, “của tôi”
    Mà còn có “tôi thấy”
    Ấy gọi là kiến thủ
    Thực hoàn toàn ngu si.E. Ba pháp ấn
    11. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức
    Năm uẩn đều vô thường
    Vì biến đổi, hoại diệt
    Do vô thường nên khổ
    Đã vô thường, đau khổ
    Đừng xem “tôi”, “của tôi”.F. Năm uẩn vô ngã
    12. Bởi thế, Phật đã dạy
    Này hỡi các tỳ kheo
    Các ngươi hãy từ bỏ
    Cái không phải của ngươi:
    Sắc không phải của ngươi
    Ngươi nên từ bỏ sắc;
    Các ngươi từ bỏ sắc,
    Được an lạc dài lâu.
    Thọ không phải của ngươi
    Ngươi nên từ bỏ thọ;
    Các ngươi từ bỏ thọ,
    Được an lạc dài lâu.
    Tưởng không phải của ngươi
    Ngươi nên từ bỏ tưởng;
    Các ngươi từ bỏ tưởng,
    Được an lạc dài lâu.
    Hành không phải của ngươi
    Ngươi nên từ bỏ hành;
    Hành nếu ngươi từ bỏ,
    Được an lạc dài lâu.
    Thức không phải của ngươi
    Ngươi nên từ bỏ thức;
    Các ngươi từ bỏ thức,
    Được an lạc dài lâu.
    Thánh đệ tử quán sát
    Yểm ly đối với sắc
    Và thọ tưởng hành thức
    Nên ly tham, giải thoát.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 29

Post Views: 226