Toát yếu Trung bộ 036 : Đại kinh Saccaka

Toát yếu Trung bộ 036 : Đại kinh Saccaka

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 36

Đại kinh Saccaka

  1. TOÁT YẾU

Mahàsaccaka Sutta – The greater discourse to Saccaka.

The Buddha meets again with Saccaka and in the course of a discussion on development of body and development of mind he relates a detailed narrative on his own spiritual quest.

Bản kinh dài giảng cho Saccaka.

Phật lại gặp Saccaka và trong một cuộc thảo luận về thân tu tập và tâm tu tập, Ngài thuật lại chi tiết về cuộc tầm đạo của chính mình.

  1. TÓM TẮT

Ni kiền tử Saccaka cho rằng những người tu tập về thân bị đau đớn về thân, và tâm cũng trở nên điên loạn, vì tâm không được tu tập. Ngược lại có người tu tập về tâm mà không tu tập thân, cũng cảm thọ thống khổ, tâm cuồng vì thân không được tu tập. Và ông ta nghĩ chắc chắn đệ tử Phật thuộc hạng thứ hai, nghĩa là chỉ tu tâm, không tu thân.

Phật hỏi ông nghĩ thế nào là tu thân, ông đáp đó là các kiểu ép xác của lõa thể ngoại đạo, tiết chế ăn uống trong thời gian tu tập. Phật hỏi sau đó thì sao, Ni kiền tử đáp sau đó họ lại ăn đủ thứ béo bổ để lấy lại sức. Phật dạy như vậy là họ trở lại với những gì họ từ bỏ, thì có tu cũng như không. Phật lại hỏi tu tâm là thế nào, Saccaka không đáp được.

Do đó Phật giảng cho nghe thế nào là tu thân và tu tâm trong giới luật bậc thánh :

Khi lạc thọ khởi lên vị thánh đệ tử không tham đắm, theo đuổi lạc ấy.
Khi lạc thọ chấm dứt, khổ thọ khởi lên, vị thánh đệ tử không sầu muộn than khóc.

Vị ấy không bị lạc thọ chi phối, vì có tu tập về thân.
Vị ấy không bị khổ thọ chi phối, vì có tu tập về tâm.

Khi ấy Saccaka hỏi Phật : có bao giờ lạc thọ khởi lên xâm chiếm tâm Ngài, có bao giờ khổ thọ khởi lên xâm chiếm tâm Ngài không.

Để trả lời, Phật kể lại, sau khi thoát ly gia đình, Ngài nhận thấy nếu không xả ly các dục về thân mà tu khổ hạnh, thì cũng vô ích như cọ xát một khúc cây còn ướt để lấy lửa. Do đó Ngài từ bỏ các dục, khởi sự tu khổ hạnh. Ngài cảm thọ những khổ thọ khốc liệt, nhưng khổ thọ ấy không chi phối được tâm Ngài. Tuy vậy, vì khổ hạnh đã không giúp Ngài chứng được pháp thượng nhân, nên Ngài nhớ lại một kinh nghiệm thiền lạc mà Ngài đã nếm trải lúc còn thơ ấu. Ngài khởi sự nghĩ không phải tất cả lạc thọ đều đáng sợ, mà còn có thứ lạc thọ vô hại này, đó là lạc thọ ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú các thiền… Nhưng không thể nào chứngđược các lạc thọ ấy với một thân thể gầy yếu. Và từ đấy Ngài ăn uống trở lại để tham thiền, vàđã đắc đạo. Như vậy lạc thọ của các thiền chứng đã khởi lên nơi Ngài nhưng Ngài không bị lạc thọ ấy chi phối.

Saccaka hỏi : Ngài có cho phép ngủ ngày không ? Phật dạy có, mỗi khi khất thực về, cảm thấy mệt mỏi, Ngài cũng đặt lưng xuống ngủ trong chính niệm tỉnh giác.

Saccaka bảo : Như vậy là Ngài còn trú trong si ám. Phật dạy, si ám là chưa đoạn trừ lậu hoặc, còn những phiền não đưa đến sinh, già, chết trong tương lai.

Saccaka khen Phật dù bị chất vấn công kích mặt vẫn không biến sắc như các đạo sư khác. Rồi ông cáo từ.

III. CHÚ GIẢI

Theo Luận giải, lần này Saccaka đến gặp Phật với ý định bài bác giáo lý của Ngài, vì lần trước [kinh số 35] đã bị thất bại. Nhưng lần này ông đi một mình, để rủi có bị luận bại cũng không ai biết. Ông định bài báng Phật với câu hỏi về chuyện ngủ ngày, nhưng để dành câu hỏi ấy cho đến đoạn cuối cuộc đàm luận.

Thân tu tập theo Saccaka, là thực hành ép xác khổ hạnh. Vì không thấy các tỳ kheo của Phật tu khổ hạnh, ông nghĩ họ không tu thân.

Nhưng theo Luận, tu thân trong Phật giáo là thiền quán, còn tu tâm là thiền tịnh chỉ. Khi thánh đệ tử cảm thọ lạc, vị ấy không bị xâm chiếm bởi lạc thọ ấy, vì nhờ tuệ quán, vị ấy biết cảm thọ là vô thường, khổ, không thực chất. Khi cảm thọ khổ, tâm vị ấy cũng không bị khổ thọ xâm chiếm, vì nhờ tu tập định, vị ấy có thể thoát khỏi khổ thọ bằng cách nhập vào một định chứng.

Theo Luận giải, Phật gặp Saccaka đến hai lần và chịu khó đàm luận với ông ta mặc dù ông không quy thuận, vì Ngài biết trước ông ta sẽ tái sinh tại Tích lan, nơi đây ông sẽ thành vị A la hán với tên Hắc Phật Hộ [Kàla Buddharakkhita].

  1. PHÁP SỐ

Ba lậu, ba minh, bốn thiền, bốn sự thật.

  1. KỆ TỤNG
  2. Ni kiền tử cho rằng ép xác là tu thân
    Sacca nêu vấn đề
    Tu thân và tu tâm
    Cho rằng đệ tử Phật
    Không tu tập về thân
    Vì không có khổ hạnh.
    Phật giải thích rõ ràng
    Về tu thân, tu tâm
    Trong giới luật bậc Thánh.2. Tu thân và tu tâm theo Phật giáo
    Khi lạc thọ khởi lên
    Không đam mê cuồng nhiệt
    Như vậy thánh đệ tử
    Gọi là có tu thân
    Khi lạc dứt, khổ sinh
    Tâm không bị điên đảo
    Vị thánh đệ tử ấy
    Được gọi có tu tâm.3. Khổ, lạc khởi lên nhưng không chi phối tâm Phật
    Phật cho biết xưa kia
    Ngài từng tu khổ hạnh
    Những khổ thọ chết người
    Không khiến Ngài nao núng
    Nhưng thể xác gầy mòn
    Mà không đạt tri kiến
    Xứng đáng bậc thượng nhân
    Ngài từ bỏ khổ hạnh.
    Ngài nhớ thuở ấu thời
    Đã nếm qua thiền lạc
    Một cảm thọ vô hại
    Có thể đây con đường
    Dẫn Ngài đến giác ngộ
    Can gì phải từ bỏ ?
    Bởi vậy Ngài ăn uống
    Để lấy sức tu thiền.
    Ngài chứng thiền thứ nhất
    Hỷ lạc ly dục sinh
    Tâm không bị chi phối
    Ngài chứng thiền thứ hai
    Tâm không hề thay đổi
    Cho đến thiền thứ tư
    Được xả niệm thanh tịnh
    Tâm Ngài vẫn như như.
    Hướng đến túc mạng minh
    Nhớ nhiều đời quá khứ
    Như vậy lạc thọ sinh
    Ngài hướng Sinh tử trí
    Thấy sống chết chúng sinh
    Lạc thọ cũng khởi lên
    Tâm Ngài không chướng ngại
    Hướng đến trí Lậu tận
    Hoàn toàn hết lỗi lầm.4. Ni kiền tử bác chuyện ngủ ngày
    Khi ấy Ni kiền tử
    Hỏi trong giáo lý Ngài
    Có cho phép ngủ ngày ?
    Nếu có, còn si ám.
    – Trong giáo pháp Như lai
    Ai lậu hoặc chưa trừ
    Còn già chết tương lai
    Mới gọi là si ám.
    Lành thay Gotama
    Dầu bị tôi công kích
    Sắc mặt vẫn hoan hỷ
    Vẫn không đổi màu da.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 27

Post Views: 246