Toát yếu trung bộ 038: Đại kinh đoạn tận ái

Toát yếu trung bộ 038: Đại kinh đoạn tận ái

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 38

Đại kinh đoạn tận ái

  1. TOÁT YẾU

Mahàtanhàsankhàya Sutta – The greater discourse on the destruction of craving.

A bhikkhu named Sati promulgates the pernicious view that the same consciousness transmigrates from life to life. The Buddha reprimands him with a lengthy discourse on dependent origination, showing how all phenomena of existence arise and cease through conditions.

Bản kinh dài về Đoạn ái dục.

Một tỳ kheo tên Sati tuyên bố tà kiến cho rằng cũng một tâm thức ấy lưu chuyển đời này sangđời khác. Phật quở trách ông với một bài thuyết giảng dài về lý duyên sinh, chỉ rõ tất cả pháp hiện hữu [hiện tượng] đều sinh và diệt do những điều kiện.

  1. TÓM TẮT

Tỳ kheo tên Sati khởi lên ác tà kiến cho rằng Thức này cứ luân chuyển qua các cõi luân hồi nhưng không có đổi khác. Phật cho gọi ông để hỏi có thực ông nghĩ vậy không. Khi Sati xác nhận ông hiểu đúng như vậy, Phật dạy đấy là xuyên tạc lời Ngài dạy, và là một kiểu chấp ngã.

Phật thường dạy tất cả pháp do duyên sinh. Thức cũng thế, nếu không có các duyên hay điều kiện, thì thức không hiện khởi. Thức được đặt tên do những điều kiện phát sinh ra nó, như do duyên mắt và sắc, có tên là nhãn thức; do duyên tai và tiếng, có tên là nhĩ thức; do duyên mũi và mùi, có tên là tỷ thức; do duyên lưỡi và vị, có tên là thiệt thức; do duyên thân và xúc, có tên là thân thức; do duyên ý và pháp, có tên là ý thức. Như lửa đốt bằng củi thì gọi là lửa củi, lửa đốt bằng rơm gọi là lửa rơm, đốt bằng trấu gọi là lửa trấu.

Tất cả các sinh vật tác thành nhờ thức ăn, nếu thức ăn đoạn diệt, sinh vật cũng đoạn diệt. Có bốn loại thức ăn, nương vào đấy các hữu tình an trú, đó là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực, và thức thực. Bốn loại thức ăn này có nguyên nhân là ái, ái có ra từ thọ, nguyên nhân thọ là xúc, nguyên nhân xúc là sáu nhập, nhân của sáu nhập là danh-sắc, nhân của danh-sắc là thức, nhân của thức là hành, nhân của hành là vô minh. Do mê mờ bốn chân lý nên có sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

Cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia không; cái này sinh nên kia sinh; cái này diệt, nên kia diệt. Tỳ kheo biết như vậy sẽ không truy tầm quá khứ hay theo đuổi vị lai để đi tìm tự ngã. Họ cũng không thờ một bậc thầy nào khác ngoài Phật, bậc đạo sư đã công bố Duyên khởi. Họ cũng không còn có những giới cấm thủ như ngoại đạo với mục đích tái sinh vào các cõi. Vị ấy thành tựu Giới, từ bỏ năm triền cái, chứng và trú bốn thiền, sống với tâm vô lượng. Khi cảm thọ khởi lên, vị ấy đoạn trừ tâm thuận nghịch, nghĩa là không còn ưa cái này ghét cái nọ. Nhờ không tham nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sinh diệt, sinh diệt nên già chết sầu bi khổ não diệt. Đây là sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này, gọi là “Ái tận giải thoát.”

III. CHÚ GIẢI

Theo Luận, tỳ kheo Sàti vì lý giải sai lạc sự kiện tái sinh, đã đi đến kết luận rằng có một cái thức trường cửu di chuyển từ đời này sang đời khác mới có thể giải thích được hiện tượng tái sinh. Phần đầu kinh này lặp lại đề tài “nắm giữ Pháp một cách sai lạc” như phần đầu của kinh Bắt rắn số 22, chỉ khác là kinh Bắt rắn đề cập kiến chấp về dục [dục thủ], còn kinh này đề cập kiến chấp về thức [kiến thủ].

Chính thức ấy nói, cảm thọ kết quả các hành vi thiện ác chỗ này chỗ kia…” Đây là một trong sáu loại kiến chấp về tự ngã nói ở kinh số 2, Tất cả lậu hoặc.

Mục đích của ví dụ này là để chứng tỏ không có thức lưu chuyển qua các giác quan [căn môn]. Hệt như lửa đốt bằng củi cháy nhờ củi, và tắt khi hết củi chứ không lưu chuyển đến tro để thành lửa tro. Thức cũng vậy, khởi lên do duyên nhãn căn và hình sắc thành nhãn thức sẽ chấp dứt khi các điều kiện này chấm dứt, chứ không chuyển qua lỗ tai, vv. thành nhĩ thức vv. Phật dạy: “Trong sự sinh khởi của thức, còn không có chuyện lưu chuyển từ căn môn này qua căn môn khác, thì làm sao có chuyện lưu chuyển từ đời này sang đời khác.”

Có cảm thọ nào khởi lên, vị ấy không hoan nghênh thọ ấy; … do dục hỷ diệt nên thủ diệt: [Kệ: Khi cảm thọ khởi lên, đoạn trừ tâm thuận nghịch]. Lời này cho thấy sợi xích duyên sinh bị bẽ gãy tại chỗ nối thọ với ái. Thọ hay cảm giác đương nhiên phải khởi lên, vì đã có ra cái thân thể do nghiệp quá khứ. Nhưng nếu hiện tại, ta không thích thú trong các cảm thọ, thì ái sẽ không có cơ hội khởi lên kèm theo những phản ứng thuận nghịch để cung cấp thêm nhiên liệu cho vòng tái sinh. Chu kỳ tái sinh như vậy sẽ chấm dứt.

  1. PHÁP SỐ

Bốn niệm xứ, bốn thiền, bốn thức ăn, năm triền cái, Sáu căn, sáu trần, sáu thức, mười hai nhân duyên.

  1. KỆ TỤNG

Tỳ kheo tên Sati
Khởi lên ác tà kiến
“Thức này cứ luân chuyển
Nhưng không có khác gì.”
Đây là lời xuyên tạc
Vì Phật vẫn thường dạy
Nếu không có các duyên
Thì thức không hiện khởi.
Thức do duyên mà sinh
Duyên nào mang tên ấy
Do duyên mắt và sắc
Có tên là nhãn thức
Do duyên tai và tiếng
Có tên là nhĩ thức
Do duyên mũi và mùi
Có tên là tỷ thức
Do duyên lưỡi và vị
Có tên là thiệt thức
Do duyên thân và xúc
Có tên là thân thức
Do duyên ý và pháp
Có tên là ý thức.
Như lửa đốt bằng củi
Thì gọi là lửa củi
Lửa được đốt bằng rơm
Được gọi là lửa rơm
Duyên trấu mà lửa sinh
Thì gọi là lửa trấu.
Tất cả các sinh vật
Tác thành nhờ thức ăn
Nếu thức ăn đoạn diệt
Sinh vật cũng đoạn diệt.
Có bốn loại thức ăn
Khiến hữu tình an trú
Là đoàn thực, xúc thực
Tư niệm thực, thức thực.
Bốn loại thức ăn này
Có nguyên nhân là ái
Ái có ra từ thọ
Nguyên nhân thọ là xúc
Nguyên nhân xúc, sáu nhập
Nhân sáu nhập, danh-sắc
Nhân danh-sắc là thức
Nhân của thức là hành
Nhân của hành, vô minh
Do mê mờ bốn đế
Đấy là sự tập khởi
Toàn bộ khổ uẩn này.
Cái này có, kia có
Cái này không, kia không
Cái này sinh, kia sinh
Cái này diệt, kia diệt.
Tỳ kheo biết như vậy
Không truy tầm quá khứ
Hay theo đuổi vị lai
Để đi tìm tự ngã.
Không thờ thầy nào khác
Không còn giới cấm thủ.
Vị ấy thành tựu Giới
Từ bỏ năm triền cái.
Chứng và trú bốn thiền
Sống với tâm vô lượng
Khi cảm thọ khởi lên
Đoạn trừ tâm thuận nghịch
Không tham nên Thủ diệt
Thủ diệt nên Hữu diệt
Hữu diệt nên Sinh diệt
Sinh diệt, Già chết diệt
Sầu bi khổ… cũng diệt
Đây là sự chấm dứt
Toàn bộ khổ uẩn này
Gọi “Ái tận giải thoát.”

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 18

Post Views: 290