Toát Yếu Trung bộ 052 : Kinh Bát thành

Toát Yếu Trung bộ 052 : Kinh Bát thành

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 52

Bát thành
(Atthakanagarasuttam)

  1. TOÁT YẾU

Atthakanàgara Sutta – The man from Atthakanagara

The venerable Ànanda teaches eleven “dơrs to the Deathless “by which a bhikkhu can attain the supreme security from bondage.

Người từ thành Bát

Tôn giả Ànanda dạy 11 “cửa bất tử “, qua cửa này một tỳ kheo có thể đạt đến vô thượng an ổn khỏi trói buộc.

  1. TÓM TẮT

Gia chủ Dasama đến gặp tôn giả Ànanda hỏi về pháp môn độc nhất mà nếu tinh tấn tu hành, sẽ khiến tâm chưa giải thoát được hoàn toàn giải thoát, lậu hoặc chưa trừ hoàn toàn được đoạn trừ, đạt vô thượng an ổn. Tôn giả giảng, đó là pháp môn ly dục, ly bất thiện pháp, chứng trú sơ thiền với 5 thiền chi, lần lượt chứng đến tứ thiền chỉ còn xả niệm thanh tịnh; an trú bốn phạm trú: biến mãn 10 phương với Từ tâm giải thoát, Bi tâm giải thoát, Hỉ tâm giải thoát, Xả tâm giải thoát; tu tập ba trong bốn Không định là: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ.

Mười một quả vị ấy đều thuộc hữu vi, do suy tư tác thành. Nếu khi đắc một thiền chứng nào, hành giả tuệ tri “cái này thuộc hữu vi, do suy tư tác thành, nên vô thường, bị hoại diệt”, vị ấy sẽ tận trừ lậu hoặc. Nhưng nếu lậu hoặc chưa đoạn, do tham luyến pháp này, do hoan hỉ pháp này, vị ấy diệt trừ năm hạ phần kết sử, được hóa sinh vào cõi trời Ngũ tịnh cư, khỏi trở lui đời này. Như vậy là pháp độc nhất do Thế tôn giảng. Nếu tỳ kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm tinh tấn hành trì pháp ấy, thì tâm được giải thoát, lậu hoặc được trừ diệt, vô thượng an ổn được chứng đạt.

Khi nghe tôn giả Ananda nói vậy, gia chủ Dasama bạch: “Bạch tôn giả, như người đi tìm một kho tàng lại được 11 kho; con đi tìm một pháp môn bất tử mà được nghe 11 pháp môn. Như ngôi nhà cháy có 11 cửa, chỉ do một cửa người ta cũng có thể thoát ra an toàn. Cũng vậy chỉ với một cửa bất tử trong 11 cửa này, con có thể đạt an toàn cho con.” Rồi gia chủ cúng dường Ananda và chúng tăng.

III. CHÚ GIẢI

  1. Lời Dasama nói “tâm chưa giải thoát được hoàn toàn giải thoát, lậu hoặc chưa trừ hoàn toàn được đoạn trừ, đạt vô thượng an ổn “ám chỉ quả vị A la hán.
  2. Thuộc hữu vi, do suy tư tác thành “thường được sử dụng liên kết, chứng tỏ một trạng thái có điều kiện, mà tư tâm sở hay ý hành (volition ) là yếu tố chính.
  3. Một phương pháp phát triển tuệ quán từ một thiền tịnh chỉ: Sau khi đắc 1 thiền chứng, hành giả xuất khỏi thiền ấy và quán sát trạng thái này là pháp duyên sinh – được phát sinh nhờ điều kiện – yếu tố chính là tư tâm sở hay ý hành. Trên căn bản này, vị ấy xác quyết tính vô thường của nó, rồi quán sát thiền ấy bằng tuệ thâm nhập 3 đặc tính vô thường khổ vô ngã. Xem thêm kinh 64, một phương pháp hơi khác với phương pháp này để phát triển tuệ giác trên căn bản các thiền chứng.
  4. Do tham luyến pháp này, hoan hỉ pháp này “có nghĩa là dục tham đối với tịnh chỉ và tuệ quán. Nếu hành giả có thể từ bỏ tất cả dục tham đối với chỉ và quán, vị ấy trở thành một A la hán; nếu không thể từ bỏ dục tham, vị ấy không thể trở thành một A la hán; nếu không thể từ bỏ dục tham, vị ấy thành một vị Bất Hoàn và được tái sinh vào cõi Tịnh cư thiên.
  5. Mười một cửa bất tử là 4 thiền4 phạm trúvà 3 thiền chứng Vô sắcKhông vô biên xứThức vô biên xứVô sở hữu xứ, được dùng làm cơ sở để phát triển tuệ quán đạt đến A la hán quả. Phi tưởng phi phi tưởng xứ không được đề cập ở đây, vì nó quá vi tế không thể làm đối tượng cho tuệ quán.
  6. PHÁP SỐ

Bốn thiền, bốn phạm trú hay bốn vô lượng, năm triền cái, năm thiền chi.

  1. KỆ TỤNG

Gia chủ Dasama
Ðến thầy Ananda
Xin giảng pháp độc nhất
Do Thế tôn giảng dạy
“Khiến tâm được giải thoát
Lậu hoặc được đoạn trừ
An ổn khỏi trói buộc
Nếu tinh cần gắng tu.
Ly dục, ly bất thiện,
Chứng và trú sơ thiền
Thấy thiền này hữu vi
Do suy tư tác thành
Tu chứng cả bốn thiền
Vẫn thấy nó hữu vi
Không tham đắm thiền này
Ðạt lậu tận, giải thoát.
Tu đến bốn vô lượng
Nhập Không vô biên xứ,
Ðến Thức vô biên xứ,
Cùng Vô sở hữu xứ
Vẫn thấy là hữu vi
Do suy tư tác thành
Không tham đắm Ðịnh này
Ðạt lậu tận, giải thoát

Nếu tham luyến, hoan hỉ
Với một thiền, định nào
Vị ấy sẽ hóa sinh
Vào cõi Tịnh cư thiên
Do vì đã đoạn trừ
Năm hạ phần kết sử
Nhập niết bàn tại đấy
Khỏi trở lui đời này.”
Gia chủ Dasama
Bạch thầy Ananda:
Như tìm một kho tàng
Ðược mười một kho báu
Con tìm cửa bất tử
Lại được mười một cửa;
Như nhà lửa bốc cháy
Có mười một lối ra
Ở đây cũng như vậy
Bốn thiền và ba không
Cùng bốn tâm vô lượng
Cửa giải thoát an toàn.”

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 10

Post Views: 206