Toát yếu Trung Bộ 058 : Vô Úy vương tử

Toát yếu Trung Bộ 058 : Vô Úy vương tử

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 58

Vô Úy vương tử

  1. TOÁT YẾU

Abhayaràjakumàra Sutta – To Prince Abhaya.

The Jain leader, Nigantha Nàtaputta, teaches Prince Abhaya a “two-horned questions” with which he can refute the Buddha’s doctrine. The Buddha escapes the dilemma and explains what kind of speech he would and would not utter.

Nói cho Vô Úy vương tử.

Giáo chủ Ni kiền tử dạy cho Vô Úy vương tử một “câu hỏi hai móc” để có thể bài bác thuyết của Phật. Phật thoát khỏi ngõ bí và giải thích loại lời nào Ngài sẽ nói và loại nào không.

  1. TÓM TẮT

Ni kiền tử bày cho vương tử Vô Úy [1] một câu hỏi hai móc [2] để đến chất vấn Phật: “Như lai có bao giờ nói một lời làm kẻ khác buồn không?” Nếu đáp có, thì khác gì phàm phu. Nếuđáp không, thì thành nói dối, vì Phật mới vừa nói Devadatta sẽ rơi vào đọa xứ, khiến cho Ðề bà rất phẫn nộ. Như vậy khi Cồ đàm bị hỏi câu này sẽ như nuốt phải một cái móc sắt, không thể nhả ra cũng không thể nuốt vào.

Vương tử theo lời, thỉnh Phật đến nhà thọ trai xong, hỏi như trên. Nào ngờ Phật hỏi lại ông: “Có phải ngươi chờ đợi Như lai trả lời có hoặc không chăng?”

Vương tử nói: “Bạch Thế tôn, Ni kiền tử đã bị bại ngay hiệp đầu.”

Phật gạn hỏi, ông thú nhận Ni kiền tử chờ đợi Phật trả lời có hoặc không để phản bác, không dè gặp trường hợp này. Khi ấy Phật chỉ vào đứa bé trai đang được bế ngồi trên gối vương tử và hỏi ông ta:

“Giả sử người vú em sơ ý để đứa bé nuốt phải một cái móc sắt, ông sẽ làm sao?”

– Bạch Thế tôn, con sẽ lôi cái móc ấy ra, dù có phải làm cho đứa trẻ đau đớn, chảy máu miệng. Vì con rất thương đứa bé.

Khi ấy Phật dạy: “Như lai cũng vậy, vì thương xót hữu tình, Như Lai sẽ biết thời để nói cho chúng lời nói đúng sự thật, tương ứng với mục đích, dù lời ấy có thể làm họ ưa thích hay không.” [3]

Khi ấy vương tử bạch Phật, trước khi đến chất vấn Phật, ngoại đạo phải họp nhau cân nhắc đủ thứ mới nghĩ ra được một câu hỏi; phải chăng Ngài cũng suy nghĩ trước và chuẩn bị sẵn những câu trả lời.

Phật hỏi ông: “Ông có rành về xe cộ không?” Vương tử đáp có, vì đó là sở trường của ông ta.

Phật hỏi, “Ông có cần phải suy nghĩ về những bộ phận xe để mỗi khi ai hỏi, có thể trả lời thông suốt?”

Vương tử cười lớn: “Dạ không, con quá rành về xe nên ai hỏi là đáp ngay, khỏi cần chuẩn bị gì ráo.”

Phật dạy Như lai cũng vậy, đã liễu tri pháp giới [4] nên không cần phải suy nghĩ rồi mới trả lời.

Vương tử Vô úy ca tụng Phật và xin quy y.

III. CHÚ GIẢI

  1. Vô Úy vương tử là con trai vua Bimbisara ( Bình Sa ) xứ Ma Kiệt Ðà, nhưng không phải là người thừa kế ngai vàng.
  2. Ni kiền tử bày ra 1 thế lưỡng nan vì dự định Phật sẽ đưa ra câu trả lời một chiều ( có hoặc không ).

Nhưng khi sự trả lời 1 chiều đã bị loại bỏ, ngõ bí đưa ra trở thành vô hiệu.

  1. Phật không ngần ngại rầy la quở trách đệ tử khi Ngài thấy cách nói như vậy sẽ đem lại lợi ích cho họ.
  2. Theo Luận giải, pháp giới là ám chỉ trí toàn tri của Phật. Ở đây không nên lầm lẫn pháp giới với danh từ pháp giới dùng để chỉ đối tượng của ý trong 18 giới, cũng không có ý nghĩa nguyên lý vũ trụ bao trùm khắp mọi sự trong Phật giáo đại thừa.
  3. PHÁP SỐ

Ba điều kiện Phật nói ra lời gì:

  1. đúng sự thật; 2. đúng thời; 3. Tương ứng với mục đích ( nghĩa là, có nhắm đến một mục đích nào đó, ví dụ cảm hóa người nghe ). Người nghe có ưa thích hay không ưa thích, không thành vấn đề.
  2. KỆ TỤNG

Vương tử Abhaya (Vô úy)
Ðến thăm Ni kiền tử
Vị này bảo vương tử
Ðến chất vấn Thế tôn
Với câu hỏi hai móc
Trả lời không cũng kẹt
Nói  cũng không xong
Như lưỡi câu móc họng:
Như lai có bao giờ
Nói làm buồn kẻ khác
Nếu có, giống phàm phu
Nếu không, thành nói dối.
Vì chính Ngài vừa nói
Khiến Ðề Bà rất đau
Bị chất vấn như vậy
Như nuốt phải móc câu.
Vương tử theo lời thầy
Thỉnh Phật về thọ trai
Rồi lân la khẽ nói:
– Xin được hỏi Như lai
Như lai có bao giờ
Nói làm buồn kẻ khác?
“Có phải ngươi chờ đợi
Ta nói có hoặc không?”
Vương tử Vô Úy thưa
– Ni kiền tử đã thua.
Khi Phật hỏi lý do
Ông ta bèn thuật lại.
Phật chỉ đứa hài nhi
Ngồi trên vế vương tử
“Ông sẽ phải làm gì
Khi nó nuốt lưỡi câu?”
Con sẽ móc họng nó
Dù phải làm nó đau
Và chảy máu đầy miệng
Vì lòng xót thương sâu.
“Như lai cũng thế ấy,
Vì thương xót người đời
Và gặp lúc đúng thời
Sẽ nói lời chân thật,
Lời tương ứng mục tiêu,
Dù chúng sinh ưa thích
Hoặc chúng không ưa thích
Vì tâm Phật xót thương.”
– Bạch Phật, con vẫn thấy
Bà la môn có trí
Thường soạn sẵn câu hỏi
Ðể chất vấn Thế tôn.
Chẳng hay đức Thế tôn
Có thường ngày chuẩn bị
Nghĩ sẵn câu trả lời
Hay đáp ngay tại chỗ?
“Này vương tử, chẳng hay
Ông rành về xe cộ?”
– Quả vậy, bạch Thế tôn
Ðấy sở trường của con.
“Ông có thường suy nghĩ
Về những bộ phận xe
Ðể phòng khi ai hỏi
Sẽ trả lời cho nghe?”
– Dạ thưa không, bạch Phật
Con quá rành về xe
Nên ai hỏi đáp liền
Không cần gì suy nghĩ.
“Cũng thế, với Như lai
Ðã liễu tri pháp giới
Nên không cần nghĩ suy
Ðể trả lời câu hỏi.”
– Vi diệu thay, Thế tôn
Như người dụng đứng lên
Những gì bị quăng ngã
Phơi bày cái che khuất,
Chỉ đường kẻ lạc hướng
Ðem đèn vào bóng tối
Cho những người có mắt
Có thể thấy hình sắc.
Cũng vậy, đức Thế tôn
Nay con xin quy y
Từ nay đến mạng chung
Con trọn đời quy ngưỡng.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 15

Post Views: 179