Toát yếu Trung bộ 060 : Không gì chuyển hướng

Toát yếu Trung bộ 060 : Không gì chuyển hướng

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 60

Không gì chuyển hướng

  1. TOÁT YẾU

Apannaka Sutta – The Incontrovertible teaching.

The Buddha gives a group of brahmin householders an “incontrovertible teaching” that will help them steer clear of the tangle in contentious views.

Giáo lý không thể tranh cãi.

Phật giảng cho một nhóm gia chủ là bà la môn một giáo lý không ai cãi được, để giúp họ khỏi mắc kẹt vào sự rối ren của các quan điểm tranh chấp.

  1. TÓM TẮT

Phật trình bày cho các gia chủ làng Sala [1] một số quan điểm mâu thuẫn nhau của các sa môn bà la môn đương thời, và dạy một pháp môn không thể tranh cãi [2]. Ngài đề cập năm tà thuyết đương thời:

  1. Chấp hư vô luận hay duy vật cực đoan
    2. Chấp không có đời sau và quả báo;
    3. Chấp không có quả báo các nghiệp lành dữ;
    4. Thuyết định mệnh, vô nhân; [3]
    5. Không các cõi vô sắc;
    6. Không có Hữu diệt hay Niết bàn.

Mỗi chủ trương đều có một lập trường ngược lại với nó. Cuối cùng Ngài đề cập bốn hạng người như ở kinh 51: tự hành khổ, hành khổ người, hành khổ cả mình lẫn người, và không hành khổ mình, người.

Người chủ trương 3 thuyết đầu [4], thì có thể từ bỏ ba thiện pháp về thân, ngữ, ý, thực hành ba ác pháp về thân ngữ ý; vì họ không thấy sự nguy hiểm, hạ liệt của bất thiện pháp và lợi ích của thiện pháp [5]. Họ cũng nói trái ngược với thánh giáo, vì các bậc thánh đều biết có đời sau. Vậy là do duyên tà kiến Phi hữu [6], khởi lên các ác pháp: tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, sự đối nghịch với các bậc thánh, sự thuyết phục chống lại diệu pháp, sự khen mình chê người. Những người chủ trương ngược lại thì có chính kiến, và do chính kiến, khởi lên các thiện pháp: chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, không đối nghịch các bậc thánh, thuyết phục thuận với diệu pháp, không khen mình chê người.

Về thuyết đầu “không có đời sau”, người có trí sẽ nghĩ rằng: nếu chủ trương ấy là đúng, thì người chủ trương khi mạng chung sẽ cảm thấy an toàn [6], vì không có đời sau [7], nên việc ác họ đã làm không có quả báo; nhưng hiện tại họ vẫn bị người trí quở trách. Còn nếu chủ trương của họ sai, thì họ bị mất mát cả hai phương diện [8], hiện tại bị người trí quở trách, tương lai còn chịu quả báo, sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ngược lại, người chủ trương Hữu kiến [9] và hành xử tùy theo đó, thì được lợi cả hai phương diện: hiện tại được người trí tán thán, và tương lai sinh vào thiện thú, cõi trời [10]. Về thuyết thứ hai “Vô hành” [11] và thứ ba “Vô nhân” [12] hay thuyết định mệnh [13] cũng vậy.

Ðối với lập trường thứ 4 “Không thể có vô sắc toàn diện” [14] người có trí nên suy nghĩ: Người có chủ trương này chỉ khao khát sinh vào cõi chư thiên có sắc [15] do “ý” thành. Còn nếu chủ trương ngược lại, “có thể có một vô sắc toàn diện” thì người này sẽ khao khát sinh vào cõi chư thiên vô sắc do “tưởng” thành [16]. Vị ấy nghĩ, nhân cái gì có sắc đều có đấu tranh, nhưng sẽ không có đấu tranh trong một thế giới hoàn toàn vô sắc. Do nghĩ như vậy, vị ấy thành tựu sự yểm ly, ly tham, diệt tận đối với sắc pháp.

Ðối với lập trường thứ 5, “Không thể có Hữu diệt toàn diện” [17] người có trí suy nghĩ: ai chủ trương như vậy sẽ khao khát tái sinh vào cõi vô sắc do tưởng. Còn nếu chủ trương ngược lại, “Có thể có Hữu diệt toàn diện” thì vị ấy có thể hi vọng nhập niết bàn ngay hiện tại [18]. Quan điểm đầu gần với tham ái, kết sử, chấp thủ, quan điểm sau gần với ly tham, không chấp thủ, gần với ái diệt. Do suy tư như vậy, vị ấy thành tựu yểm ly, ly tham, đoạn diệt đối với các hữu.

Về bốn hạng người, hạng 1 tự hành khổ là hạng tu các khổ hạnh; hạng 2 làm khổ kẻ khác là hạng làm các nghề ác; hạng 3 hành khổ cả hai, là hạng vua chúa gia chủ theo ác giới, dựng tế đàn giết hại sinh vật. Hạng 4 không làm ai khổ là vị a la hán xuất hiện ở đời, từ bỏ 5 triền cái, chứng trú 4 thiền 3 minh, tự thân cảm thấy mát lạnh.

Sau khi nghe pháp các bà la môn ở làng Sala xin quy y Tam bảo.

III. CHÚ GIẢI

  1. Làng Sa la nằm ở lối vào rừng, nơi có nhiều sa môn bà la môn thuộc nhiều giáo phái thường nghỉ đêm, trình bày quan điểm của mình và đả kích quan điểm của người khác, điều này làm cho dân làng bối rối không biết tin theo giáo lý nào.
  2. Không thể tranh cãi, Apan năm triền cái, năm triền cái, naka, theo Luận giải, là 1 giáo lý không thể nói ngược lại, 1 giáo lý sáng sủa, chắc chắn, dễ chấp nhận, không có ý nghĩa mập mờ. Danh từ này cũng xuất hiện trong kinh Tăng Chi Bộ 3-4.
  3. Ba loại kiến ấy gọi là tà kiến có hậu quả xấu nhất định. Người nào tin theo chúng là đóng cửa ngõ tái sinh lên thiên đường, đóng cửa ngõ đưa đến giải thoát.

4-5. Sự khảo sát 3 kiến chấp này diễn tiến theo đường lối sau: Phật nêu lên kiến chấp A và phản đề của nó là B. Xét kiến chấp A trước, trong A.i Ngài chứng minh hậu quả tai hại của kiến chấp này trên ba nghiệp thân, khẩu, ý. Trong A.ii Ngài tiếp tục phê phán rằng kiến chấp ấy thực sự là sai, và nói đến những hậu quả tiêu cực của sự tin theo kiến chấp ấy. Rồi trong A.iii Ngài chứng minh làm thế nào 1 người trí đi đến kết luận rằng dù kiến chấp ấy đúng hay không đúng, tốt hơn hết là nên bác bỏ nó.

  1. Kế tiếp lập trường B được xét đến. Trong B.i Phật mô tả ảnh hưởng tốt lành của kiến chấp này trên lối hành xử. Trong B.ii Ngài đưa ra những hậu quả tích cực của sự theo 1 quan điểm như thế. Và trong B.iii Ngài chứng minh làm thế nào 1 người trí đi đến kết luận rằng, bất luận sự thật ra sao, tốt nhất cho vị ấy là nên xem như thể là quan điểm ấy đúng, và hành xử theo đó.
  2. Xem chú thích kinh 41 giải thích những cách diễn đạt khác nhau của quan điểm “không có đời sau.”
  3. Danh từ Pàli là Susilya ( thiện giới ) và Dusilya ( ác giới ). Vì ác giới nghe ra mâu thuẫn, giới có nghĩa là đạo đức, nên ở đây dịch là thiện pháp và bất thiện pháp.
  4. Vị ấy đã tự trấn an mình do nghĩ mình sẽ không phải đau khổ trong một đời sau. Tuy nhiên vị ấy vẫn còn chịu những loại khổ phải gặp trong đời này, mà Phật sắp nói đến.
  5. Phi hữu luận có nghĩa là chối bỏ hiện hữu một đời sau và quả báo của nghiệp.
  6. Vị ấy chỉ theo một chiều của giáo lý không thể tranh cãi, nghĩa là tự cảm thấy an toàn chỉ nhờ giả thuyết không có đời sau, cho nên nếu thật có đời sau thì vị ấy sẽ mất mát cả 2 mặt – hiện tại bị người trí quở trách, tương lai sinh vào cõi dữ.
  7. Hữu kiến: là sự xác nhận có đời sau và có quả báo các nghiệp.
  8. Cách hiểu của vị này trải ra cả 2 chiều, nên được lợi ích của quan điểm mình – xác nhận có đời sau – dù đời sau có thực hay không.
  9. Trong kinh Sa Môn Quả, thuyết “Vô hành” này được gắn cho Phú Lan Na Ca Diếp. Mặc dù mới nghe qua, quan điểm này dường như chủ trương duy vật như quan điểm chấp đoạn trước đấy, nhưng có bằng chứng kinh điển cho thấy Phú Lan Na Ca Diếp theo một lý thuyết nguy hiểm. Lý thuyết đạo đức của ông là, mọi hành vi đã được định trước theo những cách mà ta không thể gán trách nhiệm đạo đức cho người làm.
  10. Ðây là thuyết “Vô nhân” mà giáo phái Mạt Già Lê (Makkhali) chủ trương trong kinh Sa Môn Quả, gọi là thuyết Luân hồi tịnh hóa. Thuyết này đã được đề cập trong tác phẩm Lịch Sử và Lý Thuyết của Mạt Già Lê, chương 12-13.
  11. Ðịnh mệnh là yếu tố chính giải thích triết học Mạt Già Lê, theo đó những biến cố ngoại giới và cá nhân đều do hoàn cảnh và thiên nhiên điều động: “Cái quay búng sẵn trên trời, Lờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.” Sáu tầng lớp xã hội tùy theo trình độ tiến hóa tâm linh của họ, tầng cao nhất dành cho 3 luận sư ngoại đạo nói trong kinh Trung bộ 36.
  12. Ðây là phủ nhận 4 cõi vô sắc, cảnh giới của 4 thiền chứng vô sắc.
  13. Ðây là những vị trời thuộc các cảnh giới tương ứng với 4 thiền sắc giới – những vị trời có thân thể bằng sắc chất vi tế, không như những vị trời thuộc vô sắc giới chỉ có thuần tâm, không lẫn vào sắc.
  14. PHÁP SỐ

Ba minh, bốn hạng người, bốn thiền, năm triền cái, tám thánh đạo, chín định thứ đệ.

  1. KỆ TỤNG

Dân chúng làng Sa La
Ðến viếng thăm đức Phật
Khi Ngài đang du hành
Trong xứ Kosala
Phật hỏi các gia chủ
Có vị đạo sư nào
Họ đặt hết niềm tin?
Họ đáp rằng không có.
Phật bèn giảng cho họ
Pháp môn “không chuyển hướng”
Ðối với các quan điểm
Hoàn toàn trái ngược nhau.
Một là hư vô luận
Thuyết duy vật cực đoan
Chấp không có đời sau
Và quả báo thiện ác.
Hai là thuyết Vô hành
Làm các nghiệp dữ lành
Cả hai đều vô hiệu
Không có tội phước gì.
Ba là thuyết Vô nhân
Hay là thuyết định mệnh
Bốn, không có Vô sắc
Năm không có Hữu diệt.
Mỗi chủ trương đều có
Một lập trường ngược lại.
Cuối cùng Ngài đề cập
Lối sống bốn hạng người.
Người theo ba thuyết đầu,
Từ bỏ ba thiện pháp
Về thân, ngữ, và ý,
Thực hành ba ác pháp
Vì không thấy bất thiện
Là hạ liệt, nguy hiểm
Tà kiến Hư vô này,
Khởi thêm sáu ác pháp:
Tà tư duy, tà ngữ,
Tà nghiệp, ngược thánh giáo
Thuyết phục chống diệu pháp,
Và khen mình chê người.
Người chủ trương ngược lại
Có đời sau, quả báo…
Thì có được chính kiến,
Lại thêm các thiện pháp:
Chính tư duy, chính ngữ,
Chính nghiệp, thuận thánh giáo,
Thuyết phục theo diệu pháp,
Không khen mình chê người.
Ai nói “không đời sau”,
Người trí nên suy nghĩ:
Nếu kẻ ấy nói đúng
Khi chết được an toàn
Vì việc ác họ làm
Sẽ không có quả báo;
Nhưng ngay trong hiện tại
Bị người trí quở trách.
Nhưng nếu có đời sau
Họ sẽ phải thua đau:
Hiện tại, người trí chê
Tương lai sinh cõi dữ.
Người chấp hành Hữu kiến
Lợi cả hai phương diện:
Hiện tại người trí khen
Tương lai sinh cõi thiện.
Về chủ trương “Vô hành”
Và “Vô nhân” cũng vậy
Hãy suy luận như trên
Ðược sự “không cãi được”
“Không có cõi vô sắc”
Người trí nên suy nghĩ:
Kẻ này sinh sắc giới
Cõi trời do “ý” thành
Ai chủ trương ngược lại
“Có thể có vô sắc”
Người này sinh vô sắc
Cõi do “tưởng” mà thành
Bất cứ gì có sắc
Ðều sinh ra đấu tranh,
Nhưng không có đấu tranh
Trong cõi thuần vô sắc.
Do suy tư như vậy,
Thành tựu hạnh yểm ly,
Ly tham và diệt tận
Ðối tất cả sắc pháp.
“Không Hữu diệt toàn diện”
Ai chủ trương như vậy
Còn khao khát tái sinh
Cõi vô sắc do tưởng.
Ai chủ trương ngược lại,
“Có Hữu diệt toàn diện”
Có thể nhập niết bàn
Hữu diệt ngay hiện tại.
Lại nữa, quan điểm trước
Chấp không có hữu diệt
Thì gần với tham ái
Quan điểm sau ly tham,
Gần vô chấp, ái diệt.
Do suy tư như vậy,
Thành yểm ly, ly tham,
Ðoạn diệt với các hữu.
Trên đời có bốn hạng
Tự hành, hành khổ người
Vừa khổ mình, khổ người
Và không làm ai khổ
Là La hán ly dục,
Chứng bốn thiền ba minh
Thân cảm thấy mát lạnh
Tự ngã trú Phạm thể.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 19

Post Views: 177