Toát yếu Trung bộ 061 : Giáo giới La Hầu La ở rừng Am bà la

Toát yếu Trung bộ 061 : Giáo giới La Hầu La ở rừng Am bà la

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 61

Giáo giới La Hầu La ở rừng Am bà la

  1. TOÁT YẾU

Ambalatthikàràhulovàda Sutta – Advice to Ràhula at Ambalatthikà.

The Buddha admonishes his son, the novice Ràhula, on the dangers in lying and stresses the importance of constant reflection on one’s motives.

Lời khuyên Ràhula, người ở rừng Ambala

Phật khuyến cáo con trai của Ngài là chú tiểu Ràhula về những nguy hiểm trong sự nói dối, và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thường xuyên tư duy về những hành động của mình.

  1. TÓM TẮT

Phật đến thăm Ràhula [1], và khi tôn giả bưng chậu nước cho Ngài rửa chân, Ngài đã dùng ví dụ chậu nước để giáo giới. Trước hết Ngài chừa lại một ít nước trong chậu, chỉ cho Ràhula và nói: “Sa môn hạnh của kẻ cố ý nói dối cũng ít oi như vậy.”

Kế đến Phật đổ hắt chút nước đó và bảo: “Sa môn hạnh của kẻ cố nói dối cũng đáng đổ đi như vậy.”

Rồi Ngài lật úp chậu, chỉ cho Ràhula thấy mà bảo: “Sa môn hạnh của kẻ cố ý nói dối cũng bị lật úp như cái chậu này.”

Cuối cùng, Ngài lật ngửa cái chậu, chỉ cho Ràhula thấy sự trống rỗng mà bảo: “Cũng trống rỗng như vậy, sa môn hạnh của kẻ cố ý nói dối. Như con voi lâm trận biết bảo vệ cái vòi là biết giữ mạng sống; nếu nó dùng luôn cả cái vòi tức đã thí mạng, không có gì nó không làm. Cũng vậy, kẻ cố ý nói dối thì không còn chừa điều ác nào. Do vậy, cần phải quyết định: Ta sẽ không nói dối, dù nói để đùa chơi.”

Phật lại lấy ví dụ, như tấm gương dùng để phản chiếu, người tu hành cũng phải phản tỉnh khi sắp làm, đang làm, hoặc đã làm một thân hành, ngữ hành, ý hành nào, xem nó có đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai, biết nó bất thiện, đưa đến đau khổ, thì nhất định không làm, hoặcđình chỉ và phát lộ sám hối để chừa bỏ [2]. Nếu sau khi phản tỉnh, biết thân hành, ngữ hành, ý hành [3] ấy không đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai, biết nó là thiện, đưa đến an lạc, thì hãy hoan hỷ tiếp tục. Ðấy là đường lối phản tỉnh của tất cả sa môn bà la môn trong quá khứ, hiện tại và vị lai để tịnh hóa ba nghiệp thân khẩu ý.

III. CHÚ GIẢI

  1. La Hầu La là con trai duy nhất của Phật, ra đời khi Ngài rời cung vua đi tìm giác ngộ. Năm 7 tuổi, ông được tôn giả Xá Lợi Phất cho thọ giới làm Sa di nhân Phật về thăm Ca Tỳ La Vệ lần đầu tiên sau khi đạt giác ngộ. Phật tuyên bố La Hầu La là đệ tử bậc nhất về hạnh ham tu. Theo Luận, kinh này được giảng cho La Hầu La lúc 7 tuổi, tức lúc ông vừa thọ giới xuất gia không lâu. Theo kinh 147, Ràhula đắc quả A la Hán sau khi nghe Phật thuyết giảng về cách tu tuệ quán.
  2. Có lỗi mà phát lộ, sám hối và phát nguyện chừa bỏ trong tương lai thì sẽ đưa đến sự tăng trưởng trong giới luật của bậc thánh. Xem kinh 65.
  3. Tư tưởng hay ý hành bất thiện, mà chưa thực hành, thì chỉ cần từ bỏ, không cần phải phát lộ sám hối như những sự vi phạm về thân và lời.
  4. PHÁP SỐ

Ba nghiệp

  1. KỆ TỤNG

Phật thăm Ràhula
Cứ trú trong rừng xoài
Tôn giả đem chậu nước
Cho cha mình rửa chân.
Phật chừa chút ít nước
Chỉ dạy Ràhula:
“Ít thay, Sa môn hạnh
Nơi kẻ cố nói dối.”
Ngài đổ nước và bảo:
“Ðáng đổ đi như vậy,
Ấy là hạnh sa môn
Nơi kẻ cố nói dối.”
Rồi Ngài lật úp chậu:
“Cũng lật úp như vậy
Ấy là hạnh sa môn
Nơi kẻ cố nói dối.”
Lật chậu lên, Phật bảo:
“Cũng trống không như vậy
Ấy là hạnh sa môn
Nơi kẻ cố nói dối
Như con voi lâm trận
Dùng tất cả thân phần
Nhưng bảo vệ cái vòi
Vì biết giữ mạng sống
Nếu dùng luôn cả vòi
Tức nó đem thí mạng
Với con voi như vậy
Không việc gì không làm.
Như con voi liều mạng
Kẻ cố ý nói dối
Thì không điều ác nào
Người ấy không dám làm.
Do vậy, Ràhula
Ngươi cần phải quyết định :
Ta sẽ không nói dối
Dù chỉ để đùa chơi.”
Phật lấy dụ tấm gương
Ðể dạy Ràhula :
“Ngươi hãy luôn phản tỉnh
Như người ta soi gương.
Khi sắp làm hay nói
Nếu đưa đến tự hại
Hại người, hại cả hai
Bất thiện, không nên làm.
Việc đang làm, đã làm
Cũng phản tỉnh như vậy
Ðiều ác hãy phát lộ
Ðể chừa bỏ về sau.
Nếu sau khi phản tỉnh,
Một thân ngữ ý hành
Không tự hại, hại người
Hãy hoan hỷ tiến lên.
Ðây đường lối phản tỉnh
Của những bậc tu hành
Trong quá, hiện, vị lai
Ðể tịnh hoá ba nghiệp.”

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 26

Post Views: 265