Toát Yếu Trung bộ 087 : Ái Sanh

Toát Yếu Trung bộ 087 : Ái Sanh

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 87

Ái Sanh

  1. TOÁT YẾU

Piyajàtika Sutta – Born from Those who are dear.

Why the Buddha teaches that sorrow and grief arise from those who are dear.

Do người thân mà phát sinh.

Vì sao Phật dạy sầu ưu khởi lên từ những người thân ái.

  1. TÓM TẮT

Một gia chủ có con chết, đau khổ không còn muốn làm gì, đi khắp nơi mà than khóc. “Con ở đâu, đứa con một của ta đâu?” Ông đi đến Phật kể lể như trên. Phật dạy: “Sầu bi khổ ưu do Ái sinh, hiện hữu từ nơi Ái.”

Gia chủ nói ngược lại, hỷ lạc từ Ái sinh, hiện hữu từ nơi Ái. Ông bất mãn bỏ đi, gặp một nhóm người đang chơi cờ bạc, ông thuật lại lời Phật dạy: Sầu bi khổ não do Ái sinh (yêu là khổ). Những người đánh bạc đồng ý với ông rằng trái lại, yêu là vui.

Câu chuyện ấy truyền đến nội cung. Vua Ba tư nặc gọi hoàng hậu, nói lại cho bà nghe lời Phật dạy “yêu là đau khổ.” Hoàng hậu nói Phật đã dạy thì tất nhiên là đúng. Vua Ba tư nặc bất mãn bảo, chính vì bà quá hâm mộ Gotama nên cái gì Sa môn nói, hoàng hậu cũng cho là phải.

Hoàng hậu sai người hầu đến yết kiến Phật để hỏi lại cho chắc có phải Ngài đã dạy như vậy không. Phật dạy đúng như thế. Xưa nay có nhiều người đã than khóc người thân chết: con trai con gái khóc cha mẹ, cha mẹ khóc con trai con gái, vợ khóc chồng, chồng khóc vợ, anh chị khóc em trai em gái, em trai em gái khóc anh chị… Vì quá thương mà phát điên cuồng, tâm tư bấn loạn, họ đi từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác và nói: “Có ai thấy cha tôi không, thấy mẹ tôi không, thấy vợ, chồng, con trai, con gái, anh, chị, em… của tôi không.” Do vậy nên biết, sầu bi khổ ưu não từ ái mà sinh ra. Xưa có người phụ nữ có chồng bị bà con ép gả cho người khác. Người chồng đã chặt bà làm đôi rồi tự tử, nói: Hai chúng ta sẽ gặp nhau trong đời sau. Do vậy nên biết sầu bi khổ ưu não do Ái sinh.

Nghe những lời ấy, Mạt lợi phu nhân đi đến vua Ba tư nặc, hỏi: “Vua có thương công chúa Vajirì không, có thương hoàng hậu Vasabha, tướng quân Vidùdabha [1], có thương chính bà và dân chúng Kàsi, Kosala không.” Vua nói có, hoàng hậu lại hỏi: “Nếu có sự biến dịch [2] đổi thay gì xảy đến cho những người ấy, vua có buồn khổ không?” Vua đáp đương nhiên là có. Phu nhân bảo, chính vì thế mà Phật dạy sầu bi khổ ưu não do Ái sinh.

Sau khi nghe hoàng hậu trình bày, vua Ba tư nặc đứng dậy sửa y phục, bảo phu nhân đưa cho vua nước phép [3] rồi hướng về Phật mà đảnh lễ.

III. CHÚ GIẢI

  1. Vidudabha là con trai của vua về sau đã lật đổ vua. Kàsi và Câu Tát La là các lãnh thổ vua trị vì.
  2. Từ ngữ này thường dùng để chỉ bệnh nặng và chết.
  3. Theo kinh sớ, ông ta dùng nước này để rửa tay chân và súc miệng trước khi chào Phật.
  4. PHÁP SỐ

Không có.

  1. KỆ TỤNG

Một người vì con chết
Nỗi đau buồn không vơi
Ði khắp nơi than khóc
Con của ta đâu rồi.
Ông đến Phật thổ lộ
Phật dạy nên hiểu rõ:
“Sầu khổ do Ái sinh,
hiện hữu từ nơi Ái.”
– Sa môn nói ngược đời
Có yêu mới thật vui
Hỷ lạc từ Ái sinh
Do Ái, có hỷ lạc
Ðến bọn người đánh bạc
Ông được họ tán đồng
“Thương yêu là hỉ lạc”
Chuyện truyền vào nội cung.
Quốc vương Ba tư nặc
Bảo Mạt lợi phu nhân
Phật dạy “yêu là khổ”
Bà nghĩ có đúng không
– Phật đã dạy điều nào
Tất nhiên điều ấy đúng
– Cái gì Cồ đàm nói
Ðệ tử cũng hùa theo.
Phu nhân sai người hầu
Ði đến yết kiến Phật
Phật giải thích thế nào
Nhớ kỹ về thuật lại.
“Sầu khổ do Ái sinh
Hiện hữu từ nơi Ái
Không ái, không lo sầu
Ðúng lời Ngài đã dạy.
Xưa nay đã lắm kẻ
Vì yêu nên khổ sầu
Nào con khóc cha mẹ
Nào chồng vợ khóc nhau
Vì yêu, chúng phát cuồng
Lang thang khắp nẻo đường
Với tâm tư bấn loạn
Mong tìm thấy người thương.
Vì quá đỗi yêu nhau
Có người chồng giết vợ
Rồi chính chàng tự tử
Hẹn tái ngộ kiếp sau.”
Phu nhân nghe lời ấy
Liền đến hỏi vua rằng:
– Công chúa và thái tử
Vua thương nhiều, phải chăng
Nếu người vua yêu mến
Bỗng dưng gặp tai biến
Vua cảm thấy thế nào?
– Ta sẽ rất sầu đau.
– Chính bởi vì lẽ ấy
Nên Phật mới dạy rằng
Sầu bi khổ ưu não
Là do Ái phát sinh.
Nghe phu nhân nói xong
Nhà vua chỉnh y phục
Hướng về nơi Phật ngự
Ðảnh lễ đức Thế tôn.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 18

Post Views: 165