Toát yếu trung bộ 095 : Cankì [1]

Toát yếu trung bộ 095 : Cankì [1]

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 95

Cankì [1]

  1. TOÁT YẾU

Cankì Sutta – With Cankì.

The Buddha instructs a young brahmin on the preservation of truth, the discovery of truth, and the final arrival at truth.

Với Cankì.

Phật giáo giới một thanh niên bà la môn về sự hộ trì chân lý, khám phá chân lý, và chứng đạt chân lý.

  1. TÓM TẮT

Phần dẫn nhập:

Khi Phật ở trong rừng Chư thiên [2] tại làng Opasàda nước Kosala, nhiều gia chủ bà la môn nghe tiếng đồn tốt đẹp về Ngài đã kéo nhau đi yết kiến. Bà la môn Cankì từ trên lầu cao trông thấy cảnh ấy, hỏi người quản gia và sau khi biết chuyện, liền sai người này đến báo với đoàn người hãy chờ, ông cũng muốn đi yết kiến Phật. Bấy giờ có một số đông bà la môn từ nhiềuđịa phương khác đến, nghe bà la môn Cankì đi yết kiến Phật thì can ngăn vì cho rằng không xứng đáng cho bà la môn Cankì yết kiến sa môn Cồ đàm, mà ngược lại, hãy để Cồ đàm yết kiến bà la môn Cankì, vì Cankì có dòng họ cao quý, giàu có, thông ba tập Vệ đà với 5 yếu tố: danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải, lịch sử truyền thống; lại đẹp trai, khả ái, có giới hạnh; được vua chúa kính nể, được bà la môn Pokkarasati [3] kính nể.

Cankì cũng đưa ra những lý do ông phải đi yết kiến Phật: Sa môn Gotama là bậc thiện sanh từ phụ hệ và mẫu hệ; Ngài đã từ bỏ rất nhiều vàng bạc, xuất gia trong tuổi thanh xuân; Ngài là bậc tôn sư của những bậc tôn sư trong thiên hạ; Ngài đầy đủ 32 đại nhân tướng; và Ngài là khách qúy của địa phương này, nên thật xứng đáng cho Cankì đến yết kiến.

Đến nơi, thấy Phật đang đàm luận với một số bà la môn trưởng thượng, và có một thanh niên bà la môn tên Kapathika thỉnh thoảng lại ngắt lời những vị này, bị Phật khiển trách, bà la môn Cankì liền can thiệp, xin tôn giả Gotama đừng khiển trách vì thanh niên này là bậc đa văn, có trí, giỏi biện luận. Phật biết được tâm ý thanh niên này muốn vấn nạn Ngài, nên để mắt đến anh ta.

Phần chính:

Kapathika bạch: Thưa sa môn Cồ đàm, y cứ vào các chú thuật xưa đã được khẩu truyền đến nay, các bà la môn đi đến kết luận: chỉ đây mới là sự thật, ngoài ra đều sai lầm. Ngài nói sao về điều ấy?

Phật hỏi lại thanh niên: Có một người bà la môn nào, hay bậc thầy nào của Bà la môn hiện tại hay lùi về bảy đời trước, đã nói: Tôi đã biết đã thấy điều này, chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều sai? Thanh niên đáp không có.

Phật lại hỏi những nhà tụng tán và tác giả các chú thuật [4] được khẩu truyền cho đến bây giờ, có nói rằng: Tôi biết, tôi thấy điều này; chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều sai lầm? Thanh niên cũng nói không.

Khi ấy Phật dạy, vì không một người bà la môn nào trong quá khứ hay hiện tại đã thực sự thấy, biết, thì câu họ nói chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều sai lầm, chỉ như một chuỗi người mù ôm lưng nhau, và lòng tin của họ trở thành vô căn cứ. Thanh niên bà la môn nói không phải bà la môn chỉ dựa trên lòng tin, mà còn trên sự truyền khẩu (lời đồn).

Phật dạy có 5 việc mà ngay hiện tại cũng có thể đem lại hai kết quả khác nhau (nghĩa là không chắc chắn) đó là tín (tin tưởng), tùy hỷ (vui theo, đồng ý), tùy văn (nghe truyền tụng), cân nhắc suy tư các lý do, và chấp nhận quan điểm [5]. Có những điều lúc đầu được ta tin tưởng hoàn toàn, mà về sau thành trống rỗng hư vọng, ngược lại cũng có điều lúc đầu ta không tin nhưng về sau hóa ra là chân thật. Bốn việc còn lại cũng thế. Do vậy người trí tôn trọng sư thật (hộ trì chân lý) không nên đi đến kết luận: chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều sai lầm [6].

Khi ấy thanh niên hỏi thế nào gọi là hộ trì chân lý [7], Phật dạy ấy là khi một người nói tôi tin điều này, nhưng không cả quyết chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều sai. Với bốn việc còn lại cũng vậy, người ấy không cả quyết như trên, thì gọi là hộ trì chân lý (hay bảo vệ, tôn trọng sự thật). Nhưng như thế chưa phải là khám phá chân lý [8].

Khám phá hay chứng ngộ chân lý là, sau khi quan sát kỹ một bậc thầy [9] về thân ngữ ý hành, thấy vị ấy không còn bị tham, sân, si chi phối khiến vị ấy có thể dối gạt người khác, xúi họđi đến tự hại, phải đau khổ lâu dài, một người khởi lòng tin, đến gần, thân cận giao thiệp, lóng tai, nghe pháp, thọ trì pháp, tìm hiểu ý nghĩa các pháp ấy, nhờ hiểu nên hoan hỉ chấp nhận, rồi khởi lên ước muốn tu tập, khi đã ước muốn thì cố gắng, sau khi cố gắng liền cân nhắc [10], sau khi cân nhắc, vị ấy tinh cần [11], nhờ tinh cần, vị ấy tự thân chứng ngộ chân lý và thể nhập chân lý với trí tuệ [12]. Nhưng thế cũng chưa phải chứng đạt chân lý [13].

Muốn chứng đạt chân lý, cần phải tu tập nhiều lần. Trong việc chứng đạt chân lý, cốt nhất là tinh cần. Muốn tinh cần, phải cân nhắc. Muốn cân nhắc phải cố gắng. Muốn cố gắng phải có ước muốn. Để có ước muốn, cần phải hoan hỉ chấp nhận. Muốn hoan hỉ chấp nhận, phải tìm hiểu ý nghĩa. Muốn tìm hiểu ý nghĩa phải thọ trì pháp. Muốn thọ trì pháp thì phải nghe pháp. Muốn nghe pháp phải lóng tai. Muốn lóng tai phải thân cận giao thiệp. Muốn thân cận giao thiệp phải đến gần. Muốn đến gần phải có lòng tin.

Thanh niên bà la môn tán thán Phật đã gợi nơi anh ta lòng ái kính sa môn, và xin Phật nhận anh làm đệ tử cư sĩ, từ nay đến mạng chung trọn đời quy ngưỡng [14].

III. CHÚ GIẢI

  1. Đoạn mở đầu kinh này gần giống như đoạn mở đầu kinh Trung Bộ 4, nhan đề Sonadanda sutta.
  2. Theo kinh sớ, rừng này được gọi là Rừng chư thiên Devavana, vì những đồ cúng ở đấy dành để cúng chư thiên.
  3. Pokkarasàti là một bà la môn giàu có khác, được Vua Ba Tư Nặc phong ấp tên Ukkatthà. Trong kinh Trường bộ 2, sau khi nghe Phật thuyết pháp, ông chứng quả Dự Lưu và đã cùng với gia đình quyến thuộc xin quy y.
  4. Atthaka, Vàmaka, Vàmadeva, Vessàmitta, Yamataggi, Angirasa, Bhàradvàja, Vàsettha, Kassapa, và Bhagu là những vị ẩn sĩ mà các bà la môn xem như những người biên chép kinh Vệ Đà do Thiên khải.
  5. Saddhà, ruci, anussava, àkàraparivitakka, ditthinijjhànakkhanti. Trong 5 nền tảng này để đặt đến niềm tin, 2 yếu tố đầu hoàn toàn thuộc về cảm xúc, yếu tố thứ 3 là sự chấp nhận truyền thống một cách mù quáng, và 2 yếu tố cuối cùng thuộc phạm vi suy luận nhận thức. Những thứ này đều có thể có hai cách khác nhau; cách nào cũng có thể thành đúng và sai.
  6. Không thể đi đến kết luận chỉ đây là đúng, khi không tự mình thấy rõ sự thật, mà chỉ công nhận dựa trên 5 căn cứ như trên, những cơ sở không có gì chắc chắn.
  7. Saccànurakkhana, hộ trì chân lý, bảo vệ sự thật.
  8. Saccànubodha, khám phá, chứng ngộ chân lý.
  9. Phương pháp tìm ra chân lý (tìm hiểu người nói pháp có bị còn tham, sân, si chi phối đến nỗi xúi kẻ khác tự hại, hại người không. Sau khi biết thân ngữ ý hành vị ấy không phải của kẻ bị ám vì tham sân si, thì biết Pháp do vị ấy giảng là sâu xa, được người trí chứng biết, không dễ gì do một kẻ còn tham sân si mà dạy được) theo kinh này dường như khai triển phương pháp đã được nói trong kinh số 47.
  10. Tùleti. Vị ấy tra tầm các pháp theo nguyên lý vô thường, v.v… Giai đoạn này như vậy dường như là giai đoạn tuệ quán.
  11. Nỗ lực ussahati, có vẻ đồng nghĩa với padahati, tinh cần, nhưng động từ trước có nghĩa là nỗ lực trước khi tuệ quán, động từ sau là nỗ lực nâng tuệ quán lên đạo lộ siêu thế.
  12. Kinh sớ: vị ấy chứng Niết bàn với thân tâm lý thuộc đạo lộ Dự Lưu, và sau khi thâm nhập các cấu uế, vị ấy chứng niết bàn bằng trí tuệ, làm cho niết bàn hiển lộ.
  13. Trong kinh này, sự khám phá chân lý dường như có nghĩa đắc quả Dự Lưu, sự chứng đạt chân lý dường như có nghĩa đắc quả A la hán.
  14. Xem chú thích số 8 kinh 50.
  15. PHÁP SỐ

3 độc tham sân si; 5 pháp không chắc chắn: tín, tùy hỉ, tùy văn, cân nhắc suy tư, chấp nhận quan điểm; 12 pháp đưa đến chứng đạt chân lý: lòng tin, đến gần, giao thiệp, lóng tai, nghe pháp, thọ trì pháp, tìm hiểu ý nghĩa, hoan hỉ chấp nhận…

  1. KỆ TỤNG

Bà la môn Cankì
Đến yết kiến Thế tôn
Lúc Phật đang luận đàm
Cùng các bậc trưởng thượng
Một bà la môn trẻ
Tên Ka-pa-thi-ka
Ưa ngắt lời người lớn
Phật khiển trách anh ta
Cankì liền can thiệp
Xin tôn giả Gotama
Đừng khiển trách Ka-pa
Có trí, giỏi biện luận.
Biết tâm của Ka-pa
Thế tôn đưa mắt nhìn
Ka-pa-thi-ka bạch:
– Xin hỏi Gô-ta-ma,
Căn cứ vào chú thuật
Bà la môn kết luận:
Chỉ đây là sự thật
Ngoài ra đều sai lầm.
Ngài có ý kiến gì
Về lời tuyên bố ấy
Xin tôn giả chỉ dạy?
Phật hỏi lại thanh niên:
“Trong các bà la môn
Hiện tại, từ bảy đời,
Có ai tự thấy biết
Và tuyên bố thành lời:
Tôi biết, thấy điều này
Chỉ đây là sự thật.
Ngoài ra đều là sai?
Thanh niên đáp rằng không.
“Tác giả các chú thật
Được khẩu truyền xưa nay
Có ai nói như vầy?”
– Cũng không, thưa tôn giả
“Nếu sự tình là vậy
Không bà la môn nào
Trong quá khứ hiện tại
Đã thực sự thấy, biết
Mà lại loan truyền câu:
Chỉ đây là sự thật,
Ngoài ra đều sai lầm,
Như mù nối đuôi nhau
Tin vậy vô căn cứ”.
Bà la môn cãi lại:
– Không phải chỉ lòng tin
Mà còn sự truyền khẩu.
Phật dạy: “Có 5 việc
Có thể đúng hoặc sai
Và cho hai quả báo
Ngay trong thời hiện tại
Một, tin; hai, đồng ý
Nghe truyền tụng là ba;
Bốn, cân nhắc suy luận
Năm, chấp nhận quan điểm.
Có thể điều ta tin,
Thì hóa ra trật lất
Ngược lại cũng có điều
Không tin mà có thật
Điều gì ta đồng ý
Có thể là trống không
Điều ta không đồng ý
Có thể là đúng lý
Ba việc kia cũng vậy
Có khi đúng khi sai
Do vậy người có trí
Không kết luận vội vàng
Nói tôi tin điều này,
Nhưng không có cả quyết
Chỉ đây là sự thật,
Ngoài ra đều lầm sai.

Với bốn việc còn lại
Cũng thái độ như trên
Là hộ trì chân lý
Nhưng chưa phải chứng ngộ
Khám phá hay chứng ngộ
Là quan sát bậc thầy
Thân ngữ ý hành vi
Không còn tham sân si
Không dối gạt người khác
Khiến họ khổ lâu dài,
Sau khi thấy như vậy
Khởi lòng tin vị ấy
Rồi đến gần, giao thiệp
Lóng tai mà nghe pháp
Thọ trì pháp đã nghe
Và tìm hiểu ý nghĩa
Hiểu rồi vui chấp nhận
Khởi lên ước muốn tu
Cố gắng, và cân nhắc
Cuối cùng, phải tinh cần.
Nhờ tinh cần, thân chứng
Thể nhập với trí tuệ
Nhưng thế cũng chưa phải
Là chứng đạt chân lý
Muốn chân lý chứng đạt
Cần tu tập nhiều lần
Cốt nhất là tinh cần
Pháp hành trì nhiều nhất
Tinh cần do cân nhắc
Cân nhắc do cố gắng
Cố gắng do ước muốn
Ước muốn do chấp nhận
Chấp nhận do hiểu nghĩa
Hiểu nghĩa nhờ thọ trì
Thọ trì nhờ nghe pháp
Nghe pháp nhờ lóng tai
Lóng tai nhờ thân cận
Thân cận nhờ đến gần
Đến gần nhờ lòng tin
Mối đầu của thành đạt.”
Thanh niên bà la môn
Tán thán đức Thế tôn
Đã gợi nơi anh chàng
Lòng ái kính sa môn
Chàng xin quy y Phật
Xin làm một cư sĩ
Từ nay đến mạng chung
Sẽ trọn đời quy y.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 11

Post Views: 183