Toát Yếu Trung bộ 115 : Ða giới

Toát Yếu Trung bộ 115 : Ða giới

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 115

Ða giới

  1. TOÁT YẾU

Bahudhàtuka Sutta – The Many Kinds of Elements.

The Buddha expounds in detail the elements, the sense bases, dependent origination, and the kinds of situations that are possible and impossible in the world.

Nhiều loại yếu tố.

Phật giảng chi tiết về (mười tám) giới, (mười hai) xứ, duyên khởi, và những trường hợp có thể, không thể xảy ra ở đời.

  1. TÓM TẮT

Phật dạy tất cả những sự sợ hãi, thất vọng và hoạn nạn chỉ sinh khởi cho kẻ ngu, không phải cho người hiền trí, cũng như lửa lan từ một ngôi nhà cỏ và đốt nó cháy rụi. Bởi thế, các tỷ kheo hãy phát tâm trở thành người hiền, biết suy tư tìm hiểu. Tôn giả A Nan hỏi thế nào là hiền. Phật dạy, ấy là khi tỷ kheo thiện xảo về Giới [1], xứ, duyên khởi và về xứ phi xứ.

– Thiện xảo về Giới là biết rõ mười tám giới (sáu căn, sáu trần, sáu thức); hoặc sáu giới (bốn đại thêm không, thức); hoặc sáu giới là lạc, khổ, hỷ, ưu, xả, và vô minh [2], hoặc dục sân hại, ly dục vô sân bất hại [3]; ba giới là dục, sắc, vô sắc [4]; hoặc hai giới là hữu vi, vô vi [5].

– Xứ có sáu nội ngoại xứ là mắt và sắc tai và tiếng… cho đến ý và pháp [6].

– Duyên khởi có 12 nhân duyên.

– Xứ phi xứ là biết rõ chuyện có thể xảy ra hoặc không thể xảy ra như sau:

Không thể có việc thành tựu chính kiến [7] mà lại xem các hành là thường, lạc [8], ngã; phạm năm tội nghịch; đề cao một đạo sư khác. Phàm phu thì có thể phạm những sai lầm này, xem một pháp nào đó là ngã [9] và giết cha, giết mẹ, giết A la hán, phá tăng hòa hợp, và làm thân Phật chảy máu [10] hoặc đề cao một đạo sư khác [11].

Cũng không thể có chuyện trong một thế giới mà đồng thời xuất hiện hai vị Phật [12], hai vua Chuyển luân. Cũng không thể có chuyện nữ nhân mà thành Phật [13], Ma Vương, Ðế thích, Phạm thiên. Không thể có chuyện do nhân duyên [14] nghĩ, làm, nói ác mà được quả vui và sinh vào cõi lành hay ngược lại. Những điều ngược lại thì có thể xảy ra.

Khi được hỏi tên pháp môn này là gì, Phật dạy nên gọi là Ða giới, hoặc Bốn chuyển [15], Pháp kính, hoặc Trống bất tử, hoặc Vô thượng chiến thắng.

III. CHÚ GIẢI

  1. Mười tám giới được giải thích chi tiết trong TTD chương 15. Vắn tắt, ý giới (manodhàtu) theo Luận, bao gồm ngũ môn hướng tâm (pancadvàràvajjana-citta) và ý thức tiếp thu đối tượng sau khi các giác quan đã nhận biết. Ý thức giới (manovinnànadhàtu) thì bao gồm mọi loại thức trừ năm thân thức và ý giới. Pháp giới (dhammadhàtu) bao gồm các loại vi tế sắc không ở trong tầm nhận biết của giác quan, ba tâm uẩn thọ tưởng hành, và Niết bàn. Nó không gồm các quan niệm, ý tưởng trừu tượng, phán đoán, vv. Mặc dù những thứ sau nàyđược gồm trong khái niệm về tâm pháp (đối tượng của tâm), pháp giới chỉ gồm những gì có tự tính, không bao gồm những gì do tâm tạo nên.
  2. Lạc và khổ giới là lạc thọ và khổ thọ của thân, hỷ và ưu giới là vui khổ của tâm, xả giới là cảm thọ không vui không khổ. Theo MA, vô minh được đưa vào đây vì nói có vẻ giống với xả giới.
  3. Vibhanga định nghĩa đây là sáu loại tầm (vitakka) tương ứng, xem Trung bộ 19, đoạn 2.
  4. MA giải thích dục là năm uẩn thuộc dục giới, sắc là năm uẩn thuộc sắc giới, vô sắc là bốn uẩn thuộc vô sắc giới.
  5. MA: hữu vi giới bao gồm mọi pháp do duyên sinh và là tên gọi ám chỉ năm uẩn. Vô vi giới là niết bàn.
  6. Mười hai xứ được TTD giải thích trong chương 15. Ý xứ bao gồm mọi loại thức và như vậy nó gồm cả bảy giới làm nhiệm vụ của thức. Pháp xứ cũng như pháp giới.
  7. MA: một người có chính kiến (ditthisampanno) là có kiến thuộc đạo, tối thiểu là một thánhđệ tử đã đắc quả Dự lưu. Hành đây cần hiểu là một hành hữu vi, nghĩa là bất cứ pháp duyên sinh nào.
  8. MA nêu lên rằng một thánh đệ tử chưa chứng A la hán cũng còn có thể xem các hành là lạc với tâm không tương ưng tà kiến, nhưng vị ấy không thể giữ cái quan niệm rằng bất cứ hành nào cũng là khả lạc. Mặc dù tưởng và ý hành khả lạc có khởi lên trong tâm, vị ấy vẫn phản tỉnh để biết thế là lầm.
  9. Trong đoạn nói về tự ngã, chữ hành được thay bằng chữ pháp. Theo MA, sở dĩ như vậy vì để bao gồm cả những khái niệm như tướng về Kasina vân vân mà phàm phu dễ xem là tự ngã. Nhưng xét sự kiện Niết bàn được mô tả là bất tử và lạc, và cũng dễ bị tưởng là ngã (xem kinh số 1), nên chữ hành có thể nói chỉ bao gồm các pháp hữu vi, còn chữ pháp thì gồm cả hữu vi và vô vi. Nhưng lối giải thích này không có trong luận giải của luận sư TTÐ.
  10. Ðoạn này phân biệt phàm phu với thánh đệ tử trên phương diện năm tội nghịch. Theo MA, một thánh đệ tử thì không thể nào cố ý đoạt bất cứ sinh mạng của chúng sinh nào, nhưng ở đây nêu lên việc giết cha mẹ để nhấn mạnh khía cạnh nguy hiểm của cương vị phàm phu và năng lực của thánh đệ tử.
  11. Nghĩa là có thể thừa nhận bất cứ ai ngoài Phật làm Vô thượng sư.
  12. MA: Không thể nào có một vị Phật khác ra đời kể từ thời gian một Bồ tát nhập thai mẹ lần cuối cho đến khi giáo lý của Ngài hoàn toàn biến mất.
  13. Lời này chỉ xác quyết rằng một vị Phật toàn giác luôn luôn thuộc nam tánh, nhưng không phủ nhận một người hiện tại là phụ nữ có thể thành Phật trong tương lai. Nhưng muốn thế thì trước hết người ấy phải tái sinh thành nam tử.
  14. Trong đoạn này, cái câu do nhân ấy do duyên ấy (tannidàna tappaccayà) là hết sức quan trọng. Như Phật sẽ cho thấy trong kinh 136, một người phạm ác hành có thể tái sinh lên thiên giới và người làm thiện hành có thể tái sinh vào đọa xứ. Nhưng trong các trường hợp này, sự tái sinh là do nguyên nhân một nghiệp khác với nghiệp người ấy thường làm. Sự đúng luật sát sao chỉ áp dụng cho nghiệp và quả của nó.
  15. Bốn chuyển là Giới, Xứ, Duyên sinh và Xứ phi xứ (việc có thể xảy ra, không thể xảy ra)
  16. PHÁP SỐ
    V. KỆ TỤNG

Tất cả những sợ hãi
Thất vọng và tai ương
Chỉ đến cho kẻ ngu,
Không phải cho người trí.
Như từ căn lều cỏ
Dù đẹp xinh kiên cố
Một đóm lửa nổi lên
Cũng đốt tan tành nó
Bởi thế, hãy quyết tâm
Trở thành một người hiền
Biết suy tư tìm hiểu
Ðây là lời Phật dạy.
Hiền trí là thiện xảo
Về Giới, xứ, duyên khởi
Việc có thể xảy ra
Và không thể xảy ra.
Giới là mười tám giới:
Mắt sắc và nhãn thức
Ý, pháp và ý thức
Cộng thành mười tám giới.
Lại có sáu loại giới
Bốn đại thêm không, thức
Biết rõ các thứ ấy
Là thiện xảo về giới.
Lạc khổ hỷ ưu xả
Cuối cùng thêm vô minh
Là sáu giới thuộc tâm
Các tỷ kheo nên biết.
Dục, sắc và vô sắc
Ðây gọi là ba giới
Hữu vi và vô vi
Ðây gọi là hai giới.
Xứ gồm sáu trong ngoài
Con mắt và hình sắc
Lỗ tai và âm thanh
Cho đến ý và pháp.
Thiện xảo về duyên khởi:
Ðây có tức kia có
Ðây sinh thì kia sinh
Ðây không thì kia không
Ðây diệt, kia cũng diệt.
Do vô minh, sinh hành,
Do hành sinh, thức sinh
Do thức, danh thức sinh
Do danh sắc, sáu nhập
Do sáu nhập, có xúc
Do xúc mà có thọ
Do thọ mà có ái
Do ái mà có thủ
Do thủ mà có hữu
Do hữu mà có sinh
Do sinh có già chết
Sầu bi khổ não ưu.
Vô minh diệt hành diệt
Hành diệt thì thức diệt
Thức diệt, danh sắc diệt
Cho đến già chết diệt.
Ðây là sinh và diệt
Của toàn đống khổ này.
Tỷ kheo biết như vậy
Thiện xảo về duyên sinh.
Thiện xảo Xứ phi xứ
Là tỷ kheo biết rõ
Chuyện có thể xảy ra
Và không thể xảy ra:
Thành tựu chính tri kiến
Thì không thể quan niệm
Có thường, lạc, và ngã
Trong các pháp hữu vi;
Hoặc phạm năm tội nghịch;
Ðề cao đạo sư khác.
Cũng không thể có chuyện
Ðồng thời, trên thế giới
Xuất hiện hai vị Phật,
Hai Chuyển luân thánh vương.
Cũng không thể có chuyện
Nữ nhân mà thành Phật,
Thành Ma vương, Ðế thích
Hoặc vua trời Phạm thiên.
Cũng không thể có chuyện
Do nghĩ, nói, làm, ác
Mà được quả an vui
Và sinh vào cõi lành
Do nghĩ nói làm thiện
Mà gặp quả đau khổ
Và sinh vào đọa xứ.
Việc có thể xảy ra
Là những điều ngược lại.
Kinh này tên Ða giới
Hoặc Pháp kính, Bốn chuyển
Hoặc tên Trống bất tử
Tỷ kheo hãy thọ trì.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 16

Post Views: 181