Toát yếu Trung bộ 119 : Thân hành niệm

Toát yếu Trung bộ 119 : Thân hành niệm

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 119

Thân hành niệm

  1. TOÁT YẾU

Kayagatasati Sutta – Mindfulness of the Body.

The Buddha explains how mindfulness of the body should be developed and cultivated and the benefits to which it leads.

Niệm thân.

Phật giải thích làm thế nào để tu tập pháp niệm thân và nói những lợi ích mà pháp tu nàyđem lại.

  1. TÓM TẮT

Chúng tỷ kheo tụ họp ca ngợi pháp môn niệm thân hành mà Phật đã dạy. Phật nhân đấy giảng rộng pháp tu này.

  1. Các pháp niệm thân hành:
  2. Niệm hơi thở: Ngồi kiết già lưng thẳng ở chỗ vắng, theo dõi hơi thở vô ra như đã nói trong kinh 18, mục niệm thân.
  3. Chính niệm tỉnh giác trong bốn uy nghi, ý thức rõ thân đang đi, đứng, ngồi, nằm, nhiệt tâm tinh cần, đoạn trừ các tư duy liên hệ thế tục.
  4. Niệm thân hành: Ý thức rõ thân thể đang được sử dụng như thế nào, ngó tới ngó lui hay co duỗi tay chân ăn uống nói im đi đứng ngủ thức.
  5. Quán tính chất bất tịnh trong tất cả thân phần từ tóc lông cho đến nước tiểu.
  6. Phân biệt bốn đại ở trong thân: tóc lông móng… là địa, nước mắt mũi miệng… là thủy, hơi nóng là hỏa, chuyển động là phong.
  7. Quán thi thể phình trương sau ba ngày bị quăng bỏ.
  8. Quán thi thể bị các loài trùng, chim thú ăn.
  9. Quán bộ xương liên kết còn máu thịt, đã hết thịt nhưng còn dính máu, bộ xương đã rã rời mỗi nơi một cái xương.
  10. Quán thi thể sau nhiều năm tháng chỉ còn là đống xương trắng màu vỏ ốc. Thấy bản chất thân này cũng vậy, không vượt qua bản chất ấy. Nhờ sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần quán niệm như trên, các niệm và tư duy thế tục được đoạn trừ, nội tâm chuyên nhất, định tĩnh. Ðấy gọi là tu tập thân hành niệm.
  11. Những kết quả của thân hành niệm:
  12. Chứng bốn thiền: sơ thiền với hỷ lạc do ly dục sinh thấm nhuần thân tâm, như một cục bột nhồi thấm nước [2]. Thiền thứ hai, với hỷ lạc do định sinh, như hồ nước đầy gặp cơn mưa lớn, nước mát lan tràn hồ. Thiền thứ ba toàn thân thấm nhuần lạc thọ gọi là xả niệm lạc trú, như những hoa sen ở trong hồ thấm đầy nước. Thiền thứ bốn xả niệm thanh tịnh, toàn thân thấm nhuần sự trong sáng thuần tịnh, như người ngồi với một tấm vải trắng trùm đầu phủ xuống toàn thân.
  13. Minh trí [3] và giải thoát: Người tu tập thân hành niệm đã viên mãn, thì các thiện pháp của vị ấy đều dự phần vào minh trí, như trăm sông đổ vào biển. Không tu tập thân hành niệm thì ma vương dễ làm hại, như cục đất sét ướt bị lún dưới sức nặng của một viên đá ném vào, như bình rỗng dễ làm đầy nước, như cây khô dễ cháy. Ngược lại người có tu tập thân hành niệm thì ma không hại được, như trái banh dây dội vào cánh cửa chắc chắn không thể phá cửa, như bình nước đã đầy không thể đổ thêm, như cây tươi đầy nhựa không thể bị đốt cháy.
  14. Dễ đắc thần thông: Với căn bản thân hành niệm, hành giả dễ chứng bất cứ pháp nào có thể chứng nhờ thắng trí, như một lực sĩ dễ dàng lắc đổ một bình nước đầy, phá một khúc đê cho nước tràn, như một người đánh xe giỏi lái cỗ xe ngựa hay chạy trên đường bằng phẳng.
  15. Kết luận về lợi ích của thân hành niệm:

Thân hành niệm khéo tu tập viên mãn sẽ đưa đến mười lợi ích lớn: Một là nhiếp phục lạc khổ. Hai, nhiếp phục sợ hãi khiếp đảm. Ba kham nhẫn được các nghịch cảnh đủ loại. Bốn dễ chứng bốn thiền, được hiện tại lạc trú. Năm chứng thần túc thông. Sáu Thiên nhĩ. Bảy tha tâm. Tám túc mạng trí. Chín Sinh tử trí hay thiên nhãn, biết sống chết chúng sinh. Mười lậu tận trí.

III. CHÚ GIẢI

  1. Ðoạn 4 đến 17 của kinh này giống với kinh số 10, ngoại trừ ở đây điệp khúc về tuệ được thay bằng điệp khúc bắt đầu bằng: Khi vị ấy trú nhiệt tâm tinh cần. Sự thay đổi ấy chứng tỏ kinh này nhấn mạnh về định trong khi kinh số 10 nhấn mạnh về tuệ. Sự thay đổi này tái xuất hiện trong đoạn nói về các thiền (đoạn 18 đến 21 bản dịch của Nana – moli) và về thắng trí (37 đến 41), cả hai đều khác với kinh số 10.
  2. Các ẩn dụ về thiền cũng được thấy trong kinh số 39 và 77.
  3. MA giải thích các pháp này là tám loại tuệ được giải thích trong kinh 77.
  4. PHÁP SỐ
    V. KỆ TỤNG

Phật dạy chúng tỷ kheo
Chín pháp niệm thân hành
Và kết quả tu niệm.
Trước hết niệm hơi thở
Tỷ kheo tìm chỗ vắng
Ngồi kiết già lưng thẳng
Theo dõi hơi vô ra
Gồm có bốn đề mục
Quán niệm thân trên thân
Tỷ kheo trú nhiệt tâm,
Tinh cần niệm hơi thở,
Ðoạn tư duy thế tục
Nội tâm được định tĩnh.
Hai Chính niệm tỉnh giác
Trong cả bốn uy nghi
Lúc ngồi nằm đứng đi
Tỷ kheo trú nhiệt tâm,
Tinh cần niệm uy nghi,
Ðoạn tư duy thế tục
Nội tâm được định tĩnh.
Ba là niệm thân hành
Ý thức rõ thân thể
Được sử dụng thế nào
Ngó tới hay ngó lui
Tay chân co hay duỗi
Ý thức lúc ăn uống
Nói im và ngủ thức.
Tỷ kheo trú nhiệt tâm,
Tinh cần niệm thân hành
Ðoạn tư duy thế tục
Nội tâm được định tĩnh.
Bốn quán thân bất tịnh
Tóc lông móng răng da
Thịt gân xương thận tủy
Tim gan hoành cách mạc
Lá lách phổi ruột già
Màng ruột phân mật đàm
Mủ máu, mồ hôi, mỡ
Mỡ nước và nước mắt,
Nước miếng, và nước mũi,
Nước khớp xương, nước tiểu.
Tỷ kheo trú nhiệt tâm,
Tinh cần quán bất tịnh,
Ðoạn tư duy thế tục
Nội tâm được định tĩnh.
Năm Phân biệt bốn đại
Trong thân này tóc lông
Là thuộc về địa đại,
Nước mắt nước mũi miệng
Là thuộc về thủy đại,
Hơi ấm thuộc về hỏa,
Các chuyển động là phong
Tỷ kheo trú nhiệt tâm
Tinh cần quán bốn đại,
Ðoạn tư duy thế tục
Nội tâm được định tĩnh.
Sáu quán thây phình trương
Sau ba ngày quăng bỏ
Thấy bản chất thân này
Chung cuộc đều như vậy
Tỷ kheo trú nhiệt tâm,
Tinh cần quán thây trướng,
Ðoạn tư duy thế tục
Nội tâm được định tĩnh.
Bảy quán thây thú ăn,
Bị côn trùng rúc rỉa
Thấy bản chất thân này
Chung cuộc đều như vậy
Tỷ kheo trú nhiệt tâm
Tinh cần quán trùng rỉa,
Ðoạn tư duy thế tục
Nội tâm được định tĩnh.
Tám quán bộ xương nguyên
Còn dính máu và thịt,
Hết thịt chỉ còn máu,
Bộ xương đã rã rời
Xương chân tay đầu mặt
Thấy bản chất thân này
Chung cuộc đều như vậy
Tỷ kheo trú nhiệt tâm,
Tinh cần quán bộ xương,
Ðoạn tư duy thế tục
Nội tâm được định tĩnh.
Chín quán một tử thi
Trải qua nhiều năm tháng
Chỉ còn đống xương trắng
Quăng bỏ giữa đồng hoang.
Thấy bản chất thân này
Chung cuộc đều như vậy
Tỷ kheo trú nhiệt tâm,
Tinh cần quán xương trắng,
Ðoạn tư duy thế tục
Nội tâm được định tĩnh.
Chín pháp niệm thân này
Tỷ kheo hãy tu tập
Có quả báo lớn lao.
Một, hiện tại lạc trú.
Hai, Ma không thể hại.
Ba, dễ chứng thần thông.
Lại có mười lợi ích:
Một, nhiếp phục lạc khổ
Hai, nhiếp phục khiếp sợ
Ba, nhẫn được nghịch cảnh
Bốn, dễ chứng bốn thiền
Năm, chứng thần túc thông
Sáu, chứng Thiên nhĩ thông
Bảy, biết được tâm người
Tám, chứng túc mạng trí.
Chín, tùy nghiệp thú trí
(Biết sống chết chúng sinh
Còn gọi là thiên nhãn)
Mười là trí lậu tận
Sạch ô nhiễm lỗi lầm.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 10

Post Views: 179