Toát yếu Trung bộ 122 : Ðại không [1]

Toát yếu Trung bộ 122 : Ðại không [1]

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 122

Ðại không [1]
(Mahàsunnatasuttam)

  1. TOÁT YẾU

The Greater Discourse on Voidness.

Upon finding that the bhikkhus have grown fond of socialising, the Buddha stresses the need for seclusion in order to abide in voidness.

[Thấy chư tỷ kheo khởi sự ưa tụ hội, Phật nhấn mạnh nhu yếu độc cư để an trú Tánh không.]

  1. TÓM TẮT

Nhân thấy trú xứ của tỷ kheo Kàlakhemaka [2] có nhiều chỗ nằm, Phật hỏi phải chăng ở đây đang có nhiều tỷ kheo cư trú [3]. Tôn giả A nan thưa vì đấy là thời gian may y nên họ mới quy tụ để may y [4]. Phật nhân đấy dạy về pháp tu Chỉ và Quán nhờ sống viễn ly. Một tỷ kheo ưa quần tụ thì không thể thưởng thức lạc viễn ly, độc cư, an tịnh, chính giác [5]; không thể chứng tâm giải thoát có hạn kỳ hay tâm giải thoát Bất động [6]. Không một sắc (thân) nào bị biến hoại mà không gây sầu bi khổ ưu não cho người ham thích nó. Nhưng Phật đã tìm ra một sự an trú, đó là trú Nội Không nhờ không tác ý tất cả tướng [7]. Trong lúc an trú nội không, dù đông đảo hạng người đến với Ngài, tâm Phật vẫn hướng đến viễn ly độc cư, và vì không còn dính gì đến các việc làm căn bản cho hữu lậu pháp, Ngài luôn luôn dạy họ những lời thuần túy liên hệ đến viễn ly. Rồi Phật dạy A Nan cách trú Nội Không [8], và kết quả của nó.

Trước hết phải an chỉ nội tâm nhờ căn bản là một trong bốn thiền (tu Chỉ). Kế tiếp sau khi đã đắc một thiền làm căn bản (từ thiền thứ nhất cho đến thiền thứ tư), vị tỷ kheo tác ý đến Nội không hoặc tác ý Ngoại không hoặc tác ý Bất động [9]. Nếu không có sự hân hoan thích thú đối với nội không, ngoại không hay bất động, vị ấy cần phải ý thức rõ như vậy, và nhập lại thiền căn bản [10] để quán trở lại cho đến khi biết tâm đã thích thú, hân hoan, giải thoát nhờ quán nội không, ngoại không, nội ngoại không và bất động. Một người đã an trú trong chỉ và quán như vậy,

  1. Khi tâm hướng về đi hoặc đứng, nằm, ngồi, vị ấy sẽ đi đứng ngồi nằm với ý thức rõ biết không có tham ưu và các bất thiện pháp ám ảnh tâm trí.
  2. Lúc tâm hướng đến nói chuyện, vị ấy nghĩ mình sẽ chỉ nói chuyện liên hệ đến mười đề mục là thiểu dục, tri túc, viễn ly, độc cư, tinh cần, giới định tuệ giải thoát vân vân, tránh tất cả chuyện khác.
  3. Lúc suy tầm, vị ấy ý thức rõ mình sẽ suy tư ly dục, vô sân, bất hại, không suy tư những gì không liên hệ viễn ly, ly tham, tịch diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn.
  4. Ðối với năm dục công đức [11] là sắc thanh hương vị xúc, vị ấy phải thường quán sát tự tâm có còn dục ái đối với chung hay đã đoạn tận, ý thức rõ ràng như vậy.
  5. Ðối với năm thủ uẩn [12] vị ấy luôn quán sự sinh diệt của chúng, và rõ biết tâm kiêu mạn tôi là y cứ trên năm thủ uẩn này đã được từ bỏ.

Phật dạy một Thanh văn đệ tử nên sống gần bậc thầy dù có bị xua đuổi, khi được nghe những lời dạy khắc khổ đưa đến ly tham, tịch diệt, như dạy thiểu dục, tri túc, viễn ly, độc cư, tinh cần, giới định tuệ giải thoát và giải thoát tri kiến. (Do vì không tu học chỉ và quán như trên mà) cả thầy lẫn trò của ngoại đạo trong lúc tu khổ hạnh cuối cùng đều gặp phiền lụy [13] khi được nổi tiếng, đông đồ đệ; họ khởi lên nhiễm tâm, trở lui đời sống thế tục, bị các bất thiện tấn công và không thoát khỏi già chết trong tương lai. Một số đệ tử Phật tu phạm hạnh cũng rơi vào mối nguy tương tự, bị phiền lụy khi bắt chước Phật sống viễn ly (mà chưa chuẩn bị chu đáo.) Nhưng sự phiền lụy của các vị tu phạm hạnh này kết quả còn bi thảm hơn phiền lụy của thầy trò ngoại đạo [14]. Và Phật khuyên các đệ tử hãy đối xử với Ngài bằng tâm thân hữu, không thù nghịch. Thân hữu là không đi ngược lại lời dạy của đấng Ðạo sư đã vì lòng từ mẫn mà thuyết pháp đem lại hạnh phúc an lạc cho mình. Nhưng Ngài không đối xử nhẹ tay với đệ tử như thợ gốm đối xử với đồ gốm [15]. Cái gì là lõi cây thì sẽ đứng vững.

III. CHÚ GIẢI

  1. Kinh này cùng với luận giải đã được Nanamoli dịch và ấn hành với nhan đề Ðại kinh nói về Không.
  2. MA: Trú xứ này được Kalakhemaka dòng Thích ca xây cất trong vườn Ni câu luật. Giường chiếu ghế và thảm được trang bị san sát đến nỗi nó trông như chỗ ở của một hội chúng tỷ kheo.
  3. MA giải thích đây chỉ là một câu hỏi gặn, vì với thần thông chư Phật có thể biết những gì các Ngài muốn biết. Phật hỏi câu này với ý nghĩ: Khi chúng tỷ kheo này tụ hội thành đoàn thể và ưa thích tụ hội, chúng sẽ hành xử phi pháp. Vậy ta sẽ giảng Pháp tu vĩ đại về Không, đấy sẽ trở thành giống như một học giới [cấm ưa quần tụ].
  4. MA: Tôn giả Ananda định nói: Các tỷ kheo này sống quần tụ như thế không chỉ vì ưa lăng xăng rộn ràng, mà vì may y.
  5. Viễn ly là lìa dục vọng, độc cư là xa đám đông, an tịnh là đoạn tham sân si, chính giác làđạo và quả.
  6. Giải thoát đầu là giải thoát nhờ chứng bốn thiền và bốn không (vô sắc), giải thoát sau là nhờ đạo và quả siêu thế. Xem thêm Trung bộ 29 và chú thích 348.
  7. MA: Phật mở đầu đoạn này để tránh chỉ trích rằng trong khi Ngài khuyên các đệ tử sống độc cư, thì bản thân Ngài lại thường được nhiều đồ chúng quây quần. Không tánh đây là quả chứng về Không, xem chú thích số 1, kinh Trung bộ 121.
  8. MA giải thích nội không là cái không liên hệ đến năm uẩn của tự thân, ngoại không là cái không liên hệ đến năm uẩn của kẻ khác. Vậy tánh không đề cập ở đây phải là tâm giải thoát tạm thời nhờ tuệ quán vô ngã, như kinh 43 giải thích. Khi tuệ về vô ngã được nâng lên ngang tầm của đạo lộ thì sẽ đưa đến sự chứng quả niết bàn theo khía cạnh Không của nó.
  9. MA: Vị ấy tác ý đến một thiền chứng vô sắc bất động.
  10. MA: Ðây nói về thiền được dùng làm căn bản cho tuệ giác. Nếu sau khi xuất khỏi thiền căn bản, tâm vị ấy không đi vào Không bằng tuệ quán về năm uẩn của tự thân hay của người, và cũng không thể đạt đến vô sắc bất động, thì vị ấy nên trở về thiền căn bản mà mình đã phát triển được và tác ý đến nó nhiều lần.
  11. Theo MA, cho đến điểm này, Phật đã hiển thị sự tu tập để đắc hai đạo lộ đầu tiên là Dự lưu và Nhất lai. Ðoạn này là để nêu rõ tuệ quán cần thiết để đạt đến Bất hoàn đạo mà tột đỉnh là từ bỏ ham muốn dục lạc.
  12. Ðoạn này hiển thị tuệ giác cần có để đạt đến A la hán đạo, mà tột đỉnh là từ bỏ ngã mạn tôi là.
  13. Upaddava cũng có thể dịch là tai họa. MA giải thích rằng Phật dạy đoạn kinh này để nêu lên sự nguy hiểm của độc cư khi người ta chưa hoàn thành mục tiêu của sự sống độc cư. Ðạo sư ở đây là thầy ngoại đạo.
  14. MA: Sự xuất gia theo ngoại đạo không đem lại lợi ích bao nhiêu, nên người nào thối thất thì bất quá chỉ mất lợi lạc thuộc thế gian; họ không có đau khổ gì lớn lắm, cũng như người cỡi lừa té thì chỉ bị lấm bụi. Nhưng xuất gia trong Pháp Phật đem lại lợi ích lớn là đạo, quả và niết bàn. Bởi thế người nào thối thất trong giáo lý này gặp phải khổ đau lớn, như người té xuống từ lưng voi.
  15. Tương phản trong ví dụ này là giữa cái cách người thợ gốm nắm cục đất sét còn ẩm và cách ông nắm đồ gốm đã được nặn từ đất sét ấy. MA giải rộng câu này như sau: Sau khi đã giáo giới rồi thì ta sẽ không im lặng; ta sẽ khuyến cáo, dạy bảo bằng cách liên tục quở trách các ông. Như thợ gốm thử đồ đã nung, đặt sang một bên những cái bị nứt nẻ, có lỗi, và chỉ giữ lại những đồ gốm đã vượt qua cuộc thử thách, cũng vậy ta sẽ giáo giới và khuyến cáo bằng cách thử nghiệm các ông. Người nào trong đây đã đạt đến đạo và quả, thì sẽ chịu đựng được cơn thử thách. MA thêm rằng những thiện đức thế gian cũng được xem là tiêu chuẩn của sự lành mạnh.
  16. PHÁP SỐ
    V. KỆ TỤNG

Tỷ kheo ưa quần tụ
Khó nếm lạc viễn ly
Lạc độc cư, an tịnh
Khó nếm lạc chính giác.
Cũng không thể chứng được
Giải thoát có hạn kỳ
Và giải thoát bất động.
Không một sắc pháp nào
Bị vô thường biến hoại
Mà không gây đau khổ
Cho người ham thích nó.
Phật an trú Nội Không
Không tác ý tướng ngoài
Giữa đồ chúng đủ hạng
Tâm Phật vẫn như nhiên.
Hướng viễn ly độc cư
Xa lìa pháp hữu lậu
Và giảng dạy những lời
Thuần đưa đến viễn ly.
Muốn an trú nội không
Trước phải ổn định tâm
Ðắc một thiền căn bản
Từ sơ đến tứ thiền
Rồi tác ý Nội không
Hoặc tác ý Ngoại không
Hoặc tác ý Bất động
Nếu trong khi tác ý
Tâm không thấy thích thú
Trong nội không, ngoại không
Cần biết rõ như vậy
Nhập lại thiền căn bản
Rồi lại quán nội không
(Ngoại không, và Bất động)
Cho đến khi thích thú
Hân hoan trong pháp này
Và tâm được giải thoát.
Một người đã an trú
Trong chỉ và quán này
Thì trong bốn uy nghi
Tâm không khởi bất thiện
Cũng không có tham ưu.
Câu chuyện vị ấy nói
Chỉ liên hệ thiểu dục
Tri túc và viễn ly
Ðộc cư và tinh cần
Giới, định, tuệ, giải thoát
Và giải thoát tri kiến
Tránh những chuyện ngoài đề
Lúc vị ấy suy tầm
Chỉ suy tư ly dục
Vô sân và bất hại
Gạt bỏ ra ngoài tâm
Những gì không liên hệ
Ðến viễn ly, ly tham
Tịch diệt và thắng trí
Giác ngộ với niết bàn.
Ðối năm dục công đức
Sắc thanh hương vị xúc
Vị ấy thường quán sát
Tâm đoạn dục hay chưa.
Ðối với năm thủ uẩn
Thường quán sát sinh diệt
Ðể biết mạn tùy miên
Ðã hoàn toàn từ bỏ
Một Thanh văn đệ tử
Nên sống gần bậc thầy
Dù có bị xua đuổi
Ðể được nghe dạy Pháp
Liên hệ đến viễn ly
Ly tham và giải thoát.
Vì không tu chỉ quán
Các thầy trò ngoại đạo
Dù có sống độc cư
Cuối cùng gặp phiền lụy
Bởi đồ đệ đoanh vây
Bởi dục tham chi phối
Bị bất thiện tấn công
Trong thời gian vị lai
Không thoát khỏi già chết
Một số tu phạm hạnh
Theo gương đức Thế tôn
Cũng gặp nguy tương tự
Vì không tu chỉ quán.
Chưa an trú nội không
Phiền lụy của vị này
Kết quả bi thảm hơn
Các thầy trò ngoại đạo.
Phật khuyên các tỷ kheo
Ðừng đối xử với Ngài
Với tâm lý thù nghịch
Không theo lời chỉ giáo
Hãy đối xử với Ngài
Bằng tâm lý thân thiện
Nương theo Pháp tu hành
Ðể an lạc dài lâu.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 21

Post Views: 243