Toát yếu Trung bộ 123 : Hy hữu vị tằng hữu

Toát yếu Trung bộ 123 : Hy hữu vị tằng hữu

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 123

Hy hữu vị tằng hữu
(Acchariyabbhutadhammasuttam)

  1. TOÁT YẾU

Wonderful and Marvellouse.

At a gathering of bhikkhus the venerable Ananda recounts the wonderful and marvellous events that preceded and attended the birth of the Buddha.

[Trong một buổi họp chúng, tôn giả A nan thuật lại những sự cố ly kỳ mầu nhiệm trước và trong ngày Phật đản sanh.]

  1. TÓM TẮT

Chúng tỷ kheo đang bàn tán về một thần lực của Phật là Ngài biết được chi tiết về chư Phật quá khứ [1]. Phật bèn dạy tôn giả A nan trình bày những điều kỳ diệu hy hữu về đức Như Lai đúng như tôn giả đã được nghe từ chính kim khẩu của Thế tôn:

  1. Chính niệm tỉnh giác, Bồ tát sinh vào cung trời Ðâu suất [2].
  2. Chính niệm tỉnh giác, Bồ tát trú tại cung trời ấy đến hết thọ mạng.
  3. Chính niệm tỉnh giác, Ngài giáng hạ mẫu thai.
  4. Khi Ngài mệnh chung tại cung trời Ðâu suất thì có một ánh sáng vô lượng xuất hiện trên thế gian làm cho những cõi chúng sinh từ lâu sống trong bóng tối [3] tự nhiên nhờ ánh sáng ấy liền trông thấy lẫn nhau và tưởng là chúng mới xuất hiện lần đầu.
  5. Khi đức Bồ tát đã giáng hạ mẫu thai thì có bốn vị thiên nhân [4] canh gác bốn góc để hộ vệ Ngài và mẫu hậu, không một ai có thể làm hại mẹ hay con.
  6. Khi đức Bồ tát đã giáng hạ mẫu thai, bà mẹ tự nhiên sống đức hạnh, nghiêm trì ngũ giới.
  7. Khi đức Bồ tát đã giáng hạ mẫu thai, bà không có dục tưởng đối với đàn ông, và không kẻ nào có dục tâm có thể đến gần bà.
  8. Khi đức Bồ tát đã giáng hạ mẫu thai, bà thụ hưởng đầy đủ năm dục: không cảm thấy mệt mỏi gì, lại thấy được Bồ tát trong bụng mình với đầy đủ tứ chi như thể là ngắm một viên ngọc khéo giũa đặt trên lòng bàn tay.
  9. Bảy ngày sau khi sinh hạ Bồ tát, bà mẹ chết [5] và tái sinh vào cõi Ðâu suất.
  10. Bồ tát trú thai mẹ đúng mười tháng.
  11. Mẹ Bồ tát sinh trong lúc đứng thay vì nằm hoặc ngồi như các sản phụ khác.
  12. Khi đức Bồ tát ra khỏi bụng mẹ, thì chư thiên đón Ngài trước, sau mới đến người đỡ.
  13. Khi đức Bồ tát ra khỏi bụng mẹ, Ngài không chạm đất. Chư thiên đỡ lấy Ngài đưa cho bà mẹ mà nói: Bà hãy sung sướng vì một người con trai có đại oai thần lực đã đến với bà.
  14. Khi đức Bồ tát ra khỏi bụng mẹ, Ngài không bị lấm bẩn vì máu mủ hay bất cứ thứ gì bất tịnh.
  15. Khi đức Bồ tát ra khỏi bụng mẹ, có hai vòi nước tuôn xuống từ trên trời, một nóng một lạnh, để tắm cho hai mẹ con.
  16. Vừa khi mới sinh ra, đức Bồ tát đã đứng vững hai chân trên đất [6], đi bảy bước về phương Bắc, và được che với chiếc lọng trắng, Ngài nhìn bốn hướng và thốt lên lời của bậc Ðiều ngự sư: “Trên thế gian này Ta là tối thượng. Ðây là đời cuối cùng của Ta, từ nay không còn tái sinh nữa.”

Sau khi tôn giả A nan kể xong những điều kỳ diệu ấy, Phật thêm rằng còn một điều này nữa [7], là đối với đức Như lai, các cảm thọ được biết đến lúc sinh khởi, lúc trú và diệt, các ý tưởng và tư duy cũng thế.

III. CHÚ GIẢI

  1. Khả năng này của Phật được Trường bộ kinh 14 đề cập trong những thông tin chi tiết về sáu vị Phật trước đức Thích ca Gotama.
  2. Ðây ám chỉ sự tái sinh của đức Bồ tát tại cung trời Ðâu suất sau khi sinh làm người tên Vessantara và trước khi tái sinh vào cõi người làm thái tử Siddhartha Gotama.
  3. Cứ ở khoảng giữa mỗi ba thế giới hệ lại có một khoảng trống tám ngàn do tuần, giống như khoảng trống giữa ba bánh xe bò hay ba cây cung đụng nhau. Chúng sinh sinh vào khoảng này là do ác nghiệp cực trọng như giết cha mẹ, giết thánh nhân, hoặc do thường xuyên làm nghề ác như giết súc vật.
  4. Bốn vị trời này là Tứ thiên vương, những vị thống lĩnh cõi trời là Tứ thiên vương.
  5. MA: Ðiều này xảy ra không phải lỗi ở sự sinh nở mà do bà mẹ đã chấm dứt thọ mạng; vì cái nơi mà Bồ tát đã chiếm dụng (bào thai mẹ) thì không ai khác sử dụng được, như một điện thờ.
  6. MA: Mỗi khía cạnh của biến cố này đều báo trước những sở đắc của đức Phật sau này. Vậy, sự việc Ngài đứng vững trên đất là điềm báo Ngài sẽ chứng các thần túc; mặt hướng về phương Bắc báo hiệu Ngài sẽ vượt trên thế tình; đi bảy bước là Ngài sẽ có được bảy giác chi; lọng trắng là Ngài sẽ đạt chiếc lọng giải thoát; nhìn quanh bốn hướng là Ngài sẽ có được minh trí vô ngại; những lời Ngài thốt ra báo hiệu Ngài sẽ chuyển bánh xe Pháp không ai có thể chuyển ngược lại. Lời tuyên bố Ðây là tái sinh cuối cùng báo hiệu Ngài sẽ nhập vô dư niết bàn, không còn quay lại cõi hữu.
  7. Lời này dường như là một cách đức Phật kêu gọi ta chú ý đến cái phẩm chất mà Ngài xem là điều kỳ diệu đích thực.
  8. PHÁP SỐ
    V. KỆ TỤNG

Chúng tỷ kheo đang bàn
Một thần lực của Phật
Là biết đủ chi tiết
Về chư Phật trước kia.
Phật bèn dạy A nan
Trình bày những kỳ diệu
Mà tôn giả được nghe
Từ kim khẩu đức Phật:
Bồ tát lúc tái sinh
Vào cung trời Ðâu suất
Và lúc ở cõi trời
Cho đến hết thọ mạng.
Giáng phàm nhập mẫu thai
Ðều chính niệm tỉnh giác
Khi bồ tát đản sinh
Có ánh sáng nhiệm mầu
Soi ba ngàn thế giới
Những chúng sinh từ lâu
Bị sống trong u tối
Tự nhiên trông thấy nhau
Mới ngạc nhiên làm sao.
Lúc Bồ tát nhập thai
Tứ thiên vương canh gác
Gìn giữ mẹ và con
Tránh xa mọi bất trắc.
Bà mẹ lúc hoài thai
Tự nhiên sống đức hạnh
Và nghiêm trì ngũ giới.
Tâm xa lìa dục tưởng
Nam nhân có lòng dục
Không thể đến gần bà.
Bà thụ hưởng đầy đủ
Sắc thanh hương vị xúc
Thân không bị mệt mỏi
Lại thấy được Bồ tát
Ðang ở trong bụng mình
Có đầy đủ tứ chi
Như ngắm nhìn ngọc quý.
Bảy ngày sau sinh nở
Bà từ giã cõi trần
Và được tái sinh ngay
Vào cung trời Ðâu suất.
Bồ tát trú mẫu thai
Thời gian đúng mười tháng
Mẹ Bồ tát lâm bồn
Trong lúc đứng vịn cây
Thay vì nằm hoặc ngồi
Như các bà sản phụ.
Khi Bồ tát chào đời
Ðược chư thiên đón trước,
Sau mới đến loài người.
Khi ra khỏi bụng mẹ
Thân Ngài không chạm đất.
Chư thiên đỡ lấy Ngài
Ðưa cho bà mẹ xem
Kèm theo lời chúc tụng:
Mẫu hậu hãy vui mừng
Ðã sinh được người con
Có đại oai thần lực
Hơn tất cả thế gian.
Khi ra khỏi bụng mẹ,
Ngài không bị lấm bẩn
Vì những thế uế ô.
Lại có hai vòi rồng
Từ trời cao tuôn xuống
Nóng với lạnh hòa nhau
Ðể tắm con và mẹ.
Vừa khi mới sinh ra,
Ngài đã đứng vững được
Với hai chân trên đất
Bảy bước về phương Bắc
Ðược tàn lọng trắng che,
Ngài nhìn quanh bốn hướng
Và thốt lên lời rằng
Trên trời và dưới trời
Chỉ Ta là tối thượng
Thân này là thân cuối
Không còn thọ thân sau.
Nghe A nan kể xong
Ðức Phật bèn bổ túc:
Ðối với đức Như lai,
Tất cả các cảm thọ
Ðều được Ngài biết rõ
Trong cả ba giai đoạn
Trú diệt cũng như sinh.
Cũng vậy với tưởng, tư
Ngài luôn luôn giác tỉnh.
Ðây cũng điều kỳ diệu
Của đức Phật Thế tôn.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 16

Post Views: 182