Toát yếu Trung bộ 128 : Tùy phiền não

Toát yếu Trung bộ 128 : Tùy phiền não

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 128

Tùy phiền não
(Upakkilesa)

  1. TOÁT YẾU

Imperfections.

The Buddha discusses the various impediments to meditative progress he encountered during his quest for enlightenment, with particular reference to the divine eye.

Những ô nhiễm.

Phật bàn về các chướng ngại trong quá trình tu thiền của Ngài để đạt giác ngộ, đặc biệt đề cập về thiên nhãn.

  1. TÓM TẮT

Chúng tỷ kheo ở Kosambì (Câu diệm bì) chia phe đấu tranh cãi cọ [1], Phật can không được, Ngài nói bài kệ dài [2] rồi du hành đến thăm tôn giả Bhagu, thuyết pháp khích lệ, và đến trú xứ các tôn giả A na luật. Tại đấy có ba vị đang cư trú [3]. Phật hỏi thăm sự sống và đường lối tu hành của họ.

Tôn giả A na luật trình bày cách sống hòa hợp của họ là mỗi người đều bỏ tâm mình mà sống bằng tâm người khác, tự giác giữ gìn trật tự nếp sống chung, không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần tu thiền [4], thấy ánh sáng và các sắc hiện ra, nhưng quang và sắc ấy chỉ hiện một lúc rồi tan biến. Ngài thỉnh vấn Phật về tình trạng ấy.

Phật dạy tôn giả cần phải tìm nguyên nhân tại sao mà ra như thế [5]. Lúc còn là Bồ tát đang tu thiền Ngài cũng gặp như vậy, và truy tìm những nguyên nhân làm định tướng (quang và sắc) biến mất là do tâm có khởi lên 11 tùy phiền não: nghi hoặc, không tác ý, hôn trầm, sợ hãi, phấn chấn (như một người tìm lối vào kho tàng bí mật, bỗng dưng gặp được năm lối vào, thì sẽ khởi lên sự phấn chấn) dâm ý, tinh cần quá độ, thiếu tinh cần, ái dục [6], sai biệt tưởng [7], và quá chú tâm vào sắc pháp [8]. Mỗi khi nhận diện được các tùy phiền não [9] ấy, Ngài đoạn trừ chúng. Và khi chúng đã được đoạn trừ, Ngài tu tập ba cách [10]: định có tầm tứ, định chỉ có tứ, và định không tầm tứ; định có hỷ, không hỷ, định câu hữu lạc, câu hữu xả [11]. Và khi tu tập như vậy, Ngài biết đã đạt giải thoát bất động, đây là đời sống cuối cùng, sau đời sống này không còn đời nào khác [12].

III. CHÚ GIẢI

  1. Kinh này mở đầu giống kinh số 48.
  2. Bài kệ này theo gần trọn bản dịch của HT MC. Ðoạn 3, 4, 5 của bài kệ xuất hiện trong Pháp cú 3, 5, 6. Ba bài kệ cuối có trong Pháp cú 328-330.
  3. Những đoạn kinh này gần giống với kinh 31. Nhưng rõ ràng kinh này được nói sớm hơn, vì trong kinh 31 cả ba vị tỷ kheo đều đã đắc quả A la hán, trong khi ở kinh này, họ chỉ đang nỗ lực tu hành để chứng quả.
  4. Từ điểm này trở đi kinh bắt đầu khác với kinh 31. MA giải thích obhàsa ánh sáng hay quang sắc, là ánh sáng phát sinh lúc đắc thiền, và thêm rằng người chứng thiền thứ tư khai triển kasina ánh sáng làm chuẩn bị để đắc thiên nhãn. Sự thấy sắc là thấy các hình dạng với thiên nhãn. Về sau Phật đã công bố tôn giả là bậc đệ nhất về thiên nhãn.
  5. Nimittam pativijjhitabham, nghĩa là ngươi nên đi sâu vào tướng ấỵ
  6. Xem kinh 52.
  7. MA: Trong khi ta tác ý một tướng duy nhất, ta khởi lên mong ước rằng ta nên tác ý nhiều tướng khác nhau. Rồi khi thì ta tác ý cõi trời, khi lại tác ý cõi người. Vì tác ý đến các loại tướng khác nhau như vậy mà sai biệt tưởng khởi lên trong ta.
  8. Atinijjhàyitattam rúpànam. MA: Khi sai biệt tưởng khởi lên, ta nghĩ mình sẽ tác ý một loại sắc duy nhất, dù dễ chịu hay khó chịu. Khi làm thế, thiền quán ráo riết về sắc khởi lên trong ta.
  9. Cittassa upakkileso. Cấu uế của tâm. Cũng danh từ này được dùng trong kinh số 7, mặc dù ở đây nó không có nghĩa là nhiễm ô do phiền não mà là những khiếm khuyết trong sự tu tậpđịnh. Do đó từ ngữ này được dịch là tùy phiền não thay vì dịch là cấu uế như kinh 7.
  10. Ba đường lối có lẽ là ba loại định đầu tiên đề cập trong đoạn kế tiếp, mà Trường bộ 33 cũng đề cập kể như một bộ ba. Ðầu tiên là sơ thiền, thứ ba là ba thiền sau trong hệ thống bốn thiền. Loại định thứ hai không có chỗ đứng trong bốn thiền, nhưng được gọi là thiền thứ hai trong hệ thống năm thiền được nói trong tạng Luận. Thiền thứ hai trong năm thiền được chứng bởi những người không thể vượt qua tầm tứ cùng một lúc mà phải tuần tự diệt tầm rồi diệt tứ.
  11. MA: Ðịnh có hỷ là hai thiền thấp; không hỷ là hai thiền cao; câu hữu với lạc là ba thiền đầu, câu hữu với xả là thiền thứ tư.
  12. Theo MA, Phật khai triển các thiền chứng này vào canh cuối của đêm Ngài chứng đạo trong khi ngồi dưới cội bồ đề.
  13. PHÁP SỐ
    V. KỆ TỤNG

Ðại chúng Câu diệm bì
Kịch liệt đả kích nhau
Không nghe Phật can gián
Ngài nói kệ như sau:
Giữa quần chúng la ó
Không ai nghĩ mình ngu
Giữa tăng chúng phân ly
Có ai nghĩ hướng thượng.
Thất niệm kẻ trí nói
Ba hoa trăm thứ chuyện
Há miệng nói thả dàn
Dẫn đến đâu, ai biết?
Nó mắng tôi, đánh tôi
Nó hại tôi, cướp tôi
Ai ôm oán niệm ấy
Hận thù không thể nguôi.
Nó mắng tôi đánh tôi
Nó hại tôi, cướp tôi
Không ôm oán niệm ấy
Hận thù sẽ tự nguôi.
Hận thù diệt hận thù
Không đời nào diệt được
Từ bi diệt hận thù
Là định luật ngàn thu.
Người khác không hiểu biết
Rồi ta sẽ hoại diệt
Những ai hiểu điều này
Nhờ vậy tranh chấp tiêu.
Kẻ chủ xướng hại mạng
Cướp bò ngựa tài sản
Kẻ cướp đoạt quốc độ
Chúng còn biết đoàn kết
Sao các ông không vậy?
Nếu được bạn hiền trí
Ðồng hành khéo ở chung
Thì vượt mọi nguy nan
Cùng sống vui chánh niệm.
Nếu không bạn hiền trí
Như vua bỏ quốc độ
Ðể độc hành độc bộ
Như voi trú rừng sâu.
Thà một mình mình sống
Không làm bạn kẻ ngu.
Ðộc hành không ác hạnh
Thoải mái như voi rừng.
Ngài bỏ đi du hành
Thăm tôn giả Bhagu,
Thuyết pháp khích lệ ông
Rồi đến nơi trú xứ
Tôn giả A na luật
Nan đề, Kim tỳ la
Ba người đang cộng trú
Phật hỏi thăm sinh hoạt
A na luật trình bày
Sự sống chung hòa hợp
Mỗi người bỏ ý riêng
Sống bằng tâm kẻ khác
Tự giác trật tự chung
Tinh cần không phóng dật
Nhiệt tâm tu thiền định.
Họ đã thấy ánh sáng
Và các sắc hiện ra
Nhưng rồi tan biến mất.
Phật dạy A na luật
Cần phải tìm nguyên nhân
Tại sao định tướng mất.
Xưa kia còn đang tu
Ngài cũng gặp như vậy
Và truy tìm nguyên nhân
Thấy do tùy phiền não:
Nghi hoặc, không tác ý
Hôn trầm và sợ hãi,
Hoặc đâm ra phấn chấn
Như kẻ được hũ vàng.
Hoặc là do dâm ý,
Tinh cần thiếu hay thừa
Ái dục, sai biệt tưởng
Quá chú vào sắc pháp.
Khi thấy các pháp này
Chướng ngại cho thiền chứng
Ngài liền gột trừ chúng
Và tu tập ba cách
Ðịnh có tầm có tứ
Ðịnh không tầm có tứ
Và định không tứ tầm
Hoặc có hỷ, không hỷ
Ðịnh câu hữu lạc, xả
Khi tu tập như vậy
Ngài đạt đến Bất động
Biết đây đời sống cuối
Không còn phải tái sinh.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 24

Post Views: 206