Toát yếu Trung bộ 131 : Kinh Nhất dạ hiền giả

Toát yếu Trung bộ 131 : Kinh Nhất dạ hiền giả

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 131

Kinh Nhất dạ hiền giả
(Bhaddekarattasuttam)

  1. TOÁT YẾU

Bhaddekaratta Sutta (One Fortunate Attachment); Anandabhaddekaratta Sutta (Ananda and One Fortunate Attachment); Mahakaccanabhaddekaratta Sutta (Maha Kaccana and One Fortunate Attachment); Lomasakangiyabhaddekaratta Sutta (Lomasa – kangiya and One Fortunate Attachment): the above four suttas all revolve around a stanza spoken by the Buddha emphasising the need for present effort in developing insight into things as they are.

[Kinh Nhất dạ hiền giả; A nan và kinh Nhất dạ hiền; Ðại Ca chiên diên và kinh Nhất dạ hiền; Lomasakangiya và kinh Nhất dạ hiền: Cả bốn kinh này đều xoay quanh một bài kệ Phật thuyết, nhấn mạnh nhu yếu nỗ lực ngay trong hiện tại để phát triển tuệ quán đi sâu vào các pháp hiện tại như chúng đang là.]

  1. TÓM TẮT

Phật dạy một bài kệ rồi sau đó giảng rộng ý nghĩa. Bài kệ đại ý dạy đừng truy tìm quá khứ [1], ước vọng tương lai, vì quá khứ đã chấm dứt, tương lai chưa đến. Ðối với các pháp hiện tại [2], hãy quán sát với trí tuệ [3] để không bị lay chuyển [4]. Phải nhiệt tâm tu hành tuệ quán như vậy ngay hôm nay, vì không thể biết ngày mai sẽ thế nào. Sự chết không hẹn trước, không thể điều đình với nó. Người nào luôn luôn an trú trong tuệ quán này với nhiệt tâm không mỏi mệt, kẻ ấy xứng đáng được gọi là bậc Nhất dạ hiền [5].

Rồi Phật giảng rộng như sau. Truy tìm quá khứ là nhớ miên man về sắc, thọ, tưởng, hành, thức của mình với sự hân hoan. Không truy tìm là nghĩ trong quá khứ ta có sắc thọ tưởng hành thức như vậy, nhưng không có hân hoan [6]. Ước vọng tương lai là nghĩ đến năm uẩn của mình với tâm hân hoan. Không ước vọng tương lai là nghĩ như trên nhưng không có hân hoan. Bị lôi cuốn [7] trong các pháp hiện tại là khi phàm phu không tu học thánh pháp, xem sắc là tự ngã, hoặc tự ngã có sắc, hoặc sắc trong tự ngã, hoặc xem tự ngã ở trong sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng xem như vậy (gọi là mười hai thân kiến). Không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại là khi vị thánh đệ tử đa văn nhờ có tu tập thánh pháp nên đối với năm uẩn thân tâm này, không xem là tự ngã.

III. CHÚ GIẢI

  1. Năm uẩn (tức bản thân) trong quá khứ.
  2. Năm uẩn trong hiện tại.
  3. Vipassati, thấy bằng trí tuệ, tuệ quán, nghĩa là thấy rõ ba đặc tính vô thường khổ vô ngã.
  4. Không bị lay chuyển trước vui khổ do ngã chấp.
  5. Bhaddekaratta, từ này rất khó hiểu, được HT Minh Châu dịch theo danh từ là Nhất dạ hiền. Theo MA, chỉ cho sự thành tựu tuệ quán (chú thích của HT Minh Châu). Theo Nanamoli, chỉ một vị yêu thích hạnh độc cư, và độc cư đây có nghĩa là tâm độc cư chuyên nhất, không ở với một pháp thứ hai. Theo Bodhi, là người có một sự bám víu tốt lành, là bám sát hạnh sống một mình, tâm không ở chung với pháp nào khác. Hoặc (theo Bodhi) chỉ là cái tên mà Phật đặt cho pháp tu thiền quán do Ngài giảng dạy.
  6. Hân hoan vui thích là chứng tỏ còn tham.
  7. Bị lôi cuốn vào các pháp (tự ngã) hiện tại, do tham ái và tà kiến.
  8. PHÁP SỐ
  9. KỆ TỤNG

Phật dạy bài kệ sau:

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai lại chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không lay chuyển
Biết vậy, nên tu tập
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Ðêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhất dạ hiền,
Bậc an tịnh trầm lặng.
Nói xong bài kệ trên
Ngài giải thích ý nghĩa:
Truy tìm về quá khứ
Là nghĩ với hân hoan:
Như vậy, sắc của ta
Trong thời gian đã qua.
Thọ, tưởng, hành, thức ta
Ðã từng là như vậy.
Không truy tìm quá khứ
Là khi nghĩ như trên
Mà trong tâm bình thản
Không thích thú hân hoan.
Ước vọng về tương lai
Là ước gì mai sau
Năm uẩn ta như vậy
Và khởi lên hân hoan.
Phàm phu bị lôi cuốn
Trong các pháp hiện tại
Vì không tu thánh pháp
Xem sắc là tự ngã,
Hoặc tự ngã có sắc,
Hoặc sắc trong tự ngã,
Hoặc ngã ở trong sắc
Với thọ, tưởng, hành, thức
Cũng đều xem như vậy
Cộng hai mươi thân kiến.
Thánh đệ tử đa văn
Nhờ học pháp thánh nhân
Không xem là tự ngã
Năm uẩn thân tâm này.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 23

Post Views: 200