Toát yếu Trung bộ 136 : Ðại nghiệp phân biệt

Toát yếu Trung bộ 136 : Ðại nghiệp phân biệt

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 136

Ðại nghiệp phân biệt
(Mahakammavibhanga Sutta)

  1. TOÁT YẾU

The Greater Exposition of Action.

The Buddha reveals subtle complexities in the workings of kamma that overturn simplistic dogmas and sweeping generalizations.

Trình bày rộng rãi hơn về nghiệp.

Phật hiển thị những điều vi tế trong vận hành của nghiệp, làm đảo lộn những lập thuyết ngây ngô và quy nạp bừa bãi.

  1. TÓM TẮT

Du sĩ ngoại đạo Potaliputta đi đến tôn giả Samiddhi kể rằng chính ông đã được nghe Phật dạy nghiệp thân, khẩu là giả, chỉ có ý nghiệp mới thật; và có một loại thiền định nếu tu thành tựu thì sẽ không còn cảm giác gì nữa [1]. Tôn giả nói Phật không bao giờ dạy như vậy, đừng phỉ báng Ngài. Du sĩ khen tôn giả mới tu ba năm mà đã biết bảo vệ thầy mình, và hỏi tiếp: Khi cố ý làm ba nghiệp thân khẩu ý, thì sẽ có cảm giác gì? Samiddhi trả lời là sẽ có cảm giác đau khổ. Du sĩ bỏ đi không ý kiến. Sau đó tôn giả đến yết kiến Phật trình bày mọi sự.

Phật dạy, Ta chưa từng gặp Potali thì do đâu có chuyện ấy. Và Ngài chê Samiddhi là kẻ ngu đã trả lời một chiều trước một vấn đề cần được phân tích. Khi ấy tôn giả Udàyi thưa: Có lẽ sư huynh Samiddhi ám chỉ một nguyên lý Ngài đã dạy “Còn cảm giác là còn đau khổ [2]”. Phật dạy, câu hỏi của du sĩ cần phải được trả lời rằng nếu cố ý làm một nghiệp (thân, khẩu, ý) có khả năng đem lại đau khổ thì sẽ có cảm giác khổ. Nếu cố ý làm một nghiệp (thân, khẩu, ý) có khả năng đem lại vui thì sẽ có cảm giác vui; và nếu một nghiệp có khả năng đem lại cảm giác không khổ không vui thì kết quả sẽ là cảm giác trung tính.

Rồi Phật dạy về phân biệt đại nghiệp như sau. Trên đời có bốn hạng người:

  1. Người sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, hai lưỡi, ác khẩu, nói phù phiếm, tham lam, sân hận, có tà kiến (đủ mười nghiệp ác), khi chết sinh vào nẻo ác, cõi dữ, địa ngục.
  2. Có người cũng phạm mười tội ác như trên, nhưng chết sinh vào cõi tốt lành như làm người làm trời.
  3. Có người từ bỏ mười nghiệp ác nói trên, chết sinh vào cõi lành.
  4. Có người cũng từ bỏ mười nghiệp ác, nhưng chết sinh vào cõi dữ, địa ngục.

Do vậy, có thể công bố rằng chắc chắn có quả báo của thiện nghiệp ác nghiệp, nhưng không thể công bố như sau: Chắc chắn tất cả những người làm 10 ác đều sinh vào cõi dữ, từ bỏ 10 ác đều sinh cõi lành (vì có một số người làm ác chết sinh cõi lành và làm lành chết sinh cõi dữ).

Theo sự phân biệt đại nghiệp của Phật thì làm ác sinh cõi lành là do một nghiệp rất lành từ lâu xa về trước đến thời có kết quả, hoặc do một chính kiến khởi lên trước khi chết, còn làm lành tái sinh cõi dữ là do một ác nghiệp từ rất lâu về trước nay đến thời gặt quả báo, hoặc do lúc gần chết khởi lên một tà kiến. Do vậy, có loại nghiệp không tác dụng mà tợ không, không tác dụng mà tợ như có, và nghiệp có tác dụng tợ có, nghiệp có tác dụng tợ không.

III. CHÚ GIẢI

  1. Potaliya không đích thân trực tiếp nghe Phật dạy lời này, mà chỉ nghe đồn Phật dạy như thế. Phần đầu câu Potaliya nói nghiệp thân, khẩu là giả, chỉ có ý nghiệp mới thật là một xuyên tạc của lời Phật dạy trong kinh 56 rằng trong ba loại nghiệp, ý nghiệp là đáng trách nhất trong sự hình thành ác nghiệp. Phần sau một loại thiền định nếu tu thành tựu thì sẽ không còn cảm giác gì xuất phát từ pháp thoại của Phật về định Diệt thọ tưởng trong kinh Trường bộ số 9 nhan đề Potthapàda.
  2. Lời này được Phật nói trong kinh Tương ưng số 36, ám chỉ khổ tiềm ẩn trong tất cả hành vì tính vô thường. Mặc dù Phật có dạy như thế thực, nhưng tôn giả Samiddhi dường như đã hiểu ra rằng điều ấy có nghĩa tất cả cảm thọ đều đau khổ, thì rõ ràng là sai.
  3. PHÁP SỐ
    V. KỆ TỤNG

Po-ta-li-put-ta
Một du sĩ ngoại đạo
Ðến bảo Sa-mid-dhi
Tỷ kheo đệ tử Phật:
Chính tôi nghe Phật nói
Nghiệp thân, khẩu là giả
Chỉ ý nghiệp là thật;
Và có một loại thiền
Tu sẽ hết cảm giác.
Tôn giả liền phản bác:
Chớ phỉ báng Thế tôn
Ngài không dạy như vậy.
Du sĩ khen tôn giả
Chỉ mới tu ba năm
Ðã biết bảo vệ thầy.
Rồi ông hỏi tôn giả:
Cố ý làm ba nghiệp
Sẽ có cảm giác gì?
Tôn giả đáp: khổ thọ.
Du sĩ liền cáo từ
Bỏ đi không ý kiến.
Tôn giả đi đến Phật
Ðể trình bày mọi sự.
– Ta chưa gặp ông ấy
Do đâu có chuyện này?
Và ngươi thật ngu si
Khi trả lời một chiều
Vấn đề cần phân tích:
Cố tâm làm nghĩ nói
Ðiều không vui không khổ
Cảm giác không vui khổ.
Rồi Thế tôn bàn rộng
Nghiệp quả bốn hạng người:
Hạng suốt đời làm ác
Chết đọa vào cõi dữ.
Hạng suốt đời làm ác
Chết sinh vào cõi lành.
Hạng suốt đời làm lành
Chết sinh lên thiên giới.
Hạng suốt đời làm lành
Chết sinh vào cõi ác.
Sự tình là như vậy,
Nên có thể công bố
Chắc chắn có quả báo
Của nghiệp lành nghiệp dữ;
Nhưng không thể công bố:
Mọi kẻ làm mười ác
Ðều sinh vào cõi dữ,
Ai từ bỏ mười ác
Ðều sinh đến cõi lành.
Theo đại nghiệp phân biệt
Sở dĩ kẻ làm ác
Mà được sinh cõi lành
Là do nghiệp rất lành
Từ lâu xa về trước
Ðến thời có kết quả,
Hoặc do lúc lâm chung
Khởi lên một chánh kiến.
Kẻ suốt đời làm lành
Mà tái sinh cõi dữ
Là do một ác nghiệp
Từ rất lâu về trước
Nay đến thời gặt quả,
Hoặc do lúc gần chết
Khởi lên một tà kiến.
Do vậy, có loại nghiệp
Không tác dụng tợ không,
Không tác dụng tợ có,
Có tác dụng tợ có,
Có tác dụng tợ không.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 25

Post Views: 205