Toát yếu Trung bộ 145 : Giáo giới Phú Lâu Na

Toát yếu Trung bộ 145 : Giáo giới Phú Lâu Na

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 145

Giáo giới Phú Lâu Na
(Punnovada Sutta)

  1. TOÁT YẾU

Advice to Punna.

The bhikkhu Punna receives a short exhortation from the Buddha and decides to go live among the fierce people of a remote territory.

Lời khuyên Punna.

Tỷ kheo Punna nhận một lời khích lệ của Phật và quyết định đến sống giữa dân chúng dữ dằn tại một xứ xa xôi.

  1. TÓM TẮT

Tôn giả Phú Lâu Na đến xin Phật giáo giới vắn tắt trước khi ông đi nhập thất tu hành. Phật dạy có các sắc do mắt nhận thức có liên hệ đến dục, hấp dẫn; nếu tỷ kheo hoan hỷ, tán thưởng, chấp thủ, tham đắm trong ấy, hân hoan sanh. Từ sự tập khởi của hân hoan, có tập khởi của khổ. Nếu không hoan hỷ, tán thưởng… thì hân hoan diệt. Từ sự diệt tận của hân hoan có sự diệt tận của khổ. Ðối với thanh hương vị xúc pháp cũng thế.

Sau khi giáo giới vắn tắt như vậy, đức Thế tôn hỏi tôn giả sẽ đi đâu. Tôn giả thưa, sẽ đến xứ Du na (Sunàparanta) ở phía tây.

Phật dạy, dân xứ đó rất thô ác hung bạo, nếu họ mắng nhiếc nhục mạ ông thì sao. Phú Lâu Nađáp: Con sẽ nghĩ rằng họ vẫn còn hiền, vì họ không dùng tay đánh đập con.

Nếu họ dùng tay đánh ông thì sao? Bạch Thế tôn, con sẽ nghĩ họ còn tốt, vì dùng tay đánh chứ không ném đất vào con.

Nếu họ lại ném đất vào ngươi? Dạ con sẽ nghĩ họ vẫn còn tốt vì không dùng gậy mà đánh con.

Nếu họ đánh cả gậy? Thì con sẽ nghĩ họ còn tốt vì chưa dùng dao mà đánh.

Nếu họ đánh con bằng dao, con sẽ nghĩ họ vẫn còn tốt vì chỉ đánh chứ chưa dùng dao sắc để đoạt mạng con.

Nếu họ lấy dao sắc bén đoạt mạng con, con sẽ nghĩ rằng có những đệ tử của Thế tôn nhàm chán thân thể và sinh mạng nên đã tìm con dao tự sát. Nay con không cần tìm mà vẫn được con dao.

Phật dạy Phú Lâu Na, nếu có đầy đủ sự nhiếp phục và an tịnh ấy, tôn giả có thể đến sống tại xứ kia. Sau khi đến đấy chỉ trong một mùa an cư, tôn giả đã hóa độ cho nhiều cư dân và chứng ba minh. Khi nghe tôn giả mệnh chung, chúng tỷ kheo đến hỏi Phật chỗ tái sanh của tôn giả. Phật dạy vị ấy đã nhập niết bàn.

III. CHÚ GIẢI

Do có hân hoan mới có khổ; không hân hoan thì không khổ. Thái độ không hân hoan này không phải chán đời mà là hỷ túc: vui với bất cứ hoàn cảnh nào gặp phải; giải thoát mọi ham muốn.

  1. PHÁP SỐ
    V. KỆ TỤNG

Tôn giả Phú Lâu Na
Ðến xin thỉnh giáo Phật
Trước khi đi tha phương
Ðể du hành du hóa.
Phật giáo giới vắn tắt:
Các sắc mắt nhận thức
Có liên hệ đến dục,
Khả ái và hấp dẫn;
Nếu tỷ kheo hoan hỷ,
Tán thưởng và chấp thủ
Tham đắm trong sắc ấy,
Thì hân hoan sinh ra.
Do hân hoan, có khổ.
Không đam mê trong đó
Thì hân hoan cũng diệt
Do vui diệt, khổ diệt.
Với thanh hương vị xúc
Và pháp cũng như vậy.
Rồi đức Thế tôn hỏi
Tôn giả sẽ đi đâu?
Con đến xứ Du na
Và sẽ sống tại đấy.
Này hỡi Phú Lâu Na
Dân xứ đó hung ác
Nếu lỡ chúng mắng nhiếc
Nhục mạ ông thì sao?
Bạch Thế tôn, con nghĩ
Họ vẫn còn hiền thiện,
Vì không dùng tay đánh
Nếu họ lại đánh ông?
Con thấy họ còn tốt,
Vì chỉ dùng tay đánh
Không ném đất vào con.
Nếu ngươi bị ném đất?
Con nghĩ họ còn tốt
Vì không đánh bằng gậy
Nếu họ dùng gậy đánh?
Con sẽ thấy họ tốt
Vì chưa dùng đến dao
Nếu họ đánh bằng dao,
Con nghĩ họ vẫn tốt
Vì không dùng dao bén
Ðến nỗi đoạt mạng con.
Nếu họ lấy dao bén
Ðoạt mạng sống của con,
Thì con sẽ nghĩ rằng
Có những đệ tử Phật
Vì nhàm chán thân thể
Tìm con dao tự sát.
Nay con không cần tìm
Mà vẫn được con dao…
Phật dạy Phú Lâu Na,
Ðầy đủ sự nhiếp phục
Và an tịnh như thế,
Tôn giả có thể đi
Ðến sống tại xứ kia.
Sau một mùa an cư,
Tại xứ Du na ấy
Tôn giả đã hóa độ
Cho rất nhiều cư dân
Và đã chứng ba minh.
Khi tôn giả mệnh chung,
Chúng tỷ kheo hỏi Phật
Chỗ tái sanh tôn giả.
Phật dạy: Phú Lâu Na
Là một bậc hiền giả
Thực hành Pháp, tùy Pháp
Không phiền nhiễu Thế tôn
Vị thiện nam tử ấy
Nay đã nhập Niết bàn.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 25

Post Views: 682