Toát yếu Trung bộ 062 : Ðại Kinh Giáo giới La Hầu La

Toát yếu Trung bộ 062 : Ðại Kinh Giáo giới La Hầu La

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 62

Ðại Kinh Giáo giới La Hầu La

  1. TOÁT YẾU

Mahàràhulovàda Sutta – The Greater Discourse of Advice to Ràhula.

The Buddha teaches Ràhula the meditation on the elements, on mindfulness of breathing, and other topics.

Bài giảng dài để khuyên dạy La hầu la

Phật dạy cho La hầu la pháp thiền quán về các đại chủng, về niệm hơi thở, và các đề tài khác.

  1. TÓM TẮT

Trong lúc cùng đi khất thực, Phật quay lại bảo tôn giả La hầu la [1] đang đi sau Ngài: “Hãy chân chính quán tất cả sắc pháp không phải của ta, không phải là ta hay tự ngã của ta. Thọ, tưởng, hành, thức cũng quán như vậy [2].

Sau khi nghe lời dạy vắn tắt, tôn giả liền trở lui về ngồi thiền định dưới một gốc cây. Thấy thế, tôn giả Xá lợi Phất khuyên La hầu la hãy niệm hơi thở [3], sẽ được nhiều lợi ích.

Sau khi ra khỏi thiền định, tôn giả La hầu la đến hỏi Phật về pháp môn niệm hơi thở. Trước khi dạy pháp niệm hơi thở, Phật dạy pháp môn quán đại chủng [4] trong thân và ngoài thân; dạy hãy tu tập như đất, nước, lửa, gió và hư không [5], để lạc khổ khởi lên không xâm chiếm tâm và an trú [6]; dạy tu tập tâm Từ để trị sân, tu Bi để trị hại, tu Hỷ để trị bất lạc, tu Xả để trị hận, quán bất tịnh để trị tham ái, quán vô thường để trị kiêu mạn.

Sau hết, Phật dạy pháp niệm hơi thở [7] gồm 4 mục thân, thọ, tâm, pháp, mỗi mục bốn đề tài; và cho biết nếu tu tập niệm hơi thở đến chỗ thuần thục, thì sẽ tỉnh giác khi thở hơi cuối cùng [8].”

III. CHÚ GIẢI

  1. Theo Luận, bài kinh này được giảng cho Ràhula khi ông vừa 18 tuổi, cốt để xua tan những dục vọng liên hệ đến đời sống tại gia.
  2. Luận: Trong lúc Ràhula đang theo sau Phật, ông để ý và tán thán vẻ tuyệt mỹ của thân hìnhđức đạo sư, và nhớ lại mình, ông nghĩ:”Ta cũng đẹp trai như đức Thế tôn cha ta. Hình thể của Phật thật đẹp và hình thể của ta cũng thế.” Phật đọc được tư tưởng Ràhula nên đã quở trách ông ngay, để những tư tưởng vô lối như vậy khỏi dẫn ông đến rắc rối trầm trọng hơn. Ở đây đức Phật khuyến cáo với lời dạy hãy quán thân thể này không phải là một tự ngã, cũng không phải sở hữu của một tự ngã (không phải là tôi hay của tôi).
  3. Tôn giả Xá lợi Phất thầy của Ràhula đã cho Ràhula lời khuyên này vì không biết ông đã được Phật dạy một pháp thiền quán khác. Thấy Ràhula ngồi kiết già, tôn giả tưởng ông đang thực hành niệm hơi thở.
  4. Ở đây đức Phật giải thích pháp quán 4 đại thay cho quán hơi thở, để đánh tan sự bám víu của La hầu la vào thân thể, vì sự bám víu này chưa được tẩy trừ với lời giảng vắn tắt trước đấy về tính vô ngã của sắc pháp (tức thân thể).
  5. Hư không không phải là 1 đại, nhưng nó được xếp vào loại sở tạo sắc.
  6. Ðoạn này được dạy để chỉ rõ tính vô phân biệt của đất, nước, lửa, gió, hư không.
  7. Xem giải thích về niệm hơi thở trong kinh 118.
  8. Có nghĩa là, vị thiền giả chết một cách an tịnh với chính niệm tỉnh giác.
  9. PHÁP SỐ

Bốn niệm xứ, bốn đại, bốn phạm trú, năm uẩn.

  1. KỆ TỤNG

Trên đường đi khất thực
Ngoái nhìn La hầu la
Phật dạy: “Hãy quán sát
Không ta, không của ta
Tất cả các sắc pháp
Dù trong, ngoài, đẹp, xấu
Ðều không phải là ta
Hay tự ngã của ta.
Cũng quán sát như vậy
Về thọ, tưởng, hành, thức.”
Nghe lời dạy vắn tắt
Tôn giả về tọa thiền
Bậc thầy Xá lợi phất
Trông thấy ông ngồi thiền
Khuyên hãy niệm hơi thở
Sẽ lợi lạc vô biên.
Bởi thế La hầu La
Khi ra khỏi thiền định,
Lại đi đến hỏi Phật
Về pháp niệm hơi thở.
Phật dạy La hầu La:
“Tóc lông móng răng da
Những vật cứng trong, ngoài
Ðều thuộc về địa giới.
Chất lỏng ở trong thân
Bị chấp, thuộc cá nhân
Cũng như nước bên ngoài
Ðều thuộc về thủy giới.
Cái gì thuộc chất nóng
Làm tiêu hóa, hủy hoại,
Trong thân và ở ngoài
Ðều thuộc về hỏa giới.
Có gì có tính động
Bị chấp thủ trong thân
Cũng như gió bên ngoài
Là thuộc về phong giới.
Những chỗ rỗng trong thân
Như lỗ tai lỗ mũi
Cùng hư không bên ngoài
Ðều thuộc hư không giới.
Như đất nhận uế dơ
Ngươi hãy nên tu tập
Khi xúc lạc bất lạc
Tâm bất động như như
Như nước rửa sạch làu
Mọi vật tịnh bất tịnh
Hãy tu tập như nước
Không giao động, lo sầu.
Như lửa đốt tất cả
Sạch sẽ cùng ô uế
Hãy tu tập như lửa
Bất động, không lo âu.
Hãy tu tập như gió
Cuốn phăng vật sạch dơ
Lạc bất lạc khởi lên
Không chiếm tâm an trú.
Như hư không không giữ
Không trú một nơi nào
Chớ để lạc bất lạc
Xâm chiếm trú tâm ngươi
Hãy tu tập lòng Từ
Sân tâm sẽ diệt trừ
Hãy tu tập tâm Bi
Ðể dứt lòng tác hại.
Hãy tu tập tâm Hỷ
Ðể diệt trừ Bất lạc
Và tu tập tâm Xả
Ðể trừ oán hận tâm.
Tu tập quán Bất tịnh
Ðể trừ tâm tham ái
Tu tập quán vô thường
Trừ ngã mạn, kiêu căng.
Hãy tu niệm Hơi thở
Theo dõi hơi ra, vào,
Cảm giác toàn hơi thở
Dài ngắn đều biết rõ;
Mười sáu đề mục quán
Về thân, thọ, tâm, pháp
Mỗi thứ gồm bốn pháp
Hãy ghi nhớ nằm lòng.
Tu tập niệm hơi thở
Khi đã được viên thành
Sẽ có quả báo lớn:
Chết tỉnh giác, an nhiên.”

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 28

Post Views: 275