Toát yếu trung bộ 072 : Aggivacchagotta

Toát yếu trung bộ 072 : Aggivacchagotta

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 72

Aggivacchagotta

  1. TOÁT YẾU

Aggivacchagotta Sutta – To Vacchagotta on Fire.

The Buddha explains to a wanderer why he does not hold any speculative views. With the smile of an extinguished fire he tries to indicatethe destiny of the liberated being.

Giảng cho Vachchagotta về ngọn lửa.

Phật giảng cho một du sĩ tại sao Ngài không giữ một quan điểm tư duy nào. Với ví dụ ngọn lửa, Ngài cố nói ra số phận của người đã giải thoát.

  1. TÓM TẮT

Du sĩ ngoại đạo Vacchagotta đến hỏi Phật: Thế giới là thường trú hay vô thường? Thế giới là hữu biên hay vô biên? Thân và mạng là một hay khác [1]? Sau khi chết Như Lai có tồn tại hay không tồn tại? Hay vừa tồn tại vừa không tồn tại, hay không tồn tại cũng không tồn tại [2]?

Ðức Phật phủ nhận tất cả, cho đấy là rừng tà kiến, kiến trói buộc, đưa đến tranh chấp hí luận, không đưa đến ly tham, an tịnh, giác ngộ, Niết bàn. Vì thấy sự nguy hại của quan điểm nên Phật không chấp nhận chúng [3]. Tất cả tà kiến đã được Như Lai đoạn trừ. Nhưng đây là điều Như Lai đã thấy: đây là sắc, tập khởi của sắc, đoạn diệt của sắc. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức, cũng vậy. Với sự đoạn diệt, xả ly mọi ảo tưởng về ngã, ngã sở, mạn tùy miên, Như Lai hoàn toàn giải thoát không chấp thủ.

Khi ấy Vacchagotta hỏi một vị giải thoát như vậy sinh về đâu? Phật đáp sinh không áp dụng cho vị ấy.

Vacchagotta lại hỏi Phật có phải vị ấy không sinh? Phật trả lời: không sinh cũng không áp dụng [4]. Ðối với hai mệnh đề sau, vừa có vừa không, và không có cũng không không, cũng vậy.

Vacchagotta đâm ra hoang mang mờ mịt, nói rằng một số tin tưởng do các cuộc đàm thoại trước đây mang lại đã biến mất nơi ông. Phật dạy thật khó cho Vacchagotta để hiểu được điều này, khi ông thuộc về ngoại đạo, vì pháp này thật sâu kín khó thấy, tế nhị, chỉ bậc trí hiểu nổi.

Phật hỏi Vacchagotta, khi ngọn lửa đang cháy, ông có thể biết nó đang cháy, biết nhân và duyên của nó. Nhưng khi nó tắt, ông có thể biết ngọn lửa ấy đã đi về phương hướng nào hay không? Vacchagotta trả lời không, vì ngọn lửa đã tắt do hết nhiên liệu.

Phật dạy: Cũng vậy, do sắc pháp [5] mà người ta nhận biết Như Lai, nhưng sắc pháp ấy được Như Lai đoạn diệt làm cho không thể sinh khởi trong tương lai. Như Lai đã giải thoát khỏi sắc pháp, cho nên có sinh, không sinh, vừa có vừa không, không có không không, đều không áp dụng được. Với thọ, tưởng, hành, thức nơi Như Lai cũng vậy, đều đã được cắt đứt tận gốc rễ không thể sinh khởi trong tương lai, nên bốn trường hợp trên đây không áp dụng [6].

Du sĩ ngoại đạo nghe xong ca tụng Phật dùng nhiều phương tiện trình bày chính pháp, và xin quy y.

III. CHÚ GIẢI

  1. Quan điểm cho rằng mạng và thân là một là thuyết duy vật, vì thân mạng vào thân xác. Quan điểm cho rằng mạng khác thân là một thường kiến, chấp trường tồn, xem mạng hay linh hồn là một nguyên lý tâm linh trường cửu có thể hiện hữu độc lập với thân xác.
  2. Quan điểm cho rằng Như Lai hiện hữu sau khi chết là một kiểu thường kiến, xem Như Lai có một bản ngã đạt đến giải thoát vĩnh viễn sau khi thân xác chết. Quan điểm cho rằng Như Lai không hiện hữu sau khi chết cũng nhận Như Lai có một bản ngã, nhưng bản ngã này bị hủy diệt khi thân xác chết. Quan điểm thứ 3 tổng hợp 2 quan điểm này, bị Phật bác bỏ vì cả 2 thành phần đều bao hàm tà kiến. Quan điểm thứ tư có vẻ đầy hoài nghi, cố chối bỏ cả 2 trường hợp trên, hoặc cố tránh giữ một lập trường nhất định.
  3. Trong Pàli ở đây có sự chơi chữ giữa Ditthi gatta, có nghĩa là quan điểm trừu tượng mà Như Lai đã gạt bỏ và Dittha, nghĩa là những gì được thấy bằng tri kiến trực tiếp của Như Lai, nghĩa là sự sinh và diệt của 5 uẩn.
  4. Luận nói “không sinh trở lại” có nghĩa vị A la hán không còn trải qua một đời sống mới. Nhưng nếu Vacchagotta nghe lời này, ông ta sẽ hiểu lầm là đoạn diệt, nên Phật phủ nhận.
  5. Luận nói đây là sắc pháp qua đó người ta mô tả Như Lai là một tự ngã có sắc pháp. Luận thêm sắc pháp đã được từ bỏ nhờ sự từ bỏ những kiết sử liên hệ đến nó, nên nó không thể nào trở lại trong tương lai.
  6. Ðoạn này cần liên hệ đến ví dụ về ngọn lửa tắt. Cũng như không thể nói ngọn lửa tắt đã đi về hướng nào. Như Lai cũng vậy khi đạt đến Niết bàn tối hậu, không thể được mô tả theo 4 trường hợp trên kia, “có, không, vừa có vừa không, vừa không có vừa không không.”
  7. PHÁP SỐ

Bốn vấn đề bất thuyết: về thời gian, không gian của thế giới, về thân mạng, về Như Lai. Bốn cú.

  1. KỆ TỤNG

Một du sĩ ngoại đạo
Tên Vacchagotta
Đi đến hỏi Thế tôn
Thế giới thường, vô thường?
Thế giới hữu, vô biên?
Thân, mạng một hay khác?
Như Lai sau khi chết
Có tồn tại hay không
Hay vừa còn vừa mất
Hay không mất không còn?
Phật phủ nhận tất cả
Cho là rừng tà kiến
“Kiến trói buộc con người
Gây tranh chấp hí luận
Không đưa đến ly tham
Giác ngộ và Niết bàn
Vì thấy sự nguy hại
Của các loại quan điểm
Nên Phật không chấp nhận
Bất cứ quan điểm nào.
Như Lai đã đoạn trừ
Tất cả các tà kiến
Nhưng Ngài đã thấy được:
Sắc và tập khởi sắc
Sự đoạn diệt của sắc
Và con đường đoạn diệt
Với thọ, tưởng, hành, thức
Cũng thấy biết như vậy.
Xả ly mọi ảo tưởng
Về ngã và ngã sở
Cùng với mạn tùy miên
Ngài giải thoát chấp thủ.”
Vacchagotta hỏi
– Vị giải thoát như vậy
Sẽ tái sinh về đâu?
“Sinh hay là không sinh
Hoặc vừa có vừa không,
Không có cũng không không
Ðều không thể áp dụng
Với người đã giải thoát.
Như ngọn lửa đang cháy,
Ta thấy được nhân duyên
Nhưng khi nó đã tắt
Biết nó đi đằng nào?
Như ngọn lửa đang cháy,
Ta thấy được nhân duyên
Nhưng khi nó đã tắt
Biết nó đi đằng nào?
Như lửa hết nhiên liệu
Sắc pháp nơi Như Lai
Ðược hoàn toàn đoạn diệt
Không sinh khởi tương lai
Như Lai đã giải thoát
Sắc thọ tưởng hành thức
Nên có sinh, không sinh
Ðều không áp dụng được.”
Du sĩ ca tụng Phật
Khéo trình bày chính pháp
Và ông xin Thế tôn
Nhận ông làm đệ tử.

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 24

Post Views: 267