»» Kinh Dạy Vacchagotta Về Lửa

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

Kinh Dạy Vacchagotta Về Lửa

(Aggivacchagotta sutta)
Dịch giả: Thích Minh Châu

 


(Download file MP3
– 3.14 MB – Thời gian phát: 18 phút 16 giây.)

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) Jetavana (Kỳ-đà-Lâm), tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Rồi du sĩ ngoại đạo Vacchagotta đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, du sĩ ngoại đạo Vacchagotta bạch Thế Tôn:

— Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri kiến như sau: “Thế giới là thường trú, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”?

— Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: “Thế giới là thường trú, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”.

— Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri kiến như sau: “Thế giới là vô thường, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”?

— Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: “Thế giới là vô thường, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”.

— Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri kiến như sau: “Thế giới là hữu biên, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”?

— Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: “Thế giới là hữu biên, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”.

— Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri kiến như sau: “Thế giới là vô biên, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”?

— Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: “Thế giới là vô biên, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”.

— Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri kiến như sau: “Sinh mạng và thân thể là một, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”?

— Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: “Sinh mạng và thân thể là một, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”.

— Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri kiến như sau: “Sinh mạng và thân thể là khác, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”?

— Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: “Sinh mạng và thân thể là khác, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”.

— Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri kiến như sau: “Như Lai có tồn tại sau khi chết, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”?

— Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: “Như Lai có tồn tại sau khi chết, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”.

— Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri kiến như sau: “Như Lai không có tồn tại sau khi chết, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”?

— Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: “Như Lai không có tồn tại sau khi chết, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”.

— Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri kiến như sau: “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”?

— Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: “Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”.

— Tôn giả Gotama, phải chăng Tôn giả Gotama có tri kiến như sau: “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”?

— Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”.

— Sao vậy, thưa Tôn giả Gotama? Khi được hỏi: “Phải chăng Tôn giả Gotama có tri kiến như sau: “Thế giới là thường trú, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”?, Tôn giả Gotama đã trả lời: “Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: “Thế giới là thường trú, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”. Sao vậy, thưa Tôn giả Gotama? Khi được hỏi: “Phải chăng Tôn giả Gotama có tri kiến như sau: “Thế giới là vô thường, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”? Tôn giả Gotama đã trả lời: “Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: “Thế giới là vô thường, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”. Sao vậy, thưa Tôn giả Gotama? Khi được hỏi: “Phải chăng Tôn giả Gotama có tri kiến như sau: “Thế giới là hữu biên, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”? Tôn giả Gotama đã trả lời: “Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: “Thế giới là hữu biên, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”. Sao vậy, thưa Tôn giả Gotama? Khi được hỏi: “Phải chăng Tôn giả Gotama có tri kiến như sau: “Thế giới là vô biên, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”?, Tôn giả Gotama đã trả lời: “Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: “Thế giới là vô biên, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”… Sao vậy, thưa Tôn giả Gotama? Khi được hỏi: “Phải chăng Tôn giả Gotama có tri kiến như sau: “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng”?, Tôn giả Gotama đã trả lời: “Này Vaccha, Ta không có tri kiến như sau: “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng” Tôn giả Gotama thấy có sự nguy hại gì mà Ngài không chấp nhận hoàn toàn những tri kiến này như vậy?

— Này Vaccha, nghĩ rằng: “Thế giới là thường trú”, như vậy là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược, đi đôi với khổ, với tàn hại, với não hại, với nhiệt não, không hướng đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

Này Vaccha, nghĩ rằng: “Thế giới là thường trú”… “Thế giới là vô thường”… “Thế giới là hữu biên”… “Thế giới là vô biên”… “Sinh mạng và thân thể là một”… “Sinh mạng và thân thể là khác”… “Như Lai có tồn tại sau khi chết”… “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”… “Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết”… Này Vaccha, nghĩ rằng: “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, như vậy là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược, đi đôi với khổ, với tàn hại, với não hại, với nhiệt não, không hướng đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này Vaccha, Ta thấy có sự nguy hại này mà Ta không chấp nhận hoàn toàn những tri kiến như vậy.

— Nhưng Tôn giả Gotama có tà kiến nào không?

— Này Vaccha, tà kiến đã được Như Lai đoạn trừ. Nhưng này Vaccha, đây là điều Như Lai đã thấy: “Ðây là sắc, đây là sắc tập, đây là sắc diệt; đây là thọ, đây là thọ tập, đây là thọ diệt; đây là tưởng, đây là tưởng tập, đây là tưởng diệt; đây là hành, đây là hành tập, đây là hành diệt; đây là thức, đây là thức tập, đây là thức diệt”. Do vậy, ta nói rằng, với sự đoạn trừ, ly tham, đoạn diệt, xả bỏ, vứt bỏ tất cả ảo tưởng của tất cả hôn mê, của tất cả ngã kiến, ngã sở kiến, mạn tùy miên, mà Như Lai được giải thoát, không còn chấp thủ.

— Thưa Tôn giả Gotama, một Tỷ-kheo được tâm giải thoát như vậy sanh khởi chỗ nào?

— Sanh khởi, này Vaccha, không có áp dụng.

— Như vậy, Tôn giả Gotama, vị ấy không sanh khởi?

— Không sanh khởi, này Vaccha, không có áp dụng.

— Như vậy, Tôn giả Gotama, vị ấy sanh khởi và không sanh khởi?

— Sanh khởi và không sanh khởi, này Vaccha, không có áp dụng.

— Như vậy, Tôn giả Gotama, vị ấy không sanh khởi và không không sanh khởi?

— Không sanh khởi và không không sanh khởi, này Vaccha, không có áp dụng.

— Khi được hỏi: “Tôn giả Gotama, vị Tỷ-kheo được tâm giải thoát như vậy sanh khởi tại chỗ nào?”, Tôn giả đáp: “Sanh khởi, này Vaccha, không có áp dụng”. Khi được hỏi: “Như vậy, Tôn giả Gotama, vị ấy không sanh khởi?” Tôn giả đáp: “Không sanh khởi, này Vaccha, không có áp dụng”. Khi được hỏi: “Như vậy, Tôn giả Gotama, vị ấy sanh khởi và không sanh khởi?”, Tôn giả đáp: “Sanh khởi và không sanh khởi, này Vaccha, không có áp dụng”. Khi được hỏi: “Như vậy, Tôn giả Gotama, vị ấy không sanh khởi và không không sanh khởi?”, Tôn giả đáp: “Không sanh khởi và không không sanh khởi, này Vaccha, không có áp dụng”. Thưa Tôn giả Gotama, tôi trở thành vô tri về điểm này, tôi trở thành mê mờ về điểm này, và một số tin tưởng tôi đã có đối với Tôn giả Gotama do các cuộc đàm thoại lúc trước đem lại, nay đã biến mất nơi tôi.

— Này Vaccha, thôi vừa rồi, vô tri của Ông! Thôi vừa rồi, mê mờ (của Ông)! Này Vaccha, sâu kín là pháp này, khó thấy, khó giác ngộ, an tịnh, thù thắng, không thể luận bàn, tế nhị, chỉ bậc trí mới hiểu. Thật rất khó cho Ông có thể hiểu được, khi Ông thuộc tri kiến khác, kham nhẫn khác, lý tưởng khác, hành trì khác, đạo sư khác. Và này Vaccha, nay Ta trở lại hỏi Ông. Hãy trả lời nếu Ông kham nhẫn. Này Vaccha, Ông nghĩ thế nào? Nếu một ngọn lửa cháy đỏ trước mặt Ông, Ông có biết: “Ngọn lửa này cháy đỏ trước mặt tôi?”

— Tôn giả Gotama, nếu một ngọn lửa cháy đỏ trước mặt tôi, tôi có biết: “Ngọn lửa này cháy đỏ trước mặt tôi”?

— Nhưng nếu, này Vaccha, có người hỏi Ông như sau: “Ngọn lửa này cháy đỏ trước mặt Ông, ngọn lửa này do duyên gì mà cháy đỏ?”, nếu được hỏi vậy, này Vaccha, Ông trả lời như thế nào?

— Thưa Tôn giả Gotama, nếu có người hỏi tôi như sau: “Ngọn lửa này cháy đỏ trước mặt Ông, ngọn lửa này do duyên gì mà cháy đỏ?”, nếu được hỏi vậy, thưa Tôn giả Gotama, tôi sẽ trả lời như sau: “Ngọn lửa cháy đỏ trước mặt tôi, ngọn lửa này cháy đỏ do duyên nhiên liệu cỏ và củi”.

— Này Vaccha, nếu ngọn lửa ấy bị tắt trước mặt Ông, Ông có biết: “Ngọn lửa này đã tắt trước mặt tôi?”

— Tôn giả Gotama, nếu ngọn lửa ấy được tắt trước mặt tôi, tôi sẽ biết: “Ngọn lửa này đã tắt trước mặt tôi”.

— Này Vaccha, nếu có người hỏi Ông như sau: “Ngọn lửa này đã tắt trước mặt Ông, ngọn lửa ấy từ đây đã đi về phương hướng nào, phương Ðông, phương Tây, phương Bắc, hay phương Nam?”, được hỏi vậy, này Vaccha, Ông trả lời thế nào?

— Không có thể áp dụng ở đây, Tôn giả Gotama. Vì rằng, này Tôn giả Gotama, ngọn lửa ấy đã cháy vì duyên nhiên liệu cỏ và củi. Khi cỏ và củi ấy hết và vì không có nhiên liệu khác, nên được xem là không có nhiên liệu, đã bị tắt.

— Cũng vậy, này Vaccha, do sắc pháp này, nhờ đó mà một người nhận biết Như Lai có thể nhận biết được, sắc pháp ấy đã được Như Lai đoạn diệt, cắt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala không được tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Giải thoát khỏi cái gọi là sắc, này Vaccha, là Như Lai, thâm sâu, vô lượng, khó dò đến đáy như đại dương. Khởi lên không có áp dụng, không khởi lên không có áp dụng, khởi lên và không khởi lên không có áp dụng, không khởi lên và không không khởi lên không có áp dụng.

Do thọ này, nhờ đó mà một người nhận biết Như Lai có thể nhận biết được, thọ ấy đã được Như Lai đoạn diệt, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala không được tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Giải thoát cái gọi là thọ, này Vaccha, là Như Lai, thâm sâu, vô lượng khó dò đến đáy đại dương, khởi lên không có áp dụng, không khởi lên không có áp dụng, khởi lên và không khởi lên không có áp dụng, không khởi lên và không không khởi lên không có áp dụng.

Do tưởng này, nhờ đó mà một người nhận biết Như Lai có thể nhận biết được, tưởng ấy đã được Như Lai đoạn diệt, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala không được tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Giải thoát cái gọi là tưởng, này Vaccha, là Như Lai, thâm sâu, vô lượng, khó dò đến đáy đại dương, khởi lên không có áp dụng, không khởi lên không có áp dụng, khởi lên và không khởi lên không có áp dụng, không khởi lên và không không khởi lên không có áp dụng.

Do những hành này, nhờ đó mà một người nhận biết Như Lai có thể nhận biết được, các hành ấy đã được Như Lai đoạn diệt, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala không được tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Giải thoát những cái gọi là hành, này Vaccha, là Như Lai, thâm sâu, vô lượng khó dò đến đáy đại dương, khởi lên không có áp dụng, không khởi lên không có áp dụng, khởi lên và không khởi lên không có áp dụng, không khởi lên và không không khởi lên, không có áp dụng.

Do thức này, nhờ đó mà một người nhận biết Như Lai có thể nhận biết được, cái thức ấy đã được Như Lai đoạn diệt, cắt đứt được tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala không được tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Giải thoát cái gọi là thức, này Vaccha, là Như Lai, thâm sâu, vô lượng, khó dò đến đáy như đại dương, khởi lên không có áp dụng, không khởi lên không có áp dụng, khởi lên và không khởi lên không có áp dụng, không khởi lên và không không khởi lên không có áp dụng.

Khi được nói vậy, du sĩ ngoại đạo Vacchagotta bạch Thế Tôn:

— Thưa Tôn giả Gotama, như một cây tala lớn, không xa làng hay thị trấn, vì vô thường nên cành lá rơi rụng, vỏ và đọt non rơi rụng, giác cây rơi rụng và sau một thời gian, với cành lá rơi rụng, với vỏ và đọt non rơi rụng, với giác cây rơi rụng, cây ấy thuần tịnh chỉ còn lại lõi cây. Cũng vậy, lời nói này của Tôn giả Gotama, với cành lá rơi rụng, với vỏ và đọt non rụng, với giác cây rơi rụng, lời nói ấy thuần tịnh, chỉ còn lại lõi cây.

Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.

Source link

Phần lược giải

Trung Bộ Kinh – Bài Kinh số 72
Kinh Aggivacchagotta
(Aggivacchagottasuttam)

  1. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Các từ ngữ quen thuộc)

  1. NỘI DUNG BẢN KINH  AGGIVACCHAGOTTA
  2. Vacchagotta, một chàng du sĩ ngoại đạo trên đường thao thức tìm kiếm sự thật của con người và cuộc đời, bị tư duy và nhiều câu hỏi ám ảnh tâm trí, thường đến yết kiến Thế Tôn để lắng nghe các câu trả lời. Giữa nhiều thắc mắc, một lần ở thành Sàvatthì, Thắng Lâm, Vacchagotta bạch hỏi Thế Tôn mười câu hỏi siêu hình:
  3. Thế giới là thường? Chỉ như vậy là thật, ngoài ra là hư vọng.
  4. Thế giới là vô thường? Chỉ như vậy là thật, ngoài ra là hư vọng.
  5. Thế giới là hữu biên? Chỉ như vậy là thật, ngoài ra là hư vọng.
  6. Thế giới là vô biên? Chỉ như vậy là thật, ngoài ra là hư vọng.
  7. Cơ thể và sinh mạng(life principle; soul) là một? Chỉ như vậy là thật, ngoài ra là hư vọng.
  8. Cơ thể và sinh mạng là khác? Chỉ như vậy là thật, ngoài ra là hư vọng.
  9. Như Lai tồn tại sau khi chết? …
  10. Như Lai không tồn tại sau khi chết?…
  11. Như Lai có và không tồn tại sau khi chết?
  12. Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?

– Đức Thế Tôn không có chủ trương về các vấn đề nêu trên. Vacchagotta kinh ngạc thốt lên:” Ngài thấy có sự nguy hại gì mà Ngài không chấp nhận hoàn toàn những tri kiến như vậy? “

– Đức Thế Tôn xác định: ” Chủ trương một trong mười điều trên là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược, đi đôi với khổ, với tàn hại, với não hại, với nhiệt não, không hướng đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng tri, giác ngộ, Niết Bàn “

2.Vacchagotta lại hỏi:” Thế thì tôn giả Gotama có tà kiến nào không? – Tà kiến đã được Như Lai đoạn trừ. Như Lai đã giải thoát, không còn chấp thủ (do đã thấy rõ sự thật của Sắc (Thọ, Tưởng, Hành, Thức), Sắc tập, Sắc diệt.

-Thưa tôn giả Gotama, một Tỷ kheo được tâm giải thoát như vậy sanh khởi chỗ nào? Không sanh khởi? Sanh khởi và không sanh khởi? Không sanh khởi và không không sanh khởi?

Thế Tôn đều đáp: Bốn câu hỏi nầy không thể áp dụng .

– Bấy giờ tâm thức Vacchagotta, trước các câu trả lời của Thế Tôn, trở nên mờ mịt, nghi ngờ cả Thế Tôn!

  1. Thế Tôn đưa raảnh dụ ngọn lửa do nhiên liệu, cỏ và củi và hỏiVacchagotta khi ngọn lửa tắt: ” Ngọn lửa đi về phương hướng nào? Phương Đông? Tây? Nam? Bắc? …

– Vacchagotta đáp: Các câu hỏi ấy không thể áp dụng ở đây.

– Thế Tôn cắt nghĩa: con người nhận biết Như Lai qua năm uẩn (đồng hóa Như Lai với năm uẩn), nhưng năm uẩn đã được Như Lai đoạn diệt, cắt đứt tận gốc rễ, không thể tái sinh; Như Lai đã giải thoát khỏi năm uẩn (thể nhập vào thực tại như thực) nên các câu hỏi của Vacchagotta đặt ra về Như Lai không thể áp dụng ở đây.

III. BÀN THÊM

  1. Mười câu hỏi siêu hình trên bao hàm ba nội dung siêu hình:

1.1. Bốn câu hỏi đầu là hỏi về Thế giới, Vũ trụ: câu hỏi 1 và 2 là câu hỏi về thời gian, liên hệ yếu tố thời gian; câu hỏi 3 và 4 là hỏi về không gian, liên hệ yếu tố không gian.

Văn học phương Đông dịch nghĩa: Vũ trụ: Thời và không trong câu nói:

” Tứ phương thượng hạ chi Vũ
Cố vãng kim lai thị chi trụ
(Vũ: khắp hết không gian; trụ: từ xưa đến nay)

Đó là bốn câu hỏi về sự thật của Vũ trụ, về bản chất của Vũ trụ. Đây là vấn đề Bản thể luận (Ontology) thuộc Siêu hình học phương Tây (Metaphysique)

1.2. Hai câu hỏi 5 và 6 là hỏi về sự thật con người bao gồm Cơ thể (Sắc) và Sinh mệnh (Jìva: Life principle; Soul) là phần tâm thức (Thọ, tưởng, hành và thức uẩn).

Hỏi về con người của hiện tượng giới như là hỏi về một hiện hữu sinh diệt. Đây cũng là vấn đề siêu hình.

1.3. Bốn câu hỏi cuối về Như Lai, hỏi về sự tồn tại của Như Lai, về chân như hay Niết bàn là những vấn đề rất siêu hình.

Tất cả câu hỏi đều được thành lập trên nền tảng của hai ý niệm: Thời gian và Không gian. Tất cả đều thuộc thế giới vận hành sinh diệt của hữu vi, trong khi Như Lai thì thuộc thế giới Vô vi. Các câu hỏi xuất hiện một cách qúa ngỡ ngàng xa lạ, hệt như dùng ngôn ngữ và khái niệm của loài cá để nói về tình cảm và trí tuệ của con người.

  1. Mười câu hỏi trên, hỏi về thế giới, con người, Như Lai, đều hàm ngụ một sự chấp nhận trước hết rằng: Thế giới là một ngã thể (self), con Người là một ngã thể, Như Lai là một ngã thể, không gian là một ngã thể, thời gian là một ngã thể, cơ thể là một ngã thể và sinh mệnh là một ngã thể. Và, ngã thể đó hầu như là bất biến, thường hằng.

Thực tế, các hiện hữu ấy là do Duyên mà sanh, không có tự ngã, là vô ngã, Như Lai là thực thể cũng là vô ngã. Hữu vi và Vô vi đều Vô ngã.

Ý niệm về ngã, ngã tưởng là sản phẩm của tư duy nhị nguyên, không phải là thực tại. Mười câu hỏi đều nhằm hỏi về các tự ngã (self), hỏi về gốc gác của các tự ngã vốn không hiện diện trong thực tại, thì hệt như câu hỏi về ” lông rùa “, ” sừng thỏ “, đẹp xấu, dài, ngắn v.v.. như là đang yêu và ghét người trong mộng. hật không có gì mộng mị hơn thế! Thật không có gì ngờ nghệch hơn thế!

Phương chi, Thế Tôn dạy chấp nhận tri kiến của 10 câu hỏi ấy là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến kiết phược …. dẫn đến khổ đau, não hại …

  1. Hỏi về hiện tượng giới (thế giới) và hỏi về con người là hỏi về một hiện hữu không thật. Không thật thì không có gốc, nên câu hỏi về nguồn gốc của nó trở nên không hợp, không thể thành lập hay không thể áp dụng.

Hệt như khi ngọn lửa tắt: ngọn lửa chỉ là hiện hữu của các duyên hợp: nhiên liệu, cỏ và củi khô; khi các duyên ấy hết có nghĩa là khi ngọn lửa không còn có mặt. Ngọn lửa không phải là một ngã thể thường hằng để có thể hỏi nó đi về đâu (!) Thực tại thì ở ngoài ngọn lửa, ở ngoài nhiên liệu, cỏ, củ, ở ngoài các khái niệm, nên không thể hỏi về nó.

Cũng thế, Như Lai thì ở ngoài mỗi uẩn, ở ngoài năm uẩn (đoạn diệt năm uẩn) Như Lai đã là thực tại như thực, đã thể nhập thực tại như thực, không ở trong phạm trù của năm uẩn , không ở trong thế giới khái niệm của đến, đi, sinh, diệt, nên không thể hỏi về Như Lai.

Câu hỏi đã không được thành lập thì câu trả lời cũng không được thành lập. Thế nên, trước các câu hỏi như thế, Thế Tôn thường im lặng, hay trả lời là câu hỏi không thể áp dụng (hoặc trả lời: không phải thế, không phải thế …)

  1. Hỏi về hiện hữu là mong biết về sự thật của hiện hữu. Hỏi và trả lời về hiện hữu, hay nói về, nghĩ về hiện hữu là nội dung của triết lý mà không phải của thực tại. Thực tại là cái gì để sống với. Phật giáo là con đường sống, để sống với, mà không phải để nói về. Vì thế Phật giáo chỉ nói đến sự thật thể nghiệm về khổ, về nguyên nhân của khổ, về khổ diệt và con đường đưa đến khổ diệt.

Vấn đề trọng tâm là đoạn tận khổ, nói khổ đau đang tràn ngập thực tại: đó là con đường, hay gọi là Đạo.

Các câu hỏi và trả lời được áp dụng, được chấp nhận đối với Phật giáo là hỏi và trả lời về con đường dập tắt các nguyên nhân gây ra khổ đau.

  1. Hỏi và trả lời hiện hữu , với Phật giáo, không phải chỉ là vấn đề vô lý, mà còn là vấn đề không cần thiết. Vấn đề đúng đắn và cấp thiết là đoạn khổ, đoạn tận lậu hoặc, như kinh nhỏ Màlunkyàputta, kinh số 63, đã đề cập đến câu chuyện ” mũi tên độc “.

Lậu hoặc tận thì sự thật của sự vật sẽ hiễn lộ.

  1. Theo sự thật Duyên khởi của giáo lý Phật giáo,con người và thế giớihay Danh sắc và Tam hữu, hai chi phần của 12 chi nhân duyên, chỉ là sự vận hành của vô minh, thức, ái, thủ… Sự vận hành này đã tạo ra nghiệp lực của chúng sanh. Tùy theo nghiệp lực mà chúng sinh có thân sắc, sinh mệnh khác nhau và cảm nghiệp khởi sinh ra thời gian, không gian khác nhau (cảnh giới khác nhau). Khi vô minh diệt, thức diệt, ái diệt hay thủ diệt thì Danh sắc diệt và Tam hữu (thế giới) diệt. Điều này gợi lên hình ảnh khi nhiên liệu cỏ, củi cháy hết (nghiệp dứt) thì ngọn lửa tắt (Nghĩa là Danh sắc và Tam hữu diệt). Khi Nghiệp dứt (ngọn lửa tắt) thì minh khởi, tuệ giải thoát biết rằng đã giải thoát khởi. Bấy giờ không thể đặt câu hỏi: nghiệp đi về đâu, ngọn lửa đi về đâu.

Về tuệ giải thoát tối thắng, hay Phật trí, hoặc Như Lai, đây là chỗ dừng lại, giới hạn cuối của các câu hỏi, bởi vì đây là câu trả lời đích thật nhất cho mọi thắc mắc của triết lý và siêu hình.

Trong kinh 72, Vacchagotta đã dừng bước du hành lang thang, nhưng lịch sử của triết học và khoa học của thế kỷ 20 của nhân loại lại tiếp bước lang thang của chàng du sĩ. Nhân loại đã phải trả giá quá đắt cho mỗi thập kỷ, đến cả hàng chục nghìn tỷ dollars cho các bước đi lang thang, cho cuộc tìm kiếm người trong mộng ấy, chỉ tiêu vào các chương trình không gian v.v…

Hiểu và chấp nhận bản kinh 72 nầy, thì hàng năm nhân loại có thể xây dựng cho mỗi gia đình một ngôi nhà đẹp đẽ, tiện nghi, chưa nói đến giá trị của hạnh phúc mà mỗi người có, khi trở về sống với thực tại.

Video giảng giải

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 40

Post Views: 611