»» Kinh Nhiều Cảm Thọ

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

Kinh Nhiều cảm thọ

(Bahuvedanīya sutta)
Dịch giả: Thích Minh Châu


    

(Download file MP3
– 1.8 MB – Thời gian phát: 10 phút 27 giây.)

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn ở tại Savatthi (Xá vệ), Jetavana (Rừng Kỳ đà), tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Rồi người thợ mộc Pancakanga (Ngũ Phần) đến Tôn giả Udayi (Ưu đà di), sau khi đến, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, người thợ mộc Pancakanga thưa Tôn giả Udayi:

— Thưa Tôn giả Udayi, Thế Tôn thuyết có bao nhiêu thọ?

— Này Gia chủ, Thế Tôn thuyết có ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Gia chủ, ba thọ này được Thế Tôn nói đến.

— Thưa Tôn giả Udayi, Thế Tôn không thuyết ba thọ. Thế Tôn chỉ thuyết hai thọ: lạc thọ, khổ thọ. Thưa Tôn giả, bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn thuyết là tối thắng lạc đối với vị đã chứng được tịch tịnh.

Lần thứ hai, Tôn giả Udayi nói với người thợ mộc Pancakanga:

— Này Gia chủ, Thế Tôn không thuyết hai thọ. Thế Tôn thuyết ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Gia chủ, ba thọ này được Thế Tôn nói đến.

Lần thứ hai, người thợ mộc Pancakanga thưa Tôn giả Udayi:

— Thưa Tôn giả Udayi, Thế Tôn không thuyết ba thọ. Thế Tôn chỉ thuyết hai thọ: lạc thọ, khổ thọ. Thưa Tôn giả, bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn thuyết là tối thắng lạc đối với vị đã chứng được tịch tịnh.

Lần thứ ba, Tôn giả Udayi nói với người thợ mộc Pancakanga:

— Này Gia chủ, Thế Tôn không thuyết hai thọ. Thế Tôn thuyết ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Gia chủ, ba thọ này được Thế Tôn nói đến.

Lần thứ ba, người thợ mộc Pancakanga thưa Tôn giả Udayi:

— Thưa Tôn giả Udayi, Thế Tôn không thuyết ba thọ. Thế Tôn chỉ thuyết hai thọ: lạc thọ, khổ thọ. Thưa Tôn giả, bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn thuyết là tối thắng lạc đối với vị đã chứng được tịch tịnh.

Như vậy, Tôn giả Udayi không thể thuyết phục được thợ mộc Pancakanga. Và thợ mộc Pancakanga cũng không thể thuyết phục được Tôn giả Udayi.

Tôn giả Ananda nghe được cuộc đàm thoại này giữa Tôn giả Udayi với thợ mộc Panacakanga. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda thuật lại Thế Tôn rõ toàn diện cuộc đàm thoại giữa Tôn giả Udayi và thợ mộc Pancakanga. Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:

— Này Ananda, dầu cho pháp môn của Udayi là đúng, nhưng thợ mộc Pancakanga không chấp nhận. Dầu cho pháp môn của người thợ mộc Pancakanga là đúng, nhưng Udayi không chấp nhận. Này Ananda, hai thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; ba thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; năm thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; sáu thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; mười tám thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; ba mươi sáu thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; một trăm lẻ tám thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn. Như vậy, này Ananda, pháp được Ta thuyết giảng tùy theo pháp môn.

Này Ananda, vì pháp được Ta thuyết giảng tùy theo pháp môn như vậy, nên đối với những ai không chấp nhận, không tán đồng, không tùy hỷ những điều được khéo nói, khéo thuyết, khéo trình bày cùng nhau, thời sự kiện này sẽ xẩy ra: họ sẽ sống đấu tranh, khẩu tranh, luận tranh, đả thương nhau với những binh khí miệng lưỡi. Như vậy, này Ananda pháp được Ta thuyết giảng tùy theo pháp môn. Này Ananda, vì pháp được Ta thuyết giảng tùy theo pháp môn như vậy, nên đối với những ai chấp nhận, tán đồng, tùy hỷ những điều được khéo nói, khéo thuyết, khéo trình bày cùng nhau, thời sự kiện này sẽ xẩy ra: họ sẽ sống hòa hợp, tán đồng, tùy hỷ với nhau, như nước với sữa, và nhìn nhau với cặp mắt tương ái.

Này Ananda, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức… các hương do mũi nhận thức… các vị do lưỡi nhận thức… các xúc do thân cảm xúc, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn. Này Ananda, như vậy là năm dục trưởng dưỡng. Này Ananda, duyên năm dục trưởng dưỡng này khởi lên lạc và hỷ, như vậy gọi là dục lạc.

Này Ananda, ai nói như sau: “Lạc và hỷ này là tối thượng mà các chúng sanh có thể cảm thọ”, Ta không thể chấp nhận như vậy. Vì sao vậy? Vì có một lạc khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn. Và này Ananda, lạc ấy khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ananda, ai nói như sau: “Lạc và hỷ này là tối thượng mà chúng sanh có thể cảm thọ”, Ta không thể chấp nhận như vậy. Vì sao vậy? Vì có một lạc thọ khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn. Và này Ananda, lạc ấy khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì? Ở đây, này Ananda, vị Tỳ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ananda, ai nói như sau: “Lạc và hỷ này là tối thượng…”,… vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ananda, ai nói như sau: “Lạc và hỷ này là tối thượng…”,… vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo, xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng và trú Thiền thứ tư không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ananda, ai nói như sau: “Lạc và hỷ này là tối thượng…”,… vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo vượt qua toàn diện sắc tưởng, diệt trừ hữu đối tưởng, không tư niệm sai biệt tưởng, nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Hư không vô biên xứ. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ananda, ai nói như sau: “Lạc và hỷ này là tối thượng…”,… vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo vượt qua toàn diện Hư không vô biên xứ, nghĩ rằng: “Thức là vô biên,” chứng và trú Thức vô biên xứ. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ananda, ai nói như sau: “Lạc và hỷ này là tối thượng…”,… vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo vượt qua toàn diện Thức vô biên xứ, nghĩ rằng không có vật gì, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ananda, ai nói như sau: “Lạc và hỷ này là tối thượng…”,… vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo vượt qua toàn diện Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ananda, ai nói như sau: “Lạc và hỷ này là tối thượng mà chúng sanh có thể cảm thọ”, Ta không thể chấp nhận như vậy. Vì sao vậy? Vì có một lạc thọ khác với lạc thọ kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn. Và này Ananda, lạc ấy khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo vượt qua toàn diện Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng định. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Sự kiện này xẩy ra, này Ananda, những du sĩ ngoại đạo có thể nói như sau: “Sa-môn Gotama nói đến Diệt thọ tưởng định, và chủ trương định ấy thuộc về lạc thọ. Như vậy là gì, như vậy là thế nào? Này Ananda, được nói vậy, các du sĩ ngoại đạo cần phải được trả lời như sau: “Này chư Hiền, Thế Tôn không chủ trương rằng chỉ có những gì tùy thuộc lạc thọ là thuộc về lạc; vì rằng, chư Hiền, Thế Tôn chủ trương rằng chỗ nào, chỗ nào có được lạc thọ, như vậy chỗ ấy, chỗ ấy thuộc về lạc”.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.



Source link

Phần chú giải

Trung Bộ Kinh – Bài Kinh số 59
Kinh Nhiều Cảm Thọ
(Bahu Vedaniyasuttam)
– Discourse On Much To Be Experienced –

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

– Năm thọ: Panca vedanà: Five feelings: lạc thọ khởi lên từ năm căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân căn).

– Sáu thọ: Cha vedanà: Six feelings: thọ do nhãn xúc sanh; thọ do nhĩ xúc sanh,… tỷ xúc…,…thiệt…,… thân…, ý xúc sanh.

– 18 thọ: Atthàdasa vedanà: Eighteen feelings: lạc thọ, khổ thọ, xả thọ (bất khổ, bất lạc) khởi lên từ sáu căn (6 x 3 = 18).

– 36 thọ: Chattimsà vedanà: Thirty six feelings: 18 thọ như vừa đề cập ở trên liên hệ đời sống gia đình, và 18 thọ như thế liên hệ đời sống xả ly (viễn ly)

– 108 thọ: Atthàsata vedanà (Atthàsata ở đây là 108; nơi khác chữ số Atthà satam có nghĩa là 800): One hundred and eight feelings: 36 thọ vừa nêu trên được kể thuộc quá khứ, hiện tại và vị lai thành 108 thọ (36 x 3 = 108).

Ghi chú:

1. Trong bản dịch Trung Bộ II, Đại Tạng Kinh Việt Nam, 1992 ghi rằng: “Hai thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn,…

Xin dịch lại là: “Hai thọ được Ta nói đến tùy theo một cách xếp loại“(từ pariyàya: có nghiã là Pháp môn; nó còn có nghiã là sự xếp hạng, xếp loạiliệt kê.

2. Lời dạy của Thế Tôn ở cuối bản kinh, bản dịch thuộc Đại Tạng kinh Việt Nam, Trung Bộ II, 1992 ghi:

“Nầy chư Hiền, Thế Tôn không chủ trương rằng chỉ có những gì tùy thuộc lạc thọ là thuộc về lạc; vì rằng, chư Hiền, Thế Tôn chủ trương rằng chỗ nàochỗ nào có được lạc thọ, như vậy chỗ ấy, chỗ ấy thuộc về lạc.”

Nguyên văn Pàli là: “Na kho àvuso Bhagavà sukham yeva vedanam sandhàya sukhasmim pannapeti. Api c’àvuso yattha yattha sukham upalabbhati yahim yahim tan tam Tathàgato sukhasmim pannapetìti”.

Bản dịch Anh ngữ: (Pàli text Society): “Your reverences, the Lord does not lay down that it is only pleasant feeling that belongs to happiness; for, your reverences, the Tathàgata lays down that whenever, wherever, whetever happiness is found it belongs to happiness”

Nay xin dịch là:

“Nầy chư Hiền, Thế Tôn không có đặt để nguyên tắc rằng chỉ có cảm thọ lạc (thích thú) là thuộc lạc (hạnh phúc); vì; nầy chư Hiền, Như Lai đặt để nguyên tắc rằng bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu lạc có mặt thì nơi đó, lúc đó thuộc lạc (hạnh phúc)”.

Lời dạy trên phân biệt rằng: Lạc (hay cảm nhận hạnh phúc) không phải chỉ đến từ cảm thọ mà có thể đến ngoài cảm thọ, như ở Diệt thọ tưởng định là định mà thọ uẩn và tưởng uẩn ngưng vận hành (không hoạt động, nghĩa là không có mặt cảm thọ).

Thực ra lạc (hay cảm nhận hạnh phúc) có thể đến từ sắc, thanh, hương, vị và xức khả ái, khả hỷ, nhưng lạc đó thì vô thường, chóng vánh; khi nó diệt đi còn để lại cảm thọ khổ. Lạc (hay cảm nhận hạnh phúc) còn đến từ sơ định, nhị định, tam định (Sắc giới) nhưng nó cũng do điều kiện nỗ lực tu tập sinh; nó vô thường và sẽ sản sinh cảm thọ khổ. Lạc đến từ đại định (từ đệ Tứ sắc định và bốn Không địnhlà các định đã xả lạc thọ, xả khổ thọ, định tĩnh, nhất tâm) cũng là lạc ở ngoài lạc thọ, những lạc nầy còn là hữu vi, vô thường. Lạc ở Diệt thọ tưởng định là lạc có mặt thoát ly các uẩn, thoát ly hữu vi, nên lạc nầy mới thực sự tối thắng.

II. NỘI DUNG KINH NHIỀU CẢM THỌ

1. Do cư sĩ Pancakango và tôn giả Udàyi tranh cãi về lời dạy Thế Tôn cho rằng có hai thọ (khổ, lạc), ba thọ (khổ, lạc, phi khổ phi lạc), không đi đến kết luận, nên tôn giả A-nan đã trình bạch Thế Tôn dạy rõ.

Thế Tôn dạy rằng có nhiều cách liệt kê các thọ mà Thế Tôn đã dạy: 2 thọ, 3 thọ, 5 thọ, 6 thọ, 18 thọ, 36 thọ, 108 thọ. Tùy chỗ phân tích các thọ cần thiết khi giảng dạy mà giới thiệu.

2. Nhân đó đức Thế Tôn dạy về các lạc thọ mà hành giả có thể kinh nghiệm trải qua:

2.1. Lạc thọ đến từ “ngũ dục” (sắc, thinh, hương, vị và xúc)
2.2. Lạc đến từ Sơ định (Sắc giới)
2.3. Lạc đến từ Nhị định (Sắc giới)
2.4. Lạc đến từ Tam định (Sắc giới)
2.5. Lạc đến từ Tứ định (Sắc giới)
2.6. Lạc đến từ Không Vô biên xứ định
2.7. Lạc đến từ Thức Vô biên xứ định
2.8. Lạc đến từ Vô sở hữu xứ định
2.9. Lạc đến từ Phi tưởng phi phi tưởng định
2.10. Lạc đến từ Diệt thọ tưởng định

Chỉ có lạc sau nầy là hơn cả, là tối thắng.

3. Nhân vì sự kiện Diệt thọ tưởng định đã ngưng hoạt động của thọ uẩn và tưởng uẩn thì làm sao có lạc? Thế Tôn dạy sự khác biệt của lạc và lạc thọ: Lạc thọ là thuộc lạc; nhưng cũng có lạc không phải là lạc thọ (feeling of happiness). Có lạc đến từ các giác quan, đến từ các căn và các trần; có lạc đến từ Sắc định, có lạc đến từ Không định. Chỉ có lạc an trú ở định Diệt thọ tưởng định là đối tượng (NIẾT BÀN LẠC)

III. BÀN THÊM

1. Nghiên cứu, tìm hiểu những lời dạy của Thế Tôn cần nhớ đến kinh Xà dụ, nhớ đến ảnh dụ “Pháp ví như chiếc bè, để vượt qua, mà không phải để nắm giữ”. Về các cảm thọ cũng thế, không nên cố chấp vào ngôn từ là phương tiện diễn đạt vốn rất giới hạn, các kinh nghiệm về cảm thọ của người đời cũng rất hạn chế: chỉ có thể khái niệm về khổ, lạc, xả, ưu, hỷ (chung chung). Thực tế của tâm thức có nhiều loại, nhiều cấp độ khác nhau về khổ, lạc, xả, ưu, hỷ, nhất là trạng thái tâm thức giải thoát của tâm giải thoát và tuệ giải thoát lại càng ở ngoài các phạm trù ngôn ngữ, khái niệm. Vì Niết bàn là khổ diệt, nên tạm diễn đạt là lạc của Niết bàn: lạc nầy không còn thuộc cảm thọ vốn là pháp hữu vi, bởi nó thuộc vô vi pháp. Lạc ở định Diệt thọ tưởng cũng thế.

2. Ý nghĩa của lời dạy: “Không phải chỉ lạc thọ là thuộc lạc” là thế. Sau khi nắm được ý nghĩa khái quát về Lạc thọ và Lạc, ta cũng cần quên đi các ý niệm về chúng. Vấn đề chính là thực hiện Giới, Định, Tuệ để diệt khổ. Chỉ cần biết tổng quát rằng: giải thoát chỉ đến từ Lạc mà không đến từ khổ. Đi vào công phu rồi mỗi người sẽ tự chứng nghiệm. Con đường thực nghiệm tâm thức sẽ rõ ràng, cụ thể hơn là các ngôn ngữ .

Video giảng giải

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 105

Post Views: 837