KINH GÒ MỐI MN23- Soi sáng lời dạy của Đức Phật ( HT. Pháp Tông)

KINH GÒ MỐI MN23- Soi sáng lời dạy của Đức Phật ( HT. Pháp Tông)

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

KINH GÒ MỐI

(VAMMIKA SUTTA)

Trung Bộ kinh, bài số 23

Sau một thời gian tạm nghỉ vì có nhiều công việc, hôm nay chúng tôi trở lại chương trình Soi sáng lời dạy của đức Phật để giảng giải về các bài kinh, đặc biệt là Trung Bộ kinh và Trường Bộ kinh, do quý vị tăng ni và Phật tử các nơi gửi về yêu cầu.

Bài kinh hôm nay có tựa đề là “kinh Gò Mối”, tiếng Pāḷi là “Vammika Sutta”, là bài kinh số 23, thuộc Trung Bộ kinh. Chúng tôi dựa trên bản dịch của ngài Trưởng lão Hoà thượng Thích Minh Châu, và có những vấn đề gì cần làm rõ hơn thì chúng tôi có dẫn thêm một số nguồn tra cứu khác. Như mọi lần, xin được nói qua về phần tóm tắt của bài kinh này, và sau đó chúng ta đi vào nội dung kinh văn.

Bài kinh này có hai địa điểm:

  1. Địa điểm duyên khởi là tại Andhavana, trú xứ của tỳ-khưu Kumāra Kassapa.
  2. Địa điểm thứ hai là tại Jetavana, nơi đức Phật đang ở. Tại đây, tôn giả Kumāra Kassapa đã đến gặp

đức Phật, kể lại câu chuyện mà mình đã trải qua, và xin đức Phật giải thích để hiểu ý nghĩa của câu chuyện đó.

Duyên khởi của pháp thoại này bắt đầu từ một vị Đại Phạm thiên ở cõi trời Ngũ Tịnh cư thiên. Vị này đã hiện thân dưới hình thức một vị thiên Dục giới, hào quang sáng rực, đến gặp tôn giả Kumāra Kassapa kể lại câu chuyện mang tính ẩn dụ, và đề nghị tôn giả đến gặp đức Phật xin Ngài giải thích ý nghĩa. Vì chỉ có đức Phật, hoặc những vị đệ tử đã từng nghe Ngài giải thích, thì mới hiểu được ẩn dụ của pháp thoại này. Lúc này, ngài Kumāra Kassapa chưa chứng quả A-la-hán và vẫn còn là một phàm tăng.

Và dĩ nhiên, người làm rõ ý nghĩa của bài kinh này, pháp thoại này chính là đức Phật. Còn người nghe trực tiếp đầu tiên là tôn giả Kumāra Kassapa.

Nhân đây cũng xin được mở rộng ra một chút về sự liên hệ giữa các nhân vật trong câu chuyện này, đặc biệt là vị Đại Phạm thiên ở cung trời Ngũ Tịnh cư thiên. Vị này có những liên hệ rộng rãi đối với một số vị mà trong kinh văn có đề cập đến.

Tôn giả Kumāra Kassapa và Đại Phạm thiên này trong tiền kiếp là hai vị tỳ-khưu trong nhóm bảy vị đồng tu vào thời giáo pháp của đức Phật Ca-Diếp (Kassapa). Các vị này đặt niềm tin vào giáo pháp của đức Phật, và cùng nỗ lực tinh cần, tinh tấn tu học. Bảy

vị thống nhất và quyết tâm là dù phải chết, cũng nhất mực hành trì con đường mình đã chọn. Họ đã leo lên một ngọn núi, tìm một tảng đá cao nhất có thể trú ngụ được. Sau khi dùng thang leo lên đến nơi, các vị đã chặt đứt thang, nhằm cắt đứt luôn con đường trở về, quyết tâm tu hành miên mật cho đến lúc chứng đạt quả vị giải thoát. Chỉ trong ba ngày đầu tiên, vị tỳ- khưu lớn tuổi nhất đã chứng đạo quả A-la-hán. Vị có tuổi lớn thứ nhì – chính là vị Đại Phạm thiên này – sau đó ít hôm cũng chứng đạo quả A-Na-Hàm và hoá sanh vào cõi trời Ngũ Tịnh cư thiên, ở đó cho đến khi chứng quả A-la-hán. Ngoài ra, còn hai vị khác nữa là đức vua Pukkusāti và Bà-la-môn Bāhiya. Vì đã tự nhận trách nhiệm hỗ trợ cho hai vị huynh đệ của mình chưa chứng quả vị giải thoát nên vị thiên này đã hiện thân trước mặt tôn giả Kumāra Kassapa và thuật lại một câu chuyện mang tính ẩn dụ. Mục đích là để cho vị này đến gặp đức Phật xin Ngài giải thích, từ đó hiểu rõ ý nghĩa thì vị này mới có thể phát triển được tâm thiền và nội quán – theo như suy nghĩ của vị Phạm thiên.

Bây giờ chúng ta đi thẳng vào nội dung bài kinh để làm rõ từng vấn đề.

  1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Sāvatthi (Xá-Vệ), tại Jetavana (Kỳ-Đà lâm), vườn ông

Anāthapiṇḍika. Lúc bấy giờ, tôn giả Kumāra Kassapa trú tại Andhavana.

Rồi một vị thiên, đêm đã gần tàn, với hào quang rực rỡ chiếu sáng toàn thể Andhavana, đến chỗ tôn giả Kumāra Kassapa ở, sau khi đến, bèn đứng một bên. Sau khi đứng một bên, vị thiên ấy nói với tôn giả Kumāra Kassapa:

  • – Tỳ-khưu, tỳ-khưu! Gò mối này ban đêm phun khói, ban ngày chiếu sáng.

Một Bà-la-môn nói như sau: “Này kẻ trí, hãy cầm gươm và đào lên”. Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một then cửa: “Thưa tôn giả, một then cửa”.

Vị Bà-la-môn nói: “Này kẻ trí, hãy lấy then cửa lên, cầm gươm đào thêm”. Người có trí cầm gươm đào lên, thấy con nhái: “Thưa tôn giả, một con nhái”.

Vị Bà-la-môn nói: “Này kẻ trí, hãy đem con nhái lên, cầm gươm đào thêm”. Người có trí cầm gươm đào lên, thấy con đường hai ngã: “Thưa tôn giả, một con đường hai ngã”.

Vị Bà-la-môn nói: “Này kẻ trí hãy lấy con đường hai ngã lên, cầm gươm đào thêm”. Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một đồ lọc sữa: “Thưa tôn giả, một đồ lọc sữa”.

Vị Bà-la-môn nói: “Hãy lấy đồ lọc sữa lên, cầm gươm đào thêm”. Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một con rùa: “Thưa tôn giả, một con rùa”.

Vị Bà-la-môn nói: “Này kẻ trí, hãy lấy con rùa lên, cầm gươm đào thêm”. Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một con dao phay: “Thưa tôn giả, một con dao phay”.

Vị Bà-la-môn nói: “Này kẻ trí, hãy lấy con dao phay lên, cầm gươm đào thêm”. Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một miếng thịt: “Thưa tôn giả một miếng thịt”.

Vị Bà-la-môn nói: “Này kẻ trí, hãy lấy miếng thịt lên, cầm gươm đào thêm”. Người có trí cầm gươm đào lên, thấy con rắn hổ: “Thưa tôn giả, con rắn hổ”.

Vị Bà-la-môn nói: “Hãy để con rắn hổ yên, chớ đụng chạm con rắn hổ, hãy đảnh lễ con rắn hổ”.

  • Này tỳ-khưu, hãy đến chỗ Thế Tôn ở và hỏi những câu hỏi ấy. Thế Tôn trả lời tôn giả như thế nào, hãy như vậy thọ trì. Này tỳ-khưu, ta không thấy ai trên cõi đời, với chư thiên, các Ma vương, với Phạm thiên, các chúng Sa-môn và bà-la-môn, chư thiên và loài người có thể hướng tâm để trả lời những câu hỏi ấy, trừ Như Lai, đệ tử Như Lai hay những ai đã được nghe hai vị này.

Vị thiên ấy nói như vậy. Sau khi nói xong như vậy, vị ấy biến mất ở nơi đây.

Quả thực là khi nghe xong câu chuyện này, chúng tôi cũng không hiểu gì hết. Đặc biệt đoạn bí hiểm là con rắn hổ. Con rắn hổ là con vật độc, đáng lẽ là đừng đụng đến nó, nhưng bây giờ phải đảnh lễ con rắn hổ, thì không biết ẩn nghĩa ở đây như thế nào.

Câu chuyện được tiếp tục.

  • Rồi tôn giả Kumāra Kassapa, sau khi đêm ấy đã mãn, đến tại chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến xong, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, tôn giả Kumāra Kassapa bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, đêm nay, một vị Thiên, đêm đã gần tàn, với hào quang rực rỡ chiếu sáng toàn thể Andhavana, đến chỗ con ở, sau khi đến liền đứng một bên. Khi đứng một bên, vị Thiên ấy nói với con: “Tỳ- khưu, tỳ-khưu! Gò mối này, ban đêm phun khói, ban ngày chiếu sáng. Một vị Bà-la-môn nói như sau: “Này kẻ trí, hãy cầm gươm đào lên”. Người có trí cầm gươm, đào lên thấy một then cửa … (như trên) … đệ tử Như Lai hay những ai đã được nghe hai vị này”. Bạch Thế Tôn, vị thiên ấy nói như vậy, nói xong liền biến mất tại chỗ ấy.

  • Bạch Thế Tôn, gò mối là gì, cái gì phun khói ban đêm, cái gì chiếu sáng ban ngày, ai là bà-la-môn,

ai là người có trí, cái gì là cây gươm, cái gì là đào lên, cái gì là then cửa, cái gì là con nhái, cái gì là con đường hai ngã, cái gì là đồ lọc sữa, cái gì là con rùa, cái gì là con dao phay, cái gì là miếng thịt, cái gì là con rắn hổ?”

Như vậy là tôn giả Kumāra Kassapa thuật lại câu chuyện và thỉnh cầu đức Thế Tôn giải thích ý nghĩa. Và đây là lời giải thích của đức Phật.

  • – Này tỳ-khưu, gò mối là đồng nghĩa với cái thân do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt.

Này tỳ-khưu, cái gì thuộc về công việc ban ngày, ban đêm suy tầm, suy nghĩ, như vậy là ban đêm phun khói.

Này tỳ-khưu, cái gì sau khi suy tầm, suy tư ban đêm, ban ngày đem ra thực hành, về thân, về lời nói, về ý, như vậy là ban ngày chói sáng.

Này tỳ-khưu, Bà-la-môn là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

Này tỳ-khưu, người có trí là đồng nghĩa với tỳ- khưu hữu học.

Này tỳ-khưu, cái gươm là đồng nghĩa với trí tuệ của bậc Thánh.

Này tỳ-khưu, đào lên là đồng nghĩa với tinh tấn, tinh cần.

Này tỳ-khưu, cái then cửa là đồng nghĩa với vô minh; đem then cửa lên là từ bỏ vô minh này; kẻ có trí, cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này tỳ-khưu, con nhái là đồng nghĩa với phẫn nộ hiềm hận; đem con nhái lên là từ bỏ phẫn nộ hiềm hận này; kẻ có trí cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này tỳ-khưu, con đường hai ngã đồng nghĩa với nghi hoặc; đem con đường hai ngã lên là từ bỏ nghi hoặc này; kẻ có trí cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này tỳ-khưu, đồ lọc sữa là đồng nghĩa với năm triền cái: dục tham triền cái, sân triền cái, hôn trầm – thụy miên triền cái, trạo cử – hối quá triền cái, nghi hoặc triền cái; đem đồ lọc sữa lên là từ bỏ năm triền cái này; kẻ có trí cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này tỳ-khưu, con rùa là đồng nghĩa với năm thủ uẩn, tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn; đem con rùa lên là từ bỏ năm thủ uẩn này; kẻ có trí cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này tỳ-khưu, con dao phay là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng, tức là các sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức, khả ái, khả

hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Các hương do mũi nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Các vị do lưỡi nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Các xúc do thân cảm xúc, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Lấy con dao phay lên là từ bỏ năm dục trưởng dưỡng này, kẻ có trí, cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này tỳ-khưu, miếng thịt là đồng nghĩa với hỷ tham; lấy miếng thịt lên là từ bỏ hỷ tham này; kẻ có trí, cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này tỳ-khưu, con rắn hổ là đồng nghĩa với vị tỳ- khưu đã diệt trừ các lậu hoặc; hãy để con rắn hổ yên, chớ đụng chạm con rắn hổ, hãy đảnh lễ con rắn hổ, là ý nghĩa này.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tỳ-khưu ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Trên đây là phần giải thích của đức Phật đối với các ẩn dụ mà vị Đại Phạm thiên đã đưa ra. Bây giờ chúng tôi xin được lần lượt giải thích ý nghĩa mà đức Phật đã chỉ ra cho tôn giả Kumāra Kassapa.

1.   Gò mối là gì?

Trong pháp thoại đức Phật giải thích rằng: “Gò mối là đồng nghĩa với cái thân do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường,

biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt.Và với hai ẩn dụ tiếp theo khi nói: “Cái gì thuộc về công việc ban ngày, ban đêm suy tầm, suy nghĩ, như vậy là ban đêm phun khói. Cái gì sau khi suy tầm, suy tư ban đêm, ban ngày đem ra thực hành, về thân, về lời nói, về ý, như vậy là ban ngày chói sáng” – làm rõ hơn nghĩa này.

Đức Phật ví thân này như gò mối. Ngài chỉ rõ gò mối dù to hay nhỏ, lớn hay bé, thì tính chất của nó đều được cấu tạo do bốn đại. Bốn đại tức là đất, nước, lửa, gió – bốn yếu tố cơ bản tạo nên các dạng vật chất khác nhau. Dù nó là dạng vật chất thô hay tế, thì nền tảng của nó vẫn được thiết lập dựa trên bốn đại này.

Bên cạnh bốn đại, thân chúng sanh còn do những yếu tố khác nữa, đó là:

  • Hình hài của một con người chỉ được tạo nên khi có tinh cha và huyết mẹ và duyên của chúng sinh đối với hai vị này.
  • Thức nhập thai để tạo thành một sự sống tương đối hoàn chỉnh, rồi sau đó được người mẹ sinh ra, được lớn lên về thân xác bằng các loại thức ăn thô hoặc tế. Nói “nhờ cơm cháo nuôi dưỡng” là để gọi chung các loại thức ăn, tuỳ theo quốc độ, tuỳ theo tập tục của từng vùng. Nhưng tất cả đều phải do thức ăn, thức uống thường xuyên được đưa vào, thì thân này mới tồn tại và phát triển.
  • Ngoài yếu tố tồn tại, thân này cũng chịu một tính chất khác, đó là sự thay đổi. Giai đoạn đầu, sự thay đổi mang tính phát triển. Nhưng về sau, sự thay đổi này mang tính tiêu cực thành sự suy hoại, già cỗi, yếu kém,… Gọi chung là “vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt”. Biến hoại và phấn toái nghĩa là nó tan nát, tiêu nát ra. Đoạn tuyệt và hoại diệt là những tính từ chỉ rõ tính chất thay đổi, thay đổi, thay đổi và càng ngày càng thay đổi theo tính tiêu cực, cho đến khi hoại diệt, trở về lại với đất, nước, lửa, gió.
2.  Cái gì phun khói ban đêm?

Ý nghĩa thứ hai, trong thân tứ đại này thì cái gì thuộc về công việc ban ngày, ban đêm khiến cho chúng ta suy tầm, suy nghĩ, thì gọi là “ban đêm phun khói”. Khói được phun ra thì chắc chắn đó không phải là cái gì tốt đẹp cho bầu không khí, mà thường chỉ cho sự ô nhiễm. Trong ý nghĩa tinh tế của ẩn dụ này, đó là tất cả những thứ làm cho tâm trí chúng ta thường vận hành suốt ngày đêm, đắn đo, cân nhắc, suy tính,… thì chúng hầu hết thường đưa đến kết quả độc hại. Cho nên được gọi là “phun khói”.

3.   Cái gì chiếu sáng ban ngày?

Người ta cũng thường không biết được nó độc hại như thế nào cho đến khi nó được thể hiện qua ba cửa là thân, khẩu và ý – tức là lời nói, hành động và các ý tưởng. Kết quả của những suy tư, tính toán của

một người như thế nào sẽ được hiện rõ qua công việc, qua cách hành xử, qua lời nói của người ấy trong cuộc sống. Cho nên gọi là “chiếu sáng ban ngày”, vì nó hiện rõ ra mà.

Ba ẩn dụ đầu tiên này cho thấy những mặt trái của cơ thể, mặt trái của một hợp thể thân tâm mà lâu nay chúng ta vẫn xem nó là tốt đẹp, quý giá, chỉ nhìn thấy mặt hay ho của nó, nhưng không nhìn thấy mặt trái của nó. Trong ẩn dụ này, đức Phật đã giải thích, làm nổi bật lên mặt còn lại của vấn đề.

4.   Ai là Bà-la-môn?

“Bà-la-môn đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la- hán, Chánh Đẳng Giác” – đây là câu trả lời của đức Phật. Với một số vị thường đọc nhiều kinh sách, thì có lẽ ý nghĩa này không có gì mới lạ. Nhưng với một số Phật tử ít đọc, hoặc chỉ nghe giảng, thì có lẽ cảm giác có gì đó không ổn, khi nói Bà-la-môn là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, và Chánh Đẳng Giác. Trong suy nghĩ của nhiều Phật tử, đặc biệt là những vị nặng về tính chất tông phái thì thường xem Bà-la-môn là từ chỉ cho tôn giáo hoàn toàn nghịch lại với Phật giáo, hoặc là bất lợi cho Phật giáo. Tất cả những suy nghĩ ấy, có thể đúng một vài vấn đề nào đó, hoặc một mảnh nhỏ nào đó của các sự kiện từng xảy ra. Nhưng mà với ý nghĩa cao quý của từ Bà-la- môn thì không phải vậy.

  • Đối với xã hội Ấn Độ: “Bà-la-môn” là từ phiên âm, có nghĩa là “Phạm chí” – chỉ cho một người có chí nguyện và đời sống của họ thể hiện chí nguyện đó. Chí nguyện đó là thực hiện con đường để đạt đến sự thanh tịnh. Mà lý tưởng thanh tịnh theo truyền thống cổ xưa của người Ấn, đó là hình ảnh của vị Đại Phạm thiên thanh tịnh, trong sạch, thuần khiết, có tâm đại từ đại bi đối với chúng sinh.
  • Đối với đức Phật: Ngài thường dùng từ “Bà-la- môn”, “Sa-môn”, và một số trường hợp còn dùng từ “tỳ-khưu vô học” khi nói về các vị A-la-hán.

Trong pháp thoại này, từ Bà-la-môn chỉ cho bậc đã giác ngộ, không còn trở lại trạng thái luân hồi sinh tử, đã thực sự thấy rõ toàn triệt sự vận hành thân tâm của mình, và có thể kiểm soát, làm chủ được nó. Cho nên ở đây, “Bà-la-môn” ở đây mang ý nghĩa là trong sạch, thuần khiết, thanh tịnh, tương đương với nghĩa Như Lai, Chánh Đẳng Giác, A-la-hán chứ không phải là một vị Bà-la-môn như bình thường, hoặc là ý nghĩa tầm thường, mang nhiều khiếm khuyết.

5.   Ai là người có trí?

Người có trí trong ẩn dụ này chỉ cho vị tỳ-khưu hữu học, đang tầm cầu học đạo, đã bước vào con đường giác ngộ, và thấy rõ được sự thật khổ và thoát khổ. Vị ấy chỉ được gọi là “vô học” khi đã chứng quả A-la-hán. Còn nếu như vị ấy đang đi trên con đường

hoặc đạt được một phần của con đường, thì dù ở mức độ nào vẫn chỉ gọi là các vị “hữu học”. Cho nên chỉ người có trí mới hiểu được ẩn dụ này và thực hành được con đường này.

Trong câu chuyện đức Phật giải thích các ẩn dụ, có cả tiến trình tu học. Bây giờ chúng tôi giải thích qua ý nghĩa của từng phần, sau đó sẽ kết nối lại để mọi người thấy đây là một tiến trình tu học, chứ không phải chỉ là ý nghĩa của từng từ hoặc hình ảnh.

6.   Cái gì là cây gươm? Cái gì là đào lên?

Thanh gươm đồng nghĩa với trí tuệ của bậc Thánh. Với một số tăng ni, Phật tử thì hình ảnh trí tuệ được ví như thanh gươm không phải là xa lạ. Thanh gươm có một đặc tính là tính sắc bén, có thể chặt đứt bất cứ thứ gì mà nó muốn, tuỳ theo cấu tạo của thanh gươm. Tính sắc bén ở đây có ý nghĩa là có thể chặt đứt, đoạn đứt, đoạn lìa,… hoặc dùng thanh gươm đó có thể đào lên những gì mình muốn đào dưới lòng đất. Trí tuệ, khả năng sáng suốt có năng lực đào bứng được tất cả những cội rễ của phiền não, chặt đứt tất cả những sợi dây kiết sử to nhỏ ràng buộc chúng ta, đâm xuyên suốt, xé toạc bức màn tăm tối của vô minh. Và chỉ có trí tuệ mới có thể vén mở được tăm tối, mê mờ.

7.   Cái gì là then cửa?

Tiếp theo, then cửa được đức Phật chỉ cho vô minh. Vì sao vậy? Then cửa là vật dùng cài giữa hai cánh cửa lại, hoặc là cánh cửa với bức tường. Bây giờ rút then cửa ra, hoặc là chặt then cửa đi thì cánh cửa được mở ra. Lâu nay chúng ta không thấy được ánh sáng, không mở mắt ra để nhìn được mọi sự, đang ở trong tăm tối, là do then cửa, chốt cửa này, nó đã chặn mất cánh cửa, cắt đứt sự liên thông giữa chúng ta và thế giới có ánh sáng – tượng trưng cho minh. Cho nên “then cửa” chỉ cho vô minh là vậy.

8.   Cái gì là con nhái?

Con nhái được đức Phật giải thích là “đồng nghĩa với phẫn nộ hiềm hận” và việc “đem con nhái lên là từ bỏ những phẫn nộ hiềm hận này”. Ai ở vùng quê có lẽ biết con nhái. Khi đến mùa, nó rất hay gây phiền cho người khác bằng tiếng ồn. Đặc biệt đêm khuya thanh vắng, mình đang muốn yên tĩnh nghỉ ngơi, tự nhiên bọn nhái này bắt đầu kêu lên, ca hát theo ngôn ngữ của nó, khiến cho người ta cảm thấy khó chịu, bực bội. Có lẽ vì đặc tính này của loài nhái cho nên đức Phật đã dùng ẩn dụ này chỉ cho phẫn nộ và hiềm hận – đây là hai duyên khiến cho người khác sinh ra bực bội.

9.  Cái gì là con đường hai ngã?

Ví dụ chúng ta đi đến một điểm nào đó, tự dưng thấy nó phân ra làm hai bên, khiến chúng ta không biết chọn hướng nào để đi tiếp. Con đường hai ngã,

phân nhánh này, đức Phật chỉ cho sự nghi hoặc, nghi ngờ. Nghi ngờ là trạng thái lưỡng lự, bất quyết, không quyết định được nên chọn bên nào. Khi nghi hoặc xuất hiện, thì chúng ta không tiến tới được, mà cứ phân vân, loay hoay, dẫm chân tại chỗ, do không có thái độ dứt khoát đối với nó. Người có trí khi gặp ngã hai này, thì phải dứt khoát, dẹp được nó. Trong câu ẩn dụ “người có trí hãy lấy con đường hai ngã lên, dùng gươm đào thêm” nghĩa là người có trí cần dùng trí tuệ để khẳng quyết trong việc chọn lựa con đường, đánh tan nghi hoặc.

10.  Cái gì là đồ lọc sữa?

Đồ lọc sữa được đức Phật nói đồng nghĩa với năm triền cái. Trong từ “triền phược”, thì “phược” là sợi dây, “triền” là cột trói, “cái” là che lấp. Năm triền cái là năm sợi dây trói buộc, năm điều che lấp. Năm triền cái đó gồm: dục tham triền cái, sân hận triền cái, hôn trầm thuỵ miên triền cái, trạo cử hối quá triền cái và nghi hoặc triền cái. Năm triền cái này thường xuất hiện khi nặng khi nhẹ, nhiều hay ít đối tùy vào từng hành giả thực hành các phương pháp để rèn luyện tâm thanh tịnh, vắng lặng, yên ắng. Người có trí cần phải từ bỏ nó trên con đường hành trì.

11.  Cái gì là con rùa?

Con rùa được ví như năm thủ uẩn, là một chướng ngại khác. Tại sao trong câu chuyện không

dùng hình ảnh con vật nào khác mà dùng con rùa? Vì với ví von này sẽ dễ hiểu:

  • Thứ nhất, khi con rùa gặp sự việc nó sẽ co rút người lại để tự bảo vệ mình.
  • Thứ hai, khi rùa thò đầu ra ngoài, thì tứ chi của nó cũng đều thò ra khỏi cái mai cùng một lần.
  • Thứ ba, con rùa cũng tượng trưng cho cái gì chậm chạp, lề mề.

Đối với năm thủ uẩn, gồm “sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn”, nó chính là năm tổ hợp tạo nên tiến trình sống. Một khi không nhận chân được thực tính của nó, thì chúng ta thường chấp thủ, bị cột trói, bị đồng hoá hoặc là trở thành nô lệ cho một hoặc cả năm tổ hợp đó. Vì vậy gọi là “chấp thủ ngũ uẩn khổ” là vậy. Khi nói “ngũ thủ uẩn” là nói tắt về chuyện chấp thủ năm tổ hợp tạo nên tiến trình sống này. Các ngộ nhận thường gặp như: thân tâm này là ta, là của ta, hoặc là tự ngã (của ta) với các hình thức khác nhau.

Đức Phật dùng hình ảnh con rùa để chỉ cho năm thủ uẩn. Không dễ gì có thể thấy ra và buông bỏ được, hoặc là dứt khoát được đối với năm thủ uẩn. Cho nên hình ảnh con rùa – với năm phần lộ ra, và tính lề mề chậm chạp, trì trệ của nó – để hình dung cho chấp thủ

đối với năm uẩn mà chúng sanh thường mắc phải, đang bị đắm chìm trong đó.

12.   Cái gì là con dao phay?

Con dao phay là một loại lợi khí dùng để chặt, để đâm, để thọc,… đủ thứ. Đức Phật ví con dao phay giống như năm dục trưởng dưỡng, vì nó có một sức mạnh rất lớn. Năm dục này xuất hiện khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với các đối tượng vừa lòng, hợp ý, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý. Thường thì đối tượng nào hợp với sở thích, mong muốn của chúng ta, thì chúng ta cảm thấy thích thú, lôi cuốn, kích thích lòng dục, hấp dẫn và tìm mọi cách chiếm đoạt nó, có được nó, sở hữu nó và đắm chìm trong nó. Cho nên, nó đào sâu vào ham muốn của chúng sanh, nhấn chìm chúng sanh trong cái bể của khát ái dục vọng. Vì vậy được gọi là “trưởng dưỡng”, là sự sắc bén, mạnh mẽ của dục, khiến chúng sanh bị đắm chìm trong đó.

13.   Cái gì là miếng thịt?

Ẩn dụ miếng thịt đức Phật nói đồng nghĩa với hỷ tham. Đối với rất nhiều người và nhiều chúng sanh, thịt không những là thức ăn, mà còn là một trong những đối tượng hấp dẫn, thỏa mãn thú vui ăn uống. Ở trước một người đang thích ăn, thích uống thì miếng thịt là thức ăn vừa ý với họ, nên thỏa mãn được lòng dục của họ. Hỷ tham là vui vẻ, thích thú, thỏa mãn được tham dục của mình.

14.   Cái gì là con rắn hổ?

Và cuối cùng là hình ảnh của “con rắn hổ”. Lạ lùng một điều, đức Phật nói “con rắn hổ” chỉ cho một vị tỳ-khưu đã đoạn trừ các lậu hoặc, và khuyên mọi người để con rắn hổ yên, đừng đụng chạm đến nó. Không những không đụng chạm đến nó, mà còn phải đảnh lễ, tôn trọng nó. Điều này có thể hơi xa lạ với một số vị tăng ni Phật tử. Nhưng thật ra trong Phật giáo, cũng có nhiều lần đức Phật ẩn dụ như vậy.

Chẳng hạn như có pháp thoại đức Phật nói rằng có bốn vật rất nhỏ nhoi, nhưng không được khinh thường. Dù nhỏ nhưng mà sức công phá, tàn hại của nó rất lớn, nếu mình không biết tôn trọng nó đúng mức. Bốn vật đó là:

  • Thứ nhất, là nọc độc của rắn. Nếu mình không tôn trọng, tránh xa nó, thì nó sẽ cắn mình. Và nọc độc khi vào người có thể khiến mình chết.
  • Thứ hai, là một đốm lửa nhỏ có thể thiêu huỷ cả một khu rừng, hay cả một thành phố, nếu sơ ý.
  • Thứ ba, là hoàng tử tuổi nhỏ. Nếu mình không biết tôn trọng, ứng xử phù hợp đúng mức, thì sau này khi vị đó lên làm vua, đại họa có thể đến với mình.
  • Thứ tư, là vị tỳ-khưu mới tu. Dù thời gian mặc áo cà-sa chưa bao lâu, nhưng ta không thể biết được quá khứ, hiện tại và tương lai của vị ấy như thế nào,

có thể một ngày nào đó vị ấy chứng đắc đạo quả cao nhất. Thế nên, nếu không khéo kính trọng, hoặc xem thường thì sẽ dễ mắc tội.

Với bốn hình ảnh này, đức Phật nhắc nhở mọi người không nên xem thường, khinh thường bất cứ hiện tượng, sự vật nào dù nhỏ nhoi vì không thể biết được chân giá trị của nó.

Trong pháp thoại này, hình ảnh con rắn hổ chỉ cho sự uy nghiêm của một đối tượng mà chúng ta không nên xúc phạm – chứ không phải nói đến sự độc hại của nó – nên phải kính lễ nó. Vì kính lễ những đối tượng như vậy chỉ có lợi chứ không có hại. Ở đây, con rắn hổ là biểu tượng cho vị tỳ-khưu vô học, vị A- la-hán đã đoạn tận tất cả phiền não, khổ đau, lậu hoặc rồi. Nọc độc ở đây có nghĩa là: nó sẽ trở thành nọc độc đối với người nào không biết tôn kính, tôn trọng và xúc phạm đến vị ấy, thì khi đó hậu quả của độc mới xuất hiện. Nó không phải mang ý nghĩa độc bình thường.

Như vậy là chúng ta đi ngang qua các ý nghĩa ẩn dụ mà đức Phật giải thích cho tôn giả Kumāra Kassapa nghe. Bây giờ chúng tôi xin kết nối chúng lại để mọi người thấy câu chuyện này là một tiến trình tu học, chứ không phải chỉ là giải thích rời rạc ý nghĩa của từng ẩn dụ.

Đúc kết.

Với khởi đầu bằng hình ảnh gò mối, đó là lời nhắc nhở chúng ta cần phải nhận thức đúng đối với hợp thể thân tâm này. Xác thân như gò mối, tâm ý như khói bụi liên tục phun ra không gian chất ô nhiễm. Thân do tứ đại hợp thành, do cha mẹ sanh, do cơm cháo nuôi dưỡng và nó sẽ thay đổi, biến hoại liên tục cho đến khi nó trở về lại với tro bụi. Cũng vậy, hoạt động của tâm ý liên tục sản sinh ra vô số chất dơ bẩn đối với tâm, giống như một nhà máy liên tục phun ra không khí những chất ô nhiễm,… Và sự tồn tại này của mỗi người sẽ thể hiện qua “sự chói sáng” của thân, khẩu, ý hằng ngày. Sau khi nhận ra được bản chất vô thường, biến hoại,… của thân xác, cũng như sự ô nhiễm của tâm ý, người trí sẽ tìm đến bậc đạo sư, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác để xin được tu học và để phát triển trí tuệ thấy ra cái Khổ, nguyên nhân của Khổ và con đường chấm dứt Khổ. Từ đó phát triển trí tuệ như một thanh gươm.

Khi đã có thanh gươm sắc bén trên tay, cùng với quyết tâm nỗ lực hướng đến mục đích giác ngộ giải thoát, hành giả sẽ mạnh dạn chặt phá then cửa vô minh, ngăn trở đạo lộ giải thoát; đào bỏ con nhái sân hận; xoá tan con đường hai ngã gây nghi hoặc, phân vân lưỡng lự cho người đi đường; quăng bỏ dụng cụ lọc sữa chứa đầy tham dục, sân hận, hôn trầm thuỵ

miên, trạo cử hối quá; túm lấy con rùa năm thủ uẩn; ném xa con dao phay hôi hám bám đầy năm dục trưởng dưỡng và dùng thanh gươm trí tuệ băm nát miếng thịt hỷ tham. Đến mức như vậy thì vị tỳ-khưu mới thực sự đi đến tận cùng con đường, đạt được mục đích giác ngộ, giải thoát hoàn toàn.

Đó là ý nghĩa của tiến trình tu học giải thoát. Thông qua pháp thoại với nhiều ẩn dụ, đức Phật chỉ cho chúng ta cần phải làm gì. Pháp thoại kinh Gò Mối xin được chấm dứt tại đây.

Soi sáng lời dạy của đức Phật – số 8, năm 2020.

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 5

Post Views: 161