Toát yếu Trung bộ 098 : Vàsettha

Toát yếu Trung bộ 098 : Vàsettha

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 98

Vàsettha

  1. TOÁT YẾU

Vàsettha Sutta – To Vàsettha.

The Buddha resolves a dispute between two young Brahmins on the qualities of a true brahmin.

Giảng cho Vàsettha.

Phật giải quyết một cuộc tranh cãi giữa hai thanh niên bà la môn về những đức tính của một bà la môn chân chính.

  1. TÓM TẮT

Hai thanh niên bà la môn Bharadvaja và Vasettha tranh luận về đề tài thế nào là một bà la môn. Người thì cho là do huyết thống, người thì cho là do hành động hiện tại. Họ đưa vấn đề đến xin Phật giải quyết. Trước hết Phật đưa ra sự khác nhau giữa loài vật và con người. Trong khi loài vật có chủng loại khác nhau rõ rệt do tướng thọ sanh, có muôn màu muôn vẻ như noãn thai thấp hóa và lớn nhỏ, không chân, hai chân hay nhiều chân… thì con người, tướng thọ sanh không có gì sai khác. Bởi thế, sự khác nhau chỉ là do danh xưng, do nghề nghiệp hiện tại của mỗi hạng người. Ngang đây, Phật gần như đồng ý với thanh niên Vasettha chủ trương bà la môn là do hành động, do giới hạnh. Nhưng sau đó, Ngài gán cho danh từ bà la môn một định nghĩa cao thượng hơn, đồng hóa bà la môn với bậc A la hán mẫu người lý tưởng trong đạo Phật, là bậc đã giải thoát khỏi hữu, chứng ba minh và dứt sạch lậu hoặc.

III. CHÚ GIẢI

  1. Bản kinh này không nằm trong Trung bộ kinh ấn bản của Hội Văn bản Pali, vì lý do như đã nói trong chú thích 1, kinh 92.
  2. Ở đây danh từ hành động cần hiểu là hành vi hiện tại, chứ không phải hành vi quá khứ hay nghiệp sản sinh ra những hậu quả trong hiện tại.
  3. Sàmannà. Theo kinh sớ, sự khác nhau về hình dạng các thân phần nơi súc vật là do chủng loại – yoni – của chúng. Nhưng sự phân biệt chủng loại như vậy không có nơi thân thể của bà la môn và các chủng tính khác. Vì lý do ấy, sự phân biệt giai cấp bà la môn, sát đế lợi, vân vân, chỉ thuần là phân biệt trên danh từ; một thành ngữ theo quy ước mà thôi, không tương ứng với thực tại.
  4. Từ trước đến đây, Phật đã phê phán lời xác nhận của Bhàradvàja rằng sanh chủng làm cho người ta là một bà la môn. Bây giờ, Ngài sẽ đề cao lời xác nhận của Vàsettha rằng chính hành động hay nghiệp, khiến người ta thành bà la môn. Vì ngày xưa những người bà la môn và các bậc hiền trí trên đời không chấp nhận sự kiện một bà la môn mà có cách sinh nhai bất đáng, có giới hạnh và tư cách khiếm khuyết.
  5. BhovàdiBhoNgài, là cách xưng hô giữa những người bà la môn. Từ đây trở đi, Phật đồng nhất vị bà la môn chân chính với bậc A la hán. Những câu kệ ở đây giống Pháp cú 396-423, trừ trong Pháp cú 423 có thêm hai câu.
  6. Kinh sớ: Do ý hành hiện tại muốn hoàn tất công việc đồng áng, vv..
  7. Với câu kệ này, danh từ nghiệp có hơi thay đổi ý nghĩa do từ ngữ duyên sinh. Nghiệp ở đây không còn có nghĩa hành động hiện tại định đoạt quy chế xã hội của một người, mà hành động với ý nghĩa đặc biệt là một năng lực trói buộc hữu tình vào vòng hiện hữu. Dòng tư tưởng này còn rõ rệt hơn nữa trong bài kệ kế tiếp.
  8. Bài kệ này và tiếp theo lại nói đến bậc A la hán. Nhưng ở đây, sự tương phản không phải là giữa vị A la hán trở nên thánh thiện do hành động của mình với người sanh chủng bà la môn nhưng không xứng với danh hiệu bà la môn; mà là giữa vị A la hán kể như một người đã giải thoát sự trói buộc của hành động và quả báo, với tất cả chúng sinh khác còn bị trói buột vào bánh xe sinh tử bởi những hành nghiệp của mình.
  9. PHÁP SỐ

3 lậu hoặc, 3 nghiệp, 4 giai cấp, 5 triền cái.

  1. KỆ TỤNG

Thanh niên Vasettha
Cùng Bha-ra-dva-ja
Bà la môn đến Phật
Xin giải quyết tranh chấp
– Tôn giả Gotama
Giữa hai người chúng con
Có sự tranh luận này
Về huyết thống thọ sanh
Bharadvaja nói
Chính do sự thọ sanh
Con nói do hành động [2]
Mới thành bà la môn
Cả hai người chúng con
Không thể thuyết phục nhau
Chúng con đến hỏi ngài
Bậc chánh giác tôn xưng.
Ðức Thế tôn bèn dạy:
Loài vật và cỏ cây
Có muôn ngàn sắc thái
Chúng có tướng tùy sanh
Trong thế giới loài người
Tướng sanh không sai khác
Chỉ tùy theo danh xưng [3]
Loài người được kêu gọi
Chăn bò, lo ruộng đất
Kẻ ấy là nông phu [4]
Ai sống theo nghề nghiệp
Kẻ ấy là công thợ
Ai sống nghề buôn bán
Kẻ ấy là thương nhân
Ai sống hầu hạ người
Kẻ ấy là nô bộc
Ai sống lấy của người
Kẻ ấy là kẻ trộm
Ai sống nghề cung tên
Kẻ ấy là nhà binh
Ai sống nghề tế tự
Kẻ ấy là tế quan
Thọ hưởng làng, quốc độ
Kẻ ấy là vua chúa
Và Ta không có gọi
Kẻ ấy Bà la môn
Chỉ vì do thọ sanh
Do cao sang, giàu có.
Người không ham thế lợi
Không tham lam, chấp thủ [5]
Thoát ly các trói buộc
Chính danh Bà la môn.
Ai không lỗi, chịu đựng
Nhiếc mắng cùng đánh trói
Trang bị với nhẫn lực
Chính danh Bà la môn.
Ai biết ngay đời này
Khổ vì ngã đoạn tận
Gánh nặng được đặt xuống
Chính danh Bà la môn.
Hành động làm nông phu [6]
Hành động làm công thợ
Hành động làm lái buôn
Hành động làm nô bộc
Hành động làm ăn trộm
Hành động làm nhà binh
Hành động làm tế quan
Hành động làm vua chúa
Kẻ trí thấy hành động
Như thật là như vậy
Thấy rõ lý duyên khởi [7]
Biết rõ nghiệp dị thục
Do nghiệp, đời luân chuyển
Do nghiệp, người luân hồi
Nghiệp trói buộc chúng sinh
Như trục xe quay bánh.
Do khổ hạnh, phạm hạnh
Tiết chế và chế ngự
Tác thành bà la môn
Mới thật là tối thượng [8]
Ba minh đã thành tựu
An tịnh, đoạn tận hữu
Va-set-tha nên biết
Đây Phạm thiên, Đế thích.

(Hầu hết toàn bài rút từ bản dịch của Hòa thượng Minh Châu, trừ bài cuối theo bản Anh dịch.)

-ooOoo-

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 14

Post Views: 171