TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 29-30
Thí dụ lõi cây
(đại kinh và tiểu kinh)
Mahàsàropama, cùlasàropama Sutta – the greater and shorter discourse on the simile of the heartwood.
These two discourses emphasize that the proper goal of the holy life is the unshakable deliverance of the mind, to which all other benefits are subsidiary.
Cả hai kinh này nhấn mạnh rằng mục đích chính của đời sống phạm hạnh là tâm giải thoát bất động, đối với mục đích này thì tất cả những lợi lạc khác chỉ là cặn bã.
Hai bản kinh cùng có nội dung như sau. Người ta có thể vì thấy khổ sinh tử nên phát tâm xuất gia tìm cách chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này, như người vào rừng tìm lõi cây. Nhưng có người, sau khi xuất gia, vì danh dự lợi dưỡng và sự tôn kính của người đời, đâm ra tự mãn, tham đắm, tự cho đã đạt mục đích. Người này ví như kẻ thay vì tìm lõi cây, lại đem về cành lá.
Có người xuất gia dù được danh dự lợi dưỡng cung kính cũng không phóng dật, sống có giới hạnh. Do thành tựu giới đức, vị ấy khen mình chê người, trở nên phóng dật: như người tìm lõi cây mà chỉ đem về vỏ ngoài.
Hạng thứ ba là người sau khi thành tựu giới, tập thiền định, do thành tựu thiền định, đâm ra tự mãn, khen mình chê người, trở nên phóng dật. Vị này giống như người đi rừng cốt lấy lõi cây nhưng chỉ đem về vỏ trong.
Hạng thứ tư không vì thành tựu thiền định mà phóng dật, nên có được tri kiến, và do tri kiến nên khen mình chê người: hạng này như người đi rừng chỉ đem về giác cây.
Hạng thứ năm nhờ có tri kiến nhưng không phóng dật, mà thành tựu giải thoát tạm thời và giải thoát vĩnh viễn. Tâm giải thoát bất động này chính là lõi cây, là mục tiêu của đời sống phạm hạnh.
III. CHÚ GIẢI
Tri kiến theo Luận giải là thiên nhãn, khả năng thấy được những sắc vi tế mà mắt thường không thể trông thấy.
“Thành tựu thiền định” là điều kiện để đạt tri kiến; tri kiến là căn bản để đắc 4 thiền 4 định và chứng diệt thọ tưởng — gọi là thời giải thoát, và lậu tận, gọi là phi thời giải thoát.
Thời giải thoát, samayavimokkha: Giải thoát tạm thời, là bốn thiền, bốn định vô sắc và diệtđịnh.
Phi thời giải thoát, asamayavimokkha, là bốn đạo bốn quả và niết bàn.
Tâm giải thoát bất động là quả vị A la hán. Như vậy, “phi thời giải thoát” có nghĩa rộng hơn là tâm “giải thoát bất động”, được xem là mục đích duy nhất của đời sống phạm hạnh.
Bốn thiền, Bốn định.
Nhân Đề bà đạt đa
Bỏ tăng đoàn của Phật
Lập riêng chúng xuất gia
Thế tôn dạy đại chúng:
Kẻ từ bỏ gia đình
Muốn thoát khổ sinh tử
Như người tìm lõi cây
Khó đạt mục đích mình.
Hoặc tự mãn lợi danh
Mà trở thành phóng dật
Như lá cành vụn vặt
Lầm tưởng là lõi cây.
Hoặc khi thành tựu Giới
Tự xem không ai bằng
Như kẻ kiếm lõi cây
Chỉ đem về lớp vỏ.
Có người tiến tu lên
Khiến tâm được định tĩnh
Lại khen mình chê người
Không đạt được cốt lõi.
Có người nhờ định tâm
Đạt tri kiến sáng suốt
Hoan hỷ sinh kiêu căng
Lõi cây chưa tìm được.
Không tự mãn tri kiến
Chứng bốn thiền, bốn không
Đạt tạm thời giải thoát
Vị ấy còn mất mát.
Không tham đắm tri kiến
Tâm giải thoát bất động
Đây chính thực lõi cây
Mục đích phạm hạnh này.
-ooOoo-
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 28