[Phần I- Tiểu tụng ]- [Phần II- Pháp cú ]- [Phần III- Phật tự thuyết ]- [Phần IV- Phật thuyết như vậy ]- – [Phần V-Kinh tập ]- [ Phần VI-Thiên cung và ngạ quỷ ] – [ Trưởng lão tăng kệ ] – [ Trưởng lão ni kệ ] -[ Bổn sanh 1-100 ] – [Bổn sanh 101 đến 263 ] – [ Bổn sanh 264-395] – [ Bổn sanh 395-473 ] – [ Bổn sanh 474-540 ] – [ Bổn sanh- Phần còn lại ]
1. Kệ ngôn của một trưởng lão ni nào đó – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình ở Vesàli (Tỳ-xá-ly). Vì thân hình đẫy đà, nàng được gọi là nàng đẫy đà. Nàng trở thành người vợ trung thành của một người quý tộc. Khi bậc Ðạo Sư đến Vesàli, nàng tin tưởng giáo pháp của đức Phật và trở thành một nữ cư sĩ. Khi nàng nghe Trưởng lão Ni Mahàpajàpati thuyết pháp, nàng muốn xuất gia và thưa với chồng ý nguyện của nàng. Người chồng không cho, nên nàng tiếp tục làm tròn bổn phận của nàng, suy tư đến những lời dạy dịu dàng của giáo pháp và chú tâm đến thiền quán. Rồi một ngày kia, trong khi đang ở trong bếp và nấu món ăn, một ngọn lửa mạnh bừng cháy và thiêu tất cả món ăn với những tiếng cháy xèo xèo, nàng lấy đó làm đề tài để thiền quán về tánh vô thường của sự vật, và chứng được quả Bất Lai. Rồi nàng không đeo các đồ trang sức nữa. Người chồng hỏi duyên cớ, nàng trả lời nàng không thể sống trong gia đình được nữa. Người chồng đưa nàng đến Trưởng lão Ni Mahàpajàpàti Gotami, và bằng lòng để nàng xuất gia. Mahàpajàpàti làm lễ xuất gia cho nàng và đưa nàng đến yết kiến đức Phật. Bậc Ðạo Sư giải thích về đề tài thiền quán của nàng và nói lên bài kệ này.
2. Kệ ngôn của trưởng lão ni Muttā – Ðây là bài kệ của giới học nữ Muttà. Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm con gái của một Bà-la-môn, có danh vọng ỏ Sàvatthi. Ðến năm hai mươi tuổi, các điều kiện chín muồi, nàng xuất gia dưới sự hướng dẫn của Mahàpajàpati Gotami, và học tập thiền quán. Một hôm, sau khi khất thực, sau khi làm các phận sự đối với các Trưởng lão Ni xong, nàng tìm một chỗ thanh vắng để ngồi thiền, tập trung tư tưởng vào nội tâm. Rồi bậc Ðạo Sư, ngồi trong hương phòng ở tinh xá phóng ra hào quang, xuất hiện trước mặt nàng và nói lên bài kệ trên. Còn nàng, vững tin với lời giáo giới ấy, không bao lâu chứng được quả A-la-hán và khi chứng quả nói lên lại bài kệ này. Sau khi tu hành thành đạt, được đề nghị lên những hàng giáo phẩm, nàng vẫn đọc bài kệ này, khi sắp sửa mệnh chung.
3. Kệ ngôn của trưởng lão ni Puṇṇā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm con một gia đình trưởng giả ở Sàvatthi và tên là Punnà. Khi nàng đến hai mươi tuổi và nghiệp duyên thành thục, nàng nghe Mahàpajàpati thuyết pháp và xuất gia. Khi trở thành một giới học nữ, nàng bắt đầu thiền quán, và bậc Ðạo Sư từ nơi hương phòng của Ngài phóng hào quang và nói lên bài kệ này:
4. Kệ ngôn của trưởng lão ni Tissā – Bài kệ sau này là của Tissà, một giới học nữ trải qua nhiều đức Phật, nàng tích lũy các công đức, và trong đời đức Phật hiện tại, nàng được tái sanh ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) trong gia đình quý tộc Thích-ca, được tuyển vào nội cung của vị Bồ-tát. Nàng cùng với Mahàpajàpati xuất gia và tu tập thiền quán. Bậc Ðạo Sư hiện ra trước nàng và nói lên bài kệ:
5. Kệ ngôn của trưởng lão ni Tissā – Sáu Tỷ-kheo-ni này, câu chuyện giống như Tissà (VI) trừ Dhirà, được gọi là một Dhirà khác. Nàng không được bài kệ nào đọc cho nàng, nhưng nàng cảm thấy dao động khi được nghe lời Phật dạy. Dựa trên những lời này nàng tinh tấn thiền nhất quán, và khi nàng chứng được quả A-la-hán, nàng nói lên sự sung sướng của nàng. Các Tỷ-kheo-ni khác cũng có thái độ tương tự.
6. Kệ ngôn của trưởng lão ni Dhīrā – Giống Tissā
7. Kệ ngôn của trưởng lão ni Vīrā – Giống Tissā
8. Kệ ngôn của trưởng lão ni Mittā – Giống Tissā
9. Kệ ngôn của trưởng lão ni Bhadrā – Giống Tissā
10. Kệ ngôn của trưởng lão ni Upasamā – Giống Tissā
11. Kệ ngôn của trưởng lão ni Muttā – Nhờ tích lũy các thiện nghiệp dưới thời các đức Phật khác, Muttà được sinh ở Kosalà, con gái của một Bà-la-môn nghèo tên là Oghàtaka. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng phải làm vợ một người Bà-la-môn còm, nhưng nàng thưa với chồng rằng nàng không thể sống trong gia đình và được chồng bằng lòng cho nàng xuất gia. Trong khi thiền quán, tâm tư vẫn chạy theo các đối tượng ở ngoài. Do vậy, nàng kiên trì tự chế ngự và đọc lên bài kệ của nàng. Nàng tinh tấn thiền quán cho đến khi nàng chứng được quả A-la-hán.
12. Kệ ngôn của trưởng lão ni Dhammadinnā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình ở Ràjagaha (Vương Xá) và trở thành vợ của Visàkha, một người có địa vị trong xã hội. Một ngày kia, chồng nàng đi nghe đức Phật thuyết pháp, chứng được quả Bất lai. Khi Visàkha về, Dhammadinnà đưa tay ra đỡ chồng lên gác, nhưng người chồng không nắm tay và không nói với nàng trong bữa ăn chiều. Nàng hỏi chồng duyên cớ, người chồng nói không phải vì lỗi gì của nàng, nhưng nay vì đã hiểu được Chánh pháp nên không còn những cử chỉ như trước nữa. Người chồng trả quyền tự do cho nàng, một là ở lại gia đình người chồng, hai là lấy tiền bạc rồi về lại gia đình cha mẹ, nhưng nàng không chịu, và xin được xuất gia.Visàkha đưa nàng đến các Tỷ-kheo-ni trong một chiếc kiệu vàng. Ðược cho phép xuất gia, nàng xin sống nhập thất, không muốn sống chung đụng ồn ào và đi đến một tinh xá ở làng. Tại đấy, nhờ những thiện nghiệp quá khứ, nàng chế ngự thân, miệng, ý, chứng được quả A-la-hán, với Tứ vô ngại giải: Nghĩa vô ngại giải, pháp vô ngại giải, từ vô ngại giải, biện tài vô ngại giải. Rồi nàng đi về Ràjagaha (Vương Xá), với các Tỷ-kheo-ni. Visàkha chồng cũ của nàng đến hỏi pháp, nàng như đã được diễn tả trong kinh Tiểu Vedalla (M.i. 299), nàng trả lời rất rõ ràng đúng đắn các câu hỏi của Visàkha và được đức Phật tán thán. Nàng trở thành thuyết pháp đệ nhất trong hàng các Tỷ-kheo-ni.
13. Kệ ngôn của trưởng lão ni Visākhā – Câu chuyện của Visàkhà cũng giống như câu chuyện của Dhìra. Sau khi chứng quả A-la-hán, nàng suy tư trên lạc giải thoát và nói lên chánh trí nàng đã chứng được, để khuyến khích đồng bạn tu hành.
14. Kệ ngôn của trưởng lão ni Sumanā – Câu chuyện của Visàkhà cũng giống như câu chuyện của Dhìra. Sau khi chứng quả A-la-hán, nàng suy tư trên lạc giải thoát và nói lên chánh trí nàng đã chứng được, để khuyến khích đồng bạn tu hành.
15. Kệ ngôn của trưởng lão ni Uttarā – Câu chuyện của Uttarà cũng giống như câu chuyện của Tissà (IV). Và khi nàng chứng quả A-la-hán, nàng nói lên bài kệ này:
16. Kệ ngôn của trưởng lão ni Sumanā, vị xuất gia ở tuổi già – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Sàvatthi làm chị của vua Kosala. Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, bắt đầu với bốn chữ: ‘Có bốn loại trẻ tuổi không nên khinh thường…’ (S. I, 68), nàng khởi lên lòng tin, thọ tam quy và ngũ giới.Vì mắc hầu hạ bà ngoại, nàng không xuất gia được. Sau khi bà ngoại mất, nàng cùng đi với vua tới tịnh xá, đem theo nhiều màn, nhiều vải cúng dường giáo hội. Nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, nàng chứng được quả Bất hoàn và xin được xuất gia và Thế Tôn thấy được sự trưởng thành trong trí tuệ của nàng nên nói lên bài kệ này:
17. Kệ ngôn của trưởng lão ni Dhammā – Sau khi chất chứa công đức trong nhiều đời, nàng được sanh trong một gia đình quyền quý dưới thời đức Phật hiện tại. Sau khi lấy chồng, nàng được cảm hóa theo đạo Phật, xin xuất gia nhưng người chồng không bằng lòng. Nàng chờ cho khi chồng mất, mới xuất gia. Một hôm, sau khi khất thực, trên con đường về tinh xá, nàng mất thăng bằng bị ngã. Dùng sự kiện ấy để thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ.
18. Kệ ngôn của trưởng lão ni Saṅghā – Ðời nàng giống như đời của Tỷ-kheo-ni Dhìra, nhưng bài kệ của nàng như sau:
19. Kệ ngôn của trưởng lão ni Abhirūpanandā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Kapilavatthu, con gái vợ chính của vua Khemaka, dòng họ Thích-ca (Sakya), tên là Nandà. Vì nàng rất đẹp nên được tên là Abhirùpa Nandà (Nandà đẹp). Ngày nàng lựa Carabhùta làm chồng, thời Carabhùta mệnh chung và cha mẹ cưỡng bức nàng xuất gia. Sau khi đã xuất gia, nàng vẫn tự kiêu với sắc đẹp của nàng, và sợ bậc Ðạo Sư quở trách, nàng lẫn tránh Ngài. Thế Tôn biết được hạnh nàng đã thuần thục nên bảo Mahàpajàpati quy tụ mọi Tỷ-kheo-ni lại để Ngài dạy bảo, nàng nhờ người khác đi thế. Ðức Phật không chấp nhận nên nàng phải đến dự. Ðức Phật hóa sanh một nữ nhân rất đẹp, nhưng dần dần bị già nua, yếu hèn và nàng bị xúc động mạnh. Rồi đức Phật nói với nàng những bài kệ như sau:
20. Kệ ngôn của trưởng lão ni Jentā – Câu chuyện về đời sống quá khứ, về hiện tại của nàng giống như câu chuyện của Nandà đẹp. Nhưng nàng sanh ở Vesàli, tại một gia đình hoàng tộc Licchavi. Nàng chứng quả A-la-hán khi nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp.
21. Kệ ngôn của trưởng lão ni Sumaṅgalamātā – Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh vào một gia đình nghèo và được gả lấy một người đan mây làm chồng. Nàng sanh được một người con trai tên Sumangala, sau trở thành bậc Trưởng lão và chứng quả A-la-hán. Nàng không được biết tên và được gọi là một Trưởng lão Ni không có tên hay mẹ của Sumangala. Nàng trở thành một Tỷ-kheo-ni và một hôm nghĩ đến sự đau khổ khi còn là cư sĩ, nàng cảm thấy xúc động và với thiền quán phát triển, nàng chứng quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ
22. Kệ ngôn của trưởng lão ni Aḍḍhakāsī – Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở xứ Kàsi con của một công dân giàu có và có danh tiếng. Nhưng vì ảnh hưởng của khẩu nghiệp của đời trước nàng trở thành một kỹ nữ. Về sau nàng xuất gia và được làm lễ xuất gia với một vị đại diện đặc biệt được ghi trong tập Cùla vagga (Tiểu phẩm)
Nàng muốn đi đến Sàvatthi để được xuất gia nhưng bị dân làng ăn chơi ở Benerees chận đường không cho nàng đi. Nàng cho người đến hỏi ý kiến Thế Tôn và Thế Tôn cho phép nàng được xuất gia với một vị đại diện đặc biệt. Rồi nàng nhứt tâm quán tưởng và không bao lâu chứng quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ.
23. Kệ ngôn của trưởng lão ni Cittā – Nàng được sanh vào một gia đình ưu tú ở Ràjagaha (Vương Xá), khi đến tuổi trưởng thành, nàng nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp ở cửa thành Ràjagaha, trở thành một tín nữ và được Mahàpajàpati cho xuất gia. Sau khi nàng về già, trong khi leo núi Linh Thứu, với thiền quán được phát triển, nàng chứng quả A-la-hán.
24. Kệ ngôn của trưởng lão ni Mettikā – Nàng được sanh làm con một gia đình quyền quý Bà-la-môn ở Ràjagaha. Ðời nàng cũng giống như đời của Città chỉ khác là nàng leo một ngọn núi khác, đối diện với núi Linh Thứu.
25. Kệ ngôn của trưởng lão ni Mettā – Nàng được sinh ra trong gia đình công chúa Sakya (Thích-ca) ở Kapilavatthu, từ bỏ gia đình xuất gia cùng với Mahàpajàpati, rồi sau những năm tháng tu hành cần mẫn, nàng chứng được quả A-la-hán nghĩ đến thành quả của mình, nàng vui vẻ nói lên những bài kệ này:
26. Kệ ngôn của trưởng lão ni Abhayamātā – Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh là một hoa khôi ở Ujjenì, tên là Badumavati. Vua Bimbisàra ở Magadha nghe tiếng và muốn gặp nàng. Với sự giúp đỡ của vị giáo sĩ của vua, vua được gặp nàng và nàng có thai với vua. Vua bảo khi nào nó lớn thì đưa vào cung. Nàng sinh được một đứa con trai, đặt tên là Abhaya (Vô Úy). Khi được bảy tuổi, nàng gửi con trai đến vua Bimbisàra và vua thương yêu nó và nuôi dưỡng nó với các người con khác của vua. Sau này đứa trẻ lớn lên tin theo đạo Phật, xuất gia, như đã được tường trình trong Trưởng lão Tăng Kệ. Về sau, mẹ của Abhaya nghe Abhaya thuyết pháp, cũng xin xuất gia và sau một thời gian tu hành, chứng được quả A-la-hán, với pháp tín thọ, với nghĩa tín thọ. Nàng nhớ lại những câu kệ do con nàng giảng cho nàng và thêm vào những bài kệ của chính nàng:
27. Kệ ngôn của trưởng lão ni Abhayā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Ujenni, tại một gia đình quyền quý và trở thành bạn thân với mẹ của Abhaya. Khi nghe mẹ của Abhaya xuất gia, Abhaya vì thương mẹ của nàng nên cùng xuất gia theo. Cùng ở tại Ràjagaha (Vương Xá), một hôm nàng đi đến một khu vườn để quán bất tịnh. Bậc Ðạo Sư tại hương phòng, Ngài hiện cho nàng thấy đối tượng nàng muốn thiền quán. Thấy hình ảnh ấy, nàng hốt hoảng. Bậc Ðạo Sư phóng hào quang hiện ra như ngồi trước mặt nàng và nói lên bài kệ:
28. Kệ ngôn của trưởng lão ni Sāmā – Do làm các thiện sự trong các đời trước, trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Kosambi, trong một gia đình có danh vọng. Khi Samàvati, bạn thân của nàng chết, vì quá đau khổ, nàng xuất gia. Nhưng vì không nhiếp phục được đau khổ đối với bạn của nàng, nàng không nắm được con đường Thánh đạo. Một thời, khi ngồi nghe Tôn giả Ananda thuyết pháp, nàng chứng được Pháp nhãn và bảy ngày sau nàng chứng quả A-la-hán, với pháp tín thọ, với nghĩa tín thọ.
29. Kệ ngôn của trưởng lão ni Sāmā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình quý tộc ở Kosambi, nàng cũng trở thành người bạn của Sàmàvati, khi Sàmàvati chết đi, vì quá đau khổ, nàng xuất gia. Trong hai mươi lăm năm nàng không nhiếp phục được tâm nàng, cho đến khi trở về già, nàng nghe được một bài thuyết pháp, tu tập thiền quán, chứng quả A-la-hán với nghĩa tín thọ, pháp tín thọ. Suy tư đến quả chứng này, nàng nói lên bài kệ:
30. Kệ ngôn của trưởng lão ni Uttamā – Sau nhiều đời làm việc lành, nàng được sanh trong nhà một triệu phú ở Sàvatthi, trong thời đức Phật hiện tại. Khi nàng lớn tuổi, nàng nghe Patàcàrà thuyết pháp và xin xuất gia. Nhưng nàng chưa chứng được quả vị thiền quán. Patàcàrà biết được tâm trạng của nàng, nên thuyết giảng cho nàng và nhờ vậy nàng chứng quả A-la-hán với nghĩa tín thọ, pháp tín thọ. Suy tư trên quả chứng, nàng nói lên sự sung sướng của nàng.
31. Kệ ngôn của trưởng lão ni Uttamā 2 – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh vào gia đình Bà-la-môn có danh tiếng ở Kosala. Ðến tuổi trưởng thành khi đang đi ở làng quê, nàng nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, nàng xuất gia, chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Suy tư trên quả chứng, nàng nói lên bài kệ:
32. Kệ ngôn của trưởng lão ni Dantikā – Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi trong gia đình vị giáo sĩ nhà vua. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng trở thành tín nữ ở Jetavana (Kỳ Viên) và về sau xuất gia, dưới sự chỉ đạo của Mahàpajàpati. Một thời khi đang ở Ràjagaha (Vương Xá), nàng leo lên núi Linh Thứu; và sau buổi ăn, khi đang còn ngồi nghỉ, nàng thấy một người nài điều khiển một con voi; và nhờ vậy nàng chứng quả A-la-hán; với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ.
33. Kệ ngôn của trưởng lão ni Ubbirī – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình khá giả quyền quí. Nàng rất đẹp và sanh được người con gái rất đẹp, đặt tên là Jivà. Vua thấy đứa con gái rất lấy làm hài lòng và đưa nàng lên làm hoàng hậu. Nhưng rồi đứa con gái Jivà bị chết, và bà mẹ ngày nào cũng đi đến nghĩa địa để than khóc. Một hôm nàng đi đến yết kiến bậc Ðạo Sư, nhưng rồi nàng đi ra bên sông Aciravàti và đứng than khóc.
34. Kệ ngôn của trưởng lão ni Sukkā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh vào một gia đình quyền quí ở Ràjagaha (Vương Xá) và được đặt tên là Sukkà (Sáng Suốt). Khi đến tuổi trưởng thành, nàng phát tâm tin Phật ở trong gia đình của nàng và trở thành một tín nữ. Về sau nàng được nghe Dhammadinnà thuyết pháp và quá cảm xúc bởi bài thuyết pháp, nàng xuất gia với Dhammadinnà. Sau khi tu thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ.
Ðược năm trăm Tỷ-kheo-ni đoanh vây, nàng trở thành một vị thuyết pháp giỏi. Một ngày kia, sau khi đi vào Vương Xá khất thực, ăn xong, toàn thể Ni chúng trở về tinh xá của Tỷ-kheo-ni. Tại đấy Sukkà thuyết pháp cho toàn thể Ni chúng, thuyết hay cho đến nỗi các Tỷ-kheo-ni như cảm thấy được nhận từ nàng, những đường mật ngọt ngào, thấm nhuần với nước bất tử. Tất cả đều ngồi nghe, hoàn toàn im lặng nhiệt tâm tín thành.
35. Kệ ngôn của trưởng lão ni Selā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm công chúa con vua nước Alavì, tên là Sielà. Nàng cũng được biết với tên là Alavika (người nước Alavì). Khi đến tuổi trưởng thành, bậc Ðạo Sư cảm hóa được vua cha, làm lễ xuất gia cho vua và cùng đi đến Alavì. Sielà chưa lập gia đình, cùng đi với phụ vương nghe thuyết pháp và trở thành một tín nữ. Về sau nàng xuất gia, chuyên tu thiền quán và cuối cùng nhờ thiện duyên tốt đẹp, nhờ trí tuệ được triển khai, nàng nhiếp phục được thân hành, khẩu hành, ý hành và chứng được quả A-la-hán.
Về sau trở thành một Trưởng lão Ni, nàng ở Sàvatthi. Một hôm, nàng đi ra khỏi Sàvatthi để nghỉ ban ngày tại Andhavana và ngồi dưới một gốc cây.
36. Kệ ngôn của trưởng lão ni Somā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sinh ra là con gái vị giáo sĩ của vua Bimbisàra. (Bình Sa Vương) và được đặt tên là Somà. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng trở thành một tín nữ, và về sau nàng xuất gia và nhờ triển khai thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán với nghĩa tín thọ, pháp tín thọ.
Ở tại Sàvatthi, một ngày kia nàng đi vào rừng Andhavana để nghỉ ban ngày và ngồi dưới một gốc cây
37. Kệ ngôn của trưởng lão ni Bhaddākāpilānī – Bhaddà Thuộc Dòng Họ Kapllà. (Therì. 130)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh vào một gia đình Bà-la-môn dòng họ Kosiya ở Sàgala. Ðược sống trong giàu sang, nàng được gả làm vợ một nhà quý tộc tên là Pippali ở làng Mahàtittha. Khi người chồng xuất gia, nàng giao lại tài sản cho các người bà con để nàng được xuất gia. Nàng sống năm năm tại Titthiyàràma, sau đó nàng được Mahàpajàpati cho thọ đại giới, nhờ triển khai thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán. Sau nàng trở thành một vị có biệt tài về các đời quá khứ nhờ hạnh nguyện trong đời quá khứ. Nàng được đức Phật xem là người biệt tài đệ nhất về đời sống quá khứ, khi bậc Ðạo Sư ở Jetavana (Kỳ Viên) ngồi phân loại các Tỷ-kheo-ni. Một ngày kia nàng nói lên những bài kệ, nói đến những kinh nghiệm quá khứ và tán thán hạnh của Trưởng lão Kassapa:
38. Kệ ngôn của một trưởng lão ni nào đó – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Devadaha và trở thành người nữ điều dưỡng cho Mahàpajàpati. Nàng tên là Vàddhesi nhưng tên gia tộc nàng không được biết đến khi chủ nàng xuất gia, nàng cũng xin xuất gia theo. Nhưng trong hai mươi lăm năm nàng bị các dục chi phối ám ảnh, không được thiền định dầu cho đến một sát-na. Nàng than van tình trạng của nàng cho đến khi nàng được nghe Dhammadinnà thưyết pháp. Rồi tâm nàng xa lánh các dục, nàng tu tập thiền định và cuối cùng nàng chứng được sáu thắng trí. Suy tư trên quả chứng của mình, nàng nói lên bài kệ:
39. Kệ ngôn của trưởng lão ni Vimalā , Xưa Làm Một Kỹ Nữ (Therì. 131) – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Vesàli làm con gái một người bán sắc đẹp sinh sống. Nàng được đặt tên là Vimalà. Khi nàng lớn lên, và suy tư với những tư tưởng uế nhiễm, nàng thấy Tôn giả Mahà Moggallàna đang đi khất thực ở Vesàli, nàng cảm thấy thương yêu Tôn giả và đi theo về tinh xá để cám dỗ. Có người nói nàng được các ngoại đạo xúi dục nên làm như vậy. Tôn giả chỉ trích hành động không tốt đẹp của nàng và thuyết pháp cho nàng, như đã được ghi trong Trưởng lão Tăng Kệ. (Therà. 1150-57), nàng cảm thấy xấu hổ và trở thành một tín nữ. Về sau cùng nàng xuất gia, tinh tấn tu tập, và không bao lâu chứng quả A-la-hán, nghĩ đến quả chứng của mình, nàng phấn khởi nói lên bài kệ:
40. Kệ ngôn của trưởng lão ni Sīhā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Vesàli, con gái của một người chị võ tướng Sìha. Do vậy, nàng được đặt tên là Sìha, như tên của người cậu của nàng. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp cho người cậu, Sìha trở thành một tín nữ và được phép cha mẹ cho xuất gia. Khi nàng tu tập thiền quán, nàng không thể chận đứng tâm tư nàng chạy theo những ngoại vật khả ý. Bảy năm bị dày vò, nàng kết luận: ‘Làm sao ta thoát khỏi nếp sống uế nhiễm này. Ta hãy chết, tốt hơn’. Rồi nàng cột sợi dây trên cây, đút cổ vào thòng lọng để thắt cổ chết. Trong giây phút cuối cùng với sự cố gắng tinh thần chất chứa từ trước cho đến nay, nàng cố gắng triển khai thiền quán. Ðối với nàng đời sống hiện tại thật sự là đời sống cuối cùng, trong giờ phút cuối cùng, trí tuệ nàng được viên mãn, và với nội tâm thiền quán nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Mở thòng lọng ra nàng trở về lại tinh xá. Ðược thành một vị A-la-hán, nàng sung sướng phấn khởi nói lên bài kệ;
41. Kệ ngôn của trưởng lão ni Sundarīnandā – Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình quý tộc thuộc dòng họ Thích-ca. Ðược tên là Nandà. Nàng có danh là Nandà hoa khôi. Khi bậc Thế Tôn giác ngộ, đi đến Kapilavatthu và độ cho Nandà và Rahula xuất gia. Khi vua Suddhodana (Tịnh Phạn) mệnh chung và bà Mahàpajàpati xuất gia, nàng Nandà tự nghĩ: ‘Anh trưởng của ta đã chối từ không thừa tự quốc độ, xuất gia và trở thành đấng Thế Tôn, một bậc siêu nhân. Con của Ngài là Rahula cũng xuất gia, anh của ta vua Nandà cũng xuất gia. Mẹ của ta Mahàpajàpati, chị của ta, mẹ Rahula cũng xuất gia. Vậy ta ở nhà làm gì? Ta hãy xuất gia’. Như vậy nàng xuất gia không phải vì lòng tin, mà chính vì lòng thương yêu bà con trong gia đình. Nàng xuất gia như vậy sau khi từ bỏ gia đình, nàng vẫn tự kiêu với sắc đẹp của mình và không chịu đến yết kiến đức Phật, sợ đức Phật quở trách nàng. Nhưng trường hợp của nàng cũng giống như trường hợp với Tỷ-kheo-ni Abhirùpa Nandà (xem kệ XIX) với sự sai khác nhau: khi nàng thấy hóa thân của một nữ nhân do đức Phật hiện ra, nữ nhân ấy dần dần trở thành già xấu, tâm của nàng dựa trên tánh vô thường và đau khổ, hướng đến thiền định.
42. Kệ ngôn của trưởng lão ni Nanduttarā – Trong đời đức Phật hiện tại, nàng sanh trong một gia đình Bà-la-môn, nước Kuru thành Kammàsadamma. Sau khi học hỏi ngoại đạo, nàng xuất gia theo phái Ni-kiền-tử và vì nàng thuyết pháp giỏi, nàng cầm cành cây diêm phù và đi khắp xứ Ấn Ðộ như nàng Bhaddà (XLVI). Nàng gặp Tôn giả Mahà-Moggallàna và bị ngài chiến thắng trong cuộc tranh luận. Nàng nghe theo lời dạy của Tôn giả Moggallàna, xuất gia trong giáo pháp đức Bổn Sư và không bao lâu chứng quả A-la-hán với nghĩa tín thọ, pháp tín thọ. Suy tư trên chiến thắng của mình, nàng sung sướng nói lên bài kệ:
43. Kệ ngôn của trưởng lão ni Mittākāḷi – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình Bà-la-môn, ở xứ dân chúng Kuru, tại thành Kammàsadamma. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng được nghe giảng về Bốn niệm xứ và xuất gia làm Tỷ-kheo-ni. Trong bảy năm nàng ưa thích được cúng dường, được trọng vọng và thường hay gây lộn cãi vã về sau nàng biết như lý tác ý, triển khai thiền quán và chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Nghĩ đến sự chiến thắng của mình, nàng nói lên sự phấn khởi của nàng.
44. Kệ ngôn của trưởng lão ni Sakulā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm Bà-la-môn, ở Sàvatthi, tên là Sakulà. Khi đức Phật nhận tinh xá Jetavana, nàng trở thành người tín nữ, và về sau được nghe một vị A-la-hán thuyết pháp, nàng phát nguyện xuất gia, tinh cần triển khai thiền quán và cuối cùng chứng quả A-la-hán. Về sau tùy theo lời phát nguyện, nàng được Thế Tôn tán thán là Thiên nhãn đệ nhất. Sau khi suy tư đến kết quả chứng của mình, nàng phấn khởi hoan hỷ và nói lên bài kệ:
45. Kệ ngôn của trưởng lão ni Soṇā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình quý tộc ở Sàvatthi. Sau khi lập gia đình, nàng sanh được mười người con trai, con gái và được biệt danh là ‘người nhiều con’. Khi người chồng xuất gia nàng giao lại cho các con trai, con gái cai quản gia đình và giao cả gia sản cho các con trai, không giữ gì cho thân mình. Các con trai và con dâu nuôi dưỡng nàng, không bao lâu trở mặt khinh rẻ nàng. Nàng buồn cho thái độ các dâu con, xuất gia trở thành Tỷ-kheo-ni. Nàng suy nghĩ, nàng đã lớn tuổi mới xuất gia, nên hết sức tinh cần,tinh tấn. Trong khi hầu hạ các Trưởng lão Ni, nàng thức đêm tu học, nàng kiên trì học tập, không biếng nhác, không xao nhãng, như người chụp nắm các cột trong mái hiên, hay chụp nắm cành cây trong đêm tối để tránh đầu khỏi va chạm. Hạnh tinh tấn của nàng được mọi người biết, và bậc Ðạo Sư biết được trí tuệ của nàng đã chín muồi, nên phóng hào quang, hóa hiện trước mặt nàng và nói lên bài kệ:
46. Kệ ngôn của trưởng lão ni Bhaddākuṇḍalakesā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ra ở Rajagaha (Vương Xá), trong gia đình vị thủ khố của nhà vua, và được tên là Bhaddà. Lớn lên và luôn luôn có người hầu hạ, nàng thấy ngang qua khe cửa, Satthuka, con vị giáo sĩ của vua, một kẻ cướp bị dẫn đi hành hình, theo lệnh của vua. Nàng bỗng yêu Satthuka và nằm trên giường nàng nói: ‘Nếu ta không được chàng, ta sẽ chết’. Người cha vì thương nàng, nên hối lộ cho những người lính và đưa Satthuka đến gặp nàng. Satthuka khởi lòng tham đồ trang sức của nàng nên nói với nàng là khi bị dẫn đến ‘hòn núi của kẻ trộm’, chàng có phát nguyện: Nếu chàng được tha, chàng sẽ làm lễ cúng tạ ơn và nhờ nàng sửa soạn lễ tạ. Muốn được chàng bằng lòng, nàng vâng theo ý muốn của Satthuka, tự trang điểm với các đồ trang sức, lên xe đi với chàng và cùng đi đến ‘hòn núi của kẻ trộm’ Satthuka không cho người hầu hạ đi theo, lấy đồ trang sức cúng dường, và leo lên núi một mình với nàng, nhưng không nói lời thân ái với nàng. Do thái độ của chàng, nàng tìm ra được mưu kế của chàng. Rồi Satthuka bảo nàng cởi áo ngoài ra, dùng áo gói đồ trang sức nàng đang mang theo, Nàng hỏi chàng nàng có làm điều gì sái quấy chăng, và chàng trả lời: ‘Nàng thật ngu si ta đến đây có phải để làm lễ cúng dường đâu! Ta chỉ đến đây để lấy đồ trang sức của nàng’. Nàng nói: ‘Này chàng thân yêu, các đồ trang sức này của ai, và đồ trang sức nào thuộc của em’. Chàng nói: ‘Ta không biết gì về sự phân chia này’. Nàng nói: ‘Thôi được, chàng thân yêu, nhưng chàng cho em một sở nguyện, cho em mang đồ trang sức và được hôn chàng! Satthuka bằng lòng và nàng ôm hôn chàng đàng trước, rồi ôm chàng hôn đàng sau, và trong khi ấy xô chàng ngã xuống vực núi. Một Thiên nhân ở trên núi, thấy nàng làm vậy liền khen rằng:
47. Kệ ngôn của trưởng lão ni Paṭācārā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh trong gia đình vị thủ ngân khố nhà vua ở Sàvatthi. Khi đến tuổi trưởng thành nàng giao du với một người đầy tớ trong nhà. Khi cha mẹ nàng định ngày gả nàng cho một chàng trai xứng đôi, nàng trốn đi với người tình nhân và sống tại một ngôi làng nhỏ. Khi nàng sắp sanh, nàng bảo chồng đưa nàng về nhà cha mẹ, vì ở đây không có ai săn sóc nàng, nhưng chồng nàng cứ hẹn lần hẹn hồi cho đến khi nàng biết chồng nàng không muốn đi về. Nàng liền chờ chồng đi vắng, sắp đặt công việc, tin cho người láng giềng biết rồi nàng bỏ về nhà cha mẹ. Khi người chồng về, người chồng liền đuổi theo, sợ nàng không có người săn sóc. Chồng nàng bắt gặp nàng và giữa đường nàng sinh được người con, rồi hai vợ chồng lại đi trở về làng. Ðến kỳ sinh nở thứ hai, sự việc xảy ra như lần trước, nhưng có điểm khác biệt như sau: giữa đường mưa to gió lớn nổi lên, người chồng tìm lá và cây làm cái chòi cho nàng tránh mưa, nhưng bị con rắn từ gò mối bò ra cắn chồng nàng chết tại chỗ. Trong cơn đau khổ chờ đợi chồng nàng, nàng bồng đứa con trên ngực và giữa mưa to gió lớn nàng nằm phục xuống đất để che chở cho hai đứa con trải qua một đêm như vậy cho đến sáng. Ðến sáng, nàng đi tìm chồng và thấy chồng bị rắn cắn chết rồi. Nàng khóc than suốt đêm. Vì mưa to, nước sông dâng lên đến đầu gối, nàng lại quá yếu nên không thể bồng hai đứa con lội qua sông. Nàng để đứa lớn ở bờ bên này và bồng đứa nhỏ lội qua sông. Rồi nàng đặt đứa nhỏ nằm trên khăn trùm đầu, dùng cành cây che lại để nó trên bờ, còn nàng lội qua sông lại để đem đứa lớn qua. Nhưng đến giữa dòng, quay mình trở lại thời thấy một con diều hâu, tưởng đứa con nít là một miếng thịt, nên bay xuống tha đứa nhỏ đi. Dầu cho người mẹ có xua đuổi và la lên nhưng vì quá xa nên không làm gì được. Còn đứa lớn bên bờ bên này, nghe tiếng mẹ la tưởng là mẹ kêu liền lội xuống nước đi qua và bị nước cuốn trôi. Thế là hai đứa con và cả người chồng bị chết. Nàng vừa khóc vừa đi về thành Sàvatthi, lại được tin hồi hôm mưa to gió lớn làm sụp đổ căn nhà của cha mẹ nàng, giết chết cả cha mẹ và em nàng vừa làm lễ hỏa táng xong.
48. Kệ ngôn của ba mươi vị tỳ khưu ni trưởng lão – 30 Tỷ Kheo Ni Tuyên Bố Về Chánh Trí Dưới Sự Lãnh Ðạo Của Patàcàrà (Therì. 135) Trong thời đức Phật hiện tại, chúng sanh trong nhiều gia đình sai khác, được nghe Patàcàrà thuyết pháp, trở thành tín nữ và cuối cùng xuất gia. Trong khi họ làm trọn những phận sự của mình, và sống đầy đủ giới hạnh, nàng thuyết cho họ lời giáo huấn như sau:
49. Kệ ngôn của trưởng lão ni Candā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng làm con một vị Bà-la-môn, ít được người biết đến, tại một làng Bà-la-môn. Từ lúc nhỏ, gia đình bị mất hết tài sản, và nàng lớn lên trong điều kiện rất thiếu thốn.
Trong gia đình, một bệnh thời khí phát ra giết hại cả nhà, và nàng phải đi xin nhà này qua nhà khác với một cái bát vỡ. Một ngày kia, nàng đến chỗ Tỷ-kheo-ni Patàcàrà khi vị này vừa ăn xong. Các Tỷ-kheo-ni thấy nàng trong tình cảnh đáng thương hại, tiếp nàng với lòng từ mẫn và cho nàng ăn. Sung sướng được thấy hạnh phúc tốt đẹp của các Tỷ-kheo-ni, nàng đến gần Patàcàrà, đảnh lễ, nàng ngồi xuống một bên để nghe pháp. Nàng nghe với tâm hồn phấn khởi, và lo lắng vì kiếp sống luân hồi, nàng xuất gia. Nàng theo lời giáo giới của vị Tỷ-kheo-ni, nàng an trú thiền quán, nhiệt tâm tinh cần. Rồi với nghị lực và lời phát nguyện và sự chín muồi của trí tuệ, không bao lâu nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ.
***
50. Kệ ngôn của năm trăm vị trưởng lão ni Năm Trăm Patàcàrà (Therì. 136)– Trong thời đức Phật hiện tại, chúng sanh trong những gia đình khá giả, tại nhiều chỗ khác nhau, lấy chồng, có con, sống lo việc bếp nước trong gia đình. Họ đều chịu sự đau khổ khi con của họ bị chết. Rồi họ đi tìm đến Patàcàrà, đảnh lễ nàng, ngồi xuống một bên nàng và nói cho nàng biết nỗi đau khổ của họ. Patàcàrà, làm cho họ vơi bớt sự đau khổ, nói lên những bài kệ như sau:
51. Kệ ngôn của trưởng lão ni Vāseṭṭhī – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm con một nhà quyền quý ở Vesàli. Khi nàng lớn, nàng được gả cho một người chồng tương xứng và nàng sống vui vẻ với người chồng. Khi có được đứa con, mới tập chạy, nó chết đi và nàng quá đau khổ vì đứa con chết. Khi các người bà con chữa bệnh cho chồng, nàng bỏ trốn và lang thang khắp đó đây cho đến khi nàng đến Mithìlà. Tại đây, nàng thấy đức Phật đang đi trên đường, tự tại, tự chế, làm chủ các căn. Khi thấy bậc Ðạo Sư và nhờ Phật lực nàng lấy lại được sự bình tĩnh. Rồi bậc Ðạo Sư thuyết pháp vắn tắt cho nàng, và nàng xin được xuất gia và bậc Ðạo Sư chấp nhận. Làm tất cả các bổn phận của mình, nàng an trú vào thiền quán, và với sự cố gắng vượt bực, với trí tuệ chín muồi, nàng chứng quả A-la-hán,
52. Kệ ngôn của trưởng lão ni Khemā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh nước Magadha (Ma-kiệt-đà) ở Sàgala, thuộc gia đình hoàng tộc, tên là Khemà. Nhan sắc đẹp đẽ, với da như vàng, nàng trở thành hoàng hậu Vua Bimbisàra. Khi Thế Tôn ở tại Veluvana (Trúc Lâm), nàng không đi đến yết kiến đức Phật vì sợ Thế Tôn chỉ trích lỗi của mình. Vua muốn nàng đi thăm Trúc Lâm, nên nhờ người tán thán ngôi vườn này, và cuối cùng nàng bằng lòng cùng vua đi đến tinh xá, không thấy Thế Tôn, nhưng muốn nàng thấy cho được Thế Tôn, dầu phải bắt nàng ở lại. Khi nàng sắp sửa từ giã tinh xá nhưng không gặp được Thế Tôn, các người hầu cận giữ nàng ở lại và đưa nàng đến gặp đức Thế Tôn một cách miễn cưỡng. Ðức Thế Tôn dùng thần lực hóa hiện một tiên nữ rất đẹp đang đứng quạt cho Ngài, sắc đẹp thắng xa sắc đẹp của nàng rất nhiều. Rồi trước mắt nàng, như nhân được hóa hiện ấy lớn lên trở thành già yếu răng rụng, tóc bạc, da nhăn và ngồi ngã xuống đất với chiếc quạt. Khemà thấy vậy, tự hỏi không biết thân mình có chịu hoàn cảnh tương tự hay không.
53. Kệ ngôn của trưởng lão ni Sujātā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Sàketa trong gia đình thủ khố nhà vua. Ðược gả chồng với con vị thủ khố tương xứng với gia đình, nàng sống hạnh phúc với chồng. Một hôm, trong khi đi dự lễ các Sao (Nakkhatakìlam), nàng đi về với những người hầu hạ, và nàng thấy bậc Ðạo Sư ở vườn Anjana. Nàng cảm thấy bị hấp dẫn, đến gần đảnh lễ ngài và nghe ngài thuyết pháp. Bậc Ðạo Sư biết căn cơ nàng đã chín muồi, nên đặc biệt thuyết pháp cho nàng, và thuyết pháp xong, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, với nghĩa tín thọ. Ðảnh lễ bậc Ðạo Sư, về nhà được chồng và cha mẹ chấp thuận và với sự đồng ý của bậc Ðạo Sư, nàng được xuất gia làm Tỷ-kheo-ni.
54. Kệ ngôn của trưởng lão ni Anopamā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Sàketa, trong gia đình vị thủ kho Majjha. Vì nàng rất đẹp, nàng được tên là Anopanà (không ai sánh nổi). Khi nàng đến tuổi trưởng thành, nhiều con nhà giàu, các quan chức nhà vua, các hoàng tử, cử các sứ giả đến xin cưới nàng. Nghe tin vậy, nàng có tâm nguyện khác, nàng muốn sống đời sống không có gì hết. Nên nàng tìm đến bậc Ðạo Sư nghe ngài thuyết pháp, nhờ trí tuệ chín muồi, nhờ nhớ đến lời dạy, nhờ nhiệt tâm thiền quán, nàng chứng được quả thứ ba, quả Bất lai. Xin phép bậc Ðạo Sư cho xuất gia, nàng được nhận làm Tỷ-kheo-ni. Và đến ngày thứ bảy, nàng chứng được quả A-la-hán.
55. Kệ ngôn của trưởng lão ni Mahāpajāpatīgotamī -Trước khi bậc Ðạo Sư ra đời, nàng được sanh ở Devadaha, trong gia đình Mahà-Suppabuddha. Tên gia đình của nàng là Gotama, và nàng là em gái của Mahàmàyà. Các thầy đoán tướng tiên đoán rằng các người con của hai chị em sẽ là vị chuyển luân vương. Vua Suddhodana, khi đến tuổi trưởng thành, cưới cả hai chị em. Sau đó, bậc Ðạo Sư đản sanh, và trong khi chuyển pháp luân, ngài đi đến Vesàli, và phụ vương được quả A-la-hán mệnh chung.
Rồi Mahàpajàpati muốn xuất gia, xin phép bậc Ðạo Sư nhưng không được chấp nhận. Rồi nàng cắt tóc, đắp y, và sau thời gỉảng kinh về tinh cần nỗ lực, nàng ra đi với năm trăm Thích-ca nữ mà các người chồng đã xuất gia, đi đến Vesàli, và xin bậc Ðạo Sư cho xuất gia, với sự can thiệp của Tôn giả Ananda. Bậc Ðạo Sư chấp nhận và dạy Tám kỉnh pháp cho các Tỷ-kheo-ni.
Sau khi xuất gia, Mahàpajàpati đến yết kiến đức Phật và đứng một bên Ngài thuyết pháp cho nàng, và nàng tinh cần tinh tấn chứng được quả A-la-hán với trí tuệ trực giác và phân tích năm trăm Tỷ-kheo-ni, sau khi nghe Nandaka giáo giới, chứng được sáu thắng trí.
Một ngày kia, khi bậc Ðạo Sư ngồi giữa thánh chúng tại tinh xá Jetavana (Kỳ Viên), Ngài xác nhận Mahàpajàpati là vị có kinh nghiệm đệ nhất, sống hưởng thọ hạnh phúc giải thoát, Niết-bàn. Ðể nói lên lòng biết ơn của mình, Mahàpajàpati tuyên bố chánh trí của mình trước mặt Thế Tôn, tán thán hạnh đức của Ngài đã giúp đỡ hộ trì cho nàng mà trước đây nàng không được gặp:
56. Kệ ngôn của trưởng lão ni Guttā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi trong một gia đình Bà-la-môn và tên là Guttà. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng nhàm chán đời sống gia đình và được phép gia đình cho xuất gia, dưới sự lãnh đạo của Mahàpajàpati. Sau đó dầu nàng hành trì với tín tâm, nhưng tâm của nàng cứ chạy theo ngoại cảnh và do vậy nàng không thiền định được. Rồi bậc Ðạo Sư muốn khích lệ nàng, phóng hào quang và hiện ra trước mặt nàng và nói lên bài kệ như sau:
57. Kệ ngôn của trưởng lão ni Vijayā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Ràjagaha (Vương Xá) trong một gia đình thường dân, khi lớn lên nàng trở thành bạn của Khemà, đưa nàng trở thành Trưởng lão Ni, khi ấy còn là nữ cư sĩ. Khi nghe Khemà xuất gia, nàng nói: ‘Khemà là hoàng hậu còn xuất gia được, huống nữa là ta’. Nàng đi đến Khemà, và Khemà biết tâm nguyện căn cơ của nàng nên thuyết pháp, khiến nàng suy tư đến sanh lão bệnh tử và tìm được an ổn trong đạo pháp. Rồi Khemà cho nàng xuất gia, nàng hầu hạ, học hỏi làm tròn bổn phận của mình, tu tập thiền quán và khi trí tuệ thuần, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ.
******
58. Kệ ngôn của trưởng lão ni Uttarā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình thường dân, tên là Uttarà. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng nghe Patàcàrà thuyết pháp, trở thành một tín nữ, xuất gia và trở thành vị A-la-hán. Rồi suy tư trên quả chứng của mình, nàng phấn khởi nói lên bài kệ:
59. Kệ ngôn của trưởng lão ni Cālā -Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Magadha, tại làng Nàlaka, con của một nữ Bà-la-môn tên là Surùpasàrì. Khi đến tuổi đặt tên, nàng được gọi là Càlà. Em gái nàng tên là Upacàlà và em nhỏ nhất tên là Sìsùpacàlà và cả ba là em của Tôn giả Sàriputta. Khi ba đứa em nghe người anh xuất gia trở thành vị Tỷ-kheo chúng suy nghĩ: ‘Ðây không phải là một giáo pháp thường tình, một sự xuất gia thường tình, vì một người anh như người anh chúng ta đã quyết tâm tu hành theo; ba nàng cũng xuất gia, dầu gia đình than khóc. Với sự tinh tấn, tinh cần, cả ba tu hành, chứng quả A-la-hán và sống an lạc giải thoát.
Rồi Tỷ-kheo-ni Càlà, sau khi đi khất thực, đi vào rừng Andho để nghỉ trưa và tại đấy Ác ma hiện ra để cám dỗ nàng. Trong kinh, có đề cập đến vấn đề này.
60. Kệ ngôn của trưởng lão ni Upacālā – Câu chuyện giống như Tỷ-kheo-ni Càlà. Như Càlà, nàng chứng quả A-la-hán, và bị Ác ma cám dỗ nhưng Ác ma đã thất bại:
61. Kệ ngôn của trưởng lão ni Sīsūpacālā : Câu chuyện giống như hai câu chuyện trước. Nàng theo gương người anh, xuất gia và chứng quả A-la-hán. Hưởng thọ sự an lạc, nàng suy tư đến quả chứng, đã làm những điều cần làm và nói lên sự sung sướng của nàng:
***
62. Kệ ngôn của trưởng lão ni Vaḍḍhamātā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở thành phố Bhàrukaccha, trong một gia đình thường dân. Sau khi lập gia đình, nàng sanh được một người con, đặt tên là Vaddha và nàng được biết là mẹ Vaddha. Nghe một Tỷ-kheo thuyết pháp, nàng trở thành một tín nữ, và giao lại con cho bà con. Nàng đi đến các Tỷ-kheo-ni và xuất gia. Vaddha đi thăm mẹ, đi một mình vào tinh xá Tỷ-kheo-ni và bị mẹ khiển trách như sau:
***
63. Kệ ngôn của trưởng lão ni Kisāgotamī – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình nghèo khổ, tên là Gota mì, vì nàng yếu đuối nên được gọi là Kisà Gotamì (Gotamì ốm yếu). Khi lập gia đình, nàng bị khinh thường và được gọi là con gái một người không có gì. Nhưng khi nàng có con, nàng được kính trọng. Khi người con lớn lên và có thể chạy được, nó chết, và nàng cảm thấy đau khổ, và nhớ đến sự đối xử với mình được thay đổi khi đẻ đứa con, nàng nghĩ: ‘Chúng sẽ giữ lấy con ta và đem bỏ vào nghĩa địa’. Nàng ôm đứa con chết vào lòng và đi vào từng nhà xin: ‘Hãy cho con tôi thuốc’. Và được trả lời: ‘Nay thuốc còn gì dùng nữa’. Nhưng nàng không hiểu. Có người thương xót khuyên nàng đến đức Phật để xin thuốc, Nàng đi đến tinh xá và xin đức Phật: ‘Hãy cho con tôi thuốc’. Bậc Ðạo Sư thấy được hy vọng tu chứng nơi nàng bèn nói: ‘Hãy đi đến nhà nào không có người chết, và đem lại một hột cải!’ Nàng vâng lời, đi vào nhà đầu tiên và yêu cầu như vậy, nhưng bị từ chối, vì trong nhà có người chết. Nàng đi vào nhiều nhà khác, được trả lời như vậy và nàng nghĩ: ‘Ðây có thể là bậc Ðạo Sư dạy khéo cho ta’, nên nàng đem dặt con nàng ở nghĩa địa và nói:
***
64. Kệ ngôn của trưởng lão ni Uppalavaṇṇā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi, con gái của vị trưởng kho bạc. Vì da nàng màu tim của sen xanh, nàng được gọi là Uppalavannà. Khi nàng đến tuổi trưởng thành, vua và thường dân dành nhau đến cưới nàng. Vị trưởng kho bạc, không thể làm cho mọi người bằng lòng, nghĩ đến một kế để giải quyết. Ông cho gọi Uppalavannà và yêu cầu nàng xuất gia. Và vì căn cơ đã thuần thục, nàng nhận lời ngay, và được đưa đến tinh xá Tỷ-kheo-ni để xuất gia.Sau một thời gian, khi nàng phụ trách công việc dọn dẹp phòng làm lễ Bố-tát, nàng thắp ngọn đèn quét phòng. Rồi lấy ngọn đèn làm tướng để thiền quán, không bao lâu nàng chứng được quả A-la-hán. Nàng trở thành vị thần thông đệ nhất.
Và bậc Ðạo Sư, ngồi giữa đại chúng ở Jetavana ấn chứng cho nàng là thần thông đệ nhất. Nàng suy tư trên quả an lạc của thiền và thánh quả, nói lên một số bài kệ. Ðây là những lời thốt ra tà miệng một bà mẹ trở thành tình địch với con gái của mình, đối với một người mà sau này trở thành vị Tỷ-kheo tên là Tỷ-kheo ở trên bờ sông Hằng.
***
65. Kệ ngôn của trưởng lão ni Puṇṇā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi, trong gia đình ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc) con gái của một người nô lệ. Nàng chứng được quả Dự lưu khi nghe kinh Sư tử hống (Trung Bộ Kinh, kinh số 11 hay 12). Về sau, sau khi nàng hóa độ được một Bà-la-môn tin tưởng nhờ nước làm cho thanh tịnh và được cảm tình của ông chủ, nàng được thoát ly khỏi giới nô lệ, và với sự bằng lòng của ông chủ, nàng được xuất gia. Và nhờ triển khai thiền quán, nàng chứng quả A-la-hán với hiểu pháp và hiểu nghĩa. Suy tư trên quả chứng của mình, nàng nói lên những bài kệ như sau:
***
66. Kệ ngôn của trưởng lão ni Ambapālī – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh dưới một gốc cây xoài trong vườn vua Vesàli và được gọi là Ambapàli. Nàng rất đẹp nên đến khi lớn lên nhiều vương tôn công tử cạnh tranh để chiếm đoạt nàng. Về sau để tránh những cạnh tranh ấy và cũng do nghiệp lực của nàng, nàng trở thành một kỹ nữ. Vì lòng tin đối với bậc Bổn Sư, nàng xây dựng một tinh xá trong ngôi vườn của nàng và cúng cho đức Phật và chúng Tăng. Khi nàng nghe con nàng, tức là Trưởng lão Vimalakondanna thuyết pháp, nàng triển khai thiền quán về lý vô thường, như thân nàng, chứng Tam minh và nàng nói lên những bài kệ sau đây:
67. Kệ ngôn của trưởng lão ni Rohiṇī – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Vesali trong nhà một phú gia Bà-la-môn và được đặt tên là Rohinì (con bò đỏ, nâu). Ðến tuổi trưởng thành, khi đức Phật còn ở Vesali, nàng đến nghe pháp, chứng được quả Dự lưu. Rồi nàng giảng pháp cho cha mẹ, cha mẹ chấp nhận pháp và cho phép nàng xuất gia. Nàng khai triển thiền quán và không bao lâu chứng quả A-la-hán với hiểu biết về nghĩa và về pháp.
Suy tư đến một cuộc đàm thoại về pháp với phụ thân, khi nàng mới chứng quả Dự lưu, nàng nói lên sự phấn khởi của nàng với những bài kệ sau đây về nội dung cuộc đàm thoại:
68. Kệ ngôn của trưởng lão ni Cāpā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở xứ Vankahàra, trong làng những người thợ săn đặt bẫy mồi, con người chủ thợ săn và được đặt tên là Càpà. Trong lúc ấy, Upaka một ẩn sĩ khổ hạnh, gặp đức Bổn Sư khi Ngài đi từ Bồ đề đạo tràng đến Ba-la-nại để chuyển pháp luân và hỏi ngài: ‘Này Ngài, hình như Ngài được dồi dào sức khỏe. Da của Ngài thật trong sáng. Này Ngài, Ngài từ ai xuất gia? Vị Ðạo Sư của Ngài là ai? Hay ngài tin tưởng giáo lý gì?’ Và bậc Ðạo Sư trả lời như sau:
69. Kệ ngôn của trưởng lão ni Sundarī – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Benares (Ba-la-nại), con cái của Sujata, một Bà-la-môn. Vì thân nàng đẹp đẽ, nàng được gọi là Sundarì, khi nàng lớn, em trai nàng chết. Cha nàng quá đau khổ đi lang thang và gặp Trưởng lão Ni Vasitthi. Khi Trưởng lão Ni hỏi cha nàng bị đau khổ gì, cha nàng trả lời bằng hai câu kệ đầu. Ðể làm nhẹ bớt đau khổ, Trưởng lão Ni nói hai câu kệ tiếp, và nói lên tâm trạng giải thoát khỏi đau khổ của nàng. Vị Bà-la-môn hỏi làm sao Trưởng lão Ni lại được giải thoát khỏi đau khổ như vậy. Vị Trưởng lão Ni trả lời về Ba ngôi báu và quy y. Khi được biết bậc Ðạo Sư nay ở Mithilà, vị Bà-la-môn đánh xe đến Mithilà, yết kiến đức Phật. Ðức Phật thuyết pháp, vị Bà-la-môn khởi lòng tin, xin xuất gia, vào ngày thứ ba chứng quả A-la-hán, sau khi tinh tấn, tinh cần phát triển thiền quán.
Người đánh xe, đánh xe về nhà Bà-la-môn và nói cho nữ Bà-la-môn sự việc đã xảy ra. Sundarì nghe vậy, nàng xin mẹ xuất gia. Bà mẹ nói nay toàn thể tài sản đều thuộc của nàng, hãy thọ hưởng tài sản ấy. Sundarì nói tài sản không có nghĩa gì đối với nàng, nàng chỉ muốn xuất gia. Sau khi được bà mẹ bằng lòng, nàng bỏ cả tài sản như những vật vô giá trị. Nhờ tinh cần tinh tấn, nhờ chủng tử tốt lành, nhờ trí tuệ chín muồi, không bao lâu nàng chứng quả A-la-hán, với hiểu biết về nghĩa và về pháp.
Sống trong sự an lạc giải thoát, nàng nghĩ: ‘Ta sẽ rống lên tiếng rống con sư tử trước mặt bậc Ðạo Sư!’. Sau khi xin phép bậc thầy của mình nàng rời khỏi Benares, với một số đông Tỷ-kheo-ni, và cuối cùng đến Sàvatthi, yết kiến đức Phật, đảnh lễ Ngài rồi đứng một bên. Nàng nói lên chánh trí của nàng, xem nàng như là con gái sanh ra từ miệng đức Bổn Sư. Và tất cả bà con nàng, bắt đầu từ mẹ nàng và các người hầu cận đều xuất gia. Suy nghĩ đến quả chứng của mình và dùng lời tuyên bố của người cha, nàng nói lên sự phấn khởi của nàng như sau:
70. Kệ ngôn của trưởng lão ni Subhā, con gái người thợ rèn – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con gái một người thợ vàng. Vì nàng rất đẹp, nên được gọi là Subhà. Khi nàng đến tuổi trưởng thành, khi đức Phật còn ở tại Ràjagaha, nàng đến yết kiến Ngài, khởi lòng tin tưởng, đảnh lễ ngài rồi ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư biết được căn cơ tâm tư thuần thục của nàng, tùy theo ý nguyện của nàng, Ngài thuyết pháp cho nàng về ly Bốn sự thật và nàng chứng được quả Dự lưu. Về sau, nàng nhận thấy sự khó khăn sống trong gia đình, xin xuất gia dưới sự hướng dẫn của bà Mahàpajàpati Gotamì, hướng tâm đến con đường siêu thoát. Thỉnh thoảng, các bà con của nàng mời nàng trở lại với đời, nói lên sự hấp dẫn của đời. Một hôm nàng thuyết pháp cho bà con của nàng, nói lên những nguy hiểm của đời sống cư sĩ, và ở đời thuyết pháp cho họ với hai mươi bốn bài kệ như sau và chữa cho họ thoát khỏi bệnh tham vọng. Rồi nàng phát triển thiền quán, gột sạch các căn cuối cùng nàng chứng được quả A-la-hán. Khi đã chứng quả A-la-hán, nàng nói như sau:
71. Kệ ngôn của trưởng lão ni Subhā ngụ ở vườn xoài của Jīvaka – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), trong gia đình một Bà-la-môn nổi tiếng. Nàng được đặt tên là Subhà và thân nàng rất tuyệt đẹp, nhất là về tay chân. Do vậy nàng được gọi là Subhà (người đẹp). Khi bậc Ðạo Sư ở Ràjagaha (Vương Xá), nàng khởi được lòng tin và trở thành một nữ cư sĩ. Về sau, nàng lo nghĩ đến kiếp người, thấy sự nguy hiểm các dục lạc, và thấy được sự an tịnh trong nếp sống viễn ly. Nàng xuất gia với sự hướng dẫn của bà Mahàpajàpati, và phát triển thiền quán, nàng chứng được quả Bất lai.
Một hôm, một thanh niên ăn chơi ở Ràjagaha, trong khi còn trẻ tuổi, đứng ở nơi vườn xoài ở Jivaka và thấy nàng đi vào rừng để nghỉ trưa. Nó chận đường nàng lại và xin thỏa mãn dục lạc. Nàng dạy cho nó biết, với nhiều bài kệ, sự nguy hiểm của dục lạc và sự lựa chọn của nàng về đời sống viễn ly, thuyết pháp cho chàng thanh niên ấy. Nhưng chàng thanh niên không có nghe nàng và vẫn đòi thỏa mãn các dục lạc. Vị Trưởng lão Ni, không có dùng những lời khuyên nhủ của mình, thấy chàng ấy mê say con mắt của nàng, liền móc một con mắt của nàng và đưa con mắt ấy cho chàng và nói: ‘Ðây là con mắt có tội của nàng’. Chàng thanh niên hoảng sợ, khủng khiếp và xin lỗi nàng. Nàng đi đến trước mặt vị Ðạo Sư, và khi thấy Ngài, con mắt của nàng được chữa lành như cũ. Do vậy, trước mặt Thế Tôn, nàng cảm xúc rung động, hoan hỷ sung sướng. Bậc Ðạo Sư biết được tâm trạng của nàng, dạy nàng và giúp nàng đạt được quả vị cao nhất. Dằn lòng sự vui sướng của nàng, nàng phát triển thiền quán, chứng được quả A-la-hán, với hiểu biết ý nghĩa và hiểu về pháp. Sau đó, an trú trong an lạc Niết bàn, nàng nghĩ đến những gì nàng chứng được và nói lên câu chuyện của nàng với chàng thanh niên ăn chơi bằng những câu kệ như sau:
******
72. Kệ ngôn của trưởng lão ni Isidāsī – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Ujjeni, con gái một thương gia có giới đức, được kính trọng, và giàu có và đặt tên là Isidàsi. Khi nàng đến tuổi trưởng thành, cha nàng gả nàng cho con trai một người thương gia, xứng đôi vừa lứa. Trong một tháng, nàng sống với chồng như một người vợ trung thành. Nhưng vì nghiệp đời trước của nàng, chồng nàng trở thành lạnh nhạt đối với nàng và đuổi nàng ra khỏi nhà. Mọi sự việc này được ghi rõ trong nguyên bản Pàli. Vì nàng tự tỏ không xứng đáng đối với người chồng này và chồng khác, nàng trở thành dao động, và được cha cho phép, nàng xuất gia với sự hướng dẫn của Trưởng lão Ni Jinadattà. Sau khi tu học thiền quán, không bao lâu nàng chứng quả A-la-hán với sự hiểu biết về pháp và về nghĩa.Sống trong sự an lạc Niết-bàn, một hôm sau khi đi khất thực và ăn xong, trong thành Patna, nàng ngồi bên bờ cát sông Hằng và đáp lời hỏi của Trưởng lão Ni Bodhi, nàng nói lên kinh nghiệm tu tập của nàng ngang qua những bài kệ này. Và để cho có sự liên hệ giữa các câu trả lời trước và sau có bài kệ được các nhà kiết tập về sau thêm vào:
***
73. Kệ ngôn của trưởng lão ni Sumedhā – Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở thành Mantàvatì con gái vua Konca và được đặt tên là Sumedhà. Khi nàng đến tuổi trưởng thành, cha mẹ nàng bằng lòng để Anikaratta, vua Vàranavati xem mắt nàng. Nhưng từ lúc nhỏ, nàng quen cùng đi với các công chúa lứa tuổi nàng, và những người hầu hạ tại tinh xá Tỷ-kheo-ni để nghe các vị này thuyết pháp, và trong một thời gian dài, vì chí nguyện lúc còn nhỏ, nên nàng sợ hãi sự sanh tử luân hồi, tâm tư thiên về đời sống xuất gia, không ưa thích các dục lạc.
Khi nghe quyết định của cha mẹ và bà con, nàng nói: ‘Bổn phận của tôi không phải trong đời sống gia đình, tôi sẽ xin xuất gia’, cha mẹ và các bà con không thể khuyên nàng từ bỏ quyết định của nàng. Nàng suy nghĩ: ‘Như vậy, ta sẽ được phép xuất gia’, và cương quyết theo chí nguyện của mình nàng cắt tóc, và dùng tóc ấy, theo phương pháp cảc Tỷ-kheo-ni thường dùng, nàng chú tâm vào tánh bất tịnh của sắc đẹp thân xác và chứng được Sơ thiền, Khi nàng ở trong định Sơ thiền cha mẹ và bà con nàng đến phòng nàng để nói chuyện gả chồng cho nàng. Nhưng nàng khiến mọi người kể cả người hầu cận của vua đến để rước nàng về, cũng tin vào đạo pháp rồi nàng từ bỏ gia đình, đi đến tịnh xá Tỷ-kheo-ni để xuất gia.
Sau khi tu tập thiền quán, và giải thoát được chín muồi, nàng chứng quả A-la-hán với hiểu biết về nghĩa và về pháp. Rồi nghĩ đến sự thắng trận của nàng, nàng nói lên sự phấn khởi, sung sướng của nàng: :
Hits: 45