»» Chuyện Bậc Đại Trí Bhūridatta (Tiền thân Bhūridatta) (1)

»» Chuyện Bậc Đại Trí Bhūridatta (Tiền thân Bhūridatta) (1)



(Bhūridatta)
Dịch giả: Trần Phương Lan


(Download file MP3
– 18.74 MB – Thời gian phát: 40 phút 56 giây.)

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


Bất kỳ mọi bảo ngọc kim ngân…,
Câu chuyện này bậc Đạo Sư kể trong khi Ngài trú tại thành Xá Vệ, về việc các cư sĩ hành trì trai giới.
Vào ngày trai giới, họ thức dậy thật sớm, phát nguyện hành trì giới luật, bố thí và sau khi thọ trai, hộ đem hương hoa đến tinh xá Kỳ-Viên, gặp thời thuyết Pháp họ đều ngồi xuống một bên nghe giảng.
Bậc Đạo Sư đến tại Chánh Pháp đường ngồi xuống sàng tọa được trang hoàng dành cho đức Phật xong, liền nhìn xuống hội chúng Tỷ-kheo.
Lúc bấy giờ đức Như Lai thường muốn đàm đạo với một vài vị này hay vị kia trong hội chúng, khi bài thuyết giảng có liên quan đến họ, vì thế vào dịp này, Ngài biết rằng bài Pháp thoại liên quan đến các bậc Đạo Sư ngày xưa sắp được thuyết giảng cho các cư sĩ, nên trong khi đàm đạo với họ, Ngài hỏi:
– Này các cư sĩ, các ông có hành trì trai giới chăng?
Khi các cư sĩ đồng thanh đáp có, Ngài bảo:
– Tốt lành thay! Tốt lành thay! Này các cư sĩ, tuy nhiên ngày nay các ông có một vị Phật làm Đạo Sư như Ta và hành trì trai giới thì không phải là chuyện lạ gì, vì các bậc hiền trí ngày xưa, chưa có bậc Đạo Sư nào, cũng đã từ bỏ mọi vinh quang thế tục và giữ ngày trai giới.
Nói xong, theo lời thỉnh cầu của các cư sĩ, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*


I .- THÁI TỬ BRAHMADATTA VÀ LONG NỮ



Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì thành Ba-la-nại, ngài phong cho con làm phó vương. Nhưng khi ngài thấy thái tử đạt vinh quang lừng lẫy, ngài lại đâm ra hoài nghi một ngày kia thái tử sẽ chiếm trọn giang sơn. Vì thế ngài bảo con:
– Vương nhi hãy ra đi tìm chỗ cư trú nào mà vương nhi thấy hợp ý trong lúc này, khi ta băng hà hãy về đây kế thừa vương nghiệp.
Thái tử vâng lệnh, giã từ vương phụ ra đi đến vùng núi Yamunà dựng một túp chòi lá nằm giữa dòng sông giáp bờ biển và sống bằng rau quả qua ngày.
Lúc bấy giờ có một long nữ dòng giống Nàga ở dưới biển, mới mất chồng, lòng khao khát dục tình khi nhìn thấy các long nữ khác an vui cảnh chồng con, nên bỏ nơi địa giới, đi lang thang trên bờ biển, chợt thấy dấu chân của thái tử liền theo lối mòn đi đến chòi lá. Lúc ấy thái tử đã đi ra ngoài kiếm trái cây. Long nữ bước vào chòi, thấy chiếc giường gỗ và đồ đạc trong chòi, nhủ thầm: “Đây là nơi cư trú của một ẩn sĩ, để ta thử xem vị này có thật là một vị chân tu không. Nếu vị đó là bậc chân tu, sống khắc kỷ, vị ấy sẽ không chịu nhận chiếc giường trang hoàng lộng lẫy của ta; còn nếu đó là người với tâm tư mê đắm dục lạc, không phải là bậc chân tu tịnh tín thì vị đó sẽ nằm trên chiếc giường của ta, rồi ta sẽ lấy vị đó làm chồng và ở lại đây”.
Vì thế long nữ vội trở về cõi mình góp nhặt hương hoa thần tiên trang hoàng một sàng tọa toàn bằng hoa và sau khi làm lễ cúng hương hoa, rắc phấn hương khắp chòi và trang hoàng cái chòi thật đẹp, nàng đi về cõi mình trú ngụ. Buổi chiều khi thái tử trở về, chàng vào chòi thấy mọi vật như thế liền nói:
– Ai đã sắm sửa tọa sàng này?
Khi chàng ăn đủ loại trái cây xong, chàng lại kêu lên:
– Ôi, hoa thơm ngạt ngào, toạ sang này êm ái quá!
Lòng chàng đầy hân hoan, vì thật tâm chàng không phải là bậc chân tu khổ hạnh, chàng liền nằm xuống giường hoa và ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau chàng thức dậy và cũng đi kiếm trái cây, chẳng nhớ quét dọn chòi lá. Vào lúc ấy long nữ Nàga xuất hiện thấy hoa héo úa cả liền hiểu ngay: “Kẻ này còn tham dục lạc, không phải là bậc chân tu, ta có thể bắt lấy được rồi”. Thế là nàng lượm hết hoa cũ, đem hoa khác đến trải lên tọa sàng thật đẹp, trang hoàng túp chòi lá, rải hương hoa như trước trên thềm nhà, rồi trở về cõi mình cư ngụ. Thái tử lại ngủ một đêm nữa trên giường hoa và sáng hôm sau chàng tự nghĩ: “Ai đã trang hoàng chiếc chòi này?”
Vì thế chàng không đi hái trái nữa, chàng đứng ẩn mình không xa túp liều. Long nữ Nàga thu lượm hoa xong đi đến lều của chàng. Vương tử chiêm ngưỡng dung nhan cực kỳ lộng lẫy của long nữ Nàga, liền say mê nàng ngay và chàng lẳng lặng đi vào chòi trong khi nàng đang trang hoàng tọa sàng và hỏi nàng là ai.
– Tâu đức ông, tiện thiếp là long nữ Nàga.
– Chẳng hay nàng đã có gia thất chưa?
– Tiện thiếp là sương phụ không có chồng, chẳng hay chàng ở đâu?
– Ta là thái tử Brahmadatta, con vua tại thành Ba-la-nại; nhưng còn nàng, tại sao lại đi phiêu bạt rời bỏ xứ sở của dòng giống Nàga?
– Tâu đức ông, chỉ vì tiện thiếp trông thấy hạnh phúc của các nàng Nàga yên bề gia thất nên lòng chưa thỏa mãn về đường tình duyên đứt gánh, phải lang bạt đó đây tìm bóng tùng quân để nương tựa tấm thân bồ liễu.
– Ta cũng không phải là vị chân tu, mà ta đến trú ngụ nơi đây chỉ vì cha ta đuổi ta đi; vậy nếu nàng không chê ta, ta xin nguyện cùng nàng làm đôi vợ chồng sống hòa hợp nơi đây.
Tức thì long nữ bằng lòng và từ đó họ chung sống rất hoà hợp trong rừng ấy. Nhờ thần lực của long nữ, nàng biến hóa ra một ngôi nhà sang trọng có sàng tọa quý giá trong khuê phòng lộng lẫy. Từ đó chàng không còn phải ăn hoa quả nữa, nhưng được hưởng toàn cao lương mỹ vị của thần tiên. Sau một thời gian nàng thụ thai và sinh được một con trai, họ đặt tên là Sàgara-Brahmadatta. Khi ấu nhi đã chập chững biết đi, nàng lại hạ sinh được một gái trên bờ biển nên được đặt tên là Samuddajà.
Lúc bấy giờ một sơn nhân trú tại thành Ba-la-nại tình cờ đến nơi đây gặp vương tử, chào hỏi xong thì nhận ra chàng, nên sau khi ở lại đó vài ngày, gã nói:
– Tâu vương tử, tiểu thần xin về thông báo với vương tộc biết ngài đang cư trú nơi đây.
Thế rồi gã ra về kinh thành. Lúc ấy vua vừa băng hà, các đại thần làm lễ tang vua xong, liền hội họp nhau lại sau đó bảy ngày, rồi họ quyết định:
– Đất nước không thể một ngày không có vua, nay ta chẳng biết vương tử trú ngụ phương nào: còn sống hay chăng, để chúng ta bảo vương xa đến đón ngài về làm vua.
Vừa khi ấy gã sơn nhân về thành, hay tin đó vội đến tìm các đại thần báo cho họ biết: trước khi đến đây, gã đã ở gần vương tử mấy ngày. Các đại thần rất trọng đãi gã, rồi cùng đi theo lời gã chỉ dẫn đến gặp vương tử. Sau khi chào hỏi thân tình xong, họ báo cho vương tử biết vua vừa băng hà và mời chàng về kế vị, chàng nghĩ thầm: “Ta muốn biết long nữ Nàga tính sao đây?”.Chàng liền bảo vợ:
– Này hiền thê, vua cha ta vừa băng hà, các đại thần đã đến giương chiếc lộng hoàng gia lên cho ta, vậy đôi ta cùng đi về trị vì Ba-la-nại, rộng muời hai đặm, nàng sẽ thành chánh hậu trong đám mười sáu ngàn cung phi ấy.
– Phu quân ôi, thiếp không thể nào đi theo chàng được.
– Tại sao vậy? Dòng giống thiếp có thứ độc dược giết người và tánh khí lại dễ nóng giận vì chuyện không đâu, huống chi là việc hờn ghen trong cung cấm là chuyện hệ trọng, nếu thiếp gặp việc gì bất bình và chỉ cần đưa mắt giận dữ nhìn, tức thì tia mắt bắn ra như nắm trấu, vì thế thiếp không thể nào ra đi theo chàng được.
Ngày hôm sau vương tử lại bảo nàng cùng đi, nàng đáp:
– Thiếp không thể nào đi được, nhưng các con của thiếp lại không phải thuộc nòi giống rồng Nàga, chúng là con của chàng, thuộc giống người; nếu chàng còn thương thiếp xin hãy chăm sóc lấy chúng. Nhưng vì chúng quen thói ở nước, rất yếu đuối, chúng sẽ chết nếu đi đường chịu dãi dầu nắng gió, vì vậy thiếp xin làm một con thuyền đổ nước vào để chúng chơi đùa trong nước và khi đến kinh thành, xin chàng cho lệnh đào một hồ nước cạnh hoàng cung cho chúng, như thế chúng mới khỏi khổ được.
Nói xong, nàng cung kính chào giã từ vương tử, đi vòng quanh chàng một cách kính cẩn, ôm các con vào lòng hôn đầu chúng và giao con cho chàng, khóc lóc một hồi và biến đi về cảnh giới của rồng Nàga. Vương tử cũng nặng trĩu u sầu, ràn rụa nước mắt, liền đến gặp các đại thần. Tức thì họ rảy nước thánh lên đầu chàng làm lễ phong vương và thưa:
– Tâu Đại vương, xin Đại vương trở về thành.
Chàng ra lệnh cho họ đóng thuyền xong đặt lên xe và đổ nước vào.
– Hãy rảy hương hoa đủ màu sắc trên mặt nước vì các con ta tính ưa nước, thích vui đùa trong nước.
Các đại thần tuân lệnh. Khi tân vương đến thành Ba-la-nại, ngài vào thấy thành trang hoàng rực rỡ, liền bước lên lầu an nghỉ, có mười sáu ngàn mỹ nữ ca múa vây quanh cùng các cận thần. Ngài cho mở đại yến trong bảy ngày xong, ra lệnh đào hồ nước cho các vương tử để các vương tử chơi đùa suốt ngày.
Nhưng một ngày kia, khi nước được dẫn vào hồ, một con rùa trôi vào theo, rồi không tìm thấy lối ra, nó lội trên mặt nước. Trong khi các vương tử nô đùa, rùa hiện ra, thò đầu nhìn đám trẻ rồi lại lặn xuống nước. Đám trẻ thấy rùa, sợ hãi chạy đi báo với vua cha:
– Phụ vương ôi, một con rùa trong hồ làm chúng con sợ quá.
Vua ra lệnh bắt con rùa và một người thả lưới xuống bắt được rùa đem lại trình vua. Khi các vương tử trông thấy rùa liền la to:
– Phụ vương ôi, nó là con quỷ.
Vì vua thương yêu con nên nổi giận với con rùa, ra lệnh cho quân hầu trừng trị nó. Một người bảo:
– Nó là quân thù của Đại vương, vậy phải bảo nó vào cối mà giã nát ra thành cám.
Kẻ khác nói:
– Đem nấu nhừ ra mà ăn.
Kẻ khác nữa lại bảo:
– Đem nó nướng than đi.
Hoặc:
– Bỏ nó vào nồi và đốt lò.
Nhưng có một đại thần rất sợ nước bảo:
– Ném nó xuống vực xoáy của sông Yamunà, nó sẽ bị tiêu hủy hoàn toàn, không còn hình phạt nào nặng hơn nữa.
Rùa nghe thế liền rụt cổ lại bảo:
– Này hiền hữu, ta đã phạm tội gì khiến ông nói đến một hình phạt nặng nề như vậy dành cho ta? Các hình phạt kia ta còn chịu được, chứ hình phạt này thật vô cùng tàn bạo, xin ông đừng nhắc đến nữa.
Khi vua nghe được, ngài bảo:
– Phải hành hình nó như thế.
Và ngài ra lệnh ném nó vào vực xoáy của sông Yamunà, nơi đây nó tìm ra dòng nước đưa nó đến động rồng Nàga. Lúc bấy giờ có vài tiểu long Nàga thuộc dòng vua rồng Dhatarattha đang nô đùa trên dòng nước, thấy rùa liền bảo nhau:
– Bắt lấy tên tiểu nô kia.
Rùa nghĩ thầm: “Ta vừa thoát khỏi tay vua Ba-la-nại, lại rơi vào tay bọn quỉ Nàga hung ác này, làm sao thoát được đây?” Nó liền nghĩ ra một kế, bịa ra một chuyện và bảo chúng:
– Tai sao các long tử thuộc dòng dõi triều đình vua Dhatarattha lại nói năng như vậy? Ta là linh quy tên Cittacùla, sứ giả của vua Ba-la-nại đến yết kiến vua Dhatarattha, đức vua của ta muốn gả công chúa của ngài cho long vương Dhatarattha, vậy hãy cho ta được bái yết ngài.
Chúng bằng lòng dẫn rùa đến, nhưng khi thấy rùa, vua không đẹp ý, bảo:
– Những kẻ có hình thù tồi tàn như vậy không thể nào làm sứ giả được.
Rùa nghe vậy liền đáp lại, nêu rõ các đức tính của nó cho vua hay:
– Tại sao Đại vương lại cần sứ giả cao như cây dừa làm gì? Hình dạng nhỏ bé hay cao lớn đâu có gì quan trọng? Điều tối quan trọng là tài đức để thi hành sứ mạng được giao phó. Tâu Đại vương,vua của chúng thần có rất nhiều sứ giả. Con người thì làm việc trên đất liền, chim chóc thì làm việc trên không, tiểu thần thì ở dưới nước, vì tiểu thần là kẻ được đức vua sủng ái tên gọi là Cittacùla, tiểu thần giữ một chức vụ đặc biệt, xin đừng nhạo báng tiểu thần.
Sau đó vua Dhatarattha hỏi rùa tại sao được vua bảo đến đây, nó liền đáp:
– Đức vua của tiểu thần muốn bày tỏ tình thân hữu với mọi đức vua trên cõi Diêm-phù-đề và nay ngài muốn gả công chúa Samuddajà để tỏ tình thân hữu với long vương Nàga, vậy xin Đại vương chớ chậm trễ, hãy lập tức gửi sứ giả đi cùng tiểu thần định ngày hôn lễ và đón công chúa về.
Vua rồng vô cùng đẹp ý, tán tụng rùa hết lời và ra lệnh cho bốn long tử Nagà cùng đi với rùa định ngày hôn lễ sau khi gặp vua kia rồi trở về xứ. Bốn chàng tiểu long cùng rùa từ giã động chúa rồng Nàga. Rùa trông thấy một hồ sen giữa sông Yamunà và kinh thành Ba-la-nại, muốn trốn đi, liền bày kế nói:
– Này các long tử, đức vua cùng vương hậu, vương tử của ta đã thấy ta xuất hiện trên mặt nước khi ta đến cung vua, nên các ngài bảo ta dâng lên vài hoa sen và củ sen, vậy ta phải đi hái đã, các long tử để ta đi một lát, hễ không thấy ta về thì cứ đi thẳng vào xin yết kiến đức vua, ta sẽ đến đó để gặp các chàng sau.
Họ tin lời để rùa ra đi, nó liền trốn biệt. Các chàng tiểu long không thấy rùa trở lại tưởng rằng nó đã đến chầu vua, liền đi đến hoàng cung giả dạng các thanh niên. Đức vua tiếp đãi ân cần và hỏi họ từ đâu đến. Họ bảo:
– Tâu chúa thượng, từ Dhatarattha.
– Các công tử có việc gì chăng?
– Tâu chúa thượng chúng thần là sứ giả của Long vương Dhatarattha, xin kính chúc chúa thượng ngọc thể an khang và đức vua của chúng thần xin kính tặng chúa thượng bất cứ bảo vật nào chúa thượng đẹp ý. Đức vua của chúng thần cũng cầu xin Chúa thượng gả công chúa Samuddajà để làm vương hậu của ngài.
Rồi họ ngâm vần kệ thứ nhất để giải thích việc này:
1. Bất kỳ mọi bảo ngọc kim ngân,
Tích trữ trong cung điện chúng thần,
Đều của Đại vương tùy thánh ý,
Xin trao công chúa đến long quân.
Vua nghe vậy, liền đáp vần kệ thứ hai:
2. Từ trước chẳng hề có thế nhân,
Kết duyên con gái với long quân,
Sánh đôi vậy thật không tương xứng,
Sao trẫm nghĩ ra chuyện lạ lùng?
Các chàng tiểu long bảo:
– Ví như việc thông gia với Đại vương không làm đẹp ý thánh thượng,vậy tại sao thánh thượng lại sai sứ thần linh qui Cittacùla đến yết kiến Đại vương của chúng thần và ngõ lời muốn gả công chúa Samuddajà? Sau khi đã gửi sứ giả đi như vậy, Thánh thượng lại tỏ ra khinh mạn Đại vương của chúng thần. Nay chúng thần sẽ biết cách đối phó xứng đáng với thái độ khinh mạn ấy.
Nói xong họ ngâm hai vần kệ để hăm dọa:
3. Ngài sẽ bỏ thân, hỡi Đại vương,
Ngài và đất nước nghĩa gì chăng?
Trước cơn thịnh nộ từ long chúa,
Vinh hiển thế nhân sẽ úa tàn.
4. Ngài kẻ yếu hèn, một thế nhân,
Phải suy tàn bởi tính kiêu căng,
Dám khinh thái tử Ya-mu ấy,
Con của Va-ru-na Đại vương.
Vua liền đáp hai vần kệ:
5. Ta chẳng hề khinh bỉ Đại vương,
Dha-ta-ra hiển hách danh lừng,
Là vua bộ tộc Nà-ga ấy,
Thừa hưởng vương quyền đúng lẽ chân.
6. Song dù ngài vĩ đại cao sang,
Sát- đế- ly dòng dõi xuất thân,
Chính thống Vi-đề-ha quý tộc,
Ngài đừng mơ tưởng đến công nương.
Mặc dầu các chàng tiểu long Nàga muốn giết vua ngay lập tức bằng một luồng khí độc, họ kịp suy nghĩ lại rằng họ được phái đi đến đây định ngày hôn lễ, cho nên giết vua rồi bỏ đi thì thật không phải lẽ, vì thế họ bảo:
– Chúng thần xin từ tạ để về tâu lại Đại vương của chúng thần rõ.
Rồi họ biến mất. Khi về, vua hỏi xem họ đã rước công chúa được chưa, họ giận dữ đáp:
– Tâu Đại vương, tại sao Đại vương lại phái chúng thần đến đó mà chẳng có duyên cớ gì cả.Ví dụ Đại vương muốn giết chúng thần, xin giết ngay tại đây cho thỏa dạ. Vua nước ấy mạ lỵ, phỉ bàng Đại vương, tôn con gái mình lên tột đỉnh và kiêu mạn về dòng dõi vương gia.
Cứ thế họ thêu dệt thêm câu chuyện khiến vua nổi giận, ban lệnh họp quần thần binh lính lại, bảo:
7. Này As-sa với Kam-ba-la,
Triệu tập mọi dân chúng mãng xà,
Tiến đến Ba-la thành tụ họp,
Song đừng làm hại trẻ hay già.
Các chúa Nàga hỏi:
– Nếu không cần phải hại ai cả thì chúng thần đến đó để làm gì?
Vua liền ngâm kệ bảo họ phải làm như sau:
8. Ở trên hồ nước, các hoàng thành,
Đường xá và trên các ngọn ngành,
Trên các cung môn, cần kết dải,
Đong đưa theo gió nhẹ, treo mình.
9. Mào trắng và thân trắng mãng xà,
Bao quanh thành thị của nhà vua,
Vòng vây ta xiết dần dần chặt,
Dân xứ Kà-si sẽ sợ ta.
Binh lính Nàga tuân lệnh.
*
Bậc Đạo Sư tả quang cảnh xảy ra:
10. Nhìn đám mãng xà ở khắp nơi,
Đàn bà run rẩy, đám đông người,
Trong khi quái vật giương mào dậy,
Dân chúng thảy la hét rụng rời.
11. Dân xứ Ba-la-nại vội nằm,
Trước đoàn dã thú đến xâm lăng,
Giơ tay khẩn thiết đồng cầu nguyện:
– Xin gả công nương với chúa rồng!
*
Trong lúc vua đang ngự trên long sàng, ngài nghe tiếng kêu khóc của các vương phi cùng nhiều thần dân khác và chính ngài cũng sợ chết vì những lời hăm dọa của bốn tiểu long kia, nên ngài kêu to ba lần:
– Ta sẽ gả công chúa Samuddajà cho vua Dhatarattha.
Khi các chúa rồng Nàga nghe được lời ấy liền rút quân lùi lại cách một dặm đường, và cắm trại tại đó, xây dựng lên một kinh thành giống cảnh của chư Thiên, rồi cho người mang lễ vật cầu hôn đến nhà vua:
– Xin hoàng thượng gả công chúa như đã hứa.
Vua nhận lễ vật xong, ra lệnh cho các người đem lễ vật ấy lui về và ngài bảo:
– Các ngươi hãy ra về, trẫm sẽ cho các đại thần đem công chúa đến.
Rồi ngài triệu công chúa lại, đem nàng lên thượng lầu,mở cửa sổ ra bảo nàng:
– Này công chúa, con hãy ngắm kinh thành tráng lệ kia, vua nọ cầu hôn con về làm chánh hậu tại đó; kinh thành đó ấy không xa mấy, bao giờ con thấy nhớ nhà cứ về thăm cha, nhưng bây giờ con phải vu qui.
Sau đó vua ra lệnh các cung nữ gội đầu, trang điểm cho công chúa đủ ngọc ngà trân bảo rồi đưa nàng lên loan xa che kín, có các đại thần hộ tống. Các vua chúa Nàga ngự ra đón nàng theo lễ nghi rất trọng thể. Các đại thần vào thành, tiễn biệt công chúa và ra về được tặng vô số ngọc vàng. Công chúa được đưa vào hoàng cung đặt nằm trên tọa sàng tráng lệ như cảnh tiên, và các thiếu nữ Nàga có lưng gù cùng những dị tật khác hầu hạ quanh nàng như thể thị nữ ở cõi nhân gian vậy. Khi công chúa vừa đặt lưng xuống tọa sàng thần tiên này, nàng cảm thấy êm dịu lạ lùng và ngủ thiếp đi. Vua Dhatarattha sau khi đã tiếp đón nàng xong, liền biến đi cùng với hội chúng của mình về cảnh giới của loài rồng Nàga.
Khi công chúa thức dậy và thấy tọa sàng thần tiên trong cung điện xây bằng ngọc vàng châu báu cùng các hoa viên và hồ nước trong cảnh giới Nàga chẳng khác nào kinh thành tráng lệ của thiên giới, nàng hỏi các thị nữ gù lưng quanh nàng:
– Kinh thành này thật tuyệt diệu, chẳng giống kinh thành của ta, vậy nó là của ai thế?
– Tâu lệnh bà, đó là kinh thành thuộc quyền Chúa thượng của lệnh bà, những kẻ thiếu đức không thể nào hưởng được cảnh vinh quang như thế này. Lệnh bà đã được vinh quang như vậy là nhờ công đức cao trọng của lệnh bà.
– Sau đó vua Dhatarattha ra lệnh đánh chiêng trống khắp hoàng thành rộng năm trăm dặm bố cáo với thần dân rằng kẻ nào để lộ tướng rồng tinh cho công chúa Samuddajà thấy sẽ bị trừng trị ngay; Vì thế không ai dám xuất hiện nguyên hình trước mặt nàng. Cho nên nàng hưởng cuộc sống rất êm ấm hòa hợp với nhà vua vì tưởng rằng đấy là cảnh giới nhân gian.


II.- BẬC ĐẠI TRÍ DATTA



Theo thời gian vương hậu Dhatarattha thụ thai và sinh hạ một vương tử có dung mạo khôi ngô nên được đặt tên là Sudassana, sau đó bà lại sinh hạ vương tử thứ hai đặt tên là Datta; đó chính là Bồ-tát. Rồi bà lại sinh vương tử thứ ba đặt tên là Subhaga và vương tử thứ tư tên Arittha. Dù đã sinh hạ bốn vương tử, bà vẫn chưa hề biết đây là cảnh giới của rồng Nàga. Nhưng một ngày kia, có người bảo Arittha:
– Vương hậu là giống người chứ không phải giống Nàga.
Arittha tự nhủ: “Để ta thử mẹ xem sao”. Một ngày kia trong lúc đang bú sữa mẹ, vương tử xuất lộ nguyên hình rắn rồng, lấy đuôi ve lưng bàn chân mẹ. Khi hoàng hậu thấy rồng, kinh hãi thét lên ném con xuống đất, lấy móng tay cào vào mắt con đến chảy máu ra. Vua nghe tiếng thét hỏi lý do và khi vua nghe chuyện Arittha làm ra, ngài bước đến hăm dọa:
– Đem tên tiểu nô này giết đi.
Công chúa biết bản tính nóng nảy của vua, liền lên tiếng bênh vực con:
– Tâu chúa thượng, thần thiếp đã đánh vào mắt vương nhi rồi, xin Chúa thượng tha tội cho nó.
Vua nghe vương hậu nói vậy liền tha:
– Thôi trẫm còn làm sao được nữa?
Rồi vua tha thứ cho con. Từ ngày đó hoàng hậu mới biết đây là xứ rồng Nàga và cũng từ đó Arittha được gọi là Độc nhãn Arittha (Kànàrittha) .
Bấy giờ các vương tử đã đến tuổi trưởng thành. Vua cha giao cho mỗi vị một vương quốc rộng chừng một trăm dặm vuông, vinh quang lừng lẫy và mỗi vị có mười sáu ngàn long nữ Nàga hầu hạ trong cung đình. Vương quốc của vua cha cũng chỉ một trăm dặm vuông. Các vương tử hằng tháng đều đến vấn an đức vua cùng hoàng hậu. Nhưng Bồ-tát cứ nửa tháng lại yết kiến cha mẹ một lần, ngài vẫn thường đưa ra một số vấn đề xảy ra cảnh giới Nàga và vẫn thường cùng vua cha đến yết kiến Đại Thiên vương Virùpakkha (Quảng Mục) đàm đạo các vấn đề ấy.
Một ngày kia, Đại vương Virùpakkha cùng với hội chúng Nàga lên cảnh giới chư Thiên để chầu Thiên chủ Sakka, một vấn đề được đưa ra đàm dạo nhưng không có ai trong chư Thiên giải đáp được trừ bậc Đại Sĩ lúc ấy đang ngồi trên bảo tọa. Thế rồi Thiên Đế tỏ lòng hâm mộ ngài, đem tặng hoa quả của cõi trời và bảo ngài:
– Này Hiền giả Datta, ngài có đại trí lớn như quả địa cầu, từ nay ta xin gọi ngài là Bhùridatta (bậc Đại trí Datta) .
Và Thiên chủ ban ngài danh hiệu ấy. Sau đó bậc Đại Sĩ bái yết Thiên chủ Sakka để tỏ lòng sùng kính và khi ngài ngắm vẻ huy hoàng tột đỉnh của thiên triều cùng các tiên nữ, ngài mơ ước được lên thiên giới: “Ta còn làm gì được với tướng rồng rắn chuyên ăn ếch nhái này nữa? Thôi ta nguyện trở về thế giới rồng rắn hành trì trai giới, tu tập công hạnh để được sinh lên cõi chư Thiên”.
Suy nghĩ như vậy xong, ngài liền xin cha mẹ khi trở về xứ rồng Nàga:
– Tâu phụ vương cùng mẫu hậu, con nguyện hành trì trai giới.
– Này vương nhi, con cứ hành trì cho thỏa nguyện, nhưng trong lúc trì giới con chớ ra ngoài, chỉ ở nội trong cung điện trống vắng của loài Nàga vì người trần thế rất kinh sợ rồng Nàga.
Nói xong ngài cuộn mình trên tổ kiến và nói to:
– Kẻ nào muốn cứ đến lấy máu thịt xương da ta đi.
Rồi ngài trì giới gồm bốn phép, nằm đó với thân tướng chỉ gồm có đầu đuôi mà thôi. Đến rạng ngày hôm sau, các long nữ Nàga đến và làm theo lệnh ngài đã ban, đưa ngài về lại cảnh giới Nàga như cũ và cứ thế ngài trì giới trong suốt một thời gian dài.

III.- HAI CHA CON BÀ-LA-MÔN SĂN THÚ



Lúc bấy giờ có một người Bà-la-môn sống ở một làng gần cổng thành Ba-la-nại thường cùng con trai tên gọi Somadatta vào rừng đặt bẫy chông bắt thú rừng rồi gánh thịt đi bán để sinh nhai. Một ngày kia, gã chẳng bắt được con thú nào dù chỉ một tắc kè nhỏ, gã bảo con:
– Nếu ta về nhà tay không, mẹ con sẽ giận dữ, vậy ta cứ bắt lấy con gì cũng được.
Thế là gã đi về phía tổ kiến nơi Bồ-tát đang tĩnh tọa và quan sát dấu chân nai thường xuống dòng sông Yamunà để uống nước, gã bảo :
– Này con, đây là hang nai, con hãy về đợi trong lúc cha bắt nai đến uống nước.
Và gã giương cung đứng dưới gốc cây chờ nai đến. Vào buổi chiều, một con nai đến uống nước liền bị bắn trọng thương, tuy nhiên nó chưa ngã xuống ngay mà vì mũi tên làm tuôn máu xối xả, nó liền chạy trốn. Hai cha con đuổi theo tận nơi nó ngã xuống, bắt lấy rồi ra khỏi rừng đến gốc cây đa thì mặt trời vừa lặn.
– Lúc này đi xa thì bất tiện lắm, thôi ta ở lại đây.
Nói xong họ đặt con nai qua một bên rồi trèo lên cây nằm trên cành. Gã Bà-la-môn thức giấc lúc rạng đông, cố nghe ngóng tiếng động của nai, vừa lúc đó các thị nữ Nàga đến dâng tọa sáng hương hoa cho Bồ-tát. Ngài đã bỏ xác rồng và hiện hình Thiên thần mang đủ bảo vật trang nghiêm ngồi trên tọa sàng sực nức hương hoa trong dáng điệu uy nghi của một Thiên đế Sakka.
Các thị nữ Nàga thành kính cúng dường ngài vô số hương hoa rồi trỗi khúc nhạc thiên đường, đồng thanh ca múa. Khi gã Bà-la-môn nghe tiếng nhạc gã tự hỏi: “Ai đây, ta phải xem sao mới được”. Gã liền gọi con trai nhưng cậu bé vẫn cứ ngủ say. Gã tự nhủ: “Thôi để nó ngủ. Nó còn mệt thì ta đi một mình vậy”. Gã leo xuống đất tiến đến gần ngài . Các thị nữ Nàga thấy gã liền độn thổ ngay cùng các nhạc khí, trở về cảnh giới Nàga, chỉ còn Bồ-tát ngồi lại một mình. Gã Bà-la-môn đứng gần ngài ngâm hai vần kệ hỏi ngài:
12. Hồng nhãn thiếu sinh được thấy đây,
Là ai, tỏa rộng đôi bờ vai,
Mười nàng xuân nữ vây quanh nọ,
Đeo xuyến vàng, xiêm áo đẹp thay.
13. Chàng là ai ở giữa rừng xanh,
Như lửa thêm dầu mỡ mới tinh,
Có phải Sak-ka, thần đại lực,
Hay là rồng chúa đại oai danh?
Bậc Đại Sĩ nghe vậy thầm nghĩ: “Nếu ta bảo là một vị Sakka (Đế Thích), gã sẽ tin ngay vì gã là một Bà-la-môn, nhưng ta phải nói sự thật: Thế là ngài nói về nòi giống Nàga của ngài:
14. Ta chúa Nàga, lực đại hùng,
Với luồng khí độc mạnh vô song,
Đất nước phồn vinh, dân lớn bé,
Ta đây nổi giận giết tiêu vong.
15. Mẫu thân ta chính Sa-mud-da,
Chúa tể Dha-ta, thân phụ ta,
Em của Su-das-san thái tử,
Tên ta là Đại trí Dat-ta.
Nhưng khi bậc Đại Sĩ nói xong, ngài liền nghĩ: “Bà-la-môn này hung ác, gã có thể phản ta, và tiết lộ ta với người bắt rắn và thế là cản trở việc trì giới của ta.Vậy ta đưa gã về vương quốc Nàga, tiếp đãi gã trọng thể tại đó, như thế ta vẫn không gián đoạn việc hành trì giới luật”. Thế là ngài bảo gã:
– Này Hiền hữu Bà-la-môn, ta muốn tiếp đãi ông thật trọng thể, vậy hãy theo ta đến xứ sở Nàga đầy lạc thú bây giờ. Tâu chúa thượng, hạ thần còn một con trai, nếu hạ thần có đi, xin cho con trẻ đi cùng.
Bồ-tát đáp:
– Hiền hữu cứ đi tìm hiền điệt lại đây.
Rồi ngài tả nơi cư ngụ của ngài cho gã biết:
16. Hồ kia u tối thật kinh hoàng,
Sóng nước không ngừng bão tố dâng,
Nhà của ta thần dân trú ngụ,
Còn ai dám trái lệnh ta ban.
17. Hãy lặng chìm trong làn sóng xanh,
Đàn công, đàn hạc gọi đồng thanh:
– Xuống đây tận hưởng niềm hoan lạc
Dành sẵn cho ai giữ giới hành.
Gã Bà-la-môn đi tìm con kể chuyện cho con nghe rồi đem con trở lại và bậc Đại Sĩ liền đưa họ đến bên bờ sông Yamunà. Khi đứng đó, ngài bảo:
18. Hiền hữu cùng con chớ ngại ngùng,
Theo lời ta bảo, sống ung dung,
Vinh quang hạnh phúc trong cung điện,
Lạc thú ta ban đủ mọi phần.
Nói xong, bậc Đại Sĩ dùng thần lực đưa hai cha con đến cảnh giới Nàga, nơi đây họ hưởng cuộc sống thần tiên. Ngài ban cho họ phúc lạc của tiên giới, mỗi người có đến bốn trăm thiếu nữ Nàga hầu hạ, vinh hoa phú quý thật không sao kể xiết. Bồ-tát vẫn tinh tấn hành trì giới luật, cứ nửa tháng ngài đi bái yết phụ vương, mẫu hậu và thuyết Pháp; còn khi đến thăm gã Bà-la-môn, ngài thường vấn an gã và bảo:
– Hiền hữu cần gì cứ nói cho ta biết, xin cứ hưởng lạc thú, đừng để bất toại điều gì.
Rồi sau khi chào hỏi Somadatta ân cần, ngài trở về tu thất của ngài.
Gã Bà-la-môn, sau khi sống trong cảnh giới Nàga được một năm, do thiếu tu tập công đức trước đây, dần dần cảm thấy không toại ý, chỉ muốn trở về nhân gian. Cảnh giới Nàga đối với gã chẳng khác nào địa ngục. Cung điện được trang hoàng lộng lẫy chỉ giống như nhà tù, các cung nữ Nàga được điểm trang vàng ngọc cũng tựa bầy quỉ cái. Gã nghĩ thầm: “Ta chán lắm rồi, để ta hỏi thử xem Somadatta nghĩ sao?”.Gã tìm con trai và hỏi:
– Con có được toại nguyện chăng?
– Làm sao con lại bất mãn được? Cha con ta không nên nghĩ như vậy.Còn thân phụ không toại nguyện chăng?
– Đúng vậy.
– Tại sao thế?
– Vì ta không gặp được mẹ con cùng anh em con, thôi ta cùng đi về xứ.
Người con bảo không muốn đi về, nhưng vì bị cha nài mãi, nên cuối cùng cũng thuận. Gã Bà-la-môn nghĩ thầm: “Con ta đã ưng thuận ra đi, nhưng nếu ta bảo với hoàng tử Bhùridatta rằng ta không toại nguyện, hoàng tử sẽ ban cho ta thật nhiều ân huệ khác nữa và thế là ta không thể đi về. Mục đích của ta chỉ đạt được bằng một cách này thôi: Ta sẽ tả cảnh huy hoàng của ngài rồi hỏi ngài: “Tại sao ngài rời bỏ mọi vinh quang để lên nhân thế hành trì trai giới?”. Khi ngài đáp: “Để được lên thiên giới”, ta sẽ bảo ngài: “Chúng thần lại càng phải nên tu tập như thế hơn nữa, vì chúng thần đã sống bằng nghề sát sinh hại mạng. Thần cũng muốn trở lại trần thế để thăm quyến thuộc xong rồi sẽ xuất gia sống đời khổ hạnh.Thế là ngài sẽ phải để ta đi”.
Sau khi quyết định xong, một ngày kia Bồ-tát đến hỏi thăm gã xem có gì chưa toại ý chăng, gã liền vội trấn an ngài rằng không có điều gì gã mơ ước mà ngài không ban cho gã, rồi không hề nói gì đến ý định ra đi, trước tiên gã chỉ ngâm kệ tả cảnh phồn vinh thịnh vượng của xứ ngài:
19. Đất bằng trải rộng khắp nơi nơi,
Hoa trắng Ta-ga nở rợp trời,
Tổ bọ yên chi màu đỏ thắm,
Rừng xanh rực rỡ phủ nền tươi.
20. Đền đài linh hiển khắp trong rừng,
Hồ lắm thiên nga đắm mắt trần,
Tô điểm lá sen tàn rải rác,
Khác nào các tấm thảm đang nằm.
21. Cung đình ngàn cột trụ nguy nga,
Tiên nữ bao nàng rộn múa ca,
Cột trụ dát toàn châu ngọc quý,
Tứ bề phản chiếu ánh trời xa.
22. Ngài có cung đình thật hiển vinh,
Chính nhờ công đức đã hoàn thành,
Mọi niềm ước nguyện đều viên mãn,
Ngay khi nguyện ước mới thành hình.
23. Ngài chẳng ước mơ điện Ngọc hoàng,
Thiên triều tráng lệ sánh sao ngang?
Cung ngài vinh hiển còn hơn thế,
Với cảnh huy hoàng chiếu ánh quang.
Bậc Đại Sĩ đáp:
– Này hiền hữu Bà-la-môn, đừng nói thế, cảnh vinh quang của ta so với Thiên chủ Sakka chỉ như hạt cải bên cạnh núi Tu-di (Meru). Chúng ta không bằng được quần thần của ngài nữa.
Rồi ngài ngâm kệ:
24. Ý dẫu tối cao chẳng dám mơ.
Vinh quang ngôi vị của Sakka,
Bốn Thiên vương ở trong triều đại,
Mỗi vị một miền được định ra.
Khi ngài nghe gã lập lại: “Cung điện của ngài chẳng khác nào cung Sakka Thiên chủ, ngài đáp:
– Ta đã nghĩ đến chuyện này từ lâu, chính vì ta muốn lên điện Vejayanta (Tối thắng ở cõi thiên) mà ta thực hành sự tu tập trai giới.
Rồi ngài ngâm kệ tả rõ tâm nguyện mình:
25. Ta mong tha thiết cảnh cao đường,
Của các bậc tiên thánh vĩnh hằng,
Vì thế ta ngồi trên tổ kiến,
Hành trì giới hạnh mãi không ngừng.
Gã Bà-la-môn nghe vậy thầm nghĩ: “Nay ta đã có cơ hội rồi đây”, và với lòng hân hoan, gã ngâm kệ xin phép ngài ra đi:
26. Thần đã cùng con trẻ bắt hươu,
Ngày xưa bôn tẩu chốn rừng sâu,
Bạn bè để lại nhà không biết,
Sống chết thần nay hiện ở đâu.
27. Đại-trí Dạt-ta, thần muốn đi,
Hỡi ngài Minh chúa tộc Kà-si,
Chúng thần cất bước thăm lần nữa,
Quyến thuộc thân bằng ở chốn quê.
Bồ-tát đáp:
28. Ta muốn các ngài ở chốn đây,
Cùng ta hưởng hạnh phúc bao ngày,
Nơi nào trên chốn nhân gian ấy,
Ngài thấy bình an giống cảnh này?
29. Nhưng nếu ngài mong ở chốn kia,
Thì ngài hãy hưởng lạc tràn trề,
Rồi sau sẽ giã từ đi nhé,
Hạnh phúc ngài mong gặp bạn bè.
Rồi ngài suy nghĩ: “Nếu gã nhờ ta mà có được hạnh phúc chắc gã sẽ không tiếc lộ ta với ai đâu, ta sẽ cho gã viên ngọc như ý (ban mọi điều ước). Ngài liền tặng gã viên ngọc rồi bảo:
30. Kẻ được mang viên bảo ngọc thần,
Ngắm đàn con cháu với gia trang,
La- môn, lấy ngọc và đi nhé,
Chẳng có bao giờ gặp bất an.
Gã Bà-la-môn đáp:
31. Hạ thần hiểu rõ những lời ngài,
Ngài thấy thần nay đã lão lai,
Thần sẽ đi theo đời khổ hạnh,
Nghĩa gì lạc thú ở trên đời?
Bồ-tát nói:
32. Nếu ngài chẳng giữ trọn lời thề,
Tìm thú thế nhân lần nữa kia,
Thì hãy đến tìm ta lại nhé,
Ta ban ngài lạc thú tràn trề.
Gã Bà-la-môn đáp:
33. Dat-ta Đại-trí, tạ muôn vàn,
Ân huệ mà ngài đã phát ban,
Ví thử thần tìm cơ hội tốt,
Sẽ về mong được hưởng hồng ân.
Bậc Đại Sĩ thấy rằng gã không còn muốn ở lại đây nữa, nên ngài ra lệnh bốn đồng tử Nàga dẫn gã trở lại cõi trần.
*
Bậc Đạo Sư tả mọi việc như sau:
34. Dat-ta Đại trí lệnh truyền ban,
Bốn tiểu long thần: -Hãy bước chân,
Đem vị La-môn ta uỷ thác,
Dẫn người trở lại chốn người mong.
35. Nghe lời xong, các vị long thần,
Lập tức lệnh ngài được phục tuân,
Họ dẫn Bà-la-môn đến chốn,
Rồi đi để lại gã đơn thân.
Trên đường về lão Bà-la-môn bảo con:
– Này Soma, ta sẽ giết được con nai chỗ này và con lợn chỗ kia.
Rồi thấy một hồ nước, gã kêu lên:
– Này Soma, xuống tắm đi.
Thế là cả hai cha con cởi hết áo quần thần tiên ra cuộn thành một bó đặt trên bờ, xuống hồ tắm. Lập tức áo quần biến mất về cảnh giới Nàga chỉ còn bộ áo quần nghèo khổ màu vàng xưa kia của họ mang lên người cùng với cung tên giáo hiện ra như ngày xưa ấy.
– Cha ơi, cơ nghiệp tiêu tan hết rồi. Somadatta kêu gào lên thế.
Nhưng cha cậu vội an ủi:
– Đừng lo gì, hễ còn hươu nai trong rừng là ta còn có kế sinh nhai.
Mẹ Somadatta nghe họ về, vội chạy ra đón vào nhà, thiết đãi cơm rượu thỏa thuê. Khi gã Bà-la-môn đã ăn xong và đi ngủ, người mẹ hỏi con:
– Lâu nay hai cha con đi đâu thế?
– Thưa mẹ, cha con và con được vua Nàga là Bhuridatta mang đến xứ Nàga thần tiên, nhưng vẫn không toại nguyện nên nay lại trở về.
– Thế con có mang về được món châu báu nào không?
– Thưa mẹ không.
– Thế vị vua đó không cho con món châu báu nào sao?
– Thưa mẹ, vua Bhùridatta đã tặng cho cha con một viên ngọc ban mọi điều ước, nhưng cha con từ chối.
– Vì cớ sao?
– Cha con bảo là muốn làm ẩn sĩ tu hành.
– Sao lâu nay đã vứt lại cho ta cả một gánh nặng con cái và đi ở xứ Nàga, bây giờ lão đòi làm ẩn sĩ à?
Thế là bà nổi cơn thịnh nộ, đập vào lưng gã bằng chiếc thìa lâu nay vẫn dùng nó chiên cơm rồi mắng gã xối xả:
– Ông thật là thứ Bà-la-môn ác độc, tại sao ông bảo là sắp đi tu làm ẩn sĩ và từ chối báu vật? Rồi tại sao ông còn vát mặt về nhà mà không thực hiện nguyện ước tu hành? Hãy cút ra khỏi nhà ta ngay.
Nhưng gã bảo vợ:
– Này hiền thê, xin nàng chớ vội thịnh nộ, hễ còn hươu nai trong rừng là ta còn cấp dưỡng mẹ con nàng.
Thế là ngày hôm sau, gã cùng con trai vào rừng tiếp tục sinh nhai bằng nghề cũ.




Source link

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 56

Post Views: 572