»» Chuyện Ðại Vương Vessantara (Tiền thân Vessantara) (1)

»» Chuyện Ðại Vương Vessantara (Tiền thân Vessantara) (1)



(Vessantara)
Dịch giả: Trần Phương Lan


(Download file MP3
– 13.92 MB – Thời gian phát: 30 phút 24 giây.)

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


Phu-sa-tì, mỹ hậu huy hoàng…,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú gần thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) về một cơn mưa lớn.
Lúc bậc Ðạo Sư đang chuyển Pháp luân trên đường dẫn đến thành Ràjagaha (Vương Xá), nơi đó Ngài trú mùa đông cùng Trưởng lão Udàyi (Ưu-đà-di) dẫn đường, và được hai mươi ngàn Thánh đệ tử hầu cận, Ngài đi vào thành Kapilavatthu. Ngay lập tức các vương tử dòng Sàkya (Thích-ca) tụ tập lại để đón vị trưởng tộc của họ.
Họ quan sát nơi cư trú của đức Thế Tôn và bảo:
– Rừng Cây đa này thật là một nơi an lạc xứng đáng với một vị Thích-ca.
Rồi họ làm đủ mọi vật dụng thích hợp để bảo vệ nơi ấy chuẩn bị sẵn sàng nghênh đón Ngài với những bó hoa thơm ngát trong tay. Trước hết họ đưa các thiếu nhi nam nữ trong thành mặc áo quần đẹp nhất, kế đó là các vương tôn công chúa đến kính lễ đức Thế Tôn với hương hoa thơm ngát và theo hầu đức Thế Tôn đến tận rừng Cây đa, nơi đó đức Thế Tôn an tọa được hai mươi ngàn Thánh đệ tử vây quanh bảo tọa dành cho Ngài.
Bấy giờ dòng họ Thích-ca là một bộ tộc kiêu mạn và cứng đầu nghĩ thầm: “Nam tử Siddhattha trẻ tuổi hơn ta, đó là em ta, cháu gọi ta bằng chú, bằng ông”. Vì thế họ bảo các vương tử trẻ tuổi:
– Các anh hãy kính lễ người ấy, còn chúng tôi chỉ muốn ngồi sau các anh.
Trong khi họ ngồi yên đó không muốn làm lễ chào Ngài, đức Thế Tôn biết ý định của họ, nghĩ thầm: “Thân tộc ta không kính lễ ta, được rồi, ta sẽ làm cho hội chúng kính lễ”. Do đó Ngài khởi lên một định lực nhờ thần thông vụt lên không trung và làm như thể phủi bụi trên chân Ngài lên đầu họ, thực hiện một phép thần kỳ như Thần thông Song hành dưới gốc cây xoài có cục u (Yamaka Patihariya: số 483 Tiền thân Sarabha-miga, tập V).
Vua cha thấy việc kỳ diệu này liền nói:
– Bạch Ngài, vào ngày Ðản sinh của Ngài, khi trẫm thấy chân Ngài đặt lên đầu Bà-la-môn Kèladevala đến kính lễ Ngài, trẫm đã kính lễ Ngài, đó là lần đầu. Vào ngày Lễ Cày ruộng, khi Ngài ngự trên vương tọa dưới bóng cây hồng đào, trẫm thấy bóng cây ấy không lay động, trẫm cũng kính lễ dưới chân Ngài và đó là lần thứ hai. Và bây giờ nữa, trẫm thấy một phép mầu mà trẫm chưa từng thấy trước kia, nên trẫm lại kính lễ chân Ngài: đây là lần thứ ba.
Nhưng khi vua cha đã kính lễ như vậy thì không một vị Sàkya nào có thể ngồi yên và tự kiềm chế được nữa, tất cả bọn họ đều kính lễ Ngài.
Sau khi đã làm cho cả thân tộc kính lễ Ngài như vậy đức Thế Tôn từ trên không hạ xuống ngồi trên chiếc bảo tọa đã soạn sẵn. Khi đức Thế Tôn đã an tọa, đám thân tộc của Ngài đã được sáng trí và cùng ngồi xuống với tâm an tịnh.
Lúc ấy một vầng mây lớn nổi lên và bùng ra thành một trận mưa lớn: mưa màu hồng đổ trút xuống ầm ầm, những ai muốn ướt đều được ướt sũng, còn ai không muốn thì chẳng có giọt nào rớt trên mình. Mọi người thấy vậy đều rất kinh ngạc trước phép mầu và đồng kêu to với nhau:
– Thật kỳ diệu thay, thật hy hữu thay! Hãy nhìn thần lực của chư Phật! Cơn mưa lớn này đang trút xuống đám thân tộc của Ngài!
Nghe vậy, đức Phật bảo:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên một trận mưa lớn trút xuống đám thân tộc của Ta.
Và rồi theo lời thỉnh cầu của hội chúng, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*


I. THÁI TỬ RA ÐỜI


Một thuở nọ, vị vua có tên Sivi ngự trị ở kinh thành Jetuttara, trong vương quốc Sivi. Ngài có một vương tử là Sañjaya. Khi chàng đến tuổi trưởng thành, vua cha kết duyên chàng với công chúa Phusatì, con gái vua Madda, rồi giao vương quốc cho chàng và phong Phusatì làm chánh hậu.
Mối liên hệ đời trước của nàng với thế giới này như sau:
Cách đây chín mươi mốt kiếp, một bậc Ðạo Sư ở thế gian có danh hiệu là Vipassi (Tỳ-bà-thi). Trong lúc Ngài an trú tại Vườn nai Khema (Thái Hòa) gần thành Bandhumati, một vị vua gởi tặng vua Bandhuma một chuỗi vàng trị giá một trăm ngàn đồng tiền cùng khúc gỗ quý trầm hương (chiên-đàn).
Bấy giờ vua ấy có hai con gái, và vì muốn tặng bảo vật cho hai con, vua ban khúc gỗ trầm hương cho cô chị, và chuỗi vòng vàng cho cô em. Nhưng cả hai cô đều không muốn dùng các tặng vật này cho mình, và có ý định dâng chúng lên bậc Ðạo Sư để tỏ lòng tôn kính, họ liền tâu vua cha:
– Tâu phụ vương, chúng con muốn dâng gỗ trầm hương và chuỗi vàng này lên đấng Thập Lực (Dasabala).
Vua cha thấp thuận việc này. Vì thế công chúa chị nghiền bột gỗ trầm hương và đổ bột ấy vào một hộp bằng vàng. Còn công chúa em bảo lấy chuỗi vàng làm thành một vòng vàng đeo cổ và đặt vào một hộp bằng vàng.
Sau đó hai nàng cùng đi đến thảo am ẩn sĩ trong Vườn nai, cô chị kính cẩn rảy bột trầm hương lên kim thân của đấng Thập Lực, và rắc phần bột còn lại trong nội thất của Ngài cùng cầu nguyện:
– Bạch Ngài, trong thời vị lai, tiện nữ ước mong làm mẹ một vị Phật như Ngài.
Công chúa em kính cẩn đặt lên kim thân của đấng Thập lực chuỗi vòng cổ được làm từ vòng vàng ấy và phát nguyện:
– Bạch Ngài, tiện nữ ước mong chuỗi kim hoàn này không rời thân mình cho đến ngày tiện nữ đắc Thánh quả.
Và bậc Ðạo Sư đã ban các điều nguyện ước ấy sau khi mạng chung, cả hai nàng đều tái sinh vào thiên giới. Cô chị từ thiên giới đến thế giới loài người rồi trở lại thiên giới, sau chín mươi mốt kiếp, nàng đã trở thành vương hậu Màyà, mẹ của đức Phật.
Còn cô em cũng tái sinh liên tiếp như vậy, vào thời đấng Thập Lực Kasspa (Ca-diếp), nàng trở thành con gái vua Kiki. Lúc mới sinh đã có hình chiếc vòng trên cổ và vai nàng, dung sắc diễm lệ như tranh vẽ và được đặt tên Uracchadà.
Khi nàng lên mười sáu tuổi, nàng nghe lời thuyết Pháp của bậc Ðạo Sư, và đắc Sơ quả Dự lưu, và cùng ngày đó nàng đắc Thánh quả (A-la-hán) rồi thọ giới xuất gia và nhập Niết-bàn vô dư y.
Bấy giờ vua Kiki có bảy công chúa tên là:
Samanì, Samanà, Thánh nữ Tỷ-kheo-ni Guttà,
Tỷ-kheo-ni Dàsikà, Dhammà và Sudhammà.
Và nàng thứ bảy là Sanghadàsì.
Vào thời đức Phật Gotama xuất hiện bảy chị em này:
Khemà, Uppalavannà, thứ ba là Patàcàrà,
Gotamì, Dhammadinnà, thứ sáu là Mahà-màyà.
Trong đám chị em này thứ bảy là Visàkhà.
Ðây là các nữ Đại đệ tử của Ngài.
Bấy giờ, trong số này, nàng Phusatì trở thành Sudhammà, chuyên làm thiện sự và bố thí. Và nhờ phước báo do cúng dâng gỗ trầm hương lên Ðức Phật Vipassi, thân nàng như được rảy trầm hương thượng hạng. Sau đó nàng tái sinh qua lại giữa thiên giới và nhân giới, cuối cùng nàng trở thành chánh hậu của Thiên chủ Sakka (Ðế Thích).
Vào thời số phần của nàng ở đấy đã mãn, năm tướng suy theo lệ thường hiện ra. Thiên chủ Sakka biết thọ mạng của nàng sắp tận, nên tiễn đưa nàng vô cùng trọng thể vào Thiên lạc Viên Nandana. Trong khi nàng ngự trên bảo tọa được trang hoàng lộng lẫy, ngài ngự bên cạnh nàng và bảo:
– Này ái hậu Phusatì, trẫm ban nàng Mười điều ước hãy chọn đi.
Cùng với những lời trên, ngài ngâm vần kệ đầu trong Tiền thân Vessantara vĩ đại này với gần ngàn bài kệ:
1. Phu-sa-tì, mỹ hậu huy hoàng,
Mười ước nguyện nay trẫm tặng nàng,
Hãy chọn điều gì nàng nhận thấy
Ðược nàng quý báu giữa trần gian.
Như vậy nàng đã được an trú trên thiên giới theo lời thuyết giáo trong Ðại Tiền thân Vessantara.
Nhưng nàng không biết cảnh giới sắp tái sinh của mình nên nàng hốt hoảng ngâm vần kệ thứ hai:
2. Vạn tuế Sak-ka, đấng Ngọc hoàng,
Tội gì thần thiếp lỡ tay làm
Khiến ngài đày thiếp xa thiên giới
Như gió thổi cây nọ nát tan?
Thiên chủ nhận thấy vẻ thất vọng của nàng, liền ngâm hai vần kệ:
3. Nàng luôn được sủng ái từ xưa,
Tội lỗi nàng đâu có tạo ra?
Trẫm bảo phước trời nàng đã tận,
Bây giờ đến lúc phải chia xa.
4. Tống biệt nàng nay đã đến thì,
Tử thần đang đến phút phân kỳ,
Trẫm ban ái hậu Mười điều ước,
Lâm mạng chung thời, hãy chọn đi.
Nghe những lời Thiên chủ nói, nàng tin mình sắp phải tận số, nên nàng chọn các ước nguyện này:
5. Thiên chủ Sak-ka, đấng Thượng hoàng,
Ban Mười điều ước, thiếp tri ân:
Mong rằng thần thiếp đời sau sẽ
Ở xứ Si-vi được trú thân.
6. Ðôi mắt huyền mơ tựa mắt nai,
Như nhung đen nháy, cặp mày ngài,
Phu-sa-tì ấy là tên thiếp,
Thánh thượng, thiếp mong ước nguyện này.
7. Thiếp mong có được một hoàng nam,
Vua chúa kiêng oai, tiếng lẫy lừng,
Hòa nhã, nhân từ, tâm rộng lượng,
Lắng tai nghe mọi tiếng cầu ân.
8. Trong khoảng thời gian thiếp thọ thai,
Ước mong giữ trọn tấm hình hài,
Toàn thân thiếp được luôn kiều diễm
Như thể cành cung uốn mảnh mai.
9. Ðế Thích, thiếp mong ngực gợi tình,
Xin được nhuốm bạc mái đầu xanh,
Tấm thân bồ liễu luôn hoàn hảo,
Mong cứu tù nhân thoát tử hình.
10. Giữa tiếng hạc rền, khổng tước vang,
Cung nhân hầu cận đẹp quanh nàng,
Thi sĩ ca nhân đồng tán tụng,
Khăn quàng tung vẫy giữa không gian.
11. Khi ngõ nhẹ nhàng cánh cửa hoa
Nô tỳ cất tiếng lớn trình thưa:
“Vạn tuế Ðại vương! Giờ ngự thiện!”
Thiếp mong làm chánh hậu hoàng gia!
Thiên chủ Sakka đáp:
12. Mười ước nguyện kia, hỡi nữ hoàng,
Phải biết rằng ta đã tặng nàng,
Mỹ nương đến xứ Si-vi nọ
Mười ước nguyện kia sẽ thập toàn.
13. Phán vầy chúa tể các Thiên thần,
Phu tướng Su-ja, đại đế vương,
Ðược gọi Và-sa-va mỹ hiệu,
Hân hoan ban nguyện ước cho nàng.
Khi đã chọn xong Mười ước nguyện như vậy, nàng từ giã thiên giới và nhập vào mẫu thai hoàng hậu của vua Madda. Lúc nàng ra đời, thân thể nàng tỏa mùi thơm như được rảy phấn trầm hương, nên nàng được đặt tên Phusatì (được rảy hương). Nàng lớn lên giữa đám cung tần đông đảo cho đến năm mười sáu tuổi dung sắc nàng vượt hẳn lên tất cả.
Lúc bấy giờ vương tử Sañjaya, con vua Sivi, được phong vương với chiếc lọng trắng, công chúa này được phong làm chánh hậu đứng đầu mười sáu ngàn cung phi; do vậy có chuyện kể:
14. Kế đó nàng công chúa tái sinh
Phu-sa-tì được rước về thành
Je-tut-ta ấy là tên gọi,
Cùng với Sañ-ja kết mối tình.
Vua Sañjaya vô cùng sủng ái nàng. Bấy giờ Thiên chủ Sakka nhớ lại thấy chín điều ước nguyện ngài ban cho Phusatì đã trọn vẹn, ngài nghĩ thầm: “Chỉ còn một điều ước chưa trọn đó là một thiện nam tử. Ta sẽ ban nguyện ước này cho nàng.”
Thời ấy bậc Ðại Sĩ đang ở trên cõi trời Ba mươi ba, và thọ mạng ngài đã tận; nhận thấy điều này, Thiên chủ đến gần ngài và bảo:
– Thưa Tôn giả, ngài phải sinh vào thế giới loài người, ngài phải nhập mẫu thai chánh hậu Phusatì của vua Sivi, xin đừng chậm trễ.
Cùng với những lời này yêu cầu bậc Ðại Sĩ chấp thuận và sáu mươi ngàn vị Thiên tử sắp được tái sinh, Thiên chủ trở về cung của ngài.
Bậc Ðại Sĩ giáng trần và tái sinh tại đó, cùng sáu mươi ngàn thiên tử tái sinh vào gia đình của sáu mươi ngàn triều thần.
Khi bậc Ðại Sĩ nhập mẫu thai, hoàng hậu Phusatì biết mình đã có thai, liền ước nguyện xây sáu bố thí đường, mỗi nhà ở một trong bốn cửa thành, một nhà ở giữa kinh thành và một nhà ở ngay cửa cung của nàng. Mỗi ngày nàng phát sáu trăm ngàn đồng tiền. Vua biết được việc làm ấy của nàng liền hỏi ý các vị xem tướng số, họ đáp:
– Tâu Ðại vương, chánh hậu đang mang thai một bậc chuyên tâm bố thí, ngài sẽ không bao giờ thỏa mãn với việc bố thí cả.
Nghe vậy vua hoan hỷ và thực hành hạnh bố thí như trên.
Từ thời Bồ-tát nhập mẫu thai, phước lộc của nhà vua có thể nói là vô cùng tận; nhờ ảnh hưởng lòng nhân từ của vua lan rộng khắp nơi, các quốc vương ở toàn cõi Diêm-phù-đề đều dâng ngài cống vật.
Bấy giờ lúc chánh hậu mang thai, nàng vẫn ở chung cùng đám thị nữ hậu cận nàng. Sau mười tháng tròn vẹn, nàng muốn đi thăm kinh thành. Nàng tâu trình với vua, ngài truyền kinh thành được trang hoàng như kinh thành chư Thiên rồi đưa hoàng hậu ngự lên vương xa sang trọng và cử hành đám rước quanh kinh thành về phía hữu. Khi xe đến giữa khu phố Vessa (Vệ-xá: thương nhân), nàng thấy giờ lâm bồn chợt đến. Thị nữ liền trình vua và ngài truyền làm ngay một phòng bảo sinh tại đó và đưa nàng đến nơi, nàng liền sinh hạ một nam tử và vì thế có chuyện kể:
15. Trong lòng mười tháng mẹ mang con,
Ðám rước ngày kia khắp phố phường,
Khi đến khu dân cư Vệ-xá,
Vì con, mẫu hậu phải lâm bồn.
Bậc Ðại Sĩ từ lòng mẹ sinh ra không bị cấu uế, mở lớn mắt và một lát đưa tay cho mẹ, ngài nói:
– Thưa mẫu hậu, con muốn bố thí, có gì không?
Bà mẹ đáp:
– Này vương nhi, con hãy bố thí như ý.
Rồi bà đặt túi tiền một ngàn đồng vào bàn tay mở rộng của con.
Có ba lần bậc Ðại Sĩ nói ngay khi giáng sinh: Ðó là trong Tiền thân Ummagga, trong Tiền thân này và trong đời cuối cùng của ngài.
Vào ngày lễ đặt tên, vì ngài sinh ra ở phố Vessa, ngài được đặt tên Vessantara, do đó có chuyện kể:
16. Tên ta chẳng phía mẹ đưa ra,
Cũng chẳng phát từ quý tộc cha,
Vì được sinh trên đường Vệ-xá,
Nên tên ta gọi Ves-san-ta.
Vào đúng ngày ngài ra đời, một con voi cái sinh được một voi con, được xem là có điềm lành, toàn thân màu trắng và được đặt vào chuồng nhà vua. Vì con voi này ra đời đáp ứng một nhu cầu của bậc Ðại Sĩ, nó được đặt tên Paccaya (Phương tiện).
Vua cha ban ngài hai trăm bốn mươi nhũ mẫu không quá cao cũng không quá thấp, không bệnh tật gì và có sữa ngọt. Ngài cũng ban các nhũ mẫu cho sáu mươi ngàn hài nhi kia, vì thế vương tử lớn lên giữa đám sáu mươi ngàn ấu nhi hầu hạ quanh mình.
Vua cha truyền làm cho vương tử một chiếc vòng đeo cổ trị giá một trăm ngàn đồng tiền rồi đem tặng con. Nhưng khi vừa lên bốn lên năm, ngài đã đem nó cho các nhũ mẫu và khi họ muốn đưa trả nó lại, ngài không muốn nhận nó. Họ tâu trình vua, ngài phán:
– Vật gì vương tử đã ban đều xứng đáng được ban cả, dù đó là tặng vật dành cho một vị Bà-la-môn.
Và vua truyền làm chiếc vòng cổ khác. Nhưng trong thời thơ ấu, vương tử vẫn đem vòng ấy cho các nhũ mẫu cả đến chín lần như vậy.
Khi ngài lên tám, trong lúc nằm trên vương sàng, vương tử suy nghĩ: “Tất cả các vật ta cho đều có từ bên ngoài. Ðiều này không làm ta hài lòng. Ta muốn cho cái gì của chính thân ta. Nếu có người xin quả tim ta, ta sẽ cắt lồng ngực và xé tim ra cho. Nếu ai xin đôi mắt, ta sẽ móc mắt ra cho. Nếu ai muốn xin thịt, ta sẽ lóc hết thịt trên thân ta và cho họ.”
Ngài suy nghĩ như vậy với tất cả tâm hồn lẫn thể xác mình; vì thế quả đất này với bề rộng bốn mươi ngàn tỷ triệu dặm và hai trăm ngàn dặm chiều sâu, rúng động ầm ầm như một con voi khổng lồ điên loạn. Ngọn núi Sineru (Tu-di) chúa tể núi non, cúi rạp xuống như một cây con trong dòng nước nóng và dường như nhảy múa rồi đứng nghiêng mình về phía kinh thành Jettutara. Giữa lúc quả đất rúng động, bầu trời sấm sét vang dội và đổ mưa, tia chớp sáng lòa, đại dương sôi sục lên, Sakka Thiên chủ vỗ tay, Ðại Phạm thiên tán đồng, toàn thể chấn động lên đến Phạm Thiên giới, vì thế có chuyện kể:
17. Khi ta còn trẻ, tuổi còn thơ
Chỉ khoảng chừng lên tám tuổi dư,
Trên thượng lầu ta trong nội điện,
Nhân từ, bố thí vẫn suy tư:
18. Nếu người nào đến hỏi xin cho
Máu, thịt, tim và con mắt ta,
Ta sẽ cho thân, tim, máu, mắt,
Sẵn sàng ta cất tiếng kêu to.
19. Trong khi ta nghĩ ngợi trầm ngâm
Như vậy cùng toàn thể bản thân,
Quả đất vững bền kia rúng động,
Chuyển rung cùng thảo mộc, sơn lâm.
*


II. BỐ THÍ VOI BÁU


Vào năm mười sáu tuổi, Bồ-tát đã tinh thông mọi môn học thuật. Lúc ấy phụ vương muốn cho ngài lên ngôi, liền hỏi ý kiến hoàng hậu. Từ hoàng gia Madda tiến dâng công chúa Maddì, em họ ngoại của ngài cùng mười sáu ngàn thị nữ, vua phong nàng làm chánh hậu và cử hành lễ quán đảnh (rảy nước) phong vương cho ngài. Từ lúc lên ngôi, ngài vẫn thực hành đại bố thí, mỗi ngày phân phát sáu trăm ngàn đồng tiền.
Sau đó chánh hậu Maddì sinh một vương tử được đặt vào một chiếc võng bằng vàng, vì thế vương tộc đặt tên vương tử Jàli (chiếc võng). Vào thời vương tử chập chững biết đi, chánh hậu lại sinh một công chúa, được đặt vào một tấm da đen nên họ gọi tên cô là Kanhàjinà.
Mỗi tháng bậc Ðại Sĩ ngự đến sáu bố thí đường sáu lần trên con voi lộng lẫy của ngài.
Lúc bấy giờ quốc độ Kàlinga có hạn hán, lúa không mọc, nạn đói tràn lan, dân chúng không sống nổi sinh trộm cướp. Bị cơn túng quẩn bức bách, dân chúng tụ tập trước sân chầu và phỉ báng vua. Nghe vậy, vua hỏi:
– Có chuyện gì vậy các con?
Họ trình vua. Ngài đáp:
– Ðược rồi, các con. Ta sẽ làm mưa xuống:
Rồi vua bảo họ ra về. Ngài phát nguyện sống đức hạnh và giữ ngày trai giới (Bố tát), nhưng vẫn không thể làm mưa xuống. Vì vậy vua triệu tập dân chúng lại và bảo họ:
– Ta đã phát nguyện sống đức hạnh và giữ bảy ngày trai giới, tuy nhiên vẫn không làm mưa rơi. Vậy phải làm gì bây giờ?
Họ đáp:
– Tâu Chúa thượng, nếu ngài không thể làm mưa rơi, thì có đại vương Vessantara ở kinh thành Jettuttara thái tử của vua Sañjaya, chuyên tâm bố thí. Ngài có một con voi lộng lẫy toàn trắng. Hễ nơi nào ngài ngự đến, mưa liền rơi xuống. Chúa thượng hãy phái các Bà-la-môn đến xin con voi ấy và đem nó về đây.
Vua chấp thuận, triệu các vị Bà-la-môn đến chọn tám người trong số đó và ban lương thực cho họ đi đường và bảo:
– Các khanh hãy đi tìm voi báu của vua Vessantara.
Vì sứ mạng này, họ lên đường đến Jetuttara. Tại bố thí đường, họ được tiếp đãi ân cần. Rồi rảy bụi bặm và phết bùn dơ khắp thân mình, vào ngày trăng rằm, họ đi xin voi báu của vua. Từ sáng sớm, vua định đi thăm bố thí đường, nên đã tắm rửa bằng mười sáu bình nước hoa thơm và dùng điểm tâm, rồi ngự lên lưng bảo tượng được trang hoàng rực rỡ tiến về cổng phía Ðông. Các Bà-la-môn không tìm được cơ hội ở đó, liền đi về cổng nam, đứng trên một mô đất cao nhìn vua bố thí ở cổng Ðông. Khi ngài đến cổng Nam, họ đưa tay ra và kêu lên:
– Ðại vương Vessantara vạn tuế!
Khi thấy các Bà-la-môn, bậc Ðại Sĩ thúc voi về phía họ đứng và ngâm vần kệ:
20. Các đạo sĩ kia, rậm tóc, lông,
Răng dơ, đầu phủ bụi màu hồng,
Cớ sao giơ cả hai tay nọ,
Gì đó các người vẫn ước mong?
Nghe vậy, các Bà-la-môn đáp:
21. Bảo vật chúng thần vẫn khát khao
Cứu toàn dân tộc ấy, muôn tâu,
Con voi tối thượng phò nguy khốn,
Ngà trắng dài như một chiếc sào.
Bậc Ðại Sĩ nghe vậy, nghĩ thầm: “Ta đang muốn bố thí bất cứ vật gì của chính ta, từ đầu trở xuống, thế mà họ đòi một vật ở ngoài thân ta. Thôi ta sẽ cho họ thỏa nguyện”. Và từ lưng voi, ngài đáp:
22. Bố thí, ta không hề chối từ
Vật kia Ðạo sĩ muốn ta cho,
Cao sang bảo vật phò vua ngự,
Dũng mãnh con voi có bộ ngà.
Và ngài chấp thuận:
23. Vua, vị cứu tinh dân tộc ngài,
Nhẹ nhàng bước xuống khỏi lưng voi,
Hy sinh bố thí, đầy hoan hỷ
Cho đám La-môn vật họ đòi.
Các vật trang hoàng bốn chân voi trị giá bốn trăm ngàn đồng, các vật hai bên hông trị giá hai trăm ngàn, tấm vải che dưới bụng trị giá một trăm ngàn, trên lưng là những tấm lưới đầy ngọc vàng, châu báu, ba tấm mạng trị giá ba trăm ngàn, hai tấm trên hai lỗ tai trị giá hai trăm ngàn, trên lưng có tấm thảm trị giá một trăm ngàn, món trang hoàng trên mắt trị giá một trăm ngàn, ba tấm phủ đầu trị giá ba trăm ngàn, các vật nhỏ trang hoàng lỗ tai trị giá hai trăm ngàn, các vật trang hoàng đôi ngà trị giá hai trăm ngàn, các món trang hoàng biểu hiện điềm lành trên vòi trị giá một trăm ngàn, bảo vật trên trị giá một trăm ngàn, không kể các món trang hoàng vô giá trên thân giá hai trăm hai mươi vạn đồng, máng thức ăn trị giá một trăm ngàn đồng, tất cả lên đến hai trăm bốn mươi vạn đồng.
Hơn nữa, các thứ châu ngọc lớn nhỏ trên tấm thảm, trong chuỗi đeo cổ, châu báu trong chiếc gậy thúc, châu báu trong chiếc vòng quanh cổ, châu báu trên mắt voi, tất cả các món này đều vô giá, con voi cũng vô giá, hợp lại thành thất bảo vô giá. Tất cả các vật này ngài đều bố thí cho các Bà-la-môn. Ngoài ra còn có năm trăm quân hầu cùng đám quản tượng và quét chuồng voi.
Một cuộc tài thí lớn như vậy khiến quả đất rúng động cùng với các điềm hy hữu như đã kể trên.
*
Ðể giải thích việc này, bậc Ðạo Sư ngâm kệ:
24. Lúc ấy khắp nơi thật hãi hùng
Người người cảm thấy rợn da lông,
Khi ngài bố thí con voi báu
Quả đất kinh hoàng phải chuyển rung.
25. Lúc ấy khắp nơi thật hãi hùng,
Người người cảm thấy rợn da lông,
Khi ngài bố thí con voi báu
Tất cả kinh thành phải chuyển rung.
26. Tiếng kêu gào thét thật kinh hoàng
Toàn thể kinh thành bỗng dậy vang:
Si-vi chúa tể nuôi dân chúng
Cho các La-môn đại tượng vương.
*
Cả kinh thành Jetuttara đều rúng động. Chuyện kể rằng các Bà-la-môn ở cổng phía Nam nhận được voi báu xong liền cỡi lưng voi chen lấn trong đám người đông như thác lũ, đi qua giữa kinh thành.
Ðám dân chúng nhìn thấy họ, liền la lớn:
– Này các Bà-la-môn ngất ngưởng trên lưng voi, tại sao các ông lấy voi của nước ta?
Bọn họ đáp:
– Ðại vương Vessantara đã ban voi cho chúng ta. Còn các người là ai?
Bộ điệu họ hống hách với quần chúng như vậy, rồi họ băng qua kinh thành và ra khỏi cổng phía Bắc nhờ sự hỗ trợ của chư Thần.
Dân chúng kinh thành phẫn nộ với Bồ-tát cất tiếng trách móc ầm ĩ.
*
Bậc Ðạo Sư ngâm kệ giải thích việc này:
27. Tiếng thét lớn kia cứ vọng vang
Tai nghe như vậy thật kinh hoàng
Khi vua bố thí con voi báu,
Quả đất hãi hùng phải chuyển rung.
28. Tiếng hét lớn kia cứ vọng vang
Tai nghe như vậy thật kinh hoàng,
Khi vua bố thí con voi báu
Dân chúng kinh thành thảy chuyển rung.
29. Tiếng thét lớn kia cứ vọng vang
Toàn dân đều khủng khiếp bàng hoàng:
Si-vi Chúa thượng nuôi dân chúng
Ðem bố thí luôn đại tượng vương!
*
Tất cả dân chúng kinh thành rúng động trong lòng vì đại sự bố thí này, liền đến trình vua cha.
Do đó có chuyện kể:
30. Vương tứ, La-môn, Vệ-xá, Ug-ga,
Quản tượng, bộ binh, kỵ mã, quản xa,
31. Ðiền chủ, toàn dân Si-vi vội đến,
Thấy tượng vương đi, tìm vua yết kiến:
32. – Quốc độ suy tàn rồi, tấu Ðại vương,
Sao Ves-san-ta, Thái tử vinh quang,
Bố thí tượng vương mọi người quý trọng?
33. Voi cứu tinh, ngà như sào, bạch tượng,
Biết lập chiến công trên mọi đấu trường,
34. Với quạt đuôi trâu rừng, ngọc trang hoàng,
Ðã dẫm nát tan mọi quân cừu địch,
Hung hãn, ngà dài, toàn thân trắng bạch
Như tuyết trên đỉnh núi Ke-là-sa,
35. Với cân đai, lọng trắng xứng vương gia,
Cùng quản tượng và đám quân hầu cận,
Bảo vật này, ngài đã đem ban tặng.
Sau đó, dân chúng còn nói thêm:
36. Ban y phục, lửa, xe, thức uống ăn,
Là cúng dường xứng với Bà-la-môn.
37. Tâu Ðại vương, bạn của toàn dân chúng,
Xin cho biết sao xảy ra hành động
Bởi vương nhi là dòng dõi vương gia,
Chính người là Thái tử Ves-san-ta?
38. Lệnh dân Si-vi, nếu ngài từ chối,
Các ngài sẽ bị toàn dân chống đối.
Nghe vậy, vua cha nghi ngờ họ muốn giết Vessantara, nên ngài phán:
39-40. Vâng, ta chẳng màng quốc độ, ngai vàng,
Ta quyết không đày trẻ khỏi quê hương,
Thái tử ta chẳng chút nào lầm lỗi,
Ta cũng không muốn vâng lời dân nói,
Vì con ta dòng chính thống là chàng.
41-42. Không, ta chẳng màng quốc độ, ngai vàng,
Ta quyết không đày trẻ khỏi quê hương,
Thái tử ta chẳng có gì lầm lỗi,
Ta cũng chẳng muốn vâng lời dân nói,
Vì con ta, đích thực chính là chàng.
43-44. Không, ta quyết không làm hại hoàng nam,
Vì Thái tử thật vô cùng cao cả.
Việc ấy đối với ta đầy nhục nhã,
Nó sẽ gây nhiều khổ não cho ta:
Làm sao ta cầm kiếm giết Ves-sa?
Dân chúng Si-vi đáp:
45. Người không xứng dù bất kỳ hình phạt,
Dù kiếm, đao hay phải vào ngục thất,
Song hãy đuổi người ra khỏi giang sơn,
Ðến đỉnh núi Vam-ka để náu nương.
Vua phán:
46. Hãy xem đây ý nguyền toàn dân chúng
Và chính ta không thể nào phủ nhận,
Song cho chàng hạnh phúc một đêm thôi
Trước khi chàng phải cất bước xa rời.
47. Sau khoảnh khắc của đêm nay vừa mãn,
Khi ngày mai bình minh vừa ló dạng,
Cả toàn dân hãy đến đuổi chàng đi.
Dân chúng đồng ý lời vua đề nghị chỉ một đêm thôi. Sau đó, vua bảo họ lùi về và nghĩ đến việc gửi thông điệp cho con, ngài giao trọng trách cho một sứ giả, người này liền đi đến cung của Thái tử Vessantara và trình mọi việc đã xảy ra.




Source link

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 51

Post Views: 534