»» Kinh Nghĩ Như Thế Nào

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

I. Nội dung kinh

(Kinti sutta)
Dịch giả: Thích Minh Châu

 


(Download file MP3
– 2.36 MB – Thời gian phát: 13 phút 45 giây.)

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Kusinara, tại khu rừng Baliharana. Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”, –“Thưa vâng, bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

— Này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông nghĩ như thế nào? Có phải vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp? Hay có phải vì nhân đồ ăn khất thực, Sa-môn Gotama thuyết pháp? Hay có phải vì nhân sàng tọa, Sa-môn Gotama thuyết pháp? Hay có phải vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp?

— Thưa không phải vậy, bạch Thế Tôn! Chúng con không nghĩ rằng: “Vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay vì nhân đồ ăn khất thực, Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay vì nhân sàng tọa, Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp”.

— Và như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông không nghĩ như sau: “Vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp… vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp”. Vậy này các Tỷ-kheo, đối với ta, các Ông nghĩ như thế nào?”

— Như thế này, bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn, chúng con nghĩ như sau: “Với từ tâm, vì lợi tha và do lòng từ, Thế Tôn thuyết pháp”.

— Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông nghĩ như sau: “Với từ tâm, vì lợi tha và do lòng từ, Thế Tôn thuyết pháp”.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, những pháp Ta giảng cho các Ông với thượng trí, như là Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ đề phần, Thánh đạo tám ngành. Ở đây, các ông phải học tập tất cả, trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau. Và này các Tỷ-kheo, khi các Ông học tập trong các pháp ấy, trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau, có thể có hai vị Tỷ-kheo nói khác nhau về Thắng pháp (Abhidhamma).

Ở đây, nếu các Ông nghĩ như sau: “Giữa các vị Tôn giả này, có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn”; ở đây, Tỷ-kheo nào các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy nói như sau: “Giữa các Tôn giả có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn. Về vấn đề này các Tôn giả phải biết có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau”. Rồi một Tỷ-kheo nào của phái bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: “Giữa các Tôn giả có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau”. Như vậy, cái gì khó nắm giữ, cần phải thọ trì là khó nắm giữ. Sau khi thọ trì là khó nắm giữ cái gì khó nắm giữ, cái gì thuộc về Pháp, cái gì thuộc về Luật phải được nói lên.

Ở đây, nếu các Ông suy nghĩ như sau: “Giữa các bậc Tôn giả này, có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn”. Ở đây, Tỷ-kheo nào các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau. “Giữa các Tôn giả, có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau”. Rồi một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: “Giữa các Tôn giả có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau”. Như vậy, cái gì khó nắm giữ, cần phải thọ trì là khó nắm giữ, cái gì dễ nắm giữ phải thọ trì là dễ nắm giữ. Sau khi thọ trì là khó nắm giữ cái gì khó nắm giữ, sau khi thọ trì là dễ nắm giữ cái gì dễ nắm giữ, cái gì thuộc về Pháp, cái gì thuộc về Luật phải được nói lên.

Ở đây, nếu các Ông nghĩ như sau: “Giữa các Tôn giả này, có sự đồng nhất về nghĩa, có sự sai khác về văn”. Ở đây, Tỷ-kheo nào các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: “Giữa các Tôn giả, có sự đồng nhất nghĩa, có sự sai khác về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự đồng nhất về nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này. Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt tức là văn: Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau vì một vấn đề nhỏ nhặt”. Rồi một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy nghĩ đến vị ấy và nói như sau: “Giữa các Tôn giả, có sự đồng nhất về nghĩa, có sự sai khác về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự đồng nhất về nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này. Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, tức là văn. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau, vì một vấn đề nhỏ nhặt” Như vậy, cái gì dễ nắm giữ, phải thọ trì là dễ nắm giữ, cái gì khó nắm giữ, phải thọ trì là khó nắm giữ. Sau khi thọ trì là dễ nắm giữ cái gì dễ nắm giữ, sau khi thọ trì là khó nắm giữ cái gì khó nắm giữ, cái gì thuộc về Pháp, cái gì thuộc về Luật phải được nói lên.

Ở đây, nếu các Ông nghĩ như sau: “Giữa các Tôn giả này có sự đồng nhất về nghĩa có sự đồng nhất về văn”; ở đây, vị Tỷ-kheo nào các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: “Giữa các Tôn giả có sự đồng nhất về nghĩa và cũng có sự đồng nhất về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự đồng nhất về nghĩa và cũng có sự đồng nhất về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn nhau”. Rồi một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: “Giữa các Tôn giả, có sự đồng nhất về nghĩa và có sự đồng nhất về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự đồng nhất về nghĩa và cũng có sự đồng nhất về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau”. Như vậy, cái gì dễ nắm giữ phải thọ trì là dễ nắm giữ. Sau khi thọ trì là dễ nắm giữ cái gì dễ nắm giữ, cái gì thuộc về Pháp, cái gì thuộc về Luật hãy được nói lên”.

Và này các Tỷ-kheo, khi các Ông học tập các pháp ấy trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau, có thể có một Tỷ-kheo khác phạm giới, phạm luật.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, chớ có khiển trách hấp tấp, cá nhân người kia cần phải giác sát. Các Ông phải suy nghĩ: “Sẽ không có hại gì cho ta, và sẽ không có tổn hại gì cho người kia. Nếu người kia không phẫn nộ, không uất hận, có ý kiến lanh lợi, và dễ thuyết phục, và ta có thể khiến người ấy vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện”. Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông nghĩ như vậy, thời các Ông nên nói là phải.

Nhưng nếu, này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ như sau: “Sẽ không có hại gì cho ta, và sẽ có tổn hại cho người kia. Người kia phẫn nộ, uất hận, có ý kiến chậm chạp, nhưng dễ thuyết phục, và ta có thể khiến người ấy vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện. Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, tức là sự tổn hại cho người kia. Và đây là sự việc to lớn hơn, là ta có thể khiến người này vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện”. Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông nghĩ như vậy, thời các Ông nên nói là phải.

Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như sau: “Sẽ có hại cho ta và không có tổn hại cho người kia. Người kia không có phẫn nộ, uất hận, có ý kiến lanh lợi, nhưng khó thuyết phục, và ta có thể khiến người ấy vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện. Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, tức là sự tổn hại cho ta. Và đây là sự việc to lớn hơn, là ta có thể khiến người này vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện”. Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như vậy, thời các Ông nên nói là phải.

Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như sau: “Sẽ có hại cho ta và sẽ có tổn hại cho người kia. Người khác phẫn nộ, uất hận, có ý kiến chậm chạp, khó thuyết phục và ta có thể khiến người này vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện. Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, tức là hại cho ta và tổn hại cho người kia. Và đây là sự việc to lớn hơn, là ta có thể khiến người này vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện”. Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như vậy, thời các Ông nên nói là phải.

Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như sau: “Ta sẽ bị hại và người kia cũng bị tổn hại. Người kia phẫn nộ, uất hận, có ý kiến chậm chạp, khó thuyết phục, và ta không có thể khiến người này vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện”. Ðối với một người như vậy, này các Tỷ-kheo, hãy xã, chớ có nên khinh miệt.

Và này các Tỷ-kheo, khi các Ông học tập các pháp ấy trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau, có thể khởi lên giữa các Ông, một khẩu hành, một ý kiến ngoan cố, một tâm hiềm hận, ưu não, phẫn nộ. Ở đây, một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: “Này Hiền giả, dầu chúng tôi học tập các pháp ấy trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn nhau, có khởi lên một khẩu hành, một ý kiến ngoan cố, một tâm hiềm hận, ưu não, phẫn nộ. Nếu biết được như thế, vị Sa-môn sẽ quở trách”. Trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau: “Này Hiền giả, dầu cho, chúng tôi học tập các pháp ấy trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn nhau… , vị Sa-môn sẽ quở trách.”

Nhưng này Hiền giả, nếu không từ bỏ điều kiện ấy, Niết-bàn có thể chứng được chăng?” Nếu trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau: “Này Hiền giả, nếu không từ bỏ điều kiện ấy, Niết-bàn không có thể chứng được”.

Rồi một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn hãy đến vị ấy và nói như sau: “Này Hiền giả, dầu chúng tôi học tập các pháp ấy… ,vị Sa-môn sẽ quở trách”. Trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau: “Này Hiền giả, dầu cho chúng tôi … , vị Sa-môn sẽ quở trách.”

Nhưng này Hiền giả, nếu không từ bỏ điều kiện ấy, Niết-bàn có thể chứng được chăng?” Nếu trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau: “Này Hiền giả, nếu không từ bỏ điều kiện ấy, Niết-bàn không có thể chứng được”.

Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các Ông khác hỏi Tỷ-kheo ấy, nói rằng: “Các Tỷ-kheo ấy có được Tôn giả khiến cho vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện chăng?” Nếu trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau: “Ở đây, này Hiền giả, tôi đi đến Thế Tôn và Thế Tôn thuyết pháp của Ngài cho tôi. Sau khi nghe pháp ấy, tôi đã nói lại cho các Tỷ-kheo ấy. Khi các Tỷ-kheo ấy nghe pháp ấy xong, các vị ấy tự vượt khỏi bất thiện và an trú vào thiện”. Trả lời như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không tự khen mình chê người. Vị ấy giải thích tùy pháp đúng với pháp, và không một ai trong các Pháp hữu nói lời tùy thuyết, có thể đưa đến phỉ báng.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Source link

II. Phần lược giảng

Trung Bộ Kinh – Bài Kinh số 103
Kinh Như Thế Nào?
(Kintisuttam)
– Discourse On ” What Then? ” –

  1. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Các từ ngữ quen thuộc)

  1. NỘI DUNG KINH “NHƯ THẾ NÀO”
  2. Động cơ thuyết pháp của Thế Tôn:

Không vì thực phẩm, không vì y áo, không vì sàng tọa.

Không vì thành, bại – nghĩa là không vì danh vọng và lợi dưỡng. Thế Tôn thuyếtPháp vì từ tâm, vì lợi tha.

  1. Thuyết Pháp để các đệ tử đắc thượng trí, đó là các pháp:

– Tứ niệm xứ.
– Tứ Chánh cần.
– Tứ Như ý túc.
– Ngũ căn.
– Ngũ lực.
– Thất giác chi.
– Bát Thánh Đạo.

  1. Tăng già sống học tập và thực hành trong tinh thần hoan hỷ, hòa hợp, không tranh cải, theo “sáu pháp hòa kính”:

– Trong trường hợp có cách hiểu Pháp và nói Pháp bất đồng: hoặc đồng về ý, khác về văn; hoặc đồng văn, khác ý; hoặc đồng ý và văn thì chỉ ghi nhận và chỉ xác nhận theo luật và theo pháp mà tránh tranh cải.

– Trong trường hợp có người phạm pháp, phạm luật thì nên khéo tìm cách giúp người ấy (Tỷ kheo ấy) an trú và thiện pháp. Với người khó nói, khó thuyết phục, có thể gây tổn hại đến mình và người ấy, thì nên xả, không nên khinh miệt.

III. BÀN THÊM

  1. Mục đích của thuyết pháp là vị tha, giúp người khác ly tham, đắc thắng trí, vì lòng từ bi; tuyệt nhiên không thuyết pháp vì danh vọng và lợi dưỡng.
  2. Thái độ sống để học tập và hành pháp của một Tỷ kheo là hoan hỷ, hòa hợp, không khen mình chê người, không tranh cải, thế nào để tất cả có thể an trú vào thiện pháp hướng đến giải thoát.
  3. Vấn đề bản kinh nêu ra là rất giản dị: một Tỷ kheo sống với lòng từ đối với các đồng phạm hạnh và mọi người, sống không vị kỷ, không khen mình chê người, không tranh cải. Nhưng bình tâm mà nhìn kỷ tổ chức của Tăng già trong thời đại ngày nay và các tổ chức khác, đó không phải là việc dễ dàng được thực hiện. Nếu chỉ một việc giản dị đó mà không dễ dàng thực hiện đối với một tu sĩ, thì thật sự là còn xa để nói đến công việc thành tựu công phu tẩy sạch cấu uế của tâm, nói gì đến bước giải thoát phát triển “Hiện tại lạc trú” và “Thiền quán”.

Đây là vấn đề mà mỗi cá nhân xuất gia có khác vọng thực hiện giải thoát trong hiện tại trầm tư và điều chỉnh công hạnh của mình.

III. Video giảng giải

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 78

Post Views: 763