(Sigāla)
Dịch giả: Thích Minh Châu
(Download file MP3 – 10.45 MB – Thời gian phát: 01 giờ,00 phút 51 giây.)
Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
Font chữ:
Kiên trì trong kiêu mạn…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa. Sau khi vua A-xà-thế tín nhiệm, Ðề-bà-đạt-đa được lợi dưỡng và cung kính, nhưng tình cảm ấy không thể duy trì lâu ngày. Từ khi quần chúng thấy thần thông thị hiện khi con voi Nàlàgiri được thúc đẩy chống đức Phật thì lời dưỡng và danh vọng của Ðề-bà-đạt-đa cũng mất. Một hôm, các Tỷ-kheo trong Chánh pháp đường bắt đầu nói chuyện:
– Thưa các Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa đã cố gắng tạo được lợi nhuận và danh vọng, nhưng không thể duy trì chúng lâu ngày!
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông tụ tập ở đây, và đang bàn vấn đề gì?
Khi được biết vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa làm mất các lợi dưỡng danh vọng của mình. Lúc trước kẻ ấy cũng đã làm mất chúng như vậy.
Rồi, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát làm cố vấn tế tự cho vua, thông đạt ba tập Vệ-đà và mười tám học nghệ. Bồ-tát biết được thần chú “Chiến thắng thế giới”. (Bấy giờ thần chú này liên hệ đến thiền định).
Một hôm, Bồ-tát có ý nghĩ: “Ta sẽ tụng bài chú nầy!” Rồi ngồi tại góc sân, trên một tảng đá phẳng, Bồ-tát bắt đầu tụng chú. Nghe nói, bài chú ấy không được đọc cho người khác nghe nếu không dùng một nghi lễ đặc biệt. Do vậy, Bồ-tát đọc tại chỗ ấy. Khi Bồ-tát đang đọc chú, một con chó rừng nằm trong hang nghe bài chú ấy và đã học bài chú thuộc lòng. Nghe nói con chó rừng ấy trong một đời sống trước đã là một Ðề-bà-đạt-đa tự học thuộc bài chú Chiến thắng thế giới ấy rồi.
Bồ-tát đọc chú xong, đứng dậy và nói:
– Ta chắc chắn đã học thuộc lòng bài chú này.
Con chó rừng từ trong hang đi ra, và kêu to:
– Này Bà-la-môn, bài chú ấy, ta đã thuộc lòng tốt hơn ông rồi!
Nói xong, con chó rừng bỏ chạy, Bồ-tát đuổi theo nó một khoảng cách và nói:
– Con chó rừng này sẽ làm điều đại bất hạnh, hãy bắt lấy nó!
Con chó rừng chạy trốn vào rừng, tìm được một con chó rừng cái, liền cắn nhẹ vào thân nó. Chó rừng cái hỏi:
– Thưa ngài, có việc gì?
Con chó rừng nói:
– Ngươi có biết ta hay không?
Con chó rừng cái trả lời:
– Tôi không biết.
Con chó rừng liền đọc bài chú, ra lệnh cho hàng trăm con chó rừng, tất cả voi, ngựa, sư tử, cọp, heo rừng, các con thú và tất cả các loài bốn chân tụ họp lại xung quanh nó, và con chó rừng trở thành vua của chúng tên là Sabbadàtha (Tất cả nanh vuốt) và tôn chó rừng cái làm hoàng hậu. Trên lưng hai con voi có con sư tử, và trên con sư tử, vua chó rừng Sabbadàtha ngồi với hoàng hậu. Muôn loài vật đều tôn sùng kính trọng nó. Say mê danh vọng, con chó rừng sinh ra kiêu mạn và nói:
– Ta sẽ lấy thành Ba-la-nại.
Ðược vây quanh với tất cả loài thú bốn chân, dài đến mười hai dặm, nó đứng không xa và đưa tin cho vua:
– Hãy giao quốc độ hay giao chiến!
Dân chúng Ba-la-nại hốt hoảng lo sợ, đóng các cửa thành và đứng chờ bên trong. Bồ-tát đi đến gần vua và thưa:
– Thưa Ðại Vương, chớ sợ. Thần chịu trách nhiệm giao chiến với con chó rừng Sabbadàtha. Ngoài thần ra, không một ai khác có thể đánh nó được cả.
Như vậy, Bồ-tát trấn an vua và dân chúng ở trong thành. Bồ-tát leo lên một tháp canh trên cửa thành và hỏi to:
– Này Sabbadàtha, ngươi làm gì để lấy thành?
– Ta sẽ ra lệnh cho các con sư tử rống lên làm đại chúng hoảng sợ và ta sẽ lấy thành!
Bồ-tát biết được như vậy, bèn từ tháp canh đi xuống bảo đánh trống ra lệnh:
– Toàn dân ở thành Ba-la-nại trong khoảng muời hai dặm hãy lấy bột gạo bịt tai lại.
Ðại chúng vâng lệnh, bịt tai với bột gạo, cho đến khi họ không thể nghe tiếng của người khác, và họ cũng bịt tai các con mèo và các thú nhà khác.
Rồi Bồ-tát leo lên tháp canh lần thứ hai và gọi to:
– Này Sabbadàtha! Ngươi làm gì để đánh lấy thành?
– Ta sẽ bảo các con sư tử rống lên, làm đại chúng hoảng sợ đến chết hết và ta sẽ lấy thành.
– Ngươi không có thể làm cho các con sư tử rống lên được. Các con sư tử thuộc chủng tộc cao quý, với bốn chân vững mạnh, với bờm lông rậm rạp, sư tử sẽ không vâng lệnh một con chó rừng già như ngươi!
Con chó rừng cứng đầu kiêu mạn nói:
– Không chỉ các con sư tử khác, mà ta sẽ làm cho con sư tử hiện ta đang ngồi trên lưng phải rống lên!
– Ngươi hãy làm cho sư tử rống lên nếu có thể được.
Con chó rừng liền lấy chân ra hiệu cho con sư tử mà nó đang ngồi lên lưng:
– Hãy rống lên!
Con sư tử liền kề miệng vào trán con voi, rống lên ba lần tiếng rống sư tử không đứt đoạn. Các con voi hoảng sợ làm cho con chó rừng rơi xuống dưới chân, chúng liền lấy chân dẫm lên trên đầu chó rừng và chà nó nát vụn như bột. Như vậy Sabbadàtha bị tiêu diệt. Và các con voi nghe tiếng rống sư tử đã kinh hoàng sợ chết, đạp lên nhau và chết tại chỗ. Trừ các con sư tử, tất cả các con thú còn lại như nai, heo rừng cho đến các con thỏ, con mèo, đều chết tại chỗ. Các con sư tử chạy trốn vào rừng. Suốt muời hai dặm đường được phủ bằng đống thịt thú vật.
Lúc ấy Bồ-tát từ tháp canh đi xuống, cho mở rộng cửa thành, đánh trống và tuyên bố như sau:
– Tất cả mọi người hãy rút bột gạo ra khỏi tai của mình, và những ai muốn ăn thịt hãy đem thịt về.
Dân chúng ăn các loại thịt tươi và các thịt còn lại được họ phơi khô và để dành.
Tương truyền cách cất giữ thịt khô bắt đầu từ thời ấy.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này xong. Ngài đọc những bài kệ đầy trí tuệ sau đây:
Kiên trì trong kiêu mạn
Chó rừng ham hội chúng,
Làm vua cả đại địa,
Cả muôn loài có răng.
Cũng vậy là người nào
Ðược nhiều người vây quanh,
Tạo nên danh vọng lớn,
Giống như vua chó rừng,
Với các loài bốn chân.
Rồi ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con chó rừng là Ðề-bà-đạt-đa, vua là Ànanda, còn vị đại thần tế tự là Ta vậy.
-ooOoo-
Ngu thay, con chó này…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về con chó được ăn cơm tại một nhà nghỉ gần cửa lầu Ambala.
Người ta nói rằng từ khi nó mới sanh, nó được mấy người gánh nước đem về nuôi tại đó. Sau một thời gian, con chó ăn cơm tại đấy và thân thể trở thành to lớn. Một hôm, một người sống ở làng đến tại chỗ ấy, thấy con chó, liền cho những người gánh nước một thượng y và một đồng tiền, rồi lấy dây thừng cột nó và dắt nó đi. Con chó bị dắt đi, không cưỡng lại, không kêu; nó ăn các đồ ăn được cho, và đi theo người ấy. Người ấy nghĩ: “Con chó này đã thương mến ta, nên tháo dây thừng cho nó?” Con chó vừa được thả, liền mau chóng chạy một mạch về ngôi nhà cũ.
Các Tỷ-kheo thấy con chó, biết rõ đầu đuôi sự việc, vào buổi chiều, tại Chánh pháp đường, họ bắt đầu nói chuyện này:
– Thưa các Hiền giả, con chó, vừa khéo thoát khỏi dây trói buộc nay đã trở về ngôi nhà này.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi tại đây đang bàn luận vấn đề gì?
Khi được biết vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay con chó ấy khéo thoát khỏi dây trói buộc. Thuở xưa, nó cũng đã như vậy.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình giàu có ở nước Kàsi. Khi trưởng thành, Bồ-tát xây dựng một nhà riêng cho mình.
Lúc bấy giờ, ở Ba-la-nại, một người có một con chó. Con chó ấy được cơm ăn đầy đủ cho đến khi thân thể trở thành to lớn. Một người ở làng đi đến Ba-la-nại, thấy con chó ấy, cho người kia một thượng y và một đồng tiền, rồi bắt con chó, lấy dây da cột nó lại và dắt nó đi. Ðến cửa rừng, anh ta đi vào một cái chòi, cột con chó lại và nằm ngủ trên tấm thảm. Lúc bấy giờ, Bồ-tát có việc, đi vào rừng, thấy con chó ấy bị dây da cột chặt, liền đọc bài kệ đầu:
Ngu thay, con chó này,
Sao không cắn dây da?
Và thoát khỏi trói buộc,
Hân hoan chạy về nhà!
Khi nghe nói vậy, con chó đọc bài kệ thứ hai:
Ý ta đã quyết định,
Ta ghi nhớ trong tâm,
Ta chờ đợi thời cơ,
Khi mọi người đi ngủ.
Nó nói vậy xong, chờ khi mọi người đã ngủ, nó cắn dây thừng và sung sướng chạy trốn về nhà chú nó.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Con chó lúc bấy giờ là con chó này, còn vị hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-
Ta có một đệ tử…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa. Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo nói với Ðề-bà-đạt-đa:
– Này Hiền giả Ðề-bà-đạt-đa, nhờ bậc Chánh Ðẳng Giác, Hiền giả học xong Ba tạng Giáo điểm và chứng được Bốn Thiền. Thật không xứng đáng nếu Hiền giả trở thành kẻ thù của bậc Sư trưởng.
Ðề-bà-đạt-đa đáp:
– Này các hiền giả, Sa-môn Gotama đâu có phải là Sư trưởng của ta? Chính do tự lực của ta, ta học Ba tạng Giáo điển và chứng được Bốn Thiền.
Nói vậy xong, Ðề-bà-đạt-đa từ bỏ bậc Sư trưởng.
Các Tỷ-kheo ngồi tại Chánh pháp đường bắt đầu nói chuyện này:
– Hiền giả Ðề-bà-đạt-đa từ bỏ bậc Sư trưởng, trở thành kẻ thù của bậc Chánh Ðẳng giác, và đã gặp đại nạn!
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông đang họp bàn vấn đề gì?
Khi được biết vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới từ bỏ Sư trưởng, trở thành kẻ thù của Ta và gặp nạn. Thuở trước kẻ ấy cũng như vậy rồi.
Và bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh vào một gia đình nhạc sĩ và được đặt tên là Thanh niên Guttila. Khi lớn lên, Bồ-tát thành đạt tất cả các ngành âm nhạc, và trở thành nhạc sĩ Guttila. Bồ-tát không lấy vợ và nuôi dưỡng cha mẹ mù lòa.
Lúc bấy giờ, một số thương nhân sống ở Ba-la-nại, đi đến Ujjeni để buôn bán. Nhân ngày lễ hội được tổ chức, họ họp nhau đem theo nhiều vòng hoa, hương thơm, dầu sáp, các thức ăn, và đến một chỗ vui chơi. Họ nói:
– Hãy trả tiền thuê để gọi các nhạc sĩ đến.
Lúc bấy giờ nhạc sĩ Mùsila là vị nhạc trưởng ở Ujjeni. Họ mời Mùsila đến đàn cho họ nghe. Mùsila chơi đàn tỳ bà, vặn dây rất căng rồi gảy đàn. Nhưng họ đã từng nghe nhạc sĩ Guttila chơi đàn, nên nhạc của Mùsila chơi chẳng khác gì gảy trên chiếu. Vì vậy không một ai tỏ vẻ hài lòng.
Khi Mùsila thấy họ tỏ vẻ không hài lòng, ông ta nghĩ: “Có lẽ ta chơi đàn căng thẳng quá”, ông ta vặn dây xuống bậc trung và gảy tiếp. Các người nghe vẫn tỏ vẻ thản nhiên, ông lại nghĩ: “Những người này không biết một chút gì về nhạc”, và làm như vẻ mình không biết, ông ta gảy đàn với hết sức dùng. Ðến đây, họ cũng không nói một lời gì. Rồi Mùsila nói với họ:
– Này các thương nhân, tôi gảy đàn tỳ bà không làm cho các ông thích thú sao?
Họ nói:
– Nhưng ông gảy đàn tỳ bà đó sao? Chúng tôi nghĩ rằng ông chỉ lên dây đàn!
– Vậy các ông biết một nhạc trưởng nào giỏi hơn tôi, hay vì các ông không biết gì nên các ông không thích nghe tôi gảy?
Các thương nhân nói:
– Chúng tôi trước đây đã nghe tiếng đàn tỳ bà của nhạc sĩ Guttila ở Ba-la-nại. Còn tiếng đàn của ông chẳng khác gì bà mẹ ru ngủ con nít!
– Vậy các ông hãy lấy lại tiền mướn. Tôi không cần tiền ấy. Chỉ khi nào các ông đi Ba-la-nại, hãy đem tôi theo!
Họ bằng lòng, và khi ra đi, họ đem theo Mùsila đến Ba-la-nại, chỉ cho ông ta biết chỗ ở của Guttila, rồi họ về nhà.
Mùsila đi vào nhà của Bồ-tát, thấy cây đàn tỳ bà xinh đẹp của Bồ-tát được treo trên dây, liền lấy xuống và đàn. Bây giờ cha mẹ của Bồ-tát do mù nên không thấy Mùsila, nghĩ rằng có lẽ các con chuột đang ăn dây đàn tỳ bà, liền nói:
– Xuỵt, xuỵt! Các con chuột ăn dây đàn tỳ bà!
Lúc ấy, Mùsila đặt đàn xuống, chào cha mẹ Bồ-tát, và hai vị hỏi:
– Ông từ đâu đến?
Ông ta đáp:
– Tôi từ Ujjeni đến học nghề dưới chân sư trưởng.
Hai vị nói:
– Lành thay!
Mùsila hỏi:
– Sư trưởng ở đâu?
– Này con thân, nó không có ở nhà, nhưng hôm nay nó sẽ về.
Rồi Mùsila ngồi xuống đợi đến khi Bồ-tát về, liền nói lên những lời hỏi thăm và cho Bồ-tát biết lý do mình đến. Bồ-tát là người giỏi xem tướng, thấy người này không phải bậc chân nhân, liền từ chối:
– Này con thân, nghề này không phải là nghề của con.
Mùsila ôm chân cha mẹ Bồ-tát van lơn yêu cầu giúp đỡ.
– Hãy bảo con của ông bà dạy cho con học với!
Trước lời yêu cầu của cha mẹ, Bồ-tát không thể cưỡng lại, và dạy cho ông ta nghề nhạc. Rồi Mùsila đi với Bồ-tát không phải là vị Sư trưởng giấu nghề, những gì mình biết, Bồ-tát đều dạy cho Mùsila.
Dạy xong, Bồ-tát nói:
– Này con thân, nghề con đã học xong.
Mùsila suy nghĩ: “Nay ta học thành tài xong. Thành Ba-la-nại này là kinh đô tối thượng trong cõi Diêm-phù-đề. Sư trưởng đã già. Nay ta phải sống tại đây”.
Vì vậy ông ta liền thưa với Sư trưởng:
– Thưa Sư trưởng, nay con sẽ hầu vua.
Sư trưởng nói:
– Lành thay, con thân. Ta sẽ tâu với vua.
Bồ-tát đi tâu với vua:
– Ðệ tử của thần muốn hầu hạ Ðại vương. Hãy trả tiền lương cho nó!
– Nó sẽ nhận phân nửa lương của khanh.
Sư trưởng báo cho Mùsila biết tin này, Mùsila nói:
– Nếu con được trả tiền bằng lương của thầy, con sẽ hầu hạ vua. Nếu không được, con sẽ không hầu hạ!
– Vì sao?
– Phải chăng con biết tất cả nghề của Sư trưởng?
– Phải, con biết như vậy.
– Tại sao vua lại cho con phân nửa lương?
Bồ-tát tâu việc ấy với vua. Vua nói:
– Nếu nó có thể chứng tỏ tài nghệ nó bằng khanh, nó sẽ nhận lương ngang bằng.
Bồ-tát tin cho Mùsila biết. Ông ta đồng ý:
– Lành thay! Con sẽ trổ tài!
Khi vua được tin báo về việc này, vua nói:
– Lành thay ! Ngày nào ngươi sẽ trổ tài?
– Tâu Ðại vương, từ nay đến ngày thứ bảy.
Vua hỏi:
– Có thật chăng ngươi sẽ thi tài với Sư trưởng của ngươi?
– Thưa Ðại vương, thật vậy!
Vua muốn ngăn chận ông ta nên nói:
– Không nên có sự cạnh tranh giữa đệ tử và Sư trưởng! Chớ làm như vậy!
– Thôi vừa rồi, tâu Ðại vương. Ðến ngày thứ bảy sẽ có cuộc thử tài giữa thần với Sư trưởng của thần.
Vua chấp thuận và cho người đánh trống truyền rao khắp kinh thành lời bố cáo này:
– Từ nay cho đến ngày thứ bảy, Sư trưởng Guttila và đệ tử Mùsila có cuộc tranh tài với nhau tại cung vua để trình bày tài nghệ. Quần chúng ở thành hãy hội họp lại để xem tài nghệ của họ.
Bồ-tát suy nghĩ: “Mùsila còn trẻ đang độ thanh niên. Còn ta đã già, sức khoẻ yếu kém. Việc làm của người già không thể thành công. Nếu đệ tử thất bại, thì cũng không có gì vinh dự cả. Nhưng nếu đệ tử thắng cuộc, thì vào rừng mà chết còn tốt hơn sự ô nhục mà ta phải gánh chịu!”
Vì vậy, Bồ-tát đi vào rừng, nhưng rồi sợ chết liền quay trở về, và rồi sợ nhục, lại đi vào rừng. Như vậy Bồ-tát đi đi, về về và sáu ngày trôi qua. Cỏ dưới chân Bồ-tát đã héo úa, và con đường mòn do dấu chân ngài đi đã hiện ra. Trong lúc ấy, chiếc ngai của Thiên chủ Ðế Thích trở thành nóng. Ðế Thích hướng tâm tìm hiểu và biết sự việc xảy ra. Ðế Thích suy nghĩ: “Nhạc sĩ Guttila đang chịu nhiều đau khổ trong rừng vì người đệ tử. Ta phải giúp đỡ nhạc sĩ Guttila”.
Ðế Thích vội vàng đi đến đứng trước Bồ-tát và hỏi:
– Thưa Sư trưởng, sao Sư trưởng lại đi vào rừng?
Bồ-tát hỏi:
– Ông là ai?
Ðế Thích đáp:
– Ta là Ðế Thích.
Bồ-tát thưa:
– Thưa Thiên chủ, tôi sợ đệ tử đánh bại nên trốn vào rừng.
Nói rồi Bồ-tát đọc bài kệ đầu:
Tôi có một đệ tử
Ðã học đàn với tôi,
Ðàn tỳ bà bảy dây,
Thật du dương êm ái,
Nó thách tôi biểu diễn.
Thiên chủ Ko-si-ya,
Xin hãy giúp đỡ tôi!
– Ðừng sợ, Thiên chủ Ðế Thích đáp. Ta là chỗ nương tựa và bảo vệ bạn.
Rồi Thiên chủ đọc bài kệ thứ hai:
Ðừng sợ, ta sẽ giúp,
Khi nào bạn cần ta,
Danh dự là phần thưởng
Xứng đáng với giáo sư,
Ðừng sợ, vì đệ tử
Không thể đối địch thầy,
Và bạn sẽ chiến thắng.
Rồi Ðế Thích dặn:
– Khi bạn gảy đàn tỳ bà, hãy cắt đứt một dây và chơi với sáu dây. Tiếng đàn tỳ bà của bạn vẫn hay như cũ. Mùsila cũng sẽ cắt đứt một dây, nhưng tiếng đàn tỳ bà của nó sẽ mất đi. Khi ấy, nó sẽ thua cuộc. Biết nó thất bại, bạn hãy cắt đứt dây thứ hai, dây thứ ba, dây thứ tư, dây thứ năm, dây thứ sáu, dây thứ bảy. Bạn sẽ gảy đàn với cái trục đàn mà thôi, tiếng đàn sẽ phát ra từ các đầu dây bị đứt và sẽ vang dội toàn thành Ba-la-nại rộng đến mười hai dặm. Sau đó, Ðế Thích cho Bồ-tát ba cây đũa thần và nói tiếp:
– Khi tiếng đàn tỳ bà vang dội toàn thành, hãy quăng một đũa thần lên hư không. Khi ấy ba trăm Thiên nữ sẽ hiện xuống và múa trước mặt bạn. Khi chúng múa như vậy, bạn sẽ quăng đũa thần thứ hai, ba trăm Thiên nữ khác sẽ hiện xuống và múa trước đàn tỳ bà của bạn. Rồi hãy quăng chiếc đũa thần thứ ba, khi ấy ba trăm Thiên nữ khác sẽ hiện xuống và múa tại sân tròn của đấu trường. Ta cũng sẽ đến cùng với chúng. Hãy đi lên nào, chớ sợ hãi.
Vào buổi sáng Bồ-tát đi về nhà. Tại cửa cung vua, một cái đình tròn được dựng lên và đặt một chiếc ngai. Vua từ trên lầu xuống, ngồi chính giữa trên sàng tọa ở trong cái đình được trang hoàng rực rỡ. Mười ngàn nữ nhân phục sức diễm lệ, cùng với các đại thần Bà-la-môn, nhân dân v.v… vây xung quanh vua. Tất cả những người ở trong thành đều tụ họp lại. Trong sân chầu, họ sắp chỗ ngồi theo hình vòng tròn, hàng hàng lớp lớp chồng chất lên nhau.
Bồ-tát được tắm rửa, trang sức và xoa dầu thơm; sau khi ăn nhiều món thượng vị, ngài cầm cây đàn tỳ bà và ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Còn Ðế Thích cũng đến, với phép tàng hình đứng trên hư không, được một hội chúng đông đảo vây quanh, nhưng chỉ Bồ-tát có thể thấy Ðế Thích. Mùsila cũng đến và ngồi trên chỗ của mình. Ðại quần chúng bao vây xung quanh họ.
Ðầu tiên, cả hai đều gảy đàn giống nhau. Ðại quần chúng thích thú với hai người gảy đàn và vỗ tay không ngớt. Ðế Thích đứng trên hư không nói với Bồ-tát:
– Hãy cắt đứt các dây!
Bồ-tát cắt đứt sợi dây Bhamra (sợi dây ong). Dù sợi dây bị cắt, đầu sợi dây đứt vẫn phát ra tiếng thiên nhạc. Mùsila cũng cắt đứt một dây, nhưng từ sợi dây bị đứt, tiếng không phát ra.
Sư trưởng cắt đứt dây thứ hai, lần lượt đến sợi dây thứ bảy, tiếng vẫn phát ra từ cây đàn và vang dậy cả kinh thành. Quần chúng vẫy hàng ngàn khăn tay trên hư không, hàng ngàn người vỗ tay tán thưởng.
Bồ-tát liền quăng một đũa thần lên hư không. Ba trăm Thiên nữ liền hiện xuống và bắt đầu nhảy múa.
Cũng vậy, khi Bồ-tát quăng đũa thần thứ hai, thứ ba, chín trăm Thiên nữ hiện xuống và cùng múa như Thiên chủ đã nói trước.
Lúc bấy giờ, vua ra dấu cho quần chúng. Quần chúng đứng dậy la to:
– Ngươi muốn đánh bại Sư trưởng! Ngươi phản thầy phản bạn, tưởng mình có thể đối địch thầy! Ngươi không biết lượng sức mình!
Họ la hét phản đối kẻ đối địch thầy! Ngươi không biết lượng sức mình!
Họ la hét phản đối, Mùsila, và đá với gậy v.v… hay bất cứ cái gì đến tay, họ đánh ông ta đến chết và cầm chân ông, quăng xác trên một đống rác.
Vua rất hoan hỷ ban cho Bồ-tát rất nhiều tặng phẩm như trời đổ mưa xuống và thị dân cũng làm như vậy.
Ðế Thích thân mật chào mừng Bồ-tát và nói:
– Thưa bậc Hiền trí, ta sẽ cho thắng cỗ xe với một ngàn con ngựa thuần chủng, rồi gởi thần đánh xe Màtali xuống đây. Ngài sẽ ngự lên cỗ xe Vejayanta thù thắng có ngàn ngựa kéo và ngài sẽ du hành thiên giới.
Nói xong, Ðế Thích ra đi. Khi Ðế Thích trở về và ngồi trên ngai vàng của mình toàn bằng đá quý, (ngai hoàng bảo thạch), các Thiên nữ liền hỏi:
– Thưa Thiên chủ, ngài đi ở đâu về?
Ðế Thích kể lại cho Thiên chúng rõ toàn câu chuyện với các chi tiết, rồi tán thán giới hạnh và công đức của Bồ-tát. Các Thiên nữ thưa:
– Thưa Thiên chủ, chúng con muốn thấy Sư trưởng ấy. Hãy đưa Sư trưởng đến đây!
Ðế Thích bảo Màtali:
– Này khanh, các Thiên nữ muốn thấy nhạc sĩ Guttali. Hãy đi mời Bồ-tát ngồi trên cỗ xe Vejayanta và đưa vị ấy đến đây.
Thần lái xe Màtali vang lời ra đi và đưa Bồ-tát đến. Ðế Thích hoan hỷ chào đón vị ấy và nói:
– Thưa Sư trưởng, các Thiên nữ muốn nghe nhạc của Sư trưởng.
Bồ-tát nói;
– Chúng tôi là nhạc sĩ, nương tựa vào nghề để sống. Hãy trả công rồi tôi sẽ chơi nhạc.
– Hãy chơi nhạc đi, ta sẽ trả công cho ngài!
– Tôi không cầu trả món gì khác trừ việc này: Hãy để cho các Thiên nữ này nói lên thiện nghiệp của mình, rồi tôi sẽ chơi nhạc.
Các Thiên nữ thưa:
– Sau khi được nghe nhạc thoải mái, chúng con sẽ nói lên các thiện nghiệp chúng con đã làm. Thưa Sư trưởng, vậy trước tiên hãy đánh nhạc.
Suốt bảy ngày Bồ-tát đánh nhạc, và nhạc của Bồ-tát vượt hơn cả thiên nhạc. Vào ngày thứ bảy, Bồ-tát hỏi các Thiên nữ về thiện nghiệp của họ. Một Thiên nữ, trong thời đức Phật Ca-diếp, đã cúng một thượng y cho một Tỷ-kheo. Sau khi tái sanh làm thị giả của Ðế Thích, nàng trở thành Thiên nữ có một ngàn tiên nữ khác hầu hạ. Bồ-tát hỏi nàng:
– Trong một đời trước, nàng đã làm gì khiến nàng được sanh tại đây?
Cách thức hỏi và câu hỏi và câu trả lời của nàng đã được kể trong Chuyện Thiên cung (Vimàna Vatthu) như sau:
Với dung sắc thù thắng,
Ôi thiên nữ vinh quang,
Nàng chiếu khắp mọi hướng,
Chẳng khác gì sao mai,
Từ đâu, này huy hoàng,
Từ đâu, các lạc thú
Xuất hiện ra cho nàng?
Các sở hữu khả ái
Làm tâm trí ưa thích?
Hỡi Thiên nữ đại lực!
Ta hỏi nàng điều này
Nàng tạo công đức gì,
Khi nàng là nữ nhân,
Khiến nay nàng đạt được
Ðại thần lực chói sáng,
Và dung sắc rực rỡ
Chiếu tỏa khắp mười phương?
Nàng là bậc nữ nhân
Ðã cúng dường thượng y,
Tối thắng giữa nam nhân,
Tối thắng giữa nữ nhân,
Khiến nay nàng đạt được
Tối thắng giữa nữ nhân,
Chính nàng đã bố thí
Vật khả ái như vậy,
Nên được sanh thiên cung,
Mỹ lệ và khả ái,
Hãy ngắm lâu đài ta!
Ta, Thiên nữ đẹp nhất,
Hãy xem quả dị thục
Các công đức ta làm,
Do vậy, ta tuyệt mỹ,
Do vậy, ta huy hoàng,
Ta được các sở hữu
Khả ái, tâm ưa thích,
Do vậy, ta huy hoàng,
Ta được các sở hữu
Khả ái, tâm ưa thích,
Do vậy ta đạt được
Tối thắng về uy lực,
Và dung sắc của ta
Chiếu tỏa khắp mười phương.
Sau khi đọc các bài kệ, các Thiên nữ tiếp tục kể:
– Một Thiên nữ khác đã cúng dường hoa cho một Tỷ-kheo đang đi khất thực. Một Thiên nữ khác được yêu cầu cúng dường năm loại vòng hoa thơm ở điện thờ Phật Ca-diếp, và nàng đã cúng dường chúng. Một Thiên nữ đã cúng dường các loại trái có vị ngọt. Một Thiên nữ khác đã nghe pháp từ các Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni đang hành đạo hay đang an cư mùa mưa tại nhà của một gia đình. Một Thiên nữ khác đứng trong nước cúng dường một Tỷ-kheo thọ trai trong một chiếc thuyền. Một Thiên nữ khác sống trong gia đình đã hầu hạ mẹ chồng, cha chồng, và không bao giờ tức giận. Một Thiên nữ khác chia phần món ăn mình nhận được cho một Tỷ-kheo và giữ giới hạnh. Một Thiên nữ là nữ tỳ trong một gia đình, không phẫn nộ, không kiêu mạn, đã san sẻ phần ăn của nàng, nên được sanh làm thị giả của Thiên chủ. Như vậy, tất cả ba mươi bảy Thiên nữ đã được Bồ-tát hỏi do họ đã làm nghiệp của mình làm.
Khi nghe chuyện này, Bồ-tát nói:
– Thật lợi ích cho ta, thật vô cùng lợi ích cho ta! Ta đã đến đây va nghe các thành tích đạt được nhờ các thiện nghiệp nhỏ nhặt biết bao. Từ nay khi trở về thế giới loài người, ta sẽ làm các thiện nghiệp như bố thí v.v…
Rồi, Bồ-tát thốt lên lời cảm hứng này:
Hôm nay ta may mắn
Rạng đông thật tốt lành
Ta thấy các Thiên nữ,
Diễm lệ và cao sang,
Và nghe pháp dịu ngọt!
Ta sẽ làm điều thiện,
Bố thí và chân thật,
Tự chế và khắc kỷ,
Ta sẽ đến chỗ kia,
Nơi không còn sầu muộn.
Bảy ngày đã qua, Thiên chủ Ðế Thích ra lệnh cho thần lái xe Màtali mời Guttila lên ngồi và đưa ngài về Ba-la-nại. Khi đến Ba-la-nại, ngài nói cho mọi người biết những việc mình đã thấy ở thiên giới. Từ đấy, mọi người quyết định làm việc lành với nỗ lực của họ.
*
Khi thuyết Pháp thoại này xong, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:
– Mùsila là Ðề-Bà-đạt-đa, Ðế Thích là A-na-luật-đà (Anuruddha), vua là Ànanda và nhạc sĩ Guttila là Ta vậy.
-ooOoo-
Cái thấy, nó không muốn…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một du sĩ đã chạy trốn.
Người ta nói vị này không tìm được một người đối thoại với mình trong toàn cõi Diêm-phù-đề, nên đã đến Xá-vệ và hỏi:
– Ai có thể cùng với ta thảo luận?
Khi được nghe có bậc Chánh Ðẳng Giác, vị ấy liền đi Kỳ Viên với quần chúng vây quanh, và hỏi Thế Tôn một câu trong khi Thế Tôn đang thuyết pháp giữa bốn hội chúng.
Bậc Ðạo Sư trả lời cho vị ấy xong liền hỏi lại một câu. Du sĩ ấy không thể trả lời liền đứng dậy và bỏ chạy. Hội chúng đang ngồi đồng nói to:
– Bạch Thế Tôn, du sĩ ấy bị Thế Tôn đánh bại chỉ với một câu.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các nam cư sĩ, không phải chỉ nay, Ta mới đánh bại kẻ ấy với một câu hỏi. Thuở xưa, ta cũng đã làm như vậy rồi.
Và bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở nước Kàsi. Lúc lớn lên, ngài từ bỏ các dục, xuất gia trở thành vị ẩn sĩ du hành, sống lâu ngày trong núi Tuyết. Rồi Bồ-tát xuống núi, sống trong một chòi lá tại một khúc quanh sông Hằng, gần một thị trấn nhỏ.
Bấy giờ có một du sĩ không tìm được một người đối thoại với mình trong toàn cõi Diêm-phù-đề, đã đến thị trấn ấy và hỏi:
– Ai có khả năng đối thoại với ta không?
Khi được trả lời có người và nghe nói đến uy lực của Bồ-tát, vị ấy cùng đại chúng vây quanh đến trú xứ của Bồ-tát và sau khi chào hỏi ngài, vị ấy liền ngồi xuống. Bồ-tát hỏi:
– Ông có uống nước sông Hằng được pha trộn với các loại hương rừng hay không?
Du sĩ ấy dùng lời mở rộng vấn đề và nói:
– Cái gì là sông Hằng? Cát là sông Hằng? Nước là sông Hằng? Bờ bên này là sông Hằng? Bờ bên kia là sông Hằng chăng?
Bồ-tát nói:
– Hãy để một bên cát, nước, bờ bên này, bờ bên kia! Thế ông có được sông Hằng gì?
Du sĩ không trả lời câu ấy được, liền đứng dậy và bỏ chạy.
Khi kẻ ấy đã đi rồi, Bồ-tát thuyết pháp cho đại chúng ngồi nghe, và đọc các bài kệ này:
Cái thấy, nó không muốn,
Cái không thấy, nó muốn,
Ta nghĩ nó đi lâu,
Không được điều nó muốn.
Cái được, nó không thỏa,
Ðược rồi, nó không muốn,
Ước muốn nó không cùng,
Ta kính bậc ly dục.
*
Khi thuyết Pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ du sĩ ấy là du sĩ ngày nay, còn vị ẩn sĩ khổ hạnh là Ta vậy.
-ooOoo-
Thời gian ăn hữu tình…,
Câu chuyện này, khi ở rừng Subhaga gần Ukkatthà, bậc Ðạo Sư kể về kinh Mùlapariyàya.
Nghe nói lúc bấy giờ có năm trăm Bà-la-môn tinh thông ba tập Vệ-đà, đã xuất gia trong Giáo pháp, đã học Ba Tạng kinh điển và sanh lòng ngã mạn.
Họ suy nghĩ “Bậc Chánh Ðẳng Giác biết Ba tạng Kinh điển, chúng ta và bậc Chánh Ðẳng Giác nào có khác gì? Họ không đi đến hầu Thế Tôn, và họ sống với một hội chúng đệ tử ngang bằng hội chúng của bậc Ðạo Sư.
Một hôm, bậc Ðạo Sư đi đến gặp họ, và khi họ đã ngồi gần mình, bậc Ðạo Sư Thuyết Kinh Căn bản pháp môn và tô điểm thêm tám thứ bậc tu chứng. Họ không hiểu được một lời gì. Trước kia, họ kiêu mạn nghĩ rằng không có bậc hiền trí nào bằng họ. Nay đứng trước mặt Phật, họ thấy họ không hiểu một tí gì. Họ tự bảo: “Thật không có ai hiền trí như chư Phật. Ôi công đức chư Phật thật tối thắng!”
Từ đấy trở đi, họ không còn kiêu mạn, trở thành hiền lành như rắn bị rút nanh.
Bậc Ðạo Sư trú ở Ukkatthà cho đến khi thỏa thích, rồi đi Vesàli, đến điện thờ Gotama và giảng Kinh Gotama. Cả ngàn thế giới đều rung động! Khi nghe kinh ấy xong, các Tỷ-kheo nầy trở thành các vị A-la-hán.
Nhưng khi bậc Ðạo Sư giảng xong Kinh Căn bản pháp môn và trú ở Ukkatthà, các Tỷ-kheo hội họp tại Chánh pháp đường, bắt đầu nói chuyện như sau:
– Thưa các Hiền giả, ôi uy lực của đức Phật thật vĩ đại. Các du sĩ Bà-la-môn ấy thường vẫn kiêu mạn tự đắc như vậy, nay đã diệt trừ kiêu mạn nhờ bài thuyết pháp về Căn bản pháp môn của Thế Tôn.
Bậc Ðạo Sư đến tại Pháp đường và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông hội họp ở đây đang bàn luận vấn đề gì?
Khi biết vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay mới như vậy. Thuở xưa những người này sống vói đầy giương cao tự đại, ta cũng đã nhiếp phục lòng kiêu mạn của họ.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vị ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài tinh thông ba tập Vệ-đà, trở thành bậc sư trưởng có danh tiếng nhiều phương và giảng dạy chú thần cho năm trăm thanh niên Bà-la-môn. Năm trăm thanh niên ấy chú tâm học tập cho đến thành tựu viên mãn, rồi lòng kiêu mạn khởi lên, họ tự nghĩ: “Chúng ta hiểu biết chừng nào, vị sư trưởng cũng hiểu chừng ấy thôi. Không có gì khác.”
Vì vậy họ không đi đến hầu sư trưởng, cũng không làm các bổn phận đối với sư trưởng.
Một hôm, họ thấy sư trưởng ngồi dưới gốc cây táo; muốn nhạo báng sư trưởng, họ lấy móng tay gõ vào cây táo và nói:
– Cây này thật sự không có lõi!
Bồ-tát biết họ nhạo báng mình, liền nói:
– Này các đệ tử, ta sẽ hỏi các anh một câu.
Họ thích thú nói:
– Hãy nói lên, chúng tôi sẽ trả lời.
Sư trưởng hỏi bằng cách đọc bài kệ đầu:
Thời gian ăn hữu tình,
Ăn tất cả, ăn mình,
Ai là hữu tình ấy
Ăn cả đến thời gian,
Ai là người nấu chín
Thời gian nấu hữu tình?
Nghe câu hỏi này, không một ai trong đám thanh niên Bà-la-môn có thể hiểu được. Rồi Bồ-tát nói với chúng:
– Chớ tưởng rằng câu hỏi này nằm trong ba tập Vệ-đà! Các anh tưởng rằng mình biết tất cả mọi điều ta biết. Các anh hành động giống như cây táo. Các anh không biết rằng ta biết được nhiều hơn mọi điều các anh biết. Hãy đi đi! Ta cho các anh bảy ngày. Hãy nghiền ngẫm câu hỏi này suốt thời gian ấy.
Họ đảnh lễ Bồ-tát, rồi đi về nhà của mình. Họ suy nghĩ suốt bảy ngày, nhưng cuối cùng không giải quyết được câu hỏi. Sau bảy ngày, họ đi đến gặp sư trưởng, đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Sư trưởng hỏi:
– Này các đệ tử với mặt mày hiền thiện kia, các anh có đáp câu hỏi ấy được không?
Họ trả lời:
– Thưa không, chúng tôi không biết.
Rồi Bồ-tát quở trách họ với bài kệ thứ hai:
Loài người có nhiều đầu,
Trên đầu tóc mọc lên,
Ðầu dính lên trên cổ,
Bao nhiêu đầu có tai?
Bồ-tát tiếp tục chê trách các thanh niên Bà-la-môn ấy:
– Các anh là người ngu si, tai của các anh chỉ có lỗ chứ không có trí tuệ.
Sau đó, Bồ-tát trả lời câu hỏi. Nghe xong, họ nói:
– Ôi, Sư trưởng thật vĩ đại thay!
Họ liền xin lỗi, rồi nhiếp phục lòng kiêu mạn và hầu hạ Bồ-tát.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ năm trăm thanh niên Bà-la-môn là những Tỷ-kheo này, còn vị sư trưởng là Ta vậy.
-ooOoo-
Người ác không tự chế…,
Câu chuyện này, khi ở tại ngôi nhà có nóc nhọn gần Vesàli (Tỳ-xá-ly) bậc Ðạo Sư đã kể về tướng quân Siha. Sau ngày quy y đức Thế Tôn, vị này đã mời Ngài dùng cơm có thịt. Các Ni-kiền tử nghe vậy liền phẫn nộ, không hoan hỷ. Muốn làm hại đức Như Lai, họ đã phỉ báng như sau:
– Samôn Gotama tuy biết món thịt bất tịnh được làm cố ý vì mình mà vẫn ăn.
Do đó các Tỷ-kheo ngồi tại Chánh pháp đường bắt đầu nói chuyện này:
– Này các Hiền giả, Ni-kiền tử Nàthaputta đi khắp nơi với hội chúng của mình và phỉ báng như sau: “Sa môn Gotama, tuy biết món thịt bất tịnh được làm cố ý vì mình mà vẫn ăn”.
Nghe vậy bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ni-kiền-tử Nàtaputta mới phỉ báng ta ăn món thịt được làm cố ý vì mình, mà trước kia vị ấy cũng hành động như vậy.
Rồi, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài xuất gia làm vị ẩn sĩ.
Vì mục đích lấy muối và giấm, ngài từ vùng Tuyết Sơn đi đến Ba-la-nại, và ngày hôm sau, vào thành khất thực.
Có một điền chủ muốn làm hại vị tu khổ hạnh liền mời ngài vào nhà, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, và đãi món thịt cá. Sau buổi ăn, gia chủ ngồi xuống một bên vị ẩn sĩ thưa:
– Khi làm món thịt này, chính vì ngài mà tôi giết các loài vật hữu tình. Việc bất thiện này không thuộc chúng tôi, mà chỉ thuộc về ngài thôi.
Rồi ông ta đọc bài kệ đầu:
Người ác không tự chế,
Bảo giết, nấu, mời ăn,
Người ăn món thịt này,
Bị ác làm ô nhiễm.
Nghe vậy, vị ẩn sĩ đọc bài kệ thứ hai:
Nếu người không tự chế,
Giết vợ con, mời ăn,
Người có trí tuy ăn,
Không bị ác làm nhiễm.
Bồ-tát thuyết pháp như vậy rồi từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
*
Khi thuyết Pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân.
– Lúc bấy giờ, người điền chủ là Ni-kiền-tử Nàtaputta, còn vị tu khổ hạnh là Ta vậy.
-ooOoo-
Thật sự hoàng tử này…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Trưởng lão Làludàyi (Udàyi khờ dại).
Một hôm, hai vị đại đệ tử đang bàn luận một câu hỏi. Các Tỷ kheo nghe cuộc bàn luận đều tán thán các Trưởng lão ấy.
Trưởng lão Làludàyi ngồi trong hội chúng bĩu môi và suy nghĩ: “Làm sao họ hiểu biết bằng ta được!” Thấy vậy, các Trưởng lão đứng dậy và đi. Hội chúng liền giải tán.
Sau đó, các Tỷ kheo ngồi Chánh pháp đường bắt đầu nói chuyện ấy:
– Này các Hiền giả, Làludàyi chỉ trích hai vị đệ tử tối thượng và bĩu môi.
Nghe chuyện ấy bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ kheo, không phải chỉ nay mà trước kia cũng vậy, ngoại trừ bĩu môi, Làludàyi không biết gì khác.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một đại thần cố vấn cho vua về thế sự và thánh sự. Vua có một hoàng tử tên là Pàdanjali, ngu đần và biếng nhác.
Sau một thời gian, vua mệnh chung. Khi tang lễ của vua đã xong, các đại thần suy nghĩ: “Chúng ta hãy làm lễ quán đảnh lên ngôi cho hoàng tử Pàdanjali”. Nhưng Bồ-tát nói:
– Hoàng tử này ngu đần và biếng nhác. Chúng ta lựa hoàng tử ấy làm lễ quán đảnh lên ngôi vua sao?
Sau đó, các đại thần tổ chức một cuộc xử án, đặt hoàng tử ngồi gần, và xử không đúng đắn. Họ xử người sở hữu chủ trở thành người mất tài sản và hỏi hoàng tử:
– Thưa hoàng tử, chúng tôi xử án như vậy có đúng không?
Hoàng tử bĩu môi. Bồ-tát suy nghĩ: “Ta tưởng hoàng tử ngu! Nhưng không phải, hoàng tử là người có trí biết vụ xử án không đúng đắn”, và Bồ-tát đọc bài kệ:
Thật sự hoàng tử này
Trí tuệ sáng hơn người,
Hoàng tử bĩu môi vậy,
Chắc thấy rõ chúng ta!
Ngày hôm sau, các đại thần lại tổ chức một cuộc xử án khác. Lần này họ xử đúng đắn và hỏi:
– Thưa hoàng tử, xử án như vậy có đúng không?
Hoàng tử cũng bĩu môi. Biết rằng hoàng tử chỉ là người ngu đần, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Kẻ này không biết được
Pháp, phi pháp, chân, vọng,
Ngoài cái bĩu môi ra,
Nó không biết gì cả.
Các đại thần biết được Pàdanjali chỉ là kẻ ngu đần, nên họ làm lễ quán đảnh tôn Bồ-tát lên làm vua.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Pàdanjali là Làludàyi, còn vị đại thần hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-
Tất cả các con ta…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Kinh Kimsukopama (Thí dụ cây Kimsuka).
Một hôm bốn Tỷ-kheo đi đến gặp đức Như Lai và xin đề tài thiền quán để tu tập. Bậc Ðại Sư gợi ý cho các vị ấy về đề tài thiền quán. Họ nhận được đề tài thiền quán Sáu xứ, đi về trú xứ của mình. Một vị trong số họ liễu tri Sáu xứ đã chứng quả A-la-hán. Một vị liễu tri Năm uẩn. Một vị liễu tri Bốn đại. Một vị liễu tri Mười tám giới đều chứng quả A-la-hán.
Bốn vị Tỷ-kheo trình lên bậc Ðạo Sư các quả chứng của mình. Khi ấy một Tỷ-kheo khởi lên tư tưởng: “Những đề tài thiền quán này có khả năng đưa đến Niết-bàn, vì sao tất cả lại đạt được quả A-la-hán?”, và vị này hỏi bậc Ðạo Sư.
Ngài đáp:
– Này các Tỷ kheo, sự kiện này có khác gì những người anh em thấy cây Kimsuka.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của họ, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, vua có bốn con trai. Một hôm, họ gọi người đánh xe và nói:
– Này bạn, chúng tôi muốn thấy cây Kimsuka. Hãy chỉ cây ấy cho chúng tôi.
Người đánh xe nói:
– Lành thay, tôi sẽ chỉ.
Nhưng người đánh xe không chỉ cây ấy cho bốn người cùng một lần. Anh ta đem người anh cả lên xe đi vào rừng, và chỉ cây Kimsuka vào thời nó chỉ là một thân cây với các nụ mới mọc, rồi nói:
– Ðây là cây Kimsuka.
Sau đó anh ta chỉ cho người thứ hai một cây Kimsuka có lá còn xanh, rồi chỉ cho người thứ ba một cây đang trổ hoa, và chỉ cho người thứ tư một cây Kimsuka đã sanh trái.
Sau một thời gian, bốn anh em ngồi với nhau, và nói câu chuyện này:
– Cây Kimsuka giống như cây gì?
Một người nói:
– Giống như một khúc cây bị cháy!
Người thứ hai nói:
– Giống như cây bàng!
Người thứ ba nói:
– Giống như miếng thịt!
Người thứ tư nói:
– Giống như cây keo.
Họ không đồng ý với câu trả lời của mỗi người, liền đi đến vua cha và hỏi :
– Thưa Phụ Vương, cây Kimsuka giống cây gì ?
Vua cha nói:
– Các con trả lời thế nào ?
Và họ trình bày với Vua cha câu trả lời của mình.
Vua nói:
– Bốn con đã thấy Kimsuka. Nhưng khi người đánh xe chỉ cây Kimsuka cho các con, các con không phân tích và hỏi: Trong thời gian này, cây Kimsuka giống cái gì? Trong thời gian khác, cây Kimsuka giống cái gì? Trong thời gian khác, cây Kimsuka giống cái gì? Do không hỏi vậy, nên các con sinh nghi ngờ.
Rồi, vua đọc bài kệ đầu:
Tất cả các con ta
Ðã thấy Kim-su-ka,
Nhưng chính ở nơi đây,
Cái gì làm con nghi?
Không hỏi người đánh xe,
Cây ấy ở thời nào?
Sau khi nêu rõ sự việc, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ kheo, giống như bốn anh em ấy, vì không biết phân tích và không hỏi, nên sinh nghi ngờ đối với cây Kimsuka, cũng vậy các ông đã phát sinh nghi ngờ về Chánh pháp này.
Rồi bậc Chánh Ðẳng giác đọc bài kệ thứ hai:
Như vậy những kẻ nào
Thiếu hiểu biết Chánh pháp,
Cũng phát sinh nghi ngờ
Ðối với các Chánh pháp,
Giống như các anh em
Với cây Kim-su-ka.
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, vua Ba-la-nại là Ta vậy.
-ooOoo-
Con là con độc nhất…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một đại Trưởng lão có danh tiếng.
Vị này đã truyền giới xuất gia cho một chàng trai và đã hành hạ người ấy. Sa-di này không chịu nổi sự hành hạ, bèn hoàn tục. Trưởng lão ấy đến và dỗ dành:
– Này chàng thanh niên, y của con sẽ là của con. Bát của con sẽ là của con. Y và bát của ta ấy cũng sẽ trở thành y và bát của con. Hãy xuất gia.
Chàng thanh niên nói:
– Con không muốn xuất gia.
Nhưng vị Trưởng lão nói đi nói lại mãi nên cuối cùng, thanh niên ấy xuất gia. Khi thanh niên ấy trở lại với Tăng chúng, Trưởng lão ấy bắt đầu hành hạ anh ta như trước. Thanh niên ấy không chịu nổi sự hành hạ, liền từ bỏ Tăng chúng một lần nữa và dầu được yêu cầu nhiều lần, anh ta vẫn nói:
– Ông không chịu nổi tôi, và cũng không chịu nổi không có tôi. Hãy đi đi. Tôi không muốn xuất gia.
Các Tỷ-kheo ngồi tại Chánh pháp đường bắt đầu nói chuyện này:
– Thưa các Hiền giả, chàng thanh niên ấy thật có tâm bén nhạy. Anh ta biết được tâm tánh của đại Trưởng lão này nên không xuất gia lại.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ kheo, nay các ông họp ở đây và bàn đến chuyện gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay thanh niên ấy có tâm bén nhạy. Lúc trước anh ta cũng như vậy rồi. Một lần anh ta thấy được lỗi lầm của người ấy nên không chấp nhận người ấy nữa.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một người điền chủ. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát sống bằng nghề buôn bán lúa gạo. Một người khác làm nghề dụ rắn, đã dạy một con khỉ, bắt nó uống thuốc giải độc, rồi cho nó chơi với một con rắn, và sống với nghề ấy.
Vào ngày hội vui chơi được tổ chức, người dụ rắn muốn tham dự cuộc vui, liền giao con khỉ cho người buôn gạo này và dặn:
– Chớ xao lãng nó.
Sau khi vui chơi, đến ngày thứ bảy anh ta trở về, đến nhà người bán gạo và hỏi:
– Con khỉ ở đâu?
Con khỉ nghe tiếng nói của chủ, mau chóng từ nơi tiệm bán gạo đi ra. Lập tức người chủ lấy que đánh nó trên lưng, đưa nó vào vườn, trói nó một bên và nằm ngủ.
Ngay khi con khỉ biết người ấy đã ngủ, nó liền tự cởi trói, bỏ trốn và leo lên một cây xoài. Nó ăn trái xoài chín, rồi liệng hột xoài trên thân người dụ rắn. Anh ta thức dậy nhìn lên, thấy con khỉ liền nghĩ: “Với lời dịu ngọt, ta sẽ dụ dỗ con khỉ ấy xuống và sẽ bắt nó”. Vì vậy, anh ta đọc bài kệ đầu:
Con là con độc nhất,
Sẽ là chủ nhà ta,
Hãy từ cây leo xuống,
Hỡi con, Sà-la-ka!
Này con hãy về nhà,
Hãy sống chung với cha!
Nghe vậy, con khỉ đọc bài kệ thứ hai:
Phải chăng ông quá biết
Tâm tôi là thế nào!
Chính ông đã đánh tôi,
Với cây gậy bằng tre,
Tôi vui sống rừng xoài,
Có trái cây chín muồi,
Hãy đi về nhà ông,
Vậy tôi xin từ biệt!
*
Khi bậc Ðạo Sư thuyết Pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con khỉ là Sa-di ấy, người dụ rắn là Trưởng lão này và người buôn lúa gạo là Ta vậy.
-ooOoo-
Ẩn sĩ này vui thích…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo lừa đảo.
Tánh lừa đảo của vị này được các Tỷ-kheo biết rõ. Tại Chánh pháp đường, họ bắt đầu nói chuyện này:
– Này các Hiền giả, Tỷ-kheo ấy, sau khi xuất gia trong Giáo pháp giải thoát của đức Phật, lại đầy những hành vi lừa đảo.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông họp ở đây đang luận bàn vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay kẻ ấy mới lừa đảo, mà thuở trước cũng đã như vậy rồi. Chỉ vì muốn hơ lửa mà khi còn là con khỉ, nó đã lừa gạt.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở nước Kà-si. Khi Bồ-tát đến tuổi trưởng thành và đã có một con trai biết chạy chơi, thì bà vợ, một nữ Bà-la-môn, mệnh chung. Bồ-tát ẵm con trai đi vào Hy-mã-lạp-sơn, xuất gia làm vị ẩn sĩ, cùng con trai hành trì khổ hạnh, và sống trong một chòi lá.
Trong mùa mưa, khi mưa rơi không dứt, một con khỉ bị lạnh bức bách, đi lang thang, răng đánh khớp và run cầm cập. Bấy giờ Bồ-tát mang về một đống củi lớn, đốt lửa, nằm trong giường nhỏ. Ðứa con trai ngồi bóp chân cha.
Con khỉ ấy tìm được áo choàng của một người tu khổ hạnh đã chết, liền quấn vào đắp lên vai. Nó cầm cái gậy và ghè nước trong cái áo của ẩn sĩ, nó đi đến chòi lá. Vì muốn được hơ lửa, nó đứng tại đấy, giả dạng một ẩn sĩ. Cậu bé tu khổ hạnh thấy nó, liền nói với cha:
– Này cha thân, có một nhà tu khổ hạnh đang đứng, bị lạnh bức bách, đang run cầm cập. Hãy gọi vị ấy đến hơ lửa.
Rồi cậu đọc bài kệ đầu:
Ẩn sĩ này vui thích
An tịnh và chế ngự,
Nay đang đứng run rẩy,
Ướt át và lạnh lẽo,
Hãy mời vị ấy vào,
Trong nhà của chúng ta
Ðể chế ngự cơn lạnh,
Và tất cả khổ đau.
Bồ-tát nghe con nói liền đứng dậy nhìn, biết nó là con khỉ, bèn đọc bài kệ thứ hai:
Nó không phải ẩn sĩ
Vui an tịnh, chế ngự,
Nó chỉ là con khỉ,
Tìm ăn giữa cành cây,
Nó thuộc loài độc ác
Sân hận và tham lam,
Nếu để nó vào đây,
Nó làm bẩn nhà này.
Nói vậy xong, Bồ-tát lấy một que lửa, dọa con khỉ và đuổi nó chạy. Con khỉ vội leo lên, và dầu nó có ưa thích hay không ưa thích rừng núi, nó cũng không bao giờ trở lại chỗ ấy nữa.
Còn Bồ-tát làm sanh khởi các Thắng trí và các Thiền chứng. Ngài dạy cho cậu thanh niên khổ hạnh ấy một đề tài thiền quán và giúp cậu tu tập Thiền quán và cậu cũng làm phát khởi các Thắng trí và các Thiền chứng. Cả hai không bao giờ thối thất Thiền định, nên sau khi mạnh chung, được sanh lên Phạm thiên giới.
*
Bậc Ðạo Sư thuyết Pháp thoại này và nêu rõ:
– Này các Tỷ-kheo, người này không phải chỉ nay mà thuở xưa cũng đã lừa đảo.
Sau đó Ngài thuyết giảng các Sự thật. Lúc chấm dứt bài giảng, một số đắc quả Dự-lưu, một số đắc quả Nhất lai, một số đắc quả Bất lai.
Và bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con khỉ là Tỷ-kheo lường gạt này, đứa con trai là Ràhula, và người ẩn sĩ là Ta vậy.
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 75