»» Phẩm III – Tập Ba Kệ

Trưởng lão tăng kệ

Dịch giả: Thích Minh Châu


(Download file MP3
– 2.15 MB – Thời gian phát: 12 phút 30 giây.)

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


(XXIX) Một Sàmà Khác (Therì. 127)

 

Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình quý tộc ở Kosambi, nàng cũng trở thành người bạn của Sàmàvati, khi Sàmàvati chết đi, vì quá đau khổ, nàng xuất gia. Trong hai mươi lăm năm nàng không nhiếp phục được tâm nàng, cho đến khi trở về già, nàng nghe được một bài thuyết pháp, tu tập thiền quán, chứng quả A-la-hán với nghĩa tín thọ, pháp tín thọ. Suy tư đến quả chứng này, nàng nói lên bài kệ:

39. Ðã được hăm lăm năm,

Từ khi ta xuất gia.

40. Ta không thắng tri tâm,

Không được tâm thăng bằng,

Tâm không được an tịnh,

Không nhiếp phục được tâm

Do vậy ta dao động,

Nhớ đến lời Phật dạy.

41. Chú tâm không phóng dật

Ta gắng thoát pháp khổ,

Ái diệt, ta chứng đạt,

Thành tựu lời Phật dạy

Hôm nay đêm mồng bảy,

Khái ái được khô cạn.


(XXX) Uttama (Therì. 128)


Sau nhiều đời làm việc lành, nàng được sanh trong nhà một triệu phú ở Sàvatthi, trong thời đức Phật hiện tại. Khi nàng lớn tuổi, nàng nghe Patàcàrà thuyết pháp và xin xuất gia. Nhưng nàng chưa chứng được quả vị thiền quán. Patàcàrà biết được tâm trạng của nàng, nên thuyết giảng cho nàng và nhờ vậy nàng chứng quả A-la-hán với nghĩa tín thọ, pháp tín thọ. Suy tư trên quả chứng, nàng nói lên sự sung sướng của nàng.

42. Bốn lần và năm lần,

Ta ra khỏi tinh xá.

Nhưng tâm không an tịnh,

Không nhiếp phục được tâm.

43. Ta đến Tỷ-kheo -ni,

Với ta đồng tín nữ,

Nàng thuyết pháp cho ta,

Với uẩn, xứ và giới.

44. Nghe xong pháp nàng thuyết,

Như nàng đã dạy ta,

Bảy ngày ngồi kiết-già,

Ta thọ hưởng hỷ lạc,

Mồng tám ta duỗi chân,

Phá tan khối si ám.

Bài kệ trở thành lời tuyên bố về chánh trí của nàng.

(XXXI) Một Uttarà Khác

Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh vào gia đình Bà-la-môn có danh tiếng ở Kosala. Ðến tuổi trưởng thành khi đang đi ở làng quê, nàng nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, nàng xuất gia, chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Suy tư trên quả chứng, nàng nói lên bài kệ:

45. Bảy pháp giác chi này,

Con đường đạt Niết-bàn,

Tất cả ta tu tập,

Như lời đức Phật dạy.

46. Do quán không vô tướng

Ta đạt quả mong muốn,

Ta thành con gái Phật,

Sanh ra từ miệng Ngài,

Luôn luôn ta hoan hỷ.

47. Trong an lạc Niết-bàn,

Mọi dục được đoạn diệt,

Dục trời và dục người,

Vòng sanh hữu đoạn tận,

Nay không còn tái sanh.

(XXXII) Dantikà

Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi trong gia đình vị giáo sĩ nhà vua. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng trở thành tín nữ ở Jetavana (Kỳ Viên) và về sau xuất gia, dưới sự chỉ đạo của Mahàpajàpati. Một thời khi đang ở Ràjagaha (Vương Xá), nàng leo lên núi Linh Thứu; và sau buổi ăn, khi đang còn ngồi nghỉ, nàng thấy một người nài điều khiển một con voi; và nhờ vậy nàng chứng quả A-la-hán; với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Về sau, vô cùng hân hoan với quả chứng của mình, nàng nói lên bài kệ như sau:

48. Ra khỏi ngôi tinh xá,

Ðể nghỉ trưa ban ngày,

Trên đỉnh núi Linh Thứu,

Ta thấy một con voi,

Dầm nước xong đi lên,

Trên bờ một con sông.

49. Một người cầm cái móc,

Yêu cầu đưa chân lên,

Con voi duỗi chân ra,

Và người leo lên voi.

50. Thấy kẻ chưa nhiếp phục,

Ði đến được nhiếp phục,

Ta thấy nó vâng chịu,

Theo quyền lực của người.

Như vậy, ta định tâm,

Ði vào trong rừng ấy.

(XXXIII) Ubirì

Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình khá giả quyền quí. Nàng rất đẹp và sanh được người con gái rất đẹp, đặt tên là Jivà. Vua thấy đứa con gái rất lấy làm hài lòng và đưa nàng lên làm hoàng hậu. Nhưng rồi đứa con gái Jivà bị chết, và bà mẹ ngày nào cũng đi đến nghĩa địa để than khóc. Một hôm nàng đi đến yết kiến bậc Ðạo Sư, nhưng rồi nàng đi ra bên sông Aciravàti và đứng than khóc. Bậc Ðạo Sư thấy vậy liền đến với nàng và hỏi:

– Tại sao nàng khóc?

Nàng đáp:

– Bạch Thế Tôn, con khóc đứa con gái của con.

Thế Tôn nói:

– Tại nghĩa địa này có đến tám vạn bốn ngàn con gái của nàng bị thiêu. Vậy nàng khóc than cho ai!.

Rồi chỉ cho nàng thấy chỗ đất các người bị chết, Thế Tôn nói lên bài kệ:

51. Hỡi nàng Ubirì,

Nàng khóc trong rừng sâu,

Khóc than ôi Jivà,

Con gái thân của tôi,

Hãy tự mình hồi tỉnh,

Hỡi này Ubirì!

Trong bãi đốt thân này

Tất cả tám vạn tư,

Người đồng tên Jivà

Nàng khóc Jivà nào?

Nàng suy tư với trí tuệ, trên pháp bậc Ðạo Sư dạy. Nhờ thiền quán tác động, nhưng lời dạy tốt đẹp của bậc Ðạo Sư, và với tự mình đạt được những điều kiện cần thiết nàng chứng được quả cao nhất, cho đến quả A-la-hán, và trình bày quả vị tối thượng nàng đạt được, nàng nói lên nửa bài kệ sau:

52. Mũi tên khó nhìn thấy,

Ðâm dính nơi tâm ta,

Chắc chắn đã được Ngài,

Nhổ lên khỏi tâm ta,

Sầu muộn vì con gái,

Ðã được chấm dứt hẳn.

53. Nay mũi tên được nhổ,

Mọi ham muốn lắng dịu,

Ta đi đến quy y

Bậc Mâu-ni ẩn sĩ,

Quy y Ba ngôi báu

Phật, Pháp và chúng Tăng.

(XXXIV) Sukkà (Therì. 129)

Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh vào một gia đình quyền quí ở Ràjagaha (Vương Xá) và được đặt tên là Sukkà (Sáng Suốt). Khi đến tuổi trưởng thành, nàng phát tâm tin Phật ở trong gia đình của nàng và trở thành một tín nữ. Về sau nàng được nghe Dhammadinnà thuyết pháp và quá cảm xúc bởi bài thuyết pháp, nàng xuất gia với Dhammadinnà. Sau khi tu thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ.

Ðược năm trăm Tỷ-kheo-ni đoanh vây, nàng trở thành một vị thuyết pháp giỏi. Một ngày kia, sau khi đi vào Vương Xá khất thực, ăn xong, toàn thể Ni chúng trở về tinh xá của Tỷ-kheo-ni. Tại đấy Sukkà thuyết pháp cho toàn thể Ni chúng, thuyết hay cho đến nỗi các Tỷ-kheo-ni như cảm thấy được nhận từ nàng, những đường mật ngọt ngào, thấm nhuần với nước bất tử. Tất cả đều ngồi nghe, hoàn toàn im lặng nhiệt tâm tín thành. Rồi một vị thần cây, đứng ở cuối sân nghe pháp, quá xúc động bởi lời thuyết giảng, nên đi ra khỏi Vương Xá, vừa đi vừa tán thán hạnh thuyết pháp tuyệt diệu của nàng và nói như sau:

54. Hỡi này người Vương Xá,

Các người đã làm gì?

Giống như người nằm mê,

Bị say vì uống mật!

Các người không hầu hạ,

Sukkà thuyết lời Phật.

55. Chúng tôi nghĩ bậc trí,

Uống được nước cam lồ,

Dòng nước thật thuần tinh,

Không gì chướng ngại nổi

Chẳng khác kẻ đi đường,

Ðón nhận nước trời mưa.

Khi nghe thần cây nói vậy, dân chúng rất lấy làm phấn khởi và đi đến chăm chú nghe nàng thuyết pháp. Sau một thời gian, vào cuối cuộc đời khi nàng đang sửa soạn để từ giã cuộc đời. Nàng muốn nói lên pháp môn nàng dạy đưa đến giải thoát như thế nào, nàng tuyên bố như sau về chánh trí của nàng.

56. Hỡi này nàng Sukkà!

Người con của ánh sáng!

Ðược ly tham định tĩnh,

Nhờ ánh sáng Chánh pháp,

Hãy mang thân cuối cùng,

Sau khi thấy ma quân.

(XXXV) Sielà

Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm công chúa con vua nước Alavì, tên là Sielà. Nàng cũng được biết với tên là Alavika (người nước Alavì). Khi đến tuổi trưởng thành, bậc Ðạo Sư cảm hóa được vua cha, làm lễ xuất gia cho vua và cùng đi đến Alavì. Sielà chưa lập gia đình, cùng đi với phụ vương nghe thuyết pháp và trở thành một tín nữ. Về sau nàng xuất gia, chuyên tu thiền quán và cuối cùng nhờ thiện duyên tốt đẹp, nhờ trí tuệ được triển khai, nàng nhiếp phục được thân hành, khẩu hành, ý hành và chứng được quả A-la-hán.

Về sau trở thành một Trưởng lão Ni, nàng ở Sàvatthi. Một hôm, nàng đi ra khỏi Sàvatthi để nghỉ ban ngày tại Andhavana và ngồi dưới một gốc cây. Ác ma muốn phá sự an tịnh độc cư của nàng, dưới hình thức là một người lạ mặt, đến với nàng và nói như sau:

57. Nàng sẽ không thoát khỏi,

Thoát ly khỏi đời này,

Như vậy hạnh viễn ly,

Nàng dùng để làm gì?

Hãy thọ hưởng dục lạc,

Chớ bứt rứt về sau.

Rồi nàng suy nghĩ: ‘Ðây là Ác ma muốn ngăn chận ta không được hưởng Niết-bàn. Nó không biết ta đã chứng quả A-la-hán. Vậy nay ta hãy làm cho nó mở mắt và nàng nói lên bài kệ’:

58. Các dục giống gươm giáo,

Chém nát các uẩn ta,

Những dục mà ngươi gọi,

Là lạc thú cuộc đời.

59. Ngày nay dục lạc ấy,

Với ta không hấp dẫn,

Ở tất cả mọi nơi,

Hỷ lạc được đoạn tận,

Khối tối tăm mù ám,

Ðã bị làm tan nát,

Hỡi này kẻ Ác ma,

Ngươi hãy biết như vậy,

Ngươi chính là Ác ma

Ngươi đã bị bại trận.

(XXXVI) Somà (Therì. 129)

Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sinh ra là con gái vị giáo sĩ của vua Bimbisàra. (Bình Sa Vương) và được đặt tên là Somà. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng trở thành một tín nữ, và về sau nàng xuất gia và nhờ triển khai thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán với nghĩa tín thọ, pháp tín thọ.

Ở tại Sàvatthi, một ngày kia nàng đi vào rừng Andhavana để nghỉ ban ngày và ngồi dưới một gốc cây. Ác ma đến và muốn phá sự an tịnh cô độc của nàng tàng hình không cho nàng thấy và nói lên như sau:

60. Ðịa vị khó chứng đạt,

Chỉ thánh nhân chứng đạt,

Trí nữ nhân hai ngón,

Sao hy vọng chứng đạt.

Rồi nàng cự lại Ác ma:

61-62. Nữ tánh chướng ngại gì,

Khi tâm khéo thiền định,

Khi trí tuệ triển khai,

Chánh quán pháp vi diệu,

Ở tất cả mọi nơi,

Hỷ lạc được đoạn tận,

Khối tối tăm mù mịt,

Ðã bị làm tan nát.

Hỡi này kẻ Ác ma,

Ngươi hãy biết như vậy,

Ngươi chính là Ác ma,

Ngươi đã bị bại trận.

Source link

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 84

Post Views: 660