(Kosya)
Dịch giả: Thích Minh Châu


(Download file MP3
– 3.12 MB – Thời gian phát: 18 phút 11 giây.)

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


 

261. CHUYỆN HOA SEN (Tiền thân Paduma)



Như tóc râu bị cắt…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một số Tỷ-kheo cúng dường vòng hoa tại cây bồ đề Ànanda. (câu chuyện sẽ được trình bày ở Tiền thân Kalinga, số 479).
Cây này được gọi là cây Bồ-đề Ànanda, vì Trưởng lão Ànanda đã trồng cây ấy. Tin về cây Bồ-đề được trưởng lão Ànanda trồng ở cổng tịnh xá Kỳ Viên truyền đi khắp cõi Diêm-phù-đề (Ấn độ).
Một số Tỷ-kheo ở thôn quê muốn cúng dường vòng hoa tại cây Bồ-đề Ànanda. Họ đi đến đảnh lễ bậc Ðạo Sư, và ngày hôm sau họ lại đi vào thành Xá-vệ, đến con đường bán hoa sen xanh. Nhưng không nhận được vòng hoa nào, họ liền đi đến Tôn giả Ànanda và thưa:
– Thưa hiền giả, chúng tôi muốn cúng dường vòng hoa tại cây Bồ-đề, và đi đến con đường bán hoa sen xanh, nhưng không nhận được một vòng hoa nào cả.
Vị trưởng lão nói:
– Tôi sẽ đem hoa đến.
Rồi trưởng lão đi đến con đường bán hoa sen xanh, và nhận được nhiều bó hoa sen xanh đem về cho các Tỷ-kheo ấy. Các vị này lấy các bó hoa ấy và làm lễ cúng dường cây Bồ-đề.
Biết được tin này, các Tỷ-kheo ngồi tại Chánh pháp đường nói lên lời tán thán các công đức của Trưởng lão Ànanda:
– Thưa các Hiền giả, các Tỷ-kheo ở thôn quê ít phước đức, nên đã đi đến con đường bán hoa sen xanh mà không nhận được vòng hoa nào. Còn Trưởng lão Ànanda đi đến sau lại đem về nhiều bó hoa.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông nay hội họp ở đây đang bàn luận vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay những người ăn nói khéo léo nhận được vòng hoa, mà thuở trước họ cũng đã nhận được như vậy.
Rồi bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị triệu phú. Trong thành có một hồ sen thường nở hoa. Một người có lỗ mũi sứt canh giữ cái hồ ấy.
Một hôm, một ngày hội lớn được tổ chức ở Ba-la-nại, ba người con trai của triệu phú muốn đeo vòng hoa để vui chơi lễ hội, liền bảo nhau:
– Chúng ta sẽ tán tỉnh con người bị sứt mũi này và xin vài vòng hoa.
Vì vậy, vào giờ người ấy hái hoa sen, họ đi đến gần hồ và đứng đợi một bên. Một người trong bọn nói với người giữ hồ ấy qua bài kệ đầu:
Như tóc râu bị cắt,
Sẽ mọc lên như cũ,
Cũng vậy, lỗ mũi ông
Sẽ mọc lại như tóc,
Nay tôi xin hoa sen,
Hãy cho tôi một bông!
Người giữ hồ tức giận không cho hoa sen. Rồi người thứ hai nói lên bài kệ thứ hai với người giữ hồ ấy:
Như hột giống mùa thâu
Ðược gieo trong thửa ruộng,
Sẽ được mọc lên mau,
Cũng vậy, lỗ mũi ông
Ước mong sẽ mọc lên,
Nay tôi xin hoa sen,
Hãy cho tôi một bông!
Người giữ hồ vẫn tức giận không cho hoa sen. Rồi người thứ ba nói lên bài kệ thứ ba với người giữ hồ ấy:
Hai đứa nói nhảm nhí,
Chúng nghĩ được bông sen,
Dầu nói có, nói không,
Mũi cũng không mọc lại,
Này bạn hãy cho tôi
Hoa sen, tôi xin bạn!
Nghe lời anh ta, người giữ hồ sen nói:
– Cả hai người này đều nói láo. Chỉ có bạn nói đúng sự thật. Bạn xứng đáng được các bông sen.
Rồi người giữ hồ cho anh ta một bó hoa sen và đi về hồ của mình.
*
Khi bậc Đạo sư nói xong pháp thoại này, Ngài nhận diện tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con trai vị triệu phú nhận được hoa sen là Ta vậy.
-ooOoo-


262. CHUYỆN BÀN TAY MỀM MẠI (Tiền thân Mudupàni)



Một bàn tay mềm mại…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. Khi Tỷ-kheo ấy được đưa đến Chánh pháp đường, bậc Ðạo Sư hỏi:
– Có thật chăng ông thối thất tinh tấn?
Vị ấy trả lời:
– Có thật vậy.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, không thể nào canh giữ nữ nhân khỏi chạy theo dục vọng của chúng. Ngay cả các bậc hiền trí thuở xưa cũng không thể canh giữ các con gái của họ. Dầu chúng đứng nắm tay cha, chúng vẫn chạy trốn theo người tình mà cha chúng không biết!
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát tái sanh ra làm con hoàng hậu chánh cung. Ðến tuổi trưởng thành, Bồ-tát học các tài nghệ ở Takkasilà, và khi phụ vương mệnh chung, ngài được đặt lên vương vị và trị nước đúng pháp.
Bồ-tát nuôi dưỡng con gái mình và con trai của người chị trong nội cung. Một hôm, vua nói với đình thần:
– Sau khi trẫm qua đời, cháu trai trẫm sẽ làm vua và con gái trẫm sẽ làm hoàng hậu chánh cung.
Sau một thời gian, khi cả hai đều khôn lớn, Bồ-tát ngồi nói với các đình thần:
– Trẫm sẽ đem về một công chúa khác cho cháu trai và sẽ gả con gái trẫm cho một hoàng gia khác. Như vậy chúng ta sẽ có nhiều bà con.
Các đình thần đều đồng ý.
Bồ-tát gởi cháu trai ra ở ngoài và ngăn cấm chàng ra vào nội cung. Nhưng cả hai người ấy đã thương yêu nhau. Chàng trai nghĩ: “Không biết có phương tiện gì đem công chúa ra ngoài? À có phương tiện này”. Chàng trai đem cho bà vú một món quà, bà vú hỏi:
– Thưa hoàng tử, cần phải làm gì?
Hoàng tử đáp:
– Này vú, làm thế nào để chúng tôi có cơ hội đưa nàng ra ngoài?
– Lành thay, thưa hoàng tử. Ðể tôi nói với công chúa rồi sẽ cho hoàng tử biết sau.
– Lành thay, thưa vú.
Rồi vú đi đến công chúa và nói:
– Hãy để tôi bắt những con chấy trên đầu công chúa.
Rồi bà đặt công chúa ngồi xuống một chiếc ghế thấp, và bà ngồi xuống một chiếc ghế cao hơn và kê đầu công chúa trên bắp vế của mình. Trong khi bắt chấy, bà lấy móng tay gãi đầu công chúa. Công chúa hiểu: “Người này không gãi với móng tay của mình mà gãi với móng tay của hoàng tử, con trai của cô ta.” Vì vậy, công chúa hỏi:
– Này vú, vú có đi đến gặp hoàng tử không?
– Thưa công chúa, có!
– Hoàng tử đã nói gì với vú?
– Thưa công chúa, hoàng tử hỏi có phương tiện gì để đưa công chúa ra ngoài.
Công chúa nói:
– Nếu hoàng tử là người hiền trí, hoàng tử sẽ biết.
Rồi công chúa đọc lên bài kệ đầu. Ðọc xong, nàng nói:
– Này vú, hãy học thuộc bài kệ này và nói lại cho hoàng tử:
Một bàn tay mềm mại,
Con voi khéo huấn luyện,
Và đêm tối trời mưa,
Ấy là thời thích hợp.
Bà vú học thuộc lòng bài kệ ấy rồi đi đến hoàng tử. Chàng hỏi:
– Này vú, công chúa nói gì?
Bà đáp:
– Không nói gì khác, chỉ gửi bài kệ này. Và bà vú đọc bài kệ. Chàng hiểu ý bài kệ liền nói với bà vú:
– Thôi vú hãy về đi.
Hoàng tử biết đúng đắn ý nghĩa bài kệ này, liền tìm một người hầu trẻ đẹp trai, có bàn tay mềm mại, và chuẩn bị công việc. Chàng lại hối lộ người nài giữ vương tượng huấn luyện con voi ấy trở thành bình thản, rồi hoàng tử ngồi chờ đợi thời cơ đến.
Ðến ngày trai giới Bồ-tát thuộc phần đêm tối trời, ngay sau canh giữa, mưa rơi xuống từ một đám mây đen dày đặc. Hoàng tử nghĩ: “Ðây là ngày công chúa muốn nói”, rồi chàng leo lên con voi, đặt người hầu trẻ có bàn tay mềm mại ấy ngồi trên lưng voi và ra đi. Ở phía đối diện cung vua, hoàng tử cho cột con voi vào bức tường lớn của cái sân chầu rộng, rồi chàng đứng ở cửa sổ với thân bị ướt đẫm nước mưa.
Bấy giờ vua canh giữ công chúa, không cho phép nàng ngủ chỗ nào khác, trừ một chiếc giường nhỏ gần vua. Công chúa nghĩ: “Hôm nay hoàng tử sẽ đến”, vì vậy, nàng nằm xuống nhưng không ngủ. Rồi công chúa nói:
– Thưa cha thân, con muốn tắm!
Vua nói:
– Hãy đi, này con thân.
Vua nắm tay công chúa, dắt đến gần cửa sổ, và nói:
– Hãy tắm đi con!
Rồi vua bồng công chúa lên, đặt công chúa trên bệ đá hình hoa sen ở ngoài cửa sổ, và nắm một tay công chúa.
Trong khi đang tắm, công chúa đưa tay cho hoàng tử. Hoàng tử cởi các chiếc vòng từ tay công chúa đeo vào tay người hầu trẻ, rồi bồng chàng trai trẻ ấy lên, đặt anh ta trên chỗ tượng hoa sen bên cạnh công chúa. Nàng nắm tay người hầu trẻ ấy và đặt nó vào tay của phụ vương. Vua nắm tay anh ta và thả tay kia của mình và đeo chúng vào tay kia của người hầu trẻ, rồi đặt bàn tay ấy vào tay phụ vương và đi theo hoàng tử.
Nhà vua cứ tưởng rằng người hầu trẻ ấy là con gái mình! Và khi tắm xong, vua cho anh ta nằm trên long sàng, đóng cửa và niêm lại, sau đó đặt một người canh rồi vua đi ngủ.
Vào sáng hôm sau, vua mở cửa thấy cậu trai trẻ liền hỏi:
– Sao lại thế này?
Cậu liền kể cách đi trốn của công chúa với hoàng tử! Vua rất thất vọng suy nghĩ: “Dầu ta có nắm tay, cũng không thể canh giữ nữ nhân khỏi trốn được. Như vậy, không ai có thể canh giữ nỗi đàn bà”.
Rồi vua đọc bài kệ khác.
Dầu lời nói dịu dàng
Chúng không hề biết đủ,
Chúng chìm, chìm sâu xuống,
Rất khó làm đầy tràn,
Ðàn ông hãy lánh xa,
Chạy trốn chúng thật xa!
Nếu chúng phục vụ ai,
Vì dục hay tiền tài,
Chúng thiêu sạch người ấy,
Như chất đốt trong lửa.
Nói vậy xong, Bồ-tát thêm:
– Ta phải nâng đỡ cháu trai ta.
Rồi vua làm lễ gả công chúa cho hoàng tử thật long trọng vinh hiển và đặt hoàng tử lên chức phó vương. Khi người cậu tức vua cha mạng chung, chàng lên kế vị.
*
Khi bậc Ðạo sư kể Pháp thoại này. Ngài thuyết giảng các sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo thối thất đã đắc quả Dự lưu. Và Ngài nhận diện tiền thân:
– Lúc bấy giờ, nhà vua là Ta vậy.
-ooOoo-


263. CHUYỆN TIỂU DỤC THAM (Tiền thân Culla-Palobhana)



Không phải rẽ nước biển…,
Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. Khi Tỷ-kheo ấy được đưa đến Chánh pháp đường, bậc Ðạo Sư hỏi:
– Có thật chăng ông thối thất tinh tấn?
Vị ấy trả lời:
– Sự thật là vậy.
Bậc Ðạo sư nói:
– Các nữ nhân làm uế nhiễm ngay cả các bậc thanh tịnh thuở xưa.
Rồi Ngài kể chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, vua không có con trai. Vua nói với các cung phi của mình:
– Hãy cầu nguyện để sanh con trai.
Và họ liền cầu tự.
Như vậy một thời gian dài trôi qua, Bồ-tát từ Phạm thiện giới đi xuống và nhập thai của bà hoàng hậu chánh cung. Vừa sanh xong, sau khi tắm, Bồ-tát được đưa cho một người vú khác. Khi chạm tay nữ nhân, Bồ-tát lại khóc, không giữ im lặng. Rồi Bồ-tát được đưa cho một người hầu đàn ông. Vừa được người đàn ông ấy bồng hài nhi liền im lặng.
Từ đấy trở đi, chỉ những người đàn ông ẵm hài nhi qua lại. Khi bú sữa, họ nặn sữa rồi cho Bồ-tát uống, hay đặt một cái màn giữa hài nhi và bà vú. Sau một thời gian, Bồ-tát lớn lên, nhưng vẫn không thể nhìn nữ nhân. Vua cha làm cho Bồ-tát một chỗ ngồi riêng biệt và một thiền thất riêng biệt.
Khi Bồ-tát lên mười sáu tuổi, vua suy nghĩ: “Ta không có một con trai nào khác. Còn đứa con trai này lại không hưởng thụ các dục, không muốn cai trị vương quốc. Thật sự ta có đứa con trai như vậy để làm gì?”
Bấy giờ, một kỹ nữ giỏi về múa, hát và nhạc, trẻ tuổi, có khả năng quyến rũ những người đàn ông mà nàng gần gũi. Nàng đến hầu vua và thưa:
– Tâu Thiên tử, ngài đang nghĩ gì vậy?
Vua kể lại sự việc ấy. Nàng kỹ nữ thưa:
– Tâu thiên tử, hãy yên tâm! Thiếp sẽ quyến rũ hoàng tử và làm cho hoàng tử nếm hương vị của ái tình.
– Nếu Nàng có thể quyến rũ con ta, một hoàng tử không hề biết đến hương vị đàn bà, thì khi con ta làm vua, nàng sẽ làm hoàng hậu!
Nàng kỹ nữ ấy nói:
– Tâu Thiên tử, trách nhiệm ấy là của thiếp. Thiên tử chớ lo lắng!
Nói xong, nàng kỹ nữ đi đến những người đàn ông canh gác và nói:
– Sáng sớm tôi sẽ đến đứng ở ngoài thiền thất gần phòng hoàng tử nằm và tôi sẽ hát! Nếu hoàng tử tức giận, hãy nói cho tôi biết, tôi sẽ bỏ đi. Nhưng nếu hoàng tử lắng nghe thì hãy khen ngợi tôi.
Họ bằng lòng.
Sáng hôm sau, nàng đến đứng tại chỗ ấy và cất tiếng hát với giọng ngọt lịm. Rồi tiếng đàn êm dịu trổi lên không kém gì tiếng hát ngọt ngào. Hoàng tử nằm lắng nghe. Ngày kế đó hoàng tử bảo kỹ nữ ấy đứng gần và hát; ngày kế nữa, chàng bảo nàng đứng trong thiền thất và hát. Ngày kế nữa, chàng bảo nàng đứng gần mình và hát. Như vậy, dần dần dục vọng khởi lên trong lòng hoàng tử và hoàng tử đi theo thói thường của người đời, biết được hương vị của ái tình, đến độ hoàng tử cầm gươm và dọa:
– Ta không cho phép một ai khác thấy nữ nhân này!
Hoàng tử chạy ra ngoài đường, đuổi theo các người đàn ông. Vua truyền bắt hoàng tử và thiếu nữ kia rồi đuổi họ ra khỏi thành.
Hai người đi vào rừng, xuống hạ lưu sông Hằng. Tại đó một bên là sông Hằng, một bên là biển, họ dựng lên am thất sống với nhau. Thiếu nữ ngồi trong chòi lá nấu các củ và rau. Còn Bồ-tát mang củ quả từ rừng về.
Một hôm, trong khi Bồ-tát đi tìm quả trong rừng, một ẩn sĩ khổ hạnh từ một đảo trên biển đi ngang qua hư không để tìm đồ ăn khất thực, thấy khói, liền hạ xuống trước am thất. Thiếu nữ ấy nói:
– Hãy ngồi chờ cho đến khi nấu xong.
Nàng mời vị khổ hạnh ấy ngồi xuống, và lấy vẻ duyên dáng của phụ nữ quyến rũ vị ấy, làm vị ấy không thể thiền định và mất Phạm hạnh. Vị tu khổ hạnh ấy giống như con quạ gẫy cánh không thể từ bỏ nàng, trọn ngày đứng tại đấy. Khi thấy Bồ-tát đi về, vị ấy liền chạy ra hướng biển thật mau. Bồ-tát nghĩ: “Ðây chắc là một kẻ thù”, liền rút kiếm đuổi theo, còn vị tu khổ hạnh làm cử chỉ như muốn bay, liền rơi xuống biển. Bồ-tát suy nghĩ: “Vị khổ hạnh này có lẽ đã đến đây ngang qua hư không, nay bị thối thất thiền định nên rơi xuống biển. Ta phải cứu vị ấy!” Vì vậy, vừa đứng trên bờ biển, Bồ-tát đọc những bài kệ này:
Không phải rẽ nước biển,
Nhưng với thần thông lực
Ngài du hành qua đây
Vào buổi mai thật sớm,
Liên hệ ác nữ thần,
Ngài phải chìm xuống biển.
Làm mọi người thối thất,
Ðầy mê hoặc huyễn ảo,
Quyến rũ người thanh tịnh
Khiến họ chìm dần xuống.
Kẻ trí biết nữ thần,
Nên xa lánh, từ bỏ.
Nữ nhân phục vụ ai
Vì dục hay tiền tài,
Chúng đốt sạch người ấy
Như lửa thiêu hủy củi!
Nghe lời Bồ-tát nói vậy, vị tu khổ hạnh đứng giữa biển làm phát khởi thiền lực đã mất, và bay lên hư không, rồi đi về trú xứ của mình. Bồ-tát suy nghĩ: “Vị tu khổ hạnh này với gánh nặng như vậy, đã bay lên hư không như một nhúm bông. Ta cũng phải làm phát khởi thiền lực như vị ấy để có thể bay lên hư không”.
Vì vậy, Bồ-tát về am dẫn nữ nhân ấy trở lại với quần chúng rồi bảo nữ nhân ấy ra đi, còn mình lui vào rừng, dựng am thất tại một nơi xinh tốt, và làm vị ẩn sĩ. Ngài chọn đề tài thiền định, rồi đạt các Thắng trí và các Thiền Chứng, về sau được sanh lên Thiên giới.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo thối thất đã đắc quả Dự Lưu. Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, hoàng tử không hề liên hệ với nữ thần là Ta vậy.
(Hết Tiểu Bộ, Tập V)




Source link

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 50

Post Views: 644