Dịch giả: Thích Minh Châu
(Download file MP3 – 7.3 MB – Thời gian phát: 42 phút 29 giây.)
Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
Font chữ:
Thưa Nhân chủ, ở đời…,
Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một bà mẹ vợ điếc. Ở Xá-vệ, một điền chủ có lòng tin, tinh tấn, quy y Ba ngôi báu và giữ gìn Năm giới. Một hôm, người ấy đem theo nhiều phẩm vật như bơ chín, hoa, hương, và vải đi đến tinh xá để nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp. Trong khi người ấy đi, bà mẹ vợ đem theo các món ăn loại cứng loại mềm đến thăm con gái bà. Bà già ấy có hơi điếc. Sau khi ăn với con gái, bà muốn xua đuổi sự buồn ngủ, bèn hỏi con gái:
– Này con, con sống với chồng có hoan hỷ hoà hợp không?
– Thưa mẹ sao mẹ hỏi vậy? Thật khó tìm được một người như anh ấy. Dù nhiều người xuất gia có giới đức và có đạo hạnh cũng khó sánh với con rể của mẹ.
Bà già nghe con gái nói, không phân biệt được rõ ràng, chỉ nắm lấy chữ “xuất gia” và la to:
– Sao con? Chồng con trở thành người xuất gia rồi ư?
Mọi người sống ở trong nhà nghe bà ta nói, bèn la lớn:
– Nghe nói người điền chủ của chúng ta đã xuất gia rồi!
Nghe tiếng la, quần chúng tụ họp ở cửa và hỏi :
– Sao, sự việc gì xảy ra vậy?
Và họ được trả lời:
– Nghe nói người chủ của nhà này đã xuất gia rồi!
Người điền chủ nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp xong, đi ra khỏi tinh xá và vào thành. Khi đi giữa đường, một người thấy ông liền hỏi :
– Thưa ông chủ, nghe nói ông xuất gia rồi phải không? Ở nhà ông, vợ con và những người phục vụ đang khóc đó!
Người điền chủ ấy suy nghĩ :
– Ta không xuất gia mà người này nói ta xuất gia. Một tiếng nói tốt về ta đã khởi lên, không nên để cho mất đi. Vậy hôm nay, ta phải xuất gia.
Người điền chủ quay trở lại, đi đến bậc Ðạo Sư, và Ngài hỏi:
– Này cư sĩ, nghe Như Lai thuyết giảng xong, Ta thấy ông đã đi về, sao nay ông còn trở lại?
Người điền chủ kể câu chuyện và thưa :
– Bạch Thế Tôn, một tiếng nói tốt khởi lên không nên để biến mất. Do vậy con muốn xuất gia, và con đã trở lại.
Thế Tôn cho người ấy được xuất gia, thọ đại giới, và chơn chánh hành trì, không bao lâu vị ấy chứng quả A-La-Hán. Câu chuyện này được chúng Tỷ- kheo biết. Một hôm, các Tỷ- kheo đang ngồi họp ở Chánh pháp đường và nói về câu chuyện sau đây:
– Này các Hiền giả, người điền chủ với tên này, được nghe một lời nói tốt khởi lên. Không muốn cho nó biến mất, vị ấy đã xuất gia và chứng quả A-la-hán.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi :
– Này các Tỷ-kheo, câu chuyện gì đang được các ông ngồi họp và bàn luận?
Khi nghe thuật câu chuyện trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, các bậc Hiền trí thuở xưa, vì không muốn một lời nói tốt đã khởi lên bị bỏ phí, nên đã xuất gia.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì nước Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình triệu phú. Khi đến tuổi trưởng thành, cha chết, Bồ-tát được đặt vào địa vị người triệu phú. Một hôm, Bồ-tát đi đến nhà vị ấy để thăm người con gái. Bà ta có hơi điếc. Câu chuyện xảy ra giống như câu chuyện hiện tại. Khi Bồ-tát hầu vua xong, đang đi về nhà, một người thấy Bồ-tát và hỏi:
– Nghe nói ông đã xuất gia rồi. Tại nhà ông mọi người đang than khóc lớn.
Bồ-tát suy nghĩ: “Một tiếng tốt khởi lên không nên để cho mất đi”. Vì thế, Bồ-tát đã trở lại và đi đến cung vua. Vua hỏi:
– Này nhà triệu phú, ông đã đi rồi sao còn trở lại?
– Thưa Ðại vương, tôi chưa xuất gia, nhưng dân chúng lại đồn tôi đã xuất gia nên khóc than. Một tiếng tốt đã khởi lên không nên để cho biến mất. Vì thế tôi sẽ xuất gia. Mong Ðại vương cho phép tôi xuất gia.
Ðể nói lên ý nghĩa này, Bồ-tát đọc những bài kệ:
Thưa Nhân chủ, ở đời,
Ðược danh xưng Thiện pháp,
Người có trí không nên
Ðể thối thất tổn giảm,
Hãy vì sự xấu hổ,
Chấp nhận gánh nặng ấy.
Thưa Nhân chủ, tên này
Nay được tặng cho tôi,
Ở đời, chính tại đây,
Tôi được tên Thiện pháp,
Thấy vậy, tôi xuất gia,
Tôi không ham dục lạc.
Bồ-tát nói vậy xong, liền được phép vua cho xuất gia. Sau đó, ngài đi đến khu vực Tuyết Sơn xuất gia làm vị ẩn sĩ, đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng, rồi khi mất, ngài được sanh lên Phạm thiên giới.
*
Bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này xong, liền nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vua là Ànanda và vị triệu phú ở Ba-la-nại là Ta vậy.
-ooOoo-
Ai đã rống lớn tiếng…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Tỷ-kheo Kokàlika. Lúc bấy giờ tại cao nguyên Manosilà, nhiều Tỷ-kheo học rộng, rống tiếng của sư tử trẻ khiến cho sông Hằng thiên giới (Ngân Hà) gần như rơi xuống và đọc lên những câu kinh ở giữa Tăng chúng. Kokàlika không biết sự ngu dốt của mình đối với những câu kinh mà các Tỷ-kheo đã tụng đọc, và suy nghĩ: “Ta sẽ đọc những đoạn kinh đó”. Kokàlika đi vào giữa chúng Tỷ-kheo, nhưng không biết được danh hiệu dành cho mình, cứ đến chỗ này chỗ kia và nói:
– Các Tỷ-kheo không yêu cầu ta đọc kinh. Nếu họ yêu cầu, ta sẽ đọc.
Chúng Tỷ-kheo đã rõ biết khả năng đọc kinh của Kokàlika rồi, nhưng họ nghĩ: “Chúng ta sẽ thử Kokàlika”, nên họ nói như sau:
– Này Hiền giả Kokàlika, hôm nay Hiền giả hãy đọc một vài đoạn kinh cho chúng Tăng.
Kokàlika không biết sự ngu dốt của mình, chấp nhận và nói:
– Lành thay, hôm nay tôi sẽ đọc.
Kokàlika uống nước cháo, ăn một số món ăn và dùng một món canh hợp khẩu vị. Khi mặt trời lặn, thời kỳ nghe pháp đã báo hiệu, chúng Tỷ-kheo đã họp, Kokàlika quấn hạ y màu “vàng”, lại xanh như cây Kantakurania (hoa kèn xanh), đắp thượng y toàn trắng như bông Kanikàra, đi vào giữa chúng Tăng, đảnh lễ các vị Trưởng lão, bước lên pháp toạ đã được trang hoàng đặt dưới một cái đình lớn đính châu báu, cầm một cái quạt có màu sắc rực rỡ và ngồi trên ấy với ý định: “Ta sẽ tụng đọc một đoạn kinh”.
Chính khi ấy, những hạt mồ hôi bắt đầu toát ra khắp thân của Kokàlika, vị ấy đọc câu kệ thứ nhất trong đoạn thứ nhất, nhưng vị ấy không thể nhớ được câu kế tiếp. Run rẩy, từ chỗ ngồi đi xuống, cảm thấy xấu hổ, Kokàlika đi ra khỏi hội chúng và về phòng của mình. Một Tỷ-kheo khác có học nhiều đã đọc đoạn kinh kế tiếp. Từ đấy trở đi, tất cả các Tỷ-kheo đều biết được sự trống rỗng của Kokàlika.
Một hôm, các Tỷ-kheo tại Chánh pháp đường bắt đầu nói về câu chuyện ấy:
– Này các Hiền giả, ban đầu thật khó biết được sự trống rỗng của Kokàlika. Nhưng nay, Kokàlika đã tự mình rống lên và tự phơi bày sự kém cỏi của mình.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông nay ngồi họp bàn câu chuyện gì?
Sau khi nghe câu chuyện ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Kokàlika mới phơi bày sự trống rỗng của mình. Trước kia, kẻ ấy cũng đã rống lên và phơi bày sự trống rỗng như vậy rồi.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con sư tử ở khu vực Tuyết Sơn, là vua loài sư tử đông đảo sống trong hang Bạc. Gần đấy, một con chó rừng sống trong một cái hang khác.
Một hôm trời mưa, không đi được, tất cả sư tử họp tại cửa hang sư tử chúa, rống lên tiếng rống sư tử và chơi các trò sư tử. Trong khi chúng rống lên và chơi như vậy, con chó rừng cũng lên tiếng. Các con sư tử nghe tiếng của nó, suy nghĩ: “Ðây là con chó rừng cũng rống lên với chúng ta”. Chúng cảm thấy xấu hổ, nên im lặng. Khi thấy chúng im lặng, con của Bồ-tát, một sư tử con, hỏi cha:
– Thưa cha thân, các sư tử thường rống lên và chơi trò sư tử , nhưng khi nghe thấy tiếng con chó rừng lại xấu hổ và im lặng. Con vật ấy là con gì đã tự phơi bày tiếng rống hạ liệt của mình?
Sư tử con đọc bài kệ đầu để hỏi:
Ai đã rống lớn tiếng,
Vang dội Dad-da-ra,
Vì sao các sư tử
Lại không rống đáp lại?
Con thú rống như vậy
Tên nó gọi là gì?
Khi nghe vậy, sư tử cha đọc bài kệ thứ hai:
Chính là con chó rừng
Ðã rống, này con thân,
Con vật bần tiện nhất
Giữa các loại sanh thú,
Ghê tởm hạ sanh nó,
Sư tử ngồi im lặng.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Kokàlika với tiếng rống đã phơi bày sự kém cỏi của mình ta. Thuở trước, kẻ ấy cũng làm như vậy rồi.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con chó rừng là Kokàlika, sư tử con là La-hầu-la, còn sư tử chúa là Ta vậy.
-ooOoo-
Có một kẻ khốn cùng…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ-Viên, bậc Ðạo Sư kể về một kẻ gian trá. (Hoàn cảnh câu chuyện này sẽ được trình bày trong Chương XIV, Tiền thân Uddàla (số 487)). Lúc bấy giờ, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo này mới gian trá. Thuở xưa, kẻ ấy là con vượn, vì ngọn lửa, cũng đã gian trá như vậy rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta trị vì ở Bà-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn tại một làng ở Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành, và đã đi học đủ các tài nghệ ở Takkasilà, Bồ-tát lập gia đình. Nữ Bà-la-môn ở nhà, sanh được một con trai. Khi đứa con bắt đầu chạy qua chạy lại, nữ Bà-la-môn mệnh chung. Bồ-tát làm xong tang lễ cho người chết, liền suy nghĩ: “Nay ta còn sống ở gia đình làm gì?” Và dắt con đi với ý định: “Chúng ta sẽ xuất gia”.
Từ giã bà con bạn bè tiễn đưa khóc lóc, Bồ-tát đem theo con đi vào Tuyết Sơn, làm vị ẩn sĩ, và sinh sống trong rừng với các thứ rễ và trái cây.
Một hôm, trong khi trời mưa, Bồ-tát đốt lửa củi lên, nằm xuống trên một tấm phản và hơ lửa cho ấm. Cậu con trai ngồi xoa bóp chân cha. Có một con vượn rừng bị lạnh hành hạ, chợt thấy ngọn lửa trong chòi lá của Bồ-tát, liền suy nghĩ: “Nếu ta vào đấy, chúng sẽ đập ta và la: Ôi con vượn, con vượn, và đuổi ta ra ngoài. Như vậy ta không sưởi lửa được. Nay ta có một phương tiện. Ta sẽ khoác áo một người tu khổ hạnh, và trá hình đi vào”. Vì vậy, nó choàng áo bằng vỏ cây của một người tu khổ hạnh đã chết, cầm lấy cái rổ và cái gậy có móc của nó, dựa vào một cây cọ dừa ở cửa chòi lá, và đứng đấy co ro cúm rúm. Cậu trai khổ hạnh thấy nó, không biết nó là con vượn, suy nghĩ: “Có một vị tu khổ hạnh lớn tuổi, bị rét muốn đến hơ lửa! Ta sẽ nói với cha ta cho vị này vào chòi lá và hơ lửa”. Vì vậy, cậu gọi cha và đọc bài kệ đầu:
Có một kẻ khốn cùng
Dựa vào cây cọ dừa,
Ðây ta có chòi lá,
Cho nó vào, cha thân.
Bồ-tát nghe con nói liền đứng dậy, ra cửa chòi lá nhìn, biết đấy là con vượn, ngài bảo:
– Này con thân, bộ mặt như vậy không phải là người thường, nó là con vượn, chớ gọi nó vào.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Con thân, chớ gọi nói,
Nó làm nhớp nhà ta!
Bộ mặt vậy không phải
Hạnh tốt Bà-la-môn.
Bồ-tát cầm một nhánh củi, ném nó và la lớn:
– Người đứng đấy làm gì?
Và đuổi nó đi. Con vượn quăng bỏ áo bằng vỏ cây, leo lên cây và đi vào trong khóm rừng.
Sau đó Bồ-tát tu tập Bốn Vô lượng tâm từ, bi, hỷ, xả, và khi mạng chung được sanh lên Phạm thiên giới.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ con vượn là Tỷ-kheo gian trá, con trai vị tu khổ hạnh là La-hầu-la và vị tu khổ hạnh là Ta vậy.
-ooOoo-
Ta đã cho nhà ngươi…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc lâm, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa. Một hôm, các Tỷ-kheo ngồi tại Chánh pháp đường, nói chuyện về Ðề-bà-đạt-đa không nhớ ơn và phản lại bạn bè. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới không nhớ ơn và phản lại bạn bè. Thuở trước, kẻ ấy cũng vậy rồi.
R ồi bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn, tại một làng ở Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát lập gia đình.
Lúc bấy giờ, trên một đại lộ trong xứ Kàsi có một cái giếng sâu, không ai xuống được. Những người qua lại con đường có các loài thú ở, muốn tạo công đức, thường dùng dây dài và cái gàu, múc nước đổ vào cái máng và cho các loài thú uống. Xung quanh giếng ấy có rừng lớn bao bọc, và nhiều con vượn sống tại đấy.
Rồi trên con đường ấy, trong hai ba ngày số nước do người qua lại cung cấp đã cạn. Các loại thú không có nước uống. Một con vượn bị cơn khát hành hạ, cứ đi qua lại gần cái giếng để tìm nước. Bấy giờ vì một vài công việc, Bồ-tát đi ngang qua đường ấy, kéo nước lên uống xong, Bồ-tát rửa tay chân và thấy con vượn ấy. Biết con vượn khát nước, Bồ-tát liền kéo nước lên, đổ đầy máng nước và cho nó uống. Rồi Bồ-tát nằm xuống một gốc cây để xem con vượn làm gì. Con vượn uống nước xong, ngồi xuống không xa với bộ mặt làm các trò khỉ để doạ Bồ-tát. Bồ-tát thấy nó làm vậy liền nói:
– Ôi, con vượn ác độc kia, ta thấy ngươi mệt mỏi khát nước đã cho ngươi uống. Nay ngươi lại lấy bộ mặt này làm các trò khỉ dọa nạt ta. Ôi, giúp đỡ kẻ làm ác không có lợi ích chỉ nhọc công toi.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ đầu:
Ta đã cho nhà ngươi
Ðược nhiều nước như vậy,
Ngươi bị nóng bức bách,
Ngươi bị khát hành hạ,
Nhưng nay đã uống xong,
Ngươi ngồi làm trò khỉ,
Tốt nhất, vậy không nên
Liên hệ với kẻ ác.
Nghe vậy, con vượn phản bạn ấy nói:
– Ngươi tưởng rằng ta chỉ làm vậy thôi sao?Ta sẽ làm rơi phân trên đầu ngươi trước khi đi.
Rồi nó đọc bài kệ thứ hai:
Ai từng nghe hoặc thấy
Khỉ nào có giới đức?
Nay thả phân đầu ngươi,
Thói chúng ta là vậy.
Nghe vậy, Bồ-tát đứng dậy bắt đầu đi. Con vượn ngay lúc ấy, leo lên ngồi trên một nhành cây thả phân trên đầu Bồ-tát như vòng hoa rơi xuống và kêu lớn tiếng, rồi bỏ đi vào khóm rừng. Bồ-tát tắm xong rồi ra đi.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới như vậy. Thuở trước, kẻ ấy cũng không biết công đức Ta làm.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con vượn là Ðề-bà-đạt-đa, còn vị Bà-la-môn là Ta vậy.
-ooOoo-
Nghe nói mọi chúng sanh…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một kẻ man trá.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Bà-la-môn, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài học mọi tài nghệ ở Takkasilà. Rồi ngài xuất gia làm vị đạo sĩ, đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng và trở thành một sư trưởng của một hội chúng đông đảo sống tại Tuyết Sơn. Bồ-tát ở đấy lâu ngày, rồi vì mục đích lấy muối và giấm, ngài đi xuống núi, và sống trong một chòi lá gần một làng ở biên địa.
Trong khi chúng đạo sĩ đi khất thực, một con vượn tham lam đến chỗ am thất, xáo trộn chòi lá, đổ nước ở các ghè ra, đập vỡ các bình, và phóng uế vào căn nhà có thờ lửa. Sau khi an cư mùa mưa, các vị tu khổ hạnh nghĩ: “Nay ở Tuyết Sơn đang thời kỳ nở hoa kết trái rất là đẹp mắt. Chúng ta sẽ đi về Tuyết Sơn”.Vì vậy họ báo tin cho dân làng sống ở biên địa. Các dân làng nói:
– Thưa các Tôn giả, ngày mai chúng tôi sẽ đem theo thức ăn đi đến am thất. Các Tôn giả sẽ ăn rồi ra đi.
Ngày hôm sau, họ đem theo nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm, và đi đến chỗ ấy. Thấy vậy, con vượn ấy suy nghĩ: “Ta sẽ lừa dối các người này khiến chúng hoan hỷ, đem cho ta các món ăn loại cứng và loại mềm”. Rồi làm ra vẻ như người sống khổ hạnh đang giữ giới, nó đứng đảnh lễ mặt trời không xa các vị tu khổ hạnh. Các dân làng thấy nó, liền nói:
– Những ai sống gần các bậc giới hạnh cũng có giới hạnh.
Rồi họ đọc bài kệ đầu:
Nghe nói mọi chúng sanh
Ðều có giữ giới hạnh,
Hãy xem vượn khốn khổ
Sống ở trên cành này,
Ðang đảnh lễ mặt trời.
Thấy các người ấy tán thán công đức của nó, Bồ-tát nói:
– Các ông không biết tánh hạnh của con khỉ tham lam này, nên hoan hỷ khen ngợi nó không có căn cứ.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Không biết tánh hạnh nó,
Các người cứ ngợi khen,
Nó làm bẩn lửa thiêng,
Ðập vỡ các ghè nước.
Khi biết được sự man trá của con vượn, họ lấy đá và gậy đánh nó rồi cúng đồ ăn cho các đạo sĩ. Rồi các đạo sĩ đi về Tuyết Sơn, tu tập Thiền định không gián đoạn, cuối cùng khi thân hoại mạng chung, được sanh lên Phạm thiên giới.
*
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con vượn là kẻ man trá này, hội chúng đạo sĩ là hội chúng đức Phật, và vị Sư trưởng hội chúng là Ta vậy.
-ooOoo-
Thưa Nhân chủ, vượn này…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về vua Kosala.
Một thời, trong mùa mưa, bạo loạn bùng nổ ở biên địa. Quân lính đến đóng đồn tại đó và sau hai ba trận giao chiến, họ không thể đánh bại quân địch, liền dâng sớ trình vua. Mặc dù đang mùa mưa, vua vẫn ra đi và cắm trại trước Kỳ Viên. Rồi vua bắt đầu suy nghĩ: “Khởi binh trong mùa mưa, các khe đá hang đá đều ngập nước, đường sá rất khó đi. Ta sẽ đi đến viếng thăm bậc Ðạo sư”. Khi ngài hỏi: “Thưa Ðại vương, Ðại vương đi đâu?” ta sẽ trình sự việc cho Ngài biết. Bậc Ðạo Sư không chỉ che chở làm lợi ích cho ta trong đời tương lai, mà còn che chở cho ta trong hiện tại. Do vậy, nếu việc ra đi của ta không được thuận tiện, Ngài sẽ nói với ta: “Thưa Ðại vương, nay không đúng thời. Còn nếu việc ra đi được thuận tiện, ngài sẽ im lặng”. Vì vậy, vua đi vào Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo sư và ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Thưa Ðại vương, Ðại vương đi từ đâu đến quá sớm như vậy?
Vua trả lời:
– Bạch Thế Tôn, trẫm sắp đi dẹp loạn ở biên địa. Ðảnh lễ Thế Tôn xong, trẫm sẽ đi.
Bậc Ðạo sư nói:
– Thuở xưa, trước khi ra trận, nghe lời nói của các bậc Hiền trí, các đại vương đã không xuất quân phi thời.
Rồi theo lời yêu cầu của vua, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị đại thần tâm phúc của nhà vua và cố vấn giúp vua về các vấn đề tục sự và thánh sự. Thời ấy có một cuộc nổi loạn tại biên địa, và các lính biên phòng gửi cho vua một bức thư. Vua xuất quân vào mùa mưa, và đóng trại ở ngự viện. Bồ-tát đứng cạnh vua. Lúc ấy có người nấu sôi một loại đậu cho ngựa ăn, và đem đậu đổ vào máng. Một con vượn ở trong vườn, từ cây leo xuống, lấy những hạt đậu từ nơi máng ấy, ngậm đầy miệng và nắm đầy tay, leo lên cây, lại ngồi đấy và bắt đầu ăn.
Trong khi nó đang ăn, một hạt đầu từ tay rơi xuống đất, nó quăng bỏ tất cả hột đậu lấy từ miệng và từ tay, rồi từ cây leo xuống, tìm hột đậu bị rơi ấy. Nhưng không thấy hạt đậu nó lại leo lên cây, ngồi trên cành, buồn bã, xịu mặt, như thua vụ kiện cả ngàn đồng. Vua thấy việc con vượn làm, chỉ cho Bồ-tát và hỏi:
– Này khanh, khanh nghĩ thế nào về việc làm này của con vượn?
Bồ-tát thưa:
– Thưa Ðại vương, kẻ ngu kém trí bỏ ra nhiều tiền để mua được ít, chính là như vậy.
Rồi Bồ-tát đọc lên bài kệ đầu:
Thưa Nhân chủ, vượn này
Ngu si sống trên cành,
Trí tuệ nó không có,
Nó đã quăng tất cả
Nắm đậu nằm trong tay,
Ðể tìm một hột rơi.
Sau đó vị đại thần đi đến gần vua và đọc bài kệ thứ hai:
Chúng ta và người khác
Tham lam cũng như vậy,
Thưa Ðại vương, chúng ta
Mất nhiều để được ít,
Chẳng khác con vượn ấy
Xử sự với hột đậu.
Vua nghe Bồ-tát nói vậy, liền quay trở lại, và vào thành Ba-la-nại. Các bọn ăn cướp nghe tin vua xuất quân chinh phạt kẻ thù và đã đi ra khỏi thành, liền chạy trốn khỏi biên địa.
Vào thời có câu chuyện hiện tại, bọn ăn cướp nghe tin Vua Kosala đã đi ra khỏi thành, liền chạy trốn.
Vua nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Ngài với thân bên hữu hướng về Ngài rồi đi về Xá-vệ.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, nhà vua là Ànanda, và vị đại thần có trí là Ta vậy.
-ooOoo-
Tay cầm cung, ống tên…,
Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về trí tuệ Ba-la-mật. Bậc Ðạo Sư nghe tán thán trí tuệ của mình như ở trong Tiền thân Mahàbodhi (số 528) và trong Tiên thân Ummagga (số 538) đã nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Như Lai mới có trí tuệ. Thuở xưa, Như Lai cũng có trí tuệ và thiện xảo phương tiện rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con khỉ, với tám mươi ngàn khỉ con vây quanh, sống tại núi Tuyết. Gần đấy, có một làng nhỏ ở biên địa, khi thì có người ở, khi thì không. Giữa ngôi làng ấy, có một cây Tinduka sanh trái ngọt, và cành lá sum suê. Khi không có người ở, đàn khỉ đến ăn trái cây.
Một thời, trong mùa có trái, làng ấy đầy người đến ở, một hàng rào được dựng lên xung quanh và có cửa canh gác. Cây ấy đứng tại đấy, với cành cây nặng trĩu quả. Bầy khỉ suy nghĩ: “Trước kia tại làng ấy ta thường ăn trái cây Tinduka. Cây ấy nay có nhiều trái hay không và có nhiều người ở đó hay không?” Nghĩ vậy, chúng cử một con khỉ đi thăm dò.
– Hãy đi và tìm cho biết tin này.
Con khỉ ấy đi, biết được cây ấy đầy trái, và làng có nhiều người, liền về và báo tin lại. Ðàn khỉ nghe cây đầy trái, chúng quyết đi hái trái để ăn, liền đến tìm khỉ chúa và báo tin ấy. Khỉ chúa hỏi:
– Làng có người ở hay không có người ở?
– Thưa chúa đàn, có người ở!
– Vậy chớ nên đi, vì loài người rất xảo quyệt.
– Thưa chúa đàn, vào nửa đêm trong lúc loài người nằm ngủ, chúng tôi sẽ đến ăn!
Cả đàn khỉ đông đảo xin được phép của khỉ chúa, từ núi Tuyết đi xuống, nằm trên mặt một tảng đá, không xa làng bao nhiêu, chờ cho đến lúc mọi người đi ngủ. Vào nửa đêm, khi mọi người đã ngủ say, chúng leo cây và ăn trái. Một người kia có việc cần ra khỏi nhà, đến giữa làng thấy các con khỉ, liền báo cho mọi người biết. Nhiều người nai nịt cung, tên, tay cầm nhiều loại vũ khí, cầm đá, gậy, và nghĩ: “Khi trời đã sáng, chúng ta sẽ bắt những con khỉ”. Họ vây quanh cây và đứng chờ.
Tám mươi ngàn con khỉ thấy những người này, sợ chết, suy nghĩ: “Không có nơi nương tựa nào khác ngoài khỉ chúa”, bèn đi đến gần khỉ chúa và đọc bài kệ đầu:
Tay cầm cung, ống tên,
Mang các loài gươm tốt,
Chúng bao vây chúng tôi,
Làm sao được giải thoát?
Nghe chúng nói, khỉ chúa an ủi:
– Chớ sợ. Loài người có nhiều việc phải làm.
Khỉ chúa an ủi chúng xong, liền đọc bài kệ thứ hai:
Loài người có nhiều việc,
Sẽ giải tán đám đông,
Những gì cây còn lại,
Hãy ăn Tin-du-ka.
Bậc Ðại Sĩ an ủi đàn khỉ. Nếu chúng không được sự an ủi như vậy, tất cả sẽ vỡ tim và chết. Bậc Ðại Sĩ an ủi đàn khỉ, rồi bảo họp lại tất cả bọn. Khi chúng đã họp, chúng không thấy con khỉ Senaka, cháu trai của khỉ chúa. Chúng báo cho khỉ chúa biết Senaka không đến, khỉ chúa nói:
– Nếu Senaka không đến, các ngươi chớ lo. Nay nó sẽ đem lại an toàn cho các ngươi đó.
Còn Senaka vẫn ngủ khi đàn khỉ ra đi. Sau khi thức dậy, không thấy ai, nó đi theo dấu chân chúng, thấy mọi người đến, và biết rằng đàn khỉ sẽ gặp nạn.
Khi thấy một ngôi nhà ở biên địa có lửa đốt lên và một bà già đang ngủ say, nó đi đến, và làm như một đứa trẻ ở làng đi ra đồng, nó cầm lấy một que lửa, và đứng theo chiều gió thổi, nó đốt làng cháy. Các người ấy liền bỏ đàn khỉ, vội vàng chạy đến dập tắt lửa. Trước khi chạy, mỗi con khỉ hái một trái cây mang theo về cho Senaka.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Senaka, cháu của khỉ chúa, là Mahànàma, đàn khỉ là hội chúng đức Phật, còn khỉ chúa là Ta vậy.
-ooOoo-
Tại đây ta sanh ra…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một người được chữa khỏi bệnh thổ tả. Một thời, tại một gia đình ở Xá-vệ, có bệnh thổ tả lan đến. Cha mẹ nói với con trai:
– Này con thân, chớ sống trong nhà này. Hãy phá tường và trốn đi, đến một chỗ nào đó và bảo vệ sự sống. Sau khi về, tại chỗ này có nhiều của chôn cất, con hãy đào lên, dựng lại cơ nghiệp và sống hạnh phúc.
Nghe nói vậy, người con trai vâng theo và phá bức tường chạy trốn. Khi chứng bệnh của mình đã chấm dứt, anh ta trở về, đào của cải lên và sống đời sống gia đình. Một hôm, anh ta đem theo bơ chín, dầu, vải và áo ấm… đi đến Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo Sư và ngồi xuống. Sau khi tiếp đón anh ta, bậc Ðạo Sư liền hỏi:
– Chúng ta nghe nhà của con có bệnh dịch tả lây lan làm thế nào con thoát được?
Anh ta kể lại sự tình. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này cư sĩ, thuở xưa khi tai hoạ khởi lên, có những kẻ quá luyến tiếc trú xứ của mình và không đi chỗ khác, nên đã không giữ được mạng sống. Còn những kẻ không quá luyến tiếc trú xứ và bỏ đi nơi khác thì đã cứu được mình.
Nói như vậy xong, theo lời yêu cầu của người con trai, bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình làm đồ gốm ở một ngôi làng nhỏ. Bồ-tát cũng làm nghề gốm để nuôi dưỡng vợ con.
Lúc bấy giờ, có một hồ nước lớn gần một con sông lớn ở Ba-la-nại. Trong thời nước lớn, hồ ngập nước từ con sông tràn vào; trong thời nước yếu, hồ nước tách riêng. Các con cá và rùa biết: Trong năm nay sẽ có mưa nhiều, hay trong năm nay sẽ có hạn hán. Vào thời có chuyện này có con cá và rùa sanh trong hồ ấy biết: Trong năm nay, sẽ hạn hán.
Vì vậy trong khi nước hồ còn hợp thành một với sông, chúng từ trong hồ bơi ra và đi đến con sông. Nhưng có một con rùa nghĩ: “Chỗ này ta sanh ra, chỗ ta lớn lên, chỗ ở của cha mẹ, ta không thể bỏ chỗ này được”. Nghĩ vậy, nó không đi ra sông.
Trong thời kỳ mùa hạ, ở đấy, nước bị khô cạn, con rùa ấy đào đất tại chỗ Bồ-tát thường đến lấy đất sét. Bồ-tát đi đến đấy để lấy đất sét với cái cuốc lớn và đào đất lên, đập trên lưng con rùa, với cái cuốc hất nó lên và quăng nó trên mặt đất như một cục đất. Trong khi cảm thọ đau đớn, con rùa ấy nói:
– Do ta không từ bỏ chỗ ở, nên phải gặp nạn diệt vong như vậy.
Nói vậy xong, nó khóc với những bài kệ:
Tại đây, ta sanh ra,
Trong bùn này ta sống,
Ta yếu đuối thế này,
Thế Tôn, con van Ngài,
Hãy nghe tiếng con thưa.
Ở làng hay tại rừng,
Chỗ nào được an lạc,
Với người có trí thức,
Là chỗ sanh, chỗ lớn.
Chỗ nào có sự sống,
Hãy đi đến chỗ ấy,
Tốt hơn chỗ trú ẩn
Ðem lại sự hủy diệt.
Như vậy, con rùa nói với Bồ-tát rồi chết. Bồ-tát lượm nó lên, họp mọi người trong làng lại, khuyến dạy họ như sau:
– Hãy xem con rùa này! Trong khi các loài cá, loài rùa khác đi ra trên sông lớn, nó không thể cắt đứt sự luyến ái đối với trú xứ, không cùng đi ra sông, đào đất ở chỗ ta đến lấy đất sét, với các cuốc lớn, ta đập vỡ lưng của nó và quăng nó lên mặt đất như một cục đất. Nó nhớ đến việc làm của mình, than khóc với hai bài kệ rồi chết. Như vậy, do luyến ái trú xứ của mình, nó phải chết. Các ngươi chớ làm như con rùa này. Bắt đầu từ nay, đừng nghĩ rằng: “Sắc của ta, tiếng của ta, chớ có tham ái, vì thọ hưởng chấp thủ chúng. Mọi chúng sanh đến phải trải qua ba hiện hữu (dục hữu, sắc hữu, và vô sắc hữu).
Như vậy với sự tinh thông của một bậc Giác ngộ, Bồ-tát khuyên dạy đại chúng. Lời khuyên dạy của Bồ-tát lan rộng toàn cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ) và tồn tại đến bảy trăm năm. Ðại chúng nghe lời Bồ-tát khuyên dạy, làm các công đức như bố thí v.v… rồi khi mạng chung, họ sanh lên Thiên giới.
*
Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Ðạo Sư liền giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, người thanh niên đã đắc quả Dự lưu.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con rùa là Ànanda, còn người làm đồ gốm là Ta vậy.
-ooOoo-
Nhỏ thay dư tàn ấy…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về hai mươi mốt sinh kế phi pháp. Một thời, nhiều Tỷ-kheo làm nghề thầy thuốc, nghề sứ giả, nghề đưa tin, nghề liên lạc đường bộ, đổi đồ ăn khất thực v.v… (Những pháp này sẽ được nói đến trong Tiền thân Saketa (237 và 68)). Khi bậc Ðạo Sư biết được các Tỷ-kheo đã sinh sống như vậy, Ngài nói:
– Nay nhiều Tỷ-kheo đã sinh sống phi pháp. Sinh sống như vậy, sẽ không giải thoát mà còn đọa làm Dạ-xoa, hay ngạ quỷ. Họ sẽ sanh làm những trâu bò chở nặng, một số sẽ thác sanh vào địa ngục. Vì hạnh phúc và an lạc cho họ, ta cần phải nói lên một bài pháp liên hệ đến cá nhân.
Vì vậy bậc Ðạo Sư bảo họp các Tỷ-kheo lại và nói:
– Này các Tỷ-kheo, các ông chớ làm hai mươi mốt sanh kế phi pháp. Ðồ ăn khất thực nhận được phi pháp, giống như hòn sắc nung đỏ, ví như nọc rắn độc, các sanh kế phi pháp này đã bị các đệ tử chư Phật, các Ðộc giác Phật chỉ trích và bài xích. Hưởng thọ các món ăn khất thực nhận được do sanh kế phi pháp không đem lại vui cười hoan hỷ. Các đồ ăn khất thực nhận được như vậy trong Giáo hội của Ta, chẳng khác gì món ăn tàn dư của kẻ hạ tiện.
Sau khi nói vậy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con một người ở đẳng cấp hạ tiện. Khi đến tuổi trưởng thành, vì một vài công việc Bồ-tát lên đường ra đi và đem theo một giỏ gạo làm lương thực. Lúc bấy giờ, tại Ba-la-nại có một thanh niên tên là Satadhamma, là con một gia đình đại Bà-la-môn nhưng không đem theo gạo để làm lương thực. Cả hai cũng gặp nhau trên con đường lớn. Thanh niên ấy hỏi Bồ-tát:
– Ngươi ở giai cấp gì?
Bồ-tát đáp:
– Tôi thuộc giai cấp hạ tiện.
Bồ-tát hỏi:
– Cậu ở giai cấp gì?
Anh ta đáp:
– Tôi thuộc giai cấp Bà-la-môn phương bắc.
– Lành thay, chúng ta cùng đi.
Cả hai cùng đi. Khi đến giờ ăn sáng, Bồ-tát ngồi xuống tại chỗ có nước tốt, rửa tay, mở giỏ cơm, và nói với thanh niên ấy:
– Hãy ăn cơm!
– Này tiện dân, ta không cần cơm.
Bồ-tát nói:
– Lành thay!
Rồi không để cho dư cơm thừa, Bồ-tát bỏ cơm vừa đủ cho mình ăn trên một cái lá khác, cột cái giỏ lại, để nó một bên. Bồ-tát ăn xong, uống nước, rửa tay chân, rồi cầm lấy cơm gạo còn lại và nói với thanh niên:
– Này cậu, chúng ta cùng đi.
Rồi họ lại lên đường. Cả ngày hai người cùng đi, đến chiều cả hai tắm tại một chỗ có nước tốt. Sau khi tắm xong, họ lên bờ. Bồ-tát ngồi một chỗ thoải mái, mở giỏ cơm, không mời cậu thanh niên kia và bắt đầu ngồi ăn. Cậu trai kia cả ngày đi mệt mỏi, lại đói bụng, đứng nhìn và nghĩ: “Nếu nó cho ta cơm, ta sẽ ăn”. Bồ-tát không nói gì, vẫn ăn. Cậu trai nghĩ: “Kẻ hạ tiện này không mời gì ta, lại ăn hết cả đồ ăn. Ðể khỏi bị đói bức bách, ta lấy một miếng, quăng đi phần cơm dơ bẩn ở trên và phần cơm còn lại.” Anh ta làm như anh đã nghĩ, và ăn phần cơm đươc làm cho sạch sẽ. Vừa ăn xong, anh ta hết sức hối hận ăn năn. Anh nôn hết thức ăn và máu trào ra theo đó:
– Ôi vì ta phóng dật, đã làm một việc không thích đáng. Ta đã làm nhục dòng họ, gia tộc cao quý của ta. Ta đã ăn phần cơm dư thừa của một tên hạ đẳng!
Sau khi khóc than, sầu muộn, anh ta nói lên bài kệ đầu:
Nhỏ thay, dư tàn ấy,
Nó cho rất khó khăn!
Ta sanh là Phạm chí,
Món ăn, bị nôn ra.
Cậu trai ấy than khóc như vậy:
– Hôm nay ta đã làm một việc không thích đáng chỉ vì sự sống!
Nói vậy xong, anh ta đi sâu vào rừng, không để một ai thấy mình, rồi anh ta sầu muộn và chết cô độc.
*
Sau khi kể câu chuyện quá khứ bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, giống như thanh niên Satadhamma, sau khi ăn đồ ăn dư tàn của kẻ hạ tiện, đã tự trách mình đã ăn không xứng đáng, nên không vui cười, không hoan hỷ. Cũng vậy, ai xuất gia trong Giáo hội này và sống với sinh kế phi pháp, khi hưởng thọ thức ăn đã nhận được do cách thức như trên, đã sống một nếp sống bị đức Phật bài bác và chỉ trích, kẻ ấy sẽ không vui cười và hoan hỷ.
Rồi bậc Ðạo Sư đọc bài kệ thứ hai:
Ai hủy hoại chánh pháp,
Sinh sống theo phi pháp,
Như Sa-ta-dham-ma,
Sống không được hoan hỷ.
Như vậy, bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này xong, liền thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, nhiều Tỷ-kheo đã đắc các Ðạo và Quả.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, Ta là kẻ tiện dân ấy.
-ooOoo-
Cho những gì khó cho…,
Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về sự bố thí của hội chúng. Ở Xá-vệ, có hai người bạn là con trai của những điền chủ, cùng nhau đi quyên, rồi sắp đặt tất cả các món vật dụng, mời chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị lãnh đạo và tổ chức đại bố thí trong bảy ngày. Ðến ngày thứ bảy, họ bố thí tất cả các món vật dụng, mời vị cao niên nhất trong hội chúng đảnh lễ bậc Ðạo Sư, rồi ngồi xuống một bên và thưa:
– Bạch Thế Tôn, trong sự bố thí này, có người cho nhiều, có người cho ít. Mong rằng bố thí này sẽ có quả báo lớn cho tất cả mọi người.
Vị cao niên dâng lễ cúng dường tác bạch như vậy. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các cư sĩ! Các ông cúng dường chúng Tăng với đức Phật là vị lãnh đạo, dâng cúng như vậy là thiện nghiệp lớn. Các bậc Hiền trí thuở xưa, khi bố thí như vậy cũng tác bạch cúng dường như vậy.
Nói xong, theo lời yêu cầu của các vị ấy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở xứ Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát được học tập tại Takkasilà, sau đó xuất gia sống đời đạo sĩ, cùng với một hội chúng đệ tử đến sống ở vùng Tuyết Sơn. Hội chúng sống lâu ngày trong khu vực Tuyết Sơn, khi cần muối và giấm chua, đã đi xuống quốc lộ, họ đi đến Ba-la-nại và sống trong ngự uyển của vua.
Ngày hôm sau, Bồ-tát cùng với hội chúng đi khất thực tại ngôi làng gần cửa thành để dân làng bố thí đồ ăn. Ngày tiếp, Bồ-tát đi khất thực tại Ba-la-nại. Dân chúng vui vẻ bố thí đồ ăn. Họ họp thành đoàn thể, thâu góp đồ quyên được, sửa soạn bố thí, và tổ chức một cuộc bố thí lớn cho hội chúng đạo sĩ. Cuối cuộc bố thí, bậc cao niên nhất nói về cách thức dâng đồ cúng dường. Bồ-tát nói:
– Này các Hiền giả, khi nào tâm hoan hỷ, thì không có bố thí nào nhỏ cả.
Nói xong lời tùy hỷ, Bồ-tát đọc các bài kệ này:
Cho những gì khó cho,
Làm những việc khó làm,
Kẻ xấu khó làm được,
Pháp kẻ thiện khó theo.
Do vậy kẻ thiện, ác,
Từ đây đi khác nhau.
Kẻ ác xuống địa ngục,
Bậc thiện lên Thiên giới.
Như vậy, Bồ-tát nói lời tùy hỷ, rồi sống tại đấy trong bốn tháng mùa mưa. Sau khi mùa mưa đã qua, ngài đi đến Tuyết Sơn tu tập, thiền định không gián đoạn và sau khi mạng chung, được sanh lên cõi Phạm thiên.
*
Bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này xong, liền nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, chúng đạo sĩ là hội chúng đức Phật, và Sư trưởng hội chúng là Ta vậy.
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 27