Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikāya) »» Tập II – Chương Hai – Tương Ưng Minh Kiến

Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikāya) »» Tập II – Chương Hai – Tương Ưng Minh Kiến

Dịch giả: Thích Minh Châu



(Download file MP3
– 3.05 MB – Thời gian phát: 17 phút 46 giây.)

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


A. Nội dung

I. Ðầu Ngón Tay (S.ii,133)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Rồi Thế Tôn lấy lên một ít bụi trên đầu móng tay rồi gọi các Tỷ-kheo:

— Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì nhiều hơn, một ít bụi này Ta lấy lên trên đầu ngón tay, hay là quả đất lớn này?

3) — Chính cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là quả đất lớn này. Ít hơn là một ít bụi được Thế Tôn lấy lên trên đầu ngón tay; không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần có thể sánh bằng, khi so sánh quả đất lớn với một ít bụi được Thế Tôn lấy lên trên đầu ngón tay.

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị Thánh đệ tử đã chứng được kiến cụ túc, đối với người đã chứng được minh kiến, cái này là nhiều hơn, tức là khổ đã được đoạn tận, đã được diệt tận; ít hơn là khổ còn lại, không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh với khổ uẩn trước đã được đoạn tận, đã được diệt tận, tức là bảy lần nhiều hơn.

5) Như vậy lợi ích lớn thay, này các Tỷ-kheo, là pháp minh kiến (Dhammà -sbhisamayo: pháp hiện quán); như vậy lợi ích lớn thay là chứng đắc pháp nhãn.

II. Hồ Sen (Tạp 5.7, Ðại 2,34a) (S.ii,134)

1) Trú ở Sàvatthi.

2) — Này các Tỷ-kheo, ví như một hồ sen 50 do tuần bề dài, 50 do tuần bề rộng và 50 do tuần bề sâu, nước đầy tràn khiến con quạ có thể uống được. Từ nơi hồ sen ấy một người lấy nước lên với đầu ngọn cỏ. Các Ông nghĩ thế nào? Này các Tỷ-kheo, cái nào nhiều hơn, nước được lấy lên trên đầu ngọn cỏ, hay nước của hồ sen?

3) — Chính cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là nước của hồ sen; ít hơn là nước được lấy lên trên đầu ngọn cỏ, không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh nước của hồ sen với nước được lấy lên trên đầu ngọn cỏ.

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với bậc Thánh đệ tử đã chứng được kiến cụ túc, đối với người đã chứng được minh kiến, cái này là nhiều hơn, tức là khổ đã được đoạn tận, đã được diệt tận; ít hơn là khổ còn lại. Không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh với khổ uẩn trước đã được đoạn tận, đã được diệt tận, tức là bảy lần nhiều hơn.

5) Như vậy lợi ích lớn thay, này các Tỷ-kheo, là pháp minh kiến; như vậy lợi ích lớn thay là chứng đắc pháp nhãn!

III. Nước Sông Hợp Dòng (Sii,134)

1) … Trú ở Sàvatthi.

2) — Này các Tỷ-kheo, ví như các con sông lớn này, cùng nhau đồng chảy, cùng nhau hợp dòng, như sông Gangà (sông Hằng), sông Yamunà, sông Aciravatii, sông Sarabhuu, sông Mahii. Từ chỗ các hợp dòng ấy, một người lấy lên hai hay ba giọt nước. Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái nào là nhiều hơn, hai hay ba giọt nước được lấy lên, hay là nước ở chỗ hợp dòng?

3) — Chính cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là nước ở chỗ hợp dòng; ít hơn là hai ba giọt nước được lấy lên; không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh nước ở chỗ hợp dòng với hai hay ba giọt nước được lấy lên.

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo… (như trên)…

IV. Nước Sông Hợp Dòng (S.ii,135)

1) … Trú ở Sàvatthi.

2) — Này các Tỷ-kheo, ví như các con sông lớn này, cùng nhau đồng chảy, cùng nhau hợp dòng, như sông Gangà, sông Yamunà, sông Aciravatì, sông Sarabhuu, sông Mahì; nước các sông ấy đi đến đoạn tận, diệt tận, chỉ trừ hai hay ba giọt nước, các Ông nghĩ thế nào? Này các Tỷ-kheo, cái gì nhiều hơn, nước sông hợp dòng đi đến đoạn tận, diệt tận, hay là hai hay ba giọt nước còn lại?

3) — Chính cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là nước hợp dòng đi đến đoạn tận, diệt tận. Ít hơn là hai hay ba giọt nước còn lại. Không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh nước sông hợp dòng đi đến đoạn tận, diệt tận với hai hay ba giọt nước còn lại.

4) — Cũng vậy, này các Tỳ-kheo…

V. Quả Ðất (S.ii,135)

1) … Trú ở Sàvatthi.

2) … Ví như, này các Tỷ-kheo, có người đặt bảy cục đất tròn lớn bằng hột táo trên quả đất lớn. Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Cái nào là nhiều hơn, bảy cục đất tròn to bằng hột táo được đặt trên quả đất, hay là quả đất lớn?

3) — Chính cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là quả đất lớn. Ít hơn là bảy cục đất tròn to bằng hột táo được đặt trên quả đất. Không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh quả đất lớn với bảy cục đất tròn được đặt trên quả đất.

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo…

VI. Quả Ðất (S.ii,136)

1) … Trú ở Sàvatthi.

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, quả đất lớn đi đến đoạn tận, diệt tận, trừ bảy cục đất tròn lớn bằng hột táo. Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo? Cái nào là nhiều hơn, quả đất lớn đi đến đoạn tận, diệt tận, hay là bảy cục đất tròn lớn bằng hột táo còn lại?

3) — Chính cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là quả đất lớn đi đến đoạn tận, diệt tận. Ít hơn là bảy cục đất tròn lớn bằng hột táo còn lại. Không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh quả đất lớn đi đến đoạn tận, diệt tận với bảy cục đất tròn lớn bằng hột táo còn lại.

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo…

VII. Biển (S.ii,136)

1) … Trú ở Sàvatthi.

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một người từ biển lớn lấy lên hai hay ba giọt nước. Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo? Cái nào là nhiều hơn, hai hay ba giọt nước được lấy lên, hay là nước biển lớn?

3) — Chính cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là nước biển lớn. Ít hơn là hai hay ba giọt nước được lấy lên. Không phải một trăm lần không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh nước biển lớn với hai hay ba giọt nước được lấy lên.

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo…

VIII. Biển (S.ii,137)

1) … Trú ở Sàvatthi.

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn đi đến đoạn tận, diệt tận, trừ hai hay ba giọt nước. Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo? Cái gì là nhiều hơn, nước biển lớn đi đến đoạn tận, diệt tận, hay là hai hay ba giọt nước còn lại?

3) — Chính cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là nước của biển lớn đi đến đoạn tận, diệt tận. Ít hơn là hai hay ba giọt nước còn lại. Không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần có thể sánh bằng, khi so sánh nước của biển lớn đi đến đoạn tận, diệt tận với hai hay ba giọt nước còn lại.

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo…

IX. Ví Dụ Với Núi (S.ii,137)

1) … Trú ở Sàvatthi.

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, có người đặt bảy hòn sỏi lớn bằng hột cải trên vua núi Tuyết Sơn. Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo? Cái nào là nhiều hơn? Bảy hòn sỏi lớn bằng hột cải này được đặt trên núi hay là vua núi Tuyết Sơn.

3) — Chính cái này bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là vua núi Tuyết Sơn. Ít hơn là bảy hòn sỏi lớn bằng hột cải được đặt trên núi. Không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh vua núi Tuyết Sơn với bảy hòn sỏi lớn bằng hột cải được đặt trên núi.

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo…

X. Ví Dụ Núi (S.ii,138)

1) … Trú ở Sàvatthi.

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, núi Tuyết Sơn đi đến đoạn tận, diệt tận, chỉ còn lại bảy hòn sỏi lớn bằng hột cải. Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo? Cái nào là nhiều hơn? Núi Tuyết Sơn đi đến đoạn tận, diệt tận hay là bảy hòn sỏi lớn bằng hột cải được còn lại?

3) — Chính cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là núi Tuyết Sơn đi đến đoạn tận, diệt tận này. Ít hơn là bảy hòn sỏi lớn bằng hột cải còn lại này. Không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh núi Tuyết Sơn đi đến đoạn tận, diệt tận với bảy hòn sỏi lớn bằng hột cải còn lại.

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị Thánh đệ tử đã chứng được kiến cụ túc, đối với người đã chứng được minh kiến, cái này nhiều hơn, tức là khổ đã được đoạn tận, diệt tận. Ít hơn là khổ còn lại. Không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh với khổ uẩn trước đã được đoạn tận, tức là bảy lần nhiều hơn.

5) Như vậy lợi ích lớn thay, này các Tỷ-kheo, là pháp minh kiến; như vậy lợi ích lớn thay là chứng đắc pháp nhãn!

XI. Ví Dụ Núi (S.ii,138)

1) … Trú ở Sàvatthi.

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, các Ông đặt bảy hòn sỏi lớn bằng hột đậu trên vua núi Sineru (núi Tu-di). Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo? Cái nào là nhiều hơn? Bảy hòn sỏi lớn bằng hạt đậu được đặt trên núi)hay là vua núi Sineru?

3) — Chính cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là vua núi Sineru. Ít hơn là bảy hòn sỏi lớn bằng hột đậu được đặt trên núi. Không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần có thể sánh bằng, khi so sánh vua núi Sineru với bảy hòn sỏi lớn bằng hột đậu được đặt trên núi.

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, so sánh sự chứng đắc của vị Thánh đệ tử đã chứng kiến cụ túc, của người đã chứng minh kiến, thời sự chứng đắc của các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, du sĩ ngoại đạo không bằng một trăm lần, không bằng một ngàn lần, không bằng một trăm ngàn lần.

5) Cũng vậy, chứng đắc lớn, này các Tỷ-kheo, là kiến cụ túc, là người đã chứng được đại trí như vậy.

Source link

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 88

Post Views: 739