Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikāya) »» Tập III – Chương Một – Tương Ưng Uẩn (9)

Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikāya) »» Tập III – Chương Một – Tương Ưng Uẩn (9)

Dịch giả: Thích Minh Châu

   

  
(Download file MP3 
– 1.33 MB – Thời gian phát: 07 phút 46 giây.)

Đại Tạng Kinh Việt NamKính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:    

A. Nội dung

C. Năm Mươi Kinh Sau


I. Phẩm Biên

I. Biên Kinh (Tạp 3, Ðại 2,18b) (S.iii,157)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi…
3) — Có bốn biên này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn? Hữu thân biên, hữu thân tập khởi biên, hữu thân đoạn diệt biên, hữu thân đoạn diệt đạo biên.
4) Này các Tỷ-kheo, thế nào là thân biên? Phải trả lời là năm thủ uẩn. Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là năm thủ uẩn.
5) Này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu thân tập khởi biên? Chính là khát ái này, đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này, chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu thân tập khởi biên.
6) Này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu thân đoạn diệt biên? Chính là sự ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự xả ly, sự từ bỏ, sự giải thoát, sự thoát ly chấp trước. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu thân đoạn diệt biên.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu thân đoạn diệt đạo biên? Chính là Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu thân đoạn diệt đạo biên.

II. Khổ (S.iii,158)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi…
3) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về Khổ, Khổ tập khởi, Khổ đoạn diệt, Con đường đưa đến khổ đoạn diệt. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Khổ? Phải trả lời là năm thủ uẩn. Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn… thức thủ uẩn. Ðây gọi là Khổ, này các Tỷ-kheo.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Khổ tập khởi? Chính là khát ái này, đưa đến tái sanh… phi hữu ái. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Khổ tập khởi.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Khổ đoạn diệt? Chính là sự ly tham, đoạn diệt không dư tàn khát ái ấy, sự xả ly, sự từ bỏ, sự giải thoát, sự thoát ly chấp trước. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Khổ đoạn diệt.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Con đường đưa đến khổ đoạn diệt? Chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến… chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Con đường đưa đến khổ đoạn diệt.

III. Hữu Thân (Tạp 3, Ðại 2,18b) (S.iii,159)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi…
3) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về hữu thân, hữu thân tập khởi, hữu thân đoạn diệt, con đường đưa đến hữu thân đoạn diệt. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu thân? Phải trả lời rằng chính là năm thủ uẩn. Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu thân.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu thân tập khởi? Chính là khát ái này… Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu thân tập khởi.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu thân đoạn diệt? Chính là sự ly tham, đoạn diệt không có dư tàn khát ái ấy… sự thoát ly chấp trước. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu thân đoạn diệt.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến hữu thân đoạn diệt? Chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến… chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con đường đưa đến hữu thân đoạn diệt.

IV. Sở Biến Tri (Tạp 3, Ðại 2,19a) (S.iii,159)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi…
3) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông các pháp cần phải biến tri, sự biến tri và con người đã biến tri. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp cần phải biến tri? Sắc, này các Tỷ-kheo, là pháp cần phải biến tri. Thọ… tưởng… các hành… thức là pháp cần phải biến tri. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các pháp cần phải biến tri.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự biến tri? Sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sự biến tri.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con người đã biến tri? Cần phải trả lời là bậc A-la-hán. Bậc Tôn giả này, với tên như vậy, với dòng họ như vậy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con người đã biến tri.

V. Các Sa Môn (S.iii,160)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi…
3) — Có năm thủ uẩn, này các Tỷ-kheo. Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn… thức thủ uẩn.
4) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật biết vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm thủ uẩn này… như thật biết rõ…; tự mình chứng ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú.

VI. Các Sa Môn (S.iii,160)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi…
3) — Này các Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn này. Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.
4-5) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của năm thủ uẩn này… biết rõ…; tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú.

VII. Dự Lưu (S.iii,160)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi…
3) — Này các Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn này. Thế nào năm? Tức là sắc thủ uẩn… thức thủ uẩn.
4) Và khi nào vị Ða văn Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm thủ uẩn này, vị Ða văn Thánh đệ tử ấy, này các Tỷ-kheo, được gọi là vị Dự lưu, không còn bị thối thất, đã được quyết định, hướng đến Chánh Ðẳng Giác.

VIII. A-La-Hán (S.iii,161)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi…
3) — Này các Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn này. Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn… thức thủ uẩn.
4) Và khi nào vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của năm thủ uẩn này, được giải thoát không có chấp thủ. Vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, được gọi là vị A-la-hán, các lậu hoặc được đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã được đoạn tận, được giải thoát nhờ chánh trí.

IX. Dục Ðược Ðoạn Trừ (S.iii,161)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi…
3) — Này các Tỷ-kheo, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với sắc, hãy đoạn trừ nó. Như vậy, sắc ấy sẽ được đoạn trừ, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi lại trong tương lai.
4-6) Ðối với thọ… đối với tưởng… đối với các hành…
7) Này các Tỷ-kheo, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với thức, hãy đoạn trừ nó. Như vậy, thức sẽ được đoạn trừ, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi lại trong tương lai.

X. Dục Ðược Ðoạn Trừ (S.iii,161)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi…
3) — Này các Tỷ-kheo, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào, phàm có những chấp thủ phương tiện, tâm thủ trước, thiên chấp tùy miên nào đối với sắc… hãy đoạn trừ chúng. Như vậy, sắc ấy sẽ được đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ…
4-6)… Ðối với thọ… đối với tưởng… đối với các hành…
7) Này các Tỷ-kheo, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào, phàm có những chấp thủ phương tiện, tâm thủ trước, thiên chấp tùy miên nào đối với thức, hãy đoạn trừ chúng. Như vậy, thức ấy sẽ được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi lại trong tương lai.

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 110

Post Views: 809