Dịch giả: Thích Minh Châu
(Download file MP3 – 3.24 MB – Thời gian phát: 18 phút 53 giây.)
Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
Font chữ:
Trong thời đức Phật hiện tại, chúng sanh trong những gia đình khá giả, tại nhiều chỗ khác nhau, lấy chồng, có con, sống lo việc bếp nước trong gia đình. Họ đều chịu sự đau khổ khi con của họ bị chết. Rồi họ đi tìm đến Patàcàrà, đảnh lễ nàng, ngồi xuống một bên nàng và nói cho nàng biết nỗi đau khổ của họ. Patàcàrà, làm cho họ vơi bớt sự đau khổ, nói lên những bài kệ như sau:
137. Ông không biết con đường
Nó đến hay nó đi,
Từ đâu con trai đến,
Ông lại khóc: ‘Con tôi’.
138. Ông đâu biết con đường,
Nó đến hay nó đi,
Ông khóc nó làm gì?
Pháp hữu tình là vậy.
129. Không có ai yêu cầu,
Từ chỗ kia, nó đến,
Không có ai cho phép,
Từ chỗ này, nó đi,
Từ đâu, nó đến đây!
Ðược sống bấy nhiêu ngày.
130. Từ chỗ này nó đến,
Từ chỗ kia, nó đi,
Nó đến một con đường!
Nó đi một con đường,
Mệnh chung, hình sắc người,
Luân hồi, nó sẽ đi!
Ðến vậy, đi như kia,
Ở đây, khóc than gì?
Sau khi nghe nàng giảng, họ đều cảm thấy dao động và xin xuất gia, dưới sự hướng dẫn của Patàcàrà. Sau khi tinh cần triển khai thiền quán, chứng đạt được quả A-la-hán, với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Suy tư trên quả chứng của mình, các vị ấy lập lại bài kệ giáo hóa của Patàcàrà và cộng thêm những bài kệ của chính mình như sau:
131. Cây tên, khó thấy được,
Từ tim ta, nhổ lên:
Nàng diệt sầu vì con,
Sầu ấy ám ảnh ta.
132. Nay cây tên được nhổ
Không dục cầu, tịch tịnh
Ta quy y ẩn sĩ,
Phật, Pháp và chúng Tăng.
Về sau Tỷ-kheo-ni này rất giỏi về lời dạy của Patàcàrà, nên chúng được gọi là: tùy thuộc của Patàcàrà.
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm con một nhà quyền quý ở Vesàli. Khi nàng lớn, nàng được gả cho một người chồng tương xứng và nàng sống vui vẻ với người chồng. Khi có được đứa con, mới tập chạy, nó chết đi và nàng quá đau khổ vì đứa con chết. Khi các người bà con chữa bệnh cho chồng, nàng bỏ trốn và lang thang khắp đó đây cho đến khi nàng đến Mithìlà. Tại đây, nàng thấy đức Phật đang đi trên đường, tự tại, tự chế, làm chủ các căn. Khi thấy bậc Ðạo Sư và nhờ Phật lực nàng lấy lại được sự bình tĩnh. Rồi bậc Ðạo Sư thuyết pháp vắn tắt cho nàng, và nàng xin được xuất gia và bậc Ðạo Sư chấp nhận. Làm tất cả các bổn phận của mình, nàng an trú vào thiền quán, và với sự cố gắng vượt bực, với trí tuệ chín muồi, nàng chứng quả A-la-hán, vói pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Suy tư trên quả chứng của mình, nàng sung sướng nói lên niềm hân hoan của mình:
133. Ta sầu muộn vì con
Khổ, tâm cuồng tưởng loạn,
Lõa thể, tóc rối ren,
Ðời sống vậy, ta sống.
134. Lang thang đường, đống rác,
Nghĩa địa, đường xe đi,
Ba năm ta đã sống,
Kham khổ, chịu đói khát.
135. Rồi ta thấy Thiện Thệ,
Ðến thành Mi-thi-la,
Ðiều ngự kẻ chưa điều,
Bậc Giác Ngộ, vô úy.
136. Lấy lui tâm bình tĩnh,
Ta đảnh lễ đến gần.
Thương ta, Gotama,
Ngài thuyết pháp cho ta.
137. Nghe Ngài thuyết pháp xong,
Ta xuất gia, không nhà,
Tùy hành lời Ðạo Sư,
Ta chứng đạo an ổn.
138. Mọi sầu muộn chặt đứt,
Ðoạn tận, được chấm dứt,
Ta liễu tri nền gốc,
Từ đấy sầu muộn sanh.
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh nước Magadha (Ma-kiệt-đà) ở Sàgala, thuộc gia đình hoàng tộc, tên là Khemà. Nhan sắc đẹp đẽ, với da như vàng, nàng trở thành hoàng hậu Vua Bimbisàra. Khi Thế Tôn ở tại Veluvana (Trúc Lâm), nàng không đi đến yết kiến đức Phật vì sợ Thế Tôn chỉ trích lỗi của mình. Vua muốn nàng đi thăm Trúc Lâm, nên nhờ người tán thán ngôi vườn này, và cuối cùng nàng bằng lòng cùng vua đi đến tinh xá, không thấy Thế Tôn, nhưng muốn nàng thấy cho được Thế Tôn, dầu phải bắt nàng ở lại. Khi nàng sắp sửa từ giã tinh xá nhưng không gặp được Thế Tôn, các người hầu cận giữ nàng ở lại và đưa nàng đến gặp đức Thế Tôn một cách miễn cưỡng. Ðức Thế Tôn dùng thần lực hóa hiện một tiên nữ rất đẹp đang đứng quạt cho Ngài, sắc đẹp thắng xa sắc đẹp của nàng rất nhiều. Rồi trước mắt nàng, như nhân được hóa hiện ấy lớn lên trở thành già yếu răng rụng, tóc bạc, da nhăn và ngồi ngã xuống đất với chiếc quạt. Khemà thấy vậy, tự hỏi không biết thân mình có chịu hoàn cảnh tương tự hay không. Thế Tôn biết được tâm trạng của nàng bèn nói lên bài kệ:
Người đắm say các dục,
Tự lao mình xuống dòng,
Như nhện sa lưới dệt,
Người trí cắt trừ nó,
Bỏ mọi kệ không màng.
(Pháp cú, 347)
Tập Sớ ghi chép, khi bậc Ðạo Sư nói xong, nàng chứng quả A-la-hán với pháp tín thọ. Nhưng theo tập Apadàna, nàng chỉ mới chứng quả, Dự lưu và sau khi được phép vua cho xuất gia, nàng xuất gia và trở thành A-la-hán.
Sau đó, nàng tu tập thiền quán, có danh tiếng về môn tu này, và đức Phật khi ở Jetavana (Kỳ Viên) đã đặt nàng vào hạng thiền quán đệ nhất.
Một ngày kia, nàng ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây, Ác ma hiện lên, dưới hình thức một thanh niên và cám dỗ nàng với lòng dục như sau:
139. Nàng vừa trẻ vừa đẹp,
Ta vừa trẻ vừa xuân,
Với cung đàn năm điệu,
Hãy vui hưởng, Khemà.
Nàng trả lời:
140. Với thân hôi thối này,
Bệnh hoạn và mong manh,
Ta nhàm chán ghét bỏ,
Dục ái đã nhổ lên.
141. Dục ví như gươm giáo,
Các uẩn đoạn đầu đài,
Ðiều người nói dục lạc,
Nay ta đã xa lìa.
142. Mọi nơi, hỷ duyệt đoạn,
Khối si ám tan tành,
Hãy biết vậy, Ác ma!
Ngươi bị hại, Ma vương.
143. Ngươi đánh lễ vầng sao!
Ngươi thờ lửa rừng sâu,
Ngươi không biết như thật,
Kẻ ngu nghĩ rằng tịnh.
144. Còn ta, ta đảnh lễ,
Bậc Giác ngộ, Thượng nhân,
Giải thoát mọi khổ đau,
Hành lời Ðạo Sư dạy.
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Sàketa trong gia đình thủ khố nhà vua. Ðược gả chồng với con vị thủ khố tương xứng với gia đình, nàng sống hạnh phúc với chồng. Một hôm, trong khi đi dự lễ các Sao (Nakkhatakìlam), nàng đi về với những người hầu hạ, và nàng thấy bậc Ðạo Sư ở vườn Anjana. Nàng cảm thấy bị hấp dẫn, đến gần đảnh lễ ngài và nghe ngài thuyết pháp. Bậc Ðạo Sư biết căn cơ nàng đã chín muồi, nên đặc biệt thuyết pháp cho nàng, và thuyết pháp xong, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, với nghĩa tín thọ. Ðảnh lễ bậc Ðạo Sư, về nhà được chồng và cha mẹ chấp thuận và với sự đồng ý của bậc Ðạo Sư, nàng được xuất gia làm Tỷ-kheo-ni. Suy tư đến quả chứng của mình, nàng sung sướng nói lên như sau:
145. Trang sức, mặc áo đẹp
Vòng hoa, xức chiên đàn,
Ðeo mọi loại nữ trang
Cầm đầu chúng nữ tỳ.
146. Mang theo đồ ăn uống,
Nhiều món ăn cứng mềm,
Từ nhà ta đi ra,
Ði đến vườn thưởng ngoạn.
147. Tại đây ta vui chơi,
Rồi ta đi về nhà,
Ta thấy ngôi tinh xá,
Khi ta bước vào rừng,
Rừng tên Anjanà,
Tại xứ Sàketa.
148. Thấy hào quang thế giới,
Ðảnh lễ, ta tới gần,
Thương ta, bậc Pháp nhãn,
Ngài thuyết pháp cho ta.
149. Nghe xong bậc Ðại tiên,
Ta thể nhập chân lý,
Tại đấy ta chứng pháp,
Ly trần tạo bất tử.
150. Do liễu tri diệu pháp,
Ta xuất gia, không nhà,
Ba minh ta đạt được,
Không trống rỗng lời Phật.
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Sàketa, trong gia đình vị thủ kho Majjha. Vì nàng rất đẹp, nàng được tên là Anopanà (không ai sánh nổi). Khi nàng đến tuổi trưởng thành, nhiều con nhà giàu, các quan chức nhà vua, các hoàng tử, cử các sứ giả đến xin cưới nàng. Nghe tin vậy, nàng có tâm nguyện khác, nàng muốn sống đời sống không có gì hết. Nên nàng tìm đến bậc Ðạo Sư nghe ngài thuyết pháp, nhờ trí tuệ chín muồi, nhờ nhớ đến lời dạy, nhờ nhiệt tâm thiền quán, nàng chứng được quả thứ ba, quả Bất lai. Xin phép bậc Ðạo Sư cho xuất gia, nàng được nhận làm Tỷ-kheo-ni. Và đến ngày thứ bảy, nàng chứng được quả A-la-hán. Suy tư trên quả chứng, nàng sung sướng nói lên sự phấn khởi của mình:
151. Sanh gia đình cao quý,
Nhiều châu báu, tài sản,
Ðầy đủ dung sắc đẹp,
Con gái cưng Majjha.
152. Ðược con vua cầu hôn,
Con phú gia xin cưới,
Sứ giả đến cha ta,
Cho tôi Anopham.
153. Công chúa con gái ngài,
Cân nặng như thế nào
Tôi sẽ tặng tám lần
Bằng vàng ròng châu báu.
154. Ta thấy đấng Giác ngộ,
Bậc Thế Tôn vô thượng,
Ta đảnh lễ chân Ngài,
Ðến gần, ngồi một bên.
155. Thương ta, Gotama,
Ngài thuyết pháp cho ta.
Ngay tại chỗ ngồi ấy,
Ta chứng quả thứ ba.
156. Rồi ta cạo bỏ tóc,
Xuất gia, sống không nhà,
Hôm nay, đêm thứ bảy,
Khát ái được gột sạch.
Trước khi bậc Ðạo Sư ra đời, nàng được sanh ở Devadaha, trong gia đình Mahà-Suppabuddha. Tên gia đình của nàng là Gotama, và nàng là em gái của Mahàmàyà. Các thầy đoán tướng tiên đoán rằng các người con của hai chị em sẽ là vị chuyển luân vương. Vua Suddhodana, khi đến tuổi trưởng thành, cưới cả hai chị em. Sau đó, bậc Ðạo Sư đản sanh, và trong khi chuyển pháp luân, ngài đi đến Vesàli, và phụ vương được quả A-la-hán mệnh chung.
Rồi Mahàpajàpati muốn xuất gia, xin phép bậc Ðạo Sư nhưng không được chấp nhận. Rồi nàng cắt tóc, đắp y, và sau thời gỉảng kinh về tinh cần nỗ lực, nàng ra đi với năm trăm Thích-ca nữ mà các người chồng đã xuất gia, đi đến Vesàli, và xin bậc Ðạo Sư cho xuất gia, với sự can thiệp của Tôn giả Ananda. Bậc Ðạo Sư chấp nhận và dạy Tám kỉnh pháp cho các Tỷ-kheo-ni.
Sau khi xuất gia, Mahàpajàpati đến yết kiến đức Phật và đứng một bên Ngài thuyết pháp cho nàng, và nàng tinh cần tinh tấn chứng được quả A-la-hán với trí tuệ trực giác và phân tích năm trăm Tỷ-kheo-ni, sau khi nghe Nandaka giáo giới, chứng được sáu thắng trí.
Một ngày kia, khi bậc Ðạo Sư ngồi giữa thánh chúng tại tinh xá Jetavana (Kỳ Viên), Ngài xác nhận Mahàpajàpati là vị có kinh nghiệm đệ nhất, sống hưởng thọ hạnh phúc giải thoát, Niết-bàn. Ðể nói lên lòng biết ơn của mình, Mahàpajàpati tuyên bố chánh trí của mình trước mặt Thế Tôn, tán thán hạnh đức của Ngài đã giúp đỡ hộ trì cho nàng mà trước đây nàng không được gặp:
157. Bậc Giác ngộ anh hùng!
Con xin đảnh lễ Ngài,
Ngài là bậc Tối thượng,
Giữa mọi loài chúng sanh,
Ngài giải khổ cho con,
Cùng rất nhiều người khác.
158. Liễu tri mọi đau khổ,
Gột sạch nhân khát ái,
Con đường Thánh tám ngành,
Ðoạn diệt, ta chứng ngộ.
159. Trước ta sống là mẹ,
Là con, là cha, anh,
Là ông nội, ông ngoại,
Ðời sống trước là vậy,
Không rõ biết như thật,
Luân hồi, tìm không gặp.
160. Nay ta thấy Thế Tôn,
Thân này thân tối hậu,
Sanh tử được đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.
Siêng, tinh cần nỗ lực,
Thường, kiên trì tinh tấn,
Hãy thắng đệ tử Phật,
Hòa hợp, đảnh lễ Ngài.
Vì hạnh phúc nhiều người,
Ma-yà sanh Cù-đàm,
Giải tỏa nhóm khổ đau
Cho người bị bệnh chết?
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi trong một gia đình Bà-la-môn và tên là Guttà. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng nhàm chán đời sống gia đình và được phép gia đình cho xuất gia, dưới sự lãnh đạo của Mahàpajàpati. Sau đó dầu nàng hành trì với tín tâm, nhưng tâm của nàng cứ chạy theo ngoại cảnh và do vậy nàng không thiền định được. Rồi bậc Ðạo Sư muốn khích lệ nàng, phóng hào quang và hiện ra trước mặt nàng và nói lên bài kệ như sau:
163. Vì mục đích tối thượng,
Guttà, người xuất gia,
Từ bỏ cả con cái,
Cho đến bản thân mình,
Hãy nhiệt tâm hành trì,
Chớ để tâm chi phối.
164. Tâm lừa đảo chúng sanh,
Ưa ác ma lãnh vực,
Luân hồi nhiều đời sống,
Chúng dong ruổi, si mê.
165. Dục vọng và sân hận,
Kể cả với thân kiến,
Cộng thêm giới cấm thủ
Với nghi hoặc thứ năm.
166. Hỡi này, Tỷ-kheo-ni,
Từ bỏ kiết sử này,
Là hạ phần kiết sử,
Ngươi hết lại đời này.
167. Hãy tránh xa tham mạn,
Vô minh và trạo cử,
Chặt đứt kiến sử xong,
Ngươi sẽ dứt đau khổ.
168. Quảng bỏ vòng sanh tử,
Liễu tri sự tái sanh,
Hiện tại không ước vọng,
Ngươi sẽ sống an tịnh.
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Ràjagaha (Vương Xá) trong một gia đình thường dân, khi lớn lên nàng trở thành bạn của Khemà, đưa nàng trở thành Trưởng lão Ni, khi ấy còn là nữ cư sĩ. Khi nghe Khemà xuất gia, nàng nói: ‘Khemà là hoàng hậu còn xuất gia được, huống nữa là ta’. Nàng đi đến Khemà, và Khemà biết tâm nguyện căn cơ của nàng nên thuyết pháp, khiến nàng suy tư đến sanh lão bệnh tử và tìm được an ổn trong đạo pháp. Rồi Khemà cho nàng xuất gia, nàng hầu hạ, học hỏi làm tròn bổn phận của mình, tu tập thiền quán và khi trí tuệ thuần, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Rồi suy tư trên quả chứng của mình nàng nói lên sự sung sướng phấn khởi của nàng:
169. Bốn lần và năm lần
Ta ra khỏi tinh xá,
Tâm không được an tịnh,
Không chế ngự được tâm.
170. Ta đến Tỷ-kheo-ni,
Ta hỏi, đàm luận pháp,
Nàng thuyết pháp cho ta,
Về giới và về xứ.
171. Bốn sự thật bậc Thánh
Về các căn, các lực,
Giác chi, tám đường chánh,
Ðạt đạo tối thượng nghĩa.
172. Nghe lời vị ấy dạy,
Ta làm theo giáo huấn,
Trong đêm canh thứ nhất,
Ta nhớ đến đời trước.
173. Trong đêm canh chặng giữa
Thiên nhãn được thanh tịnh,
Trong đêm canh cuối cùng,
Khối si ám tan tành.
174. Từ đấy ta được sống,
Biến mãn thân hỷ lạc,
Ðêm thứ bảy, duỗi chân,
Khối si ám tan tành.
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 80