(Download file MP3 – 0.97 MB – Thời gian phát: 05 phút 37 giây.)
Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
Font chữ:
A. Nội dung
I. Chủng Loại (Tạp 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,240)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi…
3) — Này các Tỷ-kheo có bốn loại Nàga (rồng, rắn) về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Nàga từ trứng sanh, loại Nàga từ thai sanh, loại Nàga từ ẩm ướt sanh, loại Nàga hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Nàga theo sanh chủng.
II. Diệu Thắng (S.iii,240)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi…
4) — Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Nàga về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Nàga từ trứng sanh, loại Nàga từ thai sanh, loại Nàga từ ẩm ướt sanh, loại Nàga hóa sanh.
5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, loại Nàga từ thai sanh, loại từ ẩm ướt sanh, và loại hóa sanh thù thắng hơn loại Nàga từ trứng sanh.
6) Tại đây, này các Tỷ-kheo, loại Nàga từ ẩm ướt sanh và loại hóa sanh thù thắng hơn loại Nàga từ trứng sanh và từ thai sanh.
7) Tại đây, này các Tỷ-kheo, loại Nàga hóa sanh thù thắng hơn loại Nàga từ trứng sanh, loại từ thai sanh và loại từ ẩm ướt sanh.
Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Nàga theo sanh chủng.
III. Uposatha (Bố-tát) (S.iii,241)
1) Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
— Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây một số Nàga từ trứng sanh, sống giữ hạnh Uposatha và từ bỏ thân của chúng?
4) — Ở đây, này Tỷ-kheo, một số Nàga từ trứng sanh suy nghĩ như sau: “Trước đây chúng ta đã làm hai hạnh về thân, hai hạnh về lời nói, hai hạnh về ý. Do chúng ta làm hai hạnh về thân, hai hạnh về lời nói, hai hạnh về ý ấy, sau khi thân hoại mạng chung, chúng ta sanh cọng trú với các Nàga do trứng sanh.
5) Nếu nay chúng ta làm thiện hạnh về thân, thiện hạnh về lời nói, thiện hạnh về ý, như vậy khi thân hoại mạng chung, chúng ta có thể sanh thiện thú, thiên giới, thế giới này.
6) Vậy nay chúng ta hãy làm thiện hạnh về thân, thiện hạnh về lời nói, thiện hạnh về ý”.
7) Do nhân này, do duyên này, này Tỷ-kheo, ở đây một số Nàga do trứng sanh, sống giữ hạnh Uposatha và từ bỏ thân của chúng.
IV. Uposatha (S.iii,242)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi…
Rồi một Tỷ-kheo…
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
— Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây, một số Nàga từ thai sanh sống giữ hạnh Uposatha và từ bỏ thân của chúng?
4-6) (Như kinh trước)
7) — Do nhân này, do duyên này, này Tỷ-kheo, ở đây, một số Nàga từ thai sanh sống giữ hạnh Uposatha và từ bỏ thân của chúng.
V. Uposatha
(Như kinh trước chỉ thế vào: Loại Nàga từ ẩm ướt sanh ).
VI. Uposatha
(Như kinh trước, chỉ thế vào: Loại Nàga hóa sanh ).
VII. Nghe (S.iii,243)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi…
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
— Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây, một loại (chúng sanh), sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với các Nàga từ trứng sanh?
4) — Ở đây, này Tỷ-kheo, một loại (chúng sanh) làm hai hạnh về thân, làm hai hạnh về lời nói, làm hai hạnh về ý. Chúng nghe nói như sau: “Loại Nàga từ trứng sanh được thọ mạng lâu dài, nhan sắc thù thắng, hưởng thọ nhiều lạc”.
5) Chúng suy nghĩ như sau: “Ôi, mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, chúng ta có thể sanh cọng trú với loại Nàga từ trứng sanh!”
6) Sau khi thân hoại mạng chung, chúng được sanh cọng trú với loại Nàga từ trứng sanh.
7) Do nhân này, do duyên này, này Tỷ-kheo, ở đây, một loại (chúng sanh), sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với các Nàga từ trứng sanh.
VIII. Nghe
(Như kinh trước, chỉ thế vào: Loại Nàga từ thai sanh ).
IX. Nghe
(Như kinh trước, chỉ thế vào: Loại Nàga từ ẩm ướt sanh ).
X. Nghe
(Như kinh trước, chỉ thế vào: Loại Nàga hóa sanh ).
XI. Ủng Hộ Bố Thí (S.iii,244)
1-3)… Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
— Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây, một số (chúng sanh), sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với các Nàga từ trứng sanh?
4) — Ở đây, này Tỷ-kheo, có loại (chúng sanh) làm hai hạnh về thân, làm hai hạnh về lời nói, làm hai hạnh về ý. Chúng nghe nói như sau: “Các Nàga từ trứng sanh, thọ mạng lâu dài, nhan sắc thù thắng, thọ hưởng nhiều lạc”.
5) Chúng suy nghĩ như sau: “Ôi, mong rằng, sau khi thân hoại mạng chung, chúng ta được sanh cọng trú với các Nàga từ trứng sanh!”
6) Chúng bố thí đồ ăn. Sau khi thân hoại mạng chung, chúng được sanh cọng trú với các Nàga từ trứng sanh. Do nhân này, do duyên này, này Tỷ-kheo, ở đây, một loại (chúng sanh), sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với các Nàga từ trứng sanh. Chúng bố thí đồ uống… Chúng bố thí vải mặc… Chúng bố thí xe cộ… Chúng bố thí vòng hoa… Chúng bố thí hương… Chúng bố thí hương liệu xoa bóp… Chúng bố thí ngọa cụ… Chúng bố thí nhà cửa… Chúng bố thí đèn dầu. Sau khi thân hoại mạng chung, chúng được sanh cọng trú với các Nàga từ trứng sanh.
7) Do nhân này, do duyên này, này Tỷ-kheo, ở đây, một loại (chúng sanh), sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với các Nàga từ trứng sanh.
XII-XIV. Ủng Hộ Bố Thí (S.iii,245)
(Như kinh trên, câu hỏi được đặt ra với ba loại Nàga còn lại và câu trả lời nói lên theo mỗi trường hợp).
Hết phần Chương Tám – Tương Ưng Loài Rồng
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.